CẦN CÓ MỘT CÁCH NHÌN KHÁCH QUAN VÀ THÁI ĐỘ ĐÚNG MỰC

(Gửi phụ huynh Vương Trí Nhàn nhân đọc Văn nghệ trẻ số 34-24/8/2008)
NGYỄN THỊ HƯƠNG
Giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Cầm Bá Thước , Thường Xuân- Thanh Hóa

Thưa phụ huynh Vương Trí Nhàn!
Tôi là một giáo viên giảng dạy Ngữ Văn ở trường THPT thuộc vùng núi phía Tây của Thanh Hóa. Mặc dù còn trẻ vốn tri thức văn hóa khoa học chưa nhiều.Nhưng với tư cách là một giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, lại mong muốn được học hỏi để tìm ra phương pháp giảng dạy tốt nhất cho bộ môn không hề đơn giản này, tôi cũng như các bạn đồng nghiệp của tôi không thể không bất bình trước những phát ngôn thiếu thận trọng cuả ông trên báo chí, khi chính ông lấy tư cách là một phụ huynh có con đang theo học trong nhà trường phổ thông.

Tôi từng biết ông là người thích nói về “những thói hư tật xấu của người Việt ”trên báo bằng cách cắt xén những câu nói của người khác để làm đề tài luận bàn với những khái quát vô cùng đao to búa lớn : dân tộc Việt : “ duy tình -cạn nghĩ –ăn xổi”, “khối tự phát khổng lồ”, “giả dối, vụ lợi, sống thiếu trách nhiệm, không nhận thức được mình”…Ông tự hào chỉ mình ông là người làm việc này và tôi không tin rằng ông là nhà nghiên cứu văn hóa đích thực.

Và bây giờ ông quay sang “nói xấu” môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Ông “chửi”từ giáo viên đứng lớp, nhà soạn sách, nhà hoạch định chương trình đến cả lãnh đạo trên Sở trên Bộ …Đặc biệt ông khẳng định một câu “xanh rờn”: “các thế hệ trẻ ngày nay ngán văn đến tận cổ và thường là chúng thề không đi theo ngành văn. Đó chính là lỗi của việc dạy văn ở phổ thông, cái lỗi to lớn trước tương lai của văn học nước nhà”. Sở dĩ tôi nói vậy là bởi những phát ngôn của ông không hề có một chút tính xây dựng nào mà chẳng qua chỉ là những lời “chửi đổng” không hơn không kém- một kiểu hạ người khác xuống để nâng mình lên. Cách nhận xét, cách phê phán của ông không hề có cơ sở khoa học –mặc dù ông là nhà phê bình, nhà văn. Cơ sở để ông đưa ra mọi nhận định là xuất phát từ việc học văn cuả con ông ; cơ sở lập luận là những phán đoán, nhận định chủ quan mâu thuẫn không hề có những luận chứng xác thực nào. Cộng với lối tư duy phiến diện, áp đặt: chỉ nhìn một vài hiện tượng là quy chụp cho nó là cái phổ biến, cái khái quát …

Trước hết tôi cũng nghĩ rằng thực trạng môn ngữ văn ở trường phổ thông ngày nay rất đáng lo ngại đó là tình trạng học sinh thiếu mặn mà với môn văn. Song nguyên nhân không phải vì “nó hoàn toàn mất đi cái hào quang, sự lôi cuốn” mà ông tìm thấy hồi trẻ. Điều ông tìm thấy hồi trẻ chắc hẳn là những giờ thầy giảng say sưa như lên đồng nhập cốt, như rót mật vào tai…và nghe xong học sinh chẳng còn nhớ tý gì ngoài cảm giác thấy hay hay. Như vậy là vô hình chung ông ca ngợi lối học của thời ông, sách giáo khoa thời ông …mà tôi cũng được biết đó là những năm 50, 60 khi mà cái lối dạy học thầy nói –trò nghe, thầy đọc-trò chép,mà chính giáo sư Đặng Thai Mai cũng đã từng chê trách trong cuốn “Giảng văn Chinh phụ ngâm” cách đây hơn 50 năm.

Đến nay qua hơn 50 năm với nhiều công trình khoa học có chất lượng được áp dụng, rất nhiều lần thay đổi sách, cả phương pháp giảng dạy mới phát huy chủ thể học sinh cũng tạo nên những khâu đột phá mới . Vậy mà tình trạng học sinh chán học văn, quay lưng lại với môn Văn ngày càng nhiều hơn, sự sa sút về chất lượng nhân văn ngày càng rõ hơn…Nguyên nhân của tình trạng trên cần được nhìn nhận từ nhiều nhân tố trong và ngoài nhà trường,kể cả tâm lí thời đại.Ông chỉ biết nhìn vào một vài hiện tượng ,một đôi nguyên nhân mà thiếu cái nhìn tổng hợp.Trong đó có cả tác động của gia đình phụ huynh mà điển hình là kiểu học hành và dạy dỗ của bố con ông.

Chẳng cần nói xa xôi gì ngay tình trạng con ông học không giỏi văn cũng phần lớn là do ông. Trên cương vị một phụ huynh đồng thời là nhà văn, nhà phê bình văn học, đáng ra ông phải là người thầy lớn khơi gợi niềm hứng thú, say mê cho con .Vậy mà không những không làm được điều đó, ông còn làm cho cháu sợ chết khiếp khi thuê một lúc bốn thầy cô dạy văn cho con ở học kì 2 của lớp 9 vậy là cả người dạy trên lớp, cả ông hướng dẫn là cháu phải học sáu người một lúc. Thật là một lối giáo dục phản khoa học, kì quặc của vị phụ huynh ít nhiều có học hành như ông mà rồi cũng “hoang mang”.Thêm vào đó thái độ của ông đối với những người học văn cũng rất lạnh nhạt “hễ nghe ai đó giới thiệu có con giỏi văn là tôi lảng ngay”. Và không chỉ riêng ông, hầu hết các bậc phụ huynh có hành động ngăn cấm con cái mình theo học khối xã hội (văn, sử, địa) mà luôn hướng chúng học khối Tự nhiên để phù hợp với những ngành hái ra tiền trong tương lai. Tôi đã dạy nhiều học sinh học tự nhiên và đa phần các em học tốt môn văn nói viết rất rõ ràng, sáng sủa, mạch lạc cá biệt có nhiều em đã từng là học sinh giỏi văn cấp tỉnh ở cấp THCS.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, trước nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, người ta chỉ cần nhấp chuột là có tất những nguồn giải trí khác cạnh văn học. Văn hóa đọc ngày càng sa sút. Văn học nhà trường và ngoài nhà trường đều nằm trong sự ghẻ lạnh của xã hội đặc biệt là đối với giới trẻ. Những tác phẩm mới, những cuộc bút chiến hầu như chả mấy ai quan tâm ngoài những người đi theo con đường có dính dáng đến văn chương. Chắc ông cũng như tôi sẽ dễ nhận thấy một điều cái thời của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Xuân Diệu văn học trong nhà trường có ra gì (một tuần mới có một tiết Việt văn) mà phong trào đọc văn và sáng tác văn chương lại sôi nổi nhường ấy …

Tôi cho rằng khi nào xã hội gia đình còn quay lưng lại với môn Văn thì văn học trong nhà trường cũng phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhân đây cũng xin kể ông nghe một câu chuyện có thực. Năm nay, chồng tôi –một giáo viên Vật lý –được giao chủ nhiệm lớp chọn ban tự nhiên. Để tìm hiểu cá tính, năng lực, sở thích,ước mơ của học sinh đã yêu cầu các em viết một bản tự thuật và nhờ tôi cùng đọc để đánh giá năng lực, thái độ của các em. Có nhiều em nắn nót, tâm huyết, chân thành khi viết khiến chúng tôi rất vui. Song có một bản mà khi đọc, chúng tôi phải “cười ra nước mắt”-không phải lỗi hành văn-mà chính là ở ước mơ rất đỗi thực dụng: “Em ước mơ sau này sẽ thi đậu vào trường đại học Dược, vì mẹ em bảo làm nghề này chẳng va chạm đến ai, chỉ cần bán thuốc khoảng hai năm là mua được xe máy…”.

Thưa phụ huynh Vương Trí Nhàn !

Tôi biết ông là người vốn rất nhạy cảm với cái tiêu cực, thích phê phán. Song tôi cũng không hiểu sao ông thường nhìn nhận mọi vấn đề hết sức cực đoan. Ông tuyên bố “môn văn trong nhà trường phổ thông nói thật nhé, ngán đến tận cổ” mà nguyên nhân theo ông là chủ yếu là do chương trình, sách giáo khoa, và giáo viên thì phải làm theo những hướng dẫn trên Bộ trên Sở, chấm không chữa, chấm ý …Với cương vị là giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi cũng như tất cả các bạn đồng nghiệp không thể không chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc dạy học văn ở trường phổ thông.Dù chương trình tốt đến bao nhiêu, phương pháp, phương tiện có ưu việt đến mức nào mà giáo viên không tâm huyết với nghề, không trau dồi tri thức, đạo đức, nghiệp vụ, tìm hiểu tâm lí học sinh …thì không bao giờ có thể đem đến cho học sinh sự say mê, hứng thú. Chả thế mà ở bất cứ thời nào cũng có những người thầy lớn : Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Lê Trí Viễn, Bùi Văn Nguyên,Trương Chính và nhiều tên tuổi lớn nữa đã đào tạo lớp lớp thế hệ học trò đã và đang là những công dân ưu tú của xã hội.

Như vậy tôi muốn nói với ông rằng, ông không nên đổ lỗi tất cả tại chương trình, sách giáo khoa, những nhà biên soạn sách … dù sao ông cũng chỉ là người ngoài cuộc. Nếu những lời phát biểu của ông mang tính xây dựng góp ý tức là chỉ ra thật cụ thể những chỗ chưa được và tìm ra giải pháp thích hợp thì thật đáng quý. Bởi bất kì lần thay sách nào cũng được thí điểm trước đợi phê bình góp ý rồi mới thực thi. Thay bằng những việc làm thiết thực đó ông lại buông ra rất nhiều phát ngôn khiếm nhã tạo dư luận xấu cũng như tâm lý hoang mang ở cả giáo viên và học sinh.

Ông cho rằng, những bài văn mẫu mà học trò phải mua để đọc là “lảm nhảm, sáo rỗng”, điều đó có nhưng không phải là tất cả. Cũng như ở ngoài đời có những thứ chỉ na ná văn chương. Điều quan trọng là phải biết chọn lọc “hay giữ dở bỏ”…

Văn học là một bộ môn nghệ thuật ngôn từ khá phức tạp. Để hiểu được nó đã khó, lại còn phải dạy cho người khác hiểu lại càng khó gấp bội phần. Vì tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau nên việc tranh cãi là không bao giờ tránh được, cho nên giáo viên chúng tôi đã được quán triệt là phải luôn tôn trọng sự suy nghĩ sáng tạo của học sinh. Khi chấm văn chúng tôi không bao giờ để lọt những học sinh thực sự có năng khiếu. Và cũng bởi vì văn chương vừa là một môn học có tính chất công cụ vừa là một bộ môn nghệ thuật, là lĩnh vực của năng khiếu cho nên không phải ai cũng được lựa chọn vào địa hạt của nó. Từ xưa đến nay tìm được người giỏi văn không dễ và điểm 9 điểm 10 vẫn mãi là niềm mơ ước đối với học trò yêu văn.

Trong ba năm vừa qua tôi liên tục dự các lớp bồi dưỡng thay sách giáo khoa THPT, đứng ở góc độ là một giáo viên tôi thấy bộ sách đã giúp giáo viên cũng như học sinh bớt được nỗi lo quá tải. Có người còn quả quyết rằng “đây là bộ sách tốt nhất từ trước đến nay”. Cũng đã trực tiếp giảng dạy chúng tôi thấy chương trình soạn theo hướng tích hợp đã tạo thuận lợi cho việc học tập: học sinh được tự do tìm tòi sáng tạo, phát huy năng lực nghe, nói, đọc, viết...Xin ông đọc kĩ tất cả các sách giáo khoa rồi xem lại mục tiêu bài dạy thì chắc ông sẽ thông cảm hơn với người biên soạn - một công việc hết sức nhọc nhằn xen lẫn đắng cay bởi làm sao tránh được búa rìu dư luận. Mặc dù họ có thể không chọn được nhiều hơn nữa các tác phẩm hay song chúng tôi không thấy tác phẩm nào là “tầm thường, xoàng xĩnh, “vơ bèo vặt tép”, “bất thành nhân dạng”…như ông nói.

Dĩ nhiên trong khi tuyển chọn văn bản chương trình sách giáo khoa đều chú trọng hàng đầu tiêu chuẩn là tính thẫm mĩ ,tính nghệ thuật của tác phẩm nhưng trong nhà trường còn cân nhắc xem tác phẩm đó có phù hợp với đối tượng và có tính giáo dục hay không,đồng thời còn phải cho học sinh hiểu thêm một vài tác phẩm có tính tiêu biểu cho từng giai đoạn ,từng thời kì văn học...Ông không hiểu rằng những người biên soạn có khi phải trao đổi,tranh luận,cân nhắc nhiều lần thậm chí mất nhiều buổi mới đi tới thống nhất chứ đâu phải tùy tiện như ông nghĩ.Còn nếu có những tác phẩm như ông nói, kính xin ông chỉ thẳng ra cho đông đảo anh chị em giáo viên chúng tôi được biết, và cũng xin ông nêu lên những tác phẩm hay mà ông thấy cần đưa vào để chúng tôi đề nghị các nhà soạn sách chỉnh lý bởi họ không bao giờ “quá tự tin tự coi mình là khuôn mẫu, thấy không cần thay đổi”…Theo tôi được biết,sách giáo khoa mỗi lần đưa in thử đã trải qua bao vòng thẩm định và xin ý kiến của rất nhiều nhà khoa học, nhà văn ,nhà giáo trong cả nước.

Ngoài ra tôi thấy lời nói của ông chứa đầy mâu thuẫn, lúc thì ca ngợi ngày xưa khi lại hô hào cần phải thay đổi; vừa bảo chương trình quá tải, lại mong muốn đưa 50% ngôn ngữ vào dạy; ca ngợi Trung Quốc dạy văn học sử (kiến thức này ở đâu mà chả cần) mà lại phê phán ở ta “bắt học sinh học bao nhiêu tác giả tác phẩm”. Ông còn mong muốn bắt chước người ta dạy tỉ lệ ngữ và văn là 50/50 (căn cứ vào số trang) mà không hiểu được một điều dù là dạy ngữ hay văn thì mục tiêu chung là đều giúp học sinh có thể giao tiếp tốt, tức là trình bày suy nghĩ của mình cho đúng cho hay (khả năng tạo lập văn bản nói và viết)-còn văn dĩ nhiên là còn có khả năng tạo rung động thẫm mĩ thông qua đó thực hiện một số chức năng khác như giáo dục thẫm mĩ…Vậy là với phương pháp tích hợp thì trong khi các em học phần văn cũng đồng thời là đang trau dồi khả năng ngôn ngữ và lúc này ngôn ngữ là 100% . Ông đã hiểu văn chương tách rời Tiếng Việt nên vội vàng phê phán.

Điều cuối cùng tôi muốn nói với ông rằng một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh mới hơn 30 năm mà đã đạt được những thành tựu như hôm nay không phải chuyện dễ. Cả khoa nghiên cứu văn học, nhất là chuyên ngành phương pháp dạy học văn và đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn như chúng tôi vẫn đang hàng ngày hàng giờ trăn trở, suy tư, miệt mài bên giáo án, giáo trình, nâng cao trình độ chuyên môn những mong dạy tốt, góp phần đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước có tri thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đặc biệt là có trái tim bao dung nhân hậu, biết phát hiện cái đẹp trong cuộc đời còn có những cái ác cái xấu để vững tin vươn lên Sống Đẹp.

Bản thân tôi khi viết bài này cũng chỉ mong ông “cần nhìn nhận cho đúng”, tránh “vơ đũa cả nắm”, “phủ định sạch trơn”mọi cố gắng của các nhà khoa học giáo dục ở một bộ môn đầy phức tạp này. Và cũng xin ông đừng tiến hành những cuộc so sánh quá ư là khập khiễng giữa tình hình dạy văn ở Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Mĩ…Tại sao ông không so sánh xem đời sống của các giáo sư nước mình và nước họ?

Giáo sư của họ được trang bị từ A đến Z(Từ nhà, xe cho đến phòng thí nghiệm…) còn giáo sư của ta thì được gì ngoài sự ngưỡng mộ của sinh viên học viên. Bao nhiêu năm miệt mài làm khoa học cống hiến hết mình mà không đòi hỏi gì. Đặc biệt gần đây tôi có may mắn được dự một hội thảo khoa học hội tụ rất nhiều giáo sư, phó giáo sư danh tiếng. Tôi thật sự khâm phục khi chứng kiến các thầy sôi nổi, đầy nhiệt huyết trong tranh luận khoa học, mong ước cháy bỏng là đưa ra những kiến giải gần chân lí nhất, góp phần vào sự phát triển của khoa nghiên cứu PPDH Ngữ văn. Và tôi xúc động vô cùng, cho đến bây giờ cũng vẫn luôn tự hỏi tại sao các thầy có thể giản dị đến nhường ấy: sau bữa cơm trưa đạm bạc, các thầy vui vẻ đội mưa về căn phòng diễn ra hội thảo, ngả lưng trên những chiếc ghế, chợp mắt một lúc để rồi lại tiếp tục say sưa trao đổi khoa học.

Ngạc nhiên, xúc động, khâm phục, tôi nhận ra rằng tôi cần phải soi vào những tấm gương đẹp đẽ ấy.Tôi cũng hiểu sâu sắc một điều muốn làm nhà khoa học chân chính phải biết hiến mình cho khoa học,phải biết học hai chữ khiêm tốn,cầu thị. Đọc bài “Nhọc nhằn muôn nỗi sách giáo khoa” đăng trên báo văn nghệ chúng tôi mới hiểu rõ việc chọn, tìm các tác giả sách giáo khoa vất vả công phu biết nhường nào. Vậy mà không hiểu dựa vào đâu mà ông vu khống là họ “ấn học trò vào xí chỗ”.Tôi thiết nghĩ ,ông nên suy nghĩ lại về những lời phát ngôn cảm tính,tùy tiện,thiếu trách nhiệm với những người đáng là bậc thầy và đã từng là thầy của ông.

“ Thư bất tận ngôn”, hi vọng sẽ tiếp tục trò chuyện cùng ông. VÀO NHỮNG NGÀY KHAI TRƯỜNG NĂM HỌC 2008-2009

Thư viện KHOA HỌC XÃ HỘI

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP