Nỗi hận của kẻ ở gần

Xem thêm

Ngạc nhiên và thất vọng (Phạm Khải viết về Vương Trí Nhàn)

NỒI LẨU CỦA TRÍ NHỚ

Phan Thị Vàng Anh

CUNG NÔ BỘC XẤU

Đọc “Tô Hoài nhìn ở một khoảng cách gần”, ngoài chuyện “phang” một người đang sức yếu, thì cái điều luẩn quẩn trong đầu tôi nhiều nhất chính là khái niệm “gần”.

Thế nào là “gần”? Và biết thế nào mà giữ cho đừng quá “gần” để người ta nhìn mình quá sát? Và chẳng lẽ không nên để ai tới “gần” sao?

Thế nào là gần?

Gần với một người, theo nghĩa thông thường ai cũng biết, là có thể lui tới người ta thường xuyên, được người ta tâm sự nhiều chuyện: từ chuyện nghề, chuyện đời, cho tới những thói xấu của người khác.

Gần nữa là được nghe người ta nói xấu vợ, khen gái gú.

Gần hơn nữa là được nghe con người ta tâm sự với mình về chính người ta.

Đối với đàn ông, gần nữa, gần nữa là được người ta tâm sự về những suy nghĩ trước chính trị gia, chính trị.

Đọc Tô Hoài nhìn ở một khoảng cách gần, thấy trong quan hệ giữa nhà văn Tô Hoài và nhà phê bình Vương Trí Nhàn có đủ những cấp độ của cái sự “gần” đã nêu. Và cái “gần” này có vẻ mang màu sắc chủ động từ phía ông Nhàn chứ không phải từ phía nhà văn Tô Hoài.

Làm sao giữ cho đừng quá “gần”?

Câu hỏi này chắc nhà văn Tô Hoài không thể trả lời. Ông đã thất bại hoàn toàn trong việc này, để một người như NPB Vương Trí Nhàn đến gần, quá gần, trong một thời gian quá lâu.

Mà ai rơi vào hoàn cảnh NV Tô Hoài thì cũng thế thôi. Làm sao ông có thể phòng thủ được khi có một người mang vẻ thông minh nhường ấy, thâm trầm nhường ấy, biết căm ghét các thói xấu (đặc biệt của người Việt) nhường ấy bầu bạn.

Người ấy, tức NPB Vương Trí Nhàn, biết quan tâm đến công việc của ông một cách chân tình, bền bỉ: nào là nhận biên tập sách ông viết, viết bài khen khi sách ông ra, viết thuyết minh cho phim về ông, và khi ông được giải thưởng Thăng Long thì cùng bạn bè tổ chức ăn mừng ông được giải…

Tóm lại, ông Nhàn có đầy đủ tín hiệu của một người bạn vong niên, xứng đáng được ở gần mà trao đổi những điều sâu kín.

Và tóm lại, chẳng thể nào giữ cho đừng quá “gần”, một khi người ta có dụng ý phải “gần” bằng được.

Nỗi hận của kẻ ở gần

Ngạn ngữ Tàu có câu về chơi với bạn, đại ý, chơi thân với người xấu cũng như vào nhà xí, lúc đầu thấy thối về sau thấy thường. Chơi thân với người giỏi cũng như vào hàng hoa, lúc đầu thấy thơm về sau thấy mệt.

Lỗi của nhà văn Tô Hoài, đúng như chính ông Vương Trí Nhàn đã viết, là có “khả năng chung sống với cái xấu đến tuyệt vời”, trong khi lại không biết mình đã chuyển sang giai đoạn làm kẻ ở gần “thấy mệt”.

Ông Vương Trí Nhàn một khi đã được ở gần nhà văn Tô Hoài rồi có lẽ lại “thấy mệt”, nên trong nhật ký của ông gần như chỉ toàn những điều căm ghét và coi thường. Hành động gì, câu nói gì của NV Tô Hoài cũng bị ông bới móc, đay nghiến (nhưng thầm; chỉ thầm thôi).

Cao hơn nữa, sự hận “thầm” của ông Vương Trí Nhàn còn khiến ông lân la đến những nhà văn khác nhau, nhớ và ghi lại cẩn thận những câu họ nhận xét không hay về Tô Hoài. Các nhà văn đó giờ hẳn phải rùng mình. Có ai ngờ trong lúc vui miệng nhận xét về một người, mà cái người kia cứ gật gù nghe rồi lẳng lặng về nhà ghi lại hết, xong bây giờ tập hợp thành hẳn một bản “tố cáo” đủ nhân chứng.

Nghĩ mà buồn cười. Ông Vương Trí Nhàn lấy tên bài là “ở một khoảng cách gần”, nhưng những lời nói không hay về nhà văn Tô Hoài thì ông toàn nghe qua người này người nọ, tự ông hoàn toàn không có kiểm chứng, thậm chí bằng một phương thức đơn giản nhất là hỏi lại nhà văn xem có đúng thế không.

Nhưng đời nào ông dám hỏi thẳng! Chính ông tự nhận, trong một “cơn điên”, ông mới dám “liều” cật vấn nhà văn hai câu (nhẹ nhàng) mà ông thấy thế là quá can đảm. Còn bình thường, khi không “điên”, khi không “liều” và ở cạnh NV Tô Hoài thì ông làm gì? Ông chỉ dám “thầm nghĩ”, hoặc ông khen; ông khen đủ thứ của NV Tô Hoài: từ trồng cây quất đẹp, đến chọn đề tài hay, đến cái nết đọc nhiều, đến minh mẫn không lẫn… Tịnh không một lời chê trước mặt. Chắc chắn không một lời chê trước mặt, vì nếu có thì ông đã phải ghi vào nhật ký rồi.

Cái ghét của nhà phê bình Vương Trí Nhàn dành cho nhà văn Tô Hoài quả thật gớm ghê. Gớm nhất là trong cách xử sự của ông. Đọc bài Ngạc Nhiên và Thất Vọng của Phạm Khải với “bảng so sánh” những gì ông Nhàn từng viết tốt về nhà văn Tô Hoài, quả thực thấy thương hại ông quá vì đã phải sống hai mặt trong một thời gian quá dài.

Và thương nhà văn Tô Hoài. Chắc trong tử vi của nhà văn, cung Nô bộc phải là thậm xấu.

Bản gửi Phongdiep.net


Phan Thị Vàng Anh

NỒI LẨU CỦA TRÍ NHỚ

Hôm nay đọc trên mạng Phong Điệp có đăng lại bài "Ngạc Nhiên và Thất Vọng" của Phạm Khải, phát biểu về bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn ("Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần"). Thế là đọc ngay bài của chú Nhàn. Thấy đúng là kinh hãi. Không hiểu nổi.

Sống với nhau ở Hà Nội suốt bao nhiêu năm, sao chú VTNhàn muốn nói gì về bác Tô Hoài không lựa lúc bác đang khỏe để mà có thể cãi lại, lựa đúng lúc người ta mệt mỏi nhất mà phang thế này.

Việc đi thu thập người này nói một câu, người kia bình một câu không ra gì về bác Tô Hoài và đúng lúc bác yếu bệnh thế này, theo mình là thiếu đạo đức. Đọc đoạn đầu của bài còn tưởng là Phạm Khải hơi quá lời, nhưng càng đọc càng thấy Phạm Khải chê thế là còn hiền.

Nhân đây mới thấy dạo này hay có chuyện người lớn tuổi tự nhiên phản tỉnh, và không phản tỉnh bản thân, toàn phản tỉnh chuyện của người, của một thời mà mình cũng có tham gia và lem nhem y như người ta. Nhưng khi phản tỉnh thì chẳng thấy mình đâu, cứ như chỉ có người là xấu, mình là thánh để có thể phán xét và giễu cợt.

Nhưng nói chung mình ghét tất cả các thể loại hồi ký, chân dung...

Tại mình không tin vào trí nhớ. Thế mà đọc cứ thấy tả hôm ấy, năm ấy, trời thế ấy, anh ấy mặc áo này, khăn này, nói nguyên xi câu này... cứ như việc mới xảy ra sáng nay. Đến nạn nhân khéo còn ớ ra không hiểu có đúng mình nói thế không.

Tóm lại, có giỏi chê người thì chê lúc mới xảy ra việc ấy, và đừng đợi chuyện đã qua, người ta đã yếu, trí nhớ đã tàn, mà đem ra làm một món lẩu cho thiên hạ dùng.

Bản gửi Phongdiep.net

SỐ TRUY CẬP