Cùng đối mặt với Những chấn thương tâm lý hiện đại

(TBKTSG) - Về tập phiếm luận Những chấn thương tâm lý hiện đại của tác giả Vương Trí Nhàn, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tuyển chọn, vừa được NXB Trẻ phát hành.

Có thể nói diện vấn đề được đề cập ở Những chấn thương tâm lý hiện đại rất rộng rãi.

Từ những việc nhỏ nhặt tưởng chừng chẳng đáng quan tâm như đôi dép dưới chân, cái mũ bảo hiểm trên đầu hoặc cái túi ny lông đựng rác, thùng nước gạo của mỗi gia đình... đến những hiện tượng nhạy cảm hơn như tác hại của tiếng ồn đã vượt ngưỡng chịu đựng, rồi nạn cờ bạc lan tràn từ đàn ông đến đàn bà, từ người dân thường đến quan chức nhà nước, hoặc sự bất cập đáng phàn nàn của hiện tượng lạm phát lễ hội, sự tha hóa của ngôn từ, sự lan tràn của thói ứng xử thô bạo, hung hãn giữa người và người, cung cách thông tin trong một xã hội tiểu nông, bệnh ảo tưởng thâm căn cố đế của người mình…

Từ những vấn đề mang tầm quốc kế dân sinh như vấn nạn ùn tắc giao thông, hiện tượng diện tích nông nghiệp thu hẹp vì bị lấy đất mở mang đô thị, quá trình khó khăn chuyển từ lối sống thời chiến sang thời bình... cho đến những điều động chạm tới niềm âu lo chung của cả loài người trên khắp hành tinh như hiện tượng rác thải, ô nhiễm môi trường sinh thái, quá trình hội nhập giữa các quốc gia, tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu…

Khi đề cập tới những vụ việc lẫn vấn đề miên man, tản mạn và trọng đại như thế, Vương Trí Nhàn thường từ tốn khoanh phạm vi bài viết trong những giới hạn tương ứng với dung lượng của các trang báo… Mỗi bài chỉ nhằm vào một khía cạnh nào đấy, khía cạnh khác sẽ được bàn bổ sung bằng bài viết khác. Có cả một loạt bài cùng quy tụ về vấn đề đô thị hiện đại ở Việt Nam. Riêng hiện tượng ùn tắc giao thông được dành riêng một cụm bài, hiện tượng hỗn loạn ở các lễ hội lại có một cụm khác.

Cách tiếp cận của Vương Trí Nhàn với các hiện tượng khá linh hoạt, uyển chuyển. Bên cạnh những quan sát cụ thể từng hiện tượng, vụ việc riêng lẻ, là khả năng huy động tối đa tri thức sách vở. Bên cạnh hiểu biết về tình hình hôm nay là những bài học từ lịch sử. Bên cạnh chuyện ở ta là chuyện bên Tây, bên Tàu… Khi đặt những cái tưởng như xa nhau bên cạnh nhau, ông dẫn chúng ta tiến sâu vào những quan hệ bên trong giữa chúng. Từ những gì ẩn chìm dễ bị che lấp, ông thường xuyên phát hiện ra những căn nguyên tinh thần bao trùm trong hành động và các mối quan hệ tế nhị giữa người với người.

Qua sự phân tích, ở ông nổi lên thật rõ một khao khát là nhận diện thực chất của các chấn thương tâm lý mà con người hiện đại phải chấp nhận.

Chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị, khi bắt gặp trong tập phiếm luận những phân tích, lý giải mạnh bạo, thẳng thắn, sâu sắc mà thuyết phục của tác giả khi tìm ra được những liên hệ mang tính bản chất từ các hiện tượng ngỡ như rất xa cách nhau. Chẳng hạn từ thảm cảnh đau xót về thân phận các cô dâu Việt Nam lấy chồng ngoại mà đa phần là các cô gái gốc gác nông thôn, Vương Trí Nhàn thấy được ở đây có sự tác động ghê gớm của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn. Hoặc qua phong thái vội vàng, chen lấn tìm mọi cách để vượt lên trước trong đi lại trên đường phố hôm nay, ông phát hiện ra dấu vết của lối sống vội vã, nôn nóng và hời hợt, quen đặt số lượng trên chất lượng vốn phổ biến trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống chúng ta hiện nay. Bài Cái vội của người mình là một trong những bài khá nhất của tập sách. Qua cách sử dụng thời gian của con người, tác giả hướng đến khái quát về sự có mặt của một tầm nhìn chật hẹp chỉ biết cái trước mắt, không thấy cái lâu dài, toàn diện. Rồi ông còn nhìn ra được ở đây có dấu vết của tâm lý tự ti: “Biết rằng mình đã quá lạc hậu với thế giới nên phải truy đuổi trong tuyệt vọng”. Sau nữa, tác giả còn chỉ ra ở đây bóng dáng của tình trạng “hỗn loạn trong cảm giác về giá trị, từ đó tạo nên ám ảnh lấy thịt đè người, chỉ có nhanh mới hốt được của thiên hạ”.

Có thể ai đó chưa chia sẻ với lối truy nguyên hiện trạng để đi tới đoán bệnh, luận bệnh một cách riết róng ở đây, vì cảm thấy nó tàn nhẫn quá? Lại có thể cho rằng, trong tâm thế bột phát khi suy nghĩ, tác giả đã bị đà suy luận cuốn đi mà dẫn đến những nhận định cực đoan quá mức? Thì xin mời bạn cứ việc phản biện bằng lý lẽ và nêu chứng cứ ngược lại. Biết đâu từ những cuộc đối thoại thẳng thắn như thế, chúng ta sẽ đến gần được hơn với sự thực!

Tiếp tục suy nghĩ là quyền của bạn và tôi có cảm tưởng người viết tập phiếm luận này sẽ rất sung sướng khi biết điều này - bao nhiêu giấy mực viết ra, cuối cùng ông chỉ mong có thế.

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP