Vương Trí Nhàn là một cây bút phê bình khá quen thuộc của độc giả TP.HCM. Trước đây ông viết vài tập sách mỏng như Cánh bướm và đoá hướng dương, thử tìm cách phác hoạ gương mặt của một số nhà văn mà ông có nghiên cứu. Lần này, trong cuốn Cây bút đời người, ông vẽ phác mười hai chân dung nhà văn: Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nghiêm Ða Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thành Long, Nhị Ca, Thanh Tịnh, Tế Hanh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài và Xuân Diệu. Viết về các nhà văn, ông nói gần như tâm sự: “Người đời đôi khi thành kiến rằng đám người viết văn chẳng qua là một bọn dông dài. Trong khi ấy, một số đồng nghiệp viết phê bình của tôi (nhất là các nhà giáo) có xu thế lý tưởng hoá những người viết văn, xem cây bút nào cũng tâm huyết như mình. Về phần tôi, tôi muốn nghĩ ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, ở đây cũng có thánh thần và có ma quỷ, và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn cao quý".
Mười hai nhà văn trong Cây bút đời người là những con người như vậy. Có những nét đáng yêu, cũng có những nét đáng chán. Có những phần lẫn lộn ngay trong một con người.
Một trong những điều mà ông quan tâm mô tả là các nhà văn sáng tác như thế nào. Vào đầu sách, khi nói về thơ Xuân Quỳnh, ông viết: "Người ta làm thơ như thế nào? Ðã nhiều lần, trong tôi đã nảy ra câu hỏi có vẻ tò mò vậy, mà chưa dám hỏi một ai, vì nhiều lần cứ định hỏi thì mọi người tìm cách lảng". Nhưng may là nhà thơ Xuân Quỳnh không lảng tránh. Bà đưa cho ông Nhàn coi, bên cạnh bài thơ, là những quyển vở đã ghi chi chít những chữ là chữ. Bà đã nháp bài thơ ra văn xuôi trước khi hoàn chỉnh nó và cho nó một khuôn mặt cố định trên giấy. Bà nói: "Lúc viết những dòng này, tôi như người phát cuồng. Cứ phải ghi bằng hết những ý nghĩ đang ào ào kéo đến trong đầu không cần vần vèo gì vội. Còn sắp xếp lại, đặt vần, tôi làm sau, việc ấy đơn giản hơn".
Có một lần nhà thơ Tế Hanh hỏi Vương Trí Nhàn một câu: "Cậu là nhà phê bình, cậu hãy cắt nghĩa thử xem tại sao, nhiều tập thơ làm trầy trật mãi không xong, trong hai tập thơ hay nhất của mình Nghẹn ngào và Gửi miền Bắc, những bài chính chỉ làm trong độ nửa tháng”. Trong câu hỏi đó, ông cảm thấy ở Tế Hanh một sự tin cậy đối với một tác giả tương đối trẻ như ông, và gợi cho ông một cật vấn, một ám ảnh: có lẽ sáng tác là một bí mật mà người ta tìm kiếm hoài không một giải đáp.
Không phải trong mười hai nhân vật mà ông giới thiệu lần này, ai cũng vui vẻ và sòng phẳng trả lời câu hỏi trên, nhưng ở người này hay người khác, cũng nhiều ý kiến hay. Như đoạn viết về Nguyễn Khải: “Lao động viết văn ở Nguyễn Khải là một chuỗi công việc cực nhọc. Có một câu nói trong Kinh Thánh ông thường thích nhắc lại, đại ý “mi là muối mà mi không mặn thì làm sao muối được những thứ khác”; đối với ông đã bắt tay cầm bút mà viết không hay thì còn ra cái thể thống gì nữa? Ðọc những tác phẩm khác mình thì ông chỉ đau đớn vì chưa biết làm sao để viết hay như họ. Một điều thường trực trong lòng ông: Làm sao để trở thành ngòi bút lợi hại".
Một đoạn khác viết về Nguyễn Tuân: “Với ông, nghề văn có được ý nghĩa của một thứ nghề có căn có cốt; muốn làm nghề đó chỉ có năng khiếu và say mê thì không đủ, mà người ta còn phải khổ công học hành để tự làm giàu mãi lên, vì biết sự hoàn thiện của nghề là vô cùng tận… Ai cũng biết sức đọc của ông thật là đáng kể, ngày nào không đọc được một ít thường bứt rứt trong người. Ông đọc và tìm cách thu hút tất cả lên trang viết. Ấy là chưa tính đến những phút cặm cụi trước trang giấy trắng viết, sửa chữa, thêm bớt, viết lại, cốt sao không viết được hơn nữa mới thôi. Có điều, khi có được sự hướng dẫn của một mỹ cảm tốt, sự khổ hạnh ở đây không bao giờ đồng nghĩa với lối hùng hục kéo cày của những ngòi bút bất tài, mà vẫn có chút gì đó vui vẻ thanh thoát và trong trường hợp thành công, tác phẩm có cái tự nhiên như hoá công ban cho vậy".
Những đoạn trích dẫn như trên không phải là cá biệt, hoặc điển hình, bạn có thể đọc được ở bất cứ nhà văn nào, có điều là mỗi người một vẻ. Có nhiều chuyện thuộc về con người của nhà văn, những con người thật, bình thường của họ trong cuộc đời. Có những người lúc nào cũng miệt mài viết lách như mang một cái nghiệp. Có những người đi ngang về tắt khi xã hội sang cơ chế thị trường. Theo tôi, điều đáng quý trong cuốn sách của ông Vương Trí Nhàn, là những chuyện ấy.
Lê Minh Ðức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét