VỀ VIỆC XÂY DỰNG BỘ "LỊCH SỬ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM “

PHỎNG VẤN
nhà nghiên cứu, phê bình văn học VƯƠNG TRÍ NHÀN


PHÓNG VIÊN (PV ): - Thưa anh Vương Trí Nhàn, được biết Hội Nhà văn ta đương cho tổ chức biên soạn cuốn lịch sử của Hội. Chẳng hay ý tưởng này đến từ đâu? Công việc được khởi động từ bao giờ? Dự kiến hoàn thành vào khi nào? Và việc phân công bố trí nhân sự thực hiện cụ thể là như thế nào?

VƯƠNG TRÍ NHÀN: (V.T.N.) Đây có lẽ là một chủ trương lớn của Hội,về phần mình, tôi chỉ được biết chút ít.
Nguyên là đầu tháng 10-2007, tôi được anh Hữu Thỉnh gọi điện cho biết là Hội đồng đầu tư chiều sâu của Hội có đặt vấn đề đầu tư cho một số anh em làm lý luận phê bình trong đó có tôi.
Trong câu chuyện, anh Thỉnh muốn tôi đề xuất thêm các đề tài cần làm. Tôi trả lời hiện có một công việc mà tôi cho là rất cấp thiết, đó là làm lịch sử phong trào văn học VN đương đại.
Nghe thì chung chung vậy, song tôi nói ngay cụ thể là nên dành tiền tài trợ để làm một cuốn Biên niên sử văn học Việt nam từ sau 8-1945.
Thế nào là viết biên niên sử ? Tức là nhìn vào đời sống văn học từ 1945 tới nay, dừng lại ở từng năm một, xem trong năm ấy tháng nào ngày nào có sự kiện gì quan trọng thì ghi vào theo đúng trật tự năm tháng. Chữ sự kiện ở đây hiểu theo nghĩa rộng: từ một buổi họp mặt, sự khai sinh một cơ quan văn học, việc xuất bản một tác phẩm, một cuộc tranh luận trên mặt báo … Làm biên niên cho tốt tức là bước đầu để đi tới “ một cuốn lịch sử của Hội “ như anh vừa nói.
Chắc anh cũng biết thời gian gần đây một trong những vấn đề mà nhiều tờ báo ở ta quan tâm là chuyện “Tại sao học sinh ngán sử?“. Một phần câu hỏi này lẽ ra phải “ dịch” thành: “Có phải là chúng ta --- cả xã hội chứ không phải chỉ lớp trẻ --chưa chú ý tới lịch sử? Và có phải cái thiếu sót đó hạn chế sự phát triển của xã hội ?”

P.V: - Nhìn vào đời sống văn học anh cũng thấy có tình hình tương tự?.

V.T. N Vâng, đúng thế. Tôi thấy hàng ngày ta chỉ lo bàn nhau xem có tác phẩm nào mới xuất hiện, nhà văn nào đang nổi lên. Còn toàn bộ sinh hoạt văn học đi theo hướng nào thì không ai để ý. Ta hay nói giữ vững truyền thống. Nhưng truyền thống là thế nào lại chỉ biết ang áng. Bao nhiêu tinh lực dồn hết vào lo việc ngày hôm nay. Trong khi đó, chính sự phát triển văn học như một quá trình liên tục trong thời gian mới là cái đáng phải quan tâm xem xét và trao đổi thường xuyên.
Nói cách khác, tôi cho rằng cả giới cầm bút còn thiếu một độ lùi cần thiết khi nhìn nhận công việc của mình. Cái nhìn trong độ lùi đó đánh dấu một sự phát triển tự giác chứ không phải tự phát mãi.Và đó là yêu cầu của sự phát triển văn học hôm nay.
Quay trở lại với câu hỏi ban đầu của anh. Thật ra mọi việc đã được khởi động từ trước khi tôi đề nghị làm cuốn Biên niên sử. Trong kế hoạch đầu tư của Hội có nhiều cuốn sách mang tính chất tổng kết. Tôi chỉ nhấn mạnh phải vượt lên trên lối tổng kết thông thường mà bám sát cái sườn thời gian , nhìn theo góc độ lịch sử.
Trong câu chuyện với anh Thỉnh hôm ấy , tôi nói rõ là tôi thấy cần có cuốn sách “ biên niên”, chứ tôi không làm được, và giới thiệu anh Lại Nguyên Ân. Theo tôi, trong giới, hiện chỉ có anh Ân là người có kiểu tư duy để làm tốt việc này. Quả nhiên , trong kế hoạch đầu tư chiều sâu của Hội 2008, có hợp đồng với anh Ân.

P.V: - Dẫu sao, một ý đồ đã được khởi xướng từ anh. Anh có thể cho biết anh đã đi tới ý tưởng đó như thế nào?

V.T. N Thường khi đi vào tìm hiểu một nền văn học nước ngoài, bọn tôi được người ta đưa ngay cho một bản thống kê ghi nhận “ sự phát triển theo năm tháng “ của nền văn học đó. Mấy năm trước, qua Hàng Châu, tôi có ra hiệu sách kiếm được một cuốn Lịch sử Văn học đương đại Trung quốc của một giảng viên Đại học Bắc Kinh. Ở cuối sách có một biên niên sử như vậy. Tôi không đủ chữ Hán để hiểu cả cuốn sách, nhưng phần biên niên sử này thì tôi đọc được, vừa đọc vừa đoán, và thỉnh thoảng trong công việc vẫn phải giở ra tra cứu. Loại sách này ở Nga người ta cũng đã biên soạn nhiều .
Thành thử, từ lâu tôi mong có ai làm một cuốn biên niên sử cho văn học mình. Trước mắt cho văn học 1945 tới nay. Rồi một cuốn cho văn học thế kỷ XX, và tiến tới một cuốn lớn cho toàn bộ văn học VN nói chung.
Hồi nhà văn Vũ Tú Nam mới được bầu làm Tổng thư ký Hội khóa IV, tôi đã mạnh mồm đề nghị là anh nên giao cho một anh em nào đó trong cơ quan Hội làm một cuốn sổ cái, ghi việc từng ngày của Hội. Làm liên tục vài năm và lưu giữ cẩn thận, sau này xem lại ta sẽ sung sướng như xem lại những thước phim, những tấm ảnh cũ. Nói cho to tát là rất có ích cho tương lai.
Cố nhiên anh Nam cho là tôi nói vui thôi, và quên ngay. Nhưng tôi lại không quên được điều đã đề xuất. Điều tôi đề nghị với anh Thỉnh gần đây cũng là nằm trong cái mạch nghĩ đó.
Bây giờ nói chuyện với anh Tuyền , tôi lại càng thấy nao nức với cái kế hoạch tổng quát là viết lịch sử Hội, lịch sử phong trào văn học nói chung.

P.V. Chỗ này anh có thể nói rõ hơn ….

V.T.N Xin nói tạt ngang một việc ngoài lề thế này. Mấy năm nay Hội đã có chủ trương xây dựng Bảo tàng văn học. Nếu tôi không lầm thì nhiều người nghĩ làm bảo tàng cái khó nhất chỉ là xin tiền, chứ có tiền rồi ôi thôi, đánh trống ghi tên, kêu gọi thiên hạ mang đến một số kỷ vật là xong ngay chứ gì.
Có biết đâu, cái khó hơn của bảo tàng là cái quan niệm về lịch sử văn học làm nền cho nó. Quan niệm này chi phối trật tự cách sắp xếp, cách lựa chọn các hiện vật, thậm chí cả cái kích cỡ của từng khoảng không gian dành cho mỗi hiện vật.
( Đây là tôi nói chúng ta muốn làm một Bảo tàng có giá trị thực sự, bảo tàng có tác động tới đời sống văn học, chứ không phải cái loại Bảo tàng chỉ thỏa mãn bệnh phô trương và chẳng cần cho ai ngoài những người làm ra nó.)
Nhắc tới chuyện bảo tàng ở đây để thấy một là cái công tác lớn viết lịch sử Hội lịch sử phong trào văn học bao gồm nhiều việc, nhiều mặt hoạt động khác nhau, có những việc ta đã làm rồi mà ta không biết. Và hai là toàn bộ các công việc ấy đều đang là nhu cầu cấp thiết. Thậm chí có thể nói là chính nó – cái việc nhìn lại lịch sử ấy – một khi được làm tốt, sẽ là biện pháp hiệu nghiệm nhất để chúng ta vượt lên giai đoạn trì trệ hiện nay.

P.V: - Người Việt Nam mình nói chung vốn không giỏi soạn sử. Ngay như việc ghi chép, lưu trữ để có được nguồn sử liệu mà nghiên cứu mà soạn sử cũng là một việc thường được tiến hành kiểu được chăng hay chớ. Kỳ này, biên soạn cuốn lịch sử của Hội, không biết các soạn giả có gặp phải những khó khăn về nguồn sử liệu hay không?

V.T.N. Khi Nguyễn Tuân mất, Nguyễn Đình Thi là người viết điếu văn. Kể về các sáng tác của người đã khuất, trong điếu văn có câu “Những bài viết của ông về khu Vĩnh Linh sau đã in thành tập Sông tuyến “. Đọc lên tôi biết ngay là anh Thi nhớ nhầm. Sau Sông Đà, cụ Tuân có định làm một tập tùy bút nữa. Cuối một bài lẻ, đăng trên Tạp chí Văn Nghệ khoảng 1962-1963 , cụ đã ghi thêm:”Trích Sông tuyến “. Xưa nay các nhà văn vẫn có lối rao trước những cuốn sách mình đang soạn như vậy.
Chết cái là sau này không một thư mục nào có ghi cuốn sách ấy, vì đơn giản là nó không có. Không rõ lý do làm sao, nhưng Sông tuyến không bao giờ được chào đời. Anh Thi đã viết theo trí nhớ khi đọc tạp chí.
Cuối 1990, nhà văn Ngọc Trai biên soạn cho NXB Hội nhà văn một cuốn sách về Nguyễn Tuân, có lấy lại bài của anh Thi. Khi lo biên tập cho tập sách này, tôi bàn với chị Trai là lên thưa lại với anh Thi xem sao. Chị Trai đã làm và trong cuốn sách, anh Thi đã đồng ý bỏ câu đó. Thế nhưng nhiều tài liệu về sau vẫn dùng cái câu anh Thi viết năm 1987. Chẳng hạn ở Nguyễn Tuân Về tác giả và tác phẩm, NXB Giáo dục, bản in 1998, nó ở trang 544 . Chắc là anh Thi chẳng buồn đi cải chính mà những người làm sách về sau thì chẳng ai đọc cuốn sách bọn tôi đã làm cả.
Những chuyện tương tự vô khối. Nhắc lại để thấy là tính chính xác đang còn là một khái niệm xa lạ với giới nhà văn chúng ta. Lỗi không của riêng ai, lỗi ở hoàn cảnh nhiều khi luộm thuộm. Song không thể để mãi thế được. Phải có các bộ sử khác nhau. và phải bắt tay làm sử một cách cẩn trọng.

PV: - Việc soạn sử, dù là lịch sử một ngành, một Hội, chắc là không thể không bắt đầu bằng việc xác định "quan điểm biên soạn", việc lựa chọn "sự kiện lịch sử", "nhân vật lịch sử"…? Xin cho biết ý anh về những vấn đề này?

V.T.N. Ồ đó lại là chuyện quá lớn, chính vì không thống nhất được quan niệm nên nhiều người mới sinh ngại, không muốn đi vào lịch sử. Có điều đã đến lúc chúng ta không thể cứ lảng tránh mãi.
Quan điểm của tôi là cứ làm đi, rồi nhìn vào thành phẩm giấy trắng mực đen có gì không thống nhất, ta lại bàn tiếp.
Thậm chí nếu có quyền ( với nghĩa có tiền ), tôi còn muốn cùng một lúc đặt vài người khác nhau, mỗi người đưa ra một phác họa lịch sử của riêng mình, từ sự so sánh những kết quả thu được, ta mới tìm được cái ta ưng ý.
Lúc này đây , tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm. Hơn bốn chục năm sống với đời sống văn học đương thời, tôi có một kinh nghiệm là phải triệt để chống tư tưởng bình quân. Bình quân là thế nào ? Là hay dở tốt xấu thậm chí hàng phế phẩm cũng coi là đáng trân trọng là có giá trị . Nếu để tư tưởng bình quân chi phối, người viết biên niên sử nói riêng viết lịch sử nói chung sẽ không tìm đâu ra giấy để ghi hết từng biến động nhỏ trong văn học hơn sáu chục năm nay. Cuốn sách sẽ thành một thứ nhà vô chủ, chỉ làm vui lòng những kẻ tầm thường.
Vậy bản thân cái việc đưa sự kiện nọ hay nhân vật kia vào sách cũng đã là một cách đánh giá rồi. Cũng đòi hỏi tính khoa học nghiêm túc và bản lĩnh, và nhất là trách nhiệm trước đời sống cũng như trước hậu thế.

PV: - Lịch sử Hội Nhà văn chắc hẳn không chỉ là câu chuyện về các kỳ Đại hội, các Ban chấp hành… mà còn bao hàm lịch sử của các "cơ quan cấp II" của Hội như Báo Văn nghệ, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn… Chẳng hạn, liệu những người trẻ tuổi làm báo Văn nghệ bây giờ muốn được hiểu biết hơn về cơ quan mình, họ có thể kỳ vọng điều gì từ công trình lịch sử này?

V.T.N.Bây giờ báo nhiều, có nhiều chỗ để viết chứ hồi đầu chiến tranh, với người trong nghề, chỉ có một cái cửa lớn là báo Văn nghệ. Chính anh Nguyễn Đình Thi đã có lần nửa đùa nửa thật với anh em trẻ chúng tôi rằng thật ra Tổng biên tập báo còn to hơn cả Tổng Thư ký Hội nữa.
Ngày nay tình hình đã khác, song trong tâm trí anh em làm nghề ở ta, ấn tượng về báo vẫn lớn lắm. Bởi vậy trong bất cứ bộ lịch sử Hội nào, những phần có liên quan tới báo Văn Nghệ, tôi tin không ai dám to gan mà viết sơ sài được !
Bộ biên niên đang làm chỉ là khâu đầu tiên trong chuỗi công trình đang làm. Còn một cách nữa để tiến tới lịch sử Hội và lịch sử đời sống văn học từ sau 1945 là sau đây sẽ khởi thảo những đề tài nhánh, như lịch sử tiểu thuyết, lịch sử tiếp nhận tư tưởng văn học nước ngoài, lịch sử dịch thuật …Trong loạt sách đó, không nghi ngờ gì nữa, chiếm hàng đầu phải là Lịch sử báo chí và xuất bản văn học ở VN từ sau 1945. Báo Văn Nghệ sẽ chiếm một vị trí xứng đáng trong tập sách đó.
PV Đóng góp của riêng anh trong loạt sách này ?
V.T.N Trong nghề, tôi hay để ý những chuyện bếp núc.Khi nhắc tới báo Văn Nghệ, tôi nhớ ngay tới những tiền thân của nó, như báo Văn ra năm 1957, như tạp chí Văn Nghệ ra khoảng 1958-1963. Rồi tôi nhớ là năm 1956, báo cũng ra khổ to, và trên măng sét có ghi rõ một danh sách vàng. Biên tập: Văn Cao --Xuân Diệu – Tế Hanh—Bùi Hiển --Nguyên Hồng – Tú Mỡ -- Chu Ngọc - Sĩ Ngọc ; thư ký tòa soạn Nguyễn Đình Thi.
Hoặc như gần đây, báo ta có mở mục đăng lại các sáng tác in ra ở Sài Gòn trước 1975. Vừa thấy mục này tôi nhớ ngay là trên báo Văn Nghệ năm 1956 ( xin miễn nói số báo cụ thể vì tôi không muốn ai đó cuỗm mất tài liệu này rồi nhận vơ là của mình ), tôi còn đọc được cả một lá thư của nhà văn Nguyễn Tuân Thân gửi các bạn nhà thơ nhà văn miền nam, tức là những người lúc đó sống và làm việc ở Sài Gòn.Trong thư, cụ Nguyễn thay mặt Ban chấp hành T.W Hội văn nghệ Việt Nam, bàn chuyện “hai miền cử chung một đoàn nhà văn Việt Nam“ đi dự Hội nghị nhà văn châu Á tổ chức tại Tân Đêli từ 20 đến 23 tháng 12 năm 1956. Cuối thư Nguyễn Tuân “thành thực chúc các bạn mạnh khỏe và sáng tác nhiều để xây dựng nền văn hóa dân tộc của chúng ta “.
Tôi cho đó là những tài liệu thú vị và dự định đưa vào tập hồi ký của mình – đúng hơn là tập ghi chép của tôi qua chặng đường hơn bốn chục năm làm nghề.
Sau phần kêu lên là phải dành nhiều giấy mực cho lịch sử, tôi có thể đóng góp thế thôi. Loạt sách chỉ thành công nếu thu hút được công sức nhiều anh em khác. Ý tôi không muốn gói lại trong họat động của Hội nhà văn VN mà nhìn rộng ra cả sinh hoạt học thuật nói chung. Xin được tha lỗi nếu ai đó cho là tôi xúc phạm họ. Nhưng quả thật tinh thần công chức đang chi phối việc nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử văn học nói riêng. Không ngại mang tiếng cao giọng, tôi muốn nhắn nhủ các đồng nghiệp: viết lịch sử là một cuộc đấu tranh. Phải nghĩ viết lịch sử để đẩy tới nhận thức tinh thần của xã hội. Phải có cái gì mới hẳn , tức là vượt lên so với những cái cũ mình đã làm hôm qua. Chứ cầm hàng tỷ tiền của nhà nước mà mạ lại toàn những gì cổ lỗ thì thật là một điều đáng xấu hổ. Vấn đề không phải là một ít chi tiết mới sưu tầm bổ sung. Vấn đề là ở cái tinh thần của những trang lịch sử mà ta trình ra với bạn đọc .

PV: - Xin cảm ơn anh!


Báo Văn Nghệ trẻ 12-4

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP