Khi “taboo” bị bôi bẩn, hạ bệ

Khi “taboo” bị bôi bẩn, hạ bệ
Mấy tháng nay cuộc “đọ tiếng đọ sức” xoay quanh tác giả “Dế Mèn” khi thì ồn ào khi thì âm ỉ nhưng xem chừng sẽ còn kéo dài! Sở dĩ bỉ nhân dám mạnh miệng tiên đoán “sẽ còn kéo dài” vì vụ việc này có tính chất sinh tử không những đối với các phe phái sinh hoạt văn học trong nước, mà còn đe dọa tới quyền lãnh đạo của Đảng. Nhưng trước hết hãy ghi lại những sự kiện trên mặt nổi:
- Châm ngòi cho cuộc xào xáo là bài viết “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần” của Vương Trí Nhàn. Bài này được đăng một phần trên Tạp chí Nhà Văn thuộc Hội Nhà Văn vào tháng 11 năm 2009, nghĩa là được đăng tải trên một diễn đàn “luồng chính”, “lề phải” và cũng được tác giả cho in toàn bộ vào quyển “Những chấn thương tâm lý hiện đại” do nhà Thời Báo Kinh Tế Sai Gòn xuất bản.
- Bài viết của Vương Trí Nhàn nếu nhìn phiến diện thì chỉ thấy tác giả cho người đọc vẽ ra một khuôn mặt, một nhân cách “gần” về Tô Hoài “cây đại thụ” cuối cùng của “nền” văn học xã hội chủ nghĩa. Cách chơi chữ của tác giả bài viết khi hạ bút dùng chữ “gần” rất lấp lửng để cho người đọc tự rút ra kết luận. Cái khéo của việc dùng chữ “gần” mà không huỵch toẹt nói là “thực” nằm ở chỗ không nói ra mà hóa thành đã nói thẳng.
- Phản ứng lại bài viết này trước tiên là bài viết “Ngạc Nhiên và thất vọng” của Phạm Khải đăng trên báo Văn Nghệ Công an một thời gian khá lâu sau khi bài viết của Vương Trí Nhàn. Báo Văn Nghệ Công an, nói về đẳng cấp, tuy cũng là một diễn đàn thuộc luồng chính, nhưng phải nói là thấp hơn, uy tín không lớn trên cả nước. Hơn nữa uy tín, vị trí và ảnh hưởng của Phạm Khải trong sinh hoạt văn học chưa có tầm vóc của Vương Trí Nhàn.
- Cho nên tiếp sau Phạm Khải là 2 bài viết của Phan Thị Vàng Anh, bài trước “Nồi lẩu của trí nhớ” ngắn, sự hằn học còn nhẹ. Và mấy ngày sau Phan Thi Vàng Anh” bồi thêm” bài “Nỗi hận của kẻ ở gần/Cung nô bộc xấu” lời lẽ hằn học, cay đắng, trách móc, và miệt thị Vương Trí Nhàn. Phan Thị Vàng Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn, có chức có quyền lớn trong cơ chế lãnh đạo. Điểm đáng chú ý là cả hai bài viết này chỉ được đăng trên Blog Phong Diệp, nghĩa là một trang mạng thường chỉ được giới viết lách truy cập, nghĩa là có tầm ảnh hưởng rất giới hạn. Đương nhiên, nếu muốn, Phan Thị Vàng Anh có thể đăng tải bài viết của mình trên các báo hay tạp chí của Hội Nhà Văn. Và sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi cần một lời giải đáp. Nhưng ý kiến của Phan Thị Vàng Anh phải được hiểu là ý kiến phản ảnh đường lối lãnh đạo của Đảng! Đăng bài trên Blog Phong Diệp tức là tác giả muốn giới hạn cuộc xô xát trong vòng giới viết lách tuy bài viết của Vương Trí Nhàn được đăng trên một tờ báo chính thức của Hội Nhà Văn. Nhìn những sự việc đang diễn ra, bỉ nhân có thể đoán chừng: sau những thảo luận kỹ lưỡng của cấp lãnh đạo Đảng về những hậu quả do bài viết của Vương Trí Nhàn tạo ra, cách đối phó tạm thời từng bước là “không nên làm to chuyện”, và mục đích mặt nổi chiến lược là hướng vào việc “đánh” tư cách Vương Trí Nhàn nhằm thả khói mù che lấp mục tiêu chính của Vương Trí Nhàn. Mục tiêu đó là gì? Theo suy nghĩ của bỉ nhân, dường như tác giả Vương Trí Nhàn có một mục tiêu xa hơn, chỉ lấy Tô Hoài như một điển hình nhằm xét lại giá trị của 50 năm văn học xã hội chủ nghĩa.
- Những khuôn mặt dựng nên nền văn học đó nay phần lớn đã qua đời, không lẽ đem họ ra xét lại.
- Trong một hai năm gần đây, người tinh ý nhận xét thì thấy liên tục có hiện tượng “sơn phết” diện mạo Tô Hoài trên các cơ quan truyền thông báo đài chính thức của Đảng. Trong gần một tháng về Saigon thăm nhà vào cuối năm ngoái, ít nhất bỉ nhân đã thấy ba lần đài truyền hình có phóng sự về Tô Hoài. Tại sao phải làm vậy là một câu hỏi đáng nêu ra để tìm nguyên do.
- Từ nhiều năm trước đây, trước khi từ trần, Chế Lan Viên – một tay “đánh hôi” các đối tượng văn học cần trù dập theo chỉ thị của lãnh đạo Đảng do Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi thừa hành, nổi tiếng – đã viết ra những bài thơ “hối lỗi” về những gì ông đã làm, tự mình nói ra hầu hết văn thơ ông đã viết ra trước đây đều là rác rưởi. Việc làm này của Chế Lan Viên tuy mới chỉ ở tầm mức cá nhân nhưng không phải là hậu quả không đáng kể vì nó chỉ ra cho thấy “nền” văn học xã hội chủ nghĩa trong quá khứ chỉ là một thứ “bánh vẽ, phải đạo” như Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến đã sớm nhận ra.
- Nhưng đến khi Nguyễn Khải, nhà văn được Đảng tín nhiệm hàng đầu, trước khi từ trần, đã cho phổ biến những trang hồi ký của ông thì cái “nền” văn học xã hội chủ nghĩa nọ hầu như đã được đánh giá một cách rốt ráo. Về nền văn học đó, chẳng còn gì để mà nói ngoài việc hãy vứt nó vào thùng rác! Nhưng nếu nền văn học đó bị phủ nhận, điều đó cũng có nghĩa vai trò lãnh đạo văn học nghệ thuật của Đảng cũng phải bị triệt tiêu. Và hệ luận tức thời là sự hiện hữu của Đảng Cọng sản phải chấm dứt.
- Đến khi Nguyễn Đăng Mạnh cho phát tán quyển hồi ký thì toàn bộ những khuôn mặt “vệ binh đỏ” như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ…những kẻ tuân hành chỉ thị từ đầu não lãnh đạo văn hóa của Đảng bị rơi mặt nạ, là cú đánh dứt điểm toàn diện giật xập văn học xã hội chủ nghĩa.
- Nhìn vào tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước trong vòng mười năm trở lại đây ta thấy có 3 khuynh hướng: nhóm trung thành với đường lối lãnh đạo Đảng để hưởng chức quyền bổng lộc (vệ binh đỏ), nhóm “ăn theo” thường ngả theo nhóm thứ nhất để “hứng” chút bổng lộc rơi vãi (vệ binh xanh), và nhóm có khuynh hướng “đổi mới” triệt để muốn vạch một con đường lương thiện cho sinh hoạt văn học nghệ thuật.
Sau khi đã kiểm điểm những sự việc nói trên chúng ta có thể xét cuộc tranh cãi về bài viết của Vương Trí Nhàn dưới nhiều góc cạnh, và có một cài nhìn tương đối đầy đủ hơn. Ai cũng biết tầm vóc của Tô Hoài trong “nền” văn học xã hội chủ nghĩa là rất khiêm tốn so với Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận… Đấy là xét về văn tài. Và về tư cách Tô Hoài thì lại có giá trị rất khả nghi, tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt. Nhưng đánh giá tư cách Tô Hoài chỉ là bước đầu xét lại tư cách của những Tố Hữu, Nguyển Đình Thi, Huy Cận…Vậy nay Vương Trí Nhàn đem Tô Hoài ra làm “con vật thí thân” – và theo bỉ nhân, đây chỉ là bước đầu của họ Vương – để làm một cuộc đánh giá rốt ráo về 50 năm văn học xã hội chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là Vương Trí Nhàn đang làm cái công việc bôi bẩn, hạ bệ cái “taboo” cuối cùng những người còn trung thành với Đảng đang cố bảo vệ. Thế nên, Phan Thi Vàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn, dù trong lòng có quí trọng họ Vương cách mấy (chúng ta không quên chính Vương Trí Nhàn là người đã có công đưa Phan Thị Vang Anh lên đài danh vọng trong những ngày đầu cầm bút), hẳn cũng phải thi hành chỉ thị “cấp trên” vào cuộc. Và đây hẳn là một cuộc đọ sức sinh tử kéo dài.
Viễn Kiến

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP