Hỏi thẳng trả lời thật với nhà phê bình Vương Trí Nhàn

Ông đã đọc tôn chỉ của chuyên mục HTTLT chưa? ý ông thế nào?
Tôi tán thành. Tiếp cận từ góc độ suồng sã cuộc sống sẽ vui hơn, dễ gần nhau hơn.

Kể từ sau "Những kiếp hoa dại" không thấy ông in gì?

In bây giờ dễ quá, là thời đại của đua nhau số lượng, tôi thử đi ngược dòng xem sao. tôi cho rằng đời người viết chỉ có một vài cuốn sách còn lại, đã quí. Ông Duy Khán cả đời thơ là vớ vẩn, còn lại là tập văn xuôi Tuổi thơ im lặng.

Vậy theo ông, ở mảng sách phê bình, người ta in nhiều như thế để làm gì?

Để vào hội. Vào hội rồi thì dễ dự giải thưởng Hội Nhà văn.

Cảm giác tức thời của ông khi biết tin "Những kiếp hoa dại" không được giải?

Có hơi buồn. Nhưng ngay sau đó thì được an ủi: Được giải thưởng hình như còn là số, ông ạ. Vả lại thường có một độ chênh giữa động cơ và hiệu quả. Ông Nguyên Hồng hay khóc khi viết, anh em ở Hải Phòng nấp xem, sau nghiệm rằng chỗ nào nhà văn khóc thì văn lại nhạt. Trong sân khấu thì có việc diễn viên dẫu khóc mà người xem lại cười. Văn hoá Việt Nam không thể nói là thấp mà dân thì cứ vứt rác ra đường.

Xem ra, ông biết nhiều chuyện bếp núc của văn chương?

Nhà phê bình cũng cần đi thực thế, thực tế của họ là đời sống các nhà văn, 30 năm công tác, tôi chỉ ở 2 cơ quan. Văn nghệ quân đội và Nxb Hội Nhà văn. Nhờ vậy tôi hiểu kỹ các nhà văn. Ông Nguyễn Khải là người rất ghét thói đỏng đảnh làm nũng. Khi tôi nhận xét rằng, Nguyễn Khải cũng có làm nũng thì ông rất ghét, bảo "Mày thì biết gì, chỉ hóng hớt". Tôi cãi "8 năm ông chỉ thích nói chuyện với tôi, chứng tỏ tôi biết nghe biết gợi hỏi để ông nẩy nở cái của ông chứ." Vâng, hiểu nhà văn, hiểu xã hội thì hiểu kỹ tác phẩm. Nhà văn là cái cây mọc trên đất xã hội.

Nhưng phê bình cánh hẩu cũng từ đó mà ra?

Nxb Văn học nhờ tôi làm tuyển Nguyễn Khải. Tôi bỏ xung đột I, ông Khải thích nó kiên quyết giữ. Tôi bảo: "Mặt ông, nhưng thợ ảnh là tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước bạn đọc về "bức ảnh ông của tôi". Nếu ông lấy xung đột I thì ông nhờ người khác." Ông Khải phải chịu. Hiểu đời sống văn học, khi phê bình quyển của ông A, các nhà văn B, C, D đều thấy mình trong đó.

Xét về khía cạnh đó, thế hệ sau 75 không có nhà phê bình của mình?

Tôi thấy như vậy. Và đó là sự thiệt thòi của các bạn ấy- của cả nền văn học thì đúng hơn. Nhưng tôi chả nên là gái goá lo việc triều đình.

Cụ Nguyễn Tuân bảo: "Khi tôi chết, nên chôn cạnh tôi một nhà phê bình, để tiếp tục cãi nhau". Có đúng cụ nói vậy không? Nếu đúng, thì ông hiểu câu ấy là thế nào?

Theo chỗ tôi biết, cụ Nguyễn Tuân có nói thế. Điều đó cho biết khoảng cách giữa tác giả và nhà phê bình là có thật. Và tranh luận là một điều thú vị.
Khởi nghiệp lý luận của ông là cuốn "Sổ tay truyện ngắn" đưa ra một lý thuyết rất mềm về thể loại này. Mới dây, đọc bài "ngoài trời lại có trời", tôi bèn tin rằng ông là số ít nhà lý luận không lắp ghép. Ông khảo sát từ đời sống văn học để nâng lên thành lý luận của mình. Nhưng như thế là ông đọc rất nhiều?
Nếu không có gì khác ông ốp, ông ép thì tốt hơn hết là im lặng. Nhưng chọn lỗi này là rất dễ bị bắt bẻ, rằng ông ốp không nói thế.

Ông vừa bảo" tranh luận là một điều thú vị". Mà này, ông uống đi chứ?

Tôi không uống được. Tôi giống với công chức hơn một nhà văn. Tôi viết ban ngày.

"Trên nét lớn" ông còn hay xỉ mũi?
(cười) ông thông cảm, tại bia đấy.

Nhưng nhà văn và công chức khác nhau ở chỗ nào?
Tôi không biết. Nhưng tôi biết rằng người ta phân biệt một cao bồi ở quần áo đầu tóc của hắn, một nhà văn tồi thì chịu.

Ông không bồ bịch gì nhỉ?

Không. Nhưng tôi rất thích nghe nói chuyện về bồ bịch.

Ông thu nhập từ báo chí được bao nhiêu?
Được một số đông bạn đọc, cứ cầm tờ báo lên là họ tìm mục của tôi, họ làm chứng rằng tôi còn đang nghĩ. Và mỗi tháng thu nhập khoảng triệu rưỡi đến hai triệu.
Cuộc sống của mỗi gia đình chúng ta là một bí mật. Xem ra ai cũng thế cả. Bà xã tôi mua mua bán bán. Tôi sống nhờ vợ, đúng theo lời khuyên của Nguyễn Khải.

Kể con người không nghiện thứ gì như ông cũng chán?

Có thể tôi vẫn chán, nhưng tôi nghiện bóng đá. Bóng đá luôn mang đến sự bất ngờ. Có thể như nhiều người dự đoán, lần này Brazin vẫn sẽ vô địch, Ronaldo sẽ lên ngôi nhưng là một Brazin mới, một Ronaldo mới, bất ngờ là ở đó. Văn học cũng thế. Nhà văn cũng phải thế mới được.
Xin cảm ơn ông.
(Văn nghệ trẻ 20-5-98)

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP