“Văn minh Việt Nam” đáng được phổ biến rộng rãi

Nhân ra mắt công trình Văn minh Việt Nam của cố GS. TS Nguyễn Văn Huyên (NXB Hội Nhà văn), nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn - người biên soạn sách, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên.

+ Lâu nay những công trình nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam vẫn xuất bản đều đặn. Nay Văn minh Việt Nam lại được ông đề nghị in thành một chuyên luận riêng (tách ra từ công trình Nguyễn Văn Huyên toàn tập - đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh), ông có sợ rơi vào tinh trạng "bão hòa"?

- Theo sự tìm hiểu của tôi, lâu nay Văn minh Việt Nam có phần thiệt thòi: nó không được biết tới rộng rãi, ngay cả trong giới chuyên môn. Chẳng hạn, nó không có mặt trong danh mục dài gồm 420 tên, thống kê các bài báo và cuốn sách có liên quan tới văn hóa Việt Nam trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm (tôi đang có trong tay bản in 1996).
Một số người khác (nếu tôi không lầm có cả cố GS. Trần Quốc Vượng) dù đã nhắc nhiều về Nguyễn Văn Huyên, lại không mấy khi đề cập công trình này của ông.
Có thể cắt nghĩa tình trạng trên như sau: nguyên tác được viết bằng tiếng Pháp và chỉ gần đây mới được dịch ra tiếng Việt. Mà bản dịch lại nằm trong bộ toàn tập gần 2.000 trang khổ to, in lần đầu vào năm 1995, được phát hành theo lối bao cấp, thành ra "người cần thì không có sách và người có sách lại không đọc".
Theo tôi, cuốn sách rất đáng được phổ biến rộng rãi. Không thể so sánh nhiều cuốn sách tầm thường hiện nay với nó được! Chính vì e sợ số người đã trực tiếp đọc nó không bao nhiêu nên tôi mới đề nghị in thành cuốn riêng.

+ Không thể phủ định giá trị của công trình, song dẫu sao, cho đến thời điểm này (chứ không phải thời điểm hoàn thành - năm 1939), tác phẩm đã không còn gây "sốc"...

- Ta hãy thử làm một đối chiếu nho nhỏ. Nếu chỉ tính sách vở của người Việt nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt, tôi thấy hai cuốn Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính) và Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh) nổi hơn cả. Tuy nhiên Văn minh Việt Nam có những điểm mới mà hai cuốn trước không có.
Ngoài ra, bao trùm ở đây là tinh thần phê phán được vận dụng một cách đúng mức khiến cho giá trị khoa học được nâng lên một bước.
Tính đến thời điểm công trình ra đời, Nguyễn Văn Huyên đã miêu tả rất đúng những khía cạnh khác nhau của văn hóa, văn minh Việt, và gợi ra được nhiều khái quát đúng đắn. Đến lượt mình, các nhà khoa học hôm nay sẽ phải đảm nhận việc miêu tả những biến chuyển xảy ra từ bấy đến nay.

+ Có ý kiến cho rằng bên cạnh Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), chuyên luận Văn minh Việt Nam là một cuốn giáo khoa mẫu mực?

- Đúng vậy. Trong cuốn Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh có kể rằng ông viết Việt Nam văn hóa sử cương là do nhu cầu dạy môn văn hóa Việt Nam ở cấp cao đẳng.
Còn theo tài liệu của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh thì Văn minh Việt Nam được biên soạn trong thời gian Nguyễn Văn Huyên tham gia giảng dạy.
Nhân nhắc lại chuyện này, tôi chợt nhớ ai đó đã từng đề nghị tất cả học sinh, sinh viên cấp trung học, đại học phải được học chương trình văn hóa Việt Nam (chứ không phải chỉ sinh viên chuyên ngành). Đề nghị đó rất nghiêm túc, chỉ có điều, khoa nghiên cứu văn hóa dân tộc ở ta quá yếu, bây giờ có muốn dạy cũng không lấy đâu ra thầy đủ khả năng và giáo trình tốt.
Lâu nay chúng ta đã đi lệch, tức xem phần chủ yếu của văn hóa quy gọn cả vào văn học và khi nghiên cứu văn học thì lại mải đi vào bình văn, bình thơ, tầm chương trích cú, mà không chú trọng tới cái hồn của văn hóa nằm trong đó.

+ Văn minh Việt Nam khái quát sự phát triển của đời sống vật chất, tinh thần, đặc điểm nhân chủng, tâm lý, cá tính người Việt... Tuy nhiên, hình như sau Nguyễn Văn Huyên vẫn chưa có quyển sách nào nghiên cứu kỹ và có hệ thống hơn về lịch sử văn hóa Việt Nam mà bổ sung cho quyển này. Thậm chí nhiều người còn nói hơi "ngoa" rằng, giới nghiên cứu bây giờ chỉ "nhai lại" những gì mà người đầu thế kỷ XX đã viết...

- Đáng tiếc rằng đó là sự thật mà những ai có tìm hiểu văn hóa Việt Nam đều công nhận, tuy không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng nói thẳng tuột ra như vậy.

+ Đối tượng nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên rất rộng rãi, từ nhà sàn Đông Nam Á đến một khu phố Hà Nội, từ hát đối nam nữ đến Nội đạo tràng, từ các làng xã và nông dân đồng bằng Bắc bộ đến nơi cư trú của người Dao... Ông có định xuất bản tiếp những công trình này?

Vâng, tôi mong lắm vì mỗi lần bắt tay vào biên tập những cuốn sách đó là một dịp được học hỏi thêm. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa nói chung vốn là "bệnh" của nhiều người làm công tác nghiên cứu phê bình văn học, trong đó có tôi.

Theo Thể thao và Văn hóaChủ nhật, 23 Tháng mười 2005

Tính tự phán của người mình

Gần đây, chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Trung Hoa trên trường quốc tế, lại thấy dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương.
Dường như có sự liên tưởng giữa sự dũng cảm nhận ra những yếu kém sẽ mang lại sức vươn lên mạnh mẽ cho một dân tộc. Trước cuốn sách của Trung Hoa, thì nước Pháp, nước Mỹ, nước Nhật Bản đều từng có những cuốn sách tương tự, nhận mình là xấu xí... Còn người Việt, một “Người Việt xấu xí”- tại sao chúng ta không bàn đến? Chúng tôi mời nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà phê bình Vương Trí Nhàn và tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cùng bàn về vấn đề này.

. Phóng viên: Vì sao chúng ta đã có một “Người Việt cao quý” mà mãi gần đây mới đề cập đến khía cạnh ngược lại?

- Ông Dương Trung Quốc: Một công bố gần đây của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn lục tìm trong sách báo cũ cho thấy, người Việt Nam ta đâu phải không biết tự phán. Ngay trong thời cận đại cũng từng có hai nhà chính trị, cũng đáng là hai nhân vật lịch sử quan trọng đã tự tay viết sách tự phê bình đường lối chính trị của mình. Tác giả Tự phán là nhà ái quốc nổi tiếng Phan Bội Châu, còn Tự chỉ trích là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Nguyễn Văn Cừ...
Nhưng tự phán và tự trào tính cách của dân tộc thì phải nói đến một nhân vật nổi danh trên trường văn học và báo chí là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) ở đầu thế kỷ 20 mà năm nay chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông. Như vậy là việc dám nhìn vào gương để tự soi mình, vạch ra những thói hư tật xấu để phê phán và khắc phục đâu phải là chưa từng có ở ta. Tự phê phán đã từng được coi là một vũ khí để tu thân... Vấn đề hình như ở chỗ khác!
Biết nhận thức cái xấu, biết tự phê phán là thái độ khôn ngoan

Nhà sử học Dương Trung Quốc

. Khác ở chỗ nào, thưa nhà sử học Dương Trung Quốc?

- Tôi nhớ đến một cách quảng cáo của một bà chủ cửa hàng tiên phong trong việc mở mỹ viện tại Hà Nội: “Không có người đàn bà xấu, chỉ có người đàn bà chưa biết cách làm đẹp”. Một con người đã vậy, với một dân tộc có vậy không?
Khi nói về biểu tượng “con cá gỗ” gắn với một xứ sở nổi tiếng nghèo nhưng cũng nổi tiếng có học ở miền Trung, cái biểu tượng ấy có thể gắn với tính bủn xỉn, keo kiệt ở người này nhưng lại là tính hiếu học, ý chí phấn đấu vượt khó ở người khác...
Vì vậy khi nói về một sự khác biệt trong tính cách của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, ta có thể nói về một số tính trội hay những tiềm năng mang các khuynh hướng khác nhau chứ không nên hiểu như những hằng số phản ánh một tính cách tuyệt đối, bất di bất dịch.
Trong sách du ký Hành trình Xứ Đàng Trong năm 1621 của cố đạo Alexandre de Rhodes có thuật lại trải nghiệm của một thương nhân Bồ Đào Nha. Ông ta đến Đàng Trong (vùng Hội An) và được nhiều người nước ngoài khác cảnh báo về một thói xấu của người bản địa là hay xin xỏ. Rằng người Đàng Trong rất chuộng của lạ, thấy ai có cái gì cũng ngỏ lời “Xin một cái”, do vậy ai có gì thì chớ để lộ ra kẻo họ lại xin. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Nhưng một lần, ông thương gia này quyết định thử xem có đúng hoàn toàn như vậy không, bèn đến một gia đình thuyền chài nghèo và để tay lên cái rổ đầy cá rồi nói bằng tiếng bản địa “Xin một cái!”. Điều bất ngờ là người thuyền chài chẳng nói chẳng rằng đưa luôn cả cái rổ cá cho người ngỏ lời xin mặc dùcó thể đó là cả bữa ăn của gia đình mình. Thế là ông thương gia người Bồ lại phát hiện một tính cách đối lập với những thiên kiến về người Đàng Trong...

. Còn hiện nay thì sao?

- Ông Vương Trí Nhàn: Về chuyện ngại ngùng thì không phải nói nhiều. Sự thực là khi bắt tay vào công việc tìm hiểu người Việt xấu xí, bọn tôi nhìn chung quanh đã thấy nản lòng. Có người bảo thiếu gì việc cần làm sao lại đi vào bới lông tìm vết thế này. Có cả những người rất tốt cũng nói rằng không nên làm. Nói chung mọi người nhìn mình hình như không được thiện cảm lắm. Đôi lúc chúng tôi cảm thấy hình như mình có lỗi.
Tuy nhiên, gần đây tình hình có khá hơn, dân tình thông cảm hơn và đề tài càng ngày càng được mọi người cho là cần thiết. Tôi nghĩ đây là mình làm một việc không người này làm thì người khác phải làm.

Tại sao lại nảy sinh cái tâm lý ngại ngùng này và nó bắt rễ sâu vào lòng người như vậy?

Thời đại ngày nay không thể tính khôn vặt như trước được nữa. Làm ăn muốn lâu dài phải sòng phẳng

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn
-
Ông Vương Trí Nhàn: Có thể có nhiều lý do. Trước tiên phải thông cảm với nhau, đây kể ra cũng là một nét tâm lý thông thường của con người. Nhà văn Triệu Bôn có lần kể với tôi: Nguyễn Minh Châu viết một truyện hơi yếu, Triệu Bôn viết bài chê và nhận ra ngay là ông Châu giận, không muốn nhìn mặt người phê mình nữa. Tới buổi hai người gặp nhau trong nhà tắm (trước năm 1975, tòa soạn Văn Nghệ Quân Đội chỉ có một căn phòng tắm chung, đặt bên cạnh cái bể to). Triệu Bôn bảo: “Chẳng nhẽ tôi nói thế không đúng sao?”. Nguyễn Minh Châu mới thủng thẳng trả lời: “Đúng, nhưng người bị đòn đau bỏ mẹ, ai mà chịu nổi!”.
Đấy, với một cá nhân là thế, với cả xã hội lại càng như thế. Tản Đà từng đúc kết: “Dân hăm lăm triệu ai người lớn – Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.

- Ông Dương Trung Quốc: Từ những câu chuyện về bà chủ thẩm mỹ viện và thương nhân Bồ Đào Nha, suy cho rộng ra thì phải trở về cái nguyên lý “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Những cái xấu,những cái đi ngược lại với thiện tính của con người không thuộc về tính cách của một dân tộc mà chủ yếu chỉ là biểu hiện của những con người trong những hoàn cảnh cụ thể đã để mất cái thiện căn của mình. Biết nhận thức cái xấu, biết tự phê phán là thái độ khôn ngoan không chỉ với một cá nhân, một cộng đồng hay một dân tộc. Và đó cũng là ý niệm cốt lõi của hai chữ “giáo dục” như bài thơ Nửa đêm (Dạ bán) của Cụ Hồ:
“Ngủ thời ai cũng hiền lương
Tỉnh ra mới rạch hai phương dữ lành
Dữ lành bá tánh trời sanh
Thường do giáo dục mà thành thói quen”
(Bản dịch của Quách Tấn)

. Đâu là thói xấu đáng sợ nhất?

Ông Vương Trí Nhàn: Xét trong lịch sử, sự ngần ngại nói trên là một tâm lý hình thành từ lâu. Dân gian ai cũng thuộc cái câu: Tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại. Trong thâm tâm ta thừa biết mình không thiếu gì thói xấu. Song ta nhát, không muốn nhìn thẳng vào bản thân. Cái gì bê bối chỉ tính chuyện giấu nhẹm chứ không muốn giải quyết. Bởi bận bịu, mệt mỏi. Bởi quen dễ dãi với mình, không có nhu cầu hướng thượng, không cần đạt tới trình độ hoàn hảo. Sau hết bởi cảm thấy hình như không bao giờ giải quyết nổi. Tức là có phần tự ti nằm rất sâu trong ta mà ta không biết. Tự ti trong lòng, tự tôn ngoài miệng, cả hai đều thâm căn cố đế!

- Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Có ai đó trong số những người ngoại quốc đã từng nhận xét: “Một người Việt thì hơn một người Nhật. Hai người Việt thì khó lòng hơn hai người Nhật. Ba người Việt thì chắc chắn thua ba người Nhật”. Đây có lẽ là một lời khen để chê cho dễ. Bởi vì rằng có bao giờ người Việt chúng ta sống riêng rẽ từng người một như Rôbinxơn Cruzô trên hoang đảo đâu. Hơn thế nữa, chúng ta lại rất chuộng tinh thần tập thể. Mà tập thể thì ba người chỉ là con số tối thiểu. Và nghĩa là, chúng ta chẳng có mấy cơ hội để cạnh tranh với người Nhật cả.
Việc một người Việt có hơn một người Nhật hay không là chuyện còn phải bàn. Thế nhưng, việc “tam nhân bất đồng hành” giữa ba người Việt thì không khéo là chuyện có thật. Điều này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những đặc tính nằm trong “gien” di truyền văn hóa của người Việt chúng ta.

Tuy nhiên, “tự ti trong lòng, tự tôn ngoài miệng” cũng đã từng phát huy tác dụng trong quá khứ?

- Ông Vương Trí Nhàn: Vả chăng, đối với một dân tộc, khả năng biết nói về mình một cách chính xác phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiếp xúc với nước ngoài. Mà ở ta thì lịch sử đối ngoại quá nặng nề. Sống với những người hàng xóm mạnh, việc giữ nước đặt ra cái nhu cầu tâm lý phải khẳng định mình, phải khẳng định cái sự có quyền tồn tại của mình. Nói quá nhiều đến cái dở của mình có khi không còn sức mà đánh giặc.
Ngay cả sau chiến tranh, bước vào làm ăn kinh tế và thực thà muốn làm bạn với mọi nước trên thế giới, như những ngày này, thì cũng không dễ để sòng phẳng ngay được. Ta ở vào thế xuất phát quá kém. Thậm chí có người nghĩ mình không bao giờ đuổi kịp người. Vậy phải động viên nhau, nhấn mạnh cái phần thuận lợi vốn có cùng nhau. Sự lảng tránh khuyết tật giống như một nhu cầu tự vệ.
Chúng ta đã từng hợp tác được với nhau rất chặt chẽ trong chiến tranh... Sự hợp tác như vậy chưa chuyển giao được cho sự nghiệp xây dựng hòa bình

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng

- Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết, đó là cái tâm lý “Trúc xinh trúc mọc đầu đình. Em xinh em đứng một mình cũng xinh”. Kiểu gì thì kiểu, cứ đứng một mình mới xinh. Như những cây “trúc” riêng rẽ, người Việt chúng ta thật sự có những phẩm chất trí tuệ khá cao siêu. Cứ nhìn vào những giải thưởng quốc tế mà người Việt giành được trong các kỳ thi olympic quốc tế về toán, lý, hóa... thì chúng ta sẽ rõ. Thế nhưng cứ gom những cây “trúc xinh” này lại với nhau thì chúng ta sẽ có cả một khóm trúc mịt mùng, rối rắm: Mọi lý lẽ,mọi cố gắng đều bị vô hiệu hóa trong sự bùng nhùng của các mối quan hệ.
Cha ông ta đã từng dạy “Xấu đều hơn tốt lỏi”. Khổ nỗi không hợp tác được với nhau thì “xấu” cũng rất khó mà đều. Thực ra, nói người Việt chúng ta không hợp tác được với nhau là chưa thật hoàn toàn chính xác. Chúng ta đã từng hợp tác được với nhau rất chặt chẽ trong chiến tranh. Càng bom rơi, đạn nổ, người Việt càng cố kết chặt chẽ với nhau hơn. Rất tiếc, sự hợp tác như vậy chưa chuyển giao được cho sự nghiệp xây dựng hòa bình.
. Thói xấu đáng sợ nhất vẫn là sợ không dám nhìn thẳng vào những thói xấu có thực của mình. Nó là thói xấu mẹ có khả năng đẻ và nuôi dưỡng mọi thói xấu kinh khủng khác?

Ông Vương Trí Nhàn: Người Trung Quốc xấu xí được nói nhiều nơi chứ không chỉ trong sách Bá Dương. Có lần qua tiếng Nga tôi thấy nói một nhà xuất bản ở London có chủ trương cả một xê-ri sách người mỗi dân tộc tự viết về thói xấu của mình, riêng hai bản tiếng Anh và tiếng Nga cuốn Những người Nga kỳ cục cùng lúc được phát hành ở London và Moskva. Sách người Anh người Mỹ tự nói về tật xấu của mình càng nhiều. Vậy thì tại sao ta không tìm để dịch?
Nghĩ kỹ thì thấy chính nhu cầu chung sống với mọi người, bạn bè với mọi dân tộc trên thế giới lại đang đòi hỏi chúng ta tỉnh táo nhìn lại mình. Xưa các cụ có thể theo chính sách “nội đế ngoại vương”, đưa vua giả đi triều cống. Thời đại hiện nay không thể tính chuyện khôn vặt như trước được nữa. Làm ăn muốn lâu dài phải sòng phẳng. Ngay đối với quá khứ cũng phải sòng phẳng. Do kém nên phải học, không có gì là ngượng nếu ham học hỏi. Chỉ không chịu học không biết học và chưa học đã lên mặt thành thạo mới đáng xấu hổ.

- Ông Dương Trung Quốc: Khi còn bỉnh bút cho tờ báo quốc ngữ ra đời sớm nhất ở Bắc Kỳ Đăng cổ tùng báo, Nguyễn Văn Vĩnh dưới bút danh giả nữ là Đào Thị Loan, ông đã viết những bài phê phán về tục đốt vàng mã, thói hư danh, nạn cờ bạc... Đến khi trở thành chủ bút tờ Đông Dương Tạp chí trong 2 năm 1913 và 1914, ông mở một chuyên mục lấy tên là “Xét tật mình” lấy cảm hứng từ một câu của văn hào Pháp Emile Zola: “Nói hết, để biết hết, để chữa hết” (Tout dire pour tout connaitre, pour tout guérir) và giải thích thêm rằng: “Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu giếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện”.

Thái An thực hiện
Việt Báo (Theo_NLĐ)
Thứ bảy, 31 Tháng mười hai 2005

Cuộc chia tay còn dang dở

Bây giờ, hội thảo nhiều lắm và tường thuật về hội thảo cũng nhiều, những bài tường thuật chung chung nhạt nhẽo khiến người đọc chúng tôi liếc qua là bỏ sang mục khác. Nhưng tôi đã phải dừng lại khá lâu trước bài “ Bao giờ Hà Nội “xuất khẩu”... thanh lịch "

Giã từ ảo tưởng


Người ta thường nói trong một lá thư thì mấy câu tái bút được đọc kỹ nhất. Với các bài báo cũng vậy, một thói quen phổ biến của nhiều người khi đọc báo là bập ngay vào cái đoạn đóng khung đặt ở giữa bài hoặc cuối bài.
Như trong trường hợp bài tường thuật nói trên của N.M.Hà: Chỉ liếc qua đoạn trích lấy ra từ tổng thuật hội thảo, chúng tôi đã gặp một cái gì khác thường. Một thói quen đã ăn vào máu chúng ta là viết cái gì cũng rào đón, che chắn, tự làm nhòe ý kiến của mình đi bằng cách pha phách một tí “ưu” một tí “khuyết” (rồi “ưu” tất nhiên phải nhiều hơn “khuyết”), rút cục chả nói được điều gì rõ rệt.
Đằng này đoạn đóng khung ở đây dành hẳn để nói về khuyết tật của đối tượng được mang ra bàn bạc là người Hà Nội.Và sau này đọc ngược lên cả bài, chúng tôi cũng bắt gặp tinh thần ấy. Nghĩ cho kỹ lại còn có thể nói những khuyết tật được liệt kê ra ở đây toàn thuộc loại “chết người” nữa.
Chẳng hạn hai người tham gia hội thảo nêu rõ rằng phố xá Hà Nội ngày xưa so với ngày nay sạch sẽ yên tĩnh hơn nhiều, người Hà Nội ngày trước hồn hậu hơn người Hà Nội hiện nay mà cách đối xử với người nước ngoài cũng thân thiện hơn.
Chúng tôi đọc được trong các so sánh loại này một cái ý ngầm mọi người muốn nói mà không tiện nói ra: Trong thời gian, Hà Nội quả là đang chịu một bước lùi rõ rệt, mà cái điều gọi bằng lùi, dở đi kém đi đây là ở cái tinh thần căn bản của đời sống chứ không phải ở những biểu hiện bề ngoài dễ xuê xoa và đánh trống lảng.
Có thể có người phản bác: Bài viết của N.M.Hà không phản ánh đúng những điều mọi người nói ra trong hội nghị. Nghĩa là những lời lẽ thuộc loại khen lấy lệ, vuốt ve, khoe tài khoe giỏi… sẽ nhiều hơn những nhận xét nói trên.
Nhưng trong ngôn từ luôn luôn người ta có thể đọc ra đâu là những lời nói suông, nói cho phải phép và những lời tâm huyết xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cùng khả năng suy nghĩ một cách sâu sắc. Chính vì như vậy mà có thể coi bài của N.M.Hà như một tấm ảnh bắt trúng được cái phần xuất thần của cuộc hội thảo.
Bởi lẽ những nhân vật phát biểu ở đây đều là tai mắt của giới văn hoá Thủ đô, chúng tôi muốn gọi đây là một bước tiến trong tự nhận thức của người Hà Nội. Một thời gian dài, chúng ta sống trong ảo tưởng về mình.
Nay Hà Nội đã thức tỉnh. Lòng yêu mến tự trọng biến thành cái nhìn sáng suốt, dám nhìn thẳng vào mình, dám nói rõ những yếu kém khuyết tật của mình. Đấy chính là bước đầu để nâng mình lên cho đúng với tầm vóc Hà Nội - nó là cái cách mà do nhiều người thích nói, nên đã có phần sáo mòn, song không phải là không có lý.

Cuộc chia tay còn dang dở


Nhà phê bình Vương Trí Nhàn
“Quả là một sự khó khăn trong quan hệ giữa người với người ở Hà Nội”, đó là nhận xét của một người Nhật sống ở Hà Nội hai năm liền và được N.M. Hà dùng làm câu kết cho bài viết của mình. Tôi cho rằng đây mới là đầu mối chính mà những ai quan tâm tới Hà Nội hôm nay muốn bàn bạc. Theo ý nghĩa đó, cuộc hội thảo phải đi vào xem xét mọi mặt văn hóa sống của người Hà Nội hôm nay.
Nhưng chúng ta lại mới có một cuộc hội thảo mang tên “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” mà chữ thanh lịch quan trọng hơn thì lấy ra từ câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Chỉ qua mười bốn chữ được dùng ở đây, đã có thể đọc ra khá nhiều điều “tế nhị”:
1/ Trước tiên lối gọi mình là Tràng An đã ghi nhận một mặc cảm không hay của Hà Nội và tôi rất đồng tình với một ý kiến được nêu trong hội thảo là không nên dùng câu đó nữa. Đây là điều nhiều người như chúng tôi muốn nói mà chưa có dịp nói.
2/ Nói Chẳng thơm cũng thể hoa nhài là một lối cãi lấy được. Bông hoa cần thơm mà chẳng thơm thì còn có nghĩa lý gì nữa? Chẳng qua đây chỉ là một cách người ta vẫn gọi là tự tin không có cơ sở, hoặc bám lấy cái danh hão. Cũng tương tự như vậy khi đã đánh mất sự thanh lịch cần thiết mà còn lấy cái mác người thủ đô ra dọa thiên hạ thì thật vô lối. Tôi ngờ rằng chính đây là khẩu khí của nhóm dân mới nhập cư về Thủ đô ít ngày dọa đồng hương ở nhà quê, chứ người Hà Nội chân chính không có lối khoe trắng trợn như thế.
3/ Nói tới niềm tự hào làm người mà chỉ nói tới sự thanh lịch là còn quá đơn giản nếu không muốn nói là sai lệch phiến diện. Một bát canh mà chỉ có mùi thơm và cái vẻ màu mỡ có thể làm cho người ta vui mắt, chứ thật ra chẳng quý báu gì.
Bởi nó thiếu cái chất bổ dưỡng cần thiết. Cũng tương tự như vậy, khi nhấn mạnh cái sự thanh cao lịch thiệp như một phong cách, người xưa đã có phần lấy phụ bỏ chính, quá xem trọng bề ngoài mà quên thực chất (trong giới nghiên cứu văn học người ta gọi một nhà văn như thế là không có tư tưởng mà chỉ có phong cách; còn dân gian thì nói toẹt ra rằng “Tinh chẳng có lại có tướng”).
Trở lại với cuộc hội thảo:
- Đến bây giờ mà hai chữ thanh lịch vẫn được nêu lên như một tiêu đề không gì thay thế được.
- Chẳng những thế lại có những người cố gò hai chữ thanh lịch vào cái nhiệm vụ trọng đại là mang đến giàu có, từ đó mang ra xuất khẩu trên thị trường quốc tế, trong nguyên văn bài báo N.M. Hà dẫn là “phải thanh lịch hoá ít nhất ở Đông nam Á” (nếu tôi không nhầm thì ở đây nghe phảng phất cái mùi vị “về văn hoá chúng ta bao giờ cũng là nước dẫn đầu trong khu vực” đã quá lỗi thời).
Chính đó là lý do khiến chúng tôi muốn mạnh bạo mà nói rằng cuộc chia tay với ảo tưởng của chúng ta mới là cuộc chia tay dang dở và còn phải làm rất nhiều để người Hà Nội có sự tự nhận thức tức có sự đánh giá đúng về mình, từ đó hình dung ra con người mà mình phải trở thành.
Để kết luận, tôi muốn đề nghị cuộc trao đổi về đời sống văn hóa của người Hà Nội tiếp tục được diễn ra trên mặt báo. Trong trường hợp đó, những ý kiến được nêu ra từ cuộc hội thảo cũng như trong bài viết này chỉ được xem như một ít gợi ý sơ bộ, và chúng tôi sẽ rất sung sướng nếu được chứng minh một cách thuyết phục là mình đã nghĩ sai.
Dẫu sao cũng cám ơn rất nhiều những người tham gia hội thảo và người viết tường thuật!

Thứ năm, 20 Tháng mười 2005
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

"Có bị dồn vào chân tường, chúng ta mới khá lên dược!"

Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bản quyền xuất bản:

Ông Vương Trí Nhàn
"Nhiều người chúng ta có thói quen có bị dồn vào chân tường mới chịu làm, nhưng rồi nhờ thế mà khá lên được. Tôi thấy lần này cũng vậy". Nhà nghiên cứu phê bình văn học Vương Trí Nhàn trao đổi nhân việc VN gia nhập Công ước Berne về xuất bản.

+ Giới xuất bản đang xôn xao về chuyện VN gia nhập Công ước Berne vì tình hình làm ăn rồi sẽ gặp nhiều khó khăn: mảng sách dịch sẽ co lại, nghề xuất bản không chừng sẽ đình đốn và độc giả sẽ không thể có những tác phẩm hay để đọc, v.v... Ông có thể giải thích cho bạn đọc biết vài nét về

Công ước Berne?
- Để hiểu văn bản này, có lẽ báo chí nên gõ cửa các cơ quan hữu trách. Tôi chỉ biết một điều cơ bản của Công ước Berne là nước nọ in sách của nước kia cũng phải xin phép cẩn thận, rồi trả tiền đầy đủ như luật pháp người ta quy định.

+ Chúng ta làm xuất bản theo kiểu vừa qua cốt là để có sách nhanh sách rẻ phục vụ bạn đọc, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với những thành quả mới của thế giới.

- Vâng, đấy là lý do thường mang ra để biện hộ. Song không thể có cái việc làm một nghề mà bất cần biết nghề đó trên thế giới ra sao và do đó trước sau mình cũng phải tôn trọng những luật lệ.
Đây cũng là một ví dụ cho thấy nhiều hoạt động của chúng ta còn mang tính tự phát, chưa tự giác biến thành một hoạt động văn hóa, tạo nên cái văn hóa ngành, ở đây là văn hóa xuất bản.
Nghề xuất bản ở ta hiện nay mang trong mình nó cả một ổ bệnh: làm ăn theo lối chụp giật, gặp đâu hay đấy, manh mún lặt vặt, mua tranh bán cướp, nhất là thích làm nhanh làm ẩu. Trong số những lý do khiến cho dân ta bây giờ lười đọc sách, có lỗi ở chúng tôi một phần. Chúng tôi đang làm cho sách mất đi tính thiêng liêng mà nó vốn có.

+ Ông có tin rằng nhiều người trong giới và cả bạn đọc cũng nghĩ như ông hay người ta nghĩ ngược lại?

- Tôi lấy một thí dụ: Hai NXB Trẻ, Kim Đồng đã rất khôn ngoan khi sớm ký thỏa thuận về mặt bản quyền đối với hai cuốn truyện tranh Doremon và Harry Potter. Giả thử ban đầu mà thiếu làm ăn đàng hoàng như thế, chắc là không sớm thì chày sẽ xảy ra những tranh chấp, kiện cáo.
Việc tham gia Công ước Berne ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản nói chung chứ không phải chỉ có sách dịch.

+ Thế nhưng, ngay trong giới xuất bản của các ông, nhiều người cũng chưa sẵn sàng và sự thực là chưa biết làm thế nào?

- Một người bạn tôi vừa cảnh báo không chừng rồi đây ta chỉ có dịch và in lại những tác phẩm cổ điển, còn sách mới của thế giới thì thôi, tạm biệt. Và như vậy thì không còn sách hay để đọc. Có lúc tôi cũng thấy như anh ấy, nhưng rồi lại nghĩ: hãy thử nhìn một số cuốn gọi là tác phẩm có hạng của thiên hạ được ta dịch ra tiếng Việt gần đây, có phải là gần như toàn làm vội, chắc là cũng chỉ gây ra được sự hấp dẫn nhất thời, chứ không thể trường tồn cỡ như các bản dịch Những người khốn khổ, Chiến tranh và Hòa bình hồi trước.
Thành thử giữa một bên là mười bản dịch nham nhở, mỗi bản in ra cũng chỉ độ một ngàn cuốn, với một bản dịch thôi, nhưng là sách hay, lại dịch tốt dịch kỹ, với khối lượng in ra từ năm đến mười ngàn bản, tôi nghiêng hẳn về cách thứ hai. Lâu nay, có cảm tưởng chúng tôi chỉ được tiếp nhận những cái xác của nguyên bản. Thật không thể nghĩ là có thể lấy đó làm tự hào được.
Còn như những chuyện phải làm thì tôi tin rằng có nghiêm túc và quyết tâm, rồi sẽ học được hết. Để có những bản dịch tốt, phải có sự nghiên cứu văn học nước ngoài cẩn thận, để xem xem cái nào đáng dịch cái nào không. Bản thân người dịch phải làm kỹ trên từng trang bản thảo. Các biên tập viên phải làm việc kỹ hơn chứ không coi thường chính bản thảo có ghi tên mình như hiện nay.

+ một người 25 năm trong nghề, ông dự đoá Tức là theo ý ông nói, việc tham gia Công ước Berne sẽ góp phần vào việc đổi mới cách làm xuất bản. Với kinh nghiệm củan tình hình sẽ ra sao?

- Nhiều người chúng ta có thói quen có bị dồn vào chân tường mới chịu làm, nhưng rồi nhờ thế mà khá lên được. Tôi thấy lần này cũng vậy. Bên xuất khẩu thủy sản có cái lệ người nước ngoài người ta đến tận cơ sở sản xuất của mình theo dõi xem mình có làm đúng quy trình kỹ thuật không rồi mới nhận hàng.
Tôi dự đoán không chừng một lúc nào đó một NXB hay một tác giả nước ngoài sẽ làm cái việc tương tự là cho kiểm lại xem sách mình dịch có cẩn thận, có đúng không rồi mới cho phép phát hành sách dịch. Nhưng bạn đọc sẽ có lợi: Chúng ta sẽ có khả năng tiếp nhận những bản dịch có giá trị thực sự.

Theo Thể thao và Văn hóa - ND Thứ sáu, 13 Tháng tám 2004

Làm sao để hồi ký hấp dẫn?

So với sự bùng nổ trên thế giới, việc viết và đọc hồi ký ở ta phải nói là chưa thấm tháp gì. Tuy vậy, gần đây Việt Nam đã có biến chuyển trong thể tài này. Đã có một số hồi ký của các nhà văn được nhắc tới trong các cuộc bàn luận chung quanh đời sống văn học. Dưới đây là cuộc trao đổi bàn tròn giữa nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn với nhà văn Nguyễn Kiên, và nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh về các vấn đề liên quan tới sự phát triển của hồi ký hôm nay.

Vương Trí Nhàn: Mới đây tôi có liên hệ với một nhà văn trẻ, mời anh ấy tham gia cuộc trao đổi bàn tròn về hồi ký, nhưng anh ấy không nhận lời, lấy lý do là lâu nay mình không quan tâm tới thể tài này. Tôi không quá băn khoăn vì bị người bạn ấy từ chối, mà chỉ tự hỏi: Thái độ của người bạn ấy - nếu đúng như bạn ấy nói - có phải là thái độ chung của các bút trẻ hiện nay? Chẳng lẽ những người nắm giữ tương lai không quan tâm gì tới quá khứ? Trong bụng tôi không thật tin. Nói cách khác tôi cho rằng các hồi ký đang được viết có liên quan đến tất cả chúng ta, và với tư cách người đương thời, chúng ta nhất định phải quan tâm tới chúng. Anh, chị có lý lẽ gì thêm để biện hộ cho sự có mặt của hồi ký?

Nguyễn Kiên: Nếu tôi không lầm thì lớp người lớn tuổi như tôi nói chung thường đọc và thích hồi ký. Lui về thời xưa, thích Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, hoặc hơn chục năm trước đọc đi đọc lại Cát bụi chân ai của Tô Hoài, và gần đây hay bàn với nhau về hồi ký được viết dưới dạng tiểu thuyết của Nguyễn Khải... Mình cần biết cái cũ, như thỉnh thoảng cần nghĩ lại về cuộc đời của chính mình. Chi tiết trong hồi ký chính là sự thật lịch sử diễn ra trong đời sống hàng ngày. Vai trò của nó là bổ sung cho sử sách.

Đặng Thị Hạnh: Tôi không đọc được nhiều hồi ký của các tác giả trong nước nhưng trong những cuốn sách trong nước mà tôi coi là quan trọng nhất, thì đã có tới mấy cuốn hồi ký. Đó cũng chính là những quyển anh Kiên vừa kể.

Vương Trí Nhàn: Chắc hẳn anh, chị không đọc hồi ký để được thoả chí tò mò như cái cách một số người vẫn bảo, khi dúi cho nhau các cuốn sách ở thể tài này.
Đặng Thị Hạnh: Không. Những nét riêng tư hay bí mật mà một số độc giả thường chờ đợi ở các hồi ký với tôi không có ý nghĩa gì. Theo tôi hiểu, cùng lắm, điều đó chỉ khiến sách bán chạy lúc mới xuất bản.

Vương Trí Nhàn: Nhưng dẫu sao việc đi tìm tính chân thực của một tác phẩm văn chương (kể cả các hồi ký) vẫn là một thói quen khó bỏ. Nên hiểu thế nào về sự chân thực này ở hồi ký?

Nguyễn Kiên: Nhớ lại độ sinh hoạt ở Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp, tôi thường nghĩ ngay tới những phố tản cư, dựng lên tạm bợ mà vẫn có cái vẻ nhộn nhịp riêng, nó là dấu vết của thành thị giữa núi rừng. Giá như bây giờ được biết có ai đó, trong hồi ký của mình, phác họa lại những chi tiết sinh hoạt phố xá hồi đó, hẳn tôi sẽ tìm đọc bằng được. Một số hồi ký sở dĩ đọc chán ngắt vì đại khái toàn kể những chuyện người đọc đã biết rồi. Ngược lại những cuốn hồi ký mà tôi thích thường có cái sinh động của những chi tiết đời thường, kể cả những chi tiết mà bản thân tôi có biết nhưng lại chưa nhận ra hoặc chưa có dịp viết ra. Nếu không có cái vẻ sinh động của đời sống hàng ngày thì còn ai cần đến hồi ký nữa. Nhưng tôi cho rằng những cuốn hồi ký hay nhất phải là những cuốn ghi được những vận động trong tư tưởng. Loại này thì ở ta chưa có.

Đặng Thị Hạnh: Tôi hiểu tính chân thực trong tự thuật và hồi ký theo cái nghĩa miễn sao tác giả xây dựng được diện mạo người cùng thời, và qua chuyện của mình mà phác họa ra cả thời đại là tốt rồi.

Vương Trí Nhàn: Vậy cái gì tạo nên sự hấp dẫn của các hồi ký?

Nguyễn Kiên: Người viết phải có nhu cầu khám phá đời sống. Hồi ký là gì nếu không phải là để nói về thời cũ theo như cái biết của người viết. Trong khi kể chuyện, người viết đóng vai trò một nhân chứng. Sự trung thành với tài liệu ở thời điểm mà mình nhắc tới tự nó đã có sức mời gọi người đọc. Còn nếu như giờ đây mình nghĩ khác đi về chuyện xảy ra hồi trước thì lại càng thú vị. Ta có quyền viết ra cả hai, nhưng hai chuyện phải tách bạch cho rõ ràng.

Đặng Thị Hạnh: Đã từ lâu chúng ta có thói quen cho rằng chân lý là duy nhất, và chỉ có một số người (trong đó có ta) năm được chân lý đó. Một khi có được cách nghĩ ngược lại, thì hồi ức của con người như được giải phóng, tạo nên rất nhiều hào hứng.

(Theo TT & VH)
Việt Báo (Theo_VietNamNet) Thứ sáu, 04 Tháng bảy 2003

HỘI NHẬP VĂN HÓA, NHÌN TỪ GÓC ĐỘ LỊCH SỬ

(Trò chuyện với Giáo sư Hà Văn Tấn, nhà sử học, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam)


Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO và bước ra sân chơi lớn của thế giới, với một số người, hình như là quá mới mẻ, chưa hề có tiền lệ trong quá khứ.
Song quan sát sự hình thành và đặc điểm của bất cứ nền văn hóa nào, người ta đều thấy ở đó không chỉ có sự vận động nội tại mà còn có vai trò trọng đại của yếu tố hội nhập. Với văn hóa Việt Nam cũng vậy.
Trong sự định hướng cho công cuộc tiếp xúc làm ăn trước mắt với thế giới, rất cần trở lại với các bài học rút ra từ lịch sử tiếp xúc, giao lưu, cộng hưởng....của văn hóa ta với các nền văn hóa khác.
Xuất phát từ phương hướng suy nghĩ đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với giáo sư sử học Hà Văn Tấn. Bài phỏng vấn được thực hiện từ mười năm trước, nhưng theo chúng tôi đã bao quát đầy đủ các vấn đề của hội nhập văn hóa hôm nay.

Những ý nghĩ thường đến với ông khi nghe nói đến chuyện hội nhập văn hóa?

Cách đây 4.000 năm, trên khu vực lãnh thổ ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ hiện nay, có một nền văn hóa được hình thành, gọi là văn hóa Phùng Nguyên. Qua những hiện vật mà chúng ta đào được – nhất là một loại đồ dùng nghi lễ gọi là nha trương – có thể thấy lúc đó, xứ sở này đã chịu sự xâm nhập của các yếu tố Ân – Thương của Trung Quốc cổ đại. Khi khảo sát văn hóa Đông Sơn, chúng tôi lại thấy có những cái búa mà gốc gác của nó phải kể là từ Trung Á tới. Trên phương diện khảo cổ học, thì chuyện giao lưu, hội nhập là chuyện tự nhiên, không ai lấy đó làm lạ cả.
Ở những giai đoạn lịch sử về sau, xứ ta nhiều lần bị xâm lược. Nhưng theo gót kẻ chiếm đóng, bao giờ cũng có văn hóa cùng tới. Quá trình tiếp biến (hoặc giao thoa) văn hóa có hai loại, một là tiếp biến tự nguyện và một là tiếp biến cưỡng bức. Tiếp biến kiểu gì, thì trong giao lưu, nền văn hóa nội địa cũng sẽ trở nên giàu có và truyền thống sẽ hiện ra đa dạng hơn.

Có người còn nói trong lịch sử, đôi khi, cái ngoại nhập lại có trước và cái bản địa lại có sau. Đó có phải là ngụy biện ?

Không ngụy biện một chút nào cả! Không phải bao giờ lịch sử cũng rành mạch rõ ràng như ta tưởng. Ví dụ, giờ đây thấy chị em rủ nhau mặc váy, nhiều người cho là đánh mất bản sắc, bởi họ nghĩ váy là của châu Âu hay Trung Hoa, Ấn Độ gì đó, còn phụ nữ Việt Nam mặc quần mới là... dân tộc. Song nên nhớ văn hóa quần thật ra lại của phương Bắc, chính ở các nước Đông Nam Á, nguyên sơ là mặc váy. Ca dao cũ còn ghi lại sự thực đó:
Cái thúng mà thủng hai đầu
Bên ta thì có, bên Tàu thì không

Lại có người nói cái truyền thống như nó vốn vậy (bao gồm cả yếu tố bản địa lẫn yếu tố ngoại nhập) không nhất thành bất biến, và khi nói trung thành với truyền thống thi cần hiểu là trung thành với tất cả những phương diện khác nhau của truyền thống?

Có lẽ là như thế! Truyền thống không đơn nhất, cũng như lịch sử không phiến diện, chỉ có một sắc thái nào đó. Mỗi khi có người hỏi giai đoạn nào trong lịch sử là tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, tôi thường trả lời là theo tôi, lịch sử Việt Nam bao gồm tất cả những giai đoạn mà nó đã có, không nên tách ra giai đoạn này là giàu chất Việt Nam hơn, mà giai đoạn kia là ít chất Việt Nam hơn.
Trong quá trình phát triển, truyền thống không phải là mục đích. Nó chỉ là cơ sở để ta đi tới. Và bao giờ truyền thống cũng có nhiều mặt, nên tiếp tục truyền thống đồng thời cũng có nghĩa sự lựa chọn.
Có những giai đoạn Việt Nam đóng cửa, không chỉ nhà cầm quyền mà cả những người dân thường cũng không muốn tiếp nhận gì hết từ các nền văn hóa xa lạ. Đấy có phải là một chỗ yếu của truyền thống giao lưu ở ta?
Khi có sự đụng độ giữa hai dân tộc, có chiến tranh dĩ nhiên có sự co lại.
Suốt thế kỷ XIX, sự co lại không muốn tiếp xúc ở ta là quá rõ. Phải tới đầu thế kỷ XX, sự giao lưu mới bùng lên mạnh mẽ.
Tương tự như vậy, thời gian 1945-75, chúng ta phải bảo nhau tự hạn chế mọi tiếp xúc lại để đánh giặc cái đã; nhưng rồi sau giai đoạn ấy, lại tới giai đoạn tiếp xúc sôi động hiện nay. Bảo ta chỉ biết đóng cửa là không đúng, mà bảo ta quá cởi mở cũng không đúng.

Liệu có cần phải nhắc nhở nhau là hãy thận trọng, kẻo sẽ làm mất bản sắc ngàn đời của văn hóa dân tộc?

Cần chứ! Khuynh hướng xa rời bản sắc vẫn là nguy cơ thường trực. Vì học đòi mà xa rời, lại cũng vì tự ti, mà sự xa rời cuồng dại hơn.
Có điều, không phải vì sợ mất bản sắc mà đóng thật chặt cửa. Vấn đề đặt ra là: khi tiếp xúc với ngoại giới, mỗi một dân tộc phải tìm ra những phương cách tốt nhất, đồng thời vừa thu hút cái hay, vừa loại bỏ cái dở.

Nhưng nhìn vào thực tế giao lưu văn hóa hiện nay, nhiều người đang kêu là quá lộn xộn ?

Cái đó không thể tránh khỏi. Để thoát ra khỏi cái tình thế entropy trước mắt, giới trí thức có thể có một vai trò nào đó, mà xã hội cần khai thác.

Có những kinh nghiệm gì có thể rút ra được, khi quan sát quá trình giao lưu tiếp nhận văn hóa ở các nước châu Á ?

Một dân tộc như người Nhật họ lạ lắm. Trong tiếp xúc với nước ngoài, họ hầu như không có chút mặc cảm nào hết. Họ sẵn sàng bảo: “Chúng tôi chẳng có gì sáng tạo cả! Chúng tôi chỉ học Trung Hoa”. Có điều, cách học của họ rất hay, nên tiếp xúc với ai họ cũng biết tự làm cho nền văn hóa của họ giầu có hơn lên. Từ thời Minh Trị, họ cũng rất thông minh khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Nhờ vậy nếu hỏi ở châu Á này nước nào biết giữ gìn bản sắc hơn hết, thì người ta cũng lập tức nghĩ đến Nhật.
Trung Quốc cũng vậy. Từ thời cổ người Hán, khi bành trướng ra các khu vực ở phía Tây, đã biết chấp nhận những nền văn hóa ở xa họ và sự cởi mở ấy cũng đã trở thành truyền thống ở họ.
Bước sang thế kỷ XIX, ở Trung Hoa nổi lên vấn đề tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Giai đoạn này của họ lại càng cần được chúng ta nghiên cứu kỹ.

Vương Trí Nhàn
SỐ TRUY CẬP