Truyền thông, giáo dục, và bạo lực học đường

Ý tưởng cho entry này có sẵn trong đầu tôi từ lâu, luôn chờ cơ hội để bộc lộ. Vì đây là lãnh vực mà tôi có ít nhiều hiểu biết, và đã từ lâu định viết về nó. Nhưng vẫn chưa bao giờ viết ra, vì tôi quá tham lam, ôm đồm, đụng chuyện gì cũng muốn tìm hiểu, muốn tham gia, nên chẳng còn đâu thời gian làm những việc mình định làm.

Nhưng hôm nay thì tôi bắt buộc phải viết mấy dòng về chủ đề này, vì mới đọc xong một bài viết của nhà nghiên cứu/phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Trong đó, có một vài ý tưởng trùng với những điều tôi đã từ lâu ấp ủ.

Bài ấy có tựa là "Người Việt sống bằng hành động nhiều hơn suy nghĩ", ở đây. Một bài viết đáng đọc, nói về chủ đề bạo lực học đường và giáo dục. Và một chủ đề cũng có liên quan - dù không trực tiếp - đến vấn nạn bạo lực học đường là vai trò của truyền thông trong xã hội. Một chủ đề mà theo tôi còn cần rất nhiều cải cách để xã hội Việt Nam có thể phát triển hơn.

Truyền thông liên quan đến bạo lực học đường ở chỗ nào? Xin cho tôi trích dẫn từ bài viết kia, rồi sẽ "phụ họa" bằng lời bình của tôi.

Nhiều người nước ngoài nhận xét, thanh niên ta hiện nay khá về khoa học tự nhiên hơn khoa học xã hội. Các kiến thức có tính nhân văn ở các em rất đơn giản. Vì chính người lớn chúng ta cũng có chịu tìm hiểu chính mình đâu, lại càng không chịu tìm hiểu về xã hội mình đang sống.

Ví dụ ở các nước, trong hoàn cảnh như ta, chắc chắn người ta phải có những công trình nghiên cứu tầm cỡ về tâm lý thời hậu chiến trong đó có Xã hội học bạo lực… Với thanh thiếu niên, phải có những chuyên đề đi sâu vào bạo lực học đường.

Ở ta chẳng ai chịu chi tiền cho cán bộ khoa học làm. Bất đắc dĩ phải làm thì chỉ nhăm nhăm minh họa cho những ảo tưởng có sẵn. Những công trình nghiên cứu gọi đúng thực chất xã hội thì mang đút ngăn kéo, không cho phổ biến đến đông đảo công chúng. Thế sao gọi là nghiêm túc, là thực sự cầu thị?


Vâng, đúng thật. Chúng ta không có một nền khoa học xã hội và nhân văn đúng nghĩa. Chẳng trách hiện nay ta lại có lắm vấn đề về xã hội và về con người (= nhân văn) đến như thế này?

[Gầ]n đây, sau những cảnh bạo lực trong học sinh, người ta chỉ nói tới vai trò của thầy giáo cô giáo. Phải luôn luôn quan tâm tới các em, phải biết ngăn chặn các em… Tất cả những cái đó là đúng nhưng chưa đủ.

Toàn ngành giáo dục phải vào cuộc với nghĩa cả những người định ra nội dung chương trình giảng dạy, cả những người soạn sách giáo khoa cũng phải có mặt.


Tôi đồng ý với nhận định trên. Nhưng muốn nói thêm: Cũng không chỉ riêng ngành giáo dục. Tôi thấy lâu nay dường như hễ có việc gì xấu xảy ra trong xã hội thì người ta lại đổ lỗi hết cho ngành giáo dục, nếu không là thầy cô thì cũng là chương trình, sách giáo khoa, lãnh đạo nhà trường, hoặc sở, rồi ngành.

Vâng, có lẽ ngành giáo dục cũng phải chịu một phần trách nhiệm thật. Nhưng lẽ nào chỉ ngành giáo dục, là một ngành có đồng lương chết đói và chẳng có quyền hạn/quyền lợi gì, và cả quyền lực nữa, so với những ngành như ngân hàng, xăng dầu, truyền thông-báo chí, hàng không, hải quan, thuế vụ, y tế-dược phẩm, và thậm chí cả những ngành đầy tính "phục vụ công ích" như an ninh và quân đội?

Những tiêu cực, sai phạm, tệ nạn, bạo lực và bạo hành trong gia đình và xã hội, và trong phim ảnh, truyền hình, Internet, games, vv, rồi sự bỏ bê của cha mẹ đối với nhu cầu tinh thần của con cái, chẳng lẽ không chút ảnh hưởng gì đến sự hình thành tính cách của học sinh, từ đó dẫn đến bạo lực trong học đường sao? Cớ sao chỉ có ngành giáo dục phải gánh chịu tất cả?

Truyền thông hiện nay cũng phải trở thành một thứ trường học. Cần lôi cuốn các nhà nghiên cứu cơ bản tham gia phát biểu về các vấn đề thời sự. Rộng hơn từng hiện tượng lẻ, cần khai thác các ngành xã hội học trong việc tìm hiểu con người Việt xã hội Việt. Vấn đề không phải nói cái tốt hay cái xấu, mà là nói thực chất. Nói đúng thực chất thì tự nhiên có người nghe.

Với tư cách một người phê bình văn học, điều cuối cùng tôi muốn nói là trước tình trạng đạo đức xã hội như hiện nay, những người làm công việc văn chương tinh thần cũng nên tự vấn lương tâm của mình, nên nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm. Vì làm giáo dục một cách mòn sáo thất bại, nghệ thuật đang nghiêng về phía giải trí “mua vui” cho thiên hạ, tuy như ta thấy, chiều nịnh công chúng rút cục là làm hại công chúng.



Quá đúng. Tôi không thể nói gì thêm. Chỉ xin "dịch" lại ý cuối cùng của Vương Trí Nhàn sang ngôn ngữ có hơi hướng hàn lâm một chút: Truyền thông phải có vai trò riêng của nó, chứ không thể đơn thuần là công cụ tuyên truyền (nói theo VTN là "giáo dục một cách sáo mòn"), cũng không thể chỉ chạy theo thị hiếu của công chúng, phục vụ thị trường một cách mù quáng (nói theo VTN là "nghiêng về giải trí mua vui, chiều nịnh công chúng").

Nếu được như vậy, thì lúc ấy truyền thông sẽ đóng được trọn vẹn vai trò "giáo dục" của nó. Nhưng không phải là giáo dục theo kiểu tuyên truyền chính trị, cũng không phải giáo dục theo kiểu mô phạm, mà là giáo dục thông qua cái đẹp và cái thiện, để bổ sung cho cái chân, là công việc chính của nhà trường.

Đến bao giờ thì những lời nói trung thực, dù có thể chướng tai, được các vị có trách nhiệm cao nhất của đất nước này lắng nghe và thực hiện đây?
Được đăng bởi Vũ Thị Phương Anh vào lúc 6:51 AM

“Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”

Buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn: “Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”

Chiều ngày 02 tháng 03 năm 2010, tại hội trường Viện Nghiên cứu Con người, nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn đã có buổi nói chuyện với các cán bộ trong Viện về chủ đề: “Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”.

Có thể nhận thấy ngay chủ đề của buổi nói chuyện này đã bao gồm hai trong ba hướng nghiên cứu cơ bản của Viện Nghiên cứu Con người: Phát triển con người và văn hóa - cụ thể là nhân học văn hóa ứng dụng (hướng còn lại là Quyền con người) - ba hướng nghiên cứu đã được chỉ rõ trong cuốn Con người Văn hóa, Quyền và Phát triển do PGS.TS Mai Quỳnh Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người Chủ biên, được xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Viện. Với chuyên môn sâu là nghiên cứu, phê bình văn học cho nên xuyên suốt buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu, nhà văn Vương Trí Nhàn là những suy nghĩ tản mạn của ông về thế thái nhân tình trong xã hội hiện nay, về văn hóa và con người Việt Nam truyền thống và hiện đại đặt trong tương quan so sánh với văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới như văn hóa Trung Quốc - được đánh giá là có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới văn hóa Việt, văn hóa phương Tây: Mỹ, Pháp, Đức, một số nước vùng Trung cận Đông như Irăc,… Qua những sự so sánh này, nhà nghiên cứu rút ra kết luận sâu sắc về số phận dân tộc: “Các dân tộc khác là tấm gương của chúng ta và đồng thời từ họ chúng ta cũng nhận thức được chính mình”. Từ những “sự đọc”, những suy ngẫm, những nghiên cứu của ông về các nhân vật văn học, các tác giả văn học - con người trong văn học, từ câu chuyện cổ tích về người nông dân, con hổ và trí khôn - Trí khôn của ta đây, những câu chuyện hài hước, lém lỉnh của Trạng Quỳnh, Trạng Lợn - “sự khôn ngoan của người Việt dường như là sự lừa lọc” và một dạng “người Việt biết tuốt”, đến các nhân vật văn học điển hình như Xuân tóc đỏ - là kiểu người nông dân Việt Nam đang hội nhập từ xã hội nông thôn sang xã hội hiện đại - Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, con người tự nhận thức và hướng thiện trong Chí Phèo của Nam Cao, “con người thừa” trong những trang viết của Nguyễn Tuân; nhà nghiên cứu đã chỉ rõ trình độ phát triển của người Việt ở từng giai đoạn lịch sử qua ví dụ cụ thể về các thế hệ nhà văn; rồi ông cũng lấy chính cái Tôi của ông để khẳng định tính chất nhiều mặt của con người và những mâu thuẫn luôn ẩn chứa trong nó. Sau khi đã so sánh với sự hồi phục nhanh chóng sau chiến tranh của các nước như
Nhật Bản, Đức, ông cho rằng “ở Việt Nam, con người đã bị biến dạng rất nhiều sau chiến tranh”, con người giờ đây phải học lấy “thói quen dám từ bỏ cái cũ, dám tách sư phụ để xuống núi”. Ông khẳng định rằng, trong công tác nghiên cứu thì quay trở về với lịch sử là điều quan trọng và cần thiết, đồng thời ông cũng đưa ra một hướng nghiên cứu con người mới, đó là nghiên cứu về lịch sử con người - đã được Trung Quốc đi tiên phong trong cuốn Trung Quốc nhân học sử cương.

Buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn đã để lại nhiều ấn tượng về một con người “thà đi xe đạp mà đi thạo còn hơn đi xe máy mà loạng choạng”. Những suy ngẫm sâu sắc của nhà nghiên cứu là những gợi ý thiết thực cho các hướng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người.

Nguyễn Thị Thắm

Đối thoại về "Số phận những tìm tòi..."

Trao Đổi‎ > ‎

Phải nói là tôi có thể chia sẻ nhiều điểm trong bài Số phận những tìm tòi hình thức trong thơ Việt Nam sau 1945 (1) của Vương Trí Nhàn. Tuy thế, có nhiều điểm tôi không thể tán thành cùng anh. Trước hết, theo tôi, không thật thích hợp khi Vương Trí Nhàn chọn thơ Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến chống Pháp để biện giải “số phận những tìm tòi hình thức trong thơ Việt Nam sau 1945”. Vì sao vậy?

Thứ nhất: Trong cuộc tranh luận văn nghệ tháng 9-1949, thơ Nguyễn Đình Thi bị chỉ trích chủ yếu ở “định hướng nội dung” (chữ của Vương Trí Nhàn) tư tưởng, tình cảm, chứ không phải ở phương diện hình thức. Cũng như nhiều văn nghệ sỹ đi theo cách mạng thời ấy, chất tiểu tư sản trong thơ Nguyễn Đình Thi còn rất nặng. Phải “lột xác”, không còn cách nào khác, nhưng không ít đau xót đã diễn ra. Đúng như nhà thơ đã viết trong Nhận đường: “Cái xác cũ rụng xuống chưa dứt hẳn, da non mới mọc chưa lành, một chút gì chạm phải cũng rỏ máu”(2) . Nếu những bước đầu tiên trên con đường mới còn “loạng choạng” (chữ của Nguyễn Đình Thi) cũng là không tránh khỏi. Mặc dầu Nguyễn Đình Thi viết rất hay về mối quan hệ giữa văn nghệ và kháng chiến, thế nhưng trên thực tế, trong con người Nguyễn Đình Thi, nhà sáng tác chưa theo kịp nhà tư tưởng. Sự so le giữa nhận thức và hành động trong ông là có thật và dễ hiểu.

Trong cuộc trao đổi kéo dài vài ngày năm ấy, có những ý kiến quá đáng (như cho thơ Nguyễn Đình Thi là “nguy hiểm”). Song trên đại thể là đúng mực, và nhất là có thể giải thích được vào hoàn cảnh lúc đó. Thế Lữ cho rằng tình cảm trong thơ Nguyễn Đình Thi “chỉ có riêng mình anh rung cảm”. Tố Hữu thì kết luận thơ Nguyễn Đình Thi “chưa nói, hay nói ngược cuộc sống của quần chúng”, vì thế “những lúc thấy cần làm việc tôi thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm, vì tôi thấy ghét cái cá nhân - PQT lưu ý - nó lại trở về với tôi”. Chính Nguyễn Đình Thi cũng phải nhận là“ ông có buồn so với mọi người, mình đang đi một con đường khác” (lời Vương Trí Nhàn). Cái “tôi” lạc lõng so với không khí chung. Và nếu có ai đánh giá thơ Nguyễn Đình Thi khi ấy “cao đạo cầu kỳ” thì cũng không có gì là qúa đáng cả. Đó chính là lý do khiến nhà thơ sau này đã thay câu Ta nghe ta hát một mình (3) thành câu Đâu đây tiếng suối rì rào trong bài Đường núi. Đó đồng thời cũng là lý do khiến “hội nghị tranh luận không có kết luận chính thức về thơ Nguyễn Đình Thi” như Vương Trí Nhàn xác nhận. Vậy rõ ràng tác giả bài báo không đủ cơ sở để từ những phê phán về nội dung thơ Nguyễn Đình Thi đi tới nhận xét về những tìm tòi hình thức là không được đối xử thân thiện, để sau đó “không được tiếp tục”.

Thứ hai: Xét kỹ những trường hợp chưa thành công của thơ Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến chống Pháp, ta thấy nguyên nhân chính nằm ở chỗ hình thức chưa ăn nhập với nội dung, chứ không phải ở chỗ sự tìm tòi hình thức chưa có điều kiện triển khai đến cùng “như đáng lẽ phải có” (lời Vương Trí Nhàn). Anh Vương Trí Nhàn, tôi và tất cả chúng ta đều có thể tán thành với luận điểm của Nguyễn Đình Thi rằng: “Nội dung mới tự nó sẽ tìm đến hình thức mới”. Từ sau Cách mạng tháng Tám, cả dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh vĩ đại giành độc lập, tự do. Sự sống đã khác trước, tâm trạng đã khác trước. Vậy nên, nói như Nguyễn Đình thi, nếu nhà thơ không muốn đứng bên lề cuộc sống thì phải học lời nói của anh binh nhì “khỏe mạnh, hồn nhiên của một cuộc đời làm lụng chiến đấu không ngừng”. Tiếc là những bài như Không nói chưa đạt được yêu cầu như mong muốn của người viết. Chất cảm nghĩ của nhân vật trữ tình và lối thể hiện của bài thơ chưa có sự ăn nhập cần thiết. Không phải trái tim của những chàng trai cô gái tham gia kháng chiến không có chỗ dành cho tình yêu. Như bao đôi lứa khác trên đời, họ có thể trải qua mọi trạng huống, mọi cung bậc của con tim yêu đương. Tuy nhiên, trong cái nhìn “không nói” và nhất là trong “bóng nhỏ” trên “đường lầy” nơi “chiều mờ gió hút”, thật là khó đồng cảm vào thời ấy. Ở những bài thơ thành công của Nguyễn Đình Thi như Nhớ (1951) thì khác. Nội dung tình cảm dường như đã tìm được cách thức thể hiện phù hợp:

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Do đó, tôi không thể tán đồng với ý kiến của Vương Trí Nhàn: “Từ đó về sau trong những bài mới làm người ta bắt gặp một sự thỏa hiệp - PQT nhấn mạnh - : Ông không từ bỏ những tìm tòi đã có nhưng cũng không đẩy nó đi xa hơn như đáng lẽ phải có. Nói chung là ông pha loãng - PQT nhấn mạnh - thơ mình ra và làm cho nó gần với thơ mọi người hơn”. Ở đây, theo tôi, không có sự “thỏa hiệp” hay “pha loãng” nào cả. Đúng hơn, có lẽ càng ngày Nguyễn Đình Thi càng nhập vào đời sống của nhân dân, của kháng chiến nên có được sự gặp gỡ tự nhiên giữa nội dung mới và hình thức tương ứng trong các tác phẩm của mình. Đó cũng là con đường đi tới thành công của Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh và một số nhà thơ khác trong cuộc kháng chiến chín năm. Khi đó có thể xem như mong ước của Nguyễn Đình Thi nhằm xây dựng “một nghệ thuật còn ròng ròng sự sống... một cái đẹp khỏe, không khéo léo phấn son, mà mộc mạc, tươi như vừa nẩy lên từ một bàn tay hóa công nào” đã bước đầu được thực hiện.

Có thể đi tới kết luận rằng “số phận” của những bài thơ không thành công của Nguyễn Đình Thi trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp không phải là “số phận” của những tìm tòi hình thức mà chỉ là “số phận” của những sản phẩm nghệ thuật còn “lơ lửng”, còn “lạc lõng” (chữ của Nguyễn Đình Thi) so với đời sống của đông đảo quần chúng đang bằng mọi giá giành và giữ nền độc lập của dân tộc. Ở đây chạm phải vấn đề tính đại chúng của hình thức nghệ thuật mà theo tôi Vương Trí Nhàn đã ít nhiều giải thích thiếu quan điểm lịch sử - cụ thể. Ai cũng biết, điều cốt tử khi ấy với thi ca, với nghệ thuật là cần phải hữu ích. Dân trí của những người tham gia kháng chiến, nhất là những người trực tiếp cầm súng còn thấp nên thơ gắng sao cho thật dễ hiểu. Nếu “hướng vào đại chúng” có được xem là “tất cả” (chữ của Vương Trí Nhàn) thì cũng không có gì đáng phàn nàn, đáng chê trách. Ngay tác phẩm Mẹ con đồng chí Chanh (1953) có giọng kể như truyện dân gian nên được in tới sáu lần trong vòng hai, ba năm sau đó, cũng thật dễ hiểu. Nguyễn Đình Thi từng viết về mục đích thiết thực của các sáng tác thời ấy thế này: “Chúng ta muốn có những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ thay đổi được cả cuộc đời người đọc - làm thành người, đẩy chúng ta lên sự sống trước kia chỉ đứng xa nhìn thấp thoáng”(4) . Nghệ thuật muốn “thay đổi được cả một đời người đọc” chủ yếu là nông dân, công nhân không thể không “rộng rãi và quần chúng” về hình thức. Yêu cầu phổ cập có phần được chú trọng hơn yêu cầu nâng cao. Tất cả là do hoàn cảnh chi phối. Khi hoàn cảnh thay đổi, sự thể sẽ khác đi. Nhận xét của A. Gide về ý nghĩ của những nhà lãnh đạo văn nghệ ở Liên Xô sau Cách mạng tháng Mười “ngày nay nghệ thuật phải là bình dân hoặc không phải là nghệ thuật” cũng nên đặt vào hoàn cảnh cụ thể mà xem xét. Cũng không nên viết chung chung như Vương Trí Nhàn trong bài báo rằng “sự phát triển của thơ cách mạng ở các nước thường bao giờ cũng theo hướng là đi vào đại chúng”. Theo tôi, cần nói rõ thơ cách mạng ở vào thời điểm nào, bị chi phối bởi những quy luật gì?

Cuối cùng, không thể không lưu ý tới ý nghĩa thời sự của bài báo. Anh Vương Trí Nhàn viết: “ Ngày nay, muốn đi xa hơn chúng ta phải biết chia xẻ (5) với những đớn đau, nuối tiếc và tìm cách rút kinh nghiệm ngay trong thành công và thất bại của người đi trước”. Có thể là như vậy. Nhưng theo tôi, ý nghĩa thời sự của vấn đề mà tác giả bài báo đưa ra nếu có cũng rất mờ nhạt . Vì, như đã trình bày ở trên, thực chất của “số phận” thơ Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến chống thực dân Pháp không phải là vấn đề tìm tòi hình thức. Trong khi lần đầu tiên, vài năm trở lại đây, xét trong tiến trình thi ca Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay (không kể thơ ca miền Nam 1954-1975), vấn đề cách tân thi pháp được một số nhà thơ và nhà phê bình trực tiếp đặt ra. Và cũng xin nói thêm, bài học rút ra từ bài báo cũng chỉ nghiêng về những kinh nghiệm thất bại. Ví như, bài thơ Đêm 27 mà Vương Trí Nhàn có nhắc đến. Quả không thể chấp nhận được khuynh hướng tìm tòi của người viết. Thơ có thể không có vần, câu dài ngắn có thể khác nhau nhưng không thể thiếu âm điệu. Cái thứ thơ “lục cục lào cào” ấy “số phận” ra sao, không cần chờ thời gian cũng có thể đoán biết được trước. Vậy nên không lấy làm lạ khi Vương Trí Nhàn nhận xét: “Qủa nhiên về sau, những bài thơ thuần túy hình thức như thế này - PQT lưu ý - dứt hẳn”. Theo như người bình luận Báo Văn nghệ hồi ấy thì “đó là theo cái lối xếp thơ của các ông thi sỹ tượng trưng bên Pháp”. Học đòi như thế qủa không lấy gì làm “sang”. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi tác giả kết luận về những tìm tòi hình thức theo xu hướng đó như thế này: “Sự thật là nó rất ít được ủng hộ, tình cảnh của nó giống như tình cảnh của một đứa con nhà nghèo mà lại ăn mặc đàng hoàng như những đứa con nhà sang trọng khác. Không được! Các ông anh bà chị lên tiếng phản đối. Lâu ngày mặc nhiên hình thành một thứ luật lệ riêng ngự trị trong gia đình: Không tìm tòi gì cả”. Theo tôi người ta “nghèo” vẫn có thể “sang”, và vẻ sang trọng thực thụ không có gì dính dáp với cái lố lăng, hợm hĩnh.



29-7-1995



(1) Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 200, ra ngày 12/7/1995.

(2) Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học (nhiều tác giả) Nhà xuất bản Tác phẩm mới, T I, Hà Nội,1985, tr.9.

(3) Theo tôi, không thể từ câu Ta nghe ta hát một mình mà bình luận chung chung về quy luật phát triển của thơ là “ngày càng đi sâu vào nội tâm, vào cái thế giới bên trong vô cùng tận của mỗi cá nhân” như tác giả đã viết. Nếu đặt vào hoàn cảnh cụ thể khi ấy, câu thơ rõ ràng thể hiện sự cách biệt giữa con người cá nhân và con người tập thể trong thơ Nguyễn Đình Thi sau Cách mạng tháng Tám.

(4) Sách đã dẫn, tr.18.

(5) Có lẽ "chia sẻ" thì đúng hơn.

“Văn minh Việt Nam” là một cuốn giáo khoa mẫu mực

“Văn minh Việt Nam” là một cuốn giáo khoa mẫu mực (28/07/2005)
Nhân ra mắt công trình Văn minh Việt Nam của cố GS. TS Nguyễn Văn Huyên (NXB Hội Nhà văn), nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn - người biên soạn sách, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên.

* Lâu nay những công trình nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam vẫn xuất bản đều đặn. Nay Văn minh Việt Nam lại được ông đề nghị in thành một chuyên luận riêng (tách ra từ công trình Nguyễn Văn Huyên toàn tập - đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh), ông có sợ rơi vào tinh trạng "bão hòa"?

- Theo sự tìm hiểu của tôi, lâu nay Văn minh Việt Nam có phần thiệt thòi: nó không được biết tới rộng rãi, ngay cả trong giới chuyên môn. Chẳng hạn, nó không có mặt trong danh mục dài gồm 420 tên, thống kê các bài báo và cuốn sách có liên quan tới văn hóa Việt Nam trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm (tôi đang có trong tay bản in 1996).

Một số người khác (nếu tôi không lầm có cả cố GS. Trần Quốc Vượng) dù đã nhắc nhiều về Nguyễn Văn Huyên, lại không mấy khi đề cập công trình này của ông.

Có thể cắt nghĩa tình trạng trên như sau: nguyên tác được viết bằng tiếng Pháp và chỉ gần đây mới được dịch ra tiếng Việt. Mà bản dịch lại nằm trong bộ toàn tập gần 2.000 trang khổ to, in lần đầu vào năm 1995, được phát hành theo lối bao cấp, thành ra "người cần thì không có sách và người có sách lại không đọc".

Theo tôi, cuốn sách rất đáng được phổ biến rộng rãi. Không thể so sánh nhiều cuốn sách tầm thường hiện nay với nó được! Chính vì e sợ số người đã trực tiếp đọc nó không bao nhiêu nên tôi mới đề nghị in thành cuốn riêng.

* Không thể phủ định giá trị của công trình, song dẫu sao, cho đến thời điểm này (chứ không phải thời điểm hoàn thành - năm 1939), tác phẩm đã không còn gây "sốc"...

- Ta hãy thử làm một đối chiếu nho nhỏ. Nếu chỉ tính sách vở của người Việt nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt, tôi thấy hai cuốn Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính) và Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh) nổi hơn cả. Tuy nhiên Văn minh Việt Nam có những điểm mới mà hai cuốn trước không có.

Ngoài ra, bao trùm ở đây là tinh thần phê phán được vận dụng một cách đúng mức khiến cho giá trị khoa học được nâng lên một bước.


Tính đến thời điểm công trình ra đời, Nguyễn Văn Huyên đã miêu tả rất đúng những khía cạnh khác nhau của văn hóa, văn minh Việt, và gợi ra được nhiều khái quát đúng đắn. Đến lượt mình, các nhà khoa học hôm nay sẽ phải đảm nhận việc miêu tả những biến chuyển xảy ra từ bấy đến nay.


* Có ý kiến cho rằng bên cạnh Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), chuyên luận Văn minh Việt Nam là một cuốn giáo khoa mẫu mực?

- Đúng vậy. Trong cuốn Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh có kể rằng ông viết Việt Nam văn hóa sử cương là do nhu cầu dạy môn văn hóa Việt Nam ở cấp cao đẳng.

Còn theo tài liệu của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh thì Văn minh Việt Nam được biên soạn trong thời gian Nguyễn Văn Huyên tham gia giảng dạy.
Nhân nhắc lại chuyện này, tôi chợt nhớ ai đó đã từng đề nghị tất cả học sinh, sinh viên cấp trung học, đại học phải được học chương trình văn hóa Việt Nam (chứ không phải chỉ sinh viên chuyên ngành). Đề nghị đó rất nghiêm túc, chỉ có điều, khoa nghiên cứu văn hóa dân tộc ở ta quá yếu, bây giờ có muốn dạy cũng không lấy đâu ra thầy đủ khả năng và giáo trình tốt.

Lâu nay chúng ta đã đi lệch, tức xem phần chủ yếu của văn hóa quy gọn cả vào văn học và khi nghiên cứu văn học thì lại mải đi vào bình văn, bình thơ, tầm chương trích cú, mà không chú trọng tới cái hồn của văn hóa nằm trong đó.

* Văn minh Việt Nam khái quát sự phát triển của đời sống vật chất, tinh thần, đặc điểm nhân chủng, tâm lý, cá tính người Việt... Tuy nhiên, hình như sau Nguyễn Văn Huyên vẫn chưa có quyển sách nào nghiên cứu kỹ và có hệ thống hơn về lịch sử văn hóa Việt Nam mà bổ sung cho quyển này. Thậm chí nhiều người còn nói hơi "ngoa" rằng, giới nghiên cứu bây giờ chỉ "nhai lại" những gì mà người đầu thế kỷ XX đã viết...

- Đáng tiếc rằng đó là sự thật mà những ai có tìm hiểu văn hóa Việt Nam đều công nhận, tuy không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng nói thẳng tuột ra như vậy.

* Đối tượng nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên rất rộng rãi, từ nhà sàn Đông Nam Á đến một khu phố Hà Nội, từ hát đối nam nữ đến Nội đạo tràng, từ các làng xã và nông dân đồng bằng Bắc bộ đến nơi cư trú của người Dao... Ông có định xuất bản tiếp những công trình này?

- Vâng, tôi mong lắm vì mỗi lần bắt tay vào biên tập những cuốn sách đó là một dịp được học hỏi thêm. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa nói chung vốn là "bệnh" của nhiều người làm công tác nghiên cứu phê bình văn học, trong đó có tôi.

Nguồn: Nhân dân.com

Khi “taboo” bị bôi bẩn, hạ bệ

Khi “taboo” bị bôi bẩn, hạ bệ
Mấy tháng nay cuộc “đọ tiếng đọ sức” xoay quanh tác giả “Dế Mèn” khi thì ồn ào khi thì âm ỉ nhưng xem chừng sẽ còn kéo dài! Sở dĩ bỉ nhân dám mạnh miệng tiên đoán “sẽ còn kéo dài” vì vụ việc này có tính chất sinh tử không những đối với các phe phái sinh hoạt văn học trong nước, mà còn đe dọa tới quyền lãnh đạo của Đảng. Nhưng trước hết hãy ghi lại những sự kiện trên mặt nổi:
- Châm ngòi cho cuộc xào xáo là bài viết “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần” của Vương Trí Nhàn. Bài này được đăng một phần trên Tạp chí Nhà Văn thuộc Hội Nhà Văn vào tháng 11 năm 2009, nghĩa là được đăng tải trên một diễn đàn “luồng chính”, “lề phải” và cũng được tác giả cho in toàn bộ vào quyển “Những chấn thương tâm lý hiện đại” do nhà Thời Báo Kinh Tế Sai Gòn xuất bản.
- Bài viết của Vương Trí Nhàn nếu nhìn phiến diện thì chỉ thấy tác giả cho người đọc vẽ ra một khuôn mặt, một nhân cách “gần” về Tô Hoài “cây đại thụ” cuối cùng của “nền” văn học xã hội chủ nghĩa. Cách chơi chữ của tác giả bài viết khi hạ bút dùng chữ “gần” rất lấp lửng để cho người đọc tự rút ra kết luận. Cái khéo của việc dùng chữ “gần” mà không huỵch toẹt nói là “thực” nằm ở chỗ không nói ra mà hóa thành đã nói thẳng.
- Phản ứng lại bài viết này trước tiên là bài viết “Ngạc Nhiên và thất vọng” của Phạm Khải đăng trên báo Văn Nghệ Công an một thời gian khá lâu sau khi bài viết của Vương Trí Nhàn. Báo Văn Nghệ Công an, nói về đẳng cấp, tuy cũng là một diễn đàn thuộc luồng chính, nhưng phải nói là thấp hơn, uy tín không lớn trên cả nước. Hơn nữa uy tín, vị trí và ảnh hưởng của Phạm Khải trong sinh hoạt văn học chưa có tầm vóc của Vương Trí Nhàn.
- Cho nên tiếp sau Phạm Khải là 2 bài viết của Phan Thị Vàng Anh, bài trước “Nồi lẩu của trí nhớ” ngắn, sự hằn học còn nhẹ. Và mấy ngày sau Phan Thi Vàng Anh” bồi thêm” bài “Nỗi hận của kẻ ở gần/Cung nô bộc xấu” lời lẽ hằn học, cay đắng, trách móc, và miệt thị Vương Trí Nhàn. Phan Thị Vàng Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn, có chức có quyền lớn trong cơ chế lãnh đạo. Điểm đáng chú ý là cả hai bài viết này chỉ được đăng trên Blog Phong Diệp, nghĩa là một trang mạng thường chỉ được giới viết lách truy cập, nghĩa là có tầm ảnh hưởng rất giới hạn. Đương nhiên, nếu muốn, Phan Thị Vàng Anh có thể đăng tải bài viết của mình trên các báo hay tạp chí của Hội Nhà Văn. Và sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi cần một lời giải đáp. Nhưng ý kiến của Phan Thị Vàng Anh phải được hiểu là ý kiến phản ảnh đường lối lãnh đạo của Đảng! Đăng bài trên Blog Phong Diệp tức là tác giả muốn giới hạn cuộc xô xát trong vòng giới viết lách tuy bài viết của Vương Trí Nhàn được đăng trên một tờ báo chính thức của Hội Nhà Văn. Nhìn những sự việc đang diễn ra, bỉ nhân có thể đoán chừng: sau những thảo luận kỹ lưỡng của cấp lãnh đạo Đảng về những hậu quả do bài viết của Vương Trí Nhàn tạo ra, cách đối phó tạm thời từng bước là “không nên làm to chuyện”, và mục đích mặt nổi chiến lược là hướng vào việc “đánh” tư cách Vương Trí Nhàn nhằm thả khói mù che lấp mục tiêu chính của Vương Trí Nhàn. Mục tiêu đó là gì? Theo suy nghĩ của bỉ nhân, dường như tác giả Vương Trí Nhàn có một mục tiêu xa hơn, chỉ lấy Tô Hoài như một điển hình nhằm xét lại giá trị của 50 năm văn học xã hội chủ nghĩa.
- Những khuôn mặt dựng nên nền văn học đó nay phần lớn đã qua đời, không lẽ đem họ ra xét lại.
- Trong một hai năm gần đây, người tinh ý nhận xét thì thấy liên tục có hiện tượng “sơn phết” diện mạo Tô Hoài trên các cơ quan truyền thông báo đài chính thức của Đảng. Trong gần một tháng về Saigon thăm nhà vào cuối năm ngoái, ít nhất bỉ nhân đã thấy ba lần đài truyền hình có phóng sự về Tô Hoài. Tại sao phải làm vậy là một câu hỏi đáng nêu ra để tìm nguyên do.
- Từ nhiều năm trước đây, trước khi từ trần, Chế Lan Viên – một tay “đánh hôi” các đối tượng văn học cần trù dập theo chỉ thị của lãnh đạo Đảng do Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi thừa hành, nổi tiếng – đã viết ra những bài thơ “hối lỗi” về những gì ông đã làm, tự mình nói ra hầu hết văn thơ ông đã viết ra trước đây đều là rác rưởi. Việc làm này của Chế Lan Viên tuy mới chỉ ở tầm mức cá nhân nhưng không phải là hậu quả không đáng kể vì nó chỉ ra cho thấy “nền” văn học xã hội chủ nghĩa trong quá khứ chỉ là một thứ “bánh vẽ, phải đạo” như Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến đã sớm nhận ra.
- Nhưng đến khi Nguyễn Khải, nhà văn được Đảng tín nhiệm hàng đầu, trước khi từ trần, đã cho phổ biến những trang hồi ký của ông thì cái “nền” văn học xã hội chủ nghĩa nọ hầu như đã được đánh giá một cách rốt ráo. Về nền văn học đó, chẳng còn gì để mà nói ngoài việc hãy vứt nó vào thùng rác! Nhưng nếu nền văn học đó bị phủ nhận, điều đó cũng có nghĩa vai trò lãnh đạo văn học nghệ thuật của Đảng cũng phải bị triệt tiêu. Và hệ luận tức thời là sự hiện hữu của Đảng Cọng sản phải chấm dứt.
- Đến khi Nguyễn Đăng Mạnh cho phát tán quyển hồi ký thì toàn bộ những khuôn mặt “vệ binh đỏ” như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ…những kẻ tuân hành chỉ thị từ đầu não lãnh đạo văn hóa của Đảng bị rơi mặt nạ, là cú đánh dứt điểm toàn diện giật xập văn học xã hội chủ nghĩa.
- Nhìn vào tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước trong vòng mười năm trở lại đây ta thấy có 3 khuynh hướng: nhóm trung thành với đường lối lãnh đạo Đảng để hưởng chức quyền bổng lộc (vệ binh đỏ), nhóm “ăn theo” thường ngả theo nhóm thứ nhất để “hứng” chút bổng lộc rơi vãi (vệ binh xanh), và nhóm có khuynh hướng “đổi mới” triệt để muốn vạch một con đường lương thiện cho sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Sau khi đã kiểm điểm những sự việc nói trên chúng ta có thể xét cuộc tranh cãi về bài viết của Vương Trí Nhàn dưới nhiều góc cạnh, và có một cài nhìn tương đối đầy đủ hơn. Ai cũng biết tầm vóc của Tô Hoài trong “nền” văn học xã hội chủ nghĩa là rất khiêm tốn so với Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận… Đấy là xét về văn tài. Và về tư cách Tô Hoài thì lại có giá trị rất khả nghi, tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt. Nhưng đánh giá tư cách Tô Hoài chỉ là bước đầu xét lại tư cách của những Tố Hữu, Nguyển Đình Thi, Huy Cận…Vậy nay Vương Trí Nhàn đem Tô Hoài ra làm “con vật thí thân” – và theo bỉ nhân, đây chỉ là bước đầu của họ Vương – để làm một cuộc đánh giá rốt ráo về 50 năm văn học xã hội chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là Vương Trí Nhàn đang làm cái công việc bôi bẩn, hạ bệ cái “taboo” cuối cùng những người còn trung thành với Đảng đang cố bảo vệ. Thế nên, Phan Thi Vàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn, dù trong lòng có quí trọng họ Vương cách mấy (chúng ta không quên chính Vương Trí Nhàn là người đã có công đưa Phan Thị Vang Anh lên đài danh vọng trong những ngày đầu cầm bút), hẳn cũng phải thi hành chỉ thị “cấp trên” vào cuộc. Và đây hẳn là một cuộc đọ sức sinh tử kéo dài.
Viễn Kiến

'Nói xấu Tô Hoài?'

'Nói xu Tô Hoài?'

Ông Vương Trí Nhàn vừa công bố những ghi chép cá nhân về Tô Hoài.

Vị khách tiếp theo mà BBC 'gõ cửa' đầu năm Canh Dần là nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, người đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Ngay trước Tết, cây bút này gây xôn xao văn đàn Việt Nam về một tiểu luận được cho là 'động chạm' tới đời tư của nhà văn gạo cội, được nhiều người biết đến, Tô Hoài.

Trong Tết này, ông Nhàn cho biết, ông đang tha thiết với một chủ đề khác, vẫn mang đặc trưng và phong cách rất riêng của ông, với cái nhìn có tính phê phán theo kiểu những bài viết về 'người Việt xấu xí' đã giúp ông nổi tiếng.

Nhưng trước hết, Vương Trí Nhàn phản hồi những bình xét trong nước, đặc biệt của các bạn viết Phan Thị Vàng Anh và Phạm Khải, vốn cho rằng ông hoặc đã 'nói xấu' hoặc đã có thái độ 'hai mặt' với Tô Hoài trong tiểu luận "Tô Hoài nhìn ở một khoảng cách gần" được công bố mới đây.

"Thực ra đây là những ghi chép trong sổ tay hai chục năm qua của tôi. Trước khi công bố, chính tôi đã đưa Tô Hoài đọc. Ông đã đọc rất kỹ, suốt trong một năm. Ông có nói với tôi là nên bỏ đi hai chỗ, về gia đình của ông, còn lại, ông bảo là đăng được."

Còn về chủ đề cho năm mới, ông Nhàn cho hay: "Tôi đang và sẽ viết tiếp các bài về văn hóa Việt Nam. Và một trong số đó là chủ đề về chính cách ăn Tết của người Việt.

"Tôi nghĩ chúng ta phải ăn Tết khác đi, như nhà thơ Xuân Diệu trước đây từng nói, chúng ta lười quá, chúng ta nghỉ lâu quá và nhân dịp tết, chúng ta chơi bời nhiều quá," nhà phê bình hào hứng đưa ra nhận xét.

Có nên thay đổi “cách” ăn Tết?

22/02/201o

Mặc Lâm - RFA

BVN xin không bàn thêm vào những điều mà nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đã nói rất chí lý trong bài tường thuật dưới đây. Hậu quả của một nghìn năm Bắc thuộc là cái giá không ai muốn nhưng vẫn phải trả chính là những tàn dư còn lại trong nếp sống như vậy đấy. Nhưng rõ ràng những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân chúng miền Bắc ăn tết giản dị mà ấm cúng hơn nhiều. Mà cũng không phải hoàn cảnh chiến tranh hạn chế sinh hoạt của mọi người. Hình như ở đây có vai trò của người điều hành đất nước. Với tầm mắt “canh gác” nghiêm ngặt theo một kiểu nào đó thì sự xô bồ, bắt chước, lai căng trong đời sống hôm nay có vẻ là cái phần mà người ta cảm thấy dầu có “thả lỏng” cũng vô hại. Tuy nhiên, nếu nhà chính khách có cái nhìn thực là viễn kiến thì đôi khi cái cần thắt buộc chưa hẳn đã đáng thắt buộc mà cái được buông thả biết đâu lại chẳng là điều rất đáng lo. Xin quý vị hãy thử nghe lại một bài thơ nói về phong tục tết của Việt Nam do ông vua anh hùng Trần Nhân Tông (1258-1308) sau khi đã ba phen đánh thắng giặc Nguyên oanh liệt, làm tặng sứ giả nhà Nguyên Trương Hiển Khanh :
Giá chi vũ bãi, thí xuân sam
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính
Tòng lai phong tục cựu An Nam
(Múa giá chi rồi thử áo xuân
Hôm nay hàn thực, buổi thanh thần
Bánh rau đầy đặn bày mâm ngọc
Nước Việt, tục này theo cổ nhân

- Trần Lê Văn dịch).
Bauxite Việt Nam

Năm mới mua chữ "Hán" cầu giàu sang phú quý ở Văn miếu, Hà Nội - AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam

Trong những ngày cận tết, xuất hiện nhiều bài viết trên mặt báo lo lắng cho việc ăn tiêu ngày tết quá thừa mứa của dân chúng.
Thói quen này không những tốn kém cho xã hội mà còn gây ra nạn tranh nhau mua sắm vì sĩ diện dẫn đến nợ nần chồng chất cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó người dân đang có khuynh hướng chạy theo mê tín dị đoan hơn là gìn giữ bản sắc dân tộc đúng như truyền thống. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này gửi đến quý vị sau đây.

Vật phẩm Trung Quốc
“Người ta đổ xô về Văn Miếu. Dân đến đó là để cầu may tức là để xin chữ. Người viết thì còn non tay và đơn giản lắm thế nhưng người dân cứ thèm xin chữ Hán cầu may” – Ô. Vương Trí Nhàn.
Từ cả trăm năm trước, các cụ nhà báo theo Hán học nổi tiếng đã không ít lần lên tiếng trên các trang báo quốc ngữ về những trăn trở của họ cho người dân trước việc thi nhau mua sắm trong ba ngày tết. Hầu hết những vật phẩm này đều phát xuất từ Trung Quốc như vàng mã, lân, pháo, cho đến tục cúng tế. Nhiều ông thần không có trong phong tục nước nhà được bày biện trang trọng khấn vái trong nhiều gia đình Việt Nam. Các cụ cũng chứng minh rằng nếu người dân biết ngưng lại không mua sắm những vật dụng vô bổ này nữa thì việc ăn tết sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, và từ đấy người dân nơi các làng quê hẻo lánh không còn phải chạy vạy trong ba ngày tết để phải còng lưng trả nợ nhiều tháng trời sau đó.
Ý kiến các cụ từ cả trăm năm trước tỏ ra vẫn còn đúng cho những thế hệ về sau. Kể cả ngày nay, khi mà dân chúng vẫn có khuynh hướng chạy theo nhau sắm sửa như ma đuổi vào những ngày giáp tết, bất kể giàu nghèo hay khó khăn đến mức nào. Tâm lý ăn tết sao cho đàng hoàng như nhà bên cạnh khiến hàng triệu người khổ sở và tâm lý này hầu như không thể bỏ bởi di sản lâu đời đè nặng trên đôi vai người nghèo, vốn đã oằn dưới sức ép của miếng ăn lại nặng hơn vào những ngày cận tết.
Vật phẩm trang trí Tết có nguồn gốc Trung Quốc - AFP PHOTO.

Ăn tết như thế không phải bây giờ mới có. Theo nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn thì vào những năm 40 đã có nhiều văn nghệ sĩ cố lên tiếng kêu gọi người dân nên quay lại với tinh thần ăn tết cần kiệm và thực hiện ý nghĩa cao quý của nó hơn là chạy đua theo thói quen đua đòi với nhà hàng xóm.
Rất nhiều lần tôi đã viết những bài báo như Nguyễn Công Hoan đã viết về nạn mừng tuổi của người Việt Nam nó khốn khổ thế nào. Tú Mỡ thì có những bài thơ ghét tết. Gần đây nhất tôi viết bài báo nói về ta phải ăn tết khác đi. Năm 46 tức là cái tết đầu tiên ông Xuân Diệu có bài viết văn hóa ăn tết của nước mình nó dài quá, lười quá… nó dễ dãi với nhau quá và ông đặt vấn đề là phải đúc kết lại, ông ấy bảo cái mà ta gọi là truyền thống ấy gần với trung cổ. Ông ấy viết một bài nói về tết độc lập đầu tiên cũng là cái tết trung cổ cuối cùng.
Việc mua sắm các loại hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc trong ngày tết thật ra đã thành nếp trong tâm lý người Việt. Người dân Việt Nam bị ảnh hưởng sâu nặng phong tục tập quán phương Bắc quá lâu và từ đó bị xâm chiếm trọn vẹn tới ngay cả tính thẩm mỹ của mình. Màu đỏ tượng trưng cho may mắn tài lộc không còn là độc quyền của người Trung Quốc nữa mà nhiều gia đình người Việt đã nghiễm nhiên xem màu đỏ, màu vàng nhũ, hoa văn rồng phượng là truyền thống hay thậm chí là văn hóa Việt Nam. Người Việt sản xuất và mua bán các loại văn hóa phẩm phát xuất từ Trung Quốc một cách hồn nhiên và lâu dần họ thầm nhủ rằng thiếu những sản phẩm này trong ba ngày tết thì không còn là người Việt Nam đúng nghĩa.
Cứ đi một vòng trong ba ngày tết bất cứ nơi đâu trong toàn cõi Việt Nam, không khó khăn gì khi thấy rằng người dân chen nhau đi hái lộc đầu năm một cách rầm rộ. Hình như thiếu sinh hoạt hái lộc sẽ không còn không khí ngày tết. Lộc ở đây nhiều đến nỗi ai cũng có thể hái đựơc và yên tâm rằng cả năm sau gia đình mính sẽ không còn chật vật. Người ta hái lộc trong chùa thì đã đành, ngày nay họ kéo nhau vào các ngân hàng để hái lộc nữa. Ông Vương Trí Nhàn kể lại chuyện xảy ra trong ba ngày tết sau đây:
Ngày nay, sự mê tín cộng với tâm lý cầu may của dân mình nặng hơn bao giờ hết anh ạ. Hôm qua tôi đọc một tin trên báo biết là tại Quảng Bình tất cả các ngân hàng vào ngày tết thì người dân tràn vào nhặt hết lá trên các cây cảnh, gọi là hái lộc. Những cái cây ấy bị vặt trụi hết cả. Việc này xảy ra đã mấy năm nay rồi nhưng năm nay lại càng tệ hơn. Những ngân hàng nhà nước phải có công an đứng gác trước cửa nếu không thỉ người ta đổ xô vào bẻ bằng được mọi thứ và nghĩ rằng đấy là hái lộc. Tâm lý rất là lạ.
Chữ Hán mới “giàu”?
Chữ Hán tuy không còn được sử dụng trong hệ thống chữ viết của người Việt hàng trăm năm nay nhưng không biết vì duyên cớ gì lại có sức thuyết phục người dân rằng chỉ có chữ Hán mới đem lại giàu sang phú quý cho gia đình họ khi trưng những con chữ ấy trong nhà vào ba ngày tết. Từ Văn miếu cho đến hương thôn không nơi nào mà ngày tết lại vắng mặt những chữ Hán sơn son thếp vàng trong nhà, hay nơi công cộng. Mặc dù hoàn toàn không lãnh hội được ý nghĩa của loại chữ viết này nhưng người dân lại cả tin rằng nó sẽ mang lại tài lộc cho gia đình họ. Niềm tin này trở thành mê tín và nhiều người vẫn mang nặng trong lòng và bất cứ giá nào cũng phải xin được chữ treo trong gia đình.
Thứ hai nữa là tại Hà Nội trong khi các công viên vui chơi rất hiếm nên người ta đổ xô về Văn miếu. Dân đến đó là để cầu may tức là để xin chữ. Người viết thì còn non tay và đơn giản lắm thế nhưng người dân cứ thèm xin chữ Hán cầu may. Thanh niên đến đấy để xin chữ “đỗ đạt” hoặc là “lộc” để cầu lộc trong năm. Học sinh thì đến để mà xoa đầu rùa, lấy may để sau này thi cử thành công. Theo tôi hiều thời bây giờ con người thiếu tự tin, lo lắng cho tương lai nhưng không biết làm cách nào để mà tấn tới cả. Họ chỉ trông mong vào may rủi, thậm chí khi đến những nơi giải trí thì người ta không còn lòng dạ nào vui chơi nữa. Đấy là những nét rất rõ của Hà Nội trong năm nay.
Mua chữ "Hán" để cầu may năm mới tại phố Ông Đồ ở Hà Nội - AFP Photo.

Những hành động thiếu văn hóa thường xảy ra tại các nơi đông người và Văn miếu cũng không ngoại lệ. Báo chí than phiền về việc người dân xả rác, phá phách các vật dụng quý, xoa đầu rùa, chạy nhảy ồn ào tại nơi được xem là tượng trưng cho nền văn hóa nước nhà…. Du khách ngoại quốc sẽ nghĩ gì trước hiện tượng này khi chính quyền vẫn tỏ ra bất lực trước công tác bảo vệ những di sản quý giá như vậy?
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn tỏ ra băn khoăn khi ông nói rằng, đã rất lâu ông là người cổ vũ cho việc phải thay đổi cách ăn tết của người dân nhưng xem ra tiếng nói của ông cùng hàng trăm nhà văn hóa khác qua bao thế hệ vẫn tỏ ra rời rạc và không có tiếng vang nào.
Tôi là người sống tại Hà Nội 60 năm nay. Trong những năm 60 còn phong tục cũ có nhiều cái tác động cả xã hội chứ không riêng ai cả. Chúng ta phải có nếp sống khác với nếp sống cổ lỗ của thời trước. Thời của chúng tôi thì ăn tết đơn giản và tiết kiệm. Gần đây, theo tôi nó nằm trong tâm lý chung của dân chúng vì họ quá mệt mỏi. Sau chiến tranh bị áp lực với những truyền thống nhất là tại nông thôn, nó áp đặt lên đời sống, cựa không nổi. Sao không ăn tết khác đi? Ăn tết như vậy thì thật là khó tiêu hóa đối với lớp trẻ.
Khi nào danh từ truyền thống còn được hiểu một cách đơn giản, thiếu cân nhắc thì ngày ấy cách hành xử của người dân vẫn bị hướng dẫn theo một dòng chảy duy nhất. Vai trò của nhà nước là hướng dẫn người dân một cách lành mạnh để họ hiểu được đâu là mê tín dị đoan, đâu là nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc cần phải giữ gìn. Và điều nổi trội và đáng lo hơn hết, khi những quán tính mà người dân theo từ bấy lâu nay nếu trở thành dân tộc tính thì sự lệ thuộc văn hóa ngoại nhân là điều không thể nào tránh khỏi.
Nguồn: rfa.org

Nỗi hận của kẻ ở gần

Xem thêm

Ngạc nhiên và thất vọng (Phạm Khải viết về Vương Trí Nhàn)

NỒI LẨU CỦA TRÍ NHỚ

Phan Thị Vàng Anh

CUNG NÔ BỘC XẤU

Đọc “Tô Hoài nhìn ở một khoảng cách gần”, ngoài chuyện “phang” một người đang sức yếu, thì cái điều luẩn quẩn trong đầu tôi nhiều nhất chính là khái niệm “gần”.

Thế nào là “gần”? Và biết thế nào mà giữ cho đừng quá “gần” để người ta nhìn mình quá sát? Và chẳng lẽ không nên để ai tới “gần” sao?

Thế nào là gần?

Gần với một người, theo nghĩa thông thường ai cũng biết, là có thể lui tới người ta thường xuyên, được người ta tâm sự nhiều chuyện: từ chuyện nghề, chuyện đời, cho tới những thói xấu của người khác.

Gần nữa là được nghe người ta nói xấu vợ, khen gái gú.

Gần hơn nữa là được nghe con người ta tâm sự với mình về chính người ta.

Đối với đàn ông, gần nữa, gần nữa là được người ta tâm sự về những suy nghĩ trước chính trị gia, chính trị.

Đọc Tô Hoài nhìn ở một khoảng cách gần, thấy trong quan hệ giữa nhà văn Tô Hoài và nhà phê bình Vương Trí Nhàn có đủ những cấp độ của cái sự “gần” đã nêu. Và cái “gần” này có vẻ mang màu sắc chủ động từ phía ông Nhàn chứ không phải từ phía nhà văn Tô Hoài.

Làm sao giữ cho đừng quá “gần”?

Câu hỏi này chắc nhà văn Tô Hoài không thể trả lời. Ông đã thất bại hoàn toàn trong việc này, để một người như NPB Vương Trí Nhàn đến gần, quá gần, trong một thời gian quá lâu.

Mà ai rơi vào hoàn cảnh NV Tô Hoài thì cũng thế thôi. Làm sao ông có thể phòng thủ được khi có một người mang vẻ thông minh nhường ấy, thâm trầm nhường ấy, biết căm ghét các thói xấu (đặc biệt của người Việt) nhường ấy bầu bạn.

Người ấy, tức NPB Vương Trí Nhàn, biết quan tâm đến công việc của ông một cách chân tình, bền bỉ: nào là nhận biên tập sách ông viết, viết bài khen khi sách ông ra, viết thuyết minh cho phim về ông, và khi ông được giải thưởng Thăng Long thì cùng bạn bè tổ chức ăn mừng ông được giải…

Tóm lại, ông Nhàn có đầy đủ tín hiệu của một người bạn vong niên, xứng đáng được ở gần mà trao đổi những điều sâu kín.

Và tóm lại, chẳng thể nào giữ cho đừng quá “gần”, một khi người ta có dụng ý phải “gần” bằng được.

Nỗi hận của kẻ ở gần

Ngạn ngữ Tàu có câu về chơi với bạn, đại ý, chơi thân với người xấu cũng như vào nhà xí, lúc đầu thấy thối về sau thấy thường. Chơi thân với người giỏi cũng như vào hàng hoa, lúc đầu thấy thơm về sau thấy mệt.

Lỗi của nhà văn Tô Hoài, đúng như chính ông Vương Trí Nhàn đã viết, là có “khả năng chung sống với cái xấu đến tuyệt vời”, trong khi lại không biết mình đã chuyển sang giai đoạn làm kẻ ở gần “thấy mệt”.

Ông Vương Trí Nhàn một khi đã được ở gần nhà văn Tô Hoài rồi có lẽ lại “thấy mệt”, nên trong nhật ký của ông gần như chỉ toàn những điều căm ghét và coi thường. Hành động gì, câu nói gì của NV Tô Hoài cũng bị ông bới móc, đay nghiến (nhưng thầm; chỉ thầm thôi).

Cao hơn nữa, sự hận “thầm” của ông Vương Trí Nhàn còn khiến ông lân la đến những nhà văn khác nhau, nhớ và ghi lại cẩn thận những câu họ nhận xét không hay về Tô Hoài. Các nhà văn đó giờ hẳn phải rùng mình. Có ai ngờ trong lúc vui miệng nhận xét về một người, mà cái người kia cứ gật gù nghe rồi lẳng lặng về nhà ghi lại hết, xong bây giờ tập hợp thành hẳn một bản “tố cáo” đủ nhân chứng.

Nghĩ mà buồn cười. Ông Vương Trí Nhàn lấy tên bài là “ở một khoảng cách gần”, nhưng những lời nói không hay về nhà văn Tô Hoài thì ông toàn nghe qua người này người nọ, tự ông hoàn toàn không có kiểm chứng, thậm chí bằng một phương thức đơn giản nhất là hỏi lại nhà văn xem có đúng thế không.

Nhưng đời nào ông dám hỏi thẳng! Chính ông tự nhận, trong một “cơn điên”, ông mới dám “liều” cật vấn nhà văn hai câu (nhẹ nhàng) mà ông thấy thế là quá can đảm. Còn bình thường, khi không “điên”, khi không “liều” và ở cạnh NV Tô Hoài thì ông làm gì? Ông chỉ dám “thầm nghĩ”, hoặc ông khen; ông khen đủ thứ của NV Tô Hoài: từ trồng cây quất đẹp, đến chọn đề tài hay, đến cái nết đọc nhiều, đến minh mẫn không lẫn… Tịnh không một lời chê trước mặt. Chắc chắn không một lời chê trước mặt, vì nếu có thì ông đã phải ghi vào nhật ký rồi.

Cái ghét của nhà phê bình Vương Trí Nhàn dành cho nhà văn Tô Hoài quả thật gớm ghê. Gớm nhất là trong cách xử sự của ông. Đọc bài Ngạc Nhiên và Thất Vọng của Phạm Khải với “bảng so sánh” những gì ông Nhàn từng viết tốt về nhà văn Tô Hoài, quả thực thấy thương hại ông quá vì đã phải sống hai mặt trong một thời gian quá dài.

Và thương nhà văn Tô Hoài. Chắc trong tử vi của nhà văn, cung Nô bộc phải là thậm xấu.

Bản gửi Phongdiep.net


Phan Thị Vàng Anh

NỒI LẨU CỦA TRÍ NHỚ

Hôm nay đọc trên mạng Phong Điệp có đăng lại bài "Ngạc Nhiên và Thất Vọng" của Phạm Khải, phát biểu về bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn ("Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần"). Thế là đọc ngay bài của chú Nhàn. Thấy đúng là kinh hãi. Không hiểu nổi.

Sống với nhau ở Hà Nội suốt bao nhiêu năm, sao chú VTNhàn muốn nói gì về bác Tô Hoài không lựa lúc bác đang khỏe để mà có thể cãi lại, lựa đúng lúc người ta mệt mỏi nhất mà phang thế này.

Việc đi thu thập người này nói một câu, người kia bình một câu không ra gì về bác Tô Hoài và đúng lúc bác yếu bệnh thế này, theo mình là thiếu đạo đức. Đọc đoạn đầu của bài còn tưởng là Phạm Khải hơi quá lời, nhưng càng đọc càng thấy Phạm Khải chê thế là còn hiền.

Nhân đây mới thấy dạo này hay có chuyện người lớn tuổi tự nhiên phản tỉnh, và không phản tỉnh bản thân, toàn phản tỉnh chuyện của người, của một thời mà mình cũng có tham gia và lem nhem y như người ta. Nhưng khi phản tỉnh thì chẳng thấy mình đâu, cứ như chỉ có người là xấu, mình là thánh để có thể phán xét và giễu cợt.

Nhưng nói chung mình ghét tất cả các thể loại hồi ký, chân dung...

Tại mình không tin vào trí nhớ. Thế mà đọc cứ thấy tả hôm ấy, năm ấy, trời thế ấy, anh ấy mặc áo này, khăn này, nói nguyên xi câu này... cứ như việc mới xảy ra sáng nay. Đến nạn nhân khéo còn ớ ra không hiểu có đúng mình nói thế không.

Tóm lại, có giỏi chê người thì chê lúc mới xảy ra việc ấy, và đừng đợi chuyện đã qua, người ta đã yếu, trí nhớ đã tàn, mà đem ra làm một món lẩu cho thiên hạ dùng.

Bản gửi Phongdiep.net

SỐ TRUY CẬP