sống khác đi khó lắm

Là nhà phê bình, ông thấy văn học của chúng ta hiện nay có vai trò gì trong cuộc sống?
Văn học có lỗi. Văn học chưa trở thành bè bạn, chưa giúp cho con người sống tốt hơn.
Cụ thể là lỗi gì?
Tôi kêu A, cậu kêu A; ông này kêu A ông kia đều A; chúng ta kêu A A A A A... Mỗi người tự phát cất lên tiếng nói của mình. Ai cũng viết được văn thơ. Nhưng không phải là thứ văn chương với tư cách là tiếng nói tự nhận thức của xã hội. Không dành cho tôi, không dành cho cậu, mà chỉ dành cho chính nhà sáng tác trong phút cao hứng nào đó...
Nhưng ông vẫn viết đều đều?
Tôi tha thiết mong sao tiếng nói của mình có thể cần thiết cho một số người nào đó. Nhưng không phải bao giờ cũng làm được như ý muốn. Những lúc biết mình không cần cho ai, tôi rất buồn.
Ông vượt qua hạn chế ấy bằng cách nào?
Tự học thêm để hiểu mình và hiểu chung quanh.
Ông có thấy mình là người thành đạt?
Xét theo tiêu chuẩn thông thường thì không. Nhưng tôi bằng lòng với với quãng đời đã qua của mình. Trong chừng mực nào đó, tôi có làm đuợc một ít việc tôi muốn.
Ông có cho rằng mình có một tuổi trẻ tươi đẹp?
Không. Hồi trẻ tôi sống khó khăn lắm. Đơn độc. Cứng nhắc. Lúc tự kiêu lúc tự ti. Nói chung là không tìm thấy mình.
Ông có bắt gặp điều đó ở lớp trẻ hiện nay?
Có, có. Một số người tuổi tôi hay ghen với những may mắn của lớp trẻ bây giờ. Tôi thì thấy họ vẫn có những điểm đáng thương... Họ cũng cô đơn và mất tự do.
Mất tự do, thực sự điều này hơi khó hiểu...
Con người bây giờ bị bao nhiêu thứ lôi kéo. Lúc nào cũng không đủ thời gian để hưởng thụ cuộc sống. Như khi ra chợ, có quá nhiều hàng hoá để lựa chọn. Đây là cách nói của một thanh niên: "Lúc nào cũng có vài chục nhãn hiệu áo sơ mi. Mỗi nhãn hiệu có gần mười chất liệu. Mỗi chất liệu có hai chục màu. Mỗi màu có mười cỡ, mỗi cỡ có ba chục kiểu. Không chọn thì tiếc, sợ không mua được cái khá nhất". Tôi cũng thấy như anh bạn trẻ ấy, chỉ nói thêm cái sự nhiều đó tạo nên lệ thuộc. Và người ta không đủ bình tâm để nghĩ về những điều nghiêm chỉnh nhất của đời sống.
Chung quanh sự mất tự do, còn gì nữa không, thưa ông?
Còn. Đó là quan niệm tự do nhăng cuội. Ăn nói lung tung, muốn yêu thì yêu, muốn chơi thì chơi, muốn làm gì thì làm, và ngộ nhận rằng thế là đã độc lập quyết định...
Nhưng dám "là mình" là một trong những quyền cơ bản của tuổi trẻ?
Đúng. Nhưng tôi muốn nhắc lại tự do nói ở đây không đồng nghĩa với bừa bãi tuỳ tiện. Mà là thứ tự do chân chính, tự do của kẻ hiểu mình hiểu đời và tìm được thứ quyết định tối ưu hoàn cảnh cho phép. Trong khi giữ được sự thanh thản bởi biết rằng cuộc đời bao giờ cũng phải chịu những hạn chế, thì vẫn nỗ lực tác động tới đời sống, và tin ở sự cần thiết của mình trên đời. Thứ tự do bên trong ấy, không ai cho được. Nên người ta vẫn nói sử dụng quyền tự do là một chuyện khó.
Khi xưa ai cấm duyên bà. Bây giờ, bà già bà cấm duyên tôi. Chẳng nhẽ ngày trẻ ông không có cái khoái cảm được làm khác với sự chỉ dẫn của lớp người đi trước?
Có. Nhưng tôi không cho rằng bất cứ cái gì làm khác với những người đi trước cũng là đúng là hay. Điều quan trọng hơn là làm được những điều mới mẻ thực sự.
Ông hiểu thế nào về những sai lầm trong một đời người?
Có những sai lầm thuộc về phương hướng mà nếu mắc phải thì coi như hỏng luôn. Tuy nhiên phổ biến hơn là những sai lầm lặt vặt. Một thứ bệnh sởi. Dễ bị lây lắm. Đó cũng là một đặc điểm của cuộc sống hiện đại.
Vâng, hiện đại. Ông có biết rằng lớp trẻ hiện nay thích cái từ hiện đại ấy lắm?
Biết chứ. Và tôi cũng biết các bạn trẻ bây giờ thường chỉ nhìn thấy ở những người già cái phần cổ lỗ. Tôi không hoàn toàn phản đối. Một thời gian dài ở ta chiến tranh chi phối tất cả. Trong khi ấy cuộc sống phát triển rất xa. Chúng ta loay hoay trong tình trạng lạc hậu. Vì thế không chỉ các bạn mà bất cứ ai còn tỉnh táo và tự trọng đều muốn vươn tới một cách sống cách nghĩ khác, muốn trở nên hiện đại như chúng ta đang nói.
Sao khi bàn về nó ông lại có vẻ băn khoăn?
Vì hiện đại là một cái gì khó nắm bắt. Ví dụ nhiều người cứ tưởng hiện đại là văn minh công nghiệp, là xa đời sống thiên nhiên. Nhưng ở châu Âu bây giờ người ta lại thích quay trở lại với tự nhiên. Ta chưa đuổi kịp họ thì họ đã khác rồi.
Nói cho thật gọn, cuối cùng thì hiện đại là gì?
Là cái cách người ta nhìn nhận cuộc sống, ngày càng gần đúng với bản chất của đời sống. Nhờ thế con người cảm thấy được tự do hơn mà mọi tiềm năng cũng được khai thác triệt để hơn.
Thế thì ăn mặc theo mốt, dùng điện thoại di động, nhuộm tóc... của lớp trẻ chẳng phải là đổi mới theo hướng hiện đại đó sao?
Tôi không phản đối, nhưng muốn sau đó cac bạn nắm được cái gì là cốt lõi của quan niệm hiện đại. Nhiều người đi xe máy song vẫn mang tâm lý của một anh đi xe đạp. Như thế đâu đã phải là theo kịp cái mới.
Liệu ông có thể sơ bộ nêu sự khác nhau giữa tư duy cũ và tư duy mới, là điều kiện cần thiết để có cái hiện đại mà ông mong mỏi.
Các cụ nói ở hiền gặp lành. Đúng, nhưng chưa đủ. Tư duy hiện đại là, ở hiền có thể gặp lành mà cũng có thể không gặp lành. Một nguyên nhân có thể mang lại nhiều kết quả trong khi có nhiều nguyên nhân khác nhau lại tạo nên cùng một hiệu quả duy nhất. Cách nhìn như thế mềm mại hơn, uyển chuyển hơn cách nhìn cũ, nó giúp chúng ta mạnh dạn đi vào đời sống và sẽ giải phóng ở mỗi người những sức lực chưa ai lường hết.
Những tệ nạn xã hội, hay những trò quậy phá của lớp trẻ là do đâu?
Cô đơn vì thiếu hiểu biết. Phải làm ồn lên một chút để khẳng định mình.
Ông có sợ lớp trẻ sẽ làm một điều gì đó không đúng, không hay, như đôi khi các bậc cha chú vẫn lo?
Không. Cái tôi lo là họ không theo kịp thời đại.
Ông có thể nói rõ hơn điều này.
Nói kinh doanh để kiếm tiền thì không sai. Nhưng chỉ để kiếm tiền không thôi thì loại không đủ. Mục đích của doanh nhân cao hơn thế, là khám phá. là chinh phục, là giải phóng những tiềm năng. Phải đặt ra mục đích như vậy anh mới đi xa được. Tại sao các nhà khoa học dám bỏ cả đời để nghiên cứu một hiện tượng nào đó? Tại sao những doanh nhân bỏ cả đời để đưa sản phẩm của mình ra với thế giới? Đó là thái độ tích cực với cuộc sống.
Ông có sống được theo quan điểm hiện đại mà ông nghĩ?
Không. Tôi thuộc về thế hệ cũ. Trong chiến tranh, chúng tôi phải nhặt từng tờ giấy một mặt để viết. Que diêm phải tách đổi để dùng được hai lần. Không ai bảo là cần học ngoại ngữ, mà có biết ngoại ngữ cũng không có sách để đọc... Thành thử giờ đây trước một cuộc sống nhiều thay đổi, vẫn cứ luôn luôn phải cố. Chúng tôi đã nhận ra sự yếu kém của thế hệ mình. Tôi chỉ phấn đấu để có được một cách nghĩ thông thoáng đủ sức lý giải các vấn đề của con người hiện đại.
Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống, theo ông?
Trình độ sống. Tôi ngờ nhiều người chúng ta thuộc loại sức sống rất cao nhưng trình độ sống thì chưa chắc.
Cũng có thể người trẻ sẽ tiếp thu thêm những gì mình còn thiếu từ các nền văn hoá khác nhau...
Không dễ đâu. Hãy nhìn vào một số người Việt đang sống ở nước ngoài. Họ vẫn có đủ những thói xấu như khi đang còn trong nước.
Ông có vẻ bi quan thì phải?
Xin phép quay lại chuyện văn học. Sau giải phóng, một thế hệ các nhà văn từ chiến trường trở về đầy háo hức, nghĩ sẽ làm những điều gì đó thật... ra hồn. Thế mà cho đến nay, thử hỏi có được mấy người thực hiện cái ao ước mình đã tự đặt ra. Một số trong chiến tranh có đóng góp, nhưng sau đó hình như sức lực đã cạn kiệt, chỉ còn là cái miếu thờ.
Hoặc như nhìn vào một số cây bút trẻ hiện nay. Họ muốn thay đổi, nhưng những thành tựu của họ chưa chín, chưa đủ sức thuyết phục. Tôi xin nhắc lại, sống khác đi khó lắm!
Với các sinh viên ông có thể nói với họ?
Cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước là tìm cách vượt lên trên họ. Lúc này tôi vẫn nghĩ thế.

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP