NHỮNG BƯỚC ĐỘT PHÁ THƯỜNG BỊ QUÊN LÃNG

Qua hai cuốn tiểu thuyết của Đặng Trần Phất,
bàn về sự hình thành của tiểu thuyết Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỷ.



I. Tiểu thuyết thời kỳ phôi thai: Toàn cảnh một cuộc chuẩn bị



Nhìn chung cả lịch sử tiểu thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, người ta thấy phải tới khoảng từ những năm 1932 trở đi, với việc xuất hiện Tự Lực văn đoàn và những tác phẩm tiêu biểu của văn đoàn đó như Hồn bướm mơ tiên, Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân… tiểu thuyết mới có được những mẫu mực hoàn chỉnh, tức cũng có nghĩa nó đã trưởng thành, từ nay nó là một thể loại độc lập.

Giai đoạn từ 1932 về trước, xét riêng về phương diện văn xuôi, có thể coi như một bước chuẩn bị. Công việc chuẩn bị này trải ra một thời gian dài. Theo các tác giả như Bằng Giang (Văn học quốc ngữ ở Nam kỳ 1865-1930), Bùi Đức Tịnh (Những bước đầu của báo chí tiểu thuyết và thơ mới), thì ở Nam bộ ngay từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, tiểu thuyết đã có những mầm mống và nhất là những thể nghiệm hết sức đáng khích lệ. Riêng ở các tỉnh phía bắc, mọi sự có phần trắc trở hơn. Việc phổ biến chữ quốc ngữ bắt đầu chậm; báo chí xuất hiện cũng muộn màng; lẽ tự nhiên là công việc chuẩn bị cụ thể cho sự ra đời của tiểu thuyết so với Nam bộ chậm hơn hẳn một nhịp. Có điều, chậm thì chậm vậy, nhưng đường đi nước bước cũng không có gì là khác, so với Nam bộ. Nghĩa là cũng qua đủ các khâu: dịch thuật để lấy mẫu; khôi phục lại các tác phẩm tự sự vốn có trong truyền thống để lấy đà; kế đó là làm thử, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Các tài liệu văn học sử (trong đó có sách Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm) cho biết: trong khoảng hai chục năm đầu thế kỷ này riêng ở Hà Nội đã dịch in nhiều cuốn tiểu thuyết Pháp, cũng như tiểu thuyết Trung Hoa, đủ sức tạo nên thanh thế cho một thể loại chỉ mới được phổ biến. Ví như:

1913 Gil Blas

1917 Miếng da lừa

1918 Manon Lescaut

1921 Ba người ngự lâm pháo thủ

1922 Song phượng kỳ duyên

1923 Tuyết hồng lệ sử(1) v.v...

Cũng đầu những năm 20, thiên tiểu luận Bàn về tiểu thuyết của Phạm Quỳnh được in trên Nam Phong, kích thích việc sáng tác tiểu thuyết nhờ biết mang lại cho các sáng tác ấy những ý nghĩa rất cần cho những con người với thuyết “văn dĩ tải dạo”

Song song với quá trình dịch thuật là quá trình phiên âm ra quốc ngữ, và cho in các loại truyện nôm bấy lâu vốn chỉ phát hành theo lối truyền miệng, hoặc chỉ có các bản nôm khắc ván - bao gồm từ Lý Công, Trương Viên, Từ Thức.. cho tới Tỳ bà ký, Tây du diễn ca.

Bấy nhiêu sự chuẩn bị ráo riết thúc đẩy người đương thời phải sớm có những thể nghiệm để tìm ra hình thức tiểu thuyết của thời đại mình.

Đạt được thành tựu đáng kể nhất trong việc làm thử, “đúc” thử tiểu thuyết ở Hà Nội những năm hai mươi là trường hợp Hoàng Ngọc Phách với tiểu thuyết Tố Tâm viết năm 1922, và công bố 1925.

Nhưng đồng thời với Tố Tâm và trước đó một ít năm, tức đầu những năm 20, trên thị trường sách vừa hình thành ở đất thủ đô ngàn năm văn vật, người thích đọc văn xuôi đã có thể tìm mua ở các cửa hàng sách một loạt cuốn khác. Đại khái như:

- Nguyễn Khắc Hanh - Một khúc đoạn trường

- Nguyễn Kế Khoa - Giọt nước cành hương

- Đinh Gia Thuyết - Mảnh tình chung

- Nguyễn Khoa Vy - Hồng nhan mộng

- Nguyễn Trọng Dương - Chết sống thuyền quyên

- Cấn Vũ ích - Tình là giây oan

- Trọng Khiêm - Kim Anh lệ sử.

v.v...

Trong danh mục các sách nộp lưu chiểu vào những năm 1922-1925, người ta thấy những tập sách này, cuốn dày trên dưới trăm trang cuốn mỏng mười lăm hai chục trang, song đều được xếp chung vô một mục riêng: mục tiểu thuyết; và tính chung cả Bắc, Trung, Nam, mỗi năm có vài chục cuốn được vào sổ. Theo chúng tôi hiểu, phần đông những cuốn tiểu thuyết nói trên thực sự chỉ là những “bài tập” nghĩa là còn xanh chưa chín, chỉ là những bước đi thử vụng về nguệnh ngoạng. Song bản thân sự tồn tại của chúng đã nói lên một điều: Tiểu thuyết đang trở thành một nhu cầu xã hội. Nó cần không chỉ cho người đọc, mà còn cần cho người viết nữa, những người đang tha thiết làm lại nền văn hoá mình theo mẫu hình văn hoá phương Tây vừa du nhập.

Những nét phác hoạ trên đây gợi ra hình ảnh cái nền chung mà từ đó, các cuốn tiểu thuyết của Đặng Trần Phất Cành hoa điểm tuyết (1921) và Cuộc tang thương (1922), ra đời. Chúng tôi chưa có đủ tư liệu để quả quyết rằng trong đời sống văn học đương thời hai cuốn sách này vượt trội hẳn lên, và tạo được ảnh hưởng rộng lớn, như Tố Tâm chẳng hạn. Song có phần chắc là đứng về mặt tiểu thuyết mà xét, sách của Đặng Trần Phất là những thể nghiệm khiến những người làm nghề và bạn đọc phải quan tâm. Chẳng những năm 1938, khi viết Vài ý kiến về lối văn tiểu thuyết, Thạch Lam đã xem Cành hoa điểm tuyết như một cái gì đáng nhắc nhở đánh dấu “thời kỳ tiểu thuyết bắt đầu nảy nở trong văn chương ta”, mà ngay từ 1932, trên tạp chí Nam Phong Trúc Hà trong bài Lược khảo về sự tiến hoá của quốc văn trong văn tiểu thuyết, cũng đã giành ít dòng để nói về Cuộc tang thương, bên cạnh ít dòng giành cho một tiểu thuyết ngắn của Tản Đà là cuốn Thề non nước. Những sự chú ý ấy đều là có nguyên cớ chính đáng.



II. Cành hoa điểm tuyết, Cuộc tang thương và những phẩm chất phải có của một cuốn tiểu thuyết



Lý luận về tiểu thuyết vốn quá phong phú, ở đây chúng tôi không có điều kiện trình bày những khía cạnh đầy đủ của nhứng quan niệm tương đối tin cậy nhất của thể tài này mà chỉ xin tóm tắt mấy luận điểm đáng nói nhất.

1. Câu chuyện được kể trong tiểu thuyết phải gợi cho người ta có cái cảm tưởng là nó liên quan đến ngày hôm nay - Kể cả khi viết về quá khứ, thì cái định hướng chung về tâm lý, tinh thần, cái đích người viết hướng tới vẫn phải là thứ hiện tại mà cả người viết lẫn người đọc còn chưa biết và đang muốn biết.

2. Do được tiếp cận từ một khoảng cách gần một cách tiếp cận tự nhiên, suồng sã, đời sống được miêu tả trong tiểu thuyết thường hiện ra với những sắc thái hết sức đa dạng, có đen có trắng, có tốt có xấu, tất cả ngổn ngang lẫn lộn như một thực thể đang hình thành.

Tính đa dạng của đời sống, sau hết, phải được chuyển vào trong tính cách nhân vật. Trong nhân vật cũng có sự pha trộn hợp lý của tất cả những yếu tố làm nên con người, chứ không phải mỗi nhân vật chỉ tượng trưng cho một sắc thái duy nhất. Nếu nhân vật lại được miêu tả như là một cái gì không ổn định, luôn luôn anh ta tự phát hiện lại chính mình và nhận thức lại thế giới thì càng hợp lý.

3. Sự dang dở không hoàn thành là nguyên tắc chung chi phối cái nhìn của nhà tiểu thuyết đối với đời sống. Cả đến kết cấu của tiểu thuyết cũng phải tuân theo nguyên tắc này. Đó sẽ là một kết cấu mở, mà không đóng kín. Tiểu thuyết thường xa lạ với lối kết thúc tất cả trọn vẹn hợp lý, thứ kết thúc gợi cho người đọc cảm giác yên tâm thư thái sau khi đọc sách.(2)

Lẽ cố nhiên là không phải trong những năm hai mươi của thế kỷ những người làm văn học ở Việt Nam đã nhận thức được đầy đủ bản chất của tiểu thuyết. Ngay một nhà văn hoá đương thời luôn cổ động cho việc viết và đọc tiểu thuyết, từng tự tay dịch các tiểu thuyết Pháp ra tiếng Việt lại đã viết hẳn một cuốn sách để Bàn về tiểu thuyết như Phạm Quỳnh, thực ra cũng mới bàn một cách rất sơ sài. Ông sớm hướng tiểu thuyết vào việc cảnh thế , giúp đời, răn đời tức là một việc rất dễ bị hiểu một cách dung tục để rồi làm hỏng cả mối quan hệ giữa tiểu thuyết và người đọc. Mặc dầu như vậy, song trong tâm thức (mentalité) những Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Đặng Trần Phất... và nhiều cây bút đương thời, cách hiểu về tiểu thuyết khá dứt khoát, khá rành mạch, và đúng như người ta cần phải hiểu. Có lẽ bởi thế, các sáng tác của họ, có thể chưa hay, chưa đạt đến mức xuất sắc, song vẫn đúng là tiểu thuyết, về mặt thể loại mà xét, phải lấy hai chữ tiểu thuyết để gọi thì mới đích đáng.

Trong hai cuốn sách của Đặng Trần Phất đến nay còn lưu giữ được, Cành hoa điểm tuyết và Cuộc tang thương, chất tiểu thuyết vừa nói ở trên đã được bộc lộ như thế nào?

Trước tiên, đây không phải là những truyện xưa tích cũ được mang ra kể lại. Mà trong Cành hoa điểm tuyết, nhân vật chính còn đang sống, một người phu xe thấy cảnh cô Bích Thuỷ này sống vất vưởng khổ sở, nên buồn tình kể lại về đời cô cho tác giả hay. Còn trong Cuộc tang thương nhân vật Ngô Tòng đã chết song toàn bộ câu chuyện mà người bạn Kim Sinh kể lại cho tác giả cũng được dựng lại, như vừa xảy ra trước mặt, với tên đất tên người cụ thể. Cả ở Cành hoa điểm tuyết lẫn Cuộc tang thương người ta đều bắt gặp những nét sinh hoạt đô thị - vốn là mảnh đất đa đoan phức tạp, ở đó số phận con người luôn luôn thay đổi, nghĩa là rất thích hợp với tư duy tiểu thuyết. Người có nhu cầu tìm hiểu xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ ít nhiều có thể tìm thấy ở đây những chi tiết sinh động, các kiểu người, các cách sống, mà chỉ giai đoạn giao thời này mới có: Ví dụ như việc các gia đình quan lại sa sút bỏ đi buôn bán, hoặc cảnh một số gia đình có máu mặt ở nông thôn cho con cái lên Hà Nội học hành, sau trở thành công chức. Lại ví dụ như lối sống của những nhân vật có tiền rủng rỉnh, vợ lẽ con thêm, thuê nhà riêng cho vợ lẽ ở, hoặc trong cảnh thất thế đám người tuyệt vọng thường lên cầu Doumer (cầu Long Biên) tự vẫn. Rồi chuyện đi xem cải lương ở rạp Quảng Lạc, đi xem chiếu bóng, chuyện trai gái hẹn hò ở Bách Thảo trong khi đám đàn ông đàn bà thạo đời rồi thì thuê buồng ở các nhà săm; chuyện người đi sang Tây làm ăn thất thế phải quay về v.v... Trong Mấy nhời nói đầu của Cành hoa điểm tuyết, Đặng Trần Phất không khỏi có chút tự hào vì nói được “cái buồn cái thảm cái khổ” của người đời, tức sách của ông phần nào đã có được tác dụng của “ngọn đèn pha lê chiếu thấu tới chốn hang hầm tối tăm” - một điều mà theo ông hiểu chỉ những cuốn tiểu thuyết của A. Daudet, P. Bourget, hoặc kiệt tác Kim Vân Kiều của Nguyễn Du mới làm nổi. Cũng tương tự như vậy, ông Bùi Xuân Học trong Mấy lời của người ấn hành từng khái quát về Cuộc tang thương - “Quyển sách này thực là tả đủ các hạng người trong xã hội, câu chuyện rất ly kỳ mà khi đọc đến có thể tưởng tượng như mình có trông thấy vậy”. Lối khen rằng một quyển sách có được cái tầm bao quát của một cuốn bách khoa toàn thư - đó là lối khen xưa nay người ta chỉ giành cho các tiểu thuyết.

Đi sát với các nội dung vừa kể, các cuốn sách của Đặng Trần Phất cũng được xây dựng theo những nguyên tắc tư duy văn học tương đối hiện đại khiến cho chất tiểu thuyết càng có dịp bộc lộ rõ rệt. Lấy một ví dụ nhỏ: Mở đầu đoạn thứ hai của Cành hoa điểm tuyết, tác giả viết “Kể từ lúc cậu cả xuống làm việc dưới tỉnh N.Đ. đến giờ tính đốt ngón tay được ngót một tháng rồi” Hoặc câu mở đầu chương VIII của Cuộc tang thương cũng được viết tương tự “Bà Hào và cậu Ngô Tòng ra ở Hà Nội thấm thoắt đã được ba tháng” Trong việc tạo ra ấn tượng chân thật cho câu chuyện - vẻ như là chuyện mới xảy ra hôm qua hôm kia và ở đâu rất gần đây - không gì tốt hơn là cái lối kể khách quan đó. Người đọc có cảm tưởng tác giả không biết trước câu chuyện, lại càng không định “dắt mũi” họ, và đó là một thứ thiện cảm rất có lợi cho việc buộc họ phải theo dõi tiếp tục. Cũng từ đây, cả hai tác phẩm đều giữ được những tự nhiên, bất ngờ trong sụ phát triển cốt truyện. Đọc Cành hoa điểm tuyết khá nhiều phen, người ta đã tưởng Bích Thuỷ được cứu vớt (nhất là đoạn gần kết sau bao chìm nổi, người đàn bà này gặp lại người chồng cũ), song lần nào số phận cũng thắng, nghĩa là nhân vật tiếp tục lún sâu vào thảm cảnh. Hoặc ví dụ như ở Cuộc tang thương, việc cha Ngô Tòng bị Thị Hạnh bội bạc còn là chuyện thường tình, đến như đoạn người bạn thân của Ngô Tòng là Lê Cần (hai người thân nhau vì cùng cảnh ngộ gia đình ly tán) quay ra dan díu với Ngọc Lan vợ của Ngô Tòng, thì thật là bất ngờ, không ai dự đoán trước được. Nói nhân vật nổi loạn có lẽ là hơi quá - ở thời của mình, Đặng Trần Phất chưa thể có được một tư duy tiểu thuyết mới mẻ đến như thế. Song điều có thể nói chắc ở đây là tác giả có lối thuật chuyện khiến độc giả cảm thấy ông không cố uốn câu chuyện theo ý ông muốn. Toàn bộ đời sống được nắm tất ở cái dạng dang dở đang hình thành của nó, nó kéo người ta đi theo những nẻo lối không ai đoán được - và đó chính là cái nhìn đời sống theo lối tiểu thuyết. Sau hết, nên đặc biệt ghi nhận cách kết thúc câu chuyện của Đặng Trần Phất: ở Cuộc tang thương, Ngô Tòng tự tử; còn ở Cành hoa điểm tuyết, nhân vật Bích Thuỷ sau bao đau đớn ê chề chỉ còn kéo lê kiếp sống vạ vật, sống cũng như chết. Vào thời điểm các cuốn tiểu thuyết này ra đời, cách kết thúc “không có hậu” vẫn đang là một lối viết có vẻ thách thức. Chỉ những người muốn đoạn tuyệt hẳn với loại truyện “trung hiếu tiết nghĩa” “ở hiền gặp lành”, tức những người muốn gây sự với thói quen sáng tác và thưởng thức cũ, muốn trước sau, có được những tiểu thuyết thực thu mới đám sử dụng cái cách kết thúc hiện đại ấy.



III. Nhìn dưới góc độ loại hình hoá: một thể tiểu thuyết còn được tiếp tục phát triển

Như trên đã nói, vào thời mà những tiểu thuyết của Đặng Trần Phất ra đời, người ta còn thấy xuất hiện một số tiểu thuyết khác cũng có nhiều nét tương tự ví như Một khúc đoạn trường của Nguyễn Khắc Hanh, Tình là giây oan của Cấn Vũ ích, Kim Anh lệ sử của Trọng Khiêm... Chỗ chung của các tiểu thuyết này là bám vào đời sống đương thời tạo cho nhân vật một trường hoạt động khá rộng, nhờ đó vẽ ra một toàn cảnh xã hội với nhiều nét “tang thương” “oan nghiệt”. Bên cạnh cái tên Kim Anh lệ sử , tác giả Trọng Khiêm chua rõ cuốn sách của mình là một cuốn “Tiểu thuyết về ẩn tình xã hội Bắc Kỳ”. Theo dõi bước phiêu lưu bất đắc dĩ của nhân vật Kim Anh trong truyện người ta thấy hiện lên đủ loại bộ mặt bỉ ổi: viên quan huyện và các nhà lại; các loại chủ cô đầu nhà chứa; gã thượng lưu mới phất, trong người còn đầy chất lưu manh. Trong Bàn về tiểu thuyết, Phạm Quỳnh từng nói tới khả năng miêu tả muôn mặt sự đời của một loại tiểu thuyết mà ông gọi là tiểu thuyết tả thực. Ông viết “Nhà tiểu thuyết tả thực phải là người biết quan sát sự đời thời tất tả được cái chân tướng cuộc đời; cái chân tướng cuộc đời đã xấu xa bỉ ổi như thế, thời dẫu mình không lập tâm phẩm bình khuyến giới gì mà cứ đem diễn tả ra cho hệt, cũng đủ khiến cho người ta coi đó mà có cái bụng không bằng lòng về cảnh đời như bây giờ, muốn hy vọng một quãng đời tốt đẹp hơn. Bởi thế, nên lối tiểu thuyết tả thực cũng lắm khi giúp được cho phong hoá nhiều, và thứ nhất là tập được cho người ta có con mắt sành mà quan sát sự đời".(3) Những cuốn tiểu thuyết như Cành hoa điểm tuyết, Cuộc tang thương, Kim Anh lệ sử đã xác định rất rõ mức độ đúng đắn của những nhận xét nói trên của Phạm Quỳnh.

Bây giờ chúng ta hãy thử xem xét toàn cảnh tiểu thuyết những năm từ 1930 về trước, phân chia các tiểu thuyết đã in theo phương pháp loại hình, tìm ra những đường hướng vừa được mở ra để rồi xác định rõ triển vọng của chúng, xác lập mối liên hệ của chúng với các tiểu thuyết sẽ được viết từ 1932 trở đi.

Ba năm sau khi Cuộc tang thương ra đời, tức vào năm 1925, cùng lúc người đọc được làm quen với hai cuốn tiểu thuyết sẽ còn được nhắc mãi trong lịch sử văn học đầu thế kỷ: đó là Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Nhưng xét từ cách viết được sử dụng, người ta thấy đây là hai cuốn sách hoàn toàn khác nhau. Mặc dù có cái vẻ ngoài rất tiểu thuyết là kể về một cuộc lập nghiệp trong hoàn cảnh tù túng, song cốt cách tiểu thuyết của Quả dưa đỏ có phần mỏng mảnh. Những yêu cầu cốt tử của thể loại (đã trình bày ở trên) không được tôn trọng. Riêng sự khiên cưỡng trong dắt dẫn câu chuyện và miêu tả nhân vật đã làm cho người ta cảm thấy chỉ nên nói về nó một cách dè dặt. Để bù lại, Quả dưa đỏ có một ưu thế khiến người đương thời hết sức ưu ái nó: đó là bài học giáo huấn mà tác giả muốn áp đặt cho người đọc, bài học ấy được lồng vào một hình thức còn mới mẻ (dù, oái oăm thay, về sau người ta sẽ thấy thể tiểu thuyết, về bản chất, xa lạ với mọi lối áp đặt tương tự). Về mặt này - tức mặt tôn trọng các yêu cầu thể loại, để cho bạn đọc cảm thấy được đọc một cuốn tiểu thuyết - thì Tố Tâm vượt trội hơn hẳn. Tác phẩm có sức chinh phục lớn lao, nhờ ở khả năng phân tích tâm lý nhân vật đã được tác giả đẩy tới một mức độ thuần thục. Nhà văn Đức Thomas Mann từng nêu một nhận xét đại ý là tiểu thuyết có ở bất cứ đâu con người đi sâu vào chính mình. Ở Tố Tâm bước đầu có sự đi sâu đó. Đương thời, Tố Tâm, trong trí nhớ bạn đọc, là một cuốn sách tiêu biểu mỗi khi người ta nghĩ tới hai chữ tiểu thuyết.

Tóm lại, không xét đến chất lượng cụ thể, mà chỉ xét theo cái phương hướng mà tác phẩm đã mở ra, thì cả Quả dưa đỏ lẫn Tố Tâm đều có vai trò quan trọng. Quả dưa đỏ là sự khởi đầu của tiểu thuyết luận đề, một loại tiểu thuyết sau này sẽ được Nhất Linh đưa lên đến đỉnh cao trong Đoạn tuyệt. Còn Tố Tâm chính là khúc dạo đầu của loại tiểu thuyết tâm lý, đây là loại tiểu thuyết mà các nhà văn Việt Nam dễ dàng chấp nhận và rất thích viết. Khởi đầu đã tốt đẹp vậy, nên trong giai đoạn nảy nở toàn diện của thể tiểu thuyết nói chung là thời kỳ sau 1932, tiểu thuyết tâm lý sẽ phát triển theo những hướng khá đa dạng, bao gồm từ Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, tới Sống mòn của Nam Cao, Quê hương của Nguyễn Tuân.

Đặt bên hai loại tiểu thuyết nói trên người ta sẽ thấy về mặt tiểu thuyết mà xét, những Cành lê điểm tuyết, Cuộc tang thương, Kim Anh lệ sử là đại diện cho một loại khác, và mang một sứ mệnh khác: Đây chính là những mầm mống của tiểu thuyết toàn cảnh tiểu thuyết có sức ôm trùm lớn lao. So với loại tiểu thuyết tâm lý, chúng rõ ràng có thua kém về chiều sâu. Nhưng để bù lại, chúng đạt tới một chiều rộng cần thiết và nói chung là có được cái vẻ thông tục bình thường dễ gần. Còn so với loại tiểu thuyết luận đề thì những tiểu thuyết toàn cảnh này có một ưu thế khác: rõ ràng là chúng tự nhiên hơn. Đọc chúng, bạn đọc có thể yên chí là không sợ bị dạy dỗ, bị áp đặt bởi những tư tưởng mà họ phải vất vả mới với tới được. Cả hai đặc điểm này tạo cho tiểu thuyết toàn cảnh một khả năng phổ cập lớn lao. Chúng rất hợp với khẩu vị đa tạp của đông đảo bạn đọc.

Nhìn lại lịch sử tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XX , người ta thấy cái mạch tiểu thuyết toàn cảnh như một dòng chảy liên tục, thời kỳ nào cũng được viết nhiều nhất và được người đọc đón nhận rộng rãi nhất. Bên cạnh một cuốn tiểu thuyết tâm lý kinh điển như Hồn bướm mơ tiên, chính một tác giả lâu nay bị chụp cho cái mũ “lãng mạn” như Khái Hưng lại đã viết nhiều tiểu thuyết mà về chất liệu, là giàu chất hiện thực, và về cách viết là thuộc loại tiểu thuyết toàn cảnh: Nửa chừng xuân, Gia đình, Thừa tự. Cố nhiên, trước 1945, những tác giả nổi tiếng thường được xếp vào dòng hiện thực như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... mới thật tận dụng hết những ưu thế của thể loại. Song thời văn học cách mạng khoảng những năm 60-70 thế kỷ XX người ta lại được đọc Vỡ bờ, Sóng gầm, Vùng trời, Bão biển... là những tiểu thuyết toàn cảnh có một quy mô bao quát mà trước đây tiểu thuyết Việt Nam chưa từng biết tới. Với những ai thường hiểu hai chữ bao quát với nghĩa tăng cường dung lượng theo chiều rộng, chỉ có loại tiểu thuyết này mới đáng mặt gọi là tiểu thuyết. Nó có khả năng đưa ra một xã hội thu nhỏ, tạo ra một cuộc đời trong trang sách nhiều nét giống đời thường (đấy là khả năng tổng hợp mà theo một số người chỉ tiểu thuyết mới có). Từ đó, người ta tìm thấy ở nó một công cụ lý tưởng để nhận thức, để giáo dục. Tất cả những nhận xét đó có nhiều phần đúng. Nhưng có điều không nên quên là từ thuở trứng nước của tiểu thuyết ở nước ta, tức thời kỳ những năm 20, thể tiểu thuyết toàn cảnh này cũng đã được các nhà văn đương thời thể nghiệm có kết quả. Lịch sử bao giờ cũng liên tục, kể cả lịch sử tiểu thuyết.

1994

Đã in Tạp chí văn học 1994, số 5





(1) Giữa thời điểm một cuốn tiểu thuyết dịch xong in báo và in thành sách, vẫn có sự so le. Ở đây tính theo thời gian in báo.

(2) Trên đây, là cách hiểu của M. Bakhtin. Theo chúng tôi nó không những đúng cho tiểu thuyết phương Tây mà còn đúng cho cả tiểu thuyết phương Đông. Và đây chỉ là nói những nét đại lược. Đi sâu vào lý luận tiểu thuyết, còn những điểm khác phải lưu ý.

(3) Thương chi văn tập,Tái bản lần thứ nhất , Sài gòn ,1962 t.3, tr. 245

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP