Truyền thông, giáo dục, và bạo lực học đường

Ý tưởng cho entry này có sẵn trong đầu tôi từ lâu, luôn chờ cơ hội để bộc lộ. Vì đây là lãnh vực mà tôi có ít nhiều hiểu biết, và đã từ lâu định viết về nó. Nhưng vẫn chưa bao giờ viết ra, vì tôi quá tham lam, ôm đồm, đụng chuyện gì cũng muốn tìm hiểu, muốn tham gia, nên chẳng còn đâu thời gian làm những việc mình định làm.

Nhưng hôm nay thì tôi bắt buộc phải viết mấy dòng về chủ đề này, vì mới đọc xong một bài viết của nhà nghiên cứu/phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Trong đó, có một vài ý tưởng trùng với những điều tôi đã từ lâu ấp ủ.

Bài ấy có tựa là "Người Việt sống bằng hành động nhiều hơn suy nghĩ", ở đây. Một bài viết đáng đọc, nói về chủ đề bạo lực học đường và giáo dục. Và một chủ đề cũng có liên quan - dù không trực tiếp - đến vấn nạn bạo lực học đường là vai trò của truyền thông trong xã hội. Một chủ đề mà theo tôi còn cần rất nhiều cải cách để xã hội Việt Nam có thể phát triển hơn.

Truyền thông liên quan đến bạo lực học đường ở chỗ nào? Xin cho tôi trích dẫn từ bài viết kia, rồi sẽ "phụ họa" bằng lời bình của tôi.

Nhiều người nước ngoài nhận xét, thanh niên ta hiện nay khá về khoa học tự nhiên hơn khoa học xã hội. Các kiến thức có tính nhân văn ở các em rất đơn giản. Vì chính người lớn chúng ta cũng có chịu tìm hiểu chính mình đâu, lại càng không chịu tìm hiểu về xã hội mình đang sống.

Ví dụ ở các nước, trong hoàn cảnh như ta, chắc chắn người ta phải có những công trình nghiên cứu tầm cỡ về tâm lý thời hậu chiến trong đó có Xã hội học bạo lực… Với thanh thiếu niên, phải có những chuyên đề đi sâu vào bạo lực học đường.

Ở ta chẳng ai chịu chi tiền cho cán bộ khoa học làm. Bất đắc dĩ phải làm thì chỉ nhăm nhăm minh họa cho những ảo tưởng có sẵn. Những công trình nghiên cứu gọi đúng thực chất xã hội thì mang đút ngăn kéo, không cho phổ biến đến đông đảo công chúng. Thế sao gọi là nghiêm túc, là thực sự cầu thị?


Vâng, đúng thật. Chúng ta không có một nền khoa học xã hội và nhân văn đúng nghĩa. Chẳng trách hiện nay ta lại có lắm vấn đề về xã hội và về con người (= nhân văn) đến như thế này?

[Gầ]n đây, sau những cảnh bạo lực trong học sinh, người ta chỉ nói tới vai trò của thầy giáo cô giáo. Phải luôn luôn quan tâm tới các em, phải biết ngăn chặn các em… Tất cả những cái đó là đúng nhưng chưa đủ.

Toàn ngành giáo dục phải vào cuộc với nghĩa cả những người định ra nội dung chương trình giảng dạy, cả những người soạn sách giáo khoa cũng phải có mặt.


Tôi đồng ý với nhận định trên. Nhưng muốn nói thêm: Cũng không chỉ riêng ngành giáo dục. Tôi thấy lâu nay dường như hễ có việc gì xấu xảy ra trong xã hội thì người ta lại đổ lỗi hết cho ngành giáo dục, nếu không là thầy cô thì cũng là chương trình, sách giáo khoa, lãnh đạo nhà trường, hoặc sở, rồi ngành.

Vâng, có lẽ ngành giáo dục cũng phải chịu một phần trách nhiệm thật. Nhưng lẽ nào chỉ ngành giáo dục, là một ngành có đồng lương chết đói và chẳng có quyền hạn/quyền lợi gì, và cả quyền lực nữa, so với những ngành như ngân hàng, xăng dầu, truyền thông-báo chí, hàng không, hải quan, thuế vụ, y tế-dược phẩm, và thậm chí cả những ngành đầy tính "phục vụ công ích" như an ninh và quân đội?

Những tiêu cực, sai phạm, tệ nạn, bạo lực và bạo hành trong gia đình và xã hội, và trong phim ảnh, truyền hình, Internet, games, vv, rồi sự bỏ bê của cha mẹ đối với nhu cầu tinh thần của con cái, chẳng lẽ không chút ảnh hưởng gì đến sự hình thành tính cách của học sinh, từ đó dẫn đến bạo lực trong học đường sao? Cớ sao chỉ có ngành giáo dục phải gánh chịu tất cả?

Truyền thông hiện nay cũng phải trở thành một thứ trường học. Cần lôi cuốn các nhà nghiên cứu cơ bản tham gia phát biểu về các vấn đề thời sự. Rộng hơn từng hiện tượng lẻ, cần khai thác các ngành xã hội học trong việc tìm hiểu con người Việt xã hội Việt. Vấn đề không phải nói cái tốt hay cái xấu, mà là nói thực chất. Nói đúng thực chất thì tự nhiên có người nghe.

Với tư cách một người phê bình văn học, điều cuối cùng tôi muốn nói là trước tình trạng đạo đức xã hội như hiện nay, những người làm công việc văn chương tinh thần cũng nên tự vấn lương tâm của mình, nên nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm. Vì làm giáo dục một cách mòn sáo thất bại, nghệ thuật đang nghiêng về phía giải trí “mua vui” cho thiên hạ, tuy như ta thấy, chiều nịnh công chúng rút cục là làm hại công chúng.



Quá đúng. Tôi không thể nói gì thêm. Chỉ xin "dịch" lại ý cuối cùng của Vương Trí Nhàn sang ngôn ngữ có hơi hướng hàn lâm một chút: Truyền thông phải có vai trò riêng của nó, chứ không thể đơn thuần là công cụ tuyên truyền (nói theo VTN là "giáo dục một cách sáo mòn"), cũng không thể chỉ chạy theo thị hiếu của công chúng, phục vụ thị trường một cách mù quáng (nói theo VTN là "nghiêng về giải trí mua vui, chiều nịnh công chúng").

Nếu được như vậy, thì lúc ấy truyền thông sẽ đóng được trọn vẹn vai trò "giáo dục" của nó. Nhưng không phải là giáo dục theo kiểu tuyên truyền chính trị, cũng không phải giáo dục theo kiểu mô phạm, mà là giáo dục thông qua cái đẹp và cái thiện, để bổ sung cho cái chân, là công việc chính của nhà trường.

Đến bao giờ thì những lời nói trung thực, dù có thể chướng tai, được các vị có trách nhiệm cao nhất của đất nước này lắng nghe và thực hiện đây?
Được đăng bởi Vũ Thị Phương Anh vào lúc 6:51 AM

“Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”

Buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn: “Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”

Chiều ngày 02 tháng 03 năm 2010, tại hội trường Viện Nghiên cứu Con người, nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn đã có buổi nói chuyện với các cán bộ trong Viện về chủ đề: “Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”.

Có thể nhận thấy ngay chủ đề của buổi nói chuyện này đã bao gồm hai trong ba hướng nghiên cứu cơ bản của Viện Nghiên cứu Con người: Phát triển con người và văn hóa - cụ thể là nhân học văn hóa ứng dụng (hướng còn lại là Quyền con người) - ba hướng nghiên cứu đã được chỉ rõ trong cuốn Con người Văn hóa, Quyền và Phát triển do PGS.TS Mai Quỳnh Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người Chủ biên, được xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Viện. Với chuyên môn sâu là nghiên cứu, phê bình văn học cho nên xuyên suốt buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu, nhà văn Vương Trí Nhàn là những suy nghĩ tản mạn của ông về thế thái nhân tình trong xã hội hiện nay, về văn hóa và con người Việt Nam truyền thống và hiện đại đặt trong tương quan so sánh với văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới như văn hóa Trung Quốc - được đánh giá là có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới văn hóa Việt, văn hóa phương Tây: Mỹ, Pháp, Đức, một số nước vùng Trung cận Đông như Irăc,… Qua những sự so sánh này, nhà nghiên cứu rút ra kết luận sâu sắc về số phận dân tộc: “Các dân tộc khác là tấm gương của chúng ta và đồng thời từ họ chúng ta cũng nhận thức được chính mình”. Từ những “sự đọc”, những suy ngẫm, những nghiên cứu của ông về các nhân vật văn học, các tác giả văn học - con người trong văn học, từ câu chuyện cổ tích về người nông dân, con hổ và trí khôn - Trí khôn của ta đây, những câu chuyện hài hước, lém lỉnh của Trạng Quỳnh, Trạng Lợn - “sự khôn ngoan của người Việt dường như là sự lừa lọc” và một dạng “người Việt biết tuốt”, đến các nhân vật văn học điển hình như Xuân tóc đỏ - là kiểu người nông dân Việt Nam đang hội nhập từ xã hội nông thôn sang xã hội hiện đại - Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, con người tự nhận thức và hướng thiện trong Chí Phèo của Nam Cao, “con người thừa” trong những trang viết của Nguyễn Tuân; nhà nghiên cứu đã chỉ rõ trình độ phát triển của người Việt ở từng giai đoạn lịch sử qua ví dụ cụ thể về các thế hệ nhà văn; rồi ông cũng lấy chính cái Tôi của ông để khẳng định tính chất nhiều mặt của con người và những mâu thuẫn luôn ẩn chứa trong nó. Sau khi đã so sánh với sự hồi phục nhanh chóng sau chiến tranh của các nước như
Nhật Bản, Đức, ông cho rằng “ở Việt Nam, con người đã bị biến dạng rất nhiều sau chiến tranh”, con người giờ đây phải học lấy “thói quen dám từ bỏ cái cũ, dám tách sư phụ để xuống núi”. Ông khẳng định rằng, trong công tác nghiên cứu thì quay trở về với lịch sử là điều quan trọng và cần thiết, đồng thời ông cũng đưa ra một hướng nghiên cứu con người mới, đó là nghiên cứu về lịch sử con người - đã được Trung Quốc đi tiên phong trong cuốn Trung Quốc nhân học sử cương.

Buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn đã để lại nhiều ấn tượng về một con người “thà đi xe đạp mà đi thạo còn hơn đi xe máy mà loạng choạng”. Những suy ngẫm sâu sắc của nhà nghiên cứu là những gợi ý thiết thực cho các hướng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người.

Nguyễn Thị Thắm

Đối thoại về "Số phận những tìm tòi..."

Trao Đổi‎ > ‎

Phải nói là tôi có thể chia sẻ nhiều điểm trong bài Số phận những tìm tòi hình thức trong thơ Việt Nam sau 1945 (1) của Vương Trí Nhàn. Tuy thế, có nhiều điểm tôi không thể tán thành cùng anh. Trước hết, theo tôi, không thật thích hợp khi Vương Trí Nhàn chọn thơ Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến chống Pháp để biện giải “số phận những tìm tòi hình thức trong thơ Việt Nam sau 1945”. Vì sao vậy?

Thứ nhất: Trong cuộc tranh luận văn nghệ tháng 9-1949, thơ Nguyễn Đình Thi bị chỉ trích chủ yếu ở “định hướng nội dung” (chữ của Vương Trí Nhàn) tư tưởng, tình cảm, chứ không phải ở phương diện hình thức. Cũng như nhiều văn nghệ sỹ đi theo cách mạng thời ấy, chất tiểu tư sản trong thơ Nguyễn Đình Thi còn rất nặng. Phải “lột xác”, không còn cách nào khác, nhưng không ít đau xót đã diễn ra. Đúng như nhà thơ đã viết trong Nhận đường: “Cái xác cũ rụng xuống chưa dứt hẳn, da non mới mọc chưa lành, một chút gì chạm phải cũng rỏ máu”(2) . Nếu những bước đầu tiên trên con đường mới còn “loạng choạng” (chữ của Nguyễn Đình Thi) cũng là không tránh khỏi. Mặc dầu Nguyễn Đình Thi viết rất hay về mối quan hệ giữa văn nghệ và kháng chiến, thế nhưng trên thực tế, trong con người Nguyễn Đình Thi, nhà sáng tác chưa theo kịp nhà tư tưởng. Sự so le giữa nhận thức và hành động trong ông là có thật và dễ hiểu.

Trong cuộc trao đổi kéo dài vài ngày năm ấy, có những ý kiến quá đáng (như cho thơ Nguyễn Đình Thi là “nguy hiểm”). Song trên đại thể là đúng mực, và nhất là có thể giải thích được vào hoàn cảnh lúc đó. Thế Lữ cho rằng tình cảm trong thơ Nguyễn Đình Thi “chỉ có riêng mình anh rung cảm”. Tố Hữu thì kết luận thơ Nguyễn Đình Thi “chưa nói, hay nói ngược cuộc sống của quần chúng”, vì thế “những lúc thấy cần làm việc tôi thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm, vì tôi thấy ghét cái cá nhân - PQT lưu ý - nó lại trở về với tôi”. Chính Nguyễn Đình Thi cũng phải nhận là“ ông có buồn so với mọi người, mình đang đi một con đường khác” (lời Vương Trí Nhàn). Cái “tôi” lạc lõng so với không khí chung. Và nếu có ai đánh giá thơ Nguyễn Đình Thi khi ấy “cao đạo cầu kỳ” thì cũng không có gì là qúa đáng cả. Đó chính là lý do khiến nhà thơ sau này đã thay câu Ta nghe ta hát một mình (3) thành câu Đâu đây tiếng suối rì rào trong bài Đường núi. Đó đồng thời cũng là lý do khiến “hội nghị tranh luận không có kết luận chính thức về thơ Nguyễn Đình Thi” như Vương Trí Nhàn xác nhận. Vậy rõ ràng tác giả bài báo không đủ cơ sở để từ những phê phán về nội dung thơ Nguyễn Đình Thi đi tới nhận xét về những tìm tòi hình thức là không được đối xử thân thiện, để sau đó “không được tiếp tục”.

Thứ hai: Xét kỹ những trường hợp chưa thành công của thơ Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến chống Pháp, ta thấy nguyên nhân chính nằm ở chỗ hình thức chưa ăn nhập với nội dung, chứ không phải ở chỗ sự tìm tòi hình thức chưa có điều kiện triển khai đến cùng “như đáng lẽ phải có” (lời Vương Trí Nhàn). Anh Vương Trí Nhàn, tôi và tất cả chúng ta đều có thể tán thành với luận điểm của Nguyễn Đình Thi rằng: “Nội dung mới tự nó sẽ tìm đến hình thức mới”. Từ sau Cách mạng tháng Tám, cả dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh vĩ đại giành độc lập, tự do. Sự sống đã khác trước, tâm trạng đã khác trước. Vậy nên, nói như Nguyễn Đình thi, nếu nhà thơ không muốn đứng bên lề cuộc sống thì phải học lời nói của anh binh nhì “khỏe mạnh, hồn nhiên của một cuộc đời làm lụng chiến đấu không ngừng”. Tiếc là những bài như Không nói chưa đạt được yêu cầu như mong muốn của người viết. Chất cảm nghĩ của nhân vật trữ tình và lối thể hiện của bài thơ chưa có sự ăn nhập cần thiết. Không phải trái tim của những chàng trai cô gái tham gia kháng chiến không có chỗ dành cho tình yêu. Như bao đôi lứa khác trên đời, họ có thể trải qua mọi trạng huống, mọi cung bậc của con tim yêu đương. Tuy nhiên, trong cái nhìn “không nói” và nhất là trong “bóng nhỏ” trên “đường lầy” nơi “chiều mờ gió hút”, thật là khó đồng cảm vào thời ấy. Ở những bài thơ thành công của Nguyễn Đình Thi như Nhớ (1951) thì khác. Nội dung tình cảm dường như đã tìm được cách thức thể hiện phù hợp:

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Do đó, tôi không thể tán đồng với ý kiến của Vương Trí Nhàn: “Từ đó về sau trong những bài mới làm người ta bắt gặp một sự thỏa hiệp - PQT nhấn mạnh - : Ông không từ bỏ những tìm tòi đã có nhưng cũng không đẩy nó đi xa hơn như đáng lẽ phải có. Nói chung là ông pha loãng - PQT nhấn mạnh - thơ mình ra và làm cho nó gần với thơ mọi người hơn”. Ở đây, theo tôi, không có sự “thỏa hiệp” hay “pha loãng” nào cả. Đúng hơn, có lẽ càng ngày Nguyễn Đình Thi càng nhập vào đời sống của nhân dân, của kháng chiến nên có được sự gặp gỡ tự nhiên giữa nội dung mới và hình thức tương ứng trong các tác phẩm của mình. Đó cũng là con đường đi tới thành công của Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh và một số nhà thơ khác trong cuộc kháng chiến chín năm. Khi đó có thể xem như mong ước của Nguyễn Đình Thi nhằm xây dựng “một nghệ thuật còn ròng ròng sự sống... một cái đẹp khỏe, không khéo léo phấn son, mà mộc mạc, tươi như vừa nẩy lên từ một bàn tay hóa công nào” đã bước đầu được thực hiện.

Có thể đi tới kết luận rằng “số phận” của những bài thơ không thành công của Nguyễn Đình Thi trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp không phải là “số phận” của những tìm tòi hình thức mà chỉ là “số phận” của những sản phẩm nghệ thuật còn “lơ lửng”, còn “lạc lõng” (chữ của Nguyễn Đình Thi) so với đời sống của đông đảo quần chúng đang bằng mọi giá giành và giữ nền độc lập của dân tộc. Ở đây chạm phải vấn đề tính đại chúng của hình thức nghệ thuật mà theo tôi Vương Trí Nhàn đã ít nhiều giải thích thiếu quan điểm lịch sử - cụ thể. Ai cũng biết, điều cốt tử khi ấy với thi ca, với nghệ thuật là cần phải hữu ích. Dân trí của những người tham gia kháng chiến, nhất là những người trực tiếp cầm súng còn thấp nên thơ gắng sao cho thật dễ hiểu. Nếu “hướng vào đại chúng” có được xem là “tất cả” (chữ của Vương Trí Nhàn) thì cũng không có gì đáng phàn nàn, đáng chê trách. Ngay tác phẩm Mẹ con đồng chí Chanh (1953) có giọng kể như truyện dân gian nên được in tới sáu lần trong vòng hai, ba năm sau đó, cũng thật dễ hiểu. Nguyễn Đình Thi từng viết về mục đích thiết thực của các sáng tác thời ấy thế này: “Chúng ta muốn có những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ thay đổi được cả cuộc đời người đọc - làm thành người, đẩy chúng ta lên sự sống trước kia chỉ đứng xa nhìn thấp thoáng”(4) . Nghệ thuật muốn “thay đổi được cả một đời người đọc” chủ yếu là nông dân, công nhân không thể không “rộng rãi và quần chúng” về hình thức. Yêu cầu phổ cập có phần được chú trọng hơn yêu cầu nâng cao. Tất cả là do hoàn cảnh chi phối. Khi hoàn cảnh thay đổi, sự thể sẽ khác đi. Nhận xét của A. Gide về ý nghĩ của những nhà lãnh đạo văn nghệ ở Liên Xô sau Cách mạng tháng Mười “ngày nay nghệ thuật phải là bình dân hoặc không phải là nghệ thuật” cũng nên đặt vào hoàn cảnh cụ thể mà xem xét. Cũng không nên viết chung chung như Vương Trí Nhàn trong bài báo rằng “sự phát triển của thơ cách mạng ở các nước thường bao giờ cũng theo hướng là đi vào đại chúng”. Theo tôi, cần nói rõ thơ cách mạng ở vào thời điểm nào, bị chi phối bởi những quy luật gì?

Cuối cùng, không thể không lưu ý tới ý nghĩa thời sự của bài báo. Anh Vương Trí Nhàn viết: “ Ngày nay, muốn đi xa hơn chúng ta phải biết chia xẻ (5) với những đớn đau, nuối tiếc và tìm cách rút kinh nghiệm ngay trong thành công và thất bại của người đi trước”. Có thể là như vậy. Nhưng theo tôi, ý nghĩa thời sự của vấn đề mà tác giả bài báo đưa ra nếu có cũng rất mờ nhạt . Vì, như đã trình bày ở trên, thực chất của “số phận” thơ Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến chống thực dân Pháp không phải là vấn đề tìm tòi hình thức. Trong khi lần đầu tiên, vài năm trở lại đây, xét trong tiến trình thi ca Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay (không kể thơ ca miền Nam 1954-1975), vấn đề cách tân thi pháp được một số nhà thơ và nhà phê bình trực tiếp đặt ra. Và cũng xin nói thêm, bài học rút ra từ bài báo cũng chỉ nghiêng về những kinh nghiệm thất bại. Ví như, bài thơ Đêm 27 mà Vương Trí Nhàn có nhắc đến. Quả không thể chấp nhận được khuynh hướng tìm tòi của người viết. Thơ có thể không có vần, câu dài ngắn có thể khác nhau nhưng không thể thiếu âm điệu. Cái thứ thơ “lục cục lào cào” ấy “số phận” ra sao, không cần chờ thời gian cũng có thể đoán biết được trước. Vậy nên không lấy làm lạ khi Vương Trí Nhàn nhận xét: “Qủa nhiên về sau, những bài thơ thuần túy hình thức như thế này - PQT lưu ý - dứt hẳn”. Theo như người bình luận Báo Văn nghệ hồi ấy thì “đó là theo cái lối xếp thơ của các ông thi sỹ tượng trưng bên Pháp”. Học đòi như thế qủa không lấy gì làm “sang”. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi tác giả kết luận về những tìm tòi hình thức theo xu hướng đó như thế này: “Sự thật là nó rất ít được ủng hộ, tình cảnh của nó giống như tình cảnh của một đứa con nhà nghèo mà lại ăn mặc đàng hoàng như những đứa con nhà sang trọng khác. Không được! Các ông anh bà chị lên tiếng phản đối. Lâu ngày mặc nhiên hình thành một thứ luật lệ riêng ngự trị trong gia đình: Không tìm tòi gì cả”. Theo tôi người ta “nghèo” vẫn có thể “sang”, và vẻ sang trọng thực thụ không có gì dính dáp với cái lố lăng, hợm hĩnh.



29-7-1995



(1) Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 200, ra ngày 12/7/1995.

(2) Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học (nhiều tác giả) Nhà xuất bản Tác phẩm mới, T I, Hà Nội,1985, tr.9.

(3) Theo tôi, không thể từ câu Ta nghe ta hát một mình mà bình luận chung chung về quy luật phát triển của thơ là “ngày càng đi sâu vào nội tâm, vào cái thế giới bên trong vô cùng tận của mỗi cá nhân” như tác giả đã viết. Nếu đặt vào hoàn cảnh cụ thể khi ấy, câu thơ rõ ràng thể hiện sự cách biệt giữa con người cá nhân và con người tập thể trong thơ Nguyễn Đình Thi sau Cách mạng tháng Tám.

(4) Sách đã dẫn, tr.18.

(5) Có lẽ "chia sẻ" thì đúng hơn.
SỐ TRUY CẬP