Chúa luôn cứu xét cho kẻ biết sám hối

Sau sự kiện cuốn Dự Báo Phi Thời Tiết bị thu hồi, tôi nghĩ một trong những tác giả của tập thơ lên tiếng nói về nó là điều thật cần thiết. Trước kia, khi không có các diễn đàn để nói lên quan điểm cá nhân thì người ta đành im lặng, nhưng ngày nay thế hệ của chúng tôi đã may mắn sống trong thời đại thông tin, thời đại của ngón tay nhấp chuột, vì vậy tôi tin mọi tiếng nói đều được chào đón nếu nó chính đáng, và mọi thái độ đều được khuyến khích nếu nó thật sự nghiêm túc.

Nhân bài viết này, tôi và các tác giả trong tập Dự Báo Phi Thời Tiết cũng xin một lần nữa, chân thành cảm ơn hoạ sĩ Thuý Hằng (người làm face art cho chúng tôi), nhà nhiếp ảnh, nhà thơ Lê Quang Thành (chụp ảnh), nhà văn Nguyễn Viện (người phụ tá cho Thuý Hằng), và cuối cùng là hoạ sĩ kiêm nhà thơ trẻ Trịnh Cung, người đã góp phần rất lớn từ tinh thần, đến vật chất cho sự ra đời và… sự bạc mệnh của tập thơ. Và sau cùng là tất cả những độc giả vì lòng yêu quý văn chương mà đã luôn ủng hộ chúng tôi.

Theo như những gì mà ông Nguyễn Phan Hách (Giám đốc Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn), và ông Vương Trí Nhàn (Trưởng phòng Lý luận Phê bình của Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn) phát biểu trên báo chí trong mấy ngày qua, thì chúng tôi, những tác giả, và những độc giả nào có được trong tay tập thơ phi pháp (vì đã có lệnh chính thức thu nó hồi bằng văn bản) này do mua được từ vỉa hè sách lậu Hà Nội, đều có thể kết luận tập thơ Dự Báo Phi Thời Tiết đã được ra đời một cách ăn may, lén lút, hú hồn. Để tiện cho độc giả rõ hơn, tôi xin kể lại chút ít quá trình ra đời của tập thơ.

Sau nhiều tháng nỗ lực trong việc liên hệ, thuyết phục, và đi lại từ trong Nam đến ngoài Bắc của nhà thơ Trịnh Cung, thì tập thơ in chung của chúng tôi (Lynh Bacardi, Khương Hà, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân) cũng gặt hái được những dấu hiệu khả quan về ngày sẽ ra đời của nó. Những ai quan tâm đến thơ trẻ, cũng biết trước thông tin về số phận trắc trở của tập thơ này qua bài báo "Hiện tượng sex trong tác phẩm văn học" của ông Đông Dương đăng trên báo Phụ Nữ. Trong bài viết ấy có đoạn: “… Một tập thơ chung của các cô được dịch giả Dương Tường cổ vũ không tiếc lời, nhưng rất tiếc cho đến nay tập thơ này vẫn trôi nổi ở các nhà xuất bản trong Nam, ngoài Bắc khá lâu vì không được cấp giấy phép...” Và rồi, cuối cùng, chúng tôi cũng được nghe nhà thơ Trịnh Cung hồ hởi thông báo rằng: “Thành công rồi tụi em ơi, chỉ một tuần nữa thôi là có sách!”

Cho đến thời điểm ấy, tôi vẫn chưa tin rằng tập thơ sẽ được in nguyên vẹn theo đúng bản thảo nguyên thủy của nó. Tôi hoàn toàn có lý do để phải lo lắng, vì khi anh Trịnh Cung đưa tập bản thảo đến những nhà xuất bản trong Nam, thì đều bị từ chối, hoặc đề nghị cắt xén, biên tập không thương tiếc. Về phần thơ của tôi, Lynh Bacardi, thì một nhà xuất bản đã đề nghị thẳng với nhà thơ Trịnh Cung là: “Nên bỏ tác giả này ra”. Dĩ nhiên nhà thơ Trịnh Cung đã dứt khoát không đồng ý với đề nghị này, và lại tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm nhà xuất bản khác.

Thật bất ngờ thay, khi cầm tập Dự Báo Phi Thời Tiết trên tay, tôi không khỏi vui mừng, lẫn ngạc nhiên vì tất cả các tác giả đều không bị cắt xén, dù chỉ một chữ. Tôi vui mừng vì nỗi lo của mình đã được giải toả, đơn giản là tôi không muốn tập thơ ra đời một cách què quặt, trong tình thế chuyện đã rồi. Hơn nữa, tôi cho rằng đây là một dấu hiệu tốt cho những người viết trẻ. Nó sẽ giúp cho chúng tôi hi vọng rằng những người có quyền lực đang nắm giữ cánh cửa văn chương của Việt Nam đã mạnh dạn phân định rõ ràng giữa phạm trù văn chương và những phạm trù húy kỵ khác như xã hội, chính trị... Tôi còn vui mừng vì cuối cùng có thể nói được với anh em văn nghệ vỉa hè Sài Gòn rằng trong cơ chế văn nghệ trong luồng chính thống vẫn còn những con người có lòng và đối xử công bằng với những nỗ lực cách tân văn chương.

Tôi còn dự định, khi ra Hà Nội, sẽ nói với những người đồng lứa trong buổi ra mắt sách rằng“Chẳng có một thế lực nào cản trở cây bút của bạn, chẳng có ai đe doạ sự tự do sáng tác của bạn. Đừng tự sợ hãi, tự đe doạ mình, tự xếp bút mơ mộng chờ ngày Việt Nam thật sự có tự do trong văn nghệ thì mới viết.” Nhưng tôi chẳng có cơ hội đó, vì ngay khi vừa ra đến Hà Nội, tất cả chúng tôi đều được tin tập thơ đang có lệnh ngầm tạm ngưng phát hành, và việc họp báo, hay giao lưu với sinh viên trường Nguyễn Du đều phải hủy bỏ.

Đó là một quyết định khiến tôi hoang mang và thất vọng. Không phải vì tôi quá trông mong vào sự thành công của tập thơ, cũng không phải tôi buồn bã vì con đường phía trước đột nhiên bị chặn lại, mà tôi thấy buồn cười cho mình, bởi đã có những suy nghĩ lạc quan và hi vọng một cách thật hồn nhiên ngây thơ. Chúng tôi biến mục đích ra Hà Nội để ra mắt tập thơ thành những buổi tha thẩn vô tích sự trên các con đường ở Hà Nội trong suốt mấy ngày đầu năm, mỗi người một tâm trạng. Lúc đó tôi có cảm giác chúng tôi là những con thú nho nhỏ xinh xinh, mà khi nào người ta thích nựng thì gọi lại, còn không thì thả hoang không thương tiếc. Có phải đó là cái cách mà hệ thống văn nghệ chính thống đối đãi với những người làm nghệ thuật trẻ không? Và nếu chúng tôi nghe lời anh em trong Sài Gòn đem in photocopy thì tình trạng có đáng chán như vậy không? Và đó có phải trường hợp họ đã đẩy chúng tôi đến việc phạm pháp khi đành phải in và phổ biến tác phẩm bằng hình thức photocopy không?

Cho đến khi có bản tin trên báo Người Lao Động về việc chính thức đình chỉ xuất bản và thu hồi tác phẩm, và bài “NXB Hội Nhà Văn nhận sai về tập thơ gây phản cảm”, thì chúng tôi hoàn toàn thất vọng. Nhưng tất cả sẽ chẳng có gì đáng nói, bởi nếu mọi người bình tĩnh nhận biết về cơ chế độc quyền in ấn, phát hành, và một thứ quyền lực đen trong văn nghệ ở nước ta, thì trường hợp này là chuyện thường ngày ở huyện.

Điều khiến cho những người trẻ chúng tôi nhức nhối, khinh bỉ, là thái độ trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau một cách vụng về, hèn nhát của những người chịu trách nhiệm xuất bản tập thơ. Ông Nguyễn Phan Hách đổ thừa cho ông Vương Trí Nhàn, rằng ông nghĩ ông Nhàn đã đọc kỹ rồi thì ông chẳng phải mất thời gian đọc thêm làm gì. Nhưng bây giờ, khi đọc bài phòng vấn của ông Nhàn, chắc ông Hách rất bàng hoàng, vì ông Nhàn cũng nói rằng ông ta cũng chưa đọc kỹ, mặc dù chữ ký của ông Nhàn rành rành trên từng trang bản thảo. Điều này chứng tỏ ông Nhàn và ông Hách cùng quá bận rộn như nhau, quá bận những việc khác, đến độ quên mất cái ghế họ đang ngồi ăn lương của nhân dân để làm thứ công việc gì.

Chúng ta thử đọc hai đoạn phỏng vấn trong bài “NXB Hội Nhà Văn nhận sai về tập thơ gây phản cảm” của nhà báo Từ Nữ Triệu Vương sau đây sẽ thấy quan điểm khác nhau của hai ông Nguyễn Phan Hách và Vương Trí Nhàn về vấn đề “tục tĩu” của thơ tôi nói riêng, và “tập thơ kích dục, khuyến khích dâm ô” nói chung.

 

1/ Nguyễn Phan Hách:

Đúng vậy, chỉ cần bỏ dăm lỗi thôi là tập thơ hoàn chỉnh.Thêm nữa là lỗi bên CTVH&TT Nhã Nam, không mang trình duyệt bìa tập sách và những tấm ảnh của các tác giả trên bìa sách tạo sự phản cảm, thơ Lynh Bacardi cũng có phần tục tĩu.

 

2/ Vương Trí Nhàn:

Thật ra khi tôi đọc thơ của 5 tác giả nữ này, tôi không thấy yếu tố khiêu dâm ở đây như ai đó nói. Nếu như bảo thơ Lynh Bacardi là tục tĩu thì không phải, chỉ có thể nói thơ của Lynh Bacardi dùng yếu tố tính dục nói lên ẩn ức, chứ không có mục đích là khiêu dâm. Bản thân thơ của cô ta chỉ “có lỗi” ở ngôn ngữ, tôi đọc tập thơ này không hề thấy khiêu dâm. Nếu gọi là “không thuần phong mỹ tục” thì không đến nỗi vậy, làm sao một cuốn thơ có thể gây tác hại xấu như các trang Sex trên mạng, các vũ trường, các chương trình game... nó không đến mức phải thu hồi.

 

Trong hai nhận định khác biệt trên sẽ phải có một nhận định đúng, hoặc cả hai đều sai. Tôi thất vọng vì sự kém hiểu biết, kém năng lực trí tuệ, kém kiên nhẫn, kém lương thiện của ông giám đốc NXB HNV Nguyễn Phan Hách. Ông thậm chí không thể phân biệt được sự khác nhau giữa khái niệm "tục tĩu" và việc dùng (ngôn ngữ mang) yếu tố tính dục.

Sau khi bị phóng viên chất vấn là tập thơ có những lỗi gì, ông Hách lại vội vàng nói rằng ông đã gọi điện xuống Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam (CTVH và TTNN) để yêu cầu thu hồi, vì lý do tập thơ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, và đang bị dư luận lên tiếng phản đối. Hay như ông Nhàn nói đó là tập thơ sẽ hoàn hảo nếu như không có những “lỗi ngôn ngữ”.

Tôi tự hỏi, ông Hách đã từng nói rằng mình đã đọc không kỹ, thì không biết ông có đọc lại cho kỹ không khi mà vội vàng gọi điện xuống CTVH và TTNN ra lệnh cho thu hồi sách. Và chính xác là những từ ngữ nào là không hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, bị dư luận phản đối. Ông Hách có dám nói với mọi người rằng, chữ bầu vú, âm hộ, tinh trùng là những chữ không có trong từ điển Việt Nam, hoặc là những chữ ấy chỉ được dùng trong những phạm trù khác, mà không được dùng trong phạm trù văn chương không? Ông Hách có thể thay cho tôi chữ bầu vú, tinh trùng, âm hộ bằng chữ nào khác mà đồng nghĩa với chúng không? Tôi lại nghĩ rằng, tốt nhất người ta nên làm ra những cuốn từ điển phân loại ngôn ngữ, và người làm luật cũng nên hợp tác để cho ra đời luôn những bộ luật dành cho kẻ vi phạm “lỗi ngôn ngữ” đó. Tôi tin lúc đó mình sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn lựa ngôn từ để làm thơ mà không phạm luật.

Tôi tự hỏi, trong mệnh đề “bị dư luận phản đối” mà ông Hách đã tuyên bố, thì chính xác dư luận là ai? Tập thơ chỉ ra đời được hơn một tuần, in 1000 cuốn, lưu hành ngoài Bắc chỉ mới 500 cuốn, mà chưa biết có mấy cuốn đến tay người đọc. 500 cuốn còn lại cho đến khi đưa đến được nhà sách Fahasa trong Nam, thì ngay chiều hôm sau đã bị thu hồi, vậy có được mấy ai đã đọc tập thơ để trở thành dư luận nói về nó? Điều này tiết lộ rằng ông Hách lại chỉ dối trá, bịa đặt, rồi vịn vai cái gọi là dư luận để bảo vệ quan điểm, quyết định của một cá nhân hay một nhóm người nào đó.

Và mặc dù trên kia ông Vương Trí Nhàn nói mình không đọc kỹ, nhưng khi được phóng viên hỏi, ông lại xua tay nói mình quên hết rồi, “ông Hách nói sao thì tôi nói vậy”, rồi ngay lập tức ông lại tỏ ra rằng mình cũng có chút nhận xét, bằng cách nói: "thơ của Lynh Bacardi thật ra không là tục tĩu, mà tác giả chỉ dùng ngôn ngữ tục để nói lên ẩn ức chứ không có mục đích khiêu dâm." Vậy tôi xin tiếp lời giúp ông Nhàn luôn, là cái ẩn ức đó thực ra chẳng có gì bí ẩn, mà chính xác là cái nhìn của Lynh Bacardi về thực tại của xã hội hôm nay.

Sau cùng, cơ quan quản lý nhận định là bìa của tập thơ là biểu tượng của chiếc linga. Tôi nghĩ điều này cũng dễ hiểu, bởi có những con người thường liên tưởng, hay tưởng tượng đến những thứ mà họ bị ám ảnh thường trực. Mà tại sao lại phải gọi “nó” bằng một cách văn hoa dỏm, ngoại lai, mang nặng tinh thần nhược tiểu, là "linga" nhỉ? Tiếng Việt trong sáng và giàu mạnh của chúng ta có những từ như “con …” và “cái…” vô cùng hoành tráng cơ mà?

Tôi không biết những người trẻ khác nghĩ sao về sự kiện này, hay họ cũng lắc lắc đầu nói rằng: “Ờ thì, cái xứ này nó vậy!”, rồi thôi, xem như họ đã hiểu và chia sẻ lắm rồi. Nhưng những người như ông Hách và ông Nhàn, thì luôn là những người khôn ngoan thức thời, luôn biết cúi đầu sám hối trước Chúa trong những trường hợp nguy kíp.

Riêng tôi, Lynh Bacardi, thì việc tập thơ bị thu hồi, việc người ta xác nhận đã để lọt tôi vào trong tập thơ là một sai lầm nếu không tập thơ sẽ rất hoàn hảo, và việc tôi bị lên án là vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, thì càng làm cho tôi thêm nhiều ấn tượng về một lần xuất hiện. Và sự kiện này càng giúp tôi có cái nhìn thực tế hơn về xã hội hôm nay, về cái cơ chế văn nghệ không dành cho những người trẻ, những người muốn được nói bằng tiếng nói của chính mình một cách thẳng thắn và công khai.

 

SG, 01- 2006

 

 

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP