NGUỒN CẢM HỨNG CHO NĂM MỚI


Sài Gòn, 11-02-2007
Cách đây khoảng hai tuần, tôi được chị Khanh "mật báo": Báo Tuổi Trẻ số Xuân có một bài viết của Vương Trí Nhàn, có nhắc đến em đó.
Dĩ nhiên là tôi lật đật đi mua tờ Tuổi Trẻ số "Suân" liền, và cảm thấy vừa vui vừa... mắc cỡ vì được khen dữ quá. Như vầy nè:
"Trường hợp về Ngô Thị Giáng Uyên sau đây, tôi không quen nhưng có mấy chi tiết trong một bài báo viết về cô tôi cứ nhớ mãi. Cô học giỏi và tự tin trong giao thiệp, học xong đã tìm được việc ở Anh song vẫn quyết định về nước mở công ty. Khi thấy thời điểm chưa chín muồi cho việc này, cô đi làm cho một công ty nước ngoài...
... Cô không thích gọi mình là thế hệ 8x hoặc @. Cô nhìn những người đi trước với ý nghĩ nhiều người trong họ cũng rất giỏi, chẳng qua không có điều kiện nên không "nổi" như lớp trẻ hiện nay".
v.v...

Trên đây chỉ là một trích đoạn ngắn, tôi làm biếng gõ máy tính quá, bạn chịu khó kiếm tờ Tuổi Trẻ "Suân" nhé. Bài này ở trang 5.

Tôi thật sự cảm thấy bài viết này của ông trên báo Xuân đã cho tôi một nguồn cảm hứng cho những việc sẽ làm trong năm tới. Từ trước tới giờ, tuy đã đạt được một số thành công nhất định nhưng tôi vẫn thấy mình hơi "lôm côm". Hôm nay, đọc những lời khen của một người đi trước dành cho, tôi tự thấy mình cần phải cố gắng thêm nhiều nữa để xứng đáng với mong mỏi của mọi người, và cũng để xứng đáng với chính mình nữa chứ. Tôi nói thiệt đó, không phải "hô khẩu hiệu" đâu.
Còn bạn, bạn có dự định gì trong năm mới chưa?

K / gửi ông Vương Trí Nhàn

Bài ông cho đăng tải trên HỘI NGỘ VĂN CHƯƠNG blog (19-10-2008) , với đầu đề Cần ý thức về sự thiêng liêng của hai chữ "con người", đoạn cuối lời mở đầu nói : SVVN xin trân trọng giới thiệu và mong nhận được nhiều ý kiến thảo luận . Cho nên tôi viết bài tranh luận với ông , phát trên trang blog lekhasy lúc 19h41 ngày 06-11-2008 và tiếp bài thứ hai phát lúc 09h45 ngày 07-11-2008 . Như thế là việc làm của tôi chính đáng , không phải chọc ngoáy. Nhưng sau đó có kẻ giấu tên (ghi là Một bạn đọc) , giấu địa chỉ , gửi vào mảng "góp ý" trên trang blog của tôi, nói: Vương Trí Nhàn vì bận rộn nên quẩn, còn Lê Khả Sỹ là lý cùn. Điều đó không sao , vì ý kiến nhận xét của mỗi người mỗi khác, chứ tôi không giải trình, vì sẽ có đông đảo người đọc bài viết của tôi và thẩm định có "cùn" hay không.. Nhưng đáng tiếc là sau đó lại 4 lần gửi tiếp bằng những lời nói bậy bạ , tục tĩu đối với một số bài của tôi viết về đề tài khác - cả thơ trữ tình riêng tư của tôi , cũng với cách giấu tên thật , giấu địa chỉ . Tỏ rõ thiếu văn hóa , là hạng tiểu nhân có đẳng cấp cao hơn tiểu nhân ông đã nêu trong bài viết nói trên !

Tôi cho rằng , kiểu viết trả thù hèn hạ như thế chẳng giúp gì được ông và ngược lại. Cách phản ứng này có thể : Một là , kẻ bênh vực cho ông ; hai là , kẻ được ông sử dụng để che chắn bằng "đòn đầu gấu trên văn đàn" ; ba là , kẻ có ý đồ xấu đối với ông , cố tình "đổ dầu vào lửa" trêu tức tôi để tôi càng tranh luận gay gắt với ông , thậm chí coi ông là người thiếu văn hóa.

Xin thông báo để ông biết : Sự phản ứng hèn nhát trên , ngoại trừ nó xuất phát từ ý đồ thứ ba mà tôi biết chắc chắn , thì tôi bỏ qua , coi như tranh luận với ông chỉ dừng lại đó là đủ. Nhưng nếu không như thế (tức là nó xuất phát từ ý đồ thứ nhất và thứ hai) và cứ lải nhải tiếp , thì hai bài viết của tôi trao đổi với ông , không chỉ dừng lại đó , mà tôi tiếp tục dẫn luận cho hết cả mười hai đoạn ông nhấn mạnh trong bài viết để khinh bỉ , thóa mạ , chê bôi , gán tội cho nông dân , cho nông thôn, cho xã hội , cho dân tộc. Nó được trình bày trong 6 tiểu mục, trên khoảng 80 trang sách 13 x 18 cm , với số lượng 300 cuốn , sẽ đến tận tay bạn đọc để họ trao đổi với ông.

Do đó, tôi đề nghị ông: Bàn với kẻ muốn chọc ngoáy tôi để bênh vực ông, hãy thay đổi cách chơi cho đứng đắn , viết bài (kể cả đăng báo) tranh luận có đầu có đuôi , bằng lý lẽ , bằng học thuật , bằng tình đời nghĩa thế. Tôi vui vẻ trao đổi , đàm luận , coi đó là chuyện bình thường trong đời sống văn học. Như thế sẽ thực sự có ích cho ông , cho chúng ta. Chứ mà chơi trò trẻ con thì sự giúp đỡ ấy đối với ông chẳng khác chi trong truyện Kiều Nguyễn Du có câu Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau !

Xin ông nhớ cho: Lê Khả Sỹ đã nói là làm, đã làm là quyết làm bằng được, đủ sức làm, không phải "đánh đòn gió" đâu ông Vương trí Nhàn ạ !

Kính chào ông

Bây giờ tôi mới được sống!

Trò chuyện với chúng tôi về chuyên đề Toilet - Nhà nghiên cứu Văn hóa Vương Trí Nhàn phát biểu: Đại tiểu tiện là sự giải thoát, là niềm vui của con người, và nếu giải quyết nó một cách thông minh, không gây khó chịu, không phải là làm cho xong mà tận hưởng được nó, thì không những nó làm cho mình khỏe thêm mà còn làm cho mình ham sống và yêu cuộc sống hơn.

Được biết trong những vấn đề được ông quan tâm, khi nghiên cứu văn hoá, có cả câu chuyện toilet. Xin ông cho biết lý do gì mà ông lại có sự chú ý tới nó như vậy?

Tôi thấy ở Việt Nam cứ nói đến văn hóa thì nghĩ đến những chuyện cao xa trừu tượng, hoặc hoa lá cành cờ đèn kèn trống. Trong khi đó phong cách sống của mỗi cộng đồng, bao gồm suy nghĩ, ăn ở, đi lại... tất cả những cái đó đều là văn hóa.

Một nhà nghiên cứu Trung Quốc là ông Kim Văn Học (Kim Wen Xue) đang dạy đại học ở Nhật có viết sách so sánh văn hóa Trung Hoa - Hàn Quốc và Nhật Bản, từng nói tới cả cách sử dụng toilet và cách trang trí phòng tắm của mỗi nước.

Bản thân tôi, khi đọc sách và đi du lịch ở nước ngoài thường quan sát xem các hiện tượng như nước thải rác đã được người ta giải quyết ra sao. Sự chú ý tới toilet là nằm trong cái mạch đó.

Trong cuốn sách nói trên (đã được dịch ra tiếng Việt), Kim Wen Xue cho biết toilet của Hàn Quốc là phòng hóa trang, vào đó đọc sách và suy nghĩ; còn ở Nhật, chỉ riêng hương liệu và nước thơm cao cấp dùng trong toilet cũng đã có mấy chục loại.

Một nhà văn hóa Trung Quốc đã nói:“Tư thế và cái mông là thước đo quan trọng có thể đánh giá được mức độ thành thực của một loại văn hóa sánh với lễ tiết của dân tộc”. Một nhà văn khác đã miêu tả dáng vẻ trong nhà xí là: “Chân đạp hai hòn gạch, du nhàn ngắm nam sơn”.

Thế còn ở Việt Nam, theo ông đánh giá tình hình ra sao?

Hãy bắt đầu bằng ngôn ngữ. Ai đã đi Trung Quốc đều biết, ngoài chữ W.C, bên ấy họ thường gọi nhà vệ sinh là “ce suo” tức xí sở, hoặc “xỉ shou jian” tức nơi rửa tay.

Còn ở ta, người mình thậm chí không có cái tên nào để gọi cái nơi ấy cả. Cái chữ “xí” là do ta mượn của họ. Có vẻ như người Việt rất coi thường chuyện này, ai cũng phải làm, nhưng không ai muốn nói tới.

Nó nằm trong một căn bệnh lớn hơn là bệnh cẩu thả, sống thế nào cũng xong. Bạn có nhớ câu: “Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng”? Người mình thích xả chất thải ra tự nhiên chung quanh một cách vô tội vạ như vậy, coi đó mới là khôn, là biết sống.

Bừa bãi là một cách để chứng tỏ mình hơn người và mình bất cần đời. Nên nhớ thời xưa, trong ngôi nhà của người Việt mình, các phòng không có sự ngăn cách, mỗi cá nhân không có khoảng không riêng.

Điều này đánh dấu trình độ sống đơn giản, con người chưa tách khỏi nhau mà còn sống lẫn với nhau. Theo tôi quan sát, xu thế sống bày đàn thế này còn có mặt cả trong đời sống hiện đại.

Toilet xưa trong ký ức của ông là gì? Nó có quá… kinh khủng, hay mang chút vui buồn gì không?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng Hà Nội trước năm 1954 là Hà Nội của chiến tranh, chỉ toàn dân ngụ cư chạy loạn. Hồi ấy dân ở rộng lắm, nhà tôi ở Thụy Khuê, một vùng ngoại ô với ba gian nhà lá trên một khoảnh đất đi thuê rộng tới gần 200 m2. Nhưng tôi nhớ rằng lúc đầu nhà tôi cũng không có nhà vệ sinh.

Mỗi khi có nhu cầu, là ra một bãi hoang phía đường Hoàng Hoa Thám. Vài năm sau, người ta xây lên ở đó một dãy nhà vệ sinh công cộng để lấy phân, nhưng chỉ là mấy tấm phên che tạm bợ.

Hà Nội hồi xưa có ông Năm Diệm chuyên làm thầu nhà xí, quản lý đội đổ thùng. Phần lớn các nhà khu phố cổ đều có người đến đổ thùng, còn các xóm ngoại ô như Thụy Khuê thì có dân Cổ Nhuế quản.

Dụng cụ nghề nghiệp của họ là đôi quang gánh và một cái gáo nhỏ làm bằng thiếc, tròn như cái nón lật ngược. Lúc này nhiều gia đình đã có hố xí riêng làm ngay cạnh nhà, nhưng rất sơ sài, không phải tự hoại. Cứ độ vài hôm là có các bà Cổ Nhuế xuống lấy, mà lúc nào xuống lấy thì bẩn lắm.

Xin kể thêm một chi tiết về cuộc sống của Hà Nội trước năm 1954, ở phố Hàng Buồm. Thời ấy Hoa Kiều nhiều lắm và họ sống trong những ngôi nhà cũ chật chội đến mức không có cả nhà vệ sinh. Nhiều khi tiếp khách, họ ngồi ngay trên cái bô vừa chuyện trò vừa đi giải, đi đại tiện, một cách tự nhiên. Xong việc họ đẩy cái bô vào gầm giường.

Vâng, trong quá khứ câu chuyện đi toilet thật là vừa bi vừa hài, nhưng xin hỏi ông, thời của công nghệ, hẳn chuyện toilet phải tiến bộ lắm rồi?

Có nhiều nhà Việt Nam mới xây, có nhà, diện tích ở thì rộng, mà khu vệ sinh thì chật. Có vẻ như nó hoàn toàn không được chú trọng, chỉ cốt là có, và chi phí càng ít càng tốt.

Nhưng mọi chuyện sẽ biến đổi dần dần. Có lần tôi nghe đứa cháu nói: “Cậu ơi, công trình phụ bây giờ là công trình chính đấy ạ” thì tôi à lên rằng, giờ đây, người ta đã biết sống rồi!

Chừng nào ở nông thôn cũng như Hà Nội có những nhà vệ sinh hiện đại, tốt, và người Việt Nam biết tận hưởng niềm vui trong khi đi giải quyết chất thải, thì khi đó là Việt Nam chúng ta đã trưởng thành.

Một vài nhận xét của ông khi chúng ta thử nhìn rộng ra cả xã hội, nhất là nơi công cộng?

Chuyện này thì khó khăn thật. Tôi đã thường cố gạt đi mà đôi lúc vẫn không tránh khỏi cảm tưởng Hà Nội chưa bao giờ nhếch nhác như bây giờ. Thực tế, từ cái nghèo mà người ta bẩn, có điều sau đó, khi đã giàu lên, người ta vẫn không để ý đúng mức tới sự vệ sinh.

Không kể chuyện rác chuyện cống rãnh, ngay chuyện đại tiểu tiện, so với những năm chiến tranh, chẳng những không khá lên được bao nhiêu, mà có nhiều mặt còn tệ hại đi. Có bao giờ chúng ta thử đếm xem tỷ lệ nhà xí công cộng so với mật độ dân ở Hà Nội ra sao?

Có lẽ trên thế giới này không có thành phố nào lại ít nhà vệ sinh công cộng như Hà Nội. Mọi người toàn giải quyết ở gốc cây, góc tối. Đói kém lâu ngày, ta đâm ra coi thường vệ sinh. Rồi khi biết ra thì lại bài bậy, thậm chí lại lý tưởng hóa nó, coi nó là đặc trưng là bản sắc, không ngồi ăn bên cống rãnh không phải là người Hà Nội (!).

Cách sống cũng như cách nghĩ ấy chỉ chứng tỏ Hà Nội còn là một thành phố kiểu trung đại. Và nếu biết rằng, mỗi ngày có khoảng 500 ngàn người các tỉnh lân cận, từ bà bán rau đến anh xe ôm, anh thợ nề, máy cô quang gánh ngồi đầu phố đến chợ người – tất cả đổ về Hà Nội, quần thảo Hà Nội.

Phần lớn Hà Nội được xây dựng bằng thợ từ nông thôn lên, các cửa hàng ăn Hà Nội được phục vụ bằng những ô-sin tỉnh lẻ, thì chúng ta hiểu rằng mọi chuyện không thể khác được.

Quay trở lại từng gia đình: phải chăng nhìn vào toilet, có thể liên tưởng phần nào đến mức sống của gia đình đó ?

Vâng, xã hội ngày càng thêm những người giàu lên. Tôi muốn nhấn mạnh giàu trên hai phương diện: cả tiền bạc vật chất tiện nghi, và cả đời sống tinh thần. Tức là không phải cứ sắm đồ thật nhiều, thật sang, mới là sành điệu, là giàu.

Tôi có nghe người nước ngoài nói dân Việt Nam tiêu tiền ác lắm, các loại toilet mới nhất, bao tiền họ cũng mua. Nhưng có một điều cần suy nghĩ: nó không đồng bộ, nó khập khiễng.

Khi mua, người ta không tự hỏi nó đã phù hợp với gia đình mình chưa, và cái quan trọng nhất là cách sử dụng các thiết bị đó ra sao để nó trở thành một nhân tố thực sự mới mẻ. Đã là văn hóa sống thì không phải ngày một ngày hai là đạt được ngay!

Vậy đâu là dấu hiệu của trình độ mà ông nghĩ là chúng ta phải tiến tới?

Nếu con người chỉ biết sống trong đám đông ồn ào và lẫn mình đi thì chưa phải là con người văn hóa. Tôi muốn nhấn mạnh tới con người có cuộc sống riêng, con người đơn độc. Sở dĩ thời nay người ta đọc sách ít vì người ta không có nhu cầu đó. Và nhu cầu đơn độc này cũng liên quan đến văn hóa toilet.

Chỉ có thể bảo niềm vui sướng đã đến với con người trong phòng toilet khi mỗi cá nhân, đồng thời với việc giải quyết một trong tứ khoái đó, có dịp nghĩ về mình, mình là gì, mình đang ở chỗ nào, mình sống như thế nào. Những lúc đơn độc đó mang lại cho chúng ta một niềm sung sướng cao cả thanh khiết.

Còn ông, ông thích một không gian toilet thế nào?

Tôi biết hiện nay có nhiều người sùng bái tiện nghi, sau khi săn tìm được của lạ, của độc, nhiều tiền, thấy mình đã ghê gớm lắm. Đó phần nhiều cũng chỉ là hạng giàu sổi, tôi chả ghen tị với họ làm gì.

Tôi đang sở hữu một không gian toilet đơn giản, hợp với mức sống của tôi. Tôi sống với nó một cách tự nhiên, vào ra không thấy bị cách bức, ngần ngại. Ở đó, tôi không làm phiền ai mà cũng không tự làm phiền mình.

Đang làm việc dở có khi tôi cầm cả cuốn sách theo vào đó mà tiếp tục đọc. Trên sáu mươi tức tuổi đã già, nhưng tôi nghĩ, ở phương diện này, bây giờ mình mới được sống!

Xin cảm ơn ông!

Lan Anh(09/10/2007)DEP online

sống khác đi khó lắm

Là nhà phê bình, ông thấy văn học của chúng ta hiện nay có vai trò gì trong cuộc sống?
Văn học có lỗi. Văn học chưa trở thành bè bạn, chưa giúp cho con người sống tốt hơn.
Cụ thể là lỗi gì?
Tôi kêu A, cậu kêu A; ông này kêu A ông kia đều A; chúng ta kêu A A A A A... Mỗi người tự phát cất lên tiếng nói của mình. Ai cũng viết được văn thơ. Nhưng không phải là thứ văn chương với tư cách là tiếng nói tự nhận thức của xã hội. Không dành cho tôi, không dành cho cậu, mà chỉ dành cho chính nhà sáng tác trong phút cao hứng nào đó...
Nhưng ông vẫn viết đều đều?
Tôi tha thiết mong sao tiếng nói của mình có thể cần thiết cho một số người nào đó. Nhưng không phải bao giờ cũng làm được như ý muốn. Những lúc biết mình không cần cho ai, tôi rất buồn.
Ông vượt qua hạn chế ấy bằng cách nào?
Tự học thêm để hiểu mình và hiểu chung quanh.
Ông có thấy mình là người thành đạt?
Xét theo tiêu chuẩn thông thường thì không. Nhưng tôi bằng lòng với với quãng đời đã qua của mình. Trong chừng mực nào đó, tôi có làm đuợc một ít việc tôi muốn.
Ông có cho rằng mình có một tuổi trẻ tươi đẹp?
Không. Hồi trẻ tôi sống khó khăn lắm. Đơn độc. Cứng nhắc. Lúc tự kiêu lúc tự ti. Nói chung là không tìm thấy mình.
Ông có bắt gặp điều đó ở lớp trẻ hiện nay?
Có, có. Một số người tuổi tôi hay ghen với những may mắn của lớp trẻ bây giờ. Tôi thì thấy họ vẫn có những điểm đáng thương... Họ cũng cô đơn và mất tự do.
Mất tự do, thực sự điều này hơi khó hiểu...
Con người bây giờ bị bao nhiêu thứ lôi kéo. Lúc nào cũng không đủ thời gian để hưởng thụ cuộc sống. Như khi ra chợ, có quá nhiều hàng hoá để lựa chọn. Đây là cách nói của một thanh niên: "Lúc nào cũng có vài chục nhãn hiệu áo sơ mi. Mỗi nhãn hiệu có gần mười chất liệu. Mỗi chất liệu có hai chục màu. Mỗi màu có mười cỡ, mỗi cỡ có ba chục kiểu. Không chọn thì tiếc, sợ không mua được cái khá nhất". Tôi cũng thấy như anh bạn trẻ ấy, chỉ nói thêm cái sự nhiều đó tạo nên lệ thuộc. Và người ta không đủ bình tâm để nghĩ về những điều nghiêm chỉnh nhất của đời sống.
Chung quanh sự mất tự do, còn gì nữa không, thưa ông?
Còn. Đó là quan niệm tự do nhăng cuội. Ăn nói lung tung, muốn yêu thì yêu, muốn chơi thì chơi, muốn làm gì thì làm, và ngộ nhận rằng thế là đã độc lập quyết định...
Nhưng dám "là mình" là một trong những quyền cơ bản của tuổi trẻ?
Đúng. Nhưng tôi muốn nhắc lại tự do nói ở đây không đồng nghĩa với bừa bãi tuỳ tiện. Mà là thứ tự do chân chính, tự do của kẻ hiểu mình hiểu đời và tìm được thứ quyết định tối ưu hoàn cảnh cho phép. Trong khi giữ được sự thanh thản bởi biết rằng cuộc đời bao giờ cũng phải chịu những hạn chế, thì vẫn nỗ lực tác động tới đời sống, và tin ở sự cần thiết của mình trên đời. Thứ tự do bên trong ấy, không ai cho được. Nên người ta vẫn nói sử dụng quyền tự do là một chuyện khó.
Khi xưa ai cấm duyên bà. Bây giờ, bà già bà cấm duyên tôi. Chẳng nhẽ ngày trẻ ông không có cái khoái cảm được làm khác với sự chỉ dẫn của lớp người đi trước?
Có. Nhưng tôi không cho rằng bất cứ cái gì làm khác với những người đi trước cũng là đúng là hay. Điều quan trọng hơn là làm được những điều mới mẻ thực sự.
Ông hiểu thế nào về những sai lầm trong một đời người?
Có những sai lầm thuộc về phương hướng mà nếu mắc phải thì coi như hỏng luôn. Tuy nhiên phổ biến hơn là những sai lầm lặt vặt. Một thứ bệnh sởi. Dễ bị lây lắm. Đó cũng là một đặc điểm của cuộc sống hiện đại.
Vâng, hiện đại. Ông có biết rằng lớp trẻ hiện nay thích cái từ hiện đại ấy lắm?
Biết chứ. Và tôi cũng biết các bạn trẻ bây giờ thường chỉ nhìn thấy ở những người già cái phần cổ lỗ. Tôi không hoàn toàn phản đối. Một thời gian dài ở ta chiến tranh chi phối tất cả. Trong khi ấy cuộc sống phát triển rất xa. Chúng ta loay hoay trong tình trạng lạc hậu. Vì thế không chỉ các bạn mà bất cứ ai còn tỉnh táo và tự trọng đều muốn vươn tới một cách sống cách nghĩ khác, muốn trở nên hiện đại như chúng ta đang nói.
Sao khi bàn về nó ông lại có vẻ băn khoăn?
Vì hiện đại là một cái gì khó nắm bắt. Ví dụ nhiều người cứ tưởng hiện đại là văn minh công nghiệp, là xa đời sống thiên nhiên. Nhưng ở châu Âu bây giờ người ta lại thích quay trở lại với tự nhiên. Ta chưa đuổi kịp họ thì họ đã khác rồi.
Nói cho thật gọn, cuối cùng thì hiện đại là gì?
Là cái cách người ta nhìn nhận cuộc sống, ngày càng gần đúng với bản chất của đời sống. Nhờ thế con người cảm thấy được tự do hơn mà mọi tiềm năng cũng được khai thác triệt để hơn.
Thế thì ăn mặc theo mốt, dùng điện thoại di động, nhuộm tóc... của lớp trẻ chẳng phải là đổi mới theo hướng hiện đại đó sao?
Tôi không phản đối, nhưng muốn sau đó cac bạn nắm được cái gì là cốt lõi của quan niệm hiện đại. Nhiều người đi xe máy song vẫn mang tâm lý của một anh đi xe đạp. Như thế đâu đã phải là theo kịp cái mới.
Liệu ông có thể sơ bộ nêu sự khác nhau giữa tư duy cũ và tư duy mới, là điều kiện cần thiết để có cái hiện đại mà ông mong mỏi.
Các cụ nói ở hiền gặp lành. Đúng, nhưng chưa đủ. Tư duy hiện đại là, ở hiền có thể gặp lành mà cũng có thể không gặp lành. Một nguyên nhân có thể mang lại nhiều kết quả trong khi có nhiều nguyên nhân khác nhau lại tạo nên cùng một hiệu quả duy nhất. Cách nhìn như thế mềm mại hơn, uyển chuyển hơn cách nhìn cũ, nó giúp chúng ta mạnh dạn đi vào đời sống và sẽ giải phóng ở mỗi người những sức lực chưa ai lường hết.
Những tệ nạn xã hội, hay những trò quậy phá của lớp trẻ là do đâu?
Cô đơn vì thiếu hiểu biết. Phải làm ồn lên một chút để khẳng định mình.
Ông có sợ lớp trẻ sẽ làm một điều gì đó không đúng, không hay, như đôi khi các bậc cha chú vẫn lo?
Không. Cái tôi lo là họ không theo kịp thời đại.
Ông có thể nói rõ hơn điều này.
Nói kinh doanh để kiếm tiền thì không sai. Nhưng chỉ để kiếm tiền không thôi thì loại không đủ. Mục đích của doanh nhân cao hơn thế, là khám phá. là chinh phục, là giải phóng những tiềm năng. Phải đặt ra mục đích như vậy anh mới đi xa được. Tại sao các nhà khoa học dám bỏ cả đời để nghiên cứu một hiện tượng nào đó? Tại sao những doanh nhân bỏ cả đời để đưa sản phẩm của mình ra với thế giới? Đó là thái độ tích cực với cuộc sống.
Ông có sống được theo quan điểm hiện đại mà ông nghĩ?
Không. Tôi thuộc về thế hệ cũ. Trong chiến tranh, chúng tôi phải nhặt từng tờ giấy một mặt để viết. Que diêm phải tách đổi để dùng được hai lần. Không ai bảo là cần học ngoại ngữ, mà có biết ngoại ngữ cũng không có sách để đọc... Thành thử giờ đây trước một cuộc sống nhiều thay đổi, vẫn cứ luôn luôn phải cố. Chúng tôi đã nhận ra sự yếu kém của thế hệ mình. Tôi chỉ phấn đấu để có được một cách nghĩ thông thoáng đủ sức lý giải các vấn đề của con người hiện đại.
Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống, theo ông?
Trình độ sống. Tôi ngờ nhiều người chúng ta thuộc loại sức sống rất cao nhưng trình độ sống thì chưa chắc.
Cũng có thể người trẻ sẽ tiếp thu thêm những gì mình còn thiếu từ các nền văn hoá khác nhau...
Không dễ đâu. Hãy nhìn vào một số người Việt đang sống ở nước ngoài. Họ vẫn có đủ những thói xấu như khi đang còn trong nước.
Ông có vẻ bi quan thì phải?
Xin phép quay lại chuyện văn học. Sau giải phóng, một thế hệ các nhà văn từ chiến trường trở về đầy háo hức, nghĩ sẽ làm những điều gì đó thật... ra hồn. Thế mà cho đến nay, thử hỏi có được mấy người thực hiện cái ao ước mình đã tự đặt ra. Một số trong chiến tranh có đóng góp, nhưng sau đó hình như sức lực đã cạn kiệt, chỉ còn là cái miếu thờ.
Hoặc như nhìn vào một số cây bút trẻ hiện nay. Họ muốn thay đổi, nhưng những thành tựu của họ chưa chín, chưa đủ sức thuyết phục. Tôi xin nhắc lại, sống khác đi khó lắm!
Với các sinh viên ông có thể nói với họ?
Cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước là tìm cách vượt lên trên họ. Lúc này tôi vẫn nghĩ thế.

Hỏi thẳng trả lời thật với nhà phê bình Vương Trí Nhàn

Ông đã đọc tôn chỉ của chuyên mục HTTLT chưa? ý ông thế nào?
Tôi tán thành. Tiếp cận từ góc độ suồng sã cuộc sống sẽ vui hơn, dễ gần nhau hơn.

Kể từ sau "Những kiếp hoa dại" không thấy ông in gì?

In bây giờ dễ quá, là thời đại của đua nhau số lượng, tôi thử đi ngược dòng xem sao. tôi cho rằng đời người viết chỉ có một vài cuốn sách còn lại, đã quí. Ông Duy Khán cả đời thơ là vớ vẩn, còn lại là tập văn xuôi Tuổi thơ im lặng.

Vậy theo ông, ở mảng sách phê bình, người ta in nhiều như thế để làm gì?

Để vào hội. Vào hội rồi thì dễ dự giải thưởng Hội Nhà văn.

Cảm giác tức thời của ông khi biết tin "Những kiếp hoa dại" không được giải?

Có hơi buồn. Nhưng ngay sau đó thì được an ủi: Được giải thưởng hình như còn là số, ông ạ. Vả lại thường có một độ chênh giữa động cơ và hiệu quả. Ông Nguyên Hồng hay khóc khi viết, anh em ở Hải Phòng nấp xem, sau nghiệm rằng chỗ nào nhà văn khóc thì văn lại nhạt. Trong sân khấu thì có việc diễn viên dẫu khóc mà người xem lại cười. Văn hoá Việt Nam không thể nói là thấp mà dân thì cứ vứt rác ra đường.

Xem ra, ông biết nhiều chuyện bếp núc của văn chương?

Nhà phê bình cũng cần đi thực thế, thực tế của họ là đời sống các nhà văn, 30 năm công tác, tôi chỉ ở 2 cơ quan. Văn nghệ quân đội và Nxb Hội Nhà văn. Nhờ vậy tôi hiểu kỹ các nhà văn. Ông Nguyễn Khải là người rất ghét thói đỏng đảnh làm nũng. Khi tôi nhận xét rằng, Nguyễn Khải cũng có làm nũng thì ông rất ghét, bảo "Mày thì biết gì, chỉ hóng hớt". Tôi cãi "8 năm ông chỉ thích nói chuyện với tôi, chứng tỏ tôi biết nghe biết gợi hỏi để ông nẩy nở cái của ông chứ." Vâng, hiểu nhà văn, hiểu xã hội thì hiểu kỹ tác phẩm. Nhà văn là cái cây mọc trên đất xã hội.

Nhưng phê bình cánh hẩu cũng từ đó mà ra?

Nxb Văn học nhờ tôi làm tuyển Nguyễn Khải. Tôi bỏ xung đột I, ông Khải thích nó kiên quyết giữ. Tôi bảo: "Mặt ông, nhưng thợ ảnh là tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước bạn đọc về "bức ảnh ông của tôi". Nếu ông lấy xung đột I thì ông nhờ người khác." Ông Khải phải chịu. Hiểu đời sống văn học, khi phê bình quyển của ông A, các nhà văn B, C, D đều thấy mình trong đó.

Xét về khía cạnh đó, thế hệ sau 75 không có nhà phê bình của mình?

Tôi thấy như vậy. Và đó là sự thiệt thòi của các bạn ấy- của cả nền văn học thì đúng hơn. Nhưng tôi chả nên là gái goá lo việc triều đình.

Cụ Nguyễn Tuân bảo: "Khi tôi chết, nên chôn cạnh tôi một nhà phê bình, để tiếp tục cãi nhau". Có đúng cụ nói vậy không? Nếu đúng, thì ông hiểu câu ấy là thế nào?

Theo chỗ tôi biết, cụ Nguyễn Tuân có nói thế. Điều đó cho biết khoảng cách giữa tác giả và nhà phê bình là có thật. Và tranh luận là một điều thú vị.
Khởi nghiệp lý luận của ông là cuốn "Sổ tay truyện ngắn" đưa ra một lý thuyết rất mềm về thể loại này. Mới dây, đọc bài "ngoài trời lại có trời", tôi bèn tin rằng ông là số ít nhà lý luận không lắp ghép. Ông khảo sát từ đời sống văn học để nâng lên thành lý luận của mình. Nhưng như thế là ông đọc rất nhiều?
Nếu không có gì khác ông ốp, ông ép thì tốt hơn hết là im lặng. Nhưng chọn lỗi này là rất dễ bị bắt bẻ, rằng ông ốp không nói thế.

Ông vừa bảo" tranh luận là một điều thú vị". Mà này, ông uống đi chứ?

Tôi không uống được. Tôi giống với công chức hơn một nhà văn. Tôi viết ban ngày.

"Trên nét lớn" ông còn hay xỉ mũi?
(cười) ông thông cảm, tại bia đấy.

Nhưng nhà văn và công chức khác nhau ở chỗ nào?
Tôi không biết. Nhưng tôi biết rằng người ta phân biệt một cao bồi ở quần áo đầu tóc của hắn, một nhà văn tồi thì chịu.

Ông không bồ bịch gì nhỉ?

Không. Nhưng tôi rất thích nghe nói chuyện về bồ bịch.

Ông thu nhập từ báo chí được bao nhiêu?
Được một số đông bạn đọc, cứ cầm tờ báo lên là họ tìm mục của tôi, họ làm chứng rằng tôi còn đang nghĩ. Và mỗi tháng thu nhập khoảng triệu rưỡi đến hai triệu.
Cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta là một bí mật. Xem ra ai cũng thế cả. Bà xã tôi mua mua bán bán. Tôi sống nhờ vợ, đúng theo lời khuyên của Nguyễn Khải.

Kể con người không nghiện thứ gì như ông cũng chán?

Có thể tôi vẫn chán, nhưng tôi nghiện bóng đá. Bóng đá luôn mang đến sự bất ngờ. Có thể như nhiều người dự đoán, lần này Brazin vẫn sẽ vô địch, Ronaldo sẽ lên ngôi nhưng là một Brazin mới, một Ronaldo mới, bất ngờ là ở đó. Văn học cũng thế. Nhà văn cũng phải thế mới được.
Xin cảm ơn ông.
(Văn nghệ trẻ 20-5-98)

nhà phê bình của chúng tôi

Hồi ấy, chúng tôi gọi anh là "Nhà phê bình của chúng tôi" chỉ vì anh là bạn cùng lứa. Lũ bạn "bốc dưa" thuở sinh viên. Đi đến nhà ai đều quần tam tụ ngũ, tự vào bếp nhà bạn, lục cơm nguội, tìm vại dưa, gia đình bạn chỉ ngồi nhìn và cười. ấy là cái khoa Văn Sư phạm sau này có tiếng vì tụ tập rất nhiều cây bút: Ma Văn Kháng, Lâm Quang Ngọc, Nghiêm Đa Văn, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình ảnh, Tống Khắc Hài, Tô Hoàng, Phạm Tiến Duật... Tất cả đều làm thơ, viết văn, chỉ có một người xông vào phê bình: đó là Vương Trí Nhàn.
Đầu năm 1964, bác sĩ Nguyễn Văn Hiến và nhà thơ Thanh Hải từ miền Nam, tuyến đầu của Tổ quốc ra thăm miền Bắc "Cách nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi ngàn đèo gặp nhau" -Thơ Thanh Hải- Khi tới thăm Đại học Sư phạm, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu hỏi "Ai xung phong vào Nam chiến đấu?" Tất cả sinh viên, mấy nghìn người, đều giơ tay thẳng tắp, trong đó có Vương Trí Nhàn. Không phải ai cũng được vào Nam. Chỉ có một số ít người đã tốt nghiệp năm ấy được gia nhập quân đội tháng 8/1964, một ngày trước ngày xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Chúng tôi mặc áo lính. Tôi trở thành pháo thủ pháo cao xạ của Tiểu đoàn 24 trực thuộc Quân khu Tây Bắc, đóng ở Sơn La. Vương Trí Nhàn cũng trở thành lính pháo nhưng là mặt đất. Đơn vị của Nhàn đóng cách chỗ tôi có mấy quả đồi. Ai mặc quân phục thì đẹp, chứ Nhàn mặc quân phục trông buồn cười lắm, chả có bộ quân phục nào vừa. Bộ nào cũng rộng thùng thình. Tôi chỉ gặp Nhàn đúng một lần khi ở Tây Bắc. Bốn tháng sau đó tôi bắt đầu trôi dạt trên tuyến giao thông vận tải từ Hà Nội vào Nam. Mãi đến năm 1967 tôi mới lại gặp Vương Trí Nhàn ở tuyến lửa Nghệ An. Khi ấy Nhàn đã là cán bộ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tạp chí ấy thật tinh mắt, sớm nhìn thấy sự sắc sảo của một cây bút phê bình trẻ, tuy lúc ấy Nhàn viết chưa nhiều. Mà Nhàn cũng gặp may. Tôi với Đỗ Chu có kém gì Nhàn mà lêu bêu mãi ở các đơn vị, còn Nhàn sớm được đánh đu với những Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Trọng Oánh... ở một trong vài cơ quan văn học hàng đầu của đất nước. Cứ được ngồi nghe hóng các ông ấy tán chuyện đã có thể có vốn để làm, để nghĩ cho cả đời rồi. Chính từ sự gần gũi hàng ngày ấy, Vương Trí Nhàn có điều kiện để quan sát, suy ngẫm và có các công trình về các nhà văn quân đội, đặc biệt là về Nguyễn Minh Châu và sau đó là Nguyễn Khải.
Chắc Nhàn phải mang ơn cái nhà số 4 ấy lắm. Cũng phải có ngôi nhà ấy mới có cớ trời xe duyên cho Nhàn. Sáng sớm hàng ngày, Vương Trí Nhàn mở cửa sổ nhìn xuống đường phố Lý Nam Đế. Cứ đúng vào giờ ấy, một cô công nhân mặc áo xanh sĩ lâm, tóc dài, đạp xe đạp qua. Cô gái trẻ xinh đẹp vô tình nhìn lên bắt gặp người đang nhìn mình. Sau lần mở cửa sổ thứ một trăm, được sự khuyến khích của các anh đi trước. Nhàn đành liều xuống đường làm quen. Bây giờ chị ấy là vợ Nhàn. Cái việc yêu đương xem ra thuận lợi thế chứ con đường phê bình thì chông gai lắm. Cùng với thầy Nguyễn Đăng Mạnh (thầy theo nghĩa đen, ông dạy chúng tôi ở khoa Văn Sư phạm từ năm 1961 đến năm 1964), Vương Trí Nhàn là một trong số không nhiều nhà phê bình "viết văn có văn". Có lẽ vì cả thầy Mạnh và Nhàn đều có sáng tác thơ. Thơ thầy Mạnh có công bố mà Nhàn thì không. Nhàn chỉ làm thơ cho Nhàn đọc. Hồi ở Nghệ An năm 1967 ấy, Vương Trí Nhàn có một bài thơ khá hay mà tôi thuộc được hai câu: "Chưa bao giờ ta đến gần cái chết/ Như hôm nay trước cửa ngõ Nam Đàn". Vì có dây với sáng tác nên mới dễ mang hoạ. Cả thày Mạnh và Vương Trí Nhàn đều có nhiễm cái bồng bột dễ thương của người sáng tác. Cứ nói câu bao quát ngẫu hứng là dễ điêu đứng lắm. Các ông không phải là chúng tôi. Khổ lắm. Chúng tôi hứng lên có thể nói những câu bốc lão, coi trời bằng vung. Các ông uy nghi là nhà phê bình phải cẩn trọng lắm. Kiểm tra lưỡi kỹ càng hãy nói. Phải khóc chúng tôi mới là "nhà phê bình của chúng tôi" vậy.
7/8/2003
(Tiền Phong số 185 ngày 16/9/2003
Phạm Tiến Duật
SỐ TRUY CẬP