(trao đổi với Vương Trí Nhàn)

Với độc giả chúng ta là người không có lỗi!
(trao đổi với Vương Trí Nhàn)
Nguyễn Hữu Hồng Minh

Trước hết, xin được nói rằng trong suy nghĩ của tôi, Vương Trí Nhàn là một nhà phê bình sáng giá, ít ra nhiều bài viết của ông vẫn còn đọc được trong tình hình văn chương hiện nay. Và vì thế, bài viết này tôi muốn với tư cách là một nhà văn trẻ, xin được đối thoại trao đổi với ông về vai trò của nhà văn, một vấn đề được ông đặt ra cụ thể qua bài trả lời phỏng vấn Với độc giả chúng ta là người có lỗi vừa qua.
Còn nhớ một kỷ niệm khi tôi được gặp hai nhà phê bình trẻ nổi tiếng của Hà Nội là Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Thanh Sơn ở Sài Gòn. Tại quán Hải Triều, tôi có kể với hai anh rằng tôi vừa xem chương trình Ấn tượng VTV1, thấy nhà phê bình Vương Trí Nhàn trả lời độc giả về phê bình văn học. Vương Trí Nhàn đề cao và luôn dùng hai chữ “nhất quán” cho quan điểm viết phê bình “trước sau như một” của mình. Theo tôi, quan điểm đó với hiện thời là cứng nhắc. Không còn phù hợp với dòng chảy văn học (trẻ) đang có nhiều thay đổi như hiện nay. Tôi nhắc lại chuyện này cốt chỉ muốn nói rằng những suy nghĩ tôi muốn trao đổi với nhà phê bình Vương Trí Nhàn hôm nay vốn đã “xâu chuỗi”, hình thành từ rất lâu chứ không phải chỉ mới “phát quang” sau lần đọc bài trả lời phỏng vấn của ông. Vì thế trong bài viết này tôi cũng sẽ dùng một số bài viết trước của Vương Trí Nhàn để đối chiếu và so sánh lại những vấn đề cần phải tranh luận đó.
“Nhất quán” (mà tôi dẫn ở trên) của Vương Trí Nhàn cụ thể nằm ngay ở cái nhan đề “Với độc giả chúng ta là người có lỗi”. Chưa cần đi sâu phân tích, hai chữ “có lỗi” đã cho thấy ngay không khí của sự sám hối, mặc cảm vì hình như chưa (hoặc không?) làm tròn một trách nhiệm nào đấy được giao phó. Nó làm người đọc nhớ đến hương vị của nền văn chương “phải đạo” (2), văn chương phục vụ và tuyên truyền cách đây mấy mươi năm.
Bài trả lời phỏng vấn của Vương Trí Nhàn còn cho thấy những nhược điểm sau:
- Nhà phê bình chỉ theo đuôi ve vuốt nhà văn và ăn theo các sáng tác của nhà văn để được nổi tiếng. Nói chung, cam chịu sống thân phận dây leo hoặc ký sinh.
- Ảo tưởng và chưa phân định rạch ròi giữa hai khái niệm đám đông và công chúng. Từ đây dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong lập luận một bài viết.
- Vương Trí Nhàn như đại diện cuối cùng của lối phê bình “văn dĩ tải đạo” hay văn chương “phải đạo”. Phải chăng cách nhìn nhận, quan niệm văn chương như thế đến hôm nay không còn phù hợp nữa?
Theo quan điểm của tôi, trong nền kinh tế thị trường nhà văn và độc giả nên giữ vai trò bình đẳng. Vương Trí Nhàn viết: “Không rõ những người viết văn khác thế nào, riêng tôi, bao giờ viết tôi cũng thường nghĩ tới độc giả. Bảo rằng tôi rất e sợ họ cũng được. Trước họ, tôi chẳng có một thứ gì gọi là quyền hành. Rất có thể họ cầm trang báo có bài viết của tôi lướt qua rất nhanh và bỏ luôn. Mà như thế thì tủi thân lắm”. Như vậy có thể thấy nguyên nhân ông Nhàn “e sợ”, “thường nghĩ”, “tủi thân” thậm chí bất lực vì mặc cảm “chẳng có một thứ gì gọi là quyền hành” với độc giả chỉ vì sợ không có ai đoái hoài tới mình, sợ độc giả “cầm trang báo có bài viết của tôi lướt qua rất nhanh và bỏ luôn”. Tức là ông Nhàn sợ hãi họ không đọc mình. Ở đây tôi có mấy câu hỏi muốn dành cho ông:
(1) Tại sao vai trò của độc giả lại lấn áp được vai trò nhà văn?
(2) Các bài ông viết là phê bình bác học hay chỉ là những bài báo phất phơ hàng chợ? Ông đang viết với tinh thần một nhà văn hay một nhà báo?
(3) Tại sao ông lại quá cần độc giả phải đọc mà không tính đến việc họ có nhu cầu cần đọc hay không?
(4) Một khi chỉ viết vì nhu cầu của độc giả, liệu nhà văn có được quyền viết chỉ vì nhu cầu của chính mình hay không?
Theo tôi, nếu trả lời được 4 câu hỏi này ông Nhàn sẽ thấy nguyên nhân tại sao chúng ta chỉ có một nền phê bình “ăn xổi ở thì”. Một nền phê bình lẫn lộn với báo chí và sự thật phần lớn những bài phê bình chỉ là những bài điểm sách.
Vai trò của độc giả có cần đề cao một cách quá đáng như thế không? Thú thực, đọc đoạn trả lời trên, tôi có cảm giác ông Nhàn không thật, thậm chí nịnh nọt họ một cách giả tạo và vô lối. Nhưng phân tích kỹ thì thấy ông đang coi thường họ. Ông đang biến đám đông thành một trò múa mép, “đầu môi chót lưỡi” của mình. Bởi đơn giản thế này: Khi trả lời câu hỏi “Anh thích viết cho loại độc giả nào?”, Ông Nhàn trả lời như sau:“Chỗ này phải nhận là tôi hơi tham. Tôi thích viết thế nào đó (Tôi nhấn mạnh) để cho những người khác nhau cũng có thể đọc được”. “Viết thế nào đó” là viết như thế nào? Cho đối tượng độc giả là những ai? Thật khó mà tưởng tượng nổi bút pháp của ông Nhàn khi “viết thế nào đó” lại cộng lẫn, chia đều cho những đối tượng “có thể là những ông giáo sư, tiến sĩ”, là “người đạp xích lô, người bán hàng rong”, là “với thanh niên khó nhất. Họ vội vã sống” (!?). Đã thế, ông Nhàn còn biện giải: “Tôi là cái anh không có bằng cấp gì, nhưng cũng có đi lại chuyện trò với một số người như thế (chỉ các giáo sư tiến sĩ). Và nếu như tôi không lầm, thì họ cũng coi tôi như một đồng nghiệp, chứ không phải mình chơi trèo hay học làm sang đâu”(!?). Ai cũng biết câu trả lời như trên của ông Nhàn chỉ là một lối nói ngoa, nói khéo nhưng không khỏi cám cảnh cho một nền phê bình hợp tác xã, nền phê bình “chia đồng ăn đều”. Nó cho thấy tính giao đãi, thiếu vấn đề, thiếu nghiêm túc, học thuật. Đã thế lại còn là tổng thể của sự thiếu logic. Làm sao có một lối viết phê bình “dĩ hòa vi quí” đến mức từ ông giáo sư, tiến sĩ đến anh đạp xích lô, cô bán hàng rong, cậu thanh niên đều đọc được nếu không phải đó là những bài báo “sành sạch”, “đèm đẹp”, pha màu này màu nọ một chút? Rõ ràng với lối so sánh này Vương Trí Nhàn đã nhầm lẫn giữa hai thể loại Phê bình và Báo chí hoặc thiếu tôn trọng với bạn đọc. Theo tôi, mỗi đối tượng có một nhu cầu văn hóa và một gu thẩm mỹ riêng. Ở đây tôi không phân chia giai cấp nhưng muốn nói rằng nếu với mỗi đối tượng chuyên biệt mà đi đến tận cùng vấn đề đã là việc một khó khăn, một thử thách cho nhà phê bình thì không thể dễ dàng bao đồng như vậy được. Tôi đồng ý với tác giả Hà Quảng (3) rằng trong lập luận này Vương Trí Nhàn quá mâu thuẫn. Từ vai trò ngỡ như chủ động của độc giả mà ông bày tỏ ở lập luận trước, ở ngay phần sau ông đã biến họ thành những người thụ động.
Xin đơn cử một ví dụ cho thấy lối viết “thế nào đó” hay “dĩ hòa vi quí” trên của ông dễ gây nhầm lẫn và ngộ nhận như thế nào. Trong bài viết giới thiệu cuốn sách Điên cuồng như Vệ Tuệ (4), Quạ Đen (5), khi lý giải sự ra đời của lớp nhà văn trẻ Trung Quốc cũng như lối viết của Vệ Tuệ mà Vương Trí Nhàn cho là “bộ mặt tinh thần của những thanh niên mười tám, đôi mươi…”, “lớn lên trong một thời điểm mà sự chuyển mình của xã hội hiện đại đạt tới điểm chín”, Vương Trí Nhàn lấy hai ví dụ điển hình trong lịch sử văn học tiêu biểu của phong cách này là các tác phẩm Faust, Những đau khổ của chàng Werther của J.W.Goethe và Buồn ơi, chào nhé của Françoise Sagan. Vương Trí Nhàn lý giải: “Khác với con người cổ điển vững vàng chắc chắn trong niềm tin cũng như hành động, họ luôn khổ sở vì gần như không hiểu tại sao mình lại thế này mà không như thế khác. Ngay bản thân, họ cũng không làm chủ nổi. Họ có thể lười biếng độc ác mà chẳng có lý do nào rõ rệt. Ngày họ cảm thấy trưởng thành cũng là ngày họ nhận ra cuộc đời vô lý không phương cứu chữa và họ muốn vượt lên sự vô lý để tồn tại”. (6)
Và Vương Trí Nhàn kết luận chắc như đinh đóng cột (tôi nhấn mạnh) về phong cách mới của Vệ Tuệ, nhà văn trẻ Trung Quốc: "Điên cuồng như Vệ Tuệ cũng đi theo cái mạch đã được gợi mở từ Goethe đến Sagan". (7)
Có nhiều mâu thuẫn ở đây: (a) So sánh J.W.Goethe với Françoise Sagan liệu có phải là so sánh hai phong cách của “con người cổ điển” với “con người hiện đại” không?; (b) Như vậy câu văn “Khác với con người cổ điển vững vàng chắc chắn trong niềm tin cũng như hành động” trong ngữ cảnh của đoạn trích dẫn trên nên hiểu như thế nào?; (c) Tại sao phong cách của Vệ Tuệ, một nhà văn trẻ của Trung Quốc lại cứ phải đi theo một mạch từ Goethe và Françoise Sagan?; (d) Vương Trí Nhàn dựa theo thuyết nào hoặc đây chỉ là một nhận xét hết sức cảm tính của ông?; (e) Nhưng rõ ràng đoạn lý giải của Vương Trí Nhàn không phải đã làm người đọc nghĩ nhiều hơn đến chàng Roquentin của Jean-Paul Sartre hay chàng Mersault của Albert Camus của văn học hiện sinh hay sao?
Tôi không hình dung được bài viết trên đây của Vương Trí Nhàn nếu được dịch ngược lại tiếng Trung Quốc thì Vệ Tuệ và các nhà văn trẻ Trung Quốc sẽ nghĩ nhà phê bình chúng ta lập luận kiểu gì và tầm phân tích tác phẩm của họ như thế nào?
Những chồng chéo, suy diễn cảm tính, tùy tiện và bất hợp lý như thế thường dễ dàng xảy ra khi người làm phê bình không tập trung vào hẳn một đối tượng mà họ đã cố nhằm đến khi viết. Để vừa lòng tất cả mọi người thì xén chỗ này một ít, dán chỗ kia một tẹo vậy. Vì thế tôi hoàn toàn không tin rằng một nhà phê bình đích thực có thể làm thỏa mãn được mọi đối tượng nếu như anh không tự lừa dối chính mình.
Trở lại vấn đề nhà văn và độc giả, như tôi đã nói ở trên, ít ra các nhà nghiên cứu chỉ nên đặt mối quan hệ này ở vai trò bình đẳng. Không ai cảm thấy phải có lỗi với ai và cũng không ai phải chịu ơn ai. Như thế dễ thở cho người sáng tạo và đúng với bản chất hiện nay của xã hội hơn. Những tác phẩm đích thực không phải cứ được đánh giá dễ dàng là được chấp nhận ngay trong công chúng. Trường hợp nhà văn Vũ Trọng Phụng ở Việt Nam và Franz Kafka (Czéch) chẳng hạn. Những tìm tòi và thể nghiệm nghệ thuật của các nhà văn (thậm chí là của các nhà phê bình) cần có thời gian và bao giờ cũng đi trước công chúng. Không thể thỏa mãn độc giả một cách tức thì được. Hơn nữa, chìa khóa của thời kinh tế thị trường nằm ở quy luật cung cầu. Đã đành nhà văn sáng tạo ra một tác phẩm bằng tâm huyết, trí não mình. Nhưng hiện nay, anh muốn xuất bản tác phẩm đó phải qua một đầu nậu sách thậm chí phải bỏ tiền túi 5, 10 triệu để in. Và thường chỉ in 500, 1000 bản. Đã qua thời bao cấp. Bây giờ là thời…sòng phẳng. Nhà văn viết. Độc giả bỏ tiền ra mua. Một bên xuất tiền. Một bên xuất…não! Nhà văn làm ra món hàng của mình bằng sự thăng hoa hay kiệt quệ của thân xác. Độc giả làm ra đồng tiền cứ cho là cũng khó khăn như vậy. Vì thế quan hệ giữa nhà văn và độc giả cũng có thể ví như một cái chợ “không mợ thì chợ cũng đông”. Quan trọng hơn, khi đã đi chợ thì người ta chỉ chọn mua những món gì thật cần thiết cho mình. Chẳng ai hơi đâu phí tiền để gánh về những thứ xa lạ với nhu cầu thiết yếu của mình. Như vậy quy luật cung cầu còn chi phối ở chỗ nhà văn có tôn trọng độc giả hay không; nhưng dù vậy, nếu độc giả không thích, không có nhu cầu, thì họ vẫn không mua. Còn độc giả không thích những gì nhà văn viết, nhưng nhà văn có nhu cầu sáng tạo, thích viết, thì vẫn cứ phải viết. Cái nghề văn mà! Nó bạc bẽo và khốn nạn như thế đấy! Vương Trí Nhàn đã lầm lẫm khi đánh đồng văn học là một món hàng hóa nhưng quên rằng nó là một thứ hàng hóa đặc biệt. Thứ hàng hóa của tri thức và tâm hồn. Không thể cân đong đo đếm cụ thể được. Cũng thế, nếu độc giả thấy cần thì sẽ mua báo, mua sách đọc bài của nhà phê bình Vương Trí Nhàn, còn không thì sẽ bỏ qua một bên để thanh thản chọn lựa những tác phẩm của những tác giả khác. Chẳng việc gì phải “tủi thân”, “e sợ”, “tôi chẳng có thứ gì gọi là quyền hành”, “họ cầm trang báo có bài viết tôi lướt qua rất nhanh rồi bỏ luôn”. Lo sợ như ông Nhàn thử hỏi độc giả trí thức, độc giả trẻ chuyên đọc báo điện tử thì sao? Làm sao ông có thể mang tham vọng viết cho đối tượng thanh niên, những người trẻ tuổi với những suy nghĩ già nua, cọc cạch như vậy? Đọc mấy lời thương vay khóc mướn kia, hình như ai cũng cám cảnh cho “thân gái già về chợ”. Vừa tồi tội vừa ngài ngại. Thật đúng là “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Một điều rõ ràng: bài trả lời nói trên của nhà phê bình Vương Trí Nhàn rất thiếu tính chuyên nghiệp hay không đề cao tính chuyên môn của Nhà văn. Lập lờ giữa văn học và báo chí, giữa đối tượng độc giả văn chương cao cấp với thị hiếu tầm thường rẻ tiền, giữa trí thức và bình dân. Điều này lại cũng thật mâu thuẫn với một bài viết của ông gần đây là “Nghề nghiệp dang dở” ( 8). Trong bài viết này ông đã trích dẫn câu nói của nhà văn Nga L. Leonov như sau: “Khi nói tới con người, tôi cho rằng nói luôn tới nghề nghiệp là một điều cần thiết. Tổng quát mà nói tôi thích những người yêu tột độ một cái gì đó. Đối với tôi, việc đi sâu vào cách nhìn đời sống của họ thông qua nghề nghiệp mà họ gắn bó, là một chuyện rất thú vị. Nghề nghiệp chính là sợi dây xã hội nối kết con người với thời đại”.

Từ trích dẫn trên, Vương Trí Nhàn đã phân tích: “Mỗi con người chúng ta phải được chuyên môn hóa. Phải có đóng góp cho xã hội trong một công việc cụ thể, và ta phải chăm chút học hỏi để cho cái công việc cụ thể đó trở thành công việc giỏi giang. Trong thực tế, đây lại thường là chỗ yếu nhất của con người trong xã hội ta hôm nay”.
Phải chăng qua bài viết đó, và đối chiếu với những phân tích của tôi ở trên, chính Vương Trí Nhàn đang tự thú nhận công việc của mình hiện nay cũng chỉ là một “nghề nghiệp dang dở”? Hay ở Việt Nam phê bình văn học vẫn đang là một “nghề nghiệp dang dở”?
Sài Gòn, 29/5/2004

© eVăn 2004
_________________________
Chú thích:
(1) Vương Trí Nhàn, Với độc giả, chúng ta là người có lỗi, Văn Nghệ Trẻ, số 16, ngày 18/4/2004
(2) Chữ của Hoàng Ngọc Hiến.
(3) Trao đổi cùng ông Vương Trí Nhàn về chuyện “với độc giả chúng ta là người có lỗi, Hà Quảng, eVăn, 6/5/2004.
(4) Vương Trí Nhàn, Bản tự bạch chân thành của tuổi trẻ, Điên cuồng như Vệ Tuệ - Tập truyện ngắn của Vệ Tuệ - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2003.
(5) Quạ Đen: Tiểu thuyết của Cửu Đan, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2003.
(6), (7) Vương Trí Nhàn - Bản tự bạch chân thành của tuổi trẻ.
(8) Nghề nghiệp dang dở - tạp chí Ngày Nay, số 9, 5/2004.

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP