“Văn minh Việt Nam” là một cuốn giáo khoa mẫu mực

“Văn minh Việt Nam” là một cuốn giáo khoa mẫu mực (28/07/2005)
Nhân ra mắt công trình Văn minh Việt Nam của cố GS. TS Nguyễn Văn Huyên (NXB Hội Nhà văn), nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn - người biên soạn sách, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên.

* Lâu nay những công trình nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam vẫn xuất bản đều đặn. Nay Văn minh Việt Nam lại được ông đề nghị in thành một chuyên luận riêng (tách ra từ công trình Nguyễn Văn Huyên toàn tập - đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh), ông có sợ rơi vào tinh trạng "bão hòa"?

- Theo sự tìm hiểu của tôi, lâu nay Văn minh Việt Nam có phần thiệt thòi: nó không được biết tới rộng rãi, ngay cả trong giới chuyên môn. Chẳng hạn, nó không có mặt trong danh mục dài gồm 420 tên, thống kê các bài báo và cuốn sách có liên quan tới văn hóa Việt Nam trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm (tôi đang có trong tay bản in 1996).

Một số người khác (nếu tôi không lầm có cả cố GS. Trần Quốc Vượng) dù đã nhắc nhiều về Nguyễn Văn Huyên, lại không mấy khi đề cập công trình này của ông.

Có thể cắt nghĩa tình trạng trên như sau: nguyên tác được viết bằng tiếng Pháp và chỉ gần đây mới được dịch ra tiếng Việt. Mà bản dịch lại nằm trong bộ toàn tập gần 2.000 trang khổ to, in lần đầu vào năm 1995, được phát hành theo lối bao cấp, thành ra "người cần thì không có sách và người có sách lại không đọc".

Theo tôi, cuốn sách rất đáng được phổ biến rộng rãi. Không thể so sánh nhiều cuốn sách tầm thường hiện nay với nó được! Chính vì e sợ số người đã trực tiếp đọc nó không bao nhiêu nên tôi mới đề nghị in thành cuốn riêng.

* Không thể phủ định giá trị của công trình, song dẫu sao, cho đến thời điểm này (chứ không phải thời điểm hoàn thành - năm 1939), tác phẩm đã không còn gây "sốc"...

- Ta hãy thử làm một đối chiếu nho nhỏ. Nếu chỉ tính sách vở của người Việt nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt, tôi thấy hai cuốn Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính) và Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh) nổi hơn cả. Tuy nhiên Văn minh Việt Nam có những điểm mới mà hai cuốn trước không có.

Ngoài ra, bao trùm ở đây là tinh thần phê phán được vận dụng một cách đúng mức khiến cho giá trị khoa học được nâng lên một bước.


Tính đến thời điểm công trình ra đời, Nguyễn Văn Huyên đã miêu tả rất đúng những khía cạnh khác nhau của văn hóa, văn minh Việt, và gợi ra được nhiều khái quát đúng đắn. Đến lượt mình, các nhà khoa học hôm nay sẽ phải đảm nhận việc miêu tả những biến chuyển xảy ra từ bấy đến nay.


* Có ý kiến cho rằng bên cạnh Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), chuyên luận Văn minh Việt Nam là một cuốn giáo khoa mẫu mực?

- Đúng vậy. Trong cuốn Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh có kể rằng ông viết Việt Nam văn hóa sử cương là do nhu cầu dạy môn văn hóa Việt Nam ở cấp cao đẳng.

Còn theo tài liệu của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh thì Văn minh Việt Nam được biên soạn trong thời gian Nguyễn Văn Huyên tham gia giảng dạy.
Nhân nhắc lại chuyện này, tôi chợt nhớ ai đó đã từng đề nghị tất cả học sinh, sinh viên cấp trung học, đại học phải được học chương trình văn hóa Việt Nam (chứ không phải chỉ sinh viên chuyên ngành). Đề nghị đó rất nghiêm túc, chỉ có điều, khoa nghiên cứu văn hóa dân tộc ở ta quá yếu, bây giờ có muốn dạy cũng không lấy đâu ra thầy đủ khả năng và giáo trình tốt.

Lâu nay chúng ta đã đi lệch, tức xem phần chủ yếu của văn hóa quy gọn cả vào văn học và khi nghiên cứu văn học thì lại mải đi vào bình văn, bình thơ, tầm chương trích cú, mà không chú trọng tới cái hồn của văn hóa nằm trong đó.

* Văn minh Việt Nam khái quát sự phát triển của đời sống vật chất, tinh thần, đặc điểm nhân chủng, tâm lý, cá tính người Việt... Tuy nhiên, hình như sau Nguyễn Văn Huyên vẫn chưa có quyển sách nào nghiên cứu kỹ và có hệ thống hơn về lịch sử văn hóa Việt Nam mà bổ sung cho quyển này. Thậm chí nhiều người còn nói hơi "ngoa" rằng, giới nghiên cứu bây giờ chỉ "nhai lại" những gì mà người đầu thế kỷ XX đã viết...

- Đáng tiếc rằng đó là sự thật mà những ai có tìm hiểu văn hóa Việt Nam đều công nhận, tuy không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng nói thẳng tuột ra như vậy.

* Đối tượng nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên rất rộng rãi, từ nhà sàn Đông Nam Á đến một khu phố Hà Nội, từ hát đối nam nữ đến Nội đạo tràng, từ các làng xã và nông dân đồng bằng Bắc bộ đến nơi cư trú của người Dao... Ông có định xuất bản tiếp những công trình này?

- Vâng, tôi mong lắm vì mỗi lần bắt tay vào biên tập những cuốn sách đó là một dịp được học hỏi thêm. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa nói chung vốn là "bệnh" của nhiều người làm công tác nghiên cứu phê bình văn học, trong đó có tôi.

Nguồn: Nhân dân.com

Khi “taboo” bị bôi bẩn, hạ bệ

Khi “taboo” bị bôi bẩn, hạ bệ
Mấy tháng nay cuộc “đọ tiếng đọ sức” xoay quanh tác giả “Dế Mèn” khi thì ồn ào khi thì âm ỉ nhưng xem chừng sẽ còn kéo dài! Sở dĩ bỉ nhân dám mạnh miệng tiên đoán “sẽ còn kéo dài” vì vụ việc này có tính chất sinh tử không những đối với các phe phái sinh hoạt văn học trong nước, mà còn đe dọa tới quyền lãnh đạo của Đảng. Nhưng trước hết hãy ghi lại những sự kiện trên mặt nổi:
- Châm ngòi cho cuộc xào xáo là bài viết “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần” của Vương Trí Nhàn. Bài này được đăng một phần trên Tạp chí Nhà Văn thuộc Hội Nhà Văn vào tháng 11 năm 2009, nghĩa là được đăng tải trên một diễn đàn “luồng chính”, “lề phải” và cũng được tác giả cho in toàn bộ vào quyển “Những chấn thương tâm lý hiện đại” do nhà Thời Báo Kinh Tế Sai Gòn xuất bản.
- Bài viết của Vương Trí Nhàn nếu nhìn phiến diện thì chỉ thấy tác giả cho người đọc vẽ ra một khuôn mặt, một nhân cách “gần” về Tô Hoài “cây đại thụ” cuối cùng của “nền” văn học xã hội chủ nghĩa. Cách chơi chữ của tác giả bài viết khi hạ bút dùng chữ “gần” rất lấp lửng để cho người đọc tự rút ra kết luận. Cái khéo của việc dùng chữ “gần” mà không huỵch toẹt nói là “thực” nằm ở chỗ không nói ra mà hóa thành đã nói thẳng.
- Phản ứng lại bài viết này trước tiên là bài viết “Ngạc Nhiên và thất vọng” của Phạm Khải đăng trên báo Văn Nghệ Công an một thời gian khá lâu sau khi bài viết của Vương Trí Nhàn. Báo Văn Nghệ Công an, nói về đẳng cấp, tuy cũng là một diễn đàn thuộc luồng chính, nhưng phải nói là thấp hơn, uy tín không lớn trên cả nước. Hơn nữa uy tín, vị trí và ảnh hưởng của Phạm Khải trong sinh hoạt văn học chưa có tầm vóc của Vương Trí Nhàn.
- Cho nên tiếp sau Phạm Khải là 2 bài viết của Phan Thị Vàng Anh, bài trước “Nồi lẩu của trí nhớ” ngắn, sự hằn học còn nhẹ. Và mấy ngày sau Phan Thi Vàng Anh” bồi thêm” bài “Nỗi hận của kẻ ở gần/Cung nô bộc xấu” lời lẽ hằn học, cay đắng, trách móc, và miệt thị Vương Trí Nhàn. Phan Thị Vàng Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn, có chức có quyền lớn trong cơ chế lãnh đạo. Điểm đáng chú ý là cả hai bài viết này chỉ được đăng trên Blog Phong Diệp, nghĩa là một trang mạng thường chỉ được giới viết lách truy cập, nghĩa là có tầm ảnh hưởng rất giới hạn. Đương nhiên, nếu muốn, Phan Thị Vàng Anh có thể đăng tải bài viết của mình trên các báo hay tạp chí của Hội Nhà Văn. Và sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi cần một lời giải đáp. Nhưng ý kiến của Phan Thị Vàng Anh phải được hiểu là ý kiến phản ảnh đường lối lãnh đạo của Đảng! Đăng bài trên Blog Phong Diệp tức là tác giả muốn giới hạn cuộc xô xát trong vòng giới viết lách tuy bài viết của Vương Trí Nhàn được đăng trên một tờ báo chính thức của Hội Nhà Văn. Nhìn những sự việc đang diễn ra, bỉ nhân có thể đoán chừng: sau những thảo luận kỹ lưỡng của cấp lãnh đạo Đảng về những hậu quả do bài viết của Vương Trí Nhàn tạo ra, cách đối phó tạm thời từng bước là “không nên làm to chuyện”, và mục đích mặt nổi chiến lược là hướng vào việc “đánh” tư cách Vương Trí Nhàn nhằm thả khói mù che lấp mục tiêu chính của Vương Trí Nhàn. Mục tiêu đó là gì? Theo suy nghĩ của bỉ nhân, dường như tác giả Vương Trí Nhàn có một mục tiêu xa hơn, chỉ lấy Tô Hoài như một điển hình nhằm xét lại giá trị của 50 năm văn học xã hội chủ nghĩa.
- Những khuôn mặt dựng nên nền văn học đó nay phần lớn đã qua đời, không lẽ đem họ ra xét lại.
- Trong một hai năm gần đây, người tinh ý nhận xét thì thấy liên tục có hiện tượng “sơn phết” diện mạo Tô Hoài trên các cơ quan truyền thông báo đài chính thức của Đảng. Trong gần một tháng về Saigon thăm nhà vào cuối năm ngoái, ít nhất bỉ nhân đã thấy ba lần đài truyền hình có phóng sự về Tô Hoài. Tại sao phải làm vậy là một câu hỏi đáng nêu ra để tìm nguyên do.
- Từ nhiều năm trước đây, trước khi từ trần, Chế Lan Viên – một tay “đánh hôi” các đối tượng văn học cần trù dập theo chỉ thị của lãnh đạo Đảng do Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi thừa hành, nổi tiếng – đã viết ra những bài thơ “hối lỗi” về những gì ông đã làm, tự mình nói ra hầu hết văn thơ ông đã viết ra trước đây đều là rác rưởi. Việc làm này của Chế Lan Viên tuy mới chỉ ở tầm mức cá nhân nhưng không phải là hậu quả không đáng kể vì nó chỉ ra cho thấy “nền” văn học xã hội chủ nghĩa trong quá khứ chỉ là một thứ “bánh vẽ, phải đạo” như Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến đã sớm nhận ra.
- Nhưng đến khi Nguyễn Khải, nhà văn được Đảng tín nhiệm hàng đầu, trước khi từ trần, đã cho phổ biến những trang hồi ký của ông thì cái “nền” văn học xã hội chủ nghĩa nọ hầu như đã được đánh giá một cách rốt ráo. Về nền văn học đó, chẳng còn gì để mà nói ngoài việc hãy vứt nó vào thùng rác! Nhưng nếu nền văn học đó bị phủ nhận, điều đó cũng có nghĩa vai trò lãnh đạo văn học nghệ thuật của Đảng cũng phải bị triệt tiêu. Và hệ luận tức thời là sự hiện hữu của Đảng Cọng sản phải chấm dứt.
- Đến khi Nguyễn Đăng Mạnh cho phát tán quyển hồi ký thì toàn bộ những khuôn mặt “vệ binh đỏ” như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ…những kẻ tuân hành chỉ thị từ đầu não lãnh đạo văn hóa của Đảng bị rơi mặt nạ, là cú đánh dứt điểm toàn diện giật xập văn học xã hội chủ nghĩa.
- Nhìn vào tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước trong vòng mười năm trở lại đây ta thấy có 3 khuynh hướng: nhóm trung thành với đường lối lãnh đạo Đảng để hưởng chức quyền bổng lộc (vệ binh đỏ), nhóm “ăn theo” thường ngả theo nhóm thứ nhất để “hứng” chút bổng lộc rơi vãi (vệ binh xanh), và nhóm có khuynh hướng “đổi mới” triệt để muốn vạch một con đường lương thiện cho sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Sau khi đã kiểm điểm những sự việc nói trên chúng ta có thể xét cuộc tranh cãi về bài viết của Vương Trí Nhàn dưới nhiều góc cạnh, và có một cài nhìn tương đối đầy đủ hơn. Ai cũng biết tầm vóc của Tô Hoài trong “nền” văn học xã hội chủ nghĩa là rất khiêm tốn so với Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận… Đấy là xét về văn tài. Và về tư cách Tô Hoài thì lại có giá trị rất khả nghi, tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt. Nhưng đánh giá tư cách Tô Hoài chỉ là bước đầu xét lại tư cách của những Tố Hữu, Nguyển Đình Thi, Huy Cận…Vậy nay Vương Trí Nhàn đem Tô Hoài ra làm “con vật thí thân” – và theo bỉ nhân, đây chỉ là bước đầu của họ Vương – để làm một cuộc đánh giá rốt ráo về 50 năm văn học xã hội chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là Vương Trí Nhàn đang làm cái công việc bôi bẩn, hạ bệ cái “taboo” cuối cùng những người còn trung thành với Đảng đang cố bảo vệ. Thế nên, Phan Thi Vàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn, dù trong lòng có quí trọng họ Vương cách mấy (chúng ta không quên chính Vương Trí Nhàn là người đã có công đưa Phan Thị Vang Anh lên đài danh vọng trong những ngày đầu cầm bút), hẳn cũng phải thi hành chỉ thị “cấp trên” vào cuộc. Và đây hẳn là một cuộc đọ sức sinh tử kéo dài.
Viễn Kiến

'Nói xấu Tô Hoài?'

'Nói xu Tô Hoài?'

Ông Vương Trí Nhàn vừa công bố những ghi chép cá nhân về Tô Hoài.

Vị khách tiếp theo mà BBC 'gõ cửa' đầu năm Canh Dần là nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, người đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Ngay trước Tết, cây bút này gây xôn xao văn đàn Việt Nam về một tiểu luận được cho là 'động chạm' tới đời tư của nhà văn gạo cội, được nhiều người biết đến, Tô Hoài.

Trong Tết này, ông Nhàn cho biết, ông đang tha thiết với một chủ đề khác, vẫn mang đặc trưng và phong cách rất riêng của ông, với cái nhìn có tính phê phán theo kiểu những bài viết về 'người Việt xấu xí' đã giúp ông nổi tiếng.

Nhưng trước hết, Vương Trí Nhàn phản hồi những bình xét trong nước, đặc biệt của các bạn viết Phan Thị Vàng Anh và Phạm Khải, vốn cho rằng ông hoặc đã 'nói xấu' hoặc đã có thái độ 'hai mặt' với Tô Hoài trong tiểu luận "Tô Hoài nhìn ở một khoảng cách gần" được công bố mới đây.

"Thực ra đây là những ghi chép trong sổ tay hai chục năm qua của tôi. Trước khi công bố, chính tôi đã đưa Tô Hoài đọc. Ông đã đọc rất kỹ, suốt trong một năm. Ông có nói với tôi là nên bỏ đi hai chỗ, về gia đình của ông, còn lại, ông bảo là đăng được."

Còn về chủ đề cho năm mới, ông Nhàn cho hay: "Tôi đang và sẽ viết tiếp các bài về văn hóa Việt Nam. Và một trong số đó là chủ đề về chính cách ăn Tết của người Việt.

"Tôi nghĩ chúng ta phải ăn Tết khác đi, như nhà thơ Xuân Diệu trước đây từng nói, chúng ta lười quá, chúng ta nghỉ lâu quá và nhân dịp tết, chúng ta chơi bời nhiều quá," nhà phê bình hào hứng đưa ra nhận xét.

Có nên thay đổi “cách” ăn Tết?

22/02/201o

Mặc Lâm - RFA

BVN xin không bàn thêm vào những điều mà nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đã nói rất chí lý trong bài tường thuật dưới đây. Hậu quả của một nghìn năm Bắc thuộc là cái giá không ai muốn nhưng vẫn phải trả chính là những tàn dư còn lại trong nếp sống như vậy đấy. Nhưng rõ ràng những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân chúng miền Bắc ăn tết giản dị mà ấm cúng hơn nhiều. Mà cũng không phải hoàn cảnh chiến tranh hạn chế sinh hoạt của mọi người. Hình như ở đây có vai trò của người điều hành đất nước. Với tầm mắt “canh gác” nghiêm ngặt theo một kiểu nào đó thì sự xô bồ, bắt chước, lai căng trong đời sống hôm nay có vẻ là cái phần mà người ta cảm thấy dầu có “thả lỏng” cũng vô hại. Tuy nhiên, nếu nhà chính khách có cái nhìn thực là viễn kiến thì đôi khi cái cần thắt buộc chưa hẳn đã đáng thắt buộc mà cái được buông thả biết đâu lại chẳng là điều rất đáng lo. Xin quý vị hãy thử nghe lại một bài thơ nói về phong tục tết của Việt Nam do ông vua anh hùng Trần Nhân Tông (1258-1308) sau khi đã ba phen đánh thắng giặc Nguyên oanh liệt, làm tặng sứ giả nhà Nguyên Trương Hiển Khanh :
Giá chi vũ bãi, thí xuân sam
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính
Tòng lai phong tục cựu An Nam
(Múa giá chi rồi thử áo xuân
Hôm nay hàn thực, buổi thanh thần
Bánh rau đầy đặn bày mâm ngọc
Nước Việt, tục này theo cổ nhân

- Trần Lê Văn dịch).
Bauxite Việt Nam

Năm mới mua chữ "Hán" cầu giàu sang phú quý ở Văn miếu, Hà Nội - AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam

Trong những ngày cận tết, xuất hiện nhiều bài viết trên mặt báo lo lắng cho việc ăn tiêu ngày tết quá thừa mứa của dân chúng.
Thói quen này không những tốn kém cho xã hội mà còn gây ra nạn tranh nhau mua sắm vì sĩ diện dẫn đến nợ nần chồng chất cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó người dân đang có khuynh hướng chạy theo mê tín dị đoan hơn là gìn giữ bản sắc dân tộc đúng như truyền thống. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này gửi đến quý vị sau đây.

Vật phẩm Trung Quốc
“Người ta đổ xô về Văn Miếu. Dân đến đó là để cầu may tức là để xin chữ. Người viết thì còn non tay và đơn giản lắm thế nhưng người dân cứ thèm xin chữ Hán cầu may” – Ô. Vương Trí Nhàn.
Từ cả trăm năm trước, các cụ nhà báo theo Hán học nổi tiếng đã không ít lần lên tiếng trên các trang báo quốc ngữ về những trăn trở của họ cho người dân trước việc thi nhau mua sắm trong ba ngày tết. Hầu hết những vật phẩm này đều phát xuất từ Trung Quốc như vàng mã, lân, pháo, cho đến tục cúng tế. Nhiều ông thần không có trong phong tục nước nhà được bày biện trang trọng khấn vái trong nhiều gia đình Việt Nam. Các cụ cũng chứng minh rằng nếu người dân biết ngưng lại không mua sắm những vật dụng vô bổ này nữa thì việc ăn tết sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, và từ đấy người dân nơi các làng quê hẻo lánh không còn phải chạy vạy trong ba ngày tết để phải còng lưng trả nợ nhiều tháng trời sau đó.
Ý kiến các cụ từ cả trăm năm trước tỏ ra vẫn còn đúng cho những thế hệ về sau. Kể cả ngày nay, khi mà dân chúng vẫn có khuynh hướng chạy theo nhau sắm sửa như ma đuổi vào những ngày giáp tết, bất kể giàu nghèo hay khó khăn đến mức nào. Tâm lý ăn tết sao cho đàng hoàng như nhà bên cạnh khiến hàng triệu người khổ sở và tâm lý này hầu như không thể bỏ bởi di sản lâu đời đè nặng trên đôi vai người nghèo, vốn đã oằn dưới sức ép của miếng ăn lại nặng hơn vào những ngày cận tết.
Vật phẩm trang trí Tết có nguồn gốc Trung Quốc - AFP PHOTO.

Ăn tết như thế không phải bây giờ mới có. Theo nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn thì vào những năm 40 đã có nhiều văn nghệ sĩ cố lên tiếng kêu gọi người dân nên quay lại với tinh thần ăn tết cần kiệm và thực hiện ý nghĩa cao quý của nó hơn là chạy đua theo thói quen đua đòi với nhà hàng xóm.
Rất nhiều lần tôi đã viết những bài báo như Nguyễn Công Hoan đã viết về nạn mừng tuổi của người Việt Nam nó khốn khổ thế nào. Tú Mỡ thì có những bài thơ ghét tết. Gần đây nhất tôi viết bài báo nói về ta phải ăn tết khác đi. Năm 46 tức là cái tết đầu tiên ông Xuân Diệu có bài viết văn hóa ăn tết của nước mình nó dài quá, lười quá… nó dễ dãi với nhau quá và ông đặt vấn đề là phải đúc kết lại, ông ấy bảo cái mà ta gọi là truyền thống ấy gần với trung cổ. Ông ấy viết một bài nói về tết độc lập đầu tiên cũng là cái tết trung cổ cuối cùng.
Việc mua sắm các loại hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc trong ngày tết thật ra đã thành nếp trong tâm lý người Việt. Người dân Việt Nam bị ảnh hưởng sâu nặng phong tục tập quán phương Bắc quá lâu và từ đó bị xâm chiếm trọn vẹn tới ngay cả tính thẩm mỹ của mình. Màu đỏ tượng trưng cho may mắn tài lộc không còn là độc quyền của người Trung Quốc nữa mà nhiều gia đình người Việt đã nghiễm nhiên xem màu đỏ, màu vàng nhũ, hoa văn rồng phượng là truyền thống hay thậm chí là văn hóa Việt Nam. Người Việt sản xuất và mua bán các loại văn hóa phẩm phát xuất từ Trung Quốc một cách hồn nhiên và lâu dần họ thầm nhủ rằng thiếu những sản phẩm này trong ba ngày tết thì không còn là người Việt Nam đúng nghĩa.
Cứ đi một vòng trong ba ngày tết bất cứ nơi đâu trong toàn cõi Việt Nam, không khó khăn gì khi thấy rằng người dân chen nhau đi hái lộc đầu năm một cách rầm rộ. Hình như thiếu sinh hoạt hái lộc sẽ không còn không khí ngày tết. Lộc ở đây nhiều đến nỗi ai cũng có thể hái đựơc và yên tâm rằng cả năm sau gia đình mính sẽ không còn chật vật. Người ta hái lộc trong chùa thì đã đành, ngày nay họ kéo nhau vào các ngân hàng để hái lộc nữa. Ông Vương Trí Nhàn kể lại chuyện xảy ra trong ba ngày tết sau đây:
Ngày nay, sự mê tín cộng với tâm lý cầu may của dân mình nặng hơn bao giờ hết anh ạ. Hôm qua tôi đọc một tin trên báo biết là tại Quảng Bình tất cả các ngân hàng vào ngày tết thì người dân tràn vào nhặt hết lá trên các cây cảnh, gọi là hái lộc. Những cái cây ấy bị vặt trụi hết cả. Việc này xảy ra đã mấy năm nay rồi nhưng năm nay lại càng tệ hơn. Những ngân hàng nhà nước phải có công an đứng gác trước cửa nếu không thỉ người ta đổ xô vào bẻ bằng được mọi thứ và nghĩ rằng đấy là hái lộc. Tâm lý rất là lạ.
Chữ Hán mới “giàu”?
Chữ Hán tuy không còn được sử dụng trong hệ thống chữ viết của người Việt hàng trăm năm nay nhưng không biết vì duyên cớ gì lại có sức thuyết phục người dân rằng chỉ có chữ Hán mới đem lại giàu sang phú quý cho gia đình họ khi trưng những con chữ ấy trong nhà vào ba ngày tết. Từ Văn miếu cho đến hương thôn không nơi nào mà ngày tết lại vắng mặt những chữ Hán sơn son thếp vàng trong nhà, hay nơi công cộng. Mặc dù hoàn toàn không lãnh hội được ý nghĩa của loại chữ viết này nhưng người dân lại cả tin rằng nó sẽ mang lại tài lộc cho gia đình họ. Niềm tin này trở thành mê tín và nhiều người vẫn mang nặng trong lòng và bất cứ giá nào cũng phải xin được chữ treo trong gia đình.
Thứ hai nữa là tại Hà Nội trong khi các công viên vui chơi rất hiếm nên người ta đổ xô về Văn miếu. Dân đến đó là để cầu may tức là để xin chữ. Người viết thì còn non tay và đơn giản lắm thế nhưng người dân cứ thèm xin chữ Hán cầu may. Thanh niên đến đấy để xin chữ “đỗ đạt” hoặc là “lộc” để cầu lộc trong năm. Học sinh thì đến để mà xoa đầu rùa, lấy may để sau này thi cử thành công. Theo tôi hiều thời bây giờ con người thiếu tự tin, lo lắng cho tương lai nhưng không biết làm cách nào để mà tấn tới cả. Họ chỉ trông mong vào may rủi, thậm chí khi đến những nơi giải trí thì người ta không còn lòng dạ nào vui chơi nữa. Đấy là những nét rất rõ của Hà Nội trong năm nay.
Mua chữ "Hán" để cầu may năm mới tại phố Ông Đồ ở Hà Nội - AFP Photo.

Những hành động thiếu văn hóa thường xảy ra tại các nơi đông người và Văn miếu cũng không ngoại lệ. Báo chí than phiền về việc người dân xả rác, phá phách các vật dụng quý, xoa đầu rùa, chạy nhảy ồn ào tại nơi được xem là tượng trưng cho nền văn hóa nước nhà…. Du khách ngoại quốc sẽ nghĩ gì trước hiện tượng này khi chính quyền vẫn tỏ ra bất lực trước công tác bảo vệ những di sản quý giá như vậy?
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn tỏ ra băn khoăn khi ông nói rằng, đã rất lâu ông là người cổ vũ cho việc phải thay đổi cách ăn tết của người dân nhưng xem ra tiếng nói của ông cùng hàng trăm nhà văn hóa khác qua bao thế hệ vẫn tỏ ra rời rạc và không có tiếng vang nào.
Tôi là người sống tại Hà Nội 60 năm nay. Trong những năm 60 còn phong tục cũ có nhiều cái tác động cả xã hội chứ không riêng ai cả. Chúng ta phải có nếp sống khác với nếp sống cổ lỗ của thời trước. Thời của chúng tôi thì ăn tết đơn giản và tiết kiệm. Gần đây, theo tôi nó nằm trong tâm lý chung của dân chúng vì họ quá mệt mỏi. Sau chiến tranh bị áp lực với những truyền thống nhất là tại nông thôn, nó áp đặt lên đời sống, cựa không nổi. Sao không ăn tết khác đi? Ăn tết như vậy thì thật là khó tiêu hóa đối với lớp trẻ.
Khi nào danh từ truyền thống còn được hiểu một cách đơn giản, thiếu cân nhắc thì ngày ấy cách hành xử của người dân vẫn bị hướng dẫn theo một dòng chảy duy nhất. Vai trò của nhà nước là hướng dẫn người dân một cách lành mạnh để họ hiểu được đâu là mê tín dị đoan, đâu là nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc cần phải giữ gìn. Và điều nổi trội và đáng lo hơn hết, khi những quán tính mà người dân theo từ bấy lâu nay nếu trở thành dân tộc tính thì sự lệ thuộc văn hóa ngoại nhân là điều không thể nào tránh khỏi.
Nguồn: rfa.org
SỐ TRUY CẬP