Giải thưởng văn học

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật hôm nay Mặc Lâm mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện với nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn xoay quanh đề tài giải thưởng văn học Hồ Chí Minh vừa được trao cho 163 tác giả hoạt động trong lãnh vực văn học nghệ thuật, đặc biệt trong đó có bốn tên tuổi mà văn học Việt Nam luôn nhắc nhở là Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán và Hoàng Cầm.


Nhà phê bình Vương Trí Nhàn.
Bốn khuôn mặt tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam này được mến mộ và nhắc tới không những vì tài năng của họ từng được xác định mà cả bốn người đều là nạn nhân của một giai đoạn cực kỳ bi thảm của văn học Việt Nam qua phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Suốt bao nhiêu năm sống trong đói nghèo, cô đơn và luôn bị sức ép của của hệ thống chính trị, những tinh hoa này chưa hề được xác minh về việc bị hành xử oan khuất và giải thưởng cuối cùng nhận được cũng bi đát không kém khi hai trong số họ đã vĩnh viễn ra đi, đó là Phùng Quán và Trần Dần. Sau đây là câu hỏi đầu tiên của chúng tôi.

Mặc Lâm: Thưa ông, dư luận trong và ngoài nước theo dõi văn học Việt Nam đang có những ý kiến khác nhau về việc Bộ Văn Hóa Thông Tin vừa xét duyệt giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh cho 163 tác giả trong đó có 4 tác giả trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm là Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và Hoàng Cầm. Với tư cách là một nhà phê bình văn học ông có những nhận xét gì về việc này?

Nhà văn Vương Trí Nhàn: Với tư cách là một người nghiên cứu văn học, tôi cũng được một số bạn đọc gần đây hỏi về các giải thưởng văn học mà nhà nước mới công bố, đặc biệt là một số tác giả đã từng tham gia vào phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trước đây và hôm nay cũng được giải thưởng. Hôm nay tôicũng muốn qua RFA trao đổi chung với một số bạn và tôi nghĩ đây là một việc cũng bình thường không có gì to lớn lắm.

Mặc Lâm: Thưa ông, theo nhận xét của ông thì đằng sau việc trao giải cho bốn nhà văn mà trước đây bị lên án, cầm tù và chịu không biết bao nhiêu là oan trái. Bây giờ lấy giải thưởng như một cách thừa nhận sự vận động của lịch sử hay nói khác đi là thỏa hiệp với những đòi hỏi của xã hội, và đây có phải là một chỉ dấu hứa hẹn sự chuyển mình của tư tưởng không?

Nhà văn Vương Trí Nhàn: Tôi thấy rằng ở ta có một hiện tượng như thế này: Có nhiều chuyện cũ bây giờ người ta rất ngại nói lại. Có những thay đổi diễn ra trong đời sống thì người ta hiểu ngấm ngầm với nhau, ngại nói rõ ý nghĩa của chúng, tôi lấy một ví dụ gần đây có trường hợp cuốn "Nỗi Buồn Chiến Tranh" của Bảo Ninh.
Cuốn này phải thành thực mà nói thì rất hay, rất tiêu biểu cho Văn Học Việt Nam. Cuốn này được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1991nhưng hai ba năm sau thì bị phê phán, thì những người hôm qua chấm giải cho cuốn sách này quay trở lại phê phán nó. Đến năm 2006 gần đây thì lại có hiện tượng "Nỗi Buồn Chiến Tranh" lại được in lại do nhu cầu của bạn đọc nhưng việc in lại này không được báo chí nói tới.

Mặc Lâm: Một điều mà dư luận cùng nhìn nhận là nhà nước đang cố hết sức để làm hòa với quá khứ từ Nhân Văn Giai Phẩm, Cải cách ruộng đất và rồi sắp tới sẽ còn nhiều việc nữa. Riêng đối với văn học miền nam trước năm 1975 thì ông thấy có dấu hiệu gì đáng để ý hay không?

Nhà văn Vương Trí Nhàn: Tôi thấy những ngày gần đây bắt đầu có những đánh giá lại văn học Sài Gòn trước năm 75 và văn học hải ngoại. Dù muốn hay không thì văn học Sài Gòn trước 75 là một bộ phận không thể thiếu của nền văn học Việt Nam thế kỷ 20 không thể bỏ qua được.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông về buổi nói chuyện này.
© 2007 Radio Free Asia

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP