VỀ NHỮNG TÌM TÒI HÌNH THỨC TRONG THƠ HIỆN NAY

VỀ NHỮNG TÌM TÒI
HÌNH THỨC TRONG THƠ HIỆN NAY


I
Đánh giá thực trạng của thơ trong cả một giai đoạn hai mươi năm (từ 1975 tới nay) là một việc lớn, có nhiều mặt phải tính… ở đây, tôi chỉ xin phép nói một điều tôi thường chăm chú theo dõi, là sự phát triển của hình thức thơ. Hình thức thơ không chỉ bao gồm thể thơ, khổ thơ, câu thơ, mà còn là những nguyên tắc hình thành bài thơ, giọng điệu của thơ. Hình thức hiểu theo nghĩa ấy gắn bó với nội dung là một bộ phận của nội dung, khi những đổi mới về nội dung hiện ra thành những đổi mới trong hình thức. Chỉ sự đổi mới ấy mới gọi là trọn vẹn.
Để bắt đầu, chúng ta hãy trở lại với những giai đoạn lớn của thơ Việt Nam:
- Từ 1932 về trước - thơ cổ điển
- Từ 1933 trở đi - thơ hiện đại, mà ta quen gọi Thơ mới
Nếu xét về thi pháp theo nghĩa khoa học của từ này, thì từ sau Thơ Mới, là một sự liền mạch. Dù rằng, từ sau 1945, nội dung chính trị trong thơ có khác (ta hay nói lập trường khác, thế giới quan khác), song về thi pháp, vẫn cái mạch ấy.
Cụ thể là:
- Thơ của các nhà thơ hàng đầu như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… hình thức đều là thơ mới.
- Ngay sau cách mạng, rồi trong kháng chiến chống Pháp có thấy những tìm tòi cục cựa ở lớp nhà thơ trẻ hơn, ở Trần Mai Ninh, ở Hồng Nguyên, và rõ nhất ở Nguyễn Đình Thi. Cuối những năm 50, có ở Văn Cao, ở Trần Dần, Lê Đạt, Yến Lan.
Nhưng nói chung, cả trong kháng chiến lẫn khi mới hoà bình, những tìm tòi này không được ủng hộ, nên thui chột dần, hoặc chìm vào đơn độc.
- Lứa thơ tiếp theo, mà bây giờ ta gọi là các nhà thơ chống Mỹ, với những tên tuổi đã trở thành quen thuộc, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ,… về căn bản cũng là Thơ Mới.
Nói thơ ta sau 1945 vẫn là cái mạch của thơ mới là vì thế. Tôi xin nhắc lại - đây là nói đại trà, nói phần căn bản.
Xét cặn kẽ, cũng có những biến chuyển, những tìm tòi mà chúng ta phải ghi nhận và trân trọng. Nhưng xét về hiệu quả, về những gì còn lại trong lịch sử văn học thì dù rất quý nhau, cũng phải nói bấy nhiêu tìm tòi còn là bé nhỏ, chưa tạo ra sự đổi khác thực sự, như sự đổi khác mà Thơ mới mang tới cho thơ Việt Nam những năm 1932-1935.

II
Trở lại với thơ từ sau 1975. Hai mươi năm qua, là hai mươi năm khởi đầu của một giai đoạn mới trong lịch sử (việc chuyển này từ từ, phải mò mẫm tìm tòi, nhưng nói chung là có chuyển). Thơ cũng đang có vận động.
ở nhiều người làm thơ, theo sự cảm nhận của tôi, đang thức dậy một ý hướng chung là không muốn làm theo lối cũ nữa. Do cách sống khác, cách nghĩ khác. Mà cũng do sự cổ vũ của không khí sáng tạo. Cái khao khát muốn làm lại mọi chuyện như hiện nay (quan sát trong ăn mặc, nhất là cách ăn mặc của phụ nữ, thì nay cũng là một thời điểm của sự thay đổi).
Nói nôm na là chúng ta muốn làm một số việc đổi mới về hình thức. Nhưng muốn là một chuyện còn làm được hay không là chuyện khác. Lực bất tòng tâm thời nào cũng có. Quan sát từng thế hệ các nhà thơ, có thể thấy:
- Các nhà thơ khởi nghiệp từ hồi Thơ Mới, một số đã qua đời, một số còn sống, nhưng theo tôi nghĩ, đóng góp của các vị đã thuộc về lịch sử, ngoài ra, không nên đòi hỏi gì thêm nữa.
- Các nhà thơ xuất hiện sau 1945, và ít nhiều đã cựa quậy, đã muốn làm thêm vào cho thơ một cái gì về hình thức nhất là đã làm được ít nhiều, như Nguyễn Đình Thi, như Hoàng Cầm, Lê Đạt - những nhà thơ ấy nay cũng đã vào giai đoạn "ngoại lục tuần" cả rồi.
- Lớp chống Mỹ, không đặt vấn đề tìm tòi hình thức trong lúc còn trẻ nên trừ một hai trường hợp cá biệt còn giờ đây cũng không quan tâm tới chuyện này nhiều lắm.
- Còn lớp nhà thơ trẻ, mới xuất hiện mươi năm gần đây? Đúng là họ tha thiết muốn thay đổi hơn ai hết. Nhưng họ không được chuẩn bị, nhất là chuẩn bị về học vấn, kiến thức, bài bản. Bởi vậy những tìm tòi của họ ngẫu nhiên, thất thường, không có đường nét rõ rệt. Cũng một người năm ngoái năm kia ai cũng tưởng là khá là lạ, năm nay lại đã nhàm chán cũ kỹ, không được để ý tới nữa.
Những nhận xét này của tôi có vẻ hơi nghiệt ngã, nhưng trong một cuộc hội thảo thân mật, xin cứ được nói. Tôi sẽ rất phấn khởi, nếu năm bảy năm nữa, một người nào đó chỉ vào mặt mà bảo là tôi sai hết rồi. Vì khi ấy, tức là thơ có tiến tới.

III
Vậy phải làm gì, để thúc đẩy những tìm tòi hình thức trong thơ?
Người ta hay ví thơ với những giống hoa lạ. Nhưng đấy là nói về sự quyến rũ, về vẻ hấp dẫn. Còn để có những thay đổi, thì ở đây, cũng cần sự đầu tư công sức liên tục, trong thời gian dài. Và quy luật ở đây là quy luật cây lưu niên, sau khi gieo hạt, hàng chục năm sau mới có kết quả.
Hơn thế nữa, ở đây không nên và không thể có sự tìm tòi đơn độc. Vẫn là từng nhà thơ ngồi trước trang giấy, song người nọ thường là tựa hơi vào người kia mà sáng tạo. Thành quả của họ cần được sự ủng hộ của một dư luận lành mạnh. Suy cho cùng, một nhành hoa lạ chưa là gì cả, phải nhiều đoá hoa cùng phô ra vẻ đẹp thì chúng ta mới có mùa xuân.
Đứng về hoạt động chung của cả giới - giới những người làm thơ và yêu thơ - tôi đề nghị:
- Bớt những lời huyễn hoặc khen tụng lẫn nhau đầy rẫy trên các mặt báo và thông tin đại chúng nói chung.
- Có những cuộc trao đổi kỹ lưỡng, nói năng có chuẩn bị và bàn đến nơi đến chốn, về một số hiện tượng mới trong thơ.
Ví dụ, mấy năm trước nhiều người cùng có một nhận xét là thơ Hoàng Cầm trong Mưa Thuân Thành, trong Lá diêu bông là lạ. Cái lạ, dĩ nhiên có người thích, người khó chịu. Tôi nhớ lại cái chuyện mà nhiều bạn đã biết: Trước năm 1945, thơ Hàn Mặc Tử đã gây ra khó chịu với Xuân Diệu. Nhưng Xuân Diệu hồi đó chỉ thao túng được các trang phê bình của Phong hoá, Ngày nay, là cơ quan Tự Lực Văn Đoàn, mà ngoài ra, đương thời, còn có nhiều tờ báo khác, có đăng bài phê bình, nên tài liệu về Hàn Mặc Tử nay còn nhiều. Còn có cả một công trình nghiên cứu của Trần Thanh Mại viết năm 1940, nó là chỗ dựa tốt, để nhiều người tìm hiểu Hàn Mặc Tử về sau. Nhắc lại điều này để thấy: bất cứ lĩnh vực nào, cũng đã không nên có độc quyền chân lý, và ở thơ, lĩnh vực của sự sáng tạo, lại càng không nên có độc quyền.
Tôi không khẳng định ngay ở đây rằng thơ Hoàng Cầm là hay, là tuyệt tác, hình thức thơ của Hoàng Cầm là tân kỳ, sáng tạo. Song tôi biết rằng dù thích hay không nhiều người vẫn thấy thơ Hoàng Cầm là lạ, là có một cái gì khang khác trong giọng điệu, trong hình thức. Thế thì tại sao chúng ta không mang ra thảo luận? Đây là trách nhiệm của các tờ báo, các cơ quan ngôn luận. Việc đã qua, với Hoàng Cầm nay lại đang xảy ra, với một số tập thơ như thơ Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Trần Dần. Hoàng Hưng mới xuất bản. Tôi đề nghị phải thảo luận cho kỹ, cho ra nhẽ. Đây không phải vì mấy người có thơ, không phải một sự đề cao, hay yêu cầu tặng giải nào cả. Mà đây là vì nền thơ nói chung.
Gần đây, có một cuộc trao đổi nho nhỏ chung quanh thơ Nguyễn Quang Thiều in trong tập Sự mất ngủ của lửa. Nếu phải nói về hiện tượng này - cả thơ Nguyễn Quang Thiều lẫn những bàn bạc chung quanh Nguyễn Quang Thiều - thì tôi xin được nói một ý, gồm mấy vế như sau:
1. Nên ủng hộ những tìm tòi của Nguyễn Quang Thiều. Có một hướng tìm tòi trong thơ là thơ không vần, thơ có hình hài gần giống văn xuôi. Nguyễn Quang Thiều đi theo hướng đó.
2. Nhưng tìm tòi của Nguyễn Quang Thiều là chưa chín, chưa thuyết phục.
3. Việc một hai tờ báo đăng bài cho Nguyễn Quang Thiều, là tự nhiên, là bình thường; không có, mới là lạ. Tuy nhiên, chưa có những bài phê bình thật có giá trị.
3. Những khen chê gì thì khen, vẫn là phải trên cái hướng ủng hộ tìm tòi. Tôi đọc - đằng sau dòng chữ - có những nhận xét về thơ Nguyễn Quang Thiều dựa trên những quan niệm về thơ khá cũ, cái đó thì lại là chuyện đáng tiếc.

IV
Qua mấy hiện tượng vừa nêu, Hoàng Cầm, Nguyễn Quang Thiều, có thể thấy rõ: vận mệnh của thơ nói chung, của những tìm tòi hình thức trong thơ nói riêng, khôg chỉ phụ thuộc vào sự lao tâm, khổ tứ của từng người mà còn vào cái môi trường của sự sáng tạo, cái không khí trao đổi, cái dư luận được tạo ra trong giới. Mà đây là chuyện ở ta còn nhiều lúng túng. Một số cuộc họp ý kiến phát biểu còn đang lộn xộn chưa làm rõ được điều gì cả.
Để thúc đẩy sự đổi mới trong thơ lại còn hai vấn đề khác, không cấp bách bằng, nhưng về lâu dài, cũng có ý nghĩa không kém.
1. Việc nghiên cứu gia tài thơ cổ điển và sự phát triển của thơ Việt Nam từ trước tới nay. Trong sự cảm nhận hàng ngày, chúng ta biết thơ cổ rất khác thơ mới nhưng thi pháp thơ cổ điển Việt Nam ra sao chưa ai nghĩ, thi pháp thơ mới ra sao, chưa ai đề cập. Một cuốn sách rất nổi tiếng như Thi nhân Việt Nam rất hay, rất tinh tế về từng nhà thơ, nhưng cái gọi là thi pháp chung của nền thơ vừa hình thành thì cũng vẫn là nằm ngoài khu vực quan tâm của tác giả.
Lại còn những tìm tòi và nói chung sự phát triển của thơ từ 1945 đến nay nữa. Nhiều những bài báo những trang sách mờ nhạt, nhưng một cuốn tương tự Thi nhân Việt Nam cũng chưa có.
Tôi không nói gì mỗi khi bảo rằng, chúng ta chỉ có thể tìm tòi, tiến tới về phía trước, nếu hiểu biết thấu đáo sự sáng tạo của lớp người đi trước.
2. Việc nghiên cứu và dịch thơ nước ngoài Có một ý kiến khá phổ biến khi bàn về chuyện này: là cường điệu tính độc đáo của thơ Việt Nam cho rằng đọc nước ngoài để biết thôi, còn thơ ta có con đường khác. Tôi không nghĩ thế. Tôi cho rằng những hướng phát triển của thơ là chung cho thơ ở tất cả các nước. Vậy sự hoà nhập phải đặt ra, trước sau phải tính tới những tìm tòi kỳ lạ trong thơ Pháp và các nước châu Âu, thơ Mỹ La tinh v.v… thế kỷ 20 là rất bổ ích, và có tác dụng thiết thực đến thơ ta hiện nay.
Trong sự cởi mở của xã hội, khoảng mươi năm nay, hội hoạ của nước ta, bộc lộ một ý hướng rất rõ: họ muốn vẽ như thế giới người ta vẽ. Kết quả còn bập bõm. Nhiều khi sự bắt chước lộ liễu trở thành lố lăng. Nhưng cái tâm thế ấy của giới mỹ thuật là đúng, là đáng quý.
Một sự định hướng tương tự, chưa có trong văn học nói chung, trong thơ nói riêng. Thấy có gì kỳ cục một chút, là ta dè bỉu, chê bai. Người ta quên rằng, để có được những bài thơ hay trong Thơ thơ, Lủa thiêng, Ngày xưa, Điêu tàn v.v... các nhà thơ mới cũng đã phải qua cái trường học xa lạ của thơ Pháp. Có những người như Nguyễn Vỹ (và một số khác) học xong không tiêu hoá, không trở lại thành nhà thơ Việt Nam được. Nhưng công việc của họ không phải là vô ích. Họ giúp cho Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên tránh được những lầm lạc để trở nên nhuần nhị hơn, Việt Nam hơn.
Cái bi kịch của chúng ta là không ai chịu làm Nguyễn Vỹ cả, nên những Thơ thơ, Lửa thiêng cũng khó xuất hiện.
Một điều cũng nên nói ngay là tiếp cận với thơ nước ngoài không thể thông qua các bản dịch. Các nhà thơ phải học lấy, phải đọc thơ trong nguyên bản, để rồi nếu cần thì dịch lấy những gì họ ưa thích. Những hạn chế trong việc tiếp xúc nước ngoài thời gian vừa qua đẻ ra một hiện tượng kỳ cục: các nhà thơ mới đã dịch thơ Pháp thế kỷ 19 về trước, thơ Pháp đầu thế kỷ 20, lại đứng ra dịch thơ Pháp nửa sau thế kỷ 20, tức là những nhà thơ Pháp hiện đang còn sống. Tôi nghĩ đấy là điều bất đắc dĩ. Số phận của những đổi mới trong thơ nhất là hiệu quả của những tìm tòi về hình thức, chỉ có thể có, chừng nào mà các nhà thơ hôm nay, cũng sống hết lòng với các nhà thơ thế giới đương đại, như sáu bảy chục năm trước trên ghế nhà trường Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên đã thông thuộc thơ của những Verlaine, Rimbaud, Valéry, Claudel, và sau này khi đã là những nhà thơ truởng thành rồi, vẫn luôn luôn đối thoại trong tưởng tưởng với Aragon, Eluard, J. Prévert và nhiều người khác, (xin nhắc lại là họ đọc những nhà thơ ấy trong nguyên bản, chứ không phải các bản dịch!)

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP