Trao đổi cùng ông Vương Trí Nhàn

Trao đổi cùng ông Vương Trí Nhàn về chuyện ‘Với độc giả, chúng ta là người có lỗi’
Hà Quảng

Xin nói ngay, ông Vương Trí Nhàn là một cây bút phê bình mà chúng tôi yêu mến, vì rất nhiều bài viết vô tư và sắc sảo. Tuy nhiên trong bài trả lời phỏng vấn (có tựa đề: Với độc giả, chúng ta là người có lỗi) của ông gần đây trên báo Văn nghệ Trẻ có vài điều chúng tôi chưa thật thỏa mãn, xin mạnh dạn trao đổi.
Trong lĩnh vực lý luận - phê bình cho đến nay quả đã có sự đổi thay đáng kể. Gạt ra một bên thứ phê bình thiên kiến cực đoan bỏ vật đánh người và ngược lại là thứ phê bình bốc thơm lẫn nhau - cả hai loại này đều thiên về lý giải nội dung xã hội một cách chủ quan mà quên mất giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật khách quan của tác phẩm. Trong thực tiễn, ngành lý luận - phê bình theo thời gian xuất hiện thêm nhiều quan điểm mới. Đó cũng là một điều tất yếu của sự phát triển. Điều chúng tôi muốn trình bày ở đây là sự mâu thuẫn không ít lần xảy ra trong thời gian gần đây về sự đánh giá, phẩm bình các công trình nghệ thuật giữa các nhà chuyên nghiệp và công chúng!
Một tác phẩm được nhiều người đón nhận thường là tác phẩm thỏa mãn được thị hiếu thẩm mỹ của họ. Thị hiếu này không quay lưng lại với tính tư tưởng, tính thẩm mỹ, tính thời sự của tác phẩm, mà ngược lại. Quần chúng bây giờ có những nhu cầu thẩm mỹ mới mà trước đây còn xa lạ hoặc chưa được phép, có những vấn đề người ta quan tâm muốn khám phá mà trước đây chưa có điều kiện để thực hiện. Công chúng muốn được nhìn cuộc sống bằng con mắt đương đại. Nhà phê bình bởi vậy cũng cần một kiểu tư duy phê bình mới để hướng dẫn, nhưng dù mới đến đâu cũng không thể đi ngược lại thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Không thể xem một sản phẩm nghệ thuật được số đông nhân dân ưa thích là tầm thường, là rẻ tiền (!?), trong lúc đó lại cao đạo đề cao những sản phẩm nghệ thuật được ít người đón nhận, thưởng thức.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, chúng ta cần tham khảo là cách đánh giá, cách trao giải của các nước trong một số loại hình nghệ thuật. Họ chú trọng nhiều đến sự đánh giá và thưởng thức của số đông. Sự bán chạy, sự phát hành số lượng cao, sự thu hút người xem... đều là những điều kiện để bình xét giá trị tác phẩm (tuy đó không phải là những giá trị duy nhất). Tất cả đều là những con số thực, tính toán được trên computer chứ không là những sự tổng hợp giả định dựa vào các tiêu chí trừu tượng.
Trong bài phát biểu, ông Vương Trí Nhàn có phân biệt cái gọi là công chúng chọn lọc và công chúng đại trà:
“...Chúng ta đang thiếu cái gọi là công chúng chọn lọc. Lớp công chúng chọn lọc này đóng vai trò dẫn dắt những công chúng khác. Chính họ là người đối thoại với tác giả. Quay trở về với lĩnh vực văn chương thời bao cấp, chúng ta có loại độc giả rất là tốt, chịu đọc chịu suy nghĩ nghiêm túc. Mà nay thì không có, hoặc đúng hơn cũng có, lúc nào cũng vẫn còn, nhưng hình như ngày một ít đi, ngày một lép vế”.[1]
Trước hết ta thấy trong lập luận của mình, Vương Trí Nhàn đã tự mâu thuẫn. Trước đó ông nói: “Tôi thích viết thế nào để cho những người khác nhau cũng có thể đọc được”.Và ông giải thích rõ hơn, “những người khác nhau” đó là từ “những ông giáo sư tiến sĩ” cho đến “những người đạp xích lô, những người bán hàng rong”. Dù là nhà phê bình văn học, nhưng mong muốn của ông như vậy là rất hợp lẽ và rất đáng quí. Nếu như vậy chúng tôi cũng không dám nói gì thêm. Nhưng với sự phân biệt sau đó của ông thì chúng tôi xin được bàn thêm mấy điều.
Đã gọi là công chúng, họ là một khối thống nhất và có chung một lý tưởng đạo đức, một xác tín thẩm mỹ, cho dù trên phương diện cá nhân có ông A mù chữ, ông B đại học, ông C nông dân, bà D công nhân... nhưng khi đã nói “công chúng” là muốn ám chỉ sự tích hợp các đặc điểm của cái số đông làm nền cho mọi giá trị lịch sử đó. Thực ra lúc nào cũng có bạn đọc loại này bạn đọc loại khác, nhưng tách ra thế để cho rằng thời thị trường thiếu đi cái bạn đọc biết suy nghĩ nghiêm túc, bạn đọc rất tốt, theo chúng tôi là hơi vội. Sao các nhà văn không tự trách mình đã chạy theo lối viết xổi của cơ chế thị trường, đã không theo kịp nhu cầu độc giả nên độc giả quay lưng lại, xem thường văn chương! Cũng theo cách lập luận này, nhiều tác giả trẻ bắt chước lối viết “ngô ngọng tây tàu”, viết ra ít người hiểu, lại đổi cho là tại dân trí thấp (đối tượng của họ là những độc giả cao cấp cơ). Còn có những người cho rằng các bộ phim có người đi xem quá đông là vì công chúng thiếu hiểu biết nghệ thuật chạy theo thói ham thanh chuộng lạ, các bộ phim đó rẻ tiền. Họ xem cái gì của số đông cũng là xoàng xĩnh! Thử hỏi các cuốn sách bán rất chạy như Hồi ký của Hillary Clinton, các tập sách của Harry Potter, sách viết cho trẻ em của Madonna...là rẻ tiền, xoàng xĩnh cả chắc?! Cái công chúng đại trà kia, xin thưa, họ đều là những người quan tâm và là những người mua chủ yếu các tập sách của Mạc Ngôn, Giả Bình Ao... cũng như các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Thị Ngọc Tư... và cả của Vương Trí Nhàn! Chứ bó hẹp sự thưởng thức vào cái công chúng “chọn lọc cao cấp” kia thì được bao người?
Và quả thật nếu có hai loại công chúng như ông nêu lên thì cái đề nghị “có những cuốn sách mang ra cho độc giả bỏ phiếu, cuốn nào được nhiều người thích thì coi như được nhận một thứ giải thưởng, tạm gọi là giải thưởng của bạn đọc” có khả thi? Đề nghị rất hợp lẽ, nhưng theo cách phân chia các loại công chúng trên kia của ông thì biết mời loại công chúng nào đi bỏ phiếu, mà nếu bỏ phiếu đại trà như vậy thì loại công chúng chọn lọc của ông chắc bao giờ cũng là số ít, cũng thất bại?
Nói tóm lại, việc đề cao sự bình giá nghệ thuật của công chúng là đúng đắn, không nên để bênh vực cho một loại tác phẩm nào mà lại tách ra các đẳng cấp độc giả và lại càng không nên bi quan về công chúng thời nay. Các tác giả cứ viết thật hay vào, công chúng sẽ nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa ngay. Cố nhiên các fan nghệ thuật tồn tại là hợp lý, vì đó là cái gu thẩm mỹ cũng như cái sự thích món ăn của từng loại người, chứ tuyệt nhiên không dựa vào đó mà xét giá trị cao thấp của nghệ thuật.
Công chúng bây giờ thích tiếp cận với những tác phẩm nghệ thuật có tư duy mới, đó là những cuốn sách, bộ phim, vở kịch, bài hát, bức tranh… đề cập đến những vấn đề họ quan tâm nhưng chưa nhận thức hết. Chỉ có nâng cao chất lượng sản phẩm, mới mong tồn tại. Quy luật quan trọng nhất của thị trường, là quy luật giá trị. Chúng ta không chủ trương thương mại hóa nghệ thuật, tuy nhiên để tồn tại một cách hữu hiệu, không thể phủ nhận yếu tố thương mại của nó (số đông người xem, số đông người thích, số đông người mua). Vì suy cho cùng, tác phẩm nghệ thuật dẫu là món ăn tinh thần bậc cao chăng nữa thì cũng chỉ là một sản phẩm hàng hóa, lao động nhà văn cũng là một thứ lao động như bao nhiêu lao động khác trong xã hội.Chúng ta không nên tự huyễn hoặc với những đối tượng “cao cấp” nào khác ngoài những công chúng đi bên cạnh ta hàng ngày. Cuộc “trưng cầu dân ý” về 3 mẫu tượng đài Chiến sĩ quyết tử của Sở VH-TT Hà Nội đã hé mở cho chúng ta nhiều điều lý thú về năng lực thẩm mỹ của công chúng. Ba mẫu tượng đài lọt vào vòng cuối được trưng bày tại 45 Tràng tiền, người xem khen thì ít chê thì nhiều, thậm chí có những ý kiến phủ định hoàn toàn [2], mà những ý kiến này rất vô tư và không phải không có cơ sở khi thẩm bình. Nghĩ sao đây về những nhận xét đánh giá của Hội đồng nghệ thuật về các công trình này, và giả sử nếu không thăm dò dư luận mà cứ thế cho xây? Đã có nhiều bức tượng danh nhân văn hóa ở các địa phương,vì quá tin vào tài năng của các tác giả trung ương và sự đánh giá của các Hội đồng nghệ thuật, khi công trình hoàn thành thì công chúng nản lòng vì các bức tượng nếu không vô cảm thì cũng chỉ là những học quan tráng kiện hãnh tiến chứ không còn là những con người lo đời và thương dân như người ta vẫn tưởng.
Gần đây tạp chí Truyền hình có trao tặng giải thưởng cho hai bộ phim Phía sau một cái chết và Khi đàn chim trở về dựa trên sự bình chọn của người xem. Đây là một việc làm thức thời, để định hướng cho sự tìm tòi nghệ thuật của các biên kịch và đạo diễn cũng như sự đánh giá các bộ phim sắp tới. Giải Oscar - một giải thưởng nổi tiếng của điện ảnh thế giới, cũng chủ yếu dựa vào sự bình xét của các nhà chuyên nghiệp lẫn công chúng.
Ý thứ hai của Vương Trí Nhàn: “Bây giờ báo nhiều nên mấy ông ham nói, nói nhiều, nói dai, nói dài tha hồ múa may. Thực ra trong ý nghĩa sâu sắc của nó, văn học đòi hỏi chúng ta phải làm ra những thứ tinh luyện hơn, kỹ lưỡng hơn”.[3]
Điều này quá đúng khi nói về cái văn hóa phê bình,văn hóa tranh luận của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy ông nương nhẹ, không phải chỉ ham nói, nói nhiều, nói dai, nói dài mà còn nói thiếu văn hóa.
Phê bình văn chương, nghệ thuật thời nào cũng cần một ánh lửa làm nền để soi rọi. Các bài phê bình của các cây bút lớn được coi trọng là vì họ đấu tranh cho một chủ thuyết, một lý tưởng nghệ thuật nào đó, chứ họ không chỉ nhằm vào từng con chữ, từng hình ảnh, chi tiết vụn vặt,những tiểu xảo kỹ thuật. Nói như Chế Lan Viên, họ chú ý đến đường bay con chim hơn lông, cánh.
Vừa rồi tuần báo Văn nghệ đăng lại bài tranh luận của Trần Trọng Kim với Phan Khôi, chúng ta thấy so với các cụ thì cái văn hoá phê bình của ta kém xa. Các cụ đạt nhã mà ta thì lố bịch quá! Phê nhau nhưng vẫn trọng nhau, ấy thế mới cao nhã. Tính chiến đấu cao của một cây bút phê bình chủ yếu là ở chủ thuyết chứ không phải ở cách nói, lại càng không phải ở sự ngoa ngôn. Truyền thống này trong nền văn học VN không phải không có. Chỉ nói thời hiện đại với các bài bút chiến của Hải Triều với Hoài Thanh về nghệ thuật, các bài tranh luận của Xuân Diệu với Chế Lan Viên về thơ, Nguyễn Đình Thi với Nguyên Ngọc về công cuộc đổi mới văn học... Đọc lại ta vẫn thấy khoáng đạt mà không thô lỗ, uyên bác mà không kiểu cách...
“...Chúng ta phải làm ra những thứ tinh luyện hơn, kỹ lưỡng hơn”.[4] Chúng tôi hiểu sự tinh luyện, sự kỹ lưỡng này bao gồm ý nghĩa: Nền nghệ thuật của ta, cho dù đổi mới, nâng cao, hội nhập đến đâu, thì cũng đừng quên lời dạy của tiền nhân: Nghệ thuật cần có ích! Đừng bao giờ đánh mất bản sắc dân tộc. Có thể nhận xét một cách không chủ quan: Trong nền thơ Việt Nam, trong số những câu thơ hay nhất, những bài thơ hay nhất, tỷ lệ thơ lục bát chiếm một phần không nhỏ và nhà thơ lớn nào cũng có những bài thơ đỉnh là...lục bát! Tranh Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh…; nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đỗ Nhuận, Trần Hoàn…; tất cả đều toát lên bản sắc tâm hồn Việt. Rồi rối nước, tranh Đông Hồ, nhã nhạc Huế cứ còn mãi với thời gian… Điều đó nói lên rằng: cái nghệ thuật nhất, cái đẹp nhất là cái tiếp nối nguồn mạch đất nước, dân tộc, thể hiện thụ cảm thẩm mỹ quần chúng…
Khen chê đúng mức, định hướng cho dư luận, cần tham bác tâm lý và thị hiếu quần chúng, cố nhiên không theo đuôi mà phải đứng cao hơn. Người viết phê bình bây giờ cũng dễ mà cũng khó là vì vậy. Có những tác phẩm khẳng định được giá trị theo thời gian, nhưng cũng có tác phẩm bị người đời quên lãng. Chính thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, góp phần quyết định số phận và giá trị của mỗi tác phẩm nghệ thuật trong đời sống xã hội.
Hà Tĩnh, 4/2004


(c) eVăn 2004
________________________________________
Chú thích:

[1] Vương Trí Nhàn. Với độc giả, chúng ta là người có lỗi - Văn nghệ Trẻ, số 16, ngày 18/4/2004
[2] Báo Đại đoàn kết, ngày 14/3/2004
[3] Vương Trí Nhàn. Với độc giả, chúng ta là người có lỗi - Văn nghệ Trẻ, số 16, ngày 18/4/2004
[4] NT

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP