“Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”

Buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn: “Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”

Chiều ngày 02 tháng 03 năm 2010, tại hội trường Viện Nghiên cứu Con người, nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn đã có buổi nói chuyện với các cán bộ trong Viện về chủ đề: “Quan hệ giữa phát triển con người và văn hóa”.

Có thể nhận thấy ngay chủ đề của buổi nói chuyện này đã bao gồm hai trong ba hướng nghiên cứu cơ bản của Viện Nghiên cứu Con người: Phát triển con người và văn hóa - cụ thể là nhân học văn hóa ứng dụng (hướng còn lại là Quyền con người) - ba hướng nghiên cứu đã được chỉ rõ trong cuốn Con người Văn hóa, Quyền và Phát triển do PGS.TS Mai Quỳnh Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người Chủ biên, được xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Viện. Với chuyên môn sâu là nghiên cứu, phê bình văn học cho nên xuyên suốt buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu, nhà văn Vương Trí Nhàn là những suy nghĩ tản mạn của ông về thế thái nhân tình trong xã hội hiện nay, về văn hóa và con người Việt Nam truyền thống và hiện đại đặt trong tương quan so sánh với văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới như văn hóa Trung Quốc - được đánh giá là có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới văn hóa Việt, văn hóa phương Tây: Mỹ, Pháp, Đức, một số nước vùng Trung cận Đông như Irăc,… Qua những sự so sánh này, nhà nghiên cứu rút ra kết luận sâu sắc về số phận dân tộc: “Các dân tộc khác là tấm gương của chúng ta và đồng thời từ họ chúng ta cũng nhận thức được chính mình”. Từ những “sự đọc”, những suy ngẫm, những nghiên cứu của ông về các nhân vật văn học, các tác giả văn học - con người trong văn học, từ câu chuyện cổ tích về người nông dân, con hổ và trí khôn - Trí khôn của ta đây, những câu chuyện hài hước, lém lỉnh của Trạng Quỳnh, Trạng Lợn - “sự khôn ngoan của người Việt dường như là sự lừa lọc” và một dạng “người Việt biết tuốt”, đến các nhân vật văn học điển hình như Xuân tóc đỏ - là kiểu người nông dân Việt Nam đang hội nhập từ xã hội nông thôn sang xã hội hiện đại - Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, con người tự nhận thức và hướng thiện trong Chí Phèo của Nam Cao, “con người thừa” trong những trang viết của Nguyễn Tuân; nhà nghiên cứu đã chỉ rõ trình độ phát triển của người Việt ở từng giai đoạn lịch sử qua ví dụ cụ thể về các thế hệ nhà văn; rồi ông cũng lấy chính cái Tôi của ông để khẳng định tính chất nhiều mặt của con người và những mâu thuẫn luôn ẩn chứa trong nó. Sau khi đã so sánh với sự hồi phục nhanh chóng sau chiến tranh của các nước như
Nhật Bản, Đức, ông cho rằng “ở Việt Nam, con người đã bị biến dạng rất nhiều sau chiến tranh”, con người giờ đây phải học lấy “thói quen dám từ bỏ cái cũ, dám tách sư phụ để xuống núi”. Ông khẳng định rằng, trong công tác nghiên cứu thì quay trở về với lịch sử là điều quan trọng và cần thiết, đồng thời ông cũng đưa ra một hướng nghiên cứu con người mới, đó là nghiên cứu về lịch sử con người - đã được Trung Quốc đi tiên phong trong cuốn Trung Quốc nhân học sử cương.

Buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Vương Trí Nhàn đã để lại nhiều ấn tượng về một con người “thà đi xe đạp mà đi thạo còn hơn đi xe máy mà loạng choạng”. Những suy ngẫm sâu sắc của nhà nghiên cứu là những gợi ý thiết thực cho các hướng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Con người.

Nguyễn Thị Thắm

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP