Tranh luận nhiều chiều về "dân tộc Việt" của Vương Trí Nhàn

15:41' 25/10/2007 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trao đổi về những quan điểm của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, có ý kiến cho rằng đây là những lời nhận xét hết sức thành thực và mang lại giá trị thực tiễn lớn đối với xã hội chúng ta. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến không đồng tình, họ cho rằng hiện tượng tự phát trong xã hội là có thật nhưng không thể căn cứ vào một số vụ việc cụ thể để đưa ra kết luận về bản chất của dân tộc như vậy được. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải những tranh luận nhiều chiều của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

 

Hội nhập giúp chúng ta nhìn rõ hơn

d
Trong khi nhiều thanh niên ham chơi, tham gia vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng... Ảnh minh họa (laodong.com.vn)

Đọc bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, tôi thấy có sự liên hệ với một số suy nghĩ trong "Oxford thương yêu". Thử nghĩ xem, chúng ta đã tự nịnh bợ mình quá nhiều. Có những người vuốt ve mình nhưng lại lấy cớ rằng đó là sự tự hào đáng có, ngồi một chỗ nhưng lại có thể biết được mọi việc trên đời. Gia Cát Lượng sống ẩn mình nhưng vẫn có tư tưởng lớn và giúp đời. Chúng ta học tập cổ nhân nhưng tôi tin rằng bây giờ không thể có người như thế nữa. Phải đi nhiều, va chạm nhiều chúng ta mới mong lớn lên được. Bùi Thanh Thủy, Xuân Thủy, Hà Nội, email: buithanhthuyftu@...


Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã phần nào chỉ ra cho chúng ta thấy đặc tính thật sự của dân tộc Việt là như thế nào. Đây là những lời nhận xét hết sức thành thực và mang giá trị thực tiễn rất lớn đối với xã hội chúng ta trong thời đại toàn cầu hóa diễn ra hết sức nhanh chóng. Bấy lâu nay, chúng ta hay tự ngợi khen bản thân mình, khi người nước ngoài có chút khen ngợi xã giao với chúng ta là lập tức trích dẫn sôi nổi, còn đối mặt với sự chỉ trích hay phê phán là lập tức chúng ta không quan tâm tới. Liệu cách hành xử như vậy có làm cho chúng ta tiến bộ lên không, hay lại nuôi dưỡng tâm lý thỏa mãn, không chịu phấn đấu. Bởi vậy, nhìn thẳng vào sự thật để tự biết mình là ai, ở vị trí nào trên thế giới là điều quan trọng, nếu thật sự biết mình, biết người, biết điểm mạnh để phát huy, biết điểm yếu để khắc phục thì mới là cách hay để chúng ta tiến bộ.  Thế Tiệm, Hà Nội, email: muadongbaodaytro@...

Một cách nhìn mới nhân cách người Việt
Tôi khá thích thú bài viết này và cách phân tích của ông Vương Trí Nhàn. Ông đã trao cho độc giả một cách nhìn nhận một khía cạnh thêm và mới về tính cách người Việt. Tuy nhiên, tính cách này không phải là một đặc tính duy nhất, kém cỏi của người Việt. Hơn thế nữa, chính tính cách này đã tạo nên một huyền thoại kỳ tích về dân tộc Việt, luôn tồn tại, mềm dẻo như một cây tre và phát triển phù hợp với môi trường quốc tế, để phát triển và chấn hưng dân tộc Việt. Tôi hoan nghênh cách phân tích của ông Vương Trí Nhàn. Trần Việt Phương, Hàn Quốc, email: luuhocsinhhanquoc@...

Bài viết của bác Nhàn tuyệt vời. Được đi ra những nước phát triển học tập, tôi ngẫm thấy rất đúng. Tôi xin lấy ví dụ về vấn đề du học sinh VN ở Tây Âu, chỉ có một số ít du học sinh VN là học tốt, ở mức theo được, còn học giỏi hoặc xuất sắc thì rất hiếm, nhưng khi có một người như vậy thì báo chí rùm beng và khen rằng người việt ta giỏi giang. Vì sao vậy, có lẽ những ý kiến của bác Nhàn về người Việt rất đúng: Sinh viên chúng ta chăm học, nhưng hiệu quả học không cao (học chưa tập trung, có thể ngồi nhiều hơn học...) nhưng nguyên nhân chính tôi nghĩ vẫn là vấn đề về văn hóa của người Việt ta mà bác Nhàn đã đề cập trong bài viết này. Cao Nhàn, London, email: cao_nhan80@...

Cám ơn ông Vương Trí Nhàn đã đã chỉ đúng được bản chất về cách hành xử của con người Việt nói chung và của xã hội ta hiện nay riêng. Tôi đã nhiều lần thử tìm nguyên nhân sâu xa của những những hiện tượng xã hội mà mình chứng kiến nhưng vẫn không thoả mãn với những gì mình tìm được. Đúng như từ mà ông dùng "Dân tộc Việt là khối tự phát khổng lồ" mà hệ quả của nó là sự hời hợt, nửa vời trong cách hành xử của mỗi con người và cả ở việc hoạch định kế hoạh ở tầm vĩ mô. Nguyễn Đức Toàn, Đống Đa, Đà Nẵng, email: ndtoan@...

Tôi rất đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn. Người Việt mình sống khá "tự do", theo kiểu, làm việc gì cũng (cảm thấy) làm theo kiểu này đúng thì làm, kiểu kia không đúng thì không làm, và (cảm thấy) tốt cho mình nhất thì làm. Chưa thực sự làm việc theo các nguyên tắc, quy luật và xem xét các ảnh hưởng của nó đến cộng đồng cũng như tương lai con em mình. Tôi đang học tập tại Hàn Quốc và thấy rằng con người ở đây sống rất tự giác và kỷ luật, làm việc gì cũng rất cẩn thận, sạch sẽ, có nguyên tắc và không làm ảnh hưởng đến môi trường sống và cộng đồng xung quanh. Người ta làm việc ngoài phục vụ đời sống của mình còn nghĩ cho thế hệ tương lai, nghĩa là tạo các điều kiện, cơ sở tốt cho thế hệ sau này phát triển. Chính vì vậy, đất nước mới có thể phát triển đi lên và bền vững được. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam mình nên dạy dỗ thật cẩn thận lớp trẻ ngay từ bây giờ, đặc biệt là lớp mầm non về sự kỷ luật, nguyên tắc sống và làm việc. Nguyễn Thị Minh Hiền, Nghệ An, email: lipstickvn@...

Cần phải có những giải pháp pháp cụ thể hữu hiệu
Tôi rất vui mừng và đồng tình với những nhận định và dẫn chứng của nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn ở trên. Xét theo chiều dài lịch sử và trên bình diện chung, nhận định của ông về sự duy tình và sự tự phát của dân tộc Việt Nam là rất chính xác. Ở những bàn luận khác về người Việt Nam, tôi đã bắt gặp những bàn luận về sự tư duy thiếu hệ thống, tạm bợ, định tính thay vì định lượng của người Việt Nam. Nguyên nhân nêu ra cũng là vì người Việt Nam đã trải qua nhiều chiến tranh đói khổ triền miên.

 

Ở đây, ông Vương Trí Nhàn đã nêu thêm một nguyên nhân khác sâu xa hơn mà tôi cũng đã chiêm nghiệm từ lâu: “sự ưu ái của tự nhiên dẫn đến sự lười nhác trong tiến hóa”. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta đổ tại trời; nó chỉ như một yếu tố “ru ngủ” mà đối với người tỉnh táo, hay muốn tỉnh táo sẽ không được ngủ quên. Tôi nhất trí như vậy. Tuy nhiên, thế giới đang trở nên phẳng, mỗi con người trên thế giới dần trở nên như thành viên trong một ngôi làng trái đất vì tốc độ của thông tin, giao thông và giao lưu về mọi mặt.

 

Trong bối cảnh này, chúng ta, người Việt Nam, muốn rút ngắn khoảng cách và hòa nhập với sự tiến bộ của thế giới, tôi nghĩ cần phải có những giải pháp mang tính hệ thống, chiến lược lâu dài. Tuy là những giải pháp chiến lược lâu dài nhưng lại phải những hành động cụ thể kịp thời.

 
Nói một cách cụ thể hơn, nếu những nhà nghiên cứu văn hóa, những nhà xã hội học, những nhà tâm lý học, những nhà tình dục học lập ra được những diễn đàn thảo luận, những hoạt động giao lưu thường kỳ để có thể cuối cùng đi vào đời sống người dân hàng ngày, thì cả những điều tốt hay điều xấu đều không như những cơn gió thoảng qua, mà ngược lại, chúng sẽ là những bài học quý giá để chúng ta tiếp tục tiến bộ.

 

Điều tôi muốn nói ở đây không phải chỉ là những công trình nghiên cứu mà là những việc làm tương tác trực tiếp đến đông đảo quần chúng, vì những yếu tố văn hóa vẫn tác động đến người dân hàng ngày. Bằng những việc làm ấy, chúng ta sẽ thoát ra được vòng luẩn quẩn của tính tự phát, tạm bợ và tư duy không có hệ thống.


Mặc dù khoa học xã hội vốn rất khó định lượng, nhưng tôi hy vọng những người tâm huyết với sự phát triển của dân tộc như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đây sẽ tìm ra được những giải pháp hữu hiệu. Duy Cầu, Hàn Quốc, email: chinhdanh@...
 

a
...thì vẫn còn nhiều thanh niên khác biết làm những việc có ích. Ảnh: hatay.gov.vn

Tôi không tán đồng quan điểm về đặc điểm dân tộc

Nhìn chung, tôi không tán đồng với những ý kiến của ông Nhàn về đặc điểm của dân tộc Việt Nam, đặc biệt cho rằng đặc trưng của người Việt là tính tự phát (khối tự phát). So sánh là cần thiết, nhưng luôn luôn khập khiễng. Cả thế gới này chỉ có mấy nền văn minh cổ. Chúng ta không nằm trong số đó, nhưng từ đó cho rằng chúng ta là thua kém liệu có đúng chăng? Phải xuất phát từ rất nhiều phía, nhiều sự kiện trong đời sống lịch sự mới rút ra được đặc tính của một dân tộc; không chỉ có mặt tốt đẹp mà có cả mặt hạn chế, thậm chí là xấu (cũng là so sánh tương đối với một số dân tộc khác một cách phiến diện thôi). Email: vulongv@hn.vnn.vn

 

Tôi không tán thành nhận định của ông Nhàn khi ông đánh giá: "Dân tộc Việt là khối tự phát khổng lồ". Hiện tượng tự phát trong xã hội là có thật nhưng không thể căn cứ vào một số vụ việc cụ thể để đưa ra kết luận về bản chất của dân tộc như vậy được. Bởi nếu coi đó là bản chất của dân tộc ta thì phải giải thích sao đây về khối đoàn kết dân tộc đã làm nên những chiến công chống ngoại xâm vĩ đại trong hàng nghìn năm tồn tại của dân tộc ta. Bác Hồ đã từng nói rằng dân tộc ta có một lòng yêu nước nồng nàn, mỗi khi có giặc ngoại xâm và đất nước lâm nguy thì lòng yêu nước đó kết thành một khối với sức mạnh to lớn, cuốn phăng hết bọn bán nước và bọn cướp nước. Chúng ta có quyền tự hào với truyền thống quý báu đó. Vấn đề là làm sao để duy trì và phát huy truyền thống đó chứ không phải nhìn vào một vài sự việc cụ thể trong xã hội hiện nay để phủ nhận bản chất yêu nước và đoàn kết của dân tộc. Tôi cũng không cho rằng việc dùng “chữ quốc ngữ càng làm cho chúng ta cẩu thả trong nói và viết. Nếp tư duy hời hợt lan rộng”. Liệu ông Nhàn có thể chứng minh rằng nếu dùng chữ nôm thì ta sẽ cẩn thận hơn trong nói và viết và tư duy sẽ sâu sắc hơn không? Tôi tin chắc là ông không thể. Là một nhà nghiên cứu về văn hoá, ông Nhàn có những ý kiến thoáng về vấn đề này nhưng thoáng đến mức đưa ra những nhận định và khẳng định như trên tôi e rằng quá vội vã, thiếu tính khách quan và không có cở sở khoa học. Hoài Phương, Hà Nội, email: hphuong128@...
 

Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Vương Trí Nhàn. Tôi cũng chỉ nêu một vài vấn đề mà ông Vương cho là “đơn giản” nhất. Ví dụ về đạo Phật ở Việt Nam. Việc ông Vương cho rằng "Với đạo Phật, chúng ta hiểu biết lơ mơ. Về tất cả các lý thuyết, hầu như không nghiên cứu gì cả, chỉ toàn là truyền miệng với nhau, trong tu thì chỉ "thiền", "ngộ", tức là ngồi để tự nhiên nghĩ ra cái gì đấy. Tôi nghĩ lối sống này làm nghèo chúng ta đi, từ sự trống vắng, kết quả thu được cũng chẳng gì hơn cũng là trống vắng" chỉ đơn giản là cách nghĩ và khả năng nghĩ của riêng ông Vương Trí Nhàn. Trên thực tế hoàn toàn khác như vậy.

 

Phật Giáo đã có một quá trình du nhập và phát triển trong mối tương quan tương đồng với văn hoá Việt, tạo nên một nội dung mới với đậm đà bản sắc Việt. Ngay cả Thiền trong Phật Giáo Việt Nam cũng vậy. Vì thế, Tuệ Trung Thượng Sĩ là một ví dụ. Truyền thống Việt còn thể hiện đậm nét ngay trong những tôn giáo khác, tạo nét đặc thù như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo ở Việt Nam.

 

Ví dụ thứ hai là việc ông Vương cho rằng "Dân tộc Việt là một khối tự phát khổng lồ" và "nuôi ảo tưởng". Chúng tôi thầm nghĩ, liệu ông Vương đã dụng tâm nghiên cứu kỹ lưỡng chưa khi phát biểu nhận định này? "Tự phát" và "ảo tưởng" thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng các cỗ máy chiến tranh khổng lồ, có kỹ luật chặt chẽ, không phải một lần mà nhiều lần, từ thời Trần chiến thắng quân Nguyên cho đến thời đại Hồ Chí Minh? "Tự phát" và "ảo tưởng" thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng được sức mạnh của thiên nhiên với không biết bao nhiêu thiên tai, bão lũ... để bảo tồn và phát triển dân tộc, đất nước. Vài lời thô mộc của một kẻ thường, xin được góp ý để trước là tôn vinh các giá trị truyền thống ngàn năm văn hiến, sau là xoá dần những hủ lậu của ngày xưa. Kính mong mọi người cùng góp ý. Nguyễn Văn Tư, Cà Mau.

 Tôi không đồng tình với ông Vương!


 Tôi không đồng tình nhiều vấn đề về ý kiến của ông Vương Trí Nhàn. Tôi biết, ông đang khởi xướng bàn về thói hư, tật xấu của người Việt, một hướng "nghiên cứu" giống như kiểu "Người Trung hoa xấu xí". Chuyện này còn dài lắm, và một mình ông Vương không thể làm xuể, vì ông chỉ nhìn dân tộc qua góc nhìn "Văn hoá", ông “Soi rọi các hiện tượng xã hội dưới ánh sáng văn hóa”. Thiết nghĩ, góc nhìn một nhà văn, một nhà văn hoá chưa đủ sức, chưa đủ tầm để đánh giá cả một dân tộc như dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, ông Vương chỉ sống (và đại diện) một lớp người, một thế hệ, một thời đại. Liệu có quá sức để đánh giá đân tộc Việt không? "Người Việt duy tình, cạn nghĩ, ăn xổi" Bài TL Phỏng vấn của ông nhân sự kiện NKVA. Với một con người cụ thể, một việc làm cụ thể, làm sao quy nạp như toán học để nói cả một dân tộc được?

Muốn quy nạp, phải giả sử người thứ n là “duy tình, cạn nghĩ, ăn xổi”, người thứ n+1 cũng “duy tình, cạn nghĩ, ăn xổi”. Tôi chỉ cần đưa ra một phản ví dụ “cạn nghĩ” cho các bạn tham khảo: Người Việt có cạn nghĩ ư? Trong hành trình phát triển mấy ngàn năm, người Việt tiến về phương Nam, mở mang bờ cõi. Dân tộc này cạn nghĩ chăng? Vì sao họ không phát triển về Phương Bắc, không phát triển ra biển, không phát triển về phía Tây? Hơn nữa, dân tộc này “cạn nghĩ” thì đã bị “Bắc hoá” từ lâu lắm rồi!

“Dân tộc Việt là một khối tự phát khổng lồ” Ông Vương nói: - Còn tôi, sau một giai đoạn nghiên cứu về văn hoá và tính cách Việt, tôi mạnh dạn sử dụng hình ảnh “một khối tự phát khổng lồ". Phải chăng ông đã dẫn chứng theo nghĩa “khối tự phát” là đặc tính xấu, xấu đến “khổng lồ” của người Việt? Ông cho rằng người Việt “chủ yếu là đi thừa hưởng các kết quả nghiên cứu từ các dân tộc khác”, Ông có biết rằng dân tộc Việt có mấy khi được hoà bình để nghiên cứu cho thấu đáo? Liệu Ông có biết chiến tranh “đốt cháy” hết nghiên cứu không? Ông có biết dân tộc này sống trên một dải đất đầy rẫy thiên tai không?

Chắc ông Vương sẽ hình dung được kết quả “nghiên cứu” một năm của người dân chỉ qua một trận lũ thì trôi sông, trôi biển hết. Chiến tranh đi qua cũng như một cơn lũ, chỉ khác là sức tàn phá khủng khiếp đến hàng trăm năm, đến hàng mấy thế hệ mà chưa ngóc đầu lên được.

“Tự phát” là một đặc tính của con người. Tự phát có cả chiều hướng tốt lẫn xấu. Càng có nhiều sự tự phát hướng tốt thì con người, dân tộc mới phát triển. Sự tự phát cùng nhìn về một hướng sẽ tạo một hợp lực lớn hút dân tộc về phía đó.

Một vĩ nhân, một anh hùng có khả năng tập hợp, vận dụng sự tự phát để nhân lên sức mạnh tự phát thành tự giác. Vậy mới làm nên lịch sử Việt Nam như Bà Trưng, Bà Triệu, Điện Biên Phủ…

Tôi nghĩ, quan niệm “tự phát khổng lồ” cộng với sự “duy tình” của ông dễ làm cho người ta lầm tưởng: người Việt là người làm không biết suy nghĩ, không có lý trí, dựa theo bản năng là chính. Tôi nghĩ, cần có cách nhìn, cách nghĩ thận trọng hơn, đặc biệt là khi nói về đặc tính dân tộc Việt.

"Nuôi dưỡng ảo tưởng"? Ông nói: “Không cần có kinh nghiệm nhiều thì người ta cũng có thể biết chiến tranh là tình trạng ăn xổi, ở thì, lúc đó, trong khi sống với những mơ tưởng xa vời, thực tế là người ta lại chả biết rõ ràng ngày mai của mình như thế nào”. Vậy thì ông Vương đã phản bội lại cái nghề, cái nghiệp “văn chương” của ông rồi. Nếu không biết mơ mộng, không biết tưởng tượng thì không có văn chương, thi phú và không có ngày mai.

Trong chiến tranh, không có niềm tin, lý tưởng (cho dù là ảo tưởng?) thì không thể có chiến thắng, dân tộc Việt không thể trường tồn. Ông biết không, chính nền văn học/khoa học viễn tưởng ít nhiều đặt nền móng cho hiện thực phát triển ngày nay. Nói đi đâu xa, chính Nhật ký  Đặng Thuỳ Trâm (mà ông là người có được tiếng thơm lây), cũng đã phản biện kết luận trên của ông Vương rồi.

Thật tình mà nói, chúng tôi là lớp trẻ không kinh qua chiến tranh, đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm , trong thời bình, chúng tôi vẫn thấy mình trong suy nghĩ, hình ảnh, hành động (rất nhân văn) của chị Trâm, cho dù không phải hoàn toàn rập khuôn máy móc.

Tôi có cảm giác ông Vương đã đi quá xa. Ông đã bị thực tế trần trụi tác động để có những nhận xét thái quá. Không thể nói người Việt "Nuôi dưỡng ảo tưởng" bằng một ví dụ chiến tranh “người ta lại chả biết rõ ràng ngày mai của mình như thế nào”.

Chiến tranh, con người biết rõ cái chết cận kề, nhưng vẫn hy vọng được sống, hy vọng được hoà bình. Hàng triệu hy vọng lớn lao đó không thể nói là “nuôi dưỡng ảo tưởng” mà đã làm nên một dân tộc Việt can trường, không chịu cúi đầu nô lệ.

Cuối cùng, Ông Vương kết luận: “…tức là câu chuyện mà chúng ta nói từ đầu đến giờ, cũng là hiện tượng thường thấy ở các xã hội hậu chiến.” Vậy VN đang thời kỳ hậu chiến chứ không phải hoà bình ư? cần phải tách biệt rõ “hậu chiến” và “thời bình”. Không nên nhầm lẫn hai vấn đề.

Riêng tôi, tôi cho rằng người Việt đang sống thời hoà bình đúng nghĩa, chứ không phải hậu chiến. Có chăng, các nhà văn, các nhà văn hoá (kiểu như ông Vương ) đang hậu chiến, thậm chí "gây chiến" để tìm ra cái mới gây sốc để tạo dấu ấn cho sự nghiệp của mình (mà chưa chắc có ích cho cả dân tộc Việt)!

Tôi không chắc bài viết này sẽ được đăng. Những tôi vô cùng cảm ơn diễn đàn này của VietNamnet đã đem đến cho tôi nhiều tri thức mới. 

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP