Hãy nghĩ tới ngày giã từ sư phụ để xuống núi

Bàn về lý tưởng của tuổi 20
Nhận diện lại lý tưởng và giá trị của những con người trẻ tuổi (đặc biệt là giới trí thức) trong thời chiến tranh và trong cuộc sống hiện tại...

Thông điệp làm mẫu qua rồi

Đọc những trang nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc và chị Đặng Thuỳ Trâm hơn 30 năm về trước, khi họ còn đang là những người trẻ tuổi đang cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc giải phóng đất nước, nhiều người trẻ hôm nay đều rất xúc động trước lý tưởng, hoài bão cao đẹp của họ. Nhưng nhiều người khác lại có vẻ buồn hơn khi thấy cái lý tưởng đó hình như đang mất dần đi trong cuộc sống thời bình...

Vương Trí Nhàn (VTN): Tôi cho rằng nỗi buồn anh vừa nói là chính đáng, nhưng để khỏi buồn, phải hiểu rằng hoàn cảnh mỗi thời một khác, không thể và không nên đem cái lý tưởng của thời chiến tranh để áp đặt cho con người thời bình. Với tôi, những trang nhật ký ấy không phải được in ra để làm mẫu cho các bạn trẻ bây giờ. Thông điệp làm mẫu qua rồi. Điều tôi muốn đề nghị là qua những trang nhật ký đó, kích thích được các bạn trẻ giúp họ có thái độ đúng đắn với chính bản thân mình. Thành thực mà nói, tôi vẫn nghĩ người mình thời nay, kể cả thanh niên, nhiều khi bị mắc cái bệnh hời hợt quá nặng. Dễ bằng lòng với những gì đang có. Nghèo nàn trên phương diện nội tâm. Lúc nào cũng nói mà huyên thiên không hiểu là đang nói cái gì. Giá kể ta biết dành ra ít thời gian để đối diện với chính mình suy nghĩ thêm xem mình là ai, mình đang ở đâu, đang làm gì và qua đó phanh phui những ẩn sâu trong con người mình thì hay biết bao. Ngay cả tuổi trẻ cũng vậy...

Ông cắt nghĩa thế nào về sự khác nhau giữa hai thế hệ?

VTN : Tôi nhớ trong tác phẩm Thế giới hôm qua, nhà văn áo Stephan Zweig từng nói tới cái cảm giác kỳ lạ của con người phương Tây khoảng những năm bắt đầu đại chiến thứ nhất: “Sau một đêm, chúng tôi tỉnh dậy và thấy thế giới cũ không còn nữa”. Sở dĩ như vậy vì đầu thế kỷ XX là giai đoạn chứng kiến sự thay đổi lớn của thế giới từ cổ điển sang hiện đại. Trong tư duy cổ điển, con người với con người, con người với hoàn cảnh sống rất hoà hợp. Người ta luôn biết mình phải làm gì và trước mắt người ta hầu như chỉ có một con đường duy nhất. Còn khi chuyển sang thời hiện đại, sự hoà hợp, cân đối hôm qua không còn nữa. Thế giới trở nên kỳ dị. Không phải bao giờ con người cũng dễ hiểu với nhau như ngày trước. Và ngay trong một con người cũng có sự phân cách. Một con người có thể có hai ba bộ mặt khác nhau như trong tranh Picasso chúng ta đã xem.

Tôi cho rằng ở Việt Nam cũng đã xảy ra sự biến động đó. Ngay trong cùng một khoảng thời gian như cuộc chiến tranh chống Mỹ, thì những năm đầu có khác ( như ta quen đọc trong phần lớn các tác phẩm văn học ), mà từ 1968 trở đi đã khác (đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, thậm chí chỉ cần đọc Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu người ta đã bắt đầu nhận ra sự khác biệt đó.) Từ sau 1975 thì hoàn cảnh càng thay đổi. Tinh thần của xã hội hiện đại đã và đang chi phối cuộc sống người Việt. Chỉ có điều khác là nếu ở thế giới người ta bình tĩnh để đón nhận và lý giải nó thì ở ta cái mới cái hiện đại lại ít được nói tới hoặc bị lãng tránh. Chúng ta thường đánh đồng các giá trị với nhau, rồi quá luyến tiếc cái đã qua, nên với lớp trẻ, công tác giáo dục ngày càng thiếu thuyết phục.

Đánh giá lớp trẻ hiện thời

Có vẻ như ông không chia sẻ với những lời kết án lớp trẻ hiện nay?

VTN Tất nhiên là không rồi. Ngược lại, tôi thì thấy các bạn trẻ bây giờ khá bơ vơ. Họ gặp nhiều khó khăn lắm, thậm chí còn khó khăn hơn chúng tôi nữa. Chúng tôi cực khổ nhưng có niềm tin, còn sự khủng hoảng niềm tin thì đang thấy ở nhiều bạn trẻ hôm nay. Thế hệ chúng tôi chỉ lo đối mặt với kẻ thù và cuối cùng đã góp phần làm nên chiến thắng.Thế hệ các bạn bây giờ đang đối mặt với nỗi đau đớn của đất nước tụt hậu, và trong thâm tâm nhiều người tự hỏi không biết bao giờ chúng ta mới thực sự giải quyết được điều đó. Trong cuộc sống, khá nhiều bạn trẻ già đi rất sớm. Một số ra vẻ nhanh nhảu chớp lấy thời cơ để kiếm tiền và tưởng rằng bằng cách đó sớm in dấu ấn của mình trước xã hội, sau đó lao vào cuộc sống ăn chơi thực dụng. Một số khác lại sống đờ đẫn, mộng du hay rơi vào một tình trạng vô cảm, một sự chết mòn về tâm lý. (Điều này thể hiện phần nào trong tác phẩm Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh mới in gần đây).

Ông có cực đoan quá không? Bởi với nhiều người thì tình trạng lớp trẻ mà ông miêu tả chỉ là cá biệt và đấy không phải là lỗi của cá nhân họ. Liệu có cần nói đến những ảnh hưởng (tiêu cực) của thế hệ đi trước?

VTN Tôi cũng rất mong muốn có người chứng minh một cách thuyết phục rằng tôi nói sai. Cụ thể hơn, tôi nghĩ rằng giá có thể mở ra một cuộc đối thoại trên phạm vi toàn xã hội để nhận xét về lớp thanh niên hiện nay, và nếu cho rằng họ có hư thì đâu là nguyên nhân đẻ ra sự hư hỏng đó.

Dù đánh giá mức độ thế nào, song có thể tin chắc trong cái hư của lớp trẻ bây giờ có nhiều cái hư do người lớn gây ra. Tôi tin rằng những người lớn thoái hoá biến chất -- mà tiêu biểu là các quan chức tham nhũng -- thì con cái của họ sẽ không ra gì. Bởi không ai lừa được con cái cả và cũng vì con cái phản ánh rất đúng chất lượng làm người của bố mẹ. Nhiều lỗi của giới trẻ bây giờ nảy sinh là để phản ứng lại với cách sống bon chen, giả dối, nói một đằng làm một nẻo của chính lớp người đi trước. Vì thế mà trong cái hư của nhiều người trẻ hôm nay, tôi thấy lớp người đi trước có lỗi nhiều.

Tức là theo ông hoàn cảnh xã hội không giúp cho người thanh niên sống tốt sống đúng đắn, và đó là chỗ khác giữa hôm nay và hôm qua ?

VTN Đúng vậy. Nhìn ra xã hội bây giờ, chúng ta không tránh khỏi xấu hổ: quan chức tham nhũng thuộc vào hàng nhất nhì châu Á; cơ sở vật chất hạ tầng yếu kém, môi trường ô nhiễm, đường đầy bụi bặm, rác rưởi; công nhân đi lao động nước ngoài bị trả về; giáo dục thì nhồi sọ, chạy thành tích, chạy điểm, đủ thứ “cò, phe vé” ; hầu như ở đâu cũng thấy gian lận.... Sau cái phồn vinh giả tạo mốt này mốt kia, chất lượng cuộc sống bị hạ thấp thảm hại.Và cay đắng là chúng ta biết xấu hổ, biết ngượng nhưng vẫn cứ làm. Lên án thì cứ lên án nhưng lười biếng, cẩu thả, chạy điểm, đưa hối lộ … vẫn tiếp tục. Dần dần những cái xấu đó biến thành chuyện bình thường, chuyện “tặc lưỡi” cho qua. Mỗi cá nhân đều hiểu rằng trong cuộc đấu tranh chống lại hoàn cảnh, mình không đủ sức.

Thay đổi bắt đầu từ đâu ?

Một cái nhìn lạc quan hơn, được biểu hiện trong ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc trong mục Thời sự và suy nghĩ trên báo Tuổi trẻ (thứ 5, ngày 21.7.2005). Nguyên Ngọc cho rằng “...Hiện nay chúng ta đang đến trước một cơ hội mới, một cơ hội lớn...Thậm chí có thể nói mấy mươi năm nay, chưa bao giờ có được tình thế tốt hơn bây giờ để có thể bứt phá lên, chuyển sang một bước quan trọng về chất của phát triển”... Ông có chia sẻ với nhận định đó?

VTN Tôi đồng ý là bây giờ rất cần phải thay đổi nhưng hầu như chúng ta chưa chuẩn bị được gì cho sự thay đổi đấy. Điều kiện cho sự thay đổi ít quá, nếu thay đổi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên tôi không tin đây là một giai đoạn có thể bứt phá lên được. Ngược lại không khéo thì những lời kêu gọi lại trở thành cách nói một chiều, chúng rất dễ khiến các bạn trẻ rơi vào ảo tưởng.

Đọc một số truyện ngắn của Nam Cao tôi thấy có một mô-tip lặp lại thế này : nhân vật rơi vào tình thế bế tắc rất cần sự thay đổi ; nhưng một chút thay đổi ấy quá bé nhỏ, nhất là nó lại đẩy người ta rơi vào tình trạng bế tắc mới, thậm chí nặng hơn bế tắc hôm qua. Ta ngày nay cũng đang như thế.

Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ mãi ngồi chờ và cứ bi quan trước thực tại xã hội (mà tôi nghĩ thời nào cũng có). Nhất là những người trẻ tuổi khi cơ hội của họ không phải là nhiều? Vậy phải bắt đầu từ đâu?

VTN Trước hết tìm cách thay đổi về nhận thức. Báo chí hãy cùng xã hội nhận diện lớp trẻ ngày nay sâu sát hơn nữa. Chẳng hạn, có thể nên đăng nhật ký của các bạn trẻ bây giờ, xem họ sống như thế nào và nghĩ như thế nào về thời cuộc và về chính họ.

Nói chung tôi muốn trở lại cái ý đã nói đây đó: Lớp trẻ hãy dành thời giờ để nghĩ về mình. Hãy nghiêm khắc và tự đặt ra yêu cầu cao với chính mình.

Trong quan hệ với các thế hệ đi trước,cách tốt nhất để lớp người đi sau biểu hiện lòng biết ơn là phải tìm cách vượt lên, đi xa hơn họ. Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung bao giờ cũng có hình ảnh của những chàng thiếu niên anh tuấn từ giã sư phụ xuống núi để tự tìm cách khẳng định mình. Tôi nghĩ rằng mỗi người thanh niên phải tìm cách chuẩn bị để có ngày làm cuộc từ giã mà chính các sư phụ chân chính cũng mong muốn đó.

Lê Hồng Lâm (thực hiện)
báo Sinh viên -2005

Cần chống lại căn bệnh vô cảm của đô thị



Vài năm nay, nhà nhà phê bình, nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn tiến hành công việc khá đặc biệt là sưu tầm, tuyển chọn và thể hiện những bài viết về văn hóa, đời sống người Việt. Những bài viết của ông có một giọng điệu riêng, khó lẫn, với những nhận xét khá thâm thúy. Ông chia sẻ với Đất Việt về thủ đô Hà Nội.

- Nói đến văn hóa Thăng Long là người ta nói đến “Văn hóa Kẻ chợ, ông có thể giải thích rõ hơn khái niệm này của cư dân Thăng Long xưa?

- Thủ đô là tinh hoa của cả nước, là nơi gạn lọc những giá trị tốt đẹp từ các nơi khác đến. Hà Nội xưa có các phố hàng Lọng, hàng Nón, hàng Ngang... tức là những cái chợ mà người ở các nơi mang hàng đến và sự thực đây là một đấu trường mà ai giỏi, ai tài hơn thì người đó thắng. Hàng bán ở quê thế nào cũng được nhưng khi mang lên kinh kỳ mà kém thì không thể trụ được. Người nào kém cỏi không thích ứng được với thủ đô thì sẽ bị loại.

Vậy thì “Văn hóa kẻ chợ” là ở chỗ đó đấy. Nó là một mô hình, nói như Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, nơi mở ra cái thế để làm ăn, cái thế để xây dựng đất nước, là trung tâm đầu não của cả nước, nơi mà người ta đến để đua tranh, nơi cái tốt thắng cái xấu, cái hơn thắng cái kém. Khi đó mới đạt đến độ văn minh Kẻ chợ.

Nhà phê bình, nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn.

- Thăng Long - Hà Nội là nơi ai cũng đến và ở lại được. Có lẽ thế bởi vì phải đến với đất Kẻ chợ này thì những tài năng, sáng tạo mới thăng hoa?

- Chất chính của Hà Nội là chất tinh hoa, chất gạn lọc. Với người Hà Nội nên quên đi chuyện về gốc gác mà nên nghĩ rằng ở đó là tinh hoa của tất cả địa phương, trở thành hướng phấn đấu của người ta và hàng ngày người ta sống theo hướng đó để nhân mình lên.

- Phải công nhận rằng số lượng lớn người lao động các tỉnh lẻ đổ về đã tạo cho đô thị Hà Nội một vẻ nhếch nhác...

- Có một thực trạng là thời trước người nông thôn lên thủ đô có ý thức đua tranh, học hỏi. Họ coi lên đây là bước tiến đời sống của họ và họ sẽ mở mày mở mặt với cả nước.

Gần đây do chiến tranh, do bao nhiêu năm đời sống kinh tế khó khăn con người ta ở các vùng nông thôn khác nhau dồn lên thành thị ăn ở tạm bợ. Người ta không biết “sợ” Hà Nội mà tự coi làng quê là cái mẫu mực của mình, không chịu học theo phong cách của người Hà Nội mà còn cho rằng thủ đô là dở.

Thực ra Hà Nội là cái tốt đẹp vì nó đã được gạn lọc qua bao đời. Người mới đến phải trông vào đấy mà học hỏi nhưng rất nhiều người nhập cư không tự biến cải mình theo những đòi hỏi của xã hội hiện đại mà mang nguyên nếp sống của các tỉnh về.

Chính vì thế họ tạo thành một mớ tạp nham mà tôi có thể dùng một cụm từ là “Hà Nội chưa bao giờ trở thành chính mình” thì đã bị đánh mất. Thế cho nên nó không là mẫu mực để ai theo.

- Vậy cái thời Nguyễn Công Trứ nói: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” ấy không có thực sao?

- Tôi không tán thành câu đó. Tôi cho rằng đó là cái bệnh xấu của thành thị. Đó chỉ là cái hão, cái giả thôi nếu cứ tự nhận là để bắt nạt những người nhà quê đi chăng nữa thì cái đó cũng vô nghĩa. Người tự trọng không bao giờ nên tự hào vì điều đó.

Còn chính người Hà Nội thật sự thì phải nghĩ rằng mình chưa là mức của người Hà Nội, mình phải cố gắng hơn nữa, phải trở thành con người mẫu mực của xã hội, tức là phải thanh lịch thật. Cái đó mới đích thị là người Tràng An.

Phố cổ Hà Nội

Quan niệm về thủ đô của chúng ta vẫn còn đơn giản, nhiều sai lầm, giả tạo. Có thể nói một điều là nếu ai chưa tốt, nếu ai chưa thanh lịch, nếu ai chưa sống với sự hiểu biết về xã hội ta thì chưa xứng đáng là người Hà Nội.

- Vậy trong địa bàn với số lượng người nhập cư lớn hiện nay khái niệm về “người Hà Nội” sẽ như thế nào?

- Tôi không nói đến chuyện ai sinh ra ở Hà Nội. Thực chất số người sinh ra ở Hà Nội ít thôi còn lại là nhập cư ở các tỉnh khác về. Thật khó xác định một tính cách cho người Hà Nội. Chúng ta nên dùng khái niệm "những người sống ở Hà Nội"

- Giọng nói Hà Nội không còn là một chuẩn mực nữa, lý do vì đâu?

- Những năm 50, 60 tiếng Hà Nội còn tốt lắm. Ai ở nơi khác đến HN cũng muốn giấu đi tiếng nói địa phương mình. Đó là điều rất bình thường. Còn bây giờ người ta cứ bê nguyên xi tiếng địa phương mình lên, không sửa gì, cũng không biết ngượng là gì. Đáng lẽ tiếng thủ đô luôn là tiếng chuẩn. Vậy mà hiện nay trẻ em Hà Nội cũng ngọng rất nhiều, giữa “n” và “l” không kém ai. Ngọng đã là một cái dở rồi nhưng lại không biết xấu hổ về cái dở của mình kể cả những người lên tivi, ở những hội thảo rất lớn vẫn nói ngọng.

Nếu có ý thức hoàn chỉnh mình, ý thức làm cho mình mẫu mực và nghĩ rằng thủ đô phải chuẩn thì chúng ta phải tự “gọt” mình theo cái chuẩn ấy. Đằng này người ta không làm việc đó. Người ta mang nguyên xi nếp sống tự do của người nông dân ra sống ở thành thị, người ta lại theo nếp sống cổ lỗ của người nông thôn, của nền kinh tế cũ. Chính cái đó làm cho Hà Nội không bao giờ trở thành chuẩn mực của chính mình cả.

- Vậy theo ông điều gì làm nên bản sắc chung của đô thị?

- Cái đó phụ thuộc vào sự trưởng thành chung của ý thức con người. Xã hội ta lúc nào cũng nhốn nháo. Mọi người bị cuốn đi, quay cuồng trong một đời sống quá hối hả. Cuộc kiếm sống, lo ăn, lo mặc chi phối con người ta khiến người ta lúc nào cũng vội vã, tất bật.

Bao giờ xã hội trở lại là một xã hội dân sự bình thường, mọi người làm việc bình thường. Trong trường hợp xã hội phải trưởng thành lên, con người phải có ý thức kiếm sống thế nào, ý thức nhận ra thế nào là đô thị, trong đô thị này mình phải sống ra sao... người ta phải có một trình độ khác đi so với trình độ dân trí chung. Nếu Hà Nội vẫn cứ lộn xộn thì những cái tốt đẹp dù có nảy lên sẽ lại mất đi, khó định hình.

- Điều đó chính là cái hồn phố đúng hơn là hồn đô thị?

- Rõ ràng bản sắc đô thị bắt nguồn từ tâm hồn con người. Một khi con người bị cuốn đi trong vòng xoáy hối hả của cuộc sống sẽ trở nên vô cảm, không thể nhận ra được. Vậy thì trước hết phải chống lại căn bệnh vô cảm vốn đang lây lan nhanh trong đời sống đô thị.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thanh Thuận
18/02/2009baodatviet

VỀ VIỆC XÂY DỰNG BỘ "LỊCH SỬ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM “

PHỎNG VẤN
nhà nghiên cứu, phê bình văn học VƯƠNG TRÍ NHÀN


PHÓNG VIÊN (PV ): - Thưa anh Vương Trí Nhàn, được biết Hội Nhà văn ta đương cho tổ chức biên soạn cuốn lịch sử của Hội. Chẳng hay ý tưởng này đến từ đâu? Công việc được khởi động từ bao giờ? Dự kiến hoàn thành vào khi nào? Và việc phân công bố trí nhân sự thực hiện cụ thể là như thế nào?

VƯƠNG TRÍ NHÀN: (V.T.N.) Đây có lẽ là một chủ trương lớn của Hội,về phần mình, tôi chỉ được biết chút ít.
Nguyên là đầu tháng 10-2007, tôi được anh Hữu Thỉnh gọi điện cho biết là Hội đồng đầu tư chiều sâu của Hội có đặt vấn đề đầu tư cho một số anh em làm lý luận phê bình trong đó có tôi.
Trong câu chuyện, anh Thỉnh muốn tôi đề xuất thêm các đề tài cần làm. Tôi trả lời hiện có một công việc mà tôi cho là rất cấp thiết, đó là làm lịch sử phong trào văn học VN đương đại.
Nghe thì chung chung vậy, song tôi nói ngay cụ thể là nên dành tiền tài trợ để làm một cuốn Biên niên sử văn học Việt nam từ sau 8-1945.
Thế nào là viết biên niên sử ? Tức là nhìn vào đời sống văn học từ 1945 tới nay, dừng lại ở từng năm một, xem trong năm ấy tháng nào ngày nào có sự kiện gì quan trọng thì ghi vào theo đúng trật tự năm tháng. Chữ sự kiện ở đây hiểu theo nghĩa rộng: từ một buổi họp mặt, sự khai sinh một cơ quan văn học, việc xuất bản một tác phẩm, một cuộc tranh luận trên mặt báo … Làm biên niên cho tốt tức là bước đầu để đi tới “ một cuốn lịch sử của Hội “ như anh vừa nói.
Chắc anh cũng biết thời gian gần đây một trong những vấn đề mà nhiều tờ báo ở ta quan tâm là chuyện “Tại sao học sinh ngán sử?“. Một phần câu hỏi này lẽ ra phải “ dịch” thành: “Có phải là chúng ta --- cả xã hội chứ không phải chỉ lớp trẻ --chưa chú ý tới lịch sử? Và có phải cái thiếu sót đó hạn chế sự phát triển của xã hội ?”

P.V: - Nhìn vào đời sống văn học anh cũng thấy có tình hình tương tự?.

V.T. N Vâng, đúng thế. Tôi thấy hàng ngày ta chỉ lo bàn nhau xem có tác phẩm nào mới xuất hiện, nhà văn nào đang nổi lên. Còn toàn bộ sinh hoạt văn học đi theo hướng nào thì không ai để ý. Ta hay nói giữ vững truyền thống. Nhưng truyền thống là thế nào lại chỉ biết ang áng. Bao nhiêu tinh lực dồn hết vào lo việc ngày hôm nay. Trong khi đó, chính sự phát triển văn học như một quá trình liên tục trong thời gian mới là cái đáng phải quan tâm xem xét và trao đổi thường xuyên.
Nói cách khác, tôi cho rằng cả giới cầm bút còn thiếu một độ lùi cần thiết khi nhìn nhận công việc của mình. Cái nhìn trong độ lùi đó đánh dấu một sự phát triển tự giác chứ không phải tự phát mãi.Và đó là yêu cầu của sự phát triển văn học hôm nay.
Quay trở lại với câu hỏi ban đầu của anh. Thật ra mọi việc đã được khởi động từ trước khi tôi đề nghị làm cuốn Biên niên sử. Trong kế hoạch đầu tư của Hội có nhiều cuốn sách mang tính chất tổng kết. Tôi chỉ nhấn mạnh phải vượt lên trên lối tổng kết thông thường mà bám sát cái sườn thời gian , nhìn theo góc độ lịch sử.
Trong câu chuyện với anh Thỉnh hôm ấy , tôi nói rõ là tôi thấy cần có cuốn sách “ biên niên”, chứ tôi không làm được, và giới thiệu anh Lại Nguyên Ân. Theo tôi, trong giới, hiện chỉ có anh Ân là người có kiểu tư duy để làm tốt việc này. Quả nhiên , trong kế hoạch đầu tư chiều sâu của Hội 2008, có hợp đồng với anh Ân.

P.V: - Dẫu sao, một ý đồ đã được khởi xướng từ anh. Anh có thể cho biết anh đã đi tới ý tưởng đó như thế nào?

V.T. N Thường khi đi vào tìm hiểu một nền văn học nước ngoài, bọn tôi được người ta đưa ngay cho một bản thống kê ghi nhận “ sự phát triển theo năm tháng “ của nền văn học đó. Mấy năm trước, qua Hàng Châu, tôi có ra hiệu sách kiếm được một cuốn Lịch sử Văn học đương đại Trung quốc của một giảng viên Đại học Bắc Kinh. Ở cuối sách có một biên niên sử như vậy. Tôi không đủ chữ Hán để hiểu cả cuốn sách, nhưng phần biên niên sử này thì tôi đọc được, vừa đọc vừa đoán, và thỉnh thoảng trong công việc vẫn phải giở ra tra cứu. Loại sách này ở Nga người ta cũng đã biên soạn nhiều .
Thành thử, từ lâu tôi mong có ai làm một cuốn biên niên sử cho văn học mình. Trước mắt cho văn học 1945 tới nay. Rồi một cuốn cho văn học thế kỷ XX, và tiến tới một cuốn lớn cho toàn bộ văn học VN nói chung.
Hồi nhà văn Vũ Tú Nam mới được bầu làm Tổng thư ký Hội khóa IV, tôi đã mạnh mồm đề nghị là anh nên giao cho một anh em nào đó trong cơ quan Hội làm một cuốn sổ cái, ghi việc từng ngày của Hội. Làm liên tục vài năm và lưu giữ cẩn thận, sau này xem lại ta sẽ sung sướng như xem lại những thước phim, những tấm ảnh cũ. Nói cho to tát là rất có ích cho tương lai.
Cố nhiên anh Nam cho là tôi nói vui thôi, và quên ngay. Nhưng tôi lại không quên được điều đã đề xuất. Điều tôi đề nghị với anh Thỉnh gần đây cũng là nằm trong cái mạch nghĩ đó.
Bây giờ nói chuyện với anh Tuyền , tôi lại càng thấy nao nức với cái kế hoạch tổng quát là viết lịch sử Hội, lịch sử phong trào văn học nói chung.

P.V. Chỗ này anh có thể nói rõ hơn ….

V.T.N Xin nói tạt ngang một việc ngoài lề thế này. Mấy năm nay Hội đã có chủ trương xây dựng Bảo tàng văn học. Nếu tôi không lầm thì nhiều người nghĩ làm bảo tàng cái khó nhất chỉ là xin tiền, chứ có tiền rồi ôi thôi, đánh trống ghi tên, kêu gọi thiên hạ mang đến một số kỷ vật là xong ngay chứ gì.
Có biết đâu, cái khó hơn của bảo tàng là cái quan niệm về lịch sử văn học làm nền cho nó. Quan niệm này chi phối trật tự cách sắp xếp, cách lựa chọn các hiện vật, thậm chí cả cái kích cỡ của từng khoảng không gian dành cho mỗi hiện vật.
( Đây là tôi nói chúng ta muốn làm một Bảo tàng có giá trị thực sự, bảo tàng có tác động tới đời sống văn học, chứ không phải cái loại Bảo tàng chỉ thỏa mãn bệnh phô trương và chẳng cần cho ai ngoài những người làm ra nó.)
Nhắc tới chuyện bảo tàng ở đây để thấy một là cái công tác lớn viết lịch sử Hội lịch sử phong trào văn học bao gồm nhiều việc, nhiều mặt hoạt động khác nhau, có những việc ta đã làm rồi mà ta không biết. Và hai là toàn bộ các công việc ấy đều đang là nhu cầu cấp thiết. Thậm chí có thể nói là chính nó – cái việc nhìn lại lịch sử ấy – một khi được làm tốt, sẽ là biện pháp hiệu nghiệm nhất để chúng ta vượt lên giai đoạn trì trệ hiện nay.

P.V: - Người Việt Nam mình nói chung vốn không giỏi soạn sử. Ngay như việc ghi chép, lưu trữ để có được nguồn sử liệu mà nghiên cứu mà soạn sử cũng là một việc thường được tiến hành kiểu được chăng hay chớ. Kỳ này, biên soạn cuốn lịch sử của Hội, không biết các soạn giả có gặp phải những khó khăn về nguồn sử liệu hay không?

V.T.N. Khi Nguyễn Tuân mất, Nguyễn Đình Thi là người viết điếu văn. Kể về các sáng tác của người đã khuất, trong điếu văn có câu “Những bài viết của ông về khu Vĩnh Linh sau đã in thành tập Sông tuyến “. Đọc lên tôi biết ngay là anh Thi nhớ nhầm. Sau Sông Đà, cụ Tuân có định làm một tập tùy bút nữa. Cuối một bài lẻ, đăng trên Tạp chí Văn Nghệ khoảng 1962-1963 , cụ đã ghi thêm:”Trích Sông tuyến “. Xưa nay các nhà văn vẫn có lối rao trước những cuốn sách mình đang soạn như vậy.
Chết cái là sau này không một thư mục nào có ghi cuốn sách ấy, vì đơn giản là nó không có. Không rõ lý do làm sao, nhưng Sông tuyến không bao giờ được chào đời. Anh Thi đã viết theo trí nhớ khi đọc tạp chí.
Cuối 1990, nhà văn Ngọc Trai biên soạn cho NXB Hội nhà văn một cuốn sách về Nguyễn Tuân, có lấy lại bài của anh Thi. Khi lo biên tập cho tập sách này, tôi bàn với chị Trai là lên thưa lại với anh Thi xem sao. Chị Trai đã làm và trong cuốn sách, anh Thi đã đồng ý bỏ câu đó. Thế nhưng nhiều tài liệu về sau vẫn dùng cái câu anh Thi viết năm 1987. Chẳng hạn ở Nguyễn Tuân Về tác giả và tác phẩm, NXB Giáo dục, bản in 1998, nó ở trang 544 . Chắc là anh Thi chẳng buồn đi cải chính mà những người làm sách về sau thì chẳng ai đọc cuốn sách bọn tôi đã làm cả.
Những chuyện tương tự vô khối. Nhắc lại để thấy là tính chính xác đang còn là một khái niệm xa lạ với giới nhà văn chúng ta. Lỗi không của riêng ai, lỗi ở hoàn cảnh nhiều khi luộm thuộm. Song không thể để mãi thế được. Phải có các bộ sử khác nhau. và phải bắt tay làm sử một cách cẩn trọng.

PV: - Việc soạn sử, dù là lịch sử một ngành, một Hội, chắc là không thể không bắt đầu bằng việc xác định "quan điểm biên soạn", việc lựa chọn "sự kiện lịch sử", "nhân vật lịch sử"…? Xin cho biết ý anh về những vấn đề này?

V.T.N. Ồ đó lại là chuyện quá lớn, chính vì không thống nhất được quan niệm nên nhiều người mới sinh ngại, không muốn đi vào lịch sử. Có điều đã đến lúc chúng ta không thể cứ lảng tránh mãi.
Quan điểm của tôi là cứ làm đi, rồi nhìn vào thành phẩm giấy trắng mực đen có gì không thống nhất, ta lại bàn tiếp.
Thậm chí nếu có quyền ( với nghĩa có tiền ), tôi còn muốn cùng một lúc đặt vài người khác nhau, mỗi người đưa ra một phác họa lịch sử của riêng mình, từ sự so sánh những kết quả thu được, ta mới tìm được cái ta ưng ý.
Lúc này đây , tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm. Hơn bốn chục năm sống với đời sống văn học đương thời, tôi có một kinh nghiệm là phải triệt để chống tư tưởng bình quân. Bình quân là thế nào ? Là hay dở tốt xấu thậm chí hàng phế phẩm cũng coi là đáng trân trọng là có giá trị . Nếu để tư tưởng bình quân chi phối, người viết biên niên sử nói riêng viết lịch sử nói chung sẽ không tìm đâu ra giấy để ghi hết từng biến động nhỏ trong văn học hơn sáu chục năm nay. Cuốn sách sẽ thành một thứ nhà vô chủ, chỉ làm vui lòng những kẻ tầm thường.
Vậy bản thân cái việc đưa sự kiện nọ hay nhân vật kia vào sách cũng đã là một cách đánh giá rồi. Cũng đòi hỏi tính khoa học nghiêm túc và bản lĩnh, và nhất là trách nhiệm trước đời sống cũng như trước hậu thế.

PV: - Lịch sử Hội Nhà văn chắc hẳn không chỉ là câu chuyện về các kỳ Đại hội, các Ban chấp hành… mà còn bao hàm lịch sử của các "cơ quan cấp II" của Hội như Báo Văn nghệ, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn… Chẳng hạn, liệu những người trẻ tuổi làm báo Văn nghệ bây giờ muốn được hiểu biết hơn về cơ quan mình, họ có thể kỳ vọng điều gì từ công trình lịch sử này?

V.T.N.Bây giờ báo nhiều, có nhiều chỗ để viết chứ hồi đầu chiến tranh, với người trong nghề, chỉ có một cái cửa lớn là báo Văn nghệ. Chính anh Nguyễn Đình Thi đã có lần nửa đùa nửa thật với anh em trẻ chúng tôi rằng thật ra Tổng biên tập báo còn to hơn cả Tổng Thư ký Hội nữa.
Ngày nay tình hình đã khác, song trong tâm trí anh em làm nghề ở ta, ấn tượng về báo vẫn lớn lắm. Bởi vậy trong bất cứ bộ lịch sử Hội nào, những phần có liên quan tới báo Văn Nghệ, tôi tin không ai dám to gan mà viết sơ sài được !
Bộ biên niên đang làm chỉ là khâu đầu tiên trong chuỗi công trình đang làm. Còn một cách nữa để tiến tới lịch sử Hội và lịch sử đời sống văn học từ sau 1945 là sau đây sẽ khởi thảo những đề tài nhánh, như lịch sử tiểu thuyết, lịch sử tiếp nhận tư tưởng văn học nước ngoài, lịch sử dịch thuật …Trong loạt sách đó, không nghi ngờ gì nữa, chiếm hàng đầu phải là Lịch sử báo chí và xuất bản văn học ở VN từ sau 1945. Báo Văn Nghệ sẽ chiếm một vị trí xứng đáng trong tập sách đó.
PV Đóng góp của riêng anh trong loạt sách này ?
V.T.N Trong nghề, tôi hay để ý những chuyện bếp núc.Khi nhắc tới báo Văn Nghệ, tôi nhớ ngay tới những tiền thân của nó, như báo Văn ra năm 1957, như tạp chí Văn Nghệ ra khoảng 1958-1963. Rồi tôi nhớ là năm 1956, báo cũng ra khổ to, và trên măng sét có ghi rõ một danh sách vàng. Biên tập: Văn Cao --Xuân Diệu – Tế Hanh—Bùi Hiển --Nguyên Hồng – Tú Mỡ -- Chu Ngọc - Sĩ Ngọc ; thư ký tòa soạn Nguyễn Đình Thi.
Hoặc như gần đây, báo ta có mở mục đăng lại các sáng tác in ra ở Sài Gòn trước 1975. Vừa thấy mục này tôi nhớ ngay là trên báo Văn Nghệ năm 1956 ( xin miễn nói số báo cụ thể vì tôi không muốn ai đó cuỗm mất tài liệu này rồi nhận vơ là của mình ), tôi còn đọc được cả một lá thư của nhà văn Nguyễn Tuân Thân gửi các bạn nhà thơ nhà văn miền nam, tức là những người lúc đó sống và làm việc ở Sài Gòn.Trong thư, cụ Nguyễn thay mặt Ban chấp hành T.W Hội văn nghệ Việt Nam, bàn chuyện “hai miền cử chung một đoàn nhà văn Việt Nam“ đi dự Hội nghị nhà văn châu Á tổ chức tại Tân Đêli từ 20 đến 23 tháng 12 năm 1956. Cuối thư Nguyễn Tuân “thành thực chúc các bạn mạnh khỏe và sáng tác nhiều để xây dựng nền văn hóa dân tộc của chúng ta “.
Tôi cho đó là những tài liệu thú vị và dự định đưa vào tập hồi ký của mình – đúng hơn là tập ghi chép của tôi qua chặng đường hơn bốn chục năm làm nghề.
Sau phần kêu lên là phải dành nhiều giấy mực cho lịch sử, tôi có thể đóng góp thế thôi. Loạt sách chỉ thành công nếu thu hút được công sức nhiều anh em khác. Ý tôi không muốn gói lại trong họat động của Hội nhà văn VN mà nhìn rộng ra cả sinh hoạt học thuật nói chung. Xin được tha lỗi nếu ai đó cho là tôi xúc phạm họ. Nhưng quả thật tinh thần công chức đang chi phối việc nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử văn học nói riêng. Không ngại mang tiếng cao giọng, tôi muốn nhắn nhủ các đồng nghiệp: viết lịch sử là một cuộc đấu tranh. Phải nghĩ viết lịch sử để đẩy tới nhận thức tinh thần của xã hội. Phải có cái gì mới hẳn , tức là vượt lên so với những cái cũ mình đã làm hôm qua. Chứ cầm hàng tỷ tiền của nhà nước mà mạ lại toàn những gì cổ lỗ thì thật là một điều đáng xấu hổ. Vấn đề không phải là một ít chi tiết mới sưu tầm bổ sung. Vấn đề là ở cái tinh thần của những trang lịch sử mà ta trình ra với bạn đọc .

PV: - Xin cảm ơn anh!


Báo Văn Nghệ trẻ 12-4

Nâng trình độ sống để thích nghi - phát triển

Lịch sử ngoại xâm liên miên, người Việt quen sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới. Càng co lại ta càng đánh mất đi khả năng phát triển, càng không đủ bản lĩnh để ra với thế giới và hiểu thế giới - nhà văn hoá Vương Trí Nhàn luận giải quá trình phát triển của Việt Nam trong hội nhập dưới góc độ văn hoá.

Trong sự thích nghi có sự buông trôi bất lực

- Quan sát người Việt và dân tộc VN trong cuộc sống hội nhập hôm nay, với một người dành nhiều thời gian nghiên cứu về VN và đặc tính dân tộc Việt, ông có ấn tượng, suy nghĩ gì?

Nhìn lại thời gian mấy chục năm nay, dễ thấy VN sau chiến tranh đã trải qua một quá trình, lúc chậm lúc nhanh, nhiều lúc như là quanh co, hỗn loạn, nhưng nhìn chung đến nay đã chạm tới một cái ngưỡng và cần lo để chuyển sang giai đoạn mới. Đã đến lúc chúng ta có thể tổng kết, đánh giá cả một chu kì phát triển. Một hướng suy nghĩ là nhìn những thành công hay vấp váp về kinh tế xã hội dưới góc độ văn hóa, bởi con người kinh tế chẳng qua cũng chỉ là một khía cạnh của con người VN.
Từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, từ chỗ tách ra để làm công việc riêng của dân tộc đến chỗ quay trở về hội nhập với thế giới, cái quá trình ấy là cả một khúc quanh đột ngột. Tôi ngờ rằng nhiều người lớn tuổi đã sống hết lòng với đời sống hẳn cũng chung tâm lý như tôi, đêm nằm ngẫm nghĩ thấy thương cho chính mình và những người thân quen xung quanh, rộng ra là thương cho cả dân tộc.
Chiến tranh từng bòn rút tất cả sức lực, kéo cuộc sống chậm lại. Mở cửa, ta lại lao vào làm ăn với bất cứ giá nào, sức khỏe kém đi, con cái không người dạy dỗ, cũng hư hỏng đi.
Nhìn cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội đều bị xói mòn mà không khỏi xót xa.
Người Việt xưa tới giờ khổ quá, đến khi ra với thế giới thì mắt như bị chói, cái gì cũng thèm thuồng. Hết gồng mình lên chiến đấu nay lại gồng mình lên để hưởng thụ. Cha mẹ cứ cái gì ngon nhất, đẹp nhất là lo dành cho con. Trong gia đình, ta cúi mặt xuống chiều chuộng nhau mà không dám đặt ra yêu cầu cao với nhau.
Theo tôi, căn nguyên của cái cách ứng xử này là cảm giác tự ti, nhìn thấy cái sung sướng vừa đến với mình nó mong manh quá, còn thế giới vẫn xa lạ quá. Che mắt mình lại, không muốn lộ ra ở mình cái phần bất lực, bởi tận thâm tâm, tin rằng không bao giờ đạt được cái phần nhân loại hôm nay đã tới.
Nghịch lý là ở chỗ do mang tâm thức tự ti đó, khi quay lại nhìn bản thân, ở nhiều người - không ai bảo ai - sinh ra tâm lý tự huyễn hoặc. Rằng so ra ta cũng ghê gớm lắm; rằng không có cái phần hơn hẳn thiên hạ nhưng mình lại có cái khác: di sản thế giới (thực chất phần nhiều là di sản thiên nhiên, đâu phải là văn hóa), văn hóa ẩm thực...
Bình tĩnh lại để nghĩ sẽ thấy cái để VN khoe ra với thiên hạ thường chỉ là phần trời cho mà không phải phần con người làm ra, chỉ là những gì bản năng mà không phải là phần của trí tuệ: Ta không có cuốn sách, bức họa nào ở tầm thế giới. Trong âm nhạc, phần khó nhất của nó là hòa âm thì nhạc VN lại kém, lấy đâu ra tác phẩm lớn.
Cái rõ nhất và duy nhất chúng ta có thể khoe với thế giới chính là sự thích nghi, thích nghi nên thế nào cũng tồn tại. Tôi nhớ trong Anh em Karamazov, Dostoievski có một câu khái quát: "Tồn tại trong bất cứ điều kiện nào là truyền thống của dòng họ Karamazov nhà ta". Người VN cũng thế. Khó khăn đấy, nhưng chúng ta vẫn tồn tại - ta tự nhủ.
Có điều hôm qua trong chiến tranh nghĩ thế là cần thiết, nhưng hôm nay không đủ nữa. Đã đến lúc đặt vấn đề là tồn tại sẽ như thế nào, thế nhỡ sự thích nghi làm cho chúng ta mòn mỏi, kém cỏi, tầm thường và hư hỏng đi thì sao?

Làm kinh tế bằng tư duy chiến tranh

- Ông vừa hơn một lần nói tới chiến tranh. Phải ông cho rằng đó là một trong những nguyên nhân gần dẫn tới những khó khăn kinh tế hiện nay? Nhưng ba chục năm là thời gian quá dài, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng. Liệu ta có nên cường điệu vai trò của nó?

- Không, chả có gì là cường điệu cả. Ta đã ra khỏi cuộc chiến, nhưng lòng ta, cách sống, cách nghĩ của ta chưa ra khỏi.
Chiến tranh cho phép người ta bất chấp quy luật miễn là được việc; chỉ lo hiệu quả, còn cái giá của nó thì không cần biết. Trong chiến tranh, nhất là chiến tranh ở VN, cứ chờ có những điều kiện cần và đủ thì không ai dám làm gì. Phải liều. Phải duy ý chí. Cách làm đó nay vẫn được ta áp dụng.
Nói tóm lại, nếu trong chiến tranh ta phá với bất cứ giá nào thì nay ta xây với bất cứ giá nào. Trên báo chí luôn có những tin đại loại cây cầu này sang năm phá năm nay vẫn cứ thi công vì đã vào kế hoạch rồi, hoặc xây nhà máy ào ào mà chả chú ý gì tới tác hại của nó với môi trường. Thì đó là kiểu tư duy chiến tranh chứ còn gì nữa?!
Bản thân chiến tranh VN lạ, không giống ai. VN thắng được trong chiến tranh là nhờ chơi theo luật VN, tuy nhiên, trong làm kinh tế, thì phải chơi theo luật chung của thế giới.
Những suy nghĩ về chiến tranh còn thường xuyên đến với tôi, mỗi khi nghĩ tới quốc nạn tham nhũng. Đọc cuốn Những bước thịnh suy của các triều đại Trung Quốc của Cát Kiếm Hùng (nhà sử học Đài Loan) biết rằng trong lịch sử nước này, tham nhũng ghê nhất là triều đại nhà Nguyên, một chính quyền quân sự. Nữa là ở ta lại phổ biến hiện tượng coi ai giỏi chiến đấu thì cũng biết làm kinh tế, nới lỏng luật pháp, dễ dãi với người có công và tuỳ tiện lấy quyền lợi kinh tế trả ơn cho người góp phần tạo nên thắng lợi trong chiến tranh... tham nhũng là tránh sao nổi.


Tâm lý tiểu nông vẫn còn ăn sâu trong cách đi ra thế giới của người mình. Và cả cách tư duy nữa: tư duy tiểu nông.

Tâm lý tiểu nông tư duy tiểu nông

- Ngoài nguyên nhân chiến tranh, để cắt nghĩa tình hình hiện thời, theo ông đâu là những nguyên nhân lịch sử văn hoá sâu xa hơn ?

- Trước khi Pháp sang, "cả nước sống leo lắt trong một tình trạng thôn dã" - tôi đọc được câu này trong một cuốn sách mới dịch in gần đây, cuốn Người Pháp và người An nam bạn hay thù? của Philippe Devillers. Tôi chia sẻ với cách nhìn của nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, ông Nguyễn Đình Lương, rằng tâm lý tiểu nông vẫn còn ăn sâu trong cách đi ra thế giới của người mình. Và cả cách tư duy nữa: tư duy tiểu nông.
Tôi trộm nghĩ, ở ta, một khi nếp sống làng xã còn ngự trị khắp nơi thế này, không có triết học ghê gớm cao xa gì tồn tại nổi, chỉ tư tưởng tiểu nông chi phối tất cả.

- Nhìn sang nước Trung quốc, nông thôn ở họ cũng nặng nề, sao họ vẫn phát triển tốt ?

- Vì tư tưởng nông dân ở đó tuy mạnh (bắt nguồn từ tầm vóc một nông thôn bao la), nhưng không phải là tư tưởng chủ đạo. Xưa đã vậy mà nay càng vậy. Người ta bảo rằng trọng nông ức thương là nguyên tắc chi phối chính sách những nước theo đạo Khổng. Nhưng đó chỉ là một phần sự thật. Từ thời Tần Hán đô thị Trung Quốc đã phát triển, từ Đường Tống trở đi thì đã có vai trò của một cơ chế năng động kéo cả xã hội tiến theo.
Đô thị phát triển nghĩa là quốc gia trở thành một đơn vị có sức kết dính mạnh mẽ. Việc kinh doanh của thương nhân ở đây được sự hỗ trợ của trí tuệ, giới nhà nho cũng tham gia nghề buôn, làm cho nghề này đạt tới quy mô quốc gia và xuyên quốc gia.

Nhìn chung trong thương trường, tư duy con người trở nên thông thoáng hơn, năng động hơn. Giở các cuốn lịch sử tư tưởng ở Trung Quốc bao giờ tôi cũng thấy người ta nói tới phần tư tưởng kinh tế. Thời nào, bộ phận này trong tư tưởng xã hội Trung Hoa cũng có tiến triển.
Trong khi ấy, nhìn lại mình thì ngược lại. Quen sống tự nhiên ở làng quê, ta không dám tổ chức lại cuộc sống qua các đô thị. Ta làm gì cũng chỉ theo bản năng, sự tham gia của lý trí chỉ dừng lại ở mức tối thiểu.
Là một nước nông nghiệp nhưng cho tới lúc này, VN hầu như không có sách nào tổng kết kinh nghiệm trồng lúa, còn nói chi tới các nghề khác.
Nghề buôn thì lại càng bị coi thường khinh rẻ. Mọi người cho đó là nghề lừa lọc và thường bảo nhau "Thật thà như thể lái trâu". Bản thân người làm nghề buôn cũng làm ăn trong thế quẩn quanh lặt vặt, sản xuất càng lụn bại thì họ càng có cơ hội để bắt chẹt người có nhu cầu.

Ông cho rằng năng lực sản xuất và kinh doanh lại là chỉ số chủ yếu đánh giá sự phát triển xã hội ?

- Xét về mặt tư duy, sản xuất và kinh doanh được là nhờ người ta có một quan niệm rộng rãi về thế giới. Người ta theo đuổi sự hoàn hảo. Người ta làm gì cũng chuyên nghiệp.
Cũng là cái diều làm để chơi, nhưng diều các nước nhiều kiểu dáng kỳ lạ, còn diều VN chỉ là mảnh giấy bồi phất vào mấy cái nan tre. Thế nên không trách được khi người ta bảo hàng hoá VN vừa nghèo nàn đơn điệu về mẫu mã, vừa kém về phẩm chất.
Về tác động xã hội, bản thân truyền thống kinh doanh yếu kém là dấu hiệu của một xã hội chưa trưởng thành. Xã hội phát triển tự nó sẽ đặt ra các nhu cầu mới, trong khi với VN hình như chỉ cần tàm tạm là được, cải tiến mà làm gì. Khi không có quá nhiều những nhu cầu phải thỏa mãn thì sự phát minh, sáng chế cũng như đổi mới việc phân công lao động lại trở thành xa xỉ.
Tóm lại ta không chuẩn bị để bước vào thế giới hiện đại.

E sợ khi bước ra với thế giới

- Những hạn chế trong việc làm ăn này đã tiếp tục chi phối chúng ta trong việc làm ăn buôn bán với thế giới ?

Rải rác tôi đã thấy người ta nêu ra đủ thói xấu của ta sau khi gia nhập WTO: e ngại, chỉ muốn đánh quả, lanh chanh kiếm chác mà lại dại dột ngớ ngẩn dễ bị lừa, đau chết điếng đi mà không cách gì thoát nổi...
Tôi muốn mở rộng thêm mà nói rằng đây là cả một "truyền thống" của VN, thứ quán tính nó ràng buộc chúng ta từ nhiều đời.

Đọc lịch sử sẽ thấy nền ngoại thương của VN bây giờ không khác các thế kỷ XVII-XVIII là bao. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, ở Đàng ngoài, chúa Trịnh nói chung cấm cửa lái buôn ngoại quốc, sợ họ vào gây náo loạn nhân tâm. Nhưng ngồi nghĩ, lại tiếc, nên chính sách cứ khi thò khi thụt, dùng dằng, dang dở, nay thế này mai thế khác. Mà chính sách càng tuỳ tiện đỏng đảnh, quan lại càng dễ đi đêm để hưởng lợi.

Còn ở Đàng trong, tiếng rằng mở cửa - và đây là một bước tiến đáng kể so với Đàng ngoài - nhưng toàn là người ta đến bán hàng cho mình và mang hàng của mình đi, chứ dân ta có lái buôn chủ động vươn ra với họ đâu!. Đến người phiên dịch dắt mối trong các vụ làm ăn này cũng thường là người Tàu, ta không có nhân viên của mình. Quan chức quản ngoại thương chủ yếu chỉ lo thu thuế, khi kiểm tra thương thuyền nước ngoài, thường lợi dụng chức vụ để xin xỏ kiếm chác cho mình, bao che cho thương nhân nước ngoài. Được lợi chút đỉnh, họ sẵn sàng bán rẻ cả quyền lợi của quốc gia.

- Từ góc độ văn hoá ông cắt nghĩa hiện tượng này như thế nào ?

- Với quá trình lịch sử liên miên bị đe doạ bởi ngoại xâm, người Việt quen nghĩ rằng những tai vạ của mình là do nước ngoài mang tới. Trong mắt ta, họ thường là là kẻ thù nhiều hơn là đối tác cùng tồn tại. Nên ta nhìn họ với nhiều e ngại và tự dặn nhau càng ít tiếp xúc với người ngoài càng ít càng tốt.
Ta quen sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới. Trong tiếp xúc ít có khả năng đặt mình vào địa vị người khác, không có thói quen và kinh nghiệm quan hệ với bên ngoài, lảng tránh là hơn.
Cho đến thời gian thế hệ chúng tôi lớn lên, tâm lý này vẫn chi phối mạnh mẽ. "Thôi con đừng khóc chi con/ Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người". Đây là một câu ca dao tôi nghe thuộc lòng từ nhỏ. Về sau đọc sách, càng thấy cái tâm lý ăn quẩn vườn nhà đã ngấm vào tâm thức của dân mình. Người dân đồng bằng Bắc Bộ xưa thường chỉ biết đến phạm vi 20 km quanh vùng họ ở. Luôn luôn tâm niệm "ta về ta tắm ao ta", vừa ra khỏi làng đã nước mắt ngắn nước mắt dài sùi sụt. Ngần ngại, sợ hãi...
Càng co lại ta càng đánh mất đi khả năng phát triển, càng không đủ bản lĩnh để ra với thế giới và hiểu thế giới.
Đợt hội nhập vừa rồi là có vẻ như ta buộc phải bung ra, mở cửa, chứ thật ra chưa chín ở bên trong. Vừa không có thói quen, vừa không chuẩn bị thích đáng, cuối cùng ta "nhảy đại" cho xong. Chính cái đó sinh ra nhiều tệ nạn: tâm lí đánh quả, định đi tắt đón đầu, "lừa", lách luật...
Nhìn ở một tầng sâu hơn, có thể nói quan hệ kinh tế của VN với thế giới trong thời gian vừa qua không dựa trên cơ sở văn hoá chắc chắn. Đại khái thấy ai làm mình cũng làm theo, khi thất bại mới ngớ ra thì đã muộn. Định bán hàng cho người ta nhưng không hiểu gì về lịch sử tâm lý dân tộc cách sống của người ta, cái gu của người ta thì bán sao được?

Một xã hội chưa trưởng thành

- Ông chỉ mới giải thích những yếu kém về văn hoá liên quan đến mối quan hệ làm ăn với nước ngoài. Nhưng một nền kinh tế không phải chỉ có chuyện đối ngoại. Thế còn những khó khăn của kinh tế trong nước thì sao? Đâu là những nguyên nhân về mặt văn hoá - xã hội?

- Có thể hình dung xã hội VN trong quá khứ là đoàn quân tổ chức với nhiệt tình, và quyết tâm giữ nước hơn là xã hội làm ăn.

Một xã hội chỉ phát triển được nếu biết ứng xử khôn ngoan với thiên nhiên, vừa khai thác vừa làm giàu thêm thiên nhiên. Đằng này chúng ta quen với tư duy hái lượm, thâu nhặt từ thiên nhiên, hơn là cấy trồng, tổ chức sản xuất tạo ra của cải. Một ví dụ, so với đất đai, VN có tỉ lệ bờ biển khá dài. Nhưng người Việt gần như không biết khai thác biển, khái niệm kinh tế biển còn quá xa lạ.
Các nhà văn đồng nghiệp của tôi thường chỉ hay nói ở Việt Nam cá nhân chưa phát triển. Nhưng nên nhớ là cả xã hội VN cũng ở vào một tình trạng như vậy. Cách quản lý xã hội từ xưa vẫn rất đơn sơ: thu thuế trên đầu người chứ không phải thu thuế sản xuất và kinh doanh.
Trong một tổng kết về chính quyền Hà Nội thời trung đại (in trong kỷ yếu hội thảo Quản lý và phát triển Thăng Long Hà Nội tháng 3/2008), tôi thấy người ta lưu ý là trong số các văn bản đưa ra, pháp lệnh về an ninh chiếm tới 65,56%, trong khi chỉ 16,42% văn bản ban hành là có liên quan tới sản xuất và kinh doanh, 8,96% liên quan tới quản lý văn hoá xã hội. Suốt thời phong kiến vai trò tổ chức làm ăn của chính quyền hầu như không có.
Một xã hội phát triển là một xã hội có sự phân tầng cao và kết cấu phức tạp mà hợp lý. Xã hội VN chỉ đang trên đường đạt tới trình độ đó.
Nói một cách hình ảnh, nếu như xã hội chuẩn là một cánh rừng nguyên sinh thì VN có nhiều phần giống như đồng cỏ hoang. Về mặt cá nhân con người chúng ta còn nặng về bản năng và tự phát - người Pháp nói đó là dạng "tư duy tiền Descartes" - trước sự duy lí. (Song đến nay cái kiểu tư duy ít lí trí này vẫn được bênh che và tự hào, thế mới đáng sợ! )

- Người ta có câu: một người VN không thua kém một người Nhật Bản nhưng ba người VN thì chắc chắn thua ba người Nhật Bản. Tính hợp tác, cộng đồng của người Việt hình như là trở ngại. Trong khi đó, nhiều người lí giải trong chiến tranh VN chiến thắng chính là tính cộng đồng và sự đoàn kết. Liệu hai góc nhìn này có quá trái ngược và phủ định lẫn nhau. Điều gì trong chiến tranh đã gắn kết người VN với nhau và trong thời nay, cần phải xem xét lại yếu tố cố kết như thế nào?

- Tôi e bản thân câu "một người Việt không thua kém một người Nhật" cũng là một nhận xét mơ hồ, có pha nhiều ảo tưởng. Không nên thảo luận về một cảm tưởng thoáng qua và tuỳ tiện như vậy.
Còn cái chuyện ba người Việt so với ba người Nhật thì liên quan tới cấu trúc xã hội. Mượn cách nói của Marx có thể bảo xã hội ta còn ở tình trạng của những bao khoai tây lủng củng. Thế nên cả nước có tới vài chục cảng nước sâu mà không có cảng nào đạt chuẩn quốc tế. Thế nên các đô thị hiện nay không thiếu những căn nhà đẹp nhưng không có được những khu nhà đẹp. Nói cách khác, chất kết dính của xã hội Việt kém - kết dính theo nghĩa nội tại, cấu trúc, chứ không phải đặt cạnh nhau mà buộc phải sống với nhau.

Ra ngoài hớt phần váng

- Chúng ta cũng đã và đang mở cửa và ra với thế giới. Những nhân tố mới sẽ vào, kích thích sự thay đổi, sáng tạo bên trong VN?

- Trong trường kỳ lịch sử, yếu tố bên ngoài luôn luôn đóng vai trò những cú hích thúc đẩy sự chuyển đổi của xã hội. Có điều, các yếu tố đó thường tác động ngoài sự kiểm soát người trong cuộc. Ta không tự nguyện đón nhận. Nghèo là như vậy, kém phát triển, thiếu kinh nghiệm như vậy, nhưng VN lại không biết học hỏi để chủ động phát triển.

- Ông có quá lời? Bản thân người VN vẫn thường tự hào rằng chúng ta là dân tộc thông minh, cần cù, sáng tạo và ham học hỏi ?

Giao lưu văn hoá là xu thế chung của thế giới. Một nền văn hoá lớn như văn hoá Trung Hoa luôn luôn tự hào là có thái độ chủ động tiếp xúc với bên ngoài, lấy văn hoá ngoại lai làm giàu cho văn hoá mình, và rất nghiêm túc trong học hỏi. Từ đời Đường đạo Phật của Ấn Độ đã được tiếp thu trên quy mô lớn. Triều đình cử hẳn Đường Tam Tạng qua Ấn Độ lấy kinh và về cho dịch thật kỹ càng thật đầy đủ. Đến Trung Hoa, đạo Phật ngoại lai có thêm một bước phát triển mới. Người ta nói rằng nhờ học theo lối kể chuỵện trong kinh Phật mà nghệ thuật tự sự nẩy nở dẫn đến sự ra đời của các tiểu thuyết lớn. Từ đời Đường những điệu múa có nguồn gốc Trung Á,... đã xâm nhập vào tận cung đình.
Nhật Bản cũng coi việc tiếp thu nước ngoài như một cái nguồn lớn làm nên sức sống của văn hoá mình. Riêng về sách thôi, Nhật Bản thiết lập một mối giao lưu thường xuyên với Trung quốc. Một con đường sách trên mặt biển đã hình thành, được coi là tương đương với con đường tơ lụa nổi tiếng. 50-60% sách in ở Trung Quốc có bản lưu ở Nhật Bản.
Còn Việt Nam mình thì sao? Trong các cuốn lịch sử văn hoá Việt Nam, phần viết về sự tiếp nhận văn hoá nước ngoài thường rất đơn sơ, nhiều ngành nghề nhiều bộ môn nghệ thuật rõ ràng học từ bên ngoài, nhưng lờ đi, coi là ta nghĩ ra. Chỉ một vài việc buộc phải ghi nhận nhưng chỉ nói qua loa và lúc nào cũng không quên nói thêm là chúng ta tiếp thu có sáng tạo.
Trong thực tế sự học hỏi diễn ra khá “tế nhị”. Từ xưa ta đã học của Trung Hoa rất nhiều, nhưng chỉ học lỏm, bắt chước mà không nghiêm túc tuân theo bài bản, ăn bớt bài gốc của người ta rất nhiều. Đến thời tiếp xúc với văn hoá Tây phương, lúc đầu từ chối, sau buộc phải tiếp nhận thì bên cạnh phần tiếp thụ sáng tạo cũng nhiều phần chỉ qua loa láng cháng, mà tình trạng học đòi những cái lặt vặt lại diễn ra dài dài .
Quan sát bề ngoài, người VN hôm nay thích nghi nhanh, học nhanh. Nhìn quần áo, đầu tóc, cách nghe nhạc cách chơi xe của người Việt, nhiều người nước ngoài phải kêu lên: sao mà Tây thế! Thế nhưng đó lại là cái học, cái thích nghi hời hợt, dễ dãi chứ không phải tiếp nhận ở bề sâu văn hóa. Thành ra nhiều khi chỉ hớt váng, hớt lấy cái phần hời hợt của người và hệ quả tất yếu là những rác rưởi của thế giới đã vào quá dễ dàng, cả rác công nghiệp và rác văn hoá.


Những khó khăn trong việc làm ăn quan hệ với nước ngoài bắt nguồn từ chính chúng ta. Hay dở tốt xấu cái cần cho mình cái phải xa lánh... không có sự phân biệt. Từ chiến tranh bước ra ta chưa nhận thức đầy đủ rằng mình là một thành phần của thế giới và trước sau sẽ phát triển theo quy luật của thế giới. Cho đến tương lai của ta ra sao, cũng chưa ai hình dung nổi.

Tìm cho mình những động lực lớn

- Theo cách trình bày của ông thì có vẻ như trong khi phát triển đang là chuyện sống còn thì những điều kiện - hay là những điểm tựa - từ văn hóa và truyền thống dân tộc lại có phần không đầy đủ. Vậy thời gian tới, chúng ta phải làm gì ?

Cũng đã nhiều lúc tôi tự đặt cho mình câu hỏi như thế, và đến nay vẫn chưa tìm được câu trả lời thích đáng. Chính bởi còn thắc mắc, nên tôi - trong lúc tự xác định là phải nghiên cứu tiếp - mạnh dạn cứ “xới” vấn đề lên như trên. Biết đâu khi phản bác tôi, các đồng nghiệp lại tìm ra được những câu trả lời đúng. Khi đó tôi sẽ tâm phục khẩu phục!
Nếu được nêu lên một đề nghị tổng quát cuối cùng, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là xã hội cần có sự khai phá thay đổi trong tư duy. Thích nghi bị động chỉ đủ để tồn tại, thay đổi một cách chủ động mới có thể phát triển.
Trước tiên cần đầu tư nhiều hơn vào khâu tự nhận thức. Ông Nguyễn Đình Lương nói thẳng là nhiều khi ta không hiểu hoặc cố tình không hiểu luật chơi thế giới. Ông Lê Đăng Doanh bảo so với thế giới chúng ta không chỉ lạc hậu là còn lạc lõng và cái sau là đáng sợ hơn cái trước. Những gợi ý loại đó đáng để chúng ta cùng suy nghĩ.
Điều may mắn là chúng ta đang sống trong một thế giới thức tỉnh; bộ mặt của thế giới bộc lộ đầy đủ hơn bao giờ hết, kể cả sự bất lực của nhân loại trước nhiều vấn đề. Ngay những thất bại của các cộng đồng dân tộc khác cũng đáng được nghiên cứu để nhờ thế mà ta tránh được những hy sinh vô ích.
Sức ép của thời đại đến với mỗi dân tộc đều đang rất lớn. Nếu biết chủ động, đó lại là động lực thúc VN mau chóng mạnh hơn, lớn lên nhanh hơn.

• Phương Loan (thực hiện)


một số nhận xét:

Đăng Phương
02/02/2009 21:02 (GMT+7)
“Lịch sử ngoại xâm liên miên, người Việt quen sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới”. Cái sự "co lại" ấy chính là tinh thần đoàn kết dân tộc, là sức mạnh để cha ông ta đánh bại kẻ thù, có vẻ như tác giả dùng từ có hơi quá duy ý chí.

Chiến tranh xảy ra thường xuyên, thử hỏi dân tộc nào mà chẳng phải "co lại", nhưng tại sao chúng ta lại nhìn nhận vấn đề này 1 cách tiêu cực để rồi nói rằng người Việt ít có khao khát ra với thế giới?

Bất cứ 1 con người nào, 1 dân tộc nào cũng đều có khao khát ra với thế giới, vấn đề là ra như thế nào cho phù hợp mà thôi.

Tại sao chúng ta lại không nghĩ rằng cái lối sống "co lại" ấy đã giúp cho mỗi người Việt có 1 nền tảng tình cảm gia đình, làng xóm, xã hội vững chắc, lành mạnh để có thể "ra với thế giới".
Duong Trung Kien
02/02/2009 15:54 (GMT+7)
Tôi thấy ý kiến của bác Vương Trí Nhàn làm ta phải cúi đầu suy tâm nhiều điều. Đối với ý kiến các độc giả khác nữa, thật vui khi thấy có nhiều ý kiến, có phản đối có đồng tình...

Hầu như tất cả các ý kiến, đều đi vào để luận giải cho cái đúng sai theo quan điểm của mình. Có người thì bảo tôi đồng tình và thấy... hay, chỉ thế! Có người thì phủ nhận và đưa ra ý kiến khác.

Các vị có lẽ quên một điều, không có cái gì là tuyệt đối, do đó đừng bàn nó đúng hay sai bởi tuỳ theo thời điểm và cách tiếp cận mà thôi.
Nguyễn Bình
02/02/2009 13:29 (GMT+7)
Một bài viết rất sâu sắc. Tuy nhiên, tôi xin đóng góp thêm một vài ý kiến.

1. Lịch sử thế giới có không ít các dân tộc chịu tai hoạ liên miên như dân tộc ta. Nạn đói, ngoại xâm là chuyện bình thường. Nước Ý thế kỉ 19 đói nên rất nhiều người Ý phải xa quê sang Nam Mỹ, Ireland cũng vậy. Nước Nga cũng chịu sự cai trị của người Mông Cổ đến gần 300 năm. Cho đến giữa thế kỉ 20, Ý vẫn còn là nước tương đối nghèo, GDP đầu người không cao hơn nhiều lắm so với ngay cả Việt Nam và so với các nước phát triển thì rất thấp. Vì thế, theo tôi chiến tranh hay tai hoạ thiên nhiên chỉ là một nguyên nhân, không phải là nguyên nhân quyết định.

2. Các tính xấu của người Việt đa phần bắt nguồn từ sự phát triển thấp của nền kinh tế - xã hội chứ không phải ngược lại, vì thế khi xã hội phát triển thì các tính xấu này có thể thay đổi theo hướng tích cực.

3. Người Việt có chỉ số IQ tương đối cao so với thế giới (theo cuốn "IQ và sự giàu có của các quốc gia"), vì thế có khả năng tiếp thu tốt. Nhưng so với các dân tộc Bắc Á theo đạo Khổng gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên+Hàn Quốc thì thấp hơn khá nhiều (các dân tộc này có chỉ số IQ cao nhất thế giới, theo khảo sát của cuốn sách này). Các so sánh kiểu "một người Việt bằng một người Nhật" có ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ mang tính giải trí chứ không có ý nghĩa gì. Theo tôi, chỉ số IQ là đặc tính khó thay đổi nhất và mang tính quyết định với tương lai của một dân tộc.

4. Để tìm nguyên nhân một số tính cách của người Việt, tác giả Vương Trí Nhàn nên nghiên cứu thêm về các tài liệu nhân chủng học, nhân trắc học.
Lưu Thanh Bình
01/02/2009 21:55 (GMT+7)
Cách đây 10 năm tôi có dịp công tác ở Sài gòn trong một liên doanh với Hàn Quốc. Tôi nhận thấy người Hàn Quốc rất chăm chỉ, làm việc chuyên nghiệp và sáng tạo, lương họ cao gấp 10 lần kỹ sư Việt.

Càng tìm hiểu tôi càng thấy sự khác biệt giữa họ và tôi. Họ lao động đúng giờ, làm việc tập trung. Họ chủ động học tập, nghiên cứu các phương án có thể xảy ra khi thi công. Làm việc xong họ chịu khó chơi tenis, chạy bộ, họ hoà đồng với kỹ sư địa phương nhưng họ không tham gia những thói xấu như uống rượu buổi trưa, làm việc kề cà.... Và điều dễ nhận thấy là họ rất khoẻ, ai cũng biết võ, yêu thích thể thao. Tôi hiểu rằng mình cần học hỏi họ.

Sau khi đọc bài báo này tôi càng thấy khuyết điểm của bản thân tôi là mang tính văn hoá, căn bản. Vậy tôi sẽ và quyết tâm thay đổi từ cách học, cách đọc sách, phương pháp luyện tập thể thao và đặc biệt thay đổi tác phong làm việc. Tôi mong được chia sẻ với các bạn trẻ về cảm nhận của mình.

Trân trọng cám ơn tác giả và quý báo.
Xuân Trường
01/02/2009 15:34 (GMT+7)
Đã có quá nhiều những đánh giá tự đề cao con người, văn hoá và dân tộc Việt, nhưng thực tế cuộc sống cho thấy nhiều vấn đề thuộc về người Việt Nam khiến chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ, đặc biệt khi nhìn ra thế giới. Xin ai đó đừng vội phê phán ông Vương Trí Nhàn là bi quan, hay gần đây ông bị nhiều người quy chụp là “tạo ra dịch nói xấu người Việt”. Tôi tin ông là một người luôn đau đáu lo sao cho người Việt Nam ta có thể tốt lên, đẹp lên, ngẩng mặt lên được với thế giới.

Trong kinh doanh tôi tin rằng kiến thức quản lý kinh doanh và công nghệ sản xuất có thể học được, mua được nhanh chóng, nhưng thành công chỉ có thể bền vững khi có một nền tảng văn hoá tích cực. Thực tế lại có quá nhiều các ví dụ tiêu cực. Khi một người trồng rau có một khoảnh dành riêng cho gia đình mình theo đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, còn sản phẩm của những khoảng vườn khác chỉ để bán, mà lương tâm không hề vấn vít, day dứt; nếu một doanh nghiệp sản xuất coi việc xả trộm được chất độc hại ra môi trường là thành công trong việc tiết kiệm chi phí, thì thực sự cái văn hoá đó đã ở mức độ nguy hiểm, huỷ diệt dân tộc.

Khi người Việt sống ở nước ngoài, chỉ thế hệ thứ 2 đã không nói được tiếng Việt, trong khi người Trung Quốc (bên cạnh ta, nhiều điểm tương đồng với ta) bao đời sống ở nước ngoài vẫn giữ được tiếng nói, văn hoá của mình, thì đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc về việc xây dựng một nền tảng văn hoá tích cực mà mỗi người mang dòng máu Việt có thể tự hào. Còn nếu cứ vỗ về nhau, làm đẹp lòng nhau bằng những lời tự đề cao, tự huyễn hoặc mình, thì chúng ta sẽ có những “xấu xa được đậy lại”, nhưng chẳng có nhiều “đẹp đẽ được phô ra” với thế giới đâu. Tôi ủng hộ có nhiều bài viết như thế này.
Hoàng Thắng
01/02/2009 01:30 (GMT+7)
Tôi xin phép có vài ý kiến.

Bài báo sâu sắc nhưng mà ...bi quan. Mấy hôm tết tôi có thời gian tiếp chuyện bố và các ông các bác trong họ thì phần lớn các cụ có tư duy giống như bác Nhàn là chê nhiều, bi quan hóa vấn đề. Và đặc biệt là nói về các vấn đề chưa tốt thì hay cáu, gắt, chê. tôi chỉ nghe cũng ...mệt.

Là nước đang phát triển, đương nhiên là Việt Nam có nhiều điểm kém cần khắc phục. Nhưng tôi thích một cái nhìn tích cực, không nặng nề hơn.
Bùi Quốc Lộc
31/01/2009 22:10 (GMT+7)

Như có người đã phân tích,những cái gọi là "thói hư tật xấu" của người Việt nói chung không xuất phát từ bản chất của người Việt, mà chỉ là sản phẩm của xã hội Việt Nam ở một trình độ phát triển nhất định, trong các điều kiện kinh tế - xã hội nhất định.

Trong bài trả lời phỏng vấn này, ông Vương Trí Nhàn đưa ra một loạt những luận điểm có phần chủ quan. Ví dụ, ngay câu đầu tiên: “Lịch sử ngoại xâm liên miên, người Việt quen sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới” đã bộc lộ sự chủ quan trong nhận định.

Thứ nhất, chúng ta rất hay nói rằng lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm liên miên, coi đó là một nét đặc thù của lịch sử Việt Nam so với lịch sử các dân tộc khác. Thực tế thì sao? Tính trung bình cứ phải vài trăm năm chúng ta mới có một cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ở mức độ tương đối khốc liệt. Trong khi đó nước Nga và nước Pháp riêng trong hai thế kỷ 19, 20 đã có một loạt các cuộc chiến tranh, mỗi cuộc cách nhau vẻn vẹn vài chục năm, với mức độ khốc liệt hơn nhiều.

Thứ hai, dựa vào đâu mà ông Vương Trí Nhàn kết luận rằng do phải chống ngoại xâm liên miên mà người Việt đâm ra sống co lại, ít có khao khát ra với thế giới, hiểu thế giới?
Lịch sử nhiều dân tộc khác, cũng phải chống ngoại xâm liên miên, như nước Nga và nước Pháp kể trên, cho thấy hoàn toàn không có mối liên hệ nhân quả tất yếu nào giữa hai chuyện đó. Dường như ở đây ông Vương Trí Nhàn mắc phải lỗi ngụy biện “thấy cái này xảy ra sau cái kia, hoặc diễn ra cùng cái kia, thì cho rằng cái này là hậu quả của cái kia”.

Hoặc cái đoạn này cũng thế: “Người Việt xưa tới giờ khổ quá, đến khi ra với thế giới thì mắt như bị chói, cái gì cũng thèm thuồng. Hết gồng mình lên chiến đấu nay lại gồng mình lên để hưởng thụ. Cha mẹ cứ cái gì ngon nhất, đẹp nhất là lo dành cho con. Trong gia đình, ta cúi mặt xuống chiều chuộng nhau mà không dám đặt ra yêu cầu cao với nhau”.

Thử hỏi, có dân tộc nào trên trái đất này mà đã không từng có một thời nghèo khổ? Ngay trong thế kỷ 21, số quốc gia phát triển, giàu có chỉ là thiểu số, còn đại đa số người dân trên thế giới vẫn rất nghèo khổ. Có chắc rằng các dân tộc khác cũng bị chói mắt, cũng thèm thuồng, cũng gồng mình lên hưởng thụ, cũng không dám đặt ra các yêu cầu cao cho nhau không? Dân Nhật, Hàn có thế không? Nếu họ không thế, thì tại sao ông lại đặt một mối liên hệ nhân quả ở đây?

Hay như đoạn này: “Chiến tranh cho phép người ta bất chấp quy luật miễn là được việc; chỉ lo hiệu quả, còn cái giá của nó thì không cần biết. Trong chiến tranh, nhất là chiến tranh ở Việt Nam cứ chờ có những điều kiện cần và đủ thì không ai dám làm gì. Phải liều. Phải duy ý chí. Cách làm đó nay vẫn được ta áp dụng”. Thiết nghĩ, các nhà chỉ huy quân sự khó mà chia sẻ được quan điểm này.

Trong thương trường cũng vậy, nó có các quy luật của nó mà không ai có thể bất chấp, nhưng đồng thời người ta vẫn cứ phải liều mạng đôi chút. Có điều, người ta làm thế hoàn toàn không phải do tàn dư của tư duy thời chiến còn sót lại như ông Vương Trí Nhàn quy kết một cách dễ dãi. Trong cuộc khủng hoảng vừa rồi, xem ra mức độ liều mạng của các doanh nhân Mỹ vượt rất xa mức độ liều mạng của các doanh nhân ta.

Đưa ra một vài dẫn chứng nói trên để cho thấy cách thức nhìn nhận sự việc của ông Vương Trí Nhàn còn nhiều điều phải xem lại, đặc biệt là trong việc chỉ ra nguyên nhân, nguồn gốc đích thực của các hiện tượng xã hội.
Đoàn
31/01/2009 22:00 (GMT+7)
Tôi rất tâm đắc với câu "sáng tạo là một thứ xa xỉ" mà tác giả đã nêu, nhất là đối với công việc công. Điều đó cũng có nghĩa người ta không quan tâm tới lợi ích công, mà chỉ quan tâm tới lợi ích riêng. Do đó những nhà hoạch định chính sách cần quan tâm loại trừ vấn đề đó. Đó là những với đề ta có thể làm được.
Nguyễn Quang Vinh
31/01/2009 12:09 (GMT+7)
Ông Vương Trí Nhàn đúng là người đã có sự nghiên cứu rất sâu xắc về đặc điểm, tính cách dân tộc Việt với phát triển kinh tế.

Tôi rất yêu bản sắc Việt Nam trong lịch sử dựng và giữ nước , nhưng hình như không thấy có những công trình để đời trong kinh tế và văn hoá: ''văn hoá mượn'' hơi nhiều, lại lủng củng về điển tích, xuất xứ... Cho đến nay cũng chưa nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu hướng ngoại cho có bài có bản khi Việt Nam đã hội nhập với thế giới, nên trong các cuộc chơi ta thường thua thiệt.

Vào WTO, Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng có lẽ hạ tầng cơ sở cho cuộc chơi còn yếu kém lắm. Phải biết sửa mình, chúng ta mới có cơ hội nâng tầm Việt Nam.
Lê Kiên
30/01/2009 18:33 (GMT+7)
Tác giả bài viết đã nghiên cứu khá rõ nét về nhiều tồn tại, yếu kém trong sự thích nghi với hội nhập của nước ta. Tôi cũng đồng quan điểm đó và mạn phép bổ sung khái quát thêm phần trả lời cho sự thích nghi và phát triển kinh tế nước nhà.

Chúng ta còn lâu nữa mới có thể dẫn đầu trong việc sáng tạo ra cách thức làm thay đổi thế giới nhưng chúng ta có đủ năng lực và tố chất để có thể đi theo và tiếp cận với thế giới bằng cách riêng của mình. Không riêng tôi mà nhiều học giả và nhà nghiên cứu cũng chưa đưa ra một công thức ra chuẩn cho sự thích nghi để hội nhập, nhưng tôi tin vào những doanh nhân tâm huyết phục hưng kinh tế nước nhà. Bởi họ chính là những thuyền trưởng lái những con tầu ra biển lớn. Cũng bởi những doanh nhân là người trực tiếp đối diện với những khó khăn để rồi họ sẽ phải tìm ra con đường cho chính mình. Hãy cho họ một động lực và một cơ chế tốt họ sẽ tìm ra hướng đi và hoàn thành sứ mệnh của mình.

Còn quá sớm để đánh giá kết quả của sự thích nghi so với lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nên chúng ta cũng đừng tự trách mình mà hãy lạc quan nhìn về phía trước và thay đổi nhân sinh quan trước các vấn đề thích nghi trong thế giới buộc phải hội nhập này.
Thành Đông
30/01/2009 16:16 (GMT+7)
Tác giả có cái nhìn rất sâu sắc đối với xã hội Việt Nam hiện tại. Để hình thành nên một xã hội như hiện nay, thực ra ( đúng như tác giả nói ) không phải là việc của 30 năm sau chiến tranh, hay 50 từ khi nhà nước được thành lập mà thực ra nó được định hình từ hàng trăm năm về trước rồi.

Bản thân tôi khi đọc bài viết thấy hay, nhất là khi tác giả phân tích sự ảnh hưởng của yếu tố văn hoá đến đời sống, cách sống, cách làm kinh tế của người Việt Nam. Thực ra những gì tác giả đã nêu ra đây không phải nhiều người trong chúng ta không thấy được, mà cái khó ở đây là hệ thống được nó lại và đưa ra bàn luận một cách mạch lạc, rõ ràng.

Tôi cũng rất đồng tình với tác giả ở phần nói về sự hội nhập. Trong thời đại hội nhập, phải "chơi" theo luật của thế giới thì dường như chúng ta vẫn còn rất mới mẻ trong cuộc chơi này. Ai biết luật chơi và có động lực thì người đó sẽ thắng.

Dung
30/01/2009 15:04 (GMT+7)
Mạnh dạn dám nhìn thẳng vào sự thật, mặc dù đôi khi "sự thật hơi phũ phàng", tôi cho rằng đây cũng là quan điểm nhân sinh quan rất cần các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách quan tâm.
Phan Mạnh Cường
30/01/2009 10:01 (GMT+7)
Về cơ bản bài viết đánh giá thực trạng nghiêm túc và có tính xây dựng cao, nhưng vẫn còn một vài vấn đề chúng ta cần mổ xẻ cho thấu đáo.

Theo quan điểm cá nhân của tôi cách đặt vấn đề sau có phần nào hơi chủ quan: "Đợt hội nhập vừa rồi là có vẻ như ta buộc phải bung ra, mở cửa, chứ thật ra chưa chín ở bên trong. Vừa không có thói quen, vừa không chuẩn bị thích đáng, cuối cùng ta "nhảy đại" cho xong. Chính cái đó sinh ra nhiều tệ nạn: tâm lí đánh quả, định đi tắt đón đầu, "lừa", lách luật..."

Với tôi, WTO là cơ hội lớn cho dân tộc cho bước chuyển tiếp ngoạn mục và mục tiêu hoá những phần còn thiếu sót trong nền kinh tế của chúng ta.

Nếu nói chúng ta chuẩn bị chưa chín là... "nhảy đại" cho xong là không khách quan và hơi có phần áp đặt khiên cưỡng khi sự việc đã rồi.
Tùng
29/01/2009 19:54 (GMT+7)
Nhà văn hoá Vương Trí Nhàn nói thật đúng. Tôi tự hào với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta nhưng khi sang thời bình thì tôi thấy không nhiều những thành tựu để chúng ta đáng tự hào cho lắm.

Những sản phẩm từ dầu gội đầu, kem đánh răng, bánh kẹo... cho đến ôtô, xe máy của ta nếu đem so sánh với Thái Lan, Malaysia, Singapo đều không bằng, chứ chưa cần thiết phải so sánh Mỹ, Nhật Bản. Ngay cả gạo là mặt mạnh của nước ta nếu so sánh về chất lượng cũng kém hon so với gạo Thái Lan.
Thời Đại
29/01/2009 16:13 (GMT+7)
Tác giả có một tầm nhìn tổng quát nên nói lên được bản chất của Việt Nam với thế giới. Việt Nam sẽ khác đi và là một phần thế giới nếu chúng ta có nhiều người biết nghĩ và biết lo cho số phận dân tộc mình.

"Là một nước nông nghiệp nhưng cho tới lúc này, Việt Nam hầu như không có sách nào tổng kết kinh nghiệm trồng lúa, còn nói chi tới các nghề khác". Một nhận xét rất hay và đánh động lương tâm của những con người có lương tri.

29/01/2009 TuanVietNam
SỐ TRUY CẬP