Một lần bừng tỉnh

Thử tìm hiểu lại một sự kiện lịch sử: Đông kinh nghĩa thục

Tháng 5-1907, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương ký giấy phép chính thức cho khai sinh một trường tư thục ở Hà Nội đã bắt đầu mở cửa từ một vài tháng trước. Nhưng chỉ ít lâu sau, tháng 12 cùng năm, họ phải lập tức thu hồi giấy phép đó lại. Vậy mà đã muộn... Tuy chỉ tồn tại trong vòng chưa đầy một năm, phong trào Đông Kinh nghĩa thục vẫn vĩnh viễn đi vào lịch sử.
Có dịp đi lại trên phố Hàng Đào buôn bán tấp nập - dãy phố đầu bảng trong danh sách 36 phố phường cũ của Hà Nội - có lẽ ít ai nhớ rằng nơi đây đã có lúc trở thành trung tâm của một cuộc vận động lớn nhằm canh tân đất nước.
Mở trường giảng dạy. Ra báo. Diễn thuyết. Thảo luận. Bình văn... Trong khuôn khổ một trường tư thục mô phỏng theo Khánh ứng nghĩa thục bên Nhật, những việc cụ thể mà các nhà nho lúc ấy, dưới sự hướng dẫn của các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí... đã làm, kể cũng đã nhiều. Song, so với cái ồ ạt của hoạt động, thì nhận thức mới mà phong trào này mang lại còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.
Tự phê phán và chân thành muốn hoà nhập
Nói một cách thật cô gọn, thì lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, không gì khác, là lịch sử mất nước, đồng thời là lịch sử suy nghĩ để hiểu rõ nguyên nhân chính tại sao lại dẫn đến mất nước, từ đó tìm ra đối sách đúng đắn. Thoạt đầu, các nhà nho - bộ phận nhạy cảm nhất của dân tộc - chỉ mới dừng lại ở mệnh trời, ở ý chí, ở cách tổ chức lực lượng. Và họ đã nêu những tâm gương kiên trung trong cuộc đối đầu không chịu khuất phục trước quân xâm lược. Nhưng rồi bấy nhiêu cố gắng đều chỉ dẫn đến bế tắc, tuyệt vọng. Bước sang đầu thế kỷ này, trong khi ngày một thấm thía nỗi hờn vong quốc, những đầu óc tiên tiến nhất thời ấy bắt đầu nghĩ về thực trạng đất nước trên một bình diện khác: bình diện văn hoá. Nói như một nhà trí thức có hạng là Phạm Quỳnh sau này sẽ nói: “Cái nông nỗi mất nước của ta chính là một tấn kịch nhỏ trong tấn kịch Đông Tây xung đột nhau. Phương Tây đem lại cái chủ nghĩa đế quốc, cái dục vọng bá quyền, những tư tưởng phá hoại, những cơ khí tối tân mà tràn ngập sang phương Đông trong khoảng một thế kỷ nay làm cho các dân tộc phương Đông thất điên bát đảo, bảy nổi ba chìm, đến nay hãy còn tê mê chưa tỉnh sự đời. Thành ra, cái nông nỗi ấy, đối với ta, không phải chỉ là một vấn đề chính trị mà thôi, lại kèm thêm một vấn đề văn hoá nữa, khó khăn nguy hiểm vô cùng”.
Trong những nhận xét khái quát đó, cũng như trong một bài nghị luận dài mang tên Văn minh tân học sách, văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng, do đó nó yêu cầu có một cách đối xử khác. Có một thời nó bị gắn chặt với các thế lực xâm lược, và tinh thần yêu nước nhất thiết chỉ có một cách để bộc lộ là bài ngoại (ở đây là những người từ phương Tây tới), chống lại mọi biểu hiện dây dưa với ngoại bang, thực chất là chống lại văn hoá. Giờ đây, nhờ sự nghiền ngẫm hợp lý, văn hoá phần nào có được sự độc lập tương đối của một thứ công cụ; nếu kẻ xâm lược đã dùng văn hoá để thắng ta, thì ta cũng có thể dùng nó để chống lại chúng. Chủ nghĩa yêu nước hoàn toàn có thể tìm thấy ở đấy một trợ thủ hiệu nghiệm.
Từ một cách nhìn như thế về lịch sử - xem lịch sử xã hội đồng thời là lịch sử văn hoá - người ta bắt tay làm một cuộc kiểm điểm khá mạnh dạn. Trong những tài liệu mà Đông Kinh nghĩa thục in và phát cho các học viên, trong các bài báo lớn nhỏ được đăng trên một tờ báo mới được khai trương cùng với phong trào, tinh thần tự phê phán được đẩy lên ở quy mô dân tộc và xem như bước khởi đầu cần thiết cho mọi vận động có liên quan đến sự sống còn của đất nước. Một thời gian dài, yêu nước chỉ có cái nghĩa duy nhất là lập căn cứ khởi nghĩa và khi khởi nghĩa thất bại thì khẳng khái lui về ở ẩn, nhất định không chịu hợp tác với giặc. Giờ đây, cách hiểu có khác, yêu nước nồng nàn là phải hiểu cho ra cái lạc hậu cổ hủ của nước mình, sự chậm chân, nhất là sự tách rời của nước mình so với thế giới, để rồi lo bảo nhau tìm cách xoá bỏ mọi khoảng cách đáng ngán đang có. Vượt lên trên mặc cảm tự tôn giả tạo, đúng hơn là một thứ tự vuốt ve ru ngủ có hại, người ta có thể nói với nhau khá nặng lời mà không sợ ai hoang mang và mất niềm tin cả. Cứ mỗi lần kể đến sự canh cải đổi thay ở nước ngoài là một lần Văn minh tân học sách nhắc lại: Còn ta thì vẫn như cũ! Trong số Đăng cổ tùng báo ra ngày 27-6-1907, Nguyễn Văn Vĩnh còn viết rõ hơn: “Nước Nam ta bây giờ dốt tệ lắm, mà cũng vì cái dốt nên phải làm như trâu như bò, được đồng nào đem sắm đồ Tàu hết. Cũng vì cái dốt nên nghề hay không làm, ai cũng muốn làm cái nghề ăn không. Cũng vì cái dốt nên người đói meo ra không lo, lo Quan Âm đói. Nói tóm lại thì bao nhiêu cái khổ sở nhọc nhằn ở nước ta cũng vì cái dốt mà ra cả”.
Cái chuẩn được dùng để xem xét thực trạng xã hội, trong trường hợp này, không phải là thứ chuẩn riêng do ta nghĩ ra, mà là cái chuẩn chung của cả thế giới. Thói mị dân xoàng xĩnh bị coi như là có hại. Những đặc điểm dân tộc không bị cường điệu quá mức. Đằng sau những kế sách mà Văn minh tân học sách đề ra nhằm mở mang dân trí có cả một nhận thức sâu sắc dùng làm cơ sở: Đó là nhận thức cho rằng con đường duy nhất để cứu nước là canh tân đất nước. Và trong công cuộc cường dân hoá quốc gian khổ đó; chỉ có thể chân thành cởi mở chứ không thể ấp úng che giấu, chỉ có thể thật sự cầu thị, xắn tay lên mà học mà làm, chứ không có lối nào đi tắt. Trong thời đại mà các cụ gọi là “mưa Âu gió Mỹ” này, mọi thói láu cá khôn vặt không có đất sống.
Trí thức không còn có nghĩa là bảo thủ
Đặt trong quá trình vận động đi lên của dân tộc trong suốt thế kỷ XX, công việc mà Đông Kinh nghĩa thục làm được nhất là những nhận thức mà phong trào đó gợi ra, mang tính cách một thứ đột phá khẩu. Sau sự mở đường ấy, những đầu óc tiên tiến trong giới trí thức, dưới nhiều hình thức khác nhau, sẽ còn đi tiếp, và đi xa hơn, trong việc tự phê phán cũng như đẩy mạnh hoà nhập với thế giới. Từ mấy câu thơ Tản Đà sẽ viết (Dân hai nhăm triệu ai người lớn - Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con), tới một cuộc vận động mang sắc thái bùng nổ, và đáng được coi là sự kiện thế kỷ như phong trào Thơ mới, người ta đều có thể “đọc ra” những dư vang tư tưởng được khởi xướng từ Đông Kinh nghĩa thục. Tâm thức dân tộc như ở vào một cuộc bừng tỉnh và sự bừng tỉnh ấy, rõ ràng là bước chuẩn bị cho những vận hội mới.
Một điều kỳ lạ người ta cũng không nên quên khi nhìn lại phong trào Đông Kinh nghĩa thục, ấy là vai trò mà các nhà nho, những trí thức dân tộc lúc bấy giờ đã đảm nhận. Vốn là tầng lớp ăn sâu bén rễ tới mỗi làng xóm và có tiếng nói khá quyết định ở triều đình, trước đây họ nổi tiếng là bảo thủ. Họ từng thấy rất ngại ngùng không muốn mở cửa đất nước trước văn hoá phương Tây, chỉ bởi một lẽ giản dị: mở cửa nghĩa là quyền lợi của họ bị mất, họ không có dịp thi cử như cũ để rồi vênh vang mũ cao áo dài, tận hưởng ân vua lộc nước như cũ. Với Đông Kinh nghĩa thục, họ đã trở lại với vai trò mà bấy lâu xã hội trông đợi, vai trò khai phá mở đường, gợi ý để dân tộc cùng đi tới. Trí thức đồng nghĩa với cách mạng, văn thơ do họ sáng tác xứng đáng để được gọi là văn thơ cách mạng. Và như vậy thì cái năm 1907 ấy thật sự là một phen để họ rửa mặt, gỡ đi cái tiếng tầm thường vốn có.
1992

Lần đầu in trong
Vương Trí Nhàn, Những kiếp hoa dại,
NXB Hội nhà văn, 1993

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP