Truyền thông, giáo dục, và bạo lực học đường

Ý tưởng cho entry này có sẵn trong đầu tôi từ lâu, luôn chờ cơ hội để bộc lộ. Vì đây là lãnh vực mà tôi có ít nhiều hiểu biết, và đã từ lâu định viết về nó. Nhưng vẫn chưa bao giờ viết ra, vì tôi quá tham lam, ôm đồm, đụng chuyện gì cũng muốn tìm hiểu, muốn tham gia, nên chẳng còn đâu thời gian làm những việc mình định làm.

Nhưng hôm nay thì tôi bắt buộc phải viết mấy dòng về chủ đề này, vì mới đọc xong một bài viết của nhà nghiên cứu/phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Trong đó, có một vài ý tưởng trùng với những điều tôi đã từ lâu ấp ủ.

Bài ấy có tựa là "Người Việt sống bằng hành động nhiều hơn suy nghĩ", ở đây. Một bài viết đáng đọc, nói về chủ đề bạo lực học đường và giáo dục. Và một chủ đề cũng có liên quan - dù không trực tiếp - đến vấn nạn bạo lực học đường là vai trò của truyền thông trong xã hội. Một chủ đề mà theo tôi còn cần rất nhiều cải cách để xã hội Việt Nam có thể phát triển hơn.

Truyền thông liên quan đến bạo lực học đường ở chỗ nào? Xin cho tôi trích dẫn từ bài viết kia, rồi sẽ "phụ họa" bằng lời bình của tôi.

Nhiều người nước ngoài nhận xét, thanh niên ta hiện nay khá về khoa học tự nhiên hơn khoa học xã hội. Các kiến thức có tính nhân văn ở các em rất đơn giản. Vì chính người lớn chúng ta cũng có chịu tìm hiểu chính mình đâu, lại càng không chịu tìm hiểu về xã hội mình đang sống.

Ví dụ ở các nước, trong hoàn cảnh như ta, chắc chắn người ta phải có những công trình nghiên cứu tầm cỡ về tâm lý thời hậu chiến trong đó có Xã hội học bạo lực… Với thanh thiếu niên, phải có những chuyên đề đi sâu vào bạo lực học đường.

Ở ta chẳng ai chịu chi tiền cho cán bộ khoa học làm. Bất đắc dĩ phải làm thì chỉ nhăm nhăm minh họa cho những ảo tưởng có sẵn. Những công trình nghiên cứu gọi đúng thực chất xã hội thì mang đút ngăn kéo, không cho phổ biến đến đông đảo công chúng. Thế sao gọi là nghiêm túc, là thực sự cầu thị?


Vâng, đúng thật. Chúng ta không có một nền khoa học xã hội và nhân văn đúng nghĩa. Chẳng trách hiện nay ta lại có lắm vấn đề về xã hội và về con người (= nhân văn) đến như thế này?

[Gầ]n đây, sau những cảnh bạo lực trong học sinh, người ta chỉ nói tới vai trò của thầy giáo cô giáo. Phải luôn luôn quan tâm tới các em, phải biết ngăn chặn các em… Tất cả những cái đó là đúng nhưng chưa đủ.

Toàn ngành giáo dục phải vào cuộc với nghĩa cả những người định ra nội dung chương trình giảng dạy, cả những người soạn sách giáo khoa cũng phải có mặt.


Tôi đồng ý với nhận định trên. Nhưng muốn nói thêm: Cũng không chỉ riêng ngành giáo dục. Tôi thấy lâu nay dường như hễ có việc gì xấu xảy ra trong xã hội thì người ta lại đổ lỗi hết cho ngành giáo dục, nếu không là thầy cô thì cũng là chương trình, sách giáo khoa, lãnh đạo nhà trường, hoặc sở, rồi ngành.

Vâng, có lẽ ngành giáo dục cũng phải chịu một phần trách nhiệm thật. Nhưng lẽ nào chỉ ngành giáo dục, là một ngành có đồng lương chết đói và chẳng có quyền hạn/quyền lợi gì, và cả quyền lực nữa, so với những ngành như ngân hàng, xăng dầu, truyền thông-báo chí, hàng không, hải quan, thuế vụ, y tế-dược phẩm, và thậm chí cả những ngành đầy tính "phục vụ công ích" như an ninh và quân đội?

Những tiêu cực, sai phạm, tệ nạn, bạo lực và bạo hành trong gia đình và xã hội, và trong phim ảnh, truyền hình, Internet, games, vv, rồi sự bỏ bê của cha mẹ đối với nhu cầu tinh thần của con cái, chẳng lẽ không chút ảnh hưởng gì đến sự hình thành tính cách của học sinh, từ đó dẫn đến bạo lực trong học đường sao? Cớ sao chỉ có ngành giáo dục phải gánh chịu tất cả?

Truyền thông hiện nay cũng phải trở thành một thứ trường học. Cần lôi cuốn các nhà nghiên cứu cơ bản tham gia phát biểu về các vấn đề thời sự. Rộng hơn từng hiện tượng lẻ, cần khai thác các ngành xã hội học trong việc tìm hiểu con người Việt xã hội Việt. Vấn đề không phải nói cái tốt hay cái xấu, mà là nói thực chất. Nói đúng thực chất thì tự nhiên có người nghe.

Với tư cách một người phê bình văn học, điều cuối cùng tôi muốn nói là trước tình trạng đạo đức xã hội như hiện nay, những người làm công việc văn chương tinh thần cũng nên tự vấn lương tâm của mình, nên nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm. Vì làm giáo dục một cách mòn sáo thất bại, nghệ thuật đang nghiêng về phía giải trí “mua vui” cho thiên hạ, tuy như ta thấy, chiều nịnh công chúng rút cục là làm hại công chúng.



Quá đúng. Tôi không thể nói gì thêm. Chỉ xin "dịch" lại ý cuối cùng của Vương Trí Nhàn sang ngôn ngữ có hơi hướng hàn lâm một chút: Truyền thông phải có vai trò riêng của nó, chứ không thể đơn thuần là công cụ tuyên truyền (nói theo VTN là "giáo dục một cách sáo mòn"), cũng không thể chỉ chạy theo thị hiếu của công chúng, phục vụ thị trường một cách mù quáng (nói theo VTN là "nghiêng về giải trí mua vui, chiều nịnh công chúng").

Nếu được như vậy, thì lúc ấy truyền thông sẽ đóng được trọn vẹn vai trò "giáo dục" của nó. Nhưng không phải là giáo dục theo kiểu tuyên truyền chính trị, cũng không phải giáo dục theo kiểu mô phạm, mà là giáo dục thông qua cái đẹp và cái thiện, để bổ sung cho cái chân, là công việc chính của nhà trường.

Đến bao giờ thì những lời nói trung thực, dù có thể chướng tai, được các vị có trách nhiệm cao nhất của đất nước này lắng nghe và thực hiện đây?
Được đăng bởi Vũ Thị Phương Anh vào lúc 6:51 AM

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP