nhà phê bình của chúng tôi

Hồi ấy, chúng tôi gọi anh là "Nhà phê bình của chúng tôi" chỉ vì anh là bạn cùng lứa. Lũ bạn "bốc dưa" thuở sinh viên. Đi đến nhà ai đều quần tam tụ ngũ, tự vào bếp nhà bạn, lục cơm nguội, tìm vại dưa, gia đình bạn chỉ ngồi nhìn và cười. ấy là cái khoa Văn Sư phạm sau này có tiếng vì tụ tập rất nhiều cây bút: Ma Văn Kháng, Lâm Quang Ngọc, Nghiêm Đa Văn, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình ảnh, Tống Khắc Hài, Tô Hoàng, Phạm Tiến Duật... Tất cả đều làm thơ, viết văn, chỉ có một người xông vào phê bình: đó là Vương Trí Nhàn.
Đầu năm 1964, bác sĩ Nguyễn Văn Hiến và nhà thơ Thanh Hải từ miền Nam, tuyến đầu của Tổ quốc ra thăm miền Bắc "Cách nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi ngàn đèo gặp nhau" -Thơ Thanh Hải- Khi tới thăm Đại học Sư phạm, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu hỏi "Ai xung phong vào Nam chiến đấu?" Tất cả sinh viên, mấy nghìn người, đều giơ tay thẳng tắp, trong đó có Vương Trí Nhàn. Không phải ai cũng được vào Nam. Chỉ có một số ít người đã tốt nghiệp năm ấy được gia nhập quân đội tháng 8/1964, một ngày trước ngày xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Chúng tôi mặc áo lính. Tôi trở thành pháo thủ pháo cao xạ của Tiểu đoàn 24 trực thuộc Quân khu Tây Bắc, đóng ở Sơn La. Vương Trí Nhàn cũng trở thành lính pháo nhưng là mặt đất. Đơn vị của Nhàn đóng cách chỗ tôi có mấy quả đồi. Ai mặc quân phục thì đẹp, chứ Nhàn mặc quân phục trông buồn cười lắm, chả có bộ quân phục nào vừa. Bộ nào cũng rộng thùng thình. Tôi chỉ gặp Nhàn đúng một lần khi ở Tây Bắc. Bốn tháng sau đó tôi bắt đầu trôi dạt trên tuyến giao thông vận tải từ Hà Nội vào Nam. Mãi đến năm 1967 tôi mới lại gặp Vương Trí Nhàn ở tuyến lửa Nghệ An. Khi ấy Nhàn đã là cán bộ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tạp chí ấy thật tinh mắt, sớm nhìn thấy sự sắc sảo của một cây bút phê bình trẻ, tuy lúc ấy Nhàn viết chưa nhiều. Mà Nhàn cũng gặp may. Tôi với Đỗ Chu có kém gì Nhàn mà lêu bêu mãi ở các đơn vị, còn Nhàn sớm được đánh đu với những Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Trọng Oánh... ở một trong vài cơ quan văn học hàng đầu của đất nước. Cứ được ngồi nghe hóng các ông ấy tán chuyện đã có thể có vốn để làm, để nghĩ cho cả đời rồi. Chính từ sự gần gũi hàng ngày ấy, Vương Trí Nhàn có điều kiện để quan sát, suy ngẫm và có các công trình về các nhà văn quân đội, đặc biệt là về Nguyễn Minh Châu và sau đó là Nguyễn Khải.
Chắc Nhàn phải mang ơn cái nhà số 4 ấy lắm. Cũng phải có ngôi nhà ấy mới có cớ trời xe duyên cho Nhàn. Sáng sớm hàng ngày, Vương Trí Nhàn mở cửa sổ nhìn xuống đường phố Lý Nam Đế. Cứ đúng vào giờ ấy, một cô công nhân mặc áo xanh sĩ lâm, tóc dài, đạp xe đạp qua. Cô gái trẻ xinh đẹp vô tình nhìn lên bắt gặp người đang nhìn mình. Sau lần mở cửa sổ thứ một trăm, được sự khuyến khích của các anh đi trước. Nhàn đành liều xuống đường làm quen. Bây giờ chị ấy là vợ Nhàn. Cái việc yêu đương xem ra thuận lợi thế chứ con đường phê bình thì chông gai lắm. Cùng với thầy Nguyễn Đăng Mạnh (thầy theo nghĩa đen, ông dạy chúng tôi ở khoa Văn Sư phạm từ năm 1961 đến năm 1964), Vương Trí Nhàn là một trong số không nhiều nhà phê bình "viết văn có văn". Có lẽ vì cả thầy Mạnh và Nhàn đều có sáng tác thơ. Thơ thầy Mạnh có công bố mà Nhàn thì không. Nhàn chỉ làm thơ cho Nhàn đọc. Hồi ở Nghệ An năm 1967 ấy, Vương Trí Nhàn có một bài thơ khá hay mà tôi thuộc được hai câu: "Chưa bao giờ ta đến gần cái chết/ Như hôm nay trước cửa ngõ Nam Đàn". Vì có dây với sáng tác nên mới dễ mang hoạ. Cả thày Mạnh và Vương Trí Nhàn đều có nhiễm cái bồng bột dễ thương của người sáng tác. Cứ nói câu bao quát ngẫu hứng là dễ điêu đứng lắm. Các ông không phải là chúng tôi. Khổ lắm. Chúng tôi hứng lên có thể nói những câu bốc lão, coi trời bằng vung. Các ông uy nghi là nhà phê bình phải cẩn trọng lắm. Kiểm tra lưỡi kỹ càng hãy nói. Phải khóc chúng tôi mới là "nhà phê bình của chúng tôi" vậy.
7/8/2003
(Tiền Phong số 185 ngày 16/9/2003
Phạm Tiến Duật

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP