Vương Trí Nhàn - "mèo hoang" giữa làng văn



Nhà phê bình Vương Trí Nhàn.
Tên là "Trí Nhàn" nhưng ông lại chọn một cái nghề chẳng nhàn trí: phê bình văn học. Ông có văn phong và cách đặt vấn đề thẳng thắn, công tâm và mới mẻ. Ông vừa cho ra mắt tập chân dung văn học "Cây bút - đời người". Dưới đây là tâm sự của ông.

- Điều gì khiến ông viết cuốn chân dung văn học này?

- May mắn trong nghề làm phê bình của tôi là luôn được sống và làm việc gần các nhà văn, nhà thơ, đủ để bị thôi thúc bởi ý nghĩ: bên cạnh các bài thơ, cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo khác, đấy chính là tính cách của họ. Người đời đôi khi thành kiến, đám người viết văn chẳng qua chỉ là một bọn dông dài. Trong khi, một số đồng nghiệp của tôi (nhất là các nhà giáo) lại có xu hướng lý tưởng hoá những người viết, xem cây viết nào cũng tâm huyết đầy mình. Phần tôi, tôi nghĩ, ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương cũng có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, có thánh thần lẫn ma quỷ. Và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý. Rồi điều quan trọng hơn, mỗi con người có một tư cách, một số phận. Không phải chỉ những tài năng lớn mới có một cuộc đời thú vị, những nhà văn tạm gọi là bình thường cũng có cách phấn đấu riêng, những bi kịch riêng. Những cuộc làm người của họ trong văn chương cũng rất đáng ghi chép lại...

- Ông tự đánh giá về tác phẩm của mình như thế nào?


- Sách của tôi có lẽ không phải là thứ sách phê bình để dùng trong nhà trường, không thể là một thứ văn mẫu để học sinh có thể dùng vào thi đại học. Nó như là thứ thuốc cần để xa tầm tay trẻ em. Bạn đọc lý tưởng của tôi là những người không bằng lòng với cuộc sống, muốn cắt nghĩa một phần cuộc sống thông qua việc tìm hiểu thế giới văn nghệ sĩ. Trong đó, có thể có cả thuốc bổ lẫn thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là đã có một gáo nước lạnh bị giội lên bất kỳ ai ở đây. Tôi đã chân thực với những điều mình thấy, nhưng không vì thế mà dám nghĩ rằng, tôi chắc chắn đúng và chỉ có mỗi mình đúng. Có một câu của Ehrenburg mà tôi thấy tâm đắc: "Trí nhớ người ta giống như ánh đèn pha của một chiếc xe đang đi trong đêm, khi thì nó cho thấy hình ảnh một gốc cây, khi thì một trạm gác, khi thì lại là một con người".

- Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng ông là một người không thật sự cởi mở và quảng giao?

- Tôi đã và có thể vẫn đang còn là người sống hơi đơn độc như một thứ chầu rìa, một thứ mèo hoang giữa làng văn... Để yêu nhau, theo tôi, đôi khi nên đứng tách ra một chút để tưởng tượng và suy ngẫm về nhau.
(Theo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP