...GIAI THOẠI

Vương Trí Nhàn kể một giai thoại rất thật rằng: một hôm ông tình cờ nghe bài phê bình văn chương trên sóng phát thanh. Sau vài đoạn, rất tự tin, ông quay sang khoe với mấy người ngồi bên là đài đang đọc của mình đấy. Ông đinh ninh thế. Nào ngờ, cuối bài, phát thanh viên thông báo tác giả bài viết: Ngô Thảo! Ông đã hố, bởi ông viết giống người khác quá.Cũng có thể nói ngược lại: bởi thiên hạ viết giống ông quá!
Thế đấy, nói như nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, văn chương chúng ta mang tính tập thể rất cao, từ trong nước đến hải ngoại. Giai đoạn chiến tranh, sau khi đất nước thống nhất hay cả thời hậu đổi mới, nó vẫn vậy. Cũng có thể kể luôn thơ của các thi sĩ dân tộc thiểu số. Thời gian gần đây, thơ Sài Gòn có những đột phá táo bạo và bất ngờ, thế nhưng nó vẫn cứ tiềm ẩn tính tập thể, đâu đó. Tính tập thể, không phải bởi chúng ta kém tài năng hay thiếu kinh nghiệm sống hoặc văn nghệ sĩ nhiễm thói quan liêu tách rời quần chúng mà, theo tôi, bởi người viết chưa đầy đủ cô đơn cho tác phẩm

: Hà Nội & văn hóa phục vụ

Là một người Hà Nội gốc, lại sinh ra trong một gia đình thương gia, mẹ ông là một nhà buôn và vợ ông hiện vẫn theo nghiệp buôn bán, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn tỏ ra rất “dị ứng” với cung cách phục vụ kiểu “phở xếp hàng - cháo quát” của Hà Nội những thập kỷ vừa qua và ông khẳng định:
“Người buôn bán chân chính không ai làm thế”. Ông nói:

- Tôi dứt khoát từ chối bước vào những chỗ có cung cách phục vụ như thế. Tôi không thể ăn mà thấy ngon khi bị người bán hàng quát tháo hay tỏ thái độ coi thường, tôi cũng hết thấy ngon khi phải xếp hàng dài đến thế mới được ăn.

Theo tôi, cung cách phục vụ ấy không phải của những nhà buôn bán chân chính. Mẹ tôi, một người buôn bán cũ của Hà Nội, cũng luôn nói với các con rằng: ngày xưa không ai buôn bán thế!

Trong quan niệm của tôi, cung cách làm dịch vụ ấy là sản phẩm của thời bao cấp, thời mà người ta kiên trì thậm chí nhẫn nhục để xếp hàng, xếp hàng mua bất cứ mặt hàng gì, từ lạng đường, cân thịt cho đến dao cạo râu, cân gạo. Thời gian xếp hàng có khi làm được bao nhiêu việc, ra gấp mấy lần tiền trị giá các thứ hàng hóa ấy, nhưng người ta vẫn xếp hàng. Mua được hàng là thấy sung sướng rồi, bất kể giá trị hàng hóa như thế nào. Và người bán thì cứ tha hồ tỏ thái độ “gia ơn” cho người mua.

* Nhưng thưa ông, bao cấp đã được xóa bỏ 20 năm nay rồi, khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế” cũng đã được trưng lên từ rất lâu, sao người ta vẫn giữ nguyên cung cách ấy? Và kỳ lạ nhất là tại sao người tiêu dùng vẫn chấp nhận cung cách ấy?

- Chính quan hệ ban phát - cầu cạnh thời bao cấp đã sinh ra một lớp người tiêu dùng không thật sự là người tiêu dùng. Nói sâu xa hơn thì xã hội dân sự của chúng ta mới đang manh nha, từ năm 1945 đến nay chúng ta chưa bao giờ sống cuộc sống thật sự bình thường nên nhu cầu của một công dân trong xã hội dân sự của chúng ta còn chưa phát triển đầy đủ.

Chính vì thế người tiêu dùng rất thiếu tự tin khi đi mua hàng và sử dụng dịch vụ. Chúng ta khắc sâu trong tâm khảm câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mà không biết rằng mặt khác, người trồng cây cũng phải biết ơn kẻ ăn quả, nếu không thì quả của họ trồng xong, hái xuống... chất đống. Một thời gian quá dài chúng ta sung sướng vì “có hàng mà mua là tốt rồi”, còn bây giờ vẫn có những người hăm hở xếp hàng để cho thiên hạ thấy “đông thế mà tôi vẫn chen vào được” hoặc “chỗ ấy toàn người sành điệu, trong đó có tôi”.

Thật ra, có thể tôi hơi cực đoan, nhưng đó vẫn là tâm lý thời chiến: thời chiến, chúng ta phá cái gì đó bằng mọi cách, mọi giá, bây giờ lại mua (xây dựng) cái gì đó bằng mọi cách, mọi giá. Việc xếp hàng một cách khó hiểu và chấp nhận mua đắt một cách khó hiểu một bát phở, một ly cà phê chính là những giọt thói quen đưa người ta đến việc xây dựng một công trình đắt một cách khó hiểu.

Vợ tôi có một cửa hàng bán buôn đồng hồ và đồ điện tử ở phố Đồng Xuân. Bà ấy luôn luôn ngạc nhiên nói với tôi: nói thật đúng giá khó bán hàng lắm. Người ta chỉ thích cái gì thật đắt, vì nghĩ đắt thì mới xịn.

Nghe thấy vô lý, nhưng nghĩ lại thì thấy đúng: những khách hàng đó thuộc hai loại: thích chứng tỏ mình sành điệu, nổi bật và việc mua một mặt hàng nào đó với chất lượng tốt và giá cả hợp lý không quan trọng bằng việc mua thật đắt để thể hiện đẳng cấp của mình. Loại thứ hai là mua để biếu, để đút lót và khi đó giá cả là điều đầu tiên để thể hiện “giá trị tình cảm”. Với những loại người tiêu dùng trên đây, qui luật cung cầu, qui luật giá trị của thị trường chân chính đã mất hết giá trị.

Vì thế, đừng ngạc nhiên là các cửa hàng kiểu bao cấp vẫn còn đến bây giờ, những con người của thời đó, nếp nghĩ của thời đó vẫn còn hoặc đã biến tướng về hình thức nhưng bản chất vẫn còn thì cung cách mua bán đó vẫn còn là đương nhiên thôi.

* Nhưng thưa ông, có nhiều người lại cho rằng những cảnh “xếp hàng” đó lại rất đặc trưng của Hà Nội, nó tạo sự độc đáo, thậm chí duyên dáng, lạ lẫm cho một Hà Nội xưa, đối lập với “cung cách thị trường xô bồ và hiện đại”. Và họ cho rằng nên giữ lấy nó, như là giữ gìn kiến trúc khu phố cổ vậy?

- Đó là ngụy biện. Tôi đã nói, như tôi biết, người Hà Nội xưa không buôn bán thế, nếu họ hết hàng sớm và không bán nữa là vì khách chỉ ăn chừng ấy và ăn vào giờ ấy chứ không phải họ áp đặt cho khách chỉ được ăn chừng ấy vào giờ ấy. Còn thái độ phục vụ thì không thể chê được, không chỉ là sự chu đáo và tận tình, khéo léo, được đào tạo bài bản theo tiêu chí “văn minh thương mại” như ở TP.HCM và một số thành phố nước ngoài khác, nó còn có thêm cái duyên của tình nghĩa: tình hàng xóm (cùng khu phố, quen nhau cả), tình cảm tri ân của người bán với người mua (anh mua thì tôi chóng hết hàng).

Đó mới là cái cần giữ, nhưng tiếc là nó đã bị phôi pha hết trong những năm dài bao cấp rồi. Còn cái cung cách quát tháo và vẻ mặt như đâm lê của mấy bà mấy cô bán hàng, thậm chí cả những cô bán sách trong hiệu sách quốc văn, tôi xin nói thật, chỉ làm cho chúng ta xấu hổ mỗi khi có khách đến Hà Nội. Là một người Hà Nội và rất chia sẻ với nghề buôn bán qua các thời, theo tôi, cái “cung cách mậu dịch” ấy cần được chấm dứt càng sớm càng tốt, khi đó chúng ta càng ít có nguy cơ gặp phải sự xấu hổ và bị xúc phạm.

THU HÀ thực hiện

Tự nhận thức cái xấu ở mình là cách tốt nhất để trở nên tốt hơn

Trong thời gian tới, nhà văn Vương Trí Nhàn sẽ cho ra đời một quyển sách tạm đặt tên là tên “Thói hư tật xấu của người Việt”, trong đó sưu tầm những lời cảnh tỉnh của các nhà trí thức đầu thế kỷ XX đối với một số khía cạnh tiêu cực trong nếp sống cộng đồng đã kéo dài trong lịch sử .Cuốn sách đã được hình thành ra sao ? Đây là cuộc đối thoại trực tiếp của phóng viên Thời đại với tác giả

1. Xin ông cho biết, tại sao ông lại có ý định cho ra đời một tập sách người mình “tự kể xấu” mình như vậy ?
Với tư cách một người viết văn , một trí thức , tôi thấy đời sống hiện nay đầy rẫy những bất cập. Sự băng hoại đạo đức, “chất người” kém đi ...Ví dụ nhỏ tôi mới đọc được trên báo : một bảo tàng ở thành phố HCM buổi trưa không mở cửa, bác xích lô biết mà vẫn chở khách du lịch nước ngoài đến, cốt là lấy tiền. Có thể nói cách sống ấy ở ta quá phổ biến . Sống càn rỡ , sống dối trá . Lười biếng , ẩu xị . Rồi người nọ hành người kia: Ông y tế kiếm tiền trên giá thuốc của bệnh nhân, bệnh nhân làm giáo viên thì hành phụ huynh, phụ huynh làm xây dựng lại lo “rút ruột ‘ công trình … Cứ như thế , cả loạt dây chuyền tiêu cực liên tiếp vận hành. Biết bao nhiêu thói hư tật xấu đang cản trở xã hội phát triển.
Muốn cắt nghĩa cái hỏng, cái yếu cái kém trong từng trường hợp cụ thể thì phải nhìn sâu vào cả cái chung của cộng đồng xã hội , trong sự liên tục của thời gian . Một hướng làm việc là đi vào tìm hiểu các vấn đề này trong các tài liệu lịch sử . Còn đang ít người làm theo hướng này , nên tôi chọn để làm .
Tôi cho rằng nói về thói hư tật xấu của dân mình là một trong những phần sâu sắc nhất trong di sản của các bậc tiền nhân , nhất là thế hệ các trí thức đầu thế kỷ XX , mà tiếc thay người ngày nay lại ít biết .
Tôi có cảm giác là gần đây ta chỉ lo thúc giục nhau hành động hơn là cùng nhau suy nghĩ. Muốn bay lên , một việc quan trọng hơn là tự nhận thức xem mình có cái gì hay, cái gì dở , nhược điểm ra sao, có bay nổi không , khi bay thường vướng chuyện gì – với tôi đây là công việc của lương tâm và trách nhiệm .
Sách của ta trích dẫn người nước ngoài nói về VN phần lớn chỉ trích lời khen, nếu gặp lời chê thì lập tức đặt vấn đề tại sao lại chê như thế, có phải muốn hạ bệ người VN … Trong những lúc ấy , thật ta chẳng khác trẻ con chỉ thích xoa đầu khen, đúng như Tản Đà đã khái quát “Dân hai mươi triệu ai người lớn, nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

2. Như thế có phải là ông "vạch áo cho người xem lưng" không?
Bước sang thời hiện đại , các dân tộc trên thế giới đều có xu thế đem chính mình ra để khảo tả , đặt vấn đề , tự phê phán . Loại sách "Người Nga kỳ cục ", "Người Trung Quốc xấu xí", "Mặt dày tim đen"...nước nào cũng có . Bởi họ đều nghĩ che giấu nhiều quá, không dám tự “vạch áo” thì không bao giờ sửa được những tính xấu vốn có. Ta cũng vậy . Chính nhu cầu phát triển đất nước đòi hỏi cái hành động tự nhận thức khá đau xót nhưng rất cần thiết này .
Gần đây, quyển hồi ký của Lê Vân, làm nhiều người bị sốc . Họ bảo tại sao lại để con cái nói xấu bố mẹ , như vậy là hư hỏng. Tôi không cho là vậy. Dù rất yêu quý bố mẹ nhưng mỗi người cũng phải biết rõ nhược điểm của bố mẹ. Đó không phải là nói xấu mà là đang nhận thức. Tôi có kinh nghiệm khi nhận ra thói xấu của bố mẹ mình cũng là lúc mình thương các cụ hơn . Với cả cộng đồng cũng vậy. “Vạch áo cho người xem lưng” là để thấy rõ tật bệnh rồi sống khỏe mạnh hơn , có gì là ngại ?

3. Nghiên cứu tài liệu nói về thói xấu của người Việt thời xưa, ông thấy thói xấu của người thời xưa và người thời nay có khác nhau không?
Có người hỏi nhà văn Tô Hoài: “Người bây giờ hay người ngày xưa xấu hơn?” Ông trả lời: “Cũng thế thôi, nhưng người bây giờ giỏi che giấu hơn, hay lí sự hơn.” Tôi cũng cảm thấy vậy . Ví như tầm nhìn hạn hẹp . Trước kia bệnh này nẩy sinh là do con người nông thôn không ra khỏi làng xã . Bây giờ chúng ta vẫn giữ . Hiểu biết thế giới quá ít , do quen sống co mình lại , nên ta thường gặp khó khăn trong việc hội nhập. Hoặc các cụ xưa đã kêu là dân mình cờ bạc bất tử, ăn tiêu phung phí, bây giờ thay đổi gì đâu . Lại thêm những thói xấu do học đòi những cái xấu của thiên hạ nữa chứ .


4. Khi phân tích thói hư thói xấu ông có đề cập đến cách thức sửa chữa không? Ai sẽ tham gia vào việc khó khăn này ?
Các thói xấu chỉ giảm đi với điều kiện chúng ta nhận thức được nó, giống như người ốm chỉ lành bệnh nếu có người gọi ra bệnh của mình.
Việc tôi làm chỉ là nhen một đốm lửa nhỏ . Cần có sự đồng thuận của nhiều người . Và trước tiên cần có sự đóng góp của các nhà trí thức . Đến lúc nào đó , mảng tài liệu này sẽ trở thành một bộ phận của bộ môn VN học , những lời cảnh tỉnh của người xưa đến được với mỗi gia đình và được đưa vào nhà trường dạy, chỉ có thế thì việc sửa chữa thói hư tật xấu trong phạm vi cộng đồng mới có hiệu quả

5. Trong tương lai, khi thời đại thay đổi, có thể sẽ nảy sinh ra những thói xấu khác. Có thể hiểu thói xấu không bao giờ hết được, vậy việc ông làm có phải là “dã tràng xe cát" không?
Không. Cái chính là chúng ta bắt tay làm đi, rồi vừa làm vừa nghĩ tiếp , lớp trẻ hơn làm tiếp việc của đám lớn tuổi .Việc đời cứ móc xích vào nhau, việc nọ liên quan tới việc kia nên chẳng ngại là không bao giờ hoàn chỉnh. Tin rằng còn nhiều con đường khác sẽ được mở ra để đi đến cái đích cuối cùng là tự nhận thức.

7. Nghĩa là ông không hề thấy "cô đơn" khi làm việc?
Không! Tôi rất thích câu của nhà văn Sêkhốp: “Một con người sẽ tốt hơn nếu chúng ta bảo cho anh ta biết anh ta là người thế nào”. Nhu cầu tự nhận thức là nhu cầu chung của con người hiện đại . Quan trọng là mình phải tìm ra cách làm thích hợp.
Thực tế thì cũng không phải mình tôi nghĩ về việc này mà đã có rất nhiều người nghĩ đến, thậm chí đã làm. Chẳng hạn, GS Cao Xuân Hạo, cố GS Trần Quốc Vượng ... đã từng bàn . Trong lịch sử cũng vậy, văn học dân gian cũng đã tổng kết kiểu “bạc như dân, bất nhân như lính” hay “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, “đói ăn vụng, túng làm càn”. Đến thế kỷ 20, với việc tiếp nhận văn hóa phương Tây một số trí thức cũng đã có những cái nhìn mới về vấn đề này. Như cụ Phan Bội Châu có nhiều bài đánh giá tình hình chung của đất nước rất thắng thắn, cụ Phan Châu Trinh rất hiểu tâm lý dân tộc, cụ bảo là cứ mất đoàn kết thế này, cứ hư hỏng thế này thì có độc lập cũng chẳng làm được gì. Chưa kể đến các nhà học giả như Phan Kế Bính , Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Huyên .. là những người có cái nhìn dân tộc rất chính xác; hoặc khi mô tả hiện thực thời hiện đại , ngòi bút của những Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan , Nam Cao không né tránh , họ đã ghi nhận được nhiều cái xấu của người mình .... Như thế thì làm sao lại bảo tôi cô đơn .


Thu Hiền (thực hiện)

"8X, 9X già hơn chúng tôi"

"Tôi mong là tôi sai, nhưng tôi có cảm nhận các bạn trẻ hiện nay hơi kiêu. Các bạn hay tự hào rằng mình là thế hệ 8X, 9X thì có cái gì đó mới mẻ hơn thế hệ trước. Nhưng tôi thấy các bạn có cái già hơn chúng tôi, già trong ý nghĩ, tầm nhìn, khát vọng..."

Chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh” của nhà văn Vương Trí Nhàn đã nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà những lời “cảnh tỉnh” này được giới trẻ đón nhận đến thế. Có lẽ họ đã tìm được ở Vương Trí Nhàn những sẻ chia tâm huyết như người “trong nhà”.

Thưa nhà văn, trong chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh” giới trẻ có phải là đối tượng được ông quan tâm và đề cập nhiều?

Vấn đề giới trẻ là vấn đề của xã hội, không ai có quyền nói rằng mình không quan tâm đến giới trẻ. Quan tâm đến giới trẻ là điều tất yếu của những người làm nghề văn chương.

Nhà văn Nguyễn Khải nói rằng: “Nói chuyện với giới trẻ là thích nhất bởi nó vừa khó vừa thú vị. Khó ở chỗ, nếu nói chán thì họ không nghe và bỏ ngay bởi mình không phải là những người chấm bài cho chúng. Nhưng nó thú vị khi mình nói hay thì họ rất hứng thú”. Và tôi học được nhiều điều từ giới trẻ.

Mới đây, trong một bài viết ông có đề cập đến vấn đề “rác” văn hoá đang ảnh hưởng đến giới trẻ. “Rác” ở đây hiểu như thế nào thưa nhà văn?

Trước đây chúng ta chưa quan hệ mở rộng cửa với nước ngoài, nhưng gần đây chúng ta đã mở rộng nên những thông tin trên mạng, báo chí, sự cập nhật thông tin rất mới mẻ tràn lan.

Tuy nhiên bên cạnh điều đáng mừng thì cũng bộc lộ nhiều cái “dở”. Xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên sính ngoại, học đòi nhiều quá, từ đầu tóc, guốc dép đến quần áo...

Theo dõi người mẫu trình diễn trên tivi, tôi thấy họ thay đổi nhiều quá. Mỗi năm một mốt, vậy cái gì sẽ là cái chuẩn? Có lẽ chúng ta vẫn chưa có. Tôi không dám nói tất cả đều rởm nhưng sự tiếp nhận quá ồ ạt dẫn đến tình trạng chúng ta chưa kết tinh, chắt lọc được tinh tuý... Cái hay thì không tiếp nhận được mà cái dở, cái kém thì lại du nhập.

Đấy là nói về khía cạnh “rác” văn hoá, chứ còn “rác” hiện đại đúng nghĩa đen thì “rác” của họ còn tốt chán. Có vứt cái chai ra ngoài đường thì cũng khối người nhặt về dùng lại.

Vậy lỗi ở đây thuộc về những người định hướng ?

Sự tiếp nhận nước ngoài của chúng ta mang nặng tính tự phát chứ chưa có sự hiểu biết và thắt chặt mặt quản lý. Ví dụ một điều rất nhỏ trong việc chiếu quá nhiều phim Hàn Quốc. Người du nhập phim ảnh, văn hoá của họ liệu đã hiểu biết về lịch sử, văn hoá, con người của họ? Có lẽ chưa có. Ta mới chỉ mang máng thấy họ chiếu nhiều trên ti vi và thấy hợp thì mang về.

Rất nhiều bộ phim hay đặc trưng tính lịch sử văn hoá... của người Hàn Quốc thì chúng ta chưa được xem, chúng ta đang xem toàn những mối tình tay ba yêu lâm ly chết bi thảm. Chắc hẳn ngoài mục đích giải trí đơn thuần, thanh niên khó học được gì nhiều ở đó.

Áp dụng vào bản thân mình, khi cầm bút ông có cân nhắc xem giới trẻ đang thiếu gì? cần gì? muốn đọc gì? hay ông chỉ viết theo thế mạnh và sự yêu thích của bản thân?

Tôi cân nhắc cả hai yếu tố đó. Cách đây mấy chục năm, người viết chỉ biết mình viết cái gì mà không quan tâm chú ý đến bạn đọc, còn bây giờ đã chú ý đến bạn đọc nhiều hơn nhưng cũng xảy ra tình trạng chiều nịnh ve vuốt bạn đọc.

Tôi không đồng tình với những cây bút đó. Tôi có thể mang đến cho bạn đọc những điều mà trước mắt họ chưa thích nhưng càng đọc họ sẽ thấy đây thực sự là cái mình cần.

Tôi quan niệm đối với người viết văn cần đáp ứng nhu cầu của bạn đọc nhưng phải đáp ứng nhu cầu sang trọng, cao quý của họ chứ không nên đáp ứng nhu cầu tầm thường dễ dãi của người đọc. Nhà văn nào viết chỉ để đáp ứng cả những điều tầm thường dễ dãi của độc giả thì chắc chắn sẽ không có chỗ đứng trong lịch sử.

Một số bạn trẻ hiện nay có nói rằng: họ chưa có nhiều những cuốn sách đúng gu, đúng mong muốn đọc gì xem gì phù hợp với lứa tuổi. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Quả thực, lớp trẻ hiện nay chưa có được những tác giả của mình (vừa để đọc, để học, vừa để họ nâng cao). Nhưng để khắc phục điều này cũng rất khó, nó đòi hỏi sự cố gắng của toàn xã hội. Song nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhiều nước Đông Nam Á cũng đang rơi vào tình trạng như chúng ta.

Cảm nhận riêng của ông về thế hệ trẻ hiện nay?

Tôi mong là tôi sai, nhưng tôi có cảm nhận các bạn trẻ hiện nay hơi kiêu. Các bạn hay tự hào rằng mình là thế hệ 8X, 9X thì có cái gì đó mới mẻ hơn thế hệ trước. Nhưng tôi thấy các bạn có cái già hơn chúng tôi, già trong ý nghĩ, tầm nhìn, khát vọng. Còn cái tự nhiên hơn, bất cần hơn... thì đó đâu có phải cái hay ho đáng tự hào.

Không ít thanh niên đang bị lôi cuốn theo tệ nạn của xã hội, nhưng những sân chơi bổ ích, lôi cuốn lành mạnh để họ đi đúng hướng thì chưa nhiều?

Tôi rất thông cảm với các bạn trẻ về điều này. Bên trong sai lầm của giới trẻ luôn có sự trống trải trong tâm hồn. Có thể phía bản thân họ chưa chuẩn bị tốt hành trang bước vào cuộc sống, nhưng có khi gia đình, xã hội cũng chưa thực sự là điểm tựa của họ.

Sân chơi cho giới trẻ hiện nay không chỉ ít mà nếu có thì cũng chỉ là mục đích tốt nhưng thực hiện kém. Và đôi khi chúng bị biến thành nơi đầu cơ, kiếm lời của một số người.

Ông chia sẻ với giới trẻ có xuất phát từ sự thấu hiểu của một người cha biết được con mình muốn đọc gì, chơi gì? hay từ thực trạng đã có ngoài xã hội?

Tôi làm công việc viết văn nhưng tôi lại sống với gia đình khá nhiều. Một năm tôi chỉ không ăn cơm trưa ở nhà vài buổi còn lại tôi luôn sống gần gũi với chúng.

Tôi luôn quan tâm đến chúng trong mọi vấn đề, tìm ra những điều gì chúng khác với thế hệ của tôi và chúng mong muốn gì. Tôi ngẫm thấy, dạy con sẽ biết được xã hội của nó. Đó chính là cần ăng ten của tôi nối với xã hội.

Một lời khuyên của ông với lớp trẻ hôm nay

Các bạn nên dành thời gian để sống một mình, đơn độc suy nghĩ tính toán, hãy làm khác đi và vượt qua thói quen cũ. Hãy có những khát vọng cao quý cho bản thân.

Xin cám ơn nhà văn.

Thứ tư, 17 Tháng một 2007 Giáo dục & thời đại

Giao thông VN - tiếp cận từ văn hóa

Mặc cho những nỗ lực từ để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, đây vẫn là vấn đề gây bức xúc lớn. Từ góc độ văn hoá, ông Vương Trí Nhàn - người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Việt có thêm một số kiến giải.

- Thưa ông Vương Trí Nhàn, những số liệu về tình hình vi phạm luật giao thông và tai nạn giao thông hàng ngày tự nó đã cho thấy sự phức tạp của vấn đề này, từ góc nhìn văn hóa và tâm lý xã hội, ông có nhận định gì?

Ông Vương Trí Nhàn: Tôi tiếp nhận các tin tức đó tương đối bình thản, tôi nghĩ rằng khó mà khác được. Hàng ngày hàng giờ các yếu tố bình thường đã chuẩn bị cho điều đó rồi, chỉ cần trông cách đi lại thôi thì mình biết rằng thể nào cũng có tai nạn, trông con mắt của người đi đường thôi, cái cách nhìn băm bổ, cách bóp còi, cách ông ấy vượt đường thì mình biết rằng thế này thì làm sao thoát khỏi tai nạn !?

Ảnh: autonet.com.vn

- Phải chăng ông đang nói đến sự tất yếu của nó?

Ông Vương Trí Nhàn: Vâng, tôi muốn nói là nó là không thể khác. Chúng ta phải nhìn vấn đề an toàn giao thông rộng hơn, không thể nóng vội được. Tôi không ngớ ngẩn gì mà kêu gọi chúng ta chấp nhận nó, nhưng mà sự thực nhiều lúc phải chấp nhận nó và phải coi rằng là, muốn có an toàn giao thông thì phải có cách tổ chức giao thông khác hẳn, và ở đó phải có văn hóa giao thông.
ào ?
- Thưa ông, chúng ta sẽ phải hiểu về khái niệm này như thế nào?

Ông Vương Trí Nhàn: Ở Việt Nam tôi thấy còn nhiều cái tự phát và tôi có một suy nghĩ thế này, người Việt ít đặt đầu óc mình vào đi lại vào giao thông, tôi có đọc một cuốn tục ngữ thành ngữ Việt Nam, trong đó có 400 trăm câu bàn về chữ nói, nhưng chỉ có 70 câu bàn về chữ đi, tức là đối với người Việt Nam, đi là cái gì đó bình thường, không đáng quan tâm, nhưng thực ra đều phải nghĩ về nó mới có thể tìm được cách đi tốt hơn. Trong cách đi của người Việt có thể thấy được tính cách của người đó, có thể thấy được nét văn hóa của người đó, đời sống tinh thần của họ ra sao, họ sống bằng lý trí hay bằng bản năng, họ quan niệm đời sống như thế nào? Cái đó cũng đúng với cả xã hội.

- Thói quen là một nét của văn hóa, người Việt thích sự tiện lợi. Chẳng hạn, người ta thích ngồi những quán cà phê vỉa hè, thích ngồi những quán bia dọc đường, hay thích rửa, sửa xe cộ ở những cửa hiệu bên lề đường…Ông có kiến giải nào về câu chuyện này không?

Ông Vương Trí Nhàn: Cái mà anh gọi là tiện lợi, thực ra đó là cẩu thả, tùy tiện và quan niệm sai về tự do, đường là cái chung, ai muốn làm gì thì làm, tôi đã chiếm được đoạn đường này rồi thì anh đi chỗ khác. Tất cả những cái cẩu thả ấy nằm trong cái nguyên nhân là anh không xác định được mối quan hệ của anh với xã hội.

Tôi cho rằng, con đường là biểu hiện cái chung của xã hội, và hiện nay cái chung ấy luôn luôn bị mọi người xâu xé, ai chiếm được thì người đó được. Tôi thấy rất nhiều hàng nước cứ rê ra ngoài để lấn thêm tí chút nữa và người bán hàng đó cảm thấy sung sướng lắm!

Hay là có nhiều người còn tỏ ra là họ bất cần đời đấy! Họ phô ra cái sự liều lĩnh, cái sự tùy tiện, sự trâng tráo của họ! Tôi thấy có nhiều người để xe trên đường, mặc cho những người đi lại đoạn đường ấy rất khó khăn, nhưng họ vẫn trơ ra, không có gì áy náy cả, đó dường như là tình trạng của xã hội ngày nay !

- Như ông nói thì liệu rằng có phải văn hóa trong ứng xử giao thông của chúng ta đã rất đáng báo động?

Ông Vương Trí Nhàn: Tôi muốn nói là chúng ta phải nghĩ về việc làm người của chúng ta. Tôi thấy lâu nay báo chí thường chỉ nói ở tính công dân, luật pháp, nhưng mà chúng ta cũng cần nghĩ về người khác chứ không phải chỉ nghĩ đến bản thân mình. Cần phải suy nghĩ về sự tự trọng của con người!

Không phải việc mình vượt đèn đỏ mà không ai bắt được là cảm thấy sung sướng. Tôi thấy cái sung sướng đó tầm thường quá, nhỏ bé quá, buồn cười quá!!! Cũng như cái việc chúng ta bóp còi inh ỏi. Nó chứng tỏ chúng ta rất nông nổi. Vì tôi biết rằng có nhiều người cố vội lên một tý cũng chẳng để làm gì cả, rồi lại đến chỗ nào đó như hàng nước ngồi tán chuyện chả để làm gì! Mình không làm chủ nổi mình nữa! Chỉ cần đứng ngoài mà nhìn thì sẽ thấy chúng ta buồn cười làm sao!

- Thực ra riêng văn hóa giao thông, thì liệu có thể giải quyết được tất cả các vấn đề về thông hay không? Liệu rằng khi đặt vấn đề này thì chúng ta có tham vọng quá không?

Ông Vương Trí Nhàn: Tôi thấy chỉ đặt vấn đề ý thức, luật pháp là không ổn. Nhiều lúc lẩn mẩn đi trên đường tôi nghĩ, nếu bây giờ ai vi phạm luật giao thông thì không cho họ tham gia giao thông một thời gian thì may chăng họ mới biết sợ? Thế nhưng sự thực vấn đề cuối cùng không phải như vậy. Con người ta vẫn có cái liều lĩnh của họ, tôi vừa đọc bài báo, nói về việc người dân ở Quảng Bình hay đâu đó, biết rằng cá nóc độc nhưng họ vẫn ăn, những người nông dân biết phun thuốc sâu là hại nhưng họ vẫn phun, chúng ta sống quen như thế rồi.

Tôi cho rằng các vấn đề về luật pháp, ý thức là rất cần thiết và phải chuẩn hóa hơn nữa, đừng có dễ dãi như hiện nay. Thế nhưng, cuối cùng, chúng ta vẫn phải xây dựng một xã hội có văn hóa hơn nữa, chúng ta phải làm cho con người có văn hóa hơn nữa. Văn hóa là thế nào, là sống có ý thức, suy nghĩ hiểu biết mình đang sống trong một đất nước như thế nào, thế nào là con người đáng sống, đáng trọng.

- Trên cơ sở những phân tích như trên, ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa, người có nhãn quan của một nhà phân tích tâm lý xã hội ông có kiến giải gì để thực thi được văn hóa trong giao thông ?

Ông Vương Trí Nhàn: Chúng ta đã có nhiều giải pháp rồi, tôi chỉ đề nghị các giải pháp đó phải luôn luôn được kiểm tra, nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần nghiên cứu, trở lại lịch sử tìm ra những nguyên nhân sâu xa của nó. Chứ nếu chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tượng thôi mà không biết tại sao họ lại đi vội như thế, tại sao họ lại gây ra tai nạn như thế thì không được. Tôi kêu gọi cần phải có sự nghiên cứu về văn hóa, phải có sự vào cuộc của các nhà xã hội học. Tôi có một kinh nghiệm là, ai sống văn hóa thì người đó ít gây ra tai nạn, họ thường để ý chung quanh mình, hiểu biết chung về con người, hiểu biết chung về xã hội.

*
Nguyễn Cường thực hiện19/05/2008 tuanvietnam

“CÂN ĐO” LÀ CẦN …… NHƯNG XIN PHÉP CHO TÔI LÀM CÁCH KHÁC


1. Theo anh, công việc của nhà phê bình là gì? Vai trò của nhà phê bình đối với sáng tạo văn học?


-- “Nhà phê bình là kẻ quan sát suy nghĩ và viết để nhận diện cuộc đời thông qua nghiên cứu các tác giả và tác phẩm văn học “
Xin nói rõ hơn một chút. Tôi biết nhiều người không hiểu vậy. Đại khái,cả người viết phê bình lẫn người đọc phê bình thường cho rằng nhà phê bình là một thứ cân, chuyên môn “cân đo” đánh giá các nhà văn các tác phẩm.
Người ta cũng hay coi phê bình là một thứ dây leo mưu sinh bằng cách ăn nhờ ở đậu giới nhà văn. Trong khái niệm người sáng tác,không có họ.
Tôi không tự coi mình là kẻ chầu rìa như vậy. Nhà phê bình cũng là một kẻ sáng tạo văn học. Đối với các cây bút viết văn làm thơ – phê bình là người đồng hành và trong một số trường hợp là người đối thoại.
Lúc mới vào nghề tức là bốn chục năm trước, tôi cũng nghĩ giống mọi người. Đúng là xã hội cần loại phê bình đi cân đo các hiện tượng văn học. Đó cũng là hướng đi có triển vọng.
Nhưng tôi cho rằng có thể có cách nghĩ khác ( như trên tôi đã trình bày ) và tôi muốn lấy cuộc đời mình ra chứng minh điều này.
Hiện việc chính của tôi là biên tập ở một nhà xuất bản. Tôi chỉ làm phê bình theo kiểu nghiệp dư, nói nôm na là muốn viết gì thì viết không thích thì thôi, ai có khích, bảo có chuyện này chuyện kia đấy, sao nhà phê bình không lên tiếng, tôi vẫn không để ý. Cách tồn tại theo kiểu “chầu rìa” cho phép tôi kiên trì theo con đường đã chọn.
Hiện vẫn có người đọc tôi,bài báo nhỏ tôi vẫn viết đều, các bài nghiên cứu tập hợp lại thành sách đã được xuất bản. Tôi tự cho rằng tôi vẫn cần cho mọi người theo cách riêng của mình.


2. Theo anh phê bình văn học khác với điểm sách văn học ở những điểm nào?

--Điểm sách là công việc của người y tá còn phê bình như tôi nói trên thì gần với hoạt động của người bác sĩ.Cố nhiên có những người cả đời làm y tá, và do làm giỏi vẫn được quyền kính trọng, còn những bác sĩ dốt thì vẫn đáng khinh bỉ.
Nên nói thêm : ở ta thì không, nhưng ở các nước trên thế giới, người bác sĩ phải thạo công việc của y tá kể cả khi họ không còn phải làm cái việc cụ thể ấy nữa.

3. Theo anh, nhà phê bình cần hội đủ những yếu tố nào? ( tri thức về hệ thống, phương pháp luận, khả năng tiếp cận những nhân tố mới, nhân học, mỹ học...) Anh tự thấy có được những yếu tố nào?
-- Những nhân tố vừa nêu ( và nhiều nhân tố khác chưa nêu ở đây ) đều cần. Người ta cần các tri thức ấy cũng tương tự như cần có thói quen hình dung và nắm bắt đời sống ở cái dạng trực tiếp của nó.

Có điều theo tôi, nó cần cho bất cứ người sáng tác nào, chứ không phải chỉ riêng người viết phê bình. Bởi như tôi quan niệm, sáng tác là một hoạt động nghiên cứu đời sống, và mỗi nhà văn là một nhà trí thức chứ không phải là một anh thợ chữ thuần túy chỉ giỏi tả cảnh.
So với người viết văn làm thơ, người phê bình chỉ khác về mức độ và cách thể hiện các tri thức và các khả năng nói trên.
-- Xin miễn trả lời về những câu hỏi nhằm đánh giá bản thân tôi.

4. Anh có đang viết phê bình đều đặn không? Tại sao?

- Nếu hiểu phê bình là việc viết những bài điểm sách và tham gia vào việc đánh giá các hiện tượng văn chương mang ý nghĩa thời sự thì không, gần đây tôi không làm. Tôi đã ở tuổi 65. Tuổi tác không cho phép tôi làm cái việc mà có lẽ là dành cho các bạn trẻ thì phải hơn. Mươi năm nay tôi muốn lùi ra một chút để nghĩ chung về các vấn đề khái quát của văn học. Theo hướng này tôi vẫn viết đều đều, và theo tôi hiểu, các bài viết ra vẫn có tính thời sự của nó.

5. Anhcó hay viết bài điểm sách theo yêu cầu PR của các nhà xuất bản và nhà làm sách tư nhân không? Anh dành cho việc này bao nhiêu phần trăm thời gian? Anh quan niệm thế nào về việc này?

Không, không bao giờ, kể cả lúc trẻ cũng như hiện nay.
Ngay cả với những tác giả sách mà tôi mang ra làm công cuộc khảo sát, tôi cũng nói đây là nhân tác phẩm của anh mà tôi phát biểu một vài điều tôi thấy cần nói với bạn đọc thế thôi, tác giả cuốn sach và nhà xuất bản thích hay không thích với tôi không quan trọng.
Điều tôi cần chăm lo là mối quan hệ với cả nền văn học nói chung chứ không với riêng ai hoặc cơ quan nào.

6. Anh đã và đang đọc những tác phẩm lý thuyết nào về phê bình văn học? Anh tự thấy mình chịu ảnh hưởng của nhà phê bình/trường phái phê bình nào?

-- Tôi không quan tâm lắm tới các trường phái mà chỉ đọc kỹ vào một hai tác giả cụ thể. Người để lại ảnh hưởng nhiều nhất là nhà nghiên cứu người Nga M.M.Bakhtin (1895-1975), tác giả cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoievski mà tôi có tham gia dịch một phần.

7. Nếu được yêu cầu tóm tắt phương pháp phê bình của anh trong vài câu, anh sẽ nói gì?

Với tôi, viết phê bình là nhìn đời sống văn học như một phần cuộc đời đang diễn ra chung quanh ; nhìn mỗi tác giả như một con người cụ thể, và tôi phải viết làm sao để qua tác giả đó, không chỉ các nhà văn mà những con người làm nghề khác cũng thấy những vấn đề của họ.
Ví dụ có lần tôi viết 50 trang về Xuân Diệu ( bài trong tập Cây bút đời người ). Một ông thứ trưởng về hưu bảo tôi : trong giới cán bộ lão thành, khối ông sống như Xuân Diệu mà anh đã viết. Tôi thấy đã có người hiểu cho mình thế là được rồi.
Đấy là phương pháp tổng quát. Còn ngón nghề cụ thể thì muôn vàn, mỗi trường hợp lại tìm ra một cách khác.

8. Hãy kể tên tối thiểu 2 và tối đa 5 tác phẩm mà anh đã viết bài phê bình (không phải điểm sách)
trong thời gian 2 năm trở lại đây. Tại sao anh chọn các tác phẩm đó?

Hai năm gần đây tôi định tập trung hoàn chỉnh các bài viết cũ để dựng lại những cuốn sách riêng về Tô Hoài, về Thạch Lam và một vài tác giả khác ( nhưng cũng còn đang dang dở cả một mớ đấy ).
Ngoài ra tôi định tiến tới làm một tập về các nhà văn lớn đầu thế kỷ, từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh tới Phạm Quỳnh, Phan Khôi ( Một phần bài Phạm Quỳnh đã “ trình làng ‘ )
Tiếc thay là càng vào việc càng thấy phải chuẩn bị kỹ càng hơn. Nếu trời cho khỏe thì cũng mất mươi năm. Nhưng cách làm việc của tôi thường kéo dài vậy. (Trong cuốn Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học VN, bài đầu viết khoảng 1989 và bài cuối hoàn thành vào 2004 )
Tại sao tôi chọn các tác giả trên ? Vì tôi thấy ở họ có những vấn đề của cuộc sống hôm nay con người viết văn hôm nay.
Qua Phạm Quỳnh, tôi hiểu nhu cầu hội nhập là thiết yếu với xã hội VN và từ đầu thế kỷ XX đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được một cách suy nghĩ thích hợp.
Phan Khôi dạy tôi một điều : phải biết từ bỏ những quan niệm lỗi thời, bất kể trước đây nó đã thân thiết với mình như thế nào.

8. Hãy kể tên 5 tác phẩm mà theo anh là đáng chú ý nhất được xuất bản trong 1-2 năm trở lại đây. Anh đã nghĩ gì, và có dự định viết về chúng?

-- Tôi có đọc kỹ mấy cuốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư – Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải và cuốn Lê Vân yêu và sống. Tôi định từ ba tác phẩm này viết một cái gì đó chung về con người VN hôm nay. Nhưng mới ghi nháp mà chưa bắt tay vào viết vì còn bận các việc khác. Nhưng sang năm sang năm nữa cũng không muộn, tôi nghĩ vẫn có thể tìm trong các tác phẩm đó những điều có ý nghĩa thời sự

9. Ý kiến anh thế nào về các nhà văn trẻ - những nhà văn thuộc thế hệ mới - có sáng tác gây dư luận hay tranh cãi và/hoặc thử nghiệm đáng chú ý? Anh đã làm gì đối với họ?

Tôi thấy ở họ thiếu nhất là cảm giác về lịch sử. Họ cứ tưởng chỉ với thế hệ họ mới có những vấn đề mà họ đang gặp phải. Thật ra thế hệ nào cũng vậy.
Cái mà tôi muốn khuyên là họ phải đặt cho mình những yêu cầu cao và phấn đấu trở thành những trí thức thực thụ. Nhưng tôi thấy trước là họ không thích nghe. Âu là tôi nói điều đó thông qua công việc vẫn làm của mình vậy. Biết đâu may ra về sau có người chia sẻ.

10. Có một cụm từ chúng ta đã nghe rất nhiều: “sự khủng hoảng của phê bình văn học (ở nước ta) hiện nay”. Bản thân là nhà phê bình, anh đã và đang làm gì để góp phần làm thay đổi điều đó?

-- Sáng tác thơ văn cũng đang khủng hoảng lớn chứ riêng gì phê bình.
Từ ba chục năm trước trong một lần nói chuyện riêng với tôi, nhà văn Nguyễn Khải bảo rằng tự nó sáng tác sẽ không ra khỏi tình trạng làng nhàng này được, may ra chỉ còn trông vào phê bình. Phê bình phải mở đường.
Mấy chục năm đã qua, có lẽ Nguyễn Khải đã quên hẳn điều ông nói, còn tôi thì vẫn bị nó ám ảnh.
Song cái chết là ở chỗ, cũng như sáng tác, phê bình ngày càng kém đi, ngày càng trở thành một thứ nghề thủ công, một số cây bút có tài không nghĩ gì nhiều ngoài việc điểm sách.Thành ra cả giới vẫn quá ít người nghĩ chung về cả nền văn học.
Có nghĩ mà vẫn chưa chắc đã làm được huống chi là không nghĩ !
Cái điều mà chúng ta gọi là thay đổi diễn ra ì ạch quá, có khi tiến ở phương diện này lại lùi ở phương diện khác, nên trên đại thể, khủng hoảng còn là kéo dài.
23-8-07

ĐỌC VƯƠNG TRÍ NHÀN VÀ ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Phạm thị Minh Thư

Tôi không thường xuyên tiếp xúc với Vương Trí Nhàn nên không rõ gương mặt ông trong mọi lúc còn ở những lần đã biết nếu mắt ông không nhìn xuống thì cũng là nhìn ngang, ông trong mấy tấm ảnh chân dung anh Hữu Bảo chụp mắt nhìn cũng đều như vậy. Nhiều lần đọc tập chân dung văn học “ Cây bút, đời người” (CBĐN) tôi đã nghĩ: Nếu gương mặt ông mang một đôi mắt với cách nhìn khác, trực diện lơ đãng hay “chiếu tướng” xoi mói một chút chẳng hạn… hẳn Vương Trí Nhàn sẽ viết văn xuôi, sẽ có một tiểu thuyết hay với những nhân vật kiểu Nhị Ca, Tế Hanh. Họ là kiểu người độc đáo nhưng cũng rất dễ bị bỏ qua nếu không có một cảm quan văn xuôi tốt.
Trên phương diện một nhà phê bình bảo Nhị Ca có gì đóng góp đáng nhớ thật khó, vậy thì có gì để viết về ông? Chỗ dừng của nhà phê bình cũng là điểm bắt đầu của nhà văn trong Vương Trí Nhàn. Hãy nghe ông lý sự: “Nhận ra một sự thật – ở đây là nhận thức thấu đáo bản chất một tính cách – luôn luôn là thú vị. Nhưng nếu như trong quá trình nhận thức ấy, bản thân mình có sự tự vượt lên, tức ban đầu hiểu về người ta thế này, sau lại nghĩ khác đi, nghĩ sâu hơn và tìm ở người mình quen những khía cạnh mới, thì sự thú vị lại càng tăng lên gấp bội.”, và: “ Trong sự gắng gỏi để sống, bắt đầu từ bản năng thích ứng, con người đó dần dà hun đúc cho mình những lý lẽ để tin theo, và bởi lẽ sự gắng gỏi quá lớn, cuộc sống giành được phải qua quá nhiều dụng công, nên cái chất ngọc hun đúc được kia, cũng không phải bình thường, mà là một cái gì độc sáng, quái lạ”(1). Đây là kiểu lý do để xuất hiện một truyện ngắn, một nhân vật tiểu thuyết?...Và quả là từ cuộc đời tưởng quá đỗi tẻ nhạt Vương Trí Nhàn đã dựng nên một Nhị Ca bản lĩnh, độc đáo, ấn tượng đến khó thể quên nổi. “… ông sau giờ làm việc, ngất ngưởng cái mũ vải trắng trên đầu hòa nhập một cách tự nhiên vào đường phố Hà Nội, và sau 1975 là đường phố Sài Gòn, hòa nhập vào đó, để rồi mất hút đi với cuộc đời riêng trong đó hết sức thỏai mái. Ong bảo tôi nếu còn khỏe, sau Nhà thờ Đức bà Paris ông rất muốn dịch tập Decaméron ( tức Mười ngày) của Boccacio, một cuốn sách ca ngợi hạnh phúc trần tục ngay trong cuộc đời chúng ta đang sống.”(2).Không hiểu tại sao tôi thấy các câu văn này rất khó tách khỏi nhau, và cứ thấy trước khi mất hút chỗ mà Nhị Ca dừng lại thanh thản nhìn ngắm lần cuối sẽ là cái khỏang vắng thanh bình đầy ánh sáng dưới chân tượng Đức bà trên quảng trường Công xã Paris.
Còn Tế Hanh? “…mỗi con người là một thế giới không cùng, và nói chung là chúng ta sẽ thất vọng khi muốn tìm hiểu quá kỹ về một người nào đó”,bên cạnh một Tế Hanh Thơ, nhân vật văn học cùng tên của Vương Trí Nhàn lại có một đóng góp mới. “Nó” cũng khiến ta chợt nhận ra trong cái lơ lửng của đời sống hình như mình đã lỡ dịp cảm nhận sâu sắc một ai đó?...
Không chỉ có những trang văn xuôi rất hay mà cấu trúc tập sách mô tả chân dung một thời nhiều cuộc đời đã muộn, không thể khác ở nửa nước cũng là một cấu trúc văn xuôi hay. Sau một Nghiêm Đa Văn lông bông nửa vời và bất lực là Nguyễn Khải nghiêm chỉnh, triệt để và thành đạt; tiếp theo Tế Hanh “dáng đi chậm rãi, tay quờ quờ như là đang đi men tường” thỉnh thỏang lại tạt qua cơ quan Hội đứng ở ngòai “vẫy một người nào đó ra thầm thì một câu rồi đi” ắt phải là một ông Nguyễn Tuân thấy ngọn núi trên dãy Hòang Liên Sơn cao hơn một mét vì có mình ở trên. Thật khó đảo lộn trật tự các chân dung. Nhưng trong khi đã viết hết về Xuân Diệu ở phần của Xuân Diệu thì cái câu rất “độc” về ông “loay hoay giữa những bài thơ thù tạc và những bài nói chuyện đi theo lối mòn, Xuân Diệu nhuộm tóc cố làm ra trẻ, ham ăn ham uống , lúc chết mỡ quấn vào tim” lại được “hạ” giữa những lời bàn về Tô Hòai. Nghĩa là gọn ghẽ mà ràng rịt, mỗi chân dung là một chương sách vừa độc lập lại vừa mang tính kế thừa và phát triển trong cái tòan thể của nội dung và hình thức. Có nhạc điệu của câu và có nhạc điệu của tòan bộ tác phẩm. Tôi nhiều lần bất chợt đọc đi đọc lại những đọan nào đó trong tập sách, thích thú lắng nghe những âm thanh vang vọng từ nó. Ở phần viết về Lưu Quang Vũ, đang ào ạt tuôn ra hết câu này tới câu khác về tâm trạng, hòan cảnh, thời cuộc, con người, rồi về thơ Vu, Vương Trí Nhàn đột ngột dừng lời để… Vũ Quần Phương “khái quát”, Xuân Quỳnh “thông cảm”,và…Bằng Việt “chép miệng”! Đâu phải các phía của con người Lưu Quang Vũ mà ba nhà thơ này “đóng góp” Vương Trí Nhàn không rành, cái “hợp âm” độc đáo này có mặt thuần túy vì vẻ đẹp hình thức. Có thể nói ám ảnh về hình thức rất thường trực trong nhà phê bình họ Vương. Là người nói rất nhanh, tiết tấu văn ông cũng cho cảm giác này, nó là thứ văn rất đồng ốp - quà tặng của một tâm hồn sôi nổi, một trí tụê nhanh nhậy ham vận động, nhưng… họa mi cứ hót mãi thì tai nào nghe rồi cũng nhàm, vậy là xuất hiện: lời một người bạn gái nói với chị Đông Mai về Xuân Quỳnh, mẩu đàm thọai giữa “tôi” và nữ sĩ, vài trăm chữ Trần Đình Nam viết về thầy Nghiêm Đa Văn, lại sổ tay, nhật ký trích của người này người khác…cứ thế, linh họat và chính xác những “âm thanh sống” được đưa vào rất “ngọt”. Nó thay đổi và cộng thêm những cảm giác mới.
Phải nói phẩm chất văn xuôi càng lúc càng nổi trội đã thêm vào những độc đáo quyến rũ riêng biệt cho ngòi bút phê bình lý luận vốn sắc sảo tinh tường, cũng cân bằng lại những nóng lạnh nơi con người ham việc sôi nổi và không phải là không dễ bị thời cuộc cuốn theo.
Và những lúc buột khỏi nó ông thường làm hỏng nhạc điệu hoặc tính độc đáo của câu văn. Tôi rất lấy làm tiếc cho hai căn bệnh: sợ bị hiểu nhầm, và phê bình là phải có ích. Trang 37 “Cây bút, đời người” có đọan: “…Vũ Quần Phương khái quát:
-Nổi lên ở Vũ là một cái gì rất đau đớn, thấy cuộc đời cay cực mà vẫn yêu đời và quyết bám lấy cuộc đời thô nhám này.
Xuân Quỳnh- khi đó còn là một người hàng xóm, một đồng nghiệp- Xuân Quỳnh thông cảm:
-Giá kể Vũ thích một cái gì đó thì có thể Vũ cũng làm được. Đằng này Vũ không thích gì hết, đấy mới là điều đáng sợ.
Với bản tính chừng mực , đi sát với một quan niệm trung dung, Bằng Việt chép miệng:
-Ong Vũ này, lúc chiều đời quá lúc khinh bạc quá, đều là không phải. Thực ra, cuộc sống luôn luôn là một cái gì cân bằng, phải chăng…”
Phải chi ông bỏ phần chua thêm sau hai chữ Xuân Quỳnh!
Cũng như ở “Lời dẫn”, nếu bỏ câu sau cùng: “Và trên hết cả, tôi hy vọng không chỉ những người được tôi nói tới mà các bạn văn khác và nói chung tất cả những ai quan tâm đến đời sống văn học đương đại có thể tìm thấy ở những trang sách sau đây những điều bổ ích.”, ông sẽ không thừa, dáng dấp lời kết cũng hiện đại, đẹp hẳn.

*
Sau “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều” một người bạn nói với tôi: “Không ai viết về Tô Hòai hay bằng Tô Hòai.” Bạn nói thật đúng, nhưng xuất hiện “Cây bút, đời người” mới thấy Tô Hòai đâu có viết rằng mình “ Loanh quanh một hồi hóa ra chưa thóat khỏi chỗ xuất phát ban đầu?”(3).
?...
Tới đây có thể Vương Trí Nhàn sẽ cười khì: Không nhìn ra thêm được điều gì thì viết để làm gì? Đành là thế, nhưng “nói thêm” mà chưa “nói hết”. Kém lạnh lùng, thiếu một chút xoi mói cần thiết để nhìn Tô Hòai như chỉ là một nhân vật Vương Trí Nhàn đã để tuột một cơ hội thành công như đã làm được với Xuân Diệu. Phải chăng vì Xuân Diệu đã chết mà Tô Hòai thì đang hiện diện, có khi lại vẫn cùng ông trong việc này việc nọ?
Cận nhân tình, phiền phức là hai chữ Vương Trí Nhàn hay dùng, cả quan niệm ứng xử lẫn nỗi ngại ngần này của ông trong đời sống thường nhật đều “làm khó” nhà phê bình khi ông “đụng” tới những “nhân vật” phức tạp, sắc cạnh. May là với trường hợp Nguyễn Khải ông đã kịp “sửa sai” bằng bài viết rất sòng phẳng, đáo để: “Một vài nhận xét về Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải”. (4) Kể như ông đã hòan chỉnh chân dung nhà văn!

*
Trong “Lời dẫn” của CBĐN Vương Trí Nhàn có nói đến việc các họa sĩ vẽ chân dung có thói quen trở đi trở lại với những khuôn mặt đã quen, mỗi lần đưa ra một phác thảo khác, và mong tập sách của mình được đối xử theo cách như vậy. Tôi nghĩ, nếu thực sự đưa ra được những chân dung mới thì việc trở đi trở lại này xuất phát từ nhu cầu muốn khai phá tiếp bản thân sau đó là đối tượng quan sát, nghiên cứu. Phải dồi dào cảm xúc và có một trí tụê luôn vận động mới ham muốn và có lối làm việc này. Đọc lại những chân dung Nguyễn Tuân, Tô Hòai, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu trong tập “Cánh bướm và đóa hướng dương” in trước đó 3 năm thấy ngay thành quả của những nỗ lực vận động cảm xúc và trí tụê, cái sau nào cũng sắc cạnh, phong phú vượt bậc. Điều cần nói ở đây là tác giả nên dứt khóat hơn trong ý định “chường mặt” với thiên hạ, như thế ông sẽ bớt được những “vận động trung gian” đi thẳng tới một chân dung hòan chỉnh, như đã làm với Xuân Diệu.

*

Gần đây trên các mục nhàn đàm, tạp bút, rồi suy ngẫm thời sự Vương Trí Nhàn có nhiều bài viết hay khi bàn về hội nhập, lo lắng, sốt ruột trước nhiều điều chả ra thế nào, chả giống ai trong đời sống hôm nay. Dẫn lối tới điều này hay mở rộng từ đây ông thường có nhiều phân tích, suy ngẫm và bàn sọan lý thú, độc đáo về phần lý tính, sự trưởng thành của một con người. Khi làm bổn phận công dân nhà phê bình đóng góp tòan những tích cực. Nhưng sự tham dự theo chiều ngược lại đã không được thế! Lấy bài “Nguyễn Du như một thi sĩ” (5) làm ví dụ.
Thọat tiên ông tìm hiểu hòan cảnh ra đời của thơ chữ Hán Nguyễn Du, phân tích con người nhà thơ trên hành trình đi sứ, thấy Nguyễn Du đã nghĩ đến những vấn đề khá trừu tượng, siêu hình của đời sống. Phần thơ được viết ra trong tâm thế này được Vương Trí Nhàn coi là sản phẩm của sự trưởng thành, nó có tác dụng thức tỉnh con người buộc con người phải đặt lại nhiều vấn đề của đời sống. Dễ dàng đồng ý với phân tích này. Nhưng không chỉ thế, để nhấn mạnh ông đã đặt “phía này” của Nguyễn Du bên một “phía khác”, ấy là truyện Kiều và ông đã… không ổn. Quá sốt ruột với một xã hội còn nhiều cảm tính ông soi xét lại sự cảm thụ Kiều của nhiều thế hệ người đọc, tìm ra từ sự cảm thông yêu quý nàng Kiều một thái độ coi trọng cái đẹp cảm tính hơn lý tính. Theo ông, cuộc đời Kiều thật nhiều lầm lẫn, phần hấp dẫn nhất của cuộc đời này là tình, một thứ tình “ma đưa lối quỷ dẫn đường” thiếu sự hướng dẫn của lý trí…
Thử hỏi có cái cụ thể nào không âm vang trong nó những vấn đề của trừu tượng và có trừu tượng siêu hình nào lại không phải tìm một hình hài cụ thể mà đậu xuống? Càng sâu thì càng trong và rõ nét. Đề cao tính siêu hình trừu tượng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, Vương Trí Nhàn sao không một lần thả lỏng, “xóa” mình đi để nhập vào thế giới của những câu thơ: Hoa để tặng người mình sợ, Tối điên cuồng xứ tối phong lưu?... Vào đó rồi ông sẽ thôi bàn nhiều đến ý thức, lý tính; sẽ không viết: “Thậm chí ngay cả khi Nguyễn Du thú nhận sự bất lực rơi vào tuyệt vọng thì thơ ông vẫn có khả năng thúc đẩy sự suy nghĩ trong ta và kéo ta về phía ánh sáng của trí tụê”, cũng chả đặt câu hỏi: Liệu có thể nói cái phần bên trong rắn rỏi khỏe mạnh lão thực mới là phần chính trong con người Nguyễn Du, rằng nếu thế ông sẽ trẻ trung mãi mãi… Thưa nhà phê bình, không phải là “Thậm chí ngay cả khi” mà hai trạng thái ông đã đề cập là bình đẳng liên tục luân phiên không thể tách rời trong cái “vỏ” cụ thể hữu hạn, một Nguyễn Du sinh ở làng Tiên Điền, làm quan triều Nguyễn…Cũng như, bi kịch của Kiều không phải là chuyện của bao nhiêu phần trăm lý tính, cảm tính trong con người là cân bằng, vừa đủ; Tối điên cuồng xứ tối phong lưu, những đau đớn dài dặc lấp lánh của nàng, vẻ khả ái mê hoặc và quyến rũ vĩnh viễn của nàng tôi nghĩ đều khởi từ nguồn này.
Còn như bán mình chuộc cha, rơi vào tay Mã Giám Sinh, Sở Khanh, rồi gặp Vãi Giác Duyên, Từ Hải âu cũng chỉ là những việc đời mà Nguyễn Du hay nàng thế tất phải trải trong cái khúc làm người cụ thể, hữu hạn. Cả khúc đòan viên nữa, nó cũng là một “việc thơ” “ẩm ương” cụ thể mà cuối một lộ trình hòan hảo thi tài… ắt phải “dính”…

8.2006
P.T.M.T

Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn về tình hình tiếp nhận văn hóa nước ngoài tại Việt Nam

“Xác nhận ảnh hưởng để rồi tìm ra chính mình, tách mình khỏi người”



Những năm gần đây, vấn đề tiếp nhận văn hóa nước ngoài tại Việt Nam trở thành đề tài suy luận của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ trong nước. Bên cạnh bề mặt lạc quan của một xã hội mở cửa, giao thương với nước ngoài, Việt Nam còn bộc lộ một bề trái khép kín, co lại luôn luôn nhấn mạnh đến những yếu tố bản sắc, bản địa, trên các văn bản chính thức và trong sách vở học đường. Nhiều câu hỏi được đặt ra về hiện tình này, về sự tiếp nhận văn hóa và hậu quả của nó. Trong hai buổi nói chuyện trên đài RFI ngày 25/6 và 2/7 vừa qua, nhà phê bình Vương Trí Nhàn, ở Hà Nội, đã thẳng thắn bày tỏ những trăn trở của một người làm văn học hôm nay, đối với những vấn đề nhức nhối, bức thiết mà ông đã lưu tâm suy nghĩ từ nhiều năm qua.

T. K.



Thụy Khuê: Thưa anh Vương Trí Nhàn, tại sao vấn đề tiếp nhận văn hóa nước ngoài lại cần được đặt ra hôm nay, trong lúc này?

Vương Trí Nhàn: Theo tôi bởi vì nó liên quan đến những vấn đề lớn hơn, có thể nói là những vấn đề lớn nhất của xã hội hiện nay. Sau chiến tranh, sau những năm tháng loay hoay hồi phục lại một cuộc sống bình thường, nay đến lúc xã hội Việt Nam nghiêm túc đặt ra việc xây dựng đất nước, chúng ta đang phải đối mặt với những câu hỏi như: Ta là ai? Ta có đi cùng với thế giới? Xã hội ta có phát triển theo những quy luật chung của thế giới hay có một con đường riêng của Việt Nam? Ta đang ở trong tình trạng như thế nào? Phải tìm những yếu tố mới ở đâu? Thế nào là mới? Ta sẽ làm lại chính ta, làm lại xứ sở ta ra sao? Theo tôi, trong tất cả những vấn đề lớn của một xã hội như thế, thì có vấn đề tiếp nhận mà mọi người cần phải quan tâm, tìm cách đánh giá lại, vì nó sẽ là một yếu tố thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.



TK: Vậy thì trước tiên xin anh một cái nhìn sơ bộ về hiện tình tiếp nhận văn hóa nước ngoài hiện nay ở Việt Nam.

VTN: Nhìn qua bề ngoài đã thấy ngay là khá hỗn loạn. Ðối với một người ở lứa tuổi như tôi (năm nay hơn 60), khi nhớ lại Hà Nội những năm chiến tranh, thì hình dung ngay là đất nước thu mình lại, khép kín, không quan hệ với ai, không có khách nước ngoài trên đường, trên báo chí gần như không có tin tức quốc tế, trong văn chương việc dịch và giới thiệu nước ngoài rất hạn chế. Ngày nay thì cởi mở hơn: hằng ngày chúng tôi được tiếp xúc với những tin tức mới nhất của nước ngoài về chính trị, xã hội, về văn hóa. Giải Nobel vừa công bố chúng tôi biết ngay. Giải Oscar được truyền hình trực tiếp. Hằng ngày trên màn ảnh Hà Nội, đầy rẫy phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc... có khi cùng một lúc mở hai ba kênh thấy cùng là phim nước ngoài cả! Rồi nó ảnh hưởng vào đời sống hằng ngày. Dưới chân các cô gái Hà Nội là đủ loại giày dép đủ loại guốc của thế giới, nhìn thấy lạ, hỏi kỹ thì ra mới du nhập, nói nôm na là được nhặt nhạnh từ đủ mọi khu vực mọi xứ sở mà ngẫu nhiên họ được biết. Quần áo ăn mặc cũng thế. Mới đây tại một vùng ngoại thành Hà Nội tôi đang sống cũng có cửa hàng chụp ảnh kiểu Hàn Quốc. Học sinh, sinh viên, qua phim ảnh, thuộc sử Trung Quốc hơn cả sử nước mình. Thậm chí tôi còn muốn nói là trong tâm lý con người – trước tiên là người trên đất Hà Nội, nơi tôi cũng đang sống – có một sự vọng ngoại sâu sắc. Nếu có ai đó ở chỗ riêng tư thử khái quát “cái gì của nước ngoài chẳng tốt hơn của mình?!” thì dường như ai cũng nghĩ là “chuyện đương nhiên, “ “nói cứ như thật”, không ai phản đối.

Nhưng đó chỉ là một phần sự thực. Ðồng thời với lối vọng ngoại đến không thể chấp nhận được thì trong tâm lý con người lại có một sự từ chối. Thực chất là bên trong vẫn có cái vẻ ngập ngừng e dè khi xem xét người, rồi dẫn đến co lại, khép kín. Có lẽ là do tự ti, lại do choáng ngợp trước một thế giới xa lạ nên rất sợ bị cuốn theo người ta. Phải cố gồng mình lên mà chống đỡ, tuy lại thừa biết là không chống lại nổi. Và sự tự ti này dẫn tới những nỗ lực tự tô vẽ ngây thơ, một thứ tự tôn kỳ cục. Trên các tài liệu chính thức hoặc trong các bài học ở nhà trường, yếu tố bản địa, bản sắc luôn luôn được nhấn mạnh. Ngụ ý đằng sau sự nhấn mạnh đó: chúng ta chỉ kém người về kinh tế thôi, chứ không kém gì về văn hóa; ta giao lưu đàng hoàng; ta đứng ngang hàng với thiên hạ. Vừa nói vấn đề hội nhập xong thì phải lập tức nói ngay là “hòa nhập chứ không hòa tan”. Tôi cho rằng những cái đó nó biểu hiện một tâm lý văn hóa chưa trưởng thành, nếu nhìn xa hơn nữa thì có thể nói rằng đó là do xã hội hôm nay không có khả năng tự nhận thức về mình. Không sử dụng được những tiêu chuẩn chung của thế giới. Tự hạ thấp chuẩn mực xuống, để có “số đo” không kém gì người. Của người ta một thước là 100cm thì của mình có khi một thước chỉ là 80cm, có khi 70cm thôi! Tức là tự tạo ra những tiêu chuẩn riêng cho mình, coi mình như một ngoại lệ. Nói chung việc nghiên cứu về nước ngoài rất kém. Sách báo tài liệu dịch, bề ngoài có thể là cũng rất ồn ào, nhưng thực ra khả năng tiêu hóa thấp.

Việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài ở Việt Nam hiện nay tóm lại có thể quy vào mấy điểm: Thiếu một sự định hướng rõ ràng, thông minh, khoa học. Thiếu một trình độ đánh giá phân biệt tốt xấu nên nhiều khi cái hay không học, lại học cái dở. Vừa không muốn học người ta, lại vừa không thể bỏ được người ta. Dẫn đến tình trạng là nói một đằng làm một nẻo là hằng ngày cứ bắt chước, hằng ngày cứ nói là giữ gìn bản sắc và đồng thời cứ học đòi học lỏm, việc học hỏi chắp vá nửa chừng đó không giúp chúng ta cải thiện tình hình của chính mình.



TK: Nếu tìm lại nguồn cội của tình trạng này thì có lẽ nó đã có từ lâu, từ những thế kỷ trước, từ khi chúng ta du nhập văn hóa Trung Hoa. Theo anh, chúng ta đã tiếp nhận nền văn hóa Trung Hoa như thế nào?

VTN: Câu chuyện này dài lắm, tôi chỉ xin nói sơ sơ mấy điểm. Trên đại thể, chắc chắn đây là một món nợ. Chừng nào chúng ta chưa sòng phẳng được với văn hóa Trung Hoa, tức chưa tách mình khỏi thế giới Trung Hoa, thì còn là khổ là lúng túng, thậm chí tôi còn muốn nói là chưa nên người để sống đàng hoàng với thế giới.

Trở lại chuyện xưa mà chị vừa nói. Trong quan hệ với văn hóa Trung Hoa, tôi thấy cái gì ta cũng học mà lại chỉ học được cái phần nông nổi bề mặt, bởi vậy đã học rất nhiều rồi mà xem kết quả lại thấy quá ít và điều đáng sợ nữa là cứ bị ám mãi bởi những cái dở của người ta. Trước tiên chúng ta không học được cách tổ chức xã hội của họ, cũng như không học được văn hóa xây dựng đất nước của họ. Người Tàu không những giỏi về chinh chiến mà còn giỏi cả kinh tế nữa, còn nghề buôn bán ở ta thì quá non nớt. Hay nói về việc tiếp nhận tư tưởng, khi học đạo Nho thì ta học nhiều cái giáo điều, học nhiều nguyên tắc, những chữ như chữ Nhân, chữ Lễ, chúng ta áp dụng rất triệt để. Thế nhưng trong đạo Nho còn có những khía cạnh rất tốt đẹp, ta lại không học được. Thuyết chính danh trong đạo này vốn rất quan trọng. Xét một câu “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” đằng sau cái nghĩa cụ thể “vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha và con phải ra con”, theo tôi hiểu ở đây người ta còn muốn nhấn mạnh: cái gì cũng phải được quy phạm hóa, phải đạt tới chuẩn mực. Mà cái đó ta không học được. Cái gì chúng ta cũng là chín bỏ làm mười, thậm chí năm sáu cũng là mười, ba bốn cũng là mười. Hoặc tinh thần thực sự cầu thị của đạo Khổng Mạnh. Gần đây ta hay nói đến tinh thần “tôn sư trọng đạo”, thầy làm cái gì thì học trò phải theo. Có nhiều anh em làm khoa học hôm nay thấy thầy sai cũng không dám nói. Sợ. Lảng. Bênh liều, bênh lấy được. Thế mà nếu đọc Luận Ngữ, sẽ thấy trong thiên Vệ Linh Công, có một câu rất hay: “Ðương nhân, bất nhượng ư sư” nghĩa là “làm việc nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không nhường”. Thế tức là đặt vấn đề khoa học lên trên vấn đề thầy trò, hơn cả vấn đề tình nghĩa. Tôi cho đó là một cái gì rất đáng để cho những người làm công tác nghiên cứu và giáo dục hiện nay lưu ý, để tránh tinh thần bảo thủ lạc hậu: người sau nem nép đứng sau người đi trước, không bao giờ dám đổi mới gì cả.

Một điểm nữa có những cái kém cái dở của văn hóa Trung Hoa, người ta nghĩ ra và làm đến cùng một hồi, rồi bỏ hẳn, bỏ đứt ngay được (như nhiều điểm bảo thủ trong Nho giáo, như phần chủ yếu trong tư tưởng Mao Trạch Ðông), mà ta thì cứ theo dây dưa quyến luyến mãi, thế mới khổ!

Nhìn chung lại việc học hỏi Trung Quốc, chúng ta chưa có sự tiếp nhận tốt. Theo tôi biết, ví dụ như Nhật chẳng hạn, học Trung Quốc là họ sang tận nơi họ học, lấy bằng rồi họ mang về nước thực hiện đúng như thế đã, rồi sau đó họ mới làm khác đi. Nghe nói là giữa Nhật Bản và Trung Quốc thời xưa còn có cả một con đường sách, giống như con đường tơ lụa, chỉ khác là một đằng trên biển, một đằng trên bộ. Còn ở ta thì những kinh nghiệm học Trung Quốc thường là qua những ông sứ, đi sang bên ấy, học ké học tắt, học không đến nơi đến chốn, rồi về nhà áp dụng thì lại tam sao thất bản đi một lần nữa. Tôi nhớ, lâu rồi, giáo sư Trần Ðình Hượu đã nói đại ý: “Chúng ta ở với người Trung Quốc lâu thế mà nước ta không có ai giỏi về Trung Quốc học, thực chất là không có một khoa Trung Quốc học ở Việt Nam”. Tôi cho đây là một khái quát có thể mở rộng: Chúng ta đi ra với thế giới mà chẳng hiểu gì về thế giới cả!



TK: Sang đến thời kỳ Pháp thuộc, anh nhận thấy những đặc điểm gì trong sự tiếp nhận nền văn minh Tây phương của chúng ta?

VTN: Trong thời gian đầu, khi những người phương Tây mới đến Việt Nam, thì chúng ta có một thái độ kỳ thị lạ lùng, coi rằng họ là một cái gì man di mọi rợ, phi văn hóa, bởi bấy giờ chúng ta chỉ biết Tàu thôi và không biết đến cái gì khác cả (riêng một cuốn sách như Tây dương gia tô bí lục đã là một bằng chứng thú vị). Sau này, khi nền thống trị của người Pháp đã được xác lập và chúng ta phải chấp nhận sự chuyển đổi sang nền văn hóa theo kiểu phương Tây, cũng đã thấy có nhiều cái tiếp thu thông minh, nhạy cảm, có những thành tựu như của Thơ mới hay của tiểu thuyết, là những cái đến bây giờ còn có thể tự hào. Nhưng còn nhiều điều đáng lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn được. Ví dụ, theo tôi phải thấy ngay từ hồi ấy, sự tiếp nhận tư tưởng đã rất hạn chế, các nhà tư tưởng lớn của phương Tây chưa được dịch, từ đó tạo nên tình trạng thiếu cơ bản trầm trọng. Trong mạch tiếp nhận văn học, thì việc tiếp nhận những ảnh hưởng tiểu thuyết khá tiêu biểu. Do chỗ thấy ngay rằng đây là một công cụ có thể giúp cho việc giáo dục dân chúng, tổ chức xã hội, cho nên những người cầm bút nhanh chóng học “làm” tiểu thuyết. Thế nhưng ở đây cũng lại bộc lộ một tinh thần thực dụng rõ rệt, tức là cắm cúi mà học, học vội học vàng, học không bài bản, không chú ý gì đến lý luận cả. Vừa đây tôi có viết một bài về Nguyễn Công Hoan và thể tiểu thuyết, in trên tạp chí Nghiên cứu văn học trong đó nói: Tác giả Bước đường cùng lạ lắm, lúc nào cũng thích tự nhủ người Việt thì phải viết theo kiểu Việt, để rồi vừa đọc qua mấy quyển tiểu thuyết loại như của Alexandre Dumas đã thấy “nắm” được, thế là bỏ dở không đọc nữa, xoay đi viết. Về già, trong hồi ký, chính Nguyễn Công Hoan cũng nhận là “dạy non” tức là chưa thuộc, thì đã bắt đầu vào làm, và làm với một tâm thế tự tin quá mức. Ðây không phải trường hợp riêng của Nguyễn Công Hoan mà là của nhiều người khác. Thành thử tiểu thuyết của chúng ta như chữ của Nguyễn Triệu Luật trong một bài viết trên tờ Tao đàn 1939, phần lớn chỉ là loại tiểu thuyết của “phường coi cổng”, tiểu thuyết bình dân được nâng lên một tí. Với một thể loại được nhập từ ngoài vào thường chúng ta chỉ tiện tay khai thác sử dụng, chứ chưa tiếp nhận có bài bản, chưa lo dựng tạo cho được một sắc thái riêng đặc trưng cho tiểu thuyết người Việt.



TK: Nếu so sánh thái độ của người Việt và của người Nhật đối với Tây phương, thì anh thấy khác nhau như thế nào?

VTN: Mấy năm trước tôi có được đọc một tài liệu của một nhà nghiên cứu người Việt ở Canada là ông Vĩnh Sính, ông ấy so sánh một người như Phan Bội Châu với một nhà cách tân Nhật Bản là Fukuzawa Yukichi (1834- 1901) ở khía cạnh nhận thức của Phan Bội Châu và Fukuzawa về người nước ngoài, – theo tôi hiểu, cái nhận thức đó, nó quyết định toàn diện hành động và hướng làm việc, hoạt động của hai người. Theo sự mô tả của Vĩnh Sính, thì những người như Phan Bội Châu quan niệm thế này: Người nước ngoài đến Việt Nam, là không thể được, với bất cứ giá nào, ta cũng phải đánh bật họ đi. Phải dùng mọi biện pháp, mọi phương tiện để giành lại độc lập. Ngược lại, Fukuzawa nghĩ, khi có người nước ngoài đến mình mà mình thua, như thế tức là văn hóa mình, đất nước mình, nó có vấn đề. Và ông nhận thức rằng: những người nước ngoài ấy, trước sau sẽ là bạn của mình, trước sau sẽ phải quan hệ với họ, cho nên ta phải tìm hiểu lý do tại sao họ thắng ta. Chính cái việc tìm ra lý do như thế nó sẽ hướng chúng ta vào việc việc học hỏi người ta một cách nghiêm túc, rồi đổi mới xã hội. Mà trước tiên là tự hiểu mình, có cách ứng xử hợp lý thích hợp với nhu cầu của mình. Từ đó mục đích cuối cùng là cứu nước vẫn bảo đảm, mọi mối quan hệ bình thường đối với người ngoài vẫn duy trì, đồng thời tránh được tất cả những mất mát không cần thiết. Có thể nói ở Nhật việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài luôn được thúc đẩy một cách mạnh mẽ, nó làm giàu cho dân tộc Nhật, đồng thời làm cho nước Nhật có thể thích ứng với thế giới.



TK: Từ sau 1945, việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài bước qua một giai đoạn khác, theo sự tìm hiểu của anh ở thời điểm ấy có những chuyện gì đáng nói?

VTN: Trong phạm vi cuộc sống ở miền Bắc, tôi đã có để ý chuyện này và cố tìm hiểu cả các nguồn tài liệu trực tiếp cũng như gián tiếp. Nói cụ thể là tôi muốn trở về với việc tiếp thu văn hóa nước ngoài ngay từ thời ở Việt Bắc. Hồi ông Huy Cận còn sống, có lần tôi đã nói với tác giả Lửa thiêng: “Chính các anh đi kháng chiến chống Pháp bằng văn hóa Pháp”. Tại sao tôi nói thế? Bởi vì cứ xem tờ Văn Nghệ làm trong kháng chiến thì nó có khác gì những tờ Phong Hóa, Ngày Nay làm trước 1945 đâu? Nhìn chung rất nhiều hoạt động văn hóa lúc bấy giờ chẳng qua là áp dụng những bài học chúng ta đã học được từ nền văn hóa Pháp.

Với kháng chiến, một vấn đề mới nảy sinh: phải viết về đánh nhau, là chuyện trước đó ta chưa quen. Lập tức có sự chuyển hướng, tức là học theo người Nga, học theo sách báo Xô Viết, mặc dù lúc bấy giờ chưa biết tiếng Nga, phải “ mượn đường “ qua tiếng Pháp. Hồi làm việc ở tạp chí Văn Nghệ quân đội, tôi nhớ anh Vũ Cao hay kể cho tôi nghe chuyện những năm 48-49. Trên Việt Bắc, chỗ anh ấy có một số sách Pháp lấy được ở Hà Nội lên, thế là Nguyễn Ðình Thi bên Hội Văn Nghệ phải vác ba-lô đến ở chỗ Vũ Cao đọc cho bằng được mấy quyển như là Paris sụp đổ, như là Cơn bão táp của Ehrenbourg... để học cách viết về chiến tranh của người Xô-Viết, từ đó mà có những sáng tác phục vụ kháng chiến. Thày Huỳnh Lý khi giảng cho chúng tôi về văn học 1945-60 ở trường Ðại Học Sư Phạm Hà Nội cũng nói đại ý: Không có những Ðợi anh về của Simonov hay thơ của một số nhà thơ Tây Ban Nha thì chúng ta khó mà có những bài thơ kháng chiến chống Pháp như đã biết. Nếu không có những cuốn như Tinh cầu của Kazakevich chẳng hạn, thì không thể có Trước giờ nổ súng của Lê Khâm. Thế tức là việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài, ngay trong những ngày đầu khói lửa chiến tranh chống Pháp đã có, và sau này lại tiếp tục. Chỗ này phải nhận dân viết văn ở mình nhạy bén lắm, thấy cái gì cần là học ngay, chẳng ngần ngại gì cả.



TK: Còn tới giai đoạn miền Bắc tiếp thu văn hóa Nga Xô Viết ồ ạt như thời 1954-65, cảm tưởng của anh ra sao?

VTN: Phải nói ngay là trong giai đoạn 54-65 này, hoặc một giai đoạn ồ ạt hơn là khoảng 1980-1990, chúng ta cũng lại chưa biết tiếp nhận, nhiều khi tiếp nhận cái dở hơn là cái hay. Cái dở thì vào rất nhanh mà cái hay thì lại không tiếp nhận được, đến mức mà có khi người ta đã bỏ đi rồi, mình lại nắm lấy học theo và chính cái đó nó làm hại mình. Trong những câu chuyện liên quan tới việc tiếp nhận văn học Nga Xô Viết, gần đây một anh làm nghiên cứu văn học Xô Viết là Phạm Vĩnh Cư, có nói đại ý: Nhìn vào cách của mấy nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari... thì rõ ràng họ rất có bản lĩnh. Họ biết phân biệt trong văn học Xô Viết, cái gì hay, cái gì lâu dài thì họ nhận lấy, còn những gì chỉ là tuyên truyền nhất thời thì họ từ bỏ, nếu buộc phải dịch họ chỉ làm qua loa cho xong. Còn ở ta, nói chung, tôi thấy ít ai có can đảm chọn lọc, cứ cái gì mà giới quan chức văn học Xô Viết bảo là hay thì ta dịch và làm theo thôi. Cho nên bây giờ chúng ta vẫn cứ còn loạng choạng thế này.



TK: Trên đây, anh có nói đến khía cạnh hai mặt, vừa “tự tôn”, vừa “tự ti” của người Việt trong việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài. Anh có thể nói rõ hơn một chút về khía cạnh “tự tôn”.

VTN: Kể ra dùng chữ tự tôn cũng chưa hẳn đã chính xác, chỉ biết là trong khi tìm hiểu về việc tiếp nhận, tôi có nhận ra một sự thực là dân ta rất sợ mang tiếng, rất sợ nói rằng chúng ta chịu ảnh hưởng của nước ngoài và luôn luôn muốn lưu ý rằng ta chẳng kém gì người. Ðiều này đã có từ ngày xưa và bây giờ vẫn chưa hết. Một sử gia rất nổi tiếng là Arnold Toynbee, nhà nghiên cứu lịch sử người Anh, trong công trình chủ yếu của mình A Study of History có nói rằng thế giới hiện nay còn tồn tại 38 nền văn minh, trong đó có Việt Nam. Cái đó là cái mà chúng ta đang cần, nên nhiều người thích nhắc lại, cho đây chứng tỏ rằng văn minh Việt Nam, văn hóa Việt Nam ngang ngửa với người, cần được khẳng định. Thế nhưng các vị ấy lại cố tình lờ đi, cố tình quên một điều là theo sự phân loại của Toynbee, thực ra thế giới chỉ có mấy nền văn minh lớn như Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Ðộ, phương Tây, Hồi giáo... ngoài ra, còn lại là những nền văn minh vệ tinh. Thậm chí cả Nga nữa, cũng là một loại văn minh vệ tinh, xoay quanh một nền văn hóa lớn khác, tương tự như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam xoay quanh văn hóa Trung Hoa. Cái đó nhiều nhà nghiên cứu đồng nghiệp của tôi không muốn chấp nhận, thấy người Việt ai nói thế thì bảo là hèn, khiếp nhược, kém tinh thần dân tộc. Tôi thấy ở đây có một sự thụt lùi. Tức là từ lâu rồi, các nhà văn, nhà nghiên cứu ở ta đã ghi nhận ảnh hưởng nước ngoài, ví dụ như Lưu Trọng Lư chẳng hạn, ngay từ năm 1939 đã viết trên Tao Ðàn: “Ta đã vay mượn của người hàng xóm từ một điệu thơ nhỏ nhất đến một đạo lý cao xa, hồi xưa chúng ta là những người Tàu, gần đây là những người Tây, và chưa lúc nào chúng ta là người Việt Nam cả”. Hay là nhà mác-xít Trường Chinh, trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, năm 1948, đã nói chắc như đanh đóng cột: “Ông cha ta hàng chục thế kỷ học Tàu, viết Tàu, nghĩ theo cách Tàu, pháp luật mô phỏng theo cách Tàu, học triết học Tàu, theo lễ giáo Tàu. Về tín ngưỡng theo cả Tàu lẫn Ấn. Khoa học không tiến. Lối ăn, mặc, ở hủ lậu, bảo thủ, thiếu khoa học”, và ông đã tổng kết là: “Văn hóa cổ của ta có hai nhược điểm lớn là kém khoa học và lai Tàu”. Hay là nhận xét về văn hóa thời Pháp thuộc thì Trường Chinh cũng nói: “Nội dung lộn xộn, phức tạp, hình thức vừa lai Pháp, vừa lai Tàu” (sau này thì chữ Tàu ông ấy đổi thành chữ Trung Quốc). Ðấy, một nhà mác-xít triệt để như ông Trường Chinh mà cũng nói như thế, còn giờ đây chúng ta rất ít người nhắc lại những câu tương tự, vì sợ, vì e nói thế là làm cho mình yếu thế. Và trên tinh thần thì cứ luôn luôn nhấn mạnh rằng ta độc đáo lắm, hình như cái gì ta cũng nghĩ ra hết và có tiếp nhận thì là tiếp nhận rất thông minh rất sáng tạo. Chính cái đó là một lối nghĩ không khách quan, không khoa học, không đúng với sự thực, chả lợi lộc gì mà chỉ làm dân ta hỏng thêm.



TK: Thế còn khía cạnh “tự ti” xuất hiện dưới những hình thức như thế nào?

VTN: Ðó là lối thả cửa bắt chước, thả cửa học đòi, làm theo người ta một cách lộ liễu thô thiển không biết thế nào là lố bịch, là xấu hổ nữa. Lắm lúc cũng không biết nói ai bởi vì bây giờ nó đang thành phổ biến. Ví dụ tôi thấy gần đây có một tình trạng là trong ngôn ngữ, nhiều người rất thích dùng những chữ Hán kể cả những chữ mà họ không hiểu nghĩa hoặc chỉ hiểu mang máng. Rồi rất thích ghép từ đặt câu theo ngữ pháp chữ Hán, thí dụ mấy cửa hàng thì là Cày tơ quán, Trúc ly quán hay thơ thì là đặt tên là Cỏ may thi tập, sách nghiên cứu thì đặt tên là Thuyết Trần (tương tự như Thuyết Ðường?!). Lại chẳng hạn gần nhà tôi có một cái nhà có vẻ biệt thự liền được đặt tên là “Bồ đề trang”. Cứ cảm thấy như là không nói thế không viết thế, không phả một chút “mùi Tàu” nào đấy trong cách nói của mình, chữ nghĩa của mình, thì nó không được sang trọng. Thành ra có hai tình trạng song song tồn tại, vừa để cho ảnh hưởng xâm nhập tràn đầy, vừa đóng kín lại; vừa bắt chước thả cửa, lại vừa ra cái điều là ta không cần ai và hoang tưởng: ta không kém gì ai trên đời này cả.



TK: Tất cả những yếu tố mà anh vừa kể, theo anh, do đâu mà có như vậy?

VTN: Cái này theo tôi nó có một lý do lịch sử: do hoàn cảnh riêng của một quốc gia “phi Hoa phi Ấn”, và do đất nước luôn luôn bị ngoại xâm mà ông cha ta phải làm như vậy. Gần đây trong mấy chục năm chiến tranh, đứng ở góc độ người dân thường mà xét, chúng ta không có tiếp xúc gì với ai cả và không ai biết gì về nước ngoài. Trước 1975, dân Hà Nội chúng tôi ra phố, giá kể nhỡ ra có gặp người nước ngoài hỏi đường cũng không được phép trả lời. Chả ai được phép biết về thế giới đến nơi đến chốn. Ðặc biệt không biết gì về thế giới hiện đại, như trong văn học có thể dịch văn học phương Tây thế kỷ XVIII, XIX chứ với văn học thế kỷ XX thì coi là độc hại, hoàn toàn cấm cửa (đến sau 1986 mới có đổi khác).

Nói nôm na là có cả một xu hướng ta tự cách ly hẳn với người ta. Cái đó kéo dài lâu quá, tạo ra kết quả là khi tiếp xúc trở lại, sinh ra “cóng”, sa vào lúng túng ngớ ngẩn, thậm chí là bệnh hoạn. Gần đây lại có tình trạng: do từ chỗ tối bước ra chỗ sáng, nên bỡ ngỡ, ngạc nhiên, và đâm ra lóa mắt; trong thâm tâm cảm thấy như là có lẽ không bao giờ chúng ta có thể bằng được người, vì thế cho nên tranh thủ hưởng thụ, tranh thủ nhặt nhạnh, tranh thủ làm thế nào để có thể vênh mặt lên mà nói rằng: ta không kém họ. Ðấy là những cái tôi tạm gọi là những bệnh tật trong sự tiếp nhận, nếu không khắc phục được thì không biết bao giờ chúng ta mới có thể tiến lên được.



TK: Trong tình trạng chung ấy, anh và các bạn ở Hà Nội là những nhà văn, nhà phê bình, thì các anh chị đã tiếp cận với nền văn hóa nước ngoài bằng những cách nào?

VTN: Ở Hà Nội, lớp người viết văn, viết báo sinh khoảng những năm bốn mươi chúng tôi là một lứa người rất độc đáo trong lịch sử. Tức là các cụ ngày trước, thì ít nhất là biết chữ Hán, biết văn học Trung Quốc. Chẳng những các nhà văn tiền chiến, mà ngay các nhà văn thế hệ chống Pháp, một số như các anh Nguyễn Khải, Nguyễn Thành Long, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, còn biết tiếng Pháp và thường đọc văn học Pháp. Còn như bọn chúng tôi, có biết gì thì cũng là thông qua những bản dịch. Như chị biết đấy: có học ngoại ngữ mới hiểu và dùng đúng tiếng Việt, có biết văn học nước ngoài thì thật sự anh mới hiểu sâu sắc văn học Việt. Thế nhưng chúng tôi chẳng biết cái gì cả, chỉ biết mỗi một thứ văn học Việt Nam như các bậc đàn anh diễn giải, ngoài ra mò mẫm xem ai dịch được cái gì thì biết thêm cái đó. Khi đã có thể trực tiếp đọc được một ít sách báo nước ngoài (với tôi là tiếng Nga) và sau mấy chục năm làm biên tập xuất bản, nhìn lại việc dịch, tôi lại phát hiện ra một điều đáng sợ khác: ta dịch sai nhiều lắm, tùy tiện, ẩu, liều lĩnh bừa phứa; lâu nay đã vậy và gần đây càng như vậy. Chưa kể ở Hà Nội còn có một cái lối rất kỳ là thấy người nước ngoài nào viết trái ý mình liền cắt bỏ ngay lập tức. Cho nên gọi là có dịch mà anh em chúng tôi vẫn không hiểu gì về thế giới. Khó khăn đến mức là với tiếng Việt hiện nay, những tác phẩm hiện đại, loại như của Marcel Proust, James Joyce, Kafka... rất khó dịch; khi tiếp xúc với các bản dịch các tác phẩm văn học đương đại mà có những đổi mới về kỹ thuật biểu hiện, tôi cảm thấy thường là chúng ta dịch không chính xác và không nói đúng được cái ý của người ta. Và bởi vì các nhà văn chỉ tiếp xúc với văn học nước ngoài qua bản dịch thôi, cái đó quay lại hạn chế nhận thức rất nhiều.



TK: Nếu nói riêng về địa hạt lý luận phê bình thì tình trạng tiếp nhận là như thế nào?

VTN: Năm 2004 ở Hà Nội đã có một cuộc hội thảo về lý luận, tôi cũng có một tham luận, đại ý tôi nói thế này: Nói cho nghiêm túc thì ở Việt Nam không có lý luận. Các cụ ngày trước cũng đã công nhận như thế. Chúng ta có quen tư duy lý luận đâu? Không quen, không thích làm, không thích nghĩ, thậm chí dè bỉu chê bai những người làm lý luận. Ðến lúc theo lối làm ăn của Liên Xô của Trung Quốc, phải có vài đường học thuật, thì cũng chỉ vay mượn để diễn giảng một vài vấn đề gọi là cơ bản, gọi là cần thiết thôi, sau đó không tiếp tục đi sâu nữa. Vì thế cho nên căn bản ở Việt Nam lý luận thực thụ không có, công trình lý thuyết không có. Những người mà có thể nói là có đóng góp cho công tác lý luận, chính là những người đọc được sách báo nước ngoài và giới thiệu lại những cái đó cho các đồng nghiệp, và có yêu cầu nhau cái gì thì cũng phải nhớ điểm xuất phát đó. Hơn bốn chục năm trước khi học các giáo trình Sơ thảo nguyên lý văn học, Mấy vấn đề nguyên lý văn học của giáo sư Nguyễn Lương Ngọc, tôi thấy tác giả có sự tiếp cận khá rộng rãi, tài liệu thì kể cả Trung Quốc, kể cả Liên Xô, kể cả phương Tây đều có đọc, và có cả lý luận cổ nữa, như Văn tâm điêu long, Tùy viên thi thoại cũng biết. Cách giới thiệu của Nguyễn Lương Ngọc chừng mực mà vẫn cởi mở và hướng tới những chân trời rộng rãi. Những người đi sau tuy có vài khía cạnh đi sâu hơn nhưng lại có sự giản lược với nghĩa chỉ dừng lại ở một vài tác giả như Timofiev hoặc gần đây thì Likhachov hay là Bakhtine v.v... Tức là người mà có sự tiếp nhận lý luận phê bình một cách sâu sắc và toàn diện thì không có. Ấy là không kể nhiều học thuyết của nước ngoài, khi được truyền đạt phần lớn chỉ ở dạng thông tin, may lắm thì người giới thiệu thuộc bài hiểu bài, chứ chưa ai có khả năng đánh giá, cũng như chưa đề ra được hướng áp dụng những cái đó vào việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong văn học Việt Nam.

Gần đây khi việc tiếp nhận lý luận phương Tây được “bật đèn vàng” – tức là không cấm mà cũng không khuyến khích, để tùy nghi ai muốn làm thì làm – lập tức có tình trạng là một số anh em vừa đọc được những cái lạ thì có khi mới chàng màng qua loa đã quay ra “trộ”, “lòe”, làm phách với chung quanh, từ đó gợi nên rất nhiều phản cảm. Cũng có người tiếp nhận rất nghiêm túc, nhưng can tội say sưa quá, chỉ nói lại một ít điều đã đọc được ở những tác giả nước ngoài mà vội làm ầm làm ĩ, nào là “loại một của thế giới đây” “hảo hạng đây”, nào là “tôi tìm ra”, “đấy là của tôi”. Trong những trường hợp này, tôi có cảm tưởng chuyện xảy ra trong học thuật mà chẳng khác gì bên làm ăn buôn bán. Trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa người ta thường thấy các hãng nước ngoài có đại lý ở Việt Nam, cửa hàng này đại diện hãng dầu Shell, cửa hàng kia chuyên bán sản phẩm Toyota. Thì mấy nhà nghiên cứu nói trên, cũng chẳng qua là những “đại lý” của những nhà lý luận nước ngoài thôi, còn cố ra oai mà tự phong mình là nhà lý luận thì e tội nghiệp quá. Tình trạng ấy, theo tôi, cũng rất đặc trưng cho cách thông tin và lý luận kiểu Việt Nam.

Một ý khác tôi đã lưu ý trong bản tham luận nói trên: mục đích trước mắt của việc tiếp nhận là để giúp vào việc lý giải các hiện tượng văn học trong nước. Giới thiệu những lý luận mới mẻ ở nước ngoài là hết sức cần thiết, nhưng chớ nên quên nó hình thành là để hợp với trình độ của người ta. Chỉ có một số nhỏ trong những lý luận mới đó phù hợp với đối tượng là văn học Việt Nam kể cả văn học đương đại lẫn văn học cổ. Nếu nhầm lẫn ở chỗ này thì tài cao học rộng đến đâu cũng vô ích, hoặc chỉ có ích trong một phạm vi hạn hẹp.



TK: Cách nhìn về tình trạng tiếp nhận văn học nước ngoài hiện nay ở Việt Nam anh trình bày ở trên có được nhiều người chia sẻ?

VTN: Ðôi khi tôi tìm được những đồng minh rất tình cờ. Ví như gần đây tôi có đọc được ý kiến của một nhà văn trẻ đang sống ở Mỹ và từng có dịp về làm việc ở Hà Nội là Lê Thị Huệ. Qua một bài trả lời phỏng vấn trên Hợp Lưu cuối năm 2004, tôi được biết chị Huệ từng có cuốn sách “Văn hóa trì trệ” nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ XXI. Ðiều quan trọng hơn là trong cuốn đó có cả một chương mang tên văn hóa vọng ngoại. Theo Lê Thị Huệ, “giới văn học Hà Nội (cả sáng tác và phê bình) có nhiều chỗ tệ, nhưng tệ nhất là lười độc lập. Cứ le te thấy ngoại quốc có cái gì hay thì ca um lên, rồi bắt chước theo, sùng bái còn hơn cả tín đồ nước gốc. Ra cái điều là ta cũng biết ông Tây, bà Ðầm này nọ. Vọng ngoại và vong thân tràn lùa như một cơn lũ đã phá tan và đánh bạt niềm tự tôn của người Việt Nam quá lâu”.

Tôi không quen chị Huệ và cũng chưa có may mắn đọc sáng tác của chị nhưng rất đồng tình với các nhận xét nói trên. Có một số người thấy tôi bảo dân mình co lại khép kín và không biết tiếp thu nước ngoài liền kêu tướng lên rằng tôi vọng ngoại, họ có biết đâu tôi cũng rất dị ứng với các hiện tượng nông nổi kiểu đó. Ðiều tôi muốn lưu ý thêm là thường thì vọng ngoại lại đi liền với bài ngoại, không hiếm những người học đòi lại chính là những người co lại và tuyệt đối hóa bản sắc của mình như trên đã nói.

Nhìn chung, tôi cho rằng tình hình tiếp nhận văn hóa nước ngoài chưa được suy nghĩ một cách nghiêm túc. Thậm chí nhiều lúc chúng ta rơi vào tình trạng dễ dãi và nói theo thói quen. Ví dụ như một nhà văn mà tôi thấy rất đáng kính trọng là anh Nguyên Ngọc. Tác giả Ðất nước đứng lên là một trong số ít nhà văn hiện nay hiểu biết nhiều về văn hóa văn học nước ngoài. Nguyên Ngọc cũng là người có nhiều quan điểm khá cởi mở. Về việc tiếp nhận, anh ấy từng nói rất đúng rằng phải xem mở cửa như một quy luật tất yếu. Thời nào mà chúng ta biết tiếp nhận nước ngoài thì chúng ta sẽ phát triển, giữ được bản sắc, còn nếu chúng ta đóng kín, thì chúng ta đánh mất bản sắc. Thế nhưng cuối cùng thì Nguyên Ngọc lại kết luận như thế này – tôi không biết bây giờ anh ấy còn nghĩ như thế không – “Dân tộc ta hiểu rất rõ quy luật này và đã vận dụng hết sức sáng tạo” hoặc “Kiểu cách của văn hóa Việt Nam là gì? Ðó chính là khả năng tiếp nhận và tiêu hóa được tất cả những tinh hoa của văn hóa đến từ nơi khác, chắt lọc và hòa nhập vào cái của mình”. (Trích trong báo Người Hà Nội, một số ra trong tháng Tư năm 2002. ) Tôi ngờ rằng đây là một nhận định dễ dãi, nói quen miệng thôi. Chứ thực ra nếu chúng ta được như thế thì mừng quá rồi còn gì nữa, và có lẽ văn hóa của chúng ta nó không rơi vào tình trạng như hiện nay.



TK: Ðể kết luận, xin hỏi anh một câu hỏi chót: Theo anh thì có việc gì phải làm ngay để lay động thói quen cũ và buộc mọi người quan tâm tới vấn đề này?

VTN: Tôi cho rằng đã đến lúc mọi người làm văn hóa Việt Nam phải chú ý tới câu chuyện tiếp nhận. Xác nhận bằng được ảnh hưởng từ bên ngoài để rồi tìm ra chính mình, tách mình khỏi người, trong khi vẫn không quên tiếp tục học hỏi. Phải có một chương trình nghiên cứu đàng hoàng, phải tiến tới biên soạn một bộ “Lịch sử sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài ở Việt Nam”. Ði theo hướng đó tức là dần dần lần ra chân tướng của văn hóa ta. Thật ra việc này ít nhiều các bậc tiền bối đã làm. Dương Quảng Hàm, mở đầu cuốn Việt Nam văn học sử yếu đã viết ngay về ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đối với Việt Nam. Sau này, Thanh Lãng, khi viết về văn học Việt Nam thế kỷ XX, cũng đã rất chú ý đến ảnh hưởng của Pháp. Nhưng gần đây, ở Hà Nội, tôi thấy có tình trạng là các sách nghiên cứu văn hóa ít chú ý đến ảnh hưởng nước ngoài. Cứ nói như là nền văn hóa ta giời sinh ra đã như thế, đã có khả năng làm được những việc mà ta đã làm. Rất thiếu hiểu biết lịch sử và kém trong việc vận dụng quan niệm lịch sử.

Hiện nay người Việt đang sống ở nước ngoài cũng khá đông. Hằng ngày hằng giờ, họ phải làm công việc hội nhập văn hóa để xây dựng lại bản thân mình. Ðây cũng là một khu vực nghiên cứu thú vị và tôi ngờ rằng những quy luật rút ra từ việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài ngay trên xứ người cũng sẽ dẫn đến những kết luận tương tự như khi nghiên cứu người ở trong nước.

Cần nghiên cứu sự tiếp nhận nói chung vì qua đó, sẽ cho ta thấy bản lĩnh Việt Nam và thậm chí là sẽ giúp ta tìm thấy bản sắc thực sự của mình. Bản sắc không phải là một cái gì nó tự sinh ra, mà được hình thành như sản phẩm của những mối quan hệ với hoàn cảnh chung quanh. Bản sắc không nhất thành bất biến và có thể nói rằng, hiện nay chúng ta vẫn đang đi tìm bản sắc. Rồi ra chính trong cái việc kiểm điểm xem ta nhận của nước ngoài cái gì, ta sẽ hiểu bản sắc và vốn liếng thật của mình. Mỗi khi nói về các vấn đề có liên quan tới giao lưu, học hỏi, cọ xát, tiếp nhận, ảnh hưởng, thường trong đầu tôi vẳng lên câu thơ của Aragon: “Tất cả gì về anh nhờ em anh mới biết.” Ông ấy nói với người yêu rằng qua sự tiếp xúc với em mà anh mới biết anh là người như thế nào, có gì hay gì dở. Câu thơ nói về chuyện lứa đôi riêng tư mà lại có sức khái quát. Ðứng trên bình diện cả dân tộc cũng vậy, tôi cho rằng qua việc tiếp cận và so sánh với người nước ngoài, ta mới thực hiểu ta là người thế nào.



TK: Xin thành thật cảm ơn anh Vương Trí Nhàn.

THỤY KHUÊ thực hiện

Paris, tháng 6/2005

Cười - Chất lượng cao

Phóng viên VĂN NGHỆ TRẺ (PV): Thưa anh Vương Trí Nhàn, từ góc nhìn của một người làm phê bình văn học, xin anh cho biết một nhận xét chung về tiếng cười trong tác phẩm văn chương ở ta hiện nay?

VƯƠNG TRÍ NHÀN (VTN) So với cái thời tôi mới vào nghề, tức là thời chống Mỹ, trong đời sống chúng ta đã cười nhiều hơn, và điều đó đã chuyển một phần vào trong văn chương. Nhưng cho phép tôi nói một cảm tưởng: hình như chúng ta đang có nhiều tiếng cười dễ dãi hời hợt mà thiếu hẳn cái tiếng cười ở tầm suy nghĩ sâu sắc.

PV: Trước tiên hãy dừng lại ở cái ý đầu tiên của anh. Phải anh muốn nói rằng có sự thay đổi của tiếng cười trong thời gian?

VTN: Đúng vậy. Thời bao cấp, xã hội hình như “chỉ biết nghiêm chỉnh”. Mọi người ít cười trong văn chương. Vì sao ư, vì lúc nào cũng sợ cười sai. Một phần truyền thống văn học phương Đông là thế, nó đạo mạo, nó trịnh trọng, nó thích cái sự thiêng liêng, dù chỉ là thiêng liêng giả vờ.

Nay cuộc sống đã khác. Bề ngoài, nó có cái vẻ nhốn nháo của một thời tan băng. Hồi trước, trong một thời gian dài, yếu tố phê phán bị “xếp xó”. Người ta sợ nó như sợ một con dao sắc. Nay, cả trong đời sống, lẫn trong văn chương, tinh thần phê phán được hiểu khác đi. Nó không bị xem là một cái tội. Mà xuất phát từ một quan niệm gốc: Không phải cái gì chúng ta đang có cũng đều là “lý tưởng” cả. Tất cả có thể làm khác, cả tôi với anh lẽ ra cũng phải khác, so với cái đang tồn tại. Phê phán là đặt yêu cầu cao với đời sống. Tiếng cười là một trong những phương tiện hữu hiệu để làm công việc phê phán cần thiết đó. Tiếng cười làm cho đời sống trở thành chính nó chứ không phải đời sống giả tạo do người ta tưởng tượng ra và ép nhau phải theo.

PV: Thế thì tại sao ở phần trên anh còn có vẻ như là chưa hài lòng về tiếng cười hiện nay?

VTN: Thú thực, bây giờ giá có ai hỏi tôi trong văn chương ta đương thời có cây bút nào nổi lên với một bút pháp hài hước sâu sắc cỡ như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao trước 1945, hoặc lùi xa hơn như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, tôi vẫn không biết gọi ai. Nhiều cây bút đương thời đã muốn cười, nhưng những tiếng cười lẫn vào nhau, và trong nhiều trường hợp là giả tạo tầm thường. Đại khái cũng giống như tiếng cười mà nhiều diễn viên hài đang “phát huy” trên sân khấu và màn ảnh nhỏ. Nó dung tục và dễ dãi, thường mỗi khi bắt gặp là tôi tắt tivi ngay.

Tình trạng này có nguyên do sâu xa của nó. Một thời gian dài chúng ta quên cười nên khi quay lại tiếng cười có phần lúng túng. Và dễ chuyển sang cười nhạt nhèo, cười giả, cười lấy được. Trên kia tôi đã nói tới tình trạng tan băng. Dù ở ta không có băng nhưng tôi vẫn thích cái hình ảnh ấy. Nó thích hợp để nói về một giai đoạn đời sống như hiện nay. Nên nhớ khi đóng băng thì những thứ thiu thối không bốc lên mùi gì. Còn lúc tan băng thì đời sống hiện ra với cả cái trong trẻo lẫn cái ngầu đục, cả cái sức sống tràn đầy, lẫn những cái đã chết hoặc đang chết, nhưng chưa thiêu hủy hoàn toàn.

Một khía cạnh khác: chúng ta mải suy nghĩ những chuyện đâu đâu mà chưa có sự suy nghĩ nghiêm chỉnh về tiếng cười hàng ngày của mình. Tức đã đến lúc phải nhận quan niệm về tiếng cười của chúng ta có vấn đề.

PV: Người ta hay nghĩ cười đơn giản tức là vui, là tếu. Sao lại có chuyện tiếng cười cũng nghiêm chỉnh và cũng phải được xây dựng trên những quan niệm vững chắc, thưa anh?

VTN: Có chứ. Tiếng cười có nhiều sắc thái, và viết tới cái mức thiên hạ đọc “cười ra nước mắt” bao giờ cũng là mơ ước của những nhà văn lớn.

Nói chung cười là một biểu hiện của trình độ chiếm lĩnh cuộc sống, trình độ làm người của mỗi cộng đồng cũng như mỗi cá nhân.

Đoạn trên tôi vừa nói rằng có một thời cả trong văn chương lẫn trong đời sống thưa vắng tiếng cười. Nhưng thưa vắng chứ không phải không có. Những cái chưa thể viết hết ra được, hàng ngày người ta đem ra nói cho nhau nghe trong những lúc gọi là trà dư tửu hậu. Những cuộc trò chuyện văn chương “bên lề” mà tôi được tham dự khi mới vào nghề bao giờ cũng có tiếng cười. Tôi tự tổng kết cho mình: những nhà văn viết hay là những người sắc sảo, câu chuyện của họ luôn mang đến tiếng cười. Khả năng hài hước thường là tỉ lệ thuận với tài năng văn học.

Sự nghiêm chỉnh của tiếng cười bắt đầu từ khả năng của nó trong việc giúp người ta nhận thức sâu về đời sống. Đấy là điều tôi học được trong các công trình nghiên cứu về tiếng cười trên phương diện triết học cũng như mỹ học.

Người ta thường chỉ nói rằng tiếng cười giúp vào việc từ bỏ thói hư tật xấu, và đó là chức năng chính của nó. Nhưng trong một tài liệu mà tôi từng đọc, một nhà mỹ học người Nga ngay từ thời xô viết đã bảo rằng: Chức năng chính của tiếng cười là giúp vào việc nhận thức. Chừng nào nhân loại còn muốn và cần phát hiện lại đời sống, họ còn được cười.

PV: Liệu có thể đọc ra một quan niệm nào đó sau những tiếng cười tầm thường dễ dãi mà anh hay nhấn mạnh ?

VTN: Con người suy nghĩ còn Thượng đế thì cười là một câu tục ngữ Do thái cổ mà nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera dẫn ra trong một tiểu luận văn chương. Một số người ở ta vồ ngay lấy nó, giải thích một cách nông nổi. Họ thích dẫn lại để nói rằng cuộc đời này chẳng có gì nghiêm chỉnh và người ta chỉ còn một cách phản ứng duy nhất trước cái đời sống nhảm nhí ấy là cười. Đằng sau tiếng cười ở đây rõ ràng là sự mệt mỏi, sự đầu hàng trước hoàn cảnh, sự cao ngạo vô lối mà thực chất là sự lảng tránh trách nhiệm. Tôi từ chối một quan niệm như thế, nên thường không thể chịu được tiếng cười của họ.

PV: Nhiều người chỉ nghĩ cười là một phương tiện để đưa nội dung mà họ muốn nói một cách dễ dàng tự nhiên. Cười càng nhẹ nhõm càng dễ lây lan. Anh không đồng tình ?

VTN: Đang tồn tại một lớp công chúng ngại nghĩ ngại đọc những gì nghiêm chỉnh, và với một số nhà văn mà anh vừa nói – thì tiếng cười là một thứ nước đường ngày xưa người ta dùng để dỗ trẻ con, hoặc như trong đông y, là một thứ “thang” để người đọc dễ nuốt trôi những thứ thuốc đắng. Tôi chấp nhận có một loại nhà văn như vậy với quan niệm tiếng cười như vậy, nhưng xin cho phép tôi đề nghị một quan niệm khác. Đấy là cái quan niệm trên kia tôi vừa nói: Tiếng cười có chức năng phát hiện đời sống. Tiếng cười là một công cụ để con người hoàn thiện mình.Tiếng cười ấy cũng thiêng liêng cao cả như nỗi đau, như tiếng khóc. Xin nhắc lại đó là quan niệm mà các nhà mỹ học cổ điển cũng như hiện đại đều khẳng định. Hồi chống Mỹ, các nhà văn như Chế Lan Viên, Xuân Diệu cũng thường nói vậy. Anh Chế Lan Viên chia ra dòng lớn và dòng nhỏ trong thơ trào phúng là cốt để nhấn mạnh ý này.

PV: Có phải anh muốn đề nghị một tiếng cười có chất lượng cao...

VTN: Vâng, đó sẽ là một tiếng cười văn hóa.



Đã in trên báo Văn Nghệ trẻ số ra 9-6-07

:::Nguyễn Mạnh Trinh:::

Xuân Diệu: Làm thơ? Làm thợ?
Không hiểu sao tôi lại chọn nhan đề bài viết này như thế. Xuân Diệu, một kiện tướng của phong trào thơ mới, một thi sĩ có những bài thơ tình làm ngây ngất độc giả, một tác giả có chân trong Tự Lực Văn Đoàn, một nhà thơ thuộc loại cổ thụ trong văn học VN. Những Vũ Ngọc Phan, Thế Lữ, Phan Cự Đệ, Huy Cận... đã chẳng từng xưng tụng là một nhà thơ tiêu biểu cho một thời kỳ văn học đó sao. Xuân Diệu đích thực phải là một người làm thơ, mà còn là thi sĩ nổi tiếng nữa. Thế nhưng, tai sao lại có câu hỏi: hay làm thợ? làm thợ tức là đem sức lực lao động cơ bắp của mình ra làm việc và ít xử dụng đến năng lực của bộ não. Đối với một người đã "cái quan định phận" như Xuân Diệu mà đặt câu hỏi như thế là xúc phạm đến vong linh người đã chết! Dù rằng thơ và thợ chỉ khác biệt nhau một dấu nặng, mà xét suy ra trọng lượng đến ngàn vạn cân!

Có một nhà phê bình văn học khá uy tín ở trong nước và đã có thời gian dài làm việc với Xuân Diệu và hiểu biết văn nghiệp của ông khá tường tận, đã viết một nhận định gây nhiều suy nghĩ cho tôi . Trong cuốn sách "Cây Bút Đời Người", một dạng sách chân dung văn học của Vương Trí Nhàn có nguyên một chương sách viết về Xuân Diệu . Tôi đã đọc một đoạn nguyên văn như sau:
"Xuân Diệu đã trở thành một người lao động đơn giản theo nghĩa đen của từ này". Tô Hoài nhận xét. "Mình đã nghe nói vài lần mình biết. Chỉ loanh quanh một ít bài bản có sẵn, sau đó là thơ tình Xuân Diệu (khi tác giả Thơ Thơ mất, Tô Hoài viết bài kể chung quanh bài thơ Phia Khinh Tô Hoài đã được nghe Xuân Diệu nói từ khi kháng chiến sau sang Lào lại được nghe nói đến bài thơ ấỵ. Trong lời kể có sự kính trọng lại có sự đùa bỡn)..."


Dù rằng, đoạn văn trên viết chỉ về công việc đi nói chuyện về thơ văn của Xuân Diệu, nhưng có thể điều ấy cũng là một nhận xét chung cho cả văn nghiệp của ông sau ngày cách mạng tháng Tám của CS. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, cái con người thi sĩ của thời Thơ Thơ đã thay vào một con người khác. Chăm chỉ, tất bật, vơ bèo gạt tép, chú trọng về lượng, viết theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu chính tri.. Thơ đã trở thành một món hàng và mất đi cái lãng mạn thơ mộng của thời tuổi trẻ mà người thơ ấp ủ.

Xuân Sách trong tác phẩm "Chân Dung Nhà Văn" đã có vài dòng thơ phác họa vóc dáng Xuân Diệu như sau:

"Hai đợt sóng dâng. Một Khối Hồng.
Không làm trôi được chút Phấn Thông.
Chao ơi! Ngói Mới, Nhà không mớị
Riêng còn chẳng có, có gì Chung!..."


Phấn Thông Vàng là tập tiểu thuyết xuất bản thời Tiền chiến và Một Khối Hồng, Ngói Mới, Riêng Chung, là những tập thơ xuất bản về sau này của Xuân Diệu. Bốn câu thơ biểu lộ văn nghiệp của tác giả Thơ Thơ với ý nghĩa hơi mỉa mai. Mặc dù về sau này thi sĩ dành hết tâm lực cho văn chương nhưng thi ca vẫn là những chữ nghĩa nhạt nhẽo. Dù vẫn giữ vị trí cây đa cây đề trong văn học nhưng thơ đã mất đi những khai phá sáng tạo ban đầu. Đề cương văn hóa của Đảng muốn triệt tiêu cái "riêng" để có cái "chung" kiểu làm chủ tập thể. Và rốt cuộc thì riêng cũng chẳng có và chung cũng chẳng ra gì.

Năm 1938, Xuân Diệu in tập "Thơ Thơ" với nhãn hiệu là một thành viên của Tự Lực Văn Đoàn. Khác với những người như Hoài Thanh, Chế Lan Viên,... có lúc đã phủ nhận những tác phẩm của mình triệt để phê phán đến mức muốn xóa bỏ Thơ Mới, ông một mực bảo vệ đến cùng những tâm huyết một thời của mình. Khi làm Tuyển Tập Xuân Diệu ông đã giữ lại phần đông những bài trong Thơ Thơ và Gửi Hương Cho Gió. Chỉ có khác một điều, những lời đề tặng ông xóa sạch đi coi như chẳng liên quan gì đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Như bài Đi Thuyền tặng Khái Hưng, Vô Biên tặng Hoàng Đạo, Đây Mùa Thu Tới tặng Nhất Linh. Thậm chí ông còn tuyên bố vào Tự Lực Văn Đoàn chỉ vì cái lợi chứ chẳng có tình cảm lý tưởng văn chương gì.

Bốn năm sau, năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, tác giả "Nhà Văn Hiện Đại" đã viết về tập thơ Thơ Thơ: "...Xuân Diệu thật là một người có tâm hồn thi sĩ. Ông làm thơ với sự nồng nàn tha thiết nên ông không phải là một tay thợ thơ, một tay có tài gọt dũa từng câu từng chữ. Cũng vì thế mà trong tập Thơ Thơ của ông đã có những đoạn thật du dương xen lẫn với những đoạn quá tầm thường về cả ý lẫn lời và âm điệu chỉ kéo lại được cái thành thật mà thôi. Nhưng chính vì có cái hay lẫn cái dở, cả những cái rất thấp với những cái rất cao, nên đọc Thơ thơ tôi thấy thú vị hơn đọc những tập thơ tuy không có dở nhưng cái hay cũng không có nốt..."

Với tập "Phấn Thông Vàng", một tiểu thuyết khác của Xuân Diệu, Vũ ngọc Phan viết:
"...Xuân Diệu ở đâu cũng đem theo một hồn thơ bát ngát và mơ màng. Trong quyển Phấn Thông Vàng mà Xuân Diệu gọi là một tập tiểu thuyết ngắn, tôi chỉ thấy rặt thơ và thợ Không phải thơ bằng những câu có vần có điệu, không phải thơ ở những lời đẽo gọt, mà thơ ở lối diễn tính tình cùng tư tưởng ở những cảnh vật con con mà tác giả vẽ nên những nét tỉ mỉ khi ảm đạm lúc xinh tươi, tùy theo cái hứng của tác giả..."

Và tác giả "Nhà văn Hiện Đại" kết luận: "Người ta thấy, dù ở văn xuôi hay văn vần, bao giờ Xuân Diệu cũng là một thi sĩ, một thi sĩ rất giàu lòng yêu dấu."

Một kiện tướng của Thơ Mới, nhà thơ Thế Lữ trong bài tựa Thơ Thơ đã viết:
"...Thơ Xuân Diệu do đấy mà buồn tịch mịch ngay trong những điều ấm nóng reo vui. Lạnh lùng ấm áp khắp mọi nơi... xa vắng gồm tự muôn đời... ở đâu cũng là nỗi nhớ nhung thương tiếc. Lòng thi sĩ thấy rõ điều trái ngược: nồng nàn bởi vì thê lương, khăng khít nhưng vẫn hững hờ, bao nhiêu cảnh éo le của cuộc đời mà Xuân Diệu yêu tới đau khổ. Thơ Xuân Diệu là hơi thở thầm kín giấu diếm trong đó ẩn sự huyền bí ghê rợn của một đêm trăng, sự não nùng bao la của một buổi chiều và tất cả tâm hồn khó hiểu của người của cảnh..."


Xuân Diệu thời tiền chiến đã làm thơ trong quan điểm "nghệ thuật vị nghệ thuật". Bài thơ mà về sau này được nhắc nhở nhiều với hình ảnh con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi. Tự nhiên như hơi thở, thơ là hình tượng của những cõi không gian bềnh bồng, viết mà chẳng tự hỏi mục đích của ngôn ngữ vần điệu thi ca mình.

"Tôi là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi
Khi gió sớm vờn reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu bên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa..."


Bài thơ "Cảm xúc" là trang vào tập cho tập thơ "Gửi Hương Cho Gió" cũng là một tuyên ngôn thơ đặc sắc. Bài thơ này sau bị Sóng Hồng (tức Trường Chinh) viết nhái lại và đả phá toàn bộ ý tưởng để gửi cho những người làm thơ một đề cương văn hóa của cái gọi là văn học xã hội chủ nghĩa.

"Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến
Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn hương
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc
Đôi giếng mắt đã chứa trời vạn hộc
Đôi bờ tai nào ngăn cảm thanh âm
Của vu vơ nghe mãi tiếng kêu thầm
Của xanh thắm thấy muôn màu nói sẽ..."


Thơ Xuân Diệu có ngôn ngữ rất lạ so với thời ấỵ Ngôn ngữ rất "tây" như nhiều nhà phê bình nhận đi.nh Ý tưởng cũng rất phóng khoáng, hình ảnh sinh động của trái tim và bộ óc, nghĩ và cảm chân thực. Tất cả những yếu tố ấy làm thơ của ông được chép trong những trang thơ gối đầu giường của giới trẻ VN những thập niên sau. Thơ trẻ trung như:

"Thơ ta hơ hớ chưa chồng
Ta yêu muốn cưới mà không thì giờ
Mùa thi sắp tới!... em Thơ
Cái hôn âu yếm xin chờ năm sau..."


Và ở nhiều bài khác, thơ đã cất cánh bay đi trên những nẻo đường nhân sinh vạn dặm. Thơ tình yêu ngọt ngào, thoang thoảng ý nghĩa thúc hối của trái tim thèm khát ái ân. Thơ, của một thi sĩ thứ thiệt. Thơ là quý kim vàng mười rực rỡ với thời gian. Cho đến khi, Xuân Diệu thành một người... "lao động đơn giản theo nghĩa đen của từ này". Thơ trở thành một công cụ cho chế đô.. Thơ "kinh khủng" như:

"... Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đầy chết thôi..."


Thơ xiển dương tội ác phục vụ cho những cuộc đấu tố của phong trào cải cách ruộng đất. Hay, thơ hung bạo khát máu, kêu gọi bạo lực, gào la chiến tranh:
"Máu kêu máu trả thù
Súng đâu anh em đâu
Bắn nó thủng yết hầu
Bắn tỉa bắn dài lâu..."


Hoặc thơ nịnh bợ "Thơ dâng Bác Hồ" sáng tác ngày 19 tháng 5 năm 1953:

"...Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con đã được bác Hồ đến thăm
Chúng con dưới vực sai lầm
Đang vươn mình được bác cầm tay lên
Lời Cha rất mực dịu hiền
Như là thấm nhẹ mà xuyên vào lòng
Con ngồi trước Bác mênh mông
Tội nhiều chưa dám ngẩng trông cha già..."


Xuân Diệu bỗng nhiên trở thành một công cụ, cung cấp những dịch vụ văn nghệ mỗi khi Đảng cần đến. Và ông đã khoe là làm tốt nhiệm vụ ấỵ Trong bài thơ "Buổi trưa ở Thịnh Lang", ông đã tự coi mình như một thứ gà mái đẻ, sẵn sàng mắn đẻ để phục vụ nhân sinh:

"Cục tác... cục tác.
Hết trứng này tôi còn trứng khác..."

Trong Nhà Văn VN tập 1, Phan Cự Đệ biên tập Hà Minh Đức đã nhận xét:
"Thơ Xuân Diệu thường rơi vào kể lể dài dòng, trúc trắc mà nghèo nhạc điệu, giảm sút sức truyền cảm. Có thể vì lý do trên mà những người thích thơ Xuân Diệu chưa nhiều. Lẽ ra anh chỉ cần đem đến cho đời một vài quả đến độ thật ngọt chín và thơm hương, thì anh lại dâng cả chùm quả còn nửa chín nửa xanh dang dở. Lẽ ra anh có thể tập trung sức để gây ấn tượng về chất lượng, Xuân Diệu lại phân tán năng lực qua số lượng..."

Đặng Tiến (tức Nam Chi) trong một bài viết về Xuân Diệu cũng có một nhận xét:
"Xuân Diệu đã cướp một mâm tiệc Bồng lai đem về làm một bữa cơm trần thế cho những người ăn vì cần ăn chứ không phải ăn cho vui miê.ng. Thơ Xuân Diệu ngày xưa là áo gấm, thơ Xuân Diệu ngày nay là manh áo nâu sứt chỉ đường tà..."


Vương Trí Nhàn trong bài viết của tác phẩm "Cây Bút Đời Người" cũng viết:
“... Trong chừng mực nào đó, phải nhận sự nhẫn nhịn ở Xuân Diệu là một cái gì đáng quý. Nó không chỉ là khiêm tốn biết điều. Sâu sắc hơn thế nó chứng tỏ một nhận thức chính xác về tình thế người làm văn nghệ ở một nước mà đời sống vật chất còn nhiều khốn khó. Nó giúp cho người nghệ sĩ tránh khỏi những hoang tưởng bốc đồng qúa đáng làm phiền mọi người và làm phiền chính mình. Có điều nhiều khi Xuân Diệu đã đẩy nó đi quá xa biến thành một cách sống cầu an, chiều đời tự hạ thấp nhu cầu nghệ thuật và chất lượng sáng tác của mình một cách đáng tiếc. Ai cũng biết thơ Xuân Diệu sau 1945 có nhiều bài phải gọi là dở. Nó gò gẫm giả tạọ Nó chỉ chứng tỏ rằng người viết cố làm cho bằng được chứ mất hết cả cái vẻ tự nhiên hồn hậu mà thơ hay đáng lẽ phải có...“

Vương Trí Nhàn viết về Xuân Diệu rất chân tình thành thực. Ông cũng tiếc cho một tài năng của “người làm văn nghệ ở một nước mà đời sống vật chất còn khốn khó". Nhưng không phải đời sống vật chất thôi mà còn cả đời sống tinh thần nữa. Khi văn nghệ bị chỉ đạo và dẫn dắt bởi Đảng, khi tự do sáng tác chỉ là giấc mơ không bao giờ có, khi những đầu nậu văn nghệ như Tố Hữu còn giơ tay thép xiết chặt suy tư, khi chính quyền toàn trị tha hồ thưởng phạt tùy hứng. Thì làm sao, thi ca văn chương có được những mùa gặt tốt. Cứ trói rồi cởi trói, văn nghệ sĩ đã có một quán tính theo thời để tồn tại.

Nhưng cũng có những người vẫn giữ sự độc lập khi cầm bút. Như những nhà văn nhà thơ nhóm Nhân văn Giai Phẩm. Họ đã chịu những dầy xéo truy bức đến mức không còn bút mực nào tả cho xiết được. Thành ra, từ nhà thơ thứ thiệt Xuân Diệu để thành một người thợ lao động để tạo ra món hàng, cũng là chuyện bình thường của văn học Xã Hội chủ Nghĩa. Hình như, không phải riêng Xuân Diệu mà còn thấp thoáng nhiều vóc dáng văn chương cổ thụ khác...


Nguồn: Nam Úc Tuần Báo
Người đăng: TVMT
Người sửa: TVMT;     
SỐ TRUY CẬP