Cứ sống thế này thì nhắm mắt sao nổi”

Câu nói của nhà văn Nga Tchekhov được Vương Trí Nhàn trích lại trong “Những chấn thương tâm lý hiện đại”. Dường như, đó cũng là tiếng cảm thán của chính tác giả, và của nhiều người về sự xuống dốc của lối sống hiện nay.

“Ai bảo tôi lạc hậu tôi xin nhận”

Vương Trí Nhàn tự nhận về mình cái tiếng lạc hậu, để phát biểu lên những suy nghĩ về lối sống hiện đại mà theo ông là đang trong một cơn chấn thương mạnh.

Ông tẩn mẩn xem xét khắp lượt cái cách người ta đi lại, ăn nói, giao thương, lễ lạt, ăn uống, tiêu dùng… để chỉ ra: “Triết lý hưởng thụ thấm sâu trong những người dân thường”, “thô bạo đã trở nên một thứ khí hậu trong mối quan hệ bình thường.”, “lối sống ô-sin” hay “sự tha hóa trong tiếng nói của ta đã bắt đầu tư lâu lắm”…

Đau đầu nhất, đáng phiền muộn nhất trong những câu chuyện ở một đất nước đang đô thị hóa chóng mặt là chuyện giao thông. Cái hỗn loạn trong giao thông là hệ quả, hay cũng là phản chiếu của sự hỗn loạn trong tâm lý.

Trong sự hội nhập của người mình – theo tác giả - vẫn không theo được lề luật chung, không bỏ được lối làm ăn tủn mủn, vụn vặt, trông tránh được gian dối. Hội nhập làm rõ thêm những khuyết điểm cố hữu trong bản thân xã hội tiểu nông.

“Còn những cái mất, những hư hỏng như học đòi học mót, đua đả hưởng thụ quên cả lịch sử tổ tiên mà gần đây ai cũng thấy chướng? Bởi chúng xuất hiện nhiều trong thời hội nhập nên ta tưởng tất cả lỗi là từ ngoài vào. Nhưng nói thế là nhầm.

Cái chính là những căn bệnh đó đã sẵn có trong nội tạng xã hội, quá trình hội nhập chỉ làm chúng bộc lộ rõ mà thôi.” (Qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình)

"Thế nghĩa là thế nào?"

Nhiều sự chướng tai gai mắt thế, lắm cảnh ngược đời thế, thế nghĩa là thế nào? Cái đạo lý nào lại sinh ra những chuyện ấy?

Trong mỗi mẩu chuyện riêng, tác giả dần đưa ra một vài kiến giải riêng. Cái căn nguyên cội rễ được nhắc lại khá nhiều lần là những tàn tích tinh thần từ chiến tranh.

"… Tuy đã ra khỏi chiến tranh, song cái thói quen sống một mình ở cả cộng đồng càng được cố kết lại để làm nên nhiều ảo tưởng. Khả năng tự nhận thức lúc ấy bị hạn chết. Ta bằng lòng với mình. Ta ngại thay đổi. Ta thấy chỉ có ta là nhất.

Từ góc độ của những người từ chiến tranh bước ra, cái tội không thạo việc thạo chuyên môn chỉ là chuyện nhỏ, đánh nhau khó bằng mấy còn làm được, nữa là quản lý kinh tế, cứ quyết tâm và có kỷ luật là hoàn thành tất. Nhưng có phải sự đời đơn giản thế?" (Tôi nghiệp dư, anh nghiệp dư, nó cũng nghiệp dư)

Hay như trong một mẩu chuyện khác ông viết:

"Không khó khăn gì lắm để tìm ra lý do khiến chúng ta có nhiều thói xấu như vậy. Trước hết là cuộc chiến tranh kéo quá dài. Trong Câu chuyện triết học, phần viết về H. Spencer, W. Durant cho rằng “xã hội chiến tranh thường ca ngợi một vài đức tính (nguyên tắc ứng xử - VTN) và dung túng cho những việc mà các dân tộc khác xem là có tội”.

Nếu nơi không chiến tranh, con người quảng đại và nhân đạo, thì nơi chiến tranh kéo dài, người ta quen với cướp bóc phản bội. Đây là luật phổ biến song người ta thường quên và tự cho mình là một ngoại lệ.

Con người hôm nay lao vào cuộc làm ăn kinh tế, mà thói quen sống kiểu chiến tranh còn nguyên vẹn. Kinh tế thị trường rút lại được hiểu là thói cạnh tranh không lành mạnh, nói nôm na là chúa đã chết, ai luốn làm gì thì làm. Thành thử có xảy ra lộn xộn hỗn hào thì cũng là điều dễ hiểu. Từ chỗ chăm chăm chửi bới kẻ giàu cho rằng kẻ giàu là xấu, nay người ta lao vào làm giàu để rồi lãnh đủ những xấu xa bỉ ổi đó, và đưa cái ác lên một trình độ hiện đại đáng sợ.

Trong trạng thái như lại muốn thốt lên “cứ sống thế này thì nhắm mắt sao nổi”, tác giả nảy ra một ý:

Tòa án thường chỉ xét những tội cụ thể. Nhưng tôi tưởng tất cả các quan chức một khi hư hỏng, ngoài hành vi phạm pháp, còn phải xét thêm một tội nữa: Tội ngấm ngầm thúc đẩy và dung túng dân làm bậy. Tội làm hư dân." (Tội làm hư dân)

Không lẽ, lại như lời của một nhân vật, mà tác giả đã nhận là “vô cảm, nhưng là thực tế”:

“Khi không thay đổi được hoàn cảnh, tốt hơn hết là chấp nhận cho xong. Chứ đã biết là không ngăn chặn được tình trạng này từ gốc, mà thỉnh thoảng lại nổi cơn sụt sùi thương xót, cho phép nói thật nhé, thấy buồn cười lắm.” (Tổ chức đời sống nông dân sao đây?)

Và đôi lời về sự bế tắc…

Chỉ ra những khuyết điểm trong đời sống tinh thần của xã hội là một điều quan trọng để tiến đến nhận thức đầy đủ về bản thân xã hội. Và điều được mong đợi hơn cả là chỉ ra một lối thoát. Cả hai điều này, người đọc đang rất trông chờ ở giới nghiên cứu VN.

Dù có không ít cuốn sách tự trào, tự giễu về các thói hư tật xấu của người Việt Nam, (chưa kể, hàng ngày trên báo chí có rất nhiều bài viết cùng dạng này), nhưng hiếm thấy một cuộc điều tra xã hội học nào rộng khắp, hay một nghiên cứu đầy đủ nào với các dữ liệu thực tế, thực hiện trong một thời gian đủ dài với số lượng mẫu hỏi đủ lớn để đưa ra các kết quả thực tế.

Các nhà nghiên cứu thường chỉ dừng ở góc độ quan sát các nhân, trong vùng phạm vi trải nghiệm của họ về cuộc sống xung quanh. Do vậy khó tránh khỏi sự thiếu tính phổ quát về các vấn đề mà họ gọi là “người Việt”, hay “xã hội ta”.

Tương tự, các khái niệm thời gian thường chỉ được nói đến một cách chung chung “ngày nay”, “bây giờ”…, thay vì được xác định cụ thể trong một giai đoạn thực hiện nghiên cứu cụ thể.

Vì những điều nói trên, nên có lẽ việc đòi hỏi người viết đưa ra các giải pháp để giải quyết các hạn chế nhận thức xã hội và tâm lý của người Việt là một điều chưa thể. Vẫn biết các biểu hiện của các “thói hư tật xấu” có muôn hình vạn trạng, nhưng làm thế nào để thay đổi, thay đổi bắt đầu từ ai/cái gì? Khi không có những cứ liệu phân tích cụ thể trên diện rộng, thì làm sao có thể đưa ra giải pháp có tính thực tiễn?

Người đọc – bao gồm cả những người đang nhận thức được chấn thương tâm lý của bản thân mình và những người xung quanh – vẫn đang chờ đợi ở các nhà tâm lý một sự kiến giải rõ ràng hơn.

Linh Thủy
Tuần Việt Nam
03:55' PM - Thứ hai, 21/09/2009

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP