"Có bị dồn vào chân tường, chúng ta mới khá lên dược!"

Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bản quyền xuất bản:

Ông Vương Trí Nhàn
"Nhiều người chúng ta có thói quen có bị dồn vào chân tường mới chịu làm, nhưng rồi nhờ thế mà khá lên được. Tôi thấy lần này cũng vậy". Nhà nghiên cứu phê bình văn học Vương Trí Nhàn trao đổi nhân việc VN gia nhập Công ước Berne về xuất bản.

+ Giới xuất bản đang xôn xao về chuyện VN gia nhập Công ước Berne vì tình hình làm ăn rồi sẽ gặp nhiều khó khăn: mảng sách dịch sẽ co lại, nghề xuất bản không chừng sẽ đình đốn và độc giả sẽ không thể có những tác phẩm hay để đọc, v.v... Ông có thể giải thích cho bạn đọc biết vài nét về

Công ước Berne?
- Để hiểu văn bản này, có lẽ báo chí nên gõ cửa các cơ quan hữu trách. Tôi chỉ biết một điều cơ bản của Công ước Berne là nước nọ in sách của nước kia cũng phải xin phép cẩn thận, rồi trả tiền đầy đủ như luật pháp người ta quy định.

+ Chúng ta làm xuất bản theo kiểu vừa qua cốt là để có sách nhanh sách rẻ phục vụ bạn đọc, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với những thành quả mới của thế giới.

- Vâng, đấy là lý do thường mang ra để biện hộ. Song không thể có cái việc làm một nghề mà bất cần biết nghề đó trên thế giới ra sao và do đó trước sau mình cũng phải tôn trọng những luật lệ.
Đây cũng là một ví dụ cho thấy nhiều hoạt động của chúng ta còn mang tính tự phát, chưa tự giác biến thành một hoạt động văn hóa, tạo nên cái văn hóa ngành, ở đây là văn hóa xuất bản.
Nghề xuất bản ở ta hiện nay mang trong mình nó cả một ổ bệnh: làm ăn theo lối chụp giật, gặp đâu hay đấy, manh mún lặt vặt, mua tranh bán cướp, nhất là thích làm nhanh làm ẩu. Trong số những lý do khiến cho dân ta bây giờ lười đọc sách, có lỗi ở chúng tôi một phần. Chúng tôi đang làm cho sách mất đi tính thiêng liêng mà nó vốn có.

+ Ông có tin rằng nhiều người trong giới và cả bạn đọc cũng nghĩ như ông hay người ta nghĩ ngược lại?

- Tôi lấy một thí dụ: Hai NXB Trẻ, Kim Đồng đã rất khôn ngoan khi sớm ký thỏa thuận về mặt bản quyền đối với hai cuốn truyện tranh Doremon và Harry Potter. Giả thử ban đầu mà thiếu làm ăn đàng hoàng như thế, chắc là không sớm thì chày sẽ xảy ra những tranh chấp, kiện cáo.
Việc tham gia Công ước Berne ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản nói chung chứ không phải chỉ có sách dịch.

+ Thế nhưng, ngay trong giới xuất bản của các ông, nhiều người cũng chưa sẵn sàng và sự thực là chưa biết làm thế nào?

- Một người bạn tôi vừa cảnh báo không chừng rồi đây ta chỉ có dịch và in lại những tác phẩm cổ điển, còn sách mới của thế giới thì thôi, tạm biệt. Và như vậy thì không còn sách hay để đọc. Có lúc tôi cũng thấy như anh ấy, nhưng rồi lại nghĩ: hãy thử nhìn một số cuốn gọi là tác phẩm có hạng của thiên hạ được ta dịch ra tiếng Việt gần đây, có phải là gần như toàn làm vội, chắc là cũng chỉ gây ra được sự hấp dẫn nhất thời, chứ không thể trường tồn cỡ như các bản dịch Những người khốn khổ, Chiến tranh và Hòa bình hồi trước.
Thành thử giữa một bên là mười bản dịch nham nhở, mỗi bản in ra cũng chỉ độ một ngàn cuốn, với một bản dịch thôi, nhưng là sách hay, lại dịch tốt dịch kỹ, với khối lượng in ra từ năm đến mười ngàn bản, tôi nghiêng hẳn về cách thứ hai. Lâu nay, có cảm tưởng chúng tôi chỉ được tiếp nhận những cái xác của nguyên bản. Thật không thể nghĩ là có thể lấy đó làm tự hào được.
Còn như những chuyện phải làm thì tôi tin rằng có nghiêm túc và quyết tâm, rồi sẽ học được hết. Để có những bản dịch tốt, phải có sự nghiên cứu văn học nước ngoài cẩn thận, để xem xem cái nào đáng dịch cái nào không. Bản thân người dịch phải làm kỹ trên từng trang bản thảo. Các biên tập viên phải làm việc kỹ hơn chứ không coi thường chính bản thảo có ghi tên mình như hiện nay.

+ một người 25 năm trong nghề, ông dự đoá Tức là theo ý ông nói, việc tham gia Công ước Berne sẽ góp phần vào việc đổi mới cách làm xuất bản. Với kinh nghiệm củan tình hình sẽ ra sao?

- Nhiều người chúng ta có thói quen có bị dồn vào chân tường mới chịu làm, nhưng rồi nhờ thế mà khá lên được. Tôi thấy lần này cũng vậy. Bên xuất khẩu thủy sản có cái lệ người nước ngoài người ta đến tận cơ sở sản xuất của mình theo dõi xem mình có làm đúng quy trình kỹ thuật không rồi mới nhận hàng.
Tôi dự đoán không chừng một lúc nào đó một NXB hay một tác giả nước ngoài sẽ làm cái việc tương tự là cho kiểm lại xem sách mình dịch có cẩn thận, có đúng không rồi mới cho phép phát hành sách dịch. Nhưng bạn đọc sẽ có lợi: Chúng ta sẽ có khả năng tiếp nhận những bản dịch có giá trị thực sự.

Theo Thể thao và Văn hóa - ND Thứ sáu, 13 Tháng tám 2004

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP