Tôi tin ở sự công bằng của dư luận

Trò chuyện với Vương Trí Nhàn về cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm

"Cũng như mỗi con người, mỗi cuốn sách một số phận riêng. Và tôi tin ở sự công bằng của dư luận... Tôi nghĩ nhiều đến khả năng kích thích sự tự nhận thức và cuộc đối thoại giữa các thế hệ mà sách có thể gợi ra trong lòng bạn đọc". Nhà văn Vương Trí Nhàn trò chuyện xung quanh sự kiện "Nhật Ký Đặng Thùy Trâm".

* Nhớ lại thời điểm mới nhận biên tập Nhật ký Đặng Thùy Trâm và theo dõi số phận của cuốn sách hôm nay, liệu ông có thể nói một điều gì giống như bất ngờ ?

- Cũng có và cũng không. Trước khi cầm trên tay bản thảo , tôi đã được gia đình thông báo là nó đã có một số phận đặc biệt. Tôi bàn với Kim Trâm, người thay mặt gia đình công bố tác phẩm: vậy chúng ta phải chuẩn bị sao để có một văn bản chuẩn, sau này nếu nó có dịp đến tay bạn bè nước ngoài thì cả những người khó tính cũng không thấy có gì phải nghi ngại.

Bởi linh tính báo cho tôi biết là không chừng cuốn sách còn có dịp quay trở lại nước Mỹ và đi rộng ra các nước khác. Nếu như nay mai Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm có được dịch ra ở Anh và ở Đức, ở Nhật và ở Hàn, ở Hungary và Rumani thì đối với tôi cũng không có gì là lạ. Chính sự đón tiếp nồng nhiệt của bạn đọc trong nước với cuốn sách mới khiến tôi ngạc nhiên.

Tôi thường nói là trong cuộc đời làm nghề biên tập xuất bản, chưa từng có hiện tượng như thế này và sắp tới cũng không dễ gì có hiện tượng tương tự .

* Ta hãy cùng nói về điểm thứ nhất . Ông có vẻ quá cường điệu việc nó sẽ được chuyển ra một số ngôn ngữ khác ?

- Không, chẳng qua đây là một mong mỏi âm thầm của tôi với tư cách một người làm sách . Lâu nay ta dịch của thế giới quá nhiều. Tại sao ta lại không nghĩ đến chuyện đền đáp, một thứ đền đáp chính đáng, nghĩa là làm cho người ta yêu mình, muốn đọc, muốn biết , do đó tự nguyện dịch mình, chứ không phải đi vật nài xin xỏ như trong một số trường hợp đã gặp.

Mà trong những đề tài có thể gây chú ý, chắc chắn những gì liên quan đến cuộc chiến tranh ba mươi năm là có sức thu hút hơn cả .

* Xin ông thử giải thích khả năng đi ra thế giới của cuốn sách ?

- Bởi nó đề cập đến những vấn đề lớn lao, chẳng hạn bản lĩnh con người bộc lộ ra sao khi đứng trước cái chết. Tôi nghĩ là mình chẳng vơ vào chút nào khi làm cái việc từ Đặng Thuỳ Trâm mà liên tưởng tới Anne Frank (xem bài giới thiệu đặt ở đầu sách).

“Tập nhật ký (Het Achterhuis) đã thể hiện một tâm hồn yêu đời, có nghị lực , ham muốn tìm hiểu những phương diện khác nhau của đời sống “. Các tác giả của cuốn Từ điển tác gia và sân khấu nước ngoài do Hữu Ngọc chủ biên đã viết về Nhật ký Anne Frank như vậy.

Quả thật giữa hai cuốn sách có sự tương đồng, ngay từ giọng điệu. Tất cả bắt nguồn ngay từ tâm hồn con người. Cuốn sách của Anne Frank được nhắc nhở tới trong nhiều cuốn từ điển lớn, hoặc nói như Hữu Ngọc , “ được dư luận thế giới chú ý “ và đã được dịch ra tiếng Việt từ mấy chục năm trước .Tôi hy vọng sắp tới bản dịch này sẽ được in lại để ai cần có dịp so sánh .

* Thế còn điểm thứ hai, theo ông tại sao Nhật ký Đặng Thùy Trâm được bạn đọc trong nước ưu ái đến vậy ?

- Sau chiến tranh, dân mình mải mê kiếm sống, nay ba mươi năm đi qua, hình như đã tới lúc người ta muốn bình tâm nhớ lại chuyện những năm chiến tranh để mà cùng suy nghĩ lại về quá khứ. Có điều tác phẩm viết cho người ta đọc được quá ít.

Tôi có cảm tưởng ngay cả các nhà văn có nhiều lăn lộn ở chiến trường thời gian qua cũng viết như để làm hàng chứ chưa ai viết bằng tất cả tâm huyết của bản thân . Những ghi chép chân thực của Đặng Thuỳ Trâm đáp ứng được nhu cầu đó của xã hội .

* Ông có biết là trước đó đã có nhiều cuốn nhật ký chiến tranh khác đã ra đời , chẳng hạn nhật ký Chu Cẩm Phong. Hoặc như cũng trong ngành quân y, nhật ký của bác sĩ Lê Cao Đài cũng mới được NXB Lao Động in ra 2002 và từng được dịch ra tiếng Anh tiếng Pháp?

- Nếu kể thêm thì nhiều lắm. Ngay ở NXB Hội nhà văn chúng tôi, mới đây, một cuốn sách mang tên Nhật ký của người cha cũng đã được in ra. Nhật ký của Thân Trọng Kinh, một nhà giáo sống ở Thanh Hoá. Bắt đầu ghi vào ngày 5-8-64, và kết thúc vào ngày 1-5-75.

Trước khi Nhật ký của người cha in ra , tôi đã được biết và có mạn phép người giữ bản quyền chụp riêng cho mình một cuốn để dùng khi làm việc .Vì cuốn sách bám rất sát các sự kiện của đời sống miền bắc những năm chiến tranh . Thế nhưng khi chào đời thì số phận cũng chẳng khác cuốn của Lê Cao Đài vừa nhắc. Buồn thế chứ!

Tôi nghĩ rằng trong giới những người làm báo viết văn và nghiên cứu đáng lẽ phải có một vài người chuyên theo dõi và giới thiệu hết các cuốn sách loại này, từ đó tổng kết về việc làm hồi ký nhật ký.Tiếc rằng ở ta chưa thấy ai bỏ hẳn đời mình ra làm việc đó. Bản thân tôi đã có nhiều lần nêu vấn đề trước dư luận.

Trong chương trình VTV1 làm nhân kỷ niệm Ngày chiến thắng chống phát xít 9-5-05 , tôi đã đề nghị trích một phần tiền mừng công khen thưởng hàng năm để lập ra hẳn một quỹ gọi là quỹ hồi ký. Quỹ có nhiệm vụ lôi cuốn mọi người VN có trải qua chiến tranh ghi chép chân thành về mình.

Điều tôi đặc biệt nhấn mạnh là ban đầu hãy cứ động viên mọi người viết đã, còn đừng tính đến chuyện in ấn vội . Vì bàn đến chuyện in là ngòi bút người viết hồi ký dễ ngả sang tranh công và nói dối . Bụng ai thì cũng vậy thôi, không trách người ta được. Đề nghị của tôi được nhiều người cho là “nghe cũng hay hay “, nhưng rồi ai cũng bận cả, việc đó xếp xó luôn .

* Dẫu sao phải nhận Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng có những cái may riêng.

- Điều đó thì tôi không phủ nhận. Vấn đề của chúng ta chỉ là làm sao cho các cuốn sách có được cơ hội như nhau khi ra xã hội. Còn cũng như mỗi con người, mỗi cuốn sách một số phận riêng. Và tôi tin ở sự công bằng của dư luận.

* Câu hỏi cuối cùng: ông thường nghĩ sao về tác động của Nhật ký Đặng Thùy Trâm tới bạn đọc ?

- Theo tôi tìm hiểu thì sách chinh phục được cả lớp người lớn tuổi lẫn lớp trẻ. Lớp người trạc tuổi tôi tìm thấy ở đây hình ảnh về bản thân mình hôm qua. Nhiều người lâu nay đau đớn nhận ra rằng mình bất lực trong việc dạy con nên muốn nhờ sách trợ giúp .

Còn như chính lớp trẻ, họ cũng muốn thử xem một con người cùng tuổi với họ gần bốn chục năm trước đã sống và nghĩ ra sao. Có điều may mắn là Đặng Thuỳ Trâm chỉ viết nhật ký cho mình chứ không hề mơ đến ngày nhật ký được xuất bản. Cuốn sách không có cái giọng dạy đời (đây là yếu tố dễ tạo nên phản cảm đối với những người trẻ tuổi).

Bản thân tôi trong lời giới thiệu viết cho cuốn sách đã tính tới chuyện này. Tôi nghĩ nhiều đến khả năng kích thích sự tự nhận thức và cuộc đối thoại giữa các thế hệ mà sách có thể gợi ra trong lòng bạn đọc. Ở dưới suối vàng, hẳn vong hồn Thùy Trâm - người bạn cùng lớp ba năm liền ở trường cấp ba Chu Văn An - cũng chia sẻ với tôi điều đó.

Theo Sức khỏe và đời sống

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP