Cái mới cơ bản của văn học thế kỷ XX

Để chuyển dịch cả một nền văn học (và rộng hơn cả nền văn hoá) từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại, cần có cả một quá trình. Đó là quá trình hiện đại hoá văn học khởi động từ đầu thế kỷ, và đến 1945, coi như đã hoàn thành một chặng cơ bản (Còn như tới những năm tám mươi, chín mươi, một quá trình hiện đại hoá lại đang xảy ra, thì đó là một việc khác, có sắc thái khác).

Tinh thần hiện đại mang lại những gì gì cho văn học Việt Nam

Trong một loạt bài đăng trên tạp chí Thanh Nghị , hoạ sĩ Tô Ngọc Vân từng thẳng thắn nhận xét : Trước thời Âu hoá , hội hoạ VN gần như chưa tồn tại và chưa có mặt

Đối với một số ngành khác như âm nhạc người ta cũng phải nói vậy
Riêng đối với văn học tình hình có khác . Dù xét ở bất cứ góc độ nào , người ta vẫn phải công nhận là từ thế kỷ XIX về trước , văn học VN đã tồn tại,tức nó đã là một thực thể độc lập , có tác động tới xã hội,và con người trên mảnh đất này thì hết sức tự hào về nền văn học của mình .
Thành thử khi muốn tìm hiểu những gì tạm gọi là thế kỷ XX mang tới cho văn học VN cũng tức là nhận diện những yếu tố làm nên cái mới của văn học VN so với các thế kỷ trước,người ta ít nhất phải có một sự phân biệt :
a/ những gì ở VN trước đây chưa có mà sau thời Âu hoá mới có .
b/ Những gì ở VN trước đây đã có nhưng tồn tại theo một kiểu thức khác và mức độ khác .

Nhận thức của các nhà văn học sử
Như trên đã trình bày,văn học VN thế kỷ XX ,thường không được các nhà văn học sử VN suy nghĩ như một đơn vị thống nhất.Thì lẽ dĩ nhiên cái tinh thần của thế kỷ XX ít được suy nghĩ để gọi ra một cách chính xác .
Tuy nhiên đây đó , chúng tôi vẫn bắt gặp


Cái mới bắt đầu từ quan niệm
Trong các phần trên , chúng tôi đã lược qua những đổi mới của đời sống văn học: môi trường văn học thay đổi;mối quan hệ giữa môi trường các hoạt động báo chí xuất bản trở thành một thứ bệ phóng thường xuyên ; mối quan hệ giữa văn học và đời sống trở nên trực tiếp,mở đường cho sự biến cải các thể tài cũ,và sự du nhập các thể tài mới như tiểu thuyết …
Tuy nhiên nếu tìm tới một điểm thay đổi cơ bản,nó là cái hích đầu tiên,khiến cho mọi khâu khác biến chuyển theo thì chúng tôi cho rằng cái chính là với thế kỷ XX , cả một quan niệm về văn học đã thay đổi. Thời nào thì một tác phẩm văn học cũng vẫn là công trình lao động do ai đó viết ra.Có điều để hình thành một tác phẩm như thế , trong tâm trí người viết phải hình thành ở mức độ nào đó hàng loạt quan niệm : mình viết ra để làm gì ? Rồi cái sáng tác mình viết ra ấy sẽ tồn tại ra sao?Trong lúc này có ai cũng viết như mình không?Và bản thân mình cũng vậy,ngày mai còn viết như thế này nữa không? Tại sao mình bắt buộc phải viết,không thể không viết?Nói cách khác sự sáng tác liên quan đến cuộc đời mình,sự tồn tại của bản thân và gia đình vợ con mình như thế nào ?
Trở lại với tình hình xã hội VN sau khi về tay người Pháp.Văn học lúc đó là gì , nếu không chỉ là một ít lời than khóc trước một hoàn cảnh bi đát,tiếp đó là lời hứa hẹn sẽ có ngày khôi phục lại đất nước . Những tên tuổi được nhắc trong văn học lúc ấy là Nguyễn Đình Chiểu , Phan Thanh Giản , Nguyễn Thượng Hiền . Và nhìn vào cách tồn tại có thể thấy trên đại thể văn học là một tiếng nói tự phát của con người trước hoàn cảnh . Tiếng nói ấy …
Lại như nhìn vào hai nhà thơ khác là Nguyễn Khuyến và Tú Xương.Người thứ nhất gắn với nông thôn hiền lành cam chịu. Người thứ hai gắn với đô thị ngổn ngang.Nhưng họ vẫn tiếp tục là tiếng nói tự phát của con người,thơ được viết ra nhằm giải toả những ẩn ức .
Thơ họ chỉ được truyền tay. Rất ít người đương thời được biết là có thứ thơ văn đó trên đời
Đối chiếu cái thời xa vắng ấy với đời sống văn học những năm ba mươi thế kỷ XX trở đi,chúng ta thấy cả một trời khác biệt: Văn học tự nhiên bày ra như người có mặt,thành một đầu việc Báo chí xuất bản như những chiếc băng chuyền khổng lồ hàng ngày đưa sáng tác mới tới bạn đọc. Ai làm gì mọi người biết ngay
Từ chỗ là tiếng nói tự phát,nay văn học trở thành một ngành sản xuất tinh thần trong xã hội,làm ra để phục vụ người khác là đông đảo bạn đọc .
Tạm ví : nếu văn học hôm qua như ngành nông nghiệp các tỉnh các địa phương tự túc và ai biết người nấy thì nay văn học hôm nay trở thành một mặt hàng công nghiệp ( hoặc thủ công nghiệp ) sản xuất đều đều .
Có thể nêu ra hai trường hợp để so sánh .
Có lần,sau khi làm xong một đôi câu đối, Tú Xương sung sướng lắm . Cái cách sung sướng của ông được bộc lộ như thế nào. Ông kể trong một bài thơ khác :
…. dán ngay lên cột Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay -- Rằng hay thì thật là hay Chẳng hay mà lại đỗ ngay tú tài . Xưa nay em vẫn chịu ngài
Theo sự quan sát sơ bộ của chúng tôi,Tú Xương thật có tư duy làm báo:lấy tin ngay ở nơi mình đang sinh sống.Và viết nhanh viết rất hoạt,từ chuyện cá nhân biết đưa lên thành điẻn hình.Chỉ tiếc ông sống thời thành phố quê hương ông là Nam Định chưa có báo.Lại như trường hợp Nguyễn Công Hoan Nếu như cuốn truyện đầu tiên của nhà văn này,cuốn Quyết chí phiêu lưu(1923) được ông viết ra rồi xếp xó thì chỉ mười năm sau thôi, mọi sáng tác của ông đều gắn với một tờ báo nào đó. Có hồi ông viết cho mục Xã hội ba đào ký của An Nam tạp chí. Một lần đứng ở hiệu sách ông thấy một người mua An Nam tạp chí vừa giở ra đã than thở “ Chán quá !Kỳ này lại không có Xã hội ba đào ký. Thế là ông vui hẳn lên.Từ chỗ làm cho vui,nay Nguyễn Công Hoan đã hướng tới một độc giả cụ thể .


Sự biến đổi trên phương diện nội dung

Vận dụng cách nhìn của văn hoá học,trong các phần trên,chúng tôi đã nói nhiều tới những yếu tố hình thức của văn học thế kỷ XX ( trong sự liên quan của các hình thức đó với nội dung của văn học ).Song,nhờ kết quả của những vận động hình thức đó,quá trình hiện đại hoá đồng thời cũng là quá trình mà rất nhiều tư tưởng phương Tây , có dịp xâm nhập xã hội Việt Nam trong đó các xu thế dân tộc hoá,và dân chủ hoá đóng vai trò những định hướng liên tục và ổn định. So với văn học trung đại,nền văn học Việt Nam hiện đại thực sự trở thành một nền văn học dân tộc,với nghĩa đầy đủ của từ này. Mặt khác cũng chỉ đến giai đoạn hiện đại, tinh thần dân chủ vốn sẵn có trong văn chương các thế kỷ trước, mới được hoàn thiện. Và đỉnh cao của tinh thần dân chủ đó chính là chủ nghĩa nhân đạo


Lần đầu tiên đối diện chính mình

Dù dựa vào một cốt truyện ngoại nhập,song Truyện Kiều vẫn là một cuốn sách mà nhiều người Việt thường nghĩ rằng Nguyễn Du đã viết cho chính mình.Tính dân tộc của một tác phẩm trước tiên là ở điệu tâm hồn cũng tức là cái phần hồn cốt toát lên giữa các dòng chữ. Có điều cũng phải nhận là do chủ yếu sử dụng bút pháp ước lệ,các tác phẩm văn học cổ điển nói chung Truyện Kiều nói riêng không có khả năng đưa đứợc cái thực tại đời sống dân tộc lên trang giấy .
Thử làm một cuộc so sánh:đọc lại những Tố Tâm,Nửa chừng xuân,Tắt đèn,Quê người .... , người đọc các thế hệ sau hoàn toàn có thẻ hình dung con người Việt Nam thế kỷ XX, sinh hoạt thế nào quan hệ với nhau ra sao, cũng như từ đó có thể tưởng tượng ra cảnh vật làng quê hay đô thị nơi đó
Còn đọc Truyện Kiều hoặc Nhị độ mai thì chịu .
Đây một phần là lý do khiến cho thanh niên học sinh ở ta thiếu hào hứng khi tiếp xúc với văn học cổ điển .
Chẳng cần có lý luận cao siêu gì người ta cũng thấy ngay rằng cái việc miêu tả nói trên là một phần làm nên cái chất riêng và đó chính là yếu tố góp phần làm nên sự hấp dẫn của văn học hiện đại. Chẳng những thế nó còn góp phần biện hộ cho một thành kiến :
Một trong những lý do khiến cho nhiều người khi nghe nói rằng“ hiện đại hoá đồng nghĩa với Âu hoá “cứ thấy ngần ngại , ấy là vì họ e sợ chẳng nhẽ như vậy là văn học ta đánh mất mình ?

Một cuộc giải phóng thực sự

Do những khó khăn của chữ Hán mà chữ nôm lại càng khó hơn,người sáng tác văn học trong các thế kỷ trước phải là người của các tầng lớp trên.Ngược lại chữ quốc ngữ dẫu sao cũng có cái dễ của nó,chỉ học vài tháng là người có năng khiếu đã có thể

Sự mở rộng hay sự đi xuống đi sát với

Ngoài việc ngày càng có nhiều người ở các tầng lớp dưới đáy tham gia vào hoạt động sáng tác tính chất dân chủ của văn học hiện đại căn bản được bộc lộ qua nội dung miêu tả của nó
-- một là xét chung thì thấy số lượng các nhân vật có nguồn gốc ở các tầng lớp dưới đáy được mở rộng .
-- Hai là
Nhà thơ Xuân Diệu từng kể: Vào khoảng 1947-1948, khi văn học tìm cách "nhận đường" (chữ của Nguyễn Đình Thi),"lột xác" (chữ của Nguyễn Tuân) để phục vụ cho cuộc kháng chiến thì cũng là lúc bắt đầu thấy xuất hiện một dòng thơ thô nhám chắc khoẻ như lời ăn tiếng nói của quần chúng lao động. Đó là các bài Viếng bạn của Hoàng Lộc, Nhớ của Hồng Nguyên, Đồng chí của Chính Hữu v.v... Với một kiện tướng của Thơ mới như Xuân Diệu thì những bài thơ này quá xa lạ. Xuân Diệu kể "khi Tố Hữu đọc lên một bài thơ mới Viếng bạn, tôi phát biểu "chẳng thấy hay". Tố Hữu đã rất bầu bạn làm trạng sư cho bài thơ, đưa tôi vào cái không khí của bài (...). Từ đêm hôm ấy, tôi vỡ lẽ ra, dần dần chuyển cách thức ăn nếm của mình". ở đây, Xuân Diệu đã đề cập tới một hiện tượng lịch sử, nó sẽ kéo dài khá lâu, không chỉ những Hồng Nguyên,Hoàng Lộc, Trần Mai Ninh mà về sau,cả Phạm Tiến Duật với những câu thơ được nhiều người yêu thích hồi chống Mỹ (Không có kính không phải là không có kính" với lại "Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha" )cũng là nằm trong cái mạch ấy.Tuy nhiên,điều quan trọng hơn là qua ví dụ này, Xuân Diệu cho thấy quá trình thay đổi luôn luôn diễn ra.Từ Tản Đà đến Xuân Diệu,tưởng đã là một bước ngoặt. Nhưng sau Xuân Diệu của Thơ Thơ,Gửi hương cho gió, với những câu thơ kiểu như Nõn nà sương ngọc quanh thêm đâu hoặc Lung linh ánh sáng bỗng rùng mình, còn có Xuân Diệu của Ngôi sao, Riêng chung, Hai đợt sóng... với những bài thơ kiểu như Bà cụ mù lòa, Ngói mới hoặc những câu thơ kiểu như Con đỉa vắt qua mô đất chết.

Sự giải phóng rộng rãi các cá tính sáng tạo
Suy cho cùng, sở dĩ văn chương theo nghĩa hiện đại có thể thay thế văn chương cổ, để có vị thế vững chắc trong lòng xã hội Việt Nam thế kỷ XX,đó không chỉ là do nhu cầu lịch sử mà một phần còn là do khả năng của nó (văn hoá) trong việc giải phóng sức sáng tạo. Và chính là nhờ vào chỗ biết khai thác sự độc đáo của cá nhân các văn sĩ, thi sĩ, mà nền văn học mới đã tạo nên được một nếp sinh hoạt tấp nập hơn hẳn thời trung đại.
Hãy bắt đầu bằng một hiện tượng đã được lịch sử ghi nhận: phong trào Thơ mới.
Cái tài của Hoài Thanh khi viết Thi nhân Việt nam 1932-1941 là biết gọi ra trong một hai chữ những đặc điểm riêng của các thi sĩ đương thời chẳng hạn hồn thơ rộng mở ở Thế Lữ, mơ màng ở Lưu Trọng Lư, hùng tráng ở Huy Thông, trong sáng ở Nguyễn Nhược Pháp v.v... Tuy nhiên, một điều quan trọng hơn, ấy là Hoài Thanh nhận ra sự nở rộ cá tính là một hiện tượng mà chỉ thế kỷ này mới có. Trước khi nói về từng người, ông lưu ý rằng “trong lịch sử thi ca Việt Nam, chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này và chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần” những giọng thơ khác nhau như vậy. Phải nói đây là một nhận xét có ý nghĩa khái quát: Nó không chỉ đúng với thơ mà còn đúng với văn xuôi. Không cần suy diễn một chút nào, cũng có thể bảo chưa bao giờ trong các trang truyện bài ký, người ta thấy một ngòi bút duyên dáng và cận nhân tình như Khái Hưng tâm huyết và đau đớn như Vũ Trọng Phụng hoặc tinh tế mà lại trang trọng như Nguyễn Tuân... Rộng hơn mà xét,có thể mượn cách nói của Hoài Thanh để khái quát cả về văn học nửa sau thế kỷ.Ngay trong những năm cách mạng và kháng chiến, văn chương Việt Nam trong khi làm hết sức mình để góp phần vào sự nghiệp chung, vẫn tiếp tục khai thác cái đa dạng của các ngòi bút. Có lần, vào năm 1961 trong một bài viết về thơ, Chế Lan Viên đã tâm sự:“Sau một sự suy nghĩ của Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, ta muốn có một cái nhìn nhẹ nhõm tươi mát của Bàng Sĩ Nguyên, bên cạnh cái ngọt ngào như suối của Tố Hữu, Tế Hanh, tôi vẫn thèm sự trục trặc gân guốc của Trần Mai Ninh và nếu có cái nhìn giản dị đáng mến của Trần Hữu Thung. Anh Thơ thì cũng phải có cái nhìn phức tạp của Nguyên Hồng... Nhờ có mỗi nhà thơ như thế, ta lại có thêm một cách riêng để nhìn sự vật”.
Ở chỗ này, chúng ta nhận ra một hướng đi nhân đạo của văn chương thế kỷ XX so với các thế kỷ trước. Nhìn một cách bao quát thì một trong những quy luật của đời sống tinh thần trong thời trung đại là xã hội tìm mọi cách để hạn chế cá tính của con người. Một Hồ Xuân Hương tai quái vẫn được tìm đọc đấy, nhưng thực tế là đã bị loại trừ khỏi văn chương chính thống để tồn tại như một ngoại lệ. Còn một tài năng lớn như Nguyễn Du lúc nào cũng sống trong lúng túng sợ sệt. Ai mà tính hết đuợc sự nghiệt ngã của những quy phạm văn chương trung đại đã làm tiêu tán khát vọng sáng tạo của bao tài năng khác? Ngược lại,với thế kỷ XX, người cầm bút có một niềm tin chắc chắn. Họ biết là mình có thể và phải trở thành chính mình. Họ lấy chính những độc đáo cá nhân ra để trò chuyện với xã hội. Mà nguồn gốc của những độc đáo cá nhân này vốn rất đa dạng, có khi là ở sắc thái của cái địa phương mà nhà văn từ đó lớn lên, hoặc những nguồn văn hoá mà người ấy tiếp nhận, có khi lại phụ thuộc vào những yếu tố riêng tư và ngẫu nhiên, những từng trải, bệnh tật,ý thích riêng trong sinh hoạt hoặc những bất hạnh từng gặp trên đường đời. Đặc điểm của sự sáng tạo là thế, nhà văn càng được giải phóng về mặt cá tính thì đời sống văn học nói chung càng dễ trở nên phong phú. Mặt khác muốn hay không muốn, sự giải phóng cá tính ở các nhà văn bao giờ cũng là một lời mời gọi, một nhân tố thúc đẩy cho sự giải phóng cá tính nói chung ở các cá nhân trong cộng đồng mà một xã hội tự nhận là cởi mở không thể từ chối.

Đưa quan niệm về con người lên một trình độ mới

Một trong những truyền thống lớn của văn học Việt Nam trong thời trung đại là tinh thần nhân đạo. Đọc các tác phẩm của Nguyễn Du,từ Truyện Kiều tới Văn chiêu hồn, người ta cảm động vì lòng thương mênh mông của ông đối với con người. Trong khi đó, đọc Hồ Xuân Hương,mỗi người như có dịp trở về với cái tôi tự nhiên và thấy tự tin hơn trong những khao khát giản dị mà chính đáng của mình. Sở dĩ đến ngày nay, nhiều thế hệ bạn đọc còn tiếp tục tìm đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương hoặc nhiều tác giả lớn khác ấy cũng là vì trong các tác phẩm mà các thiên tài để lại,người ta tìm thấy sự thông cảm với những chua xót của kiếp người trong khi vẫn được ngấm ngầm cổ vũ rằng mỗi cá nhân hãy sống đúng với tầm người hơn nữa.
Tinh thần nhân đạo theo kiểu cổ điển ấy, vốn không xa lạ với nền văn hoá phương Tây mà từ đầu thế kỷ XX được du nhập mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam và cả hai kết hợp lại đã mang tới nhiều trang văn ấm áp tình người. Qua những truyện ngắn đạm bạc, một nhà văn như Thạch Lam đã cho thấy ông có một trái tim dễ run rẩy, lòng ông thật dễ thông cảm với mọi đau khổ, cũng như có một sự ân cần riêng với những kiếp người xấu số, như kiểu nhân vật chính trong Nhà mẹ Lê. Hoặc có thể coi mấy truyện ngắn như Làng, Vợ nhặt, Con chó xấu xí... của Kim Lân là tiếng nói của những người “đầu thừa đuôi thẹo” bị xã hội coi rẻ nay muốn tự khẳng định. Mà đây chỉ là hai ví dụ dễ thấy nhất giữa nhiều trang sách nhân hậu đã được viết ra. Thế nhưng, chỗ đáng lưu ý nhất của tinh thần nhân đạo văn chương thế kỷ XX là ở chỗ nó không chỉ nói yêu thương thuần tuý, mà đặt sự yêu thương trên cơ sở hiểu biết, khám phá về con người. Như chúng ta đã biết, một nguyên tắc chủ đạo của nền văn chương thế kỷ này là hướng về thực tại, hướng về thế giới trần tục, (chứ không sùng cổ và ước lệ như văn học trung đại). Theo phương hướng ấy, các nhà văn dường như đua nhau trong việc đi vào khám phá phát hiện bản chẫt con người và sự thực, đây là một cuộc tìm tòi vô tận. Đứng lùi ra xa mà nhìn, có thể hình dung các tác phẩm đã được viết như cả một khu trưng bày lớn, ở đó hiện ra đủ loại kiếp người: Họ đi đủ nơi và làm đủ việc khác nhau, náo nức sống; thiết tha muốn hưởng mọi lạc thú của đời sống cũng có, mà thụ động theo sự xô đẩy của đám đông cũng có; bèo bọt trôi nổi đãlắm, mà quyết liệt đi tới, làm chủ số phận của mình và đóng góp cho sự nghiệp chung, số đó lại càng nhiều hơn. Còn nhớ, ngay trong một kiệt tác của văn chương cổ điển như Truyện Kiều, con người luôn luôn bị định mệnh chi phối và lối nhìn của các tác giả phân chia ra một bên là nhân vật chính diện, bên kia là phản diện không khỏi tạo ra những xơ cứng giả tạo. Về phần mình, con người trong các tác phẩm tạm gọi là thành công của thế kỷ XX thường được miêu tả như chính nó vốn vậy,mỗi người người có một cách thế làm người riêng, mỗi tính cách nảy sinh trong hoàn cảnh lịch sử, nhưng lại tự chịu trách nhiệm về mình, chứ không do một thế lực siêu nhiên nào định đoạt. Trong một số trường hợp may mắn, có thể nói văn chương đã xây dựng được những điển hình khái quát kiểu như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách,Chị Dậu của Ngô Tất Tố,A Phủ của Tô Hoài,Chị Tư Hậu của Anh Đức,... Và đây nữa, loại nhân vật chỉ riêng thế kỷ XX mới có - những con người đơn nhất, độc đáo đi gần tới sự kỳ dị: Nếu ở thơ hình tượng tác giả hiện ra ở thơ Hàn Mặc Tử,thơ Bích Khê hoặc về sau, thơ Bùi Giáng, thơ Đặng Đình Hưng... đã kỳ lạ, thì ở văn xuôi, người ta lại nhớ tới những Xuân tóc đỏ, Chí Phèo hồi tiền chiến, và gần đây là những Ông Khúng của Nguyễn Minh Châu, Anh Sài của Lê Lựu hoặc một số nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp. Những điển hình này và nhiều nhân vật tương tự mở ra cho người ta thấy cả tầm rộng, cả chiều sâu, cái vẻ đa dạng trong khái niệm về con người trong xã hội hiện đại và nói cho to tát lên một chút thì đấy chính là chiến thắng của chủ nghĩa nhân đạo mới.
Nguồn gốc sâu xa của sự đa dạng trong số phận con người hôm nay, cố nhiên, là ở những biến động đã đến trong xã hội. Thế nhưng, cũng phải đến thế kỷ XX, với những nguyên tắc thi pháp mang tính hiện đại của mình, văn chương mới làm được công việc lớn lao là đưa những con người ấy hiện hình trên trang giấy. Riêng ở khía cạnh này thôi, văn học hiện đại đã là một bước tiến khá xa, so với văn học truyền thống.
Sự liên tục của thế kỷ
Vào khoảng 1900, ở cả Hà Nội cũng như Sài Gòn, chưa có một tờ báo nào có tầm hoạt động rộng rãi thâu tóm được dư luận, lại càng chưa có tờ báo nào tính chuyện phỏng vấn mọi người xem trong thế kỷ XX, văn học Việt Nam sẽ phát triển ra sao. Nhưng giả sử một tờ báo như thế đã có và một cuộc phỏng vấn như thế đã được tổ chức, thì chắc hẳn các ý kiến phát biểu còn rất đơn sơ nhất là chẳng có gì tương ứng với điều xảy ra trong thực tế. Bởi dự đoán là gì, nếu không phải là dựa vào những cái đã biết? Mà sự biến đổi đã đến với văn học Việt Nam thế kỷ XX thì quá đột ngột,nó là chuyện gần như chưa từng có chút mầm mống nào trong quá khứ. Như trong các bài viết trước đây chúng tôi đã trình bày, người ta có thể quan sát thấy thế đối lập giữa văn chương thế kỷ này với các thế kỷ trước trên tất cả các phương diện: ngôn ngữ văn tự hệ thống thi pháp chi phối các nhà văn, quan niệm về thể loại và quy phạm trong từng thể loại v.v... Đồng thời với sự ra đời của một môi trường văn học hoàn toàn mới, rồi các chủ thể sáng tác cũng được hình thành một cách khác đi và quá trình này xảy ra với một tốc độ ít ai ngờ tới. Lấy thêm một ví dụ: Khi phong trào Thơ mới đang xác lập những nguyên tắc sáng tác của mình, Thế Lữ có bài thơ mang tên. Cây đàn muôn điệu, với những lời tâm sự đại loại: ". Tôi là người bộ hành phiêu lãng - Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi (...) . Tôi chỉ /à một khách tình si - Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể. Vào thời điểm 1934- 1935, những câu thơ như trên được xem như những tuyên ngôn quá mới mẻ, nhiều người không chấp nhận nổi, thậm chí có nhiều người đã nghĩ như vậy cũng thấy nói ra chưa tiện. Nhưng rồi chỉ dăm bẩy năm sau, những ý tưởng ấy đã trở nên quá quen thuộc, và ngày nay nó là chuyện abc trong nghề, đã cầm bút ai cũng chia sẻ. Nhắc lại chuyện này để thấy một khi mỹ cảm ở những người sáng tác và bạn đọc đã thay đổi, thì văn học đã thay đổi nhiều lắm.
Cách mạng tháng Tám mang lại cho lịch sử Việt Nam một bước ngoặt rõ rệt. Sau gần nửa thế kỷ xây dựng, nền văn học Việt Nam lúc này đã cứng cáp trưởng thành. Giờ đây, nền văn học ấy tự đặt cho mình một mục đích khác trước, cách tác động tới xã hội khác trước. Riêng với những người cầm bút, thì từ chỗ là những người lao động tự do, nay các nhà văn đã trở thành “những chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ”, và hoạt động theo một định hướng tư tưởng thống nhất do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Đó là một đặc điểm cơ bản mà khi nghiên cứu văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, xét trên nhiều mặt, giữa văn học Việt Nam trước và sau 1945 vẫn có một sự liên tục, đến mức hoàn toàn có lý do chính đáng để xếp cả hai nằm trong một phạm trù chung là văn học hiện đại. Trong ngôn ngữ học, hai chữ đối lập được dùng với nghĩa thuần tuý hình thức, tức là lấy cái này đặt bên cái kia để làm nổi bật sự khác nhau. Mượn thuật ngữ đó của ngôn ngữ học, ở đây chúng tôi muốn nói chúng tôi không đối lập văn học Việt Nam trước và sau 1945 (đó là một việc khác ai đó sẽ làm trong một dịp khác), mà tìm cách đối lập toàn bộ văn học Việt Nam thế kỷ XX với nền văn học từ thế kỷ XIX trở về trước, đối lập văn học hiện đại với văn học trung đại. Đây cũng là một hướng nghiên cứu cần thiết và có thể nói là có hứa hẹn.




Những cách viết văn học sử vốn có và Thế nào là cách tiếp cận theo hướng văn hoá học ?

Trở lên chúng tôi đã nói lý do tại sao lại chọn thế kỷ XX làm đơn vị thống nhất . Đã đến lúc phải bàn cụ thể cái cách đi vào đời sống văn học
Nhìn lại các bộ sách văn học sử
Suy cho cùng, nói tới văn chương là phải nói tới tác phẩm. So sánh văn học trước thế kỷ 20, và từ đầu thế kỷ trở đi, một số nhà nghiên cứu đã nói tới các nguyên tắc chi phối công việc sáng tạo (một bên hướng về mẫu mực từ chương, một bên hướng về cái thực), những hệ thống thể loại (một bên văn thơ phú lục, một bên thơ- tiểu thuyết-kịch) v.v... Nhưng trước khi nói tới những cái đó, có lẽ cần lưu ý tới những khía cạnh có vẻ bên ngoài văn học, như sự hình thành môi trường xã hội; các thiết chế để lưu hành phổ biến cùng là đánh giá văn chương, rồi bản thân chủ thể văn hoá, tức là tâm thế của nhà văn khi cầm bút v.v...



Có những việc nhỏ như cách ăn, cách mặc, cách quan hệ và làm việc, nhiều người sống hôm nay cứ tưởng từ bao thế kỷ người Việt vẫn vậy, sau xem lại mới biết nó vừa bắt đầu từ thế kỷ 20. Sự sáng tạo trong văn nghệ cũng vậy. Nói một cách tóm tắt, khoảng một trăm năm gần đây, văn chương đã tạm từ giã những quan niệm và cách làm văn của phương Đông ngự trị trong các thế kỷ trước, để ngả theo lối làm của phương Tây - một sự tiếp nhận mà một nước rất gần ta như Trung Quốc cũng đã bắt đầu từ giữa thế kỷ 19. Nói như nhà văn Đặng Thai Mai: “Vấn đề văn hoá ở Trung Quốc trong khoảng 100 năm nay cũng là một vấn đề nhập cảng: thâu thái những kiến thức về kỹ nghệ về khoa học để cải tạo nền văn hoá “ngàn xưa” của nước Tàu. (Xem bài Vấn đề dân tộc hoá, đăng trong Nguồn sống mới đặc san của tạp chí Tiên Phong, Tết 1946).

sự sáng tạo văn chương chuyển hẳn sang một giai đoạn mới như vậy, là nhờ vào một quá trình nhọc nhằn: quá trình hiện đại hoá kéo dài vài chục năm liền (ít nhất cho tới đầu những năm ba mươi).
Có điều, dưới đây, chúng tôi sẽ không trở lại với cái quá trình đã hoàn thành ấy mà chỉ cố gắng tìm hiểu những kết quả mà nó mang tới, tức là cách thức chúng ta hôm nay viết văn, đọc văn, nghĩ về văn...
Thay lời kết
Tổng kết văn học Việt Nam thế kỷ XX là một việc làm, đòi hỏi công sức của nhiều người. ở đây, chúng tôi chỉ xin hạn chế ở việc cung cấp một số tài liệu cho thấy nhịp sống sôi động và những khía cạnh mới mẻ làm nên tính hiện đại của nền văn học trong thời đại mới .

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP