Cần ý thức về sự thiêng liêng của hai chữ "con người"

15/10/2008 03:14:31
(SVVN) Việc các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; gian lận trong kinh doanh xăng dầu; “trộm” cước taxi... trong thời gian gần đây, thực sự không chỉ là bài học về công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành. Nó còn gợi lên một chủ đề rất đáng suy nghĩ: phải chăng, người Việt đang lâm vào một thời kỳ suy thoái/xuống cấp về văn hóa - như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhìn nhận? Ý kiến dưới đây như một đề dẫn cần được nghiên cứu, phản biện nghiêm túc, khoa học. SVVN xin trân trọng giới thiệu và mong nhận được nhiều ý kiến thảo luận.

Xã hội như một rừng cỏ gianh

Thưa ông, là một người chuyên nghiên cứu về đời sống văn hóa nội tâm của người Việt, trước hàng loạt vụ việc gian lận một cách trắng trợn và có hệ thống, bị phát hiện trong thời gian gần đây, ông cảm nhận được điều gì?

Khác với bà mẹ Lê hay cô hàng xén trong truyện ngắn của Thạch Lam, dù nghèo khó vẫn rất giàu lòng tự trọng, không ít người Việt ngày nay coi việc “đói ăn vụng, túng làm càn” là đương nhiên. Tôi mà nghèo hơn người khác thì tôi có quyền làm bậy. Chính vì thế, không chỉ vấn đề môi trường thiên nhiên bị tàn phá (điển hình như vụ Vedan) mà cả môi trường văn hóa, môi trường ngôn ngữ... cũng đang hết sức nhếch nhác, luộm thuộm. Nó làm hại đến khả năng giao tiếp, khả năng kết dính của toàn xã hội.

Quan hệ giữa người với người tệ tới mức đáng báo động. Hình như nhiều người sống bằng lòng căm giận người khác thay vì đáng lý phải yêu thương, chia sẻ, nhẫn nại, hy sinh... Nguy hại hơn, hiện tượng này xuất hiện ở cả hai nhóm đối tượng là quần chúng đông đảo và cả ở những người vốn được coi là trí thức, là những người có văn hóa, là tinh hoa của xã hội.

Nhưng nhiều nước đang phát triển cũng không phải không gặp vấn đề giống như ở ta?

Tất cả các nước trên thế giới đều có những giai đoạn khủng hoảng, suy thoái... về mặt văn hóa khi những khuôn khổ cũ bị phá vỡ. Nó đòi hỏi phải có những nghiên cứu nghiêm túc. Và lẽ ra, chúng ta cũng cần phải làm như vậy. Tiếc là chúng ta nghiên cứu chúng ta còn ít quá.
Tôi vẫn hay nghĩ, xã hội Việt Nam bây giờ giống hệt một rừng cỏ gianh, người nào cũng ghê gớm cả, người nào cũng kiên quyết vươn lên nhưng lại sàn sàn như nhau cả. Trong khi đó, một xã hội nếu phát triển bình thường thì phải như một cánh rừng nguyên sinh, có cây cao bóng cả, có cả những dây leo... Ở đó, phải có những người biết vui vẻ hỗ trợ một người để cho người đó vươn tới được đỉnh cao. Nhưng trong đời chẳng mấy khi thấy được điều đó.
Nói một chuyện cho vui, tôi có nghe một vài giáo sư than thở, là bị các cô ở thư viện lấy tiền photocopy cao quá; tôi chỉ cười thầm vì tôi thì luôn được họ giúp đỡ hết lòng. Tại sao? Vì họ biết tôi viết xong bài báo chỉ được chút nhuận bút còm, tính chi ly thấy “lỗ vốn” nữa. Còn ông giáo sư kia vớ bộn tiền từ công trình mà chẳng bỏ công ra bao nhiêu (có khi còn sai học trò đi làm photocopy thay cho mình nữa). Từ chỗ không phục nhau, người ta sinh ra thói quen thích hành hạ nhau và lợi dụng mọi hoàn cảnh để vụ lợi. Mà chuyện đó bây giờ quá phổ biến.

Ý ông là, xã hội Việt Nam hiện nay cũng đang ở trong một thời kỳ “khủng hoảng”, “suy thoái” về văn hóa?

Vâng, tôi cảm giác là văn hóa đang xuống cấp hoặc cũng có thể gọi là suy thoái. Ngày xưa, học sinh bí quá mới copy bài, còn bây giờ là copy một cách có chủ định, có chuẩn bị từ trước... Mà chẳng cứ học sinh, sinh viên rồi cả các thầy cũng thế! Mỗi lần có người hỏi tôi, thói hư tật xấu của người Việt trước đây và bây giờ khác nhau như thế nào, tôi phải dẫn ý của nhà văn Tô Hoài để đáp rằng: “Nhiều thói hư tật xấu hơn nhưng lại tài giấu giếm hơn”.
Giỏi cãi và ngụy biện lắm nhưng thực chất là tự lừa mình trước những cái xấu, cái dở. Bạn có thấy rằng, lâu nay rất ít người nói với bạn về những cái xấu của bạn không? Rất ít những người như vậy vì họ sợ nói ra, sẽ mếch lòng người khác. Nói khéo, nói tốt thì người ta mới đỡ ghét.
Suy cho cùng, một xã hội như vậy là một xã hội của những nông dân. Ngay những văn, nghệ sỹ, trí thức quanh tôi cũng là nông dân đi làm văn chương, nghệ thuật, học thuật... Việc “làm ăn”, cách cư xử của họ cũng hệt như kiểu ở nông thôn, manh mún như trong một nền nông nghiệp cổ điển. Họ cũng rất dễ chạy theo những giá trị giả tạo, không thật và ít biết tự mình quản lý chính mình.
Mỗi chợ một cân, mỗi đồng hồ chỉ một giờ

Theo ông, vì sao xã hội ta lại có tình trạng đáng buồn vừa nêu?
Một thời gian dài chúng ta sống với chiến tranh. Trong chiến tranh, con người mất hết khao khát, bằng lòng với cuộc sống, miễn sao tồn tại được. Chiến tranh gây nên sự phá chuẩn mực. Chiến tranh cũng làm con người ta dễ thả lỏng, chiều chuộng bản năng mà ít chú ý tới lý trí.

Nguyên nhân thứ hai có lẽ nằm trong “mã di truyền”, trong cốt cách của dân tộc. Cái này thấy rất rõ trong văn học dân gian, nơi chứa đựng nhiều yếu tố phá phách, hư vô, đùa bỡn trước mọi sự đời...
Sự suy thoái về văn hóa cần phải được “chữa trị” như thế nào, thưa ông?
Tôi cho là trước khi chữa chạy, chúng ta phải gọi chính xác tên của nó ra. Đã đến lúc giới khoa học, đặc biệt là các nhà xã hội học, tâm lý học, dân tộc học phải vào cuộc. Tôi được biết, sinh thời, các nhà khoa học lớn của chúng ta như Tạ Quang Bửu hay Trần Đại Nghĩa đều rất quan tâm tới chiến lược con người, tâm lý con người... Hay như Bá Dương, ngoài cuốn Người Trung Quốc xấu xí nổi tiếng mà chúng ta đều biết, ông cũng chính là tác giả của Lịch sử người Trung Quốc.
Ở đó, ông đã loại hình hóa các mẫu người Trung Quốc trong từng tiến trình lịch sử, chẳng hạn như khi nào thì loại người cơ hội xuất hiện... Tuy nhiên, bên cạnh những người phản ánh, tổng kết thì cần có những người biết nhìn xa hơn một chút. Văn hóa không phải chỉ là chuyện cờ, đèn, kèn, trống mà là một cái lớn bao trùm lên hết thảy, từ chính trị, kinh tế, xã hội...

Liệu có thể dùng luật pháp để điều chỉnh hành vi con người, một cách “vĩ mô”, dài hạn, trong trường hợp này được không, thưa ông?

Nhiều người thường nhìn nhận vấn đề theo góc độ luật pháp. Tôi thấy, một là trình độ luật pháp ở nước ta còn rất non nớt, quá trình soạn thảo còn đơn sơ, chưa bao quát hết mọi chuyện, điều chỉnh thì chậm chạp và chậm thích ứng với xã hội hiện đại. Hai nữa, còn đáng lo hơn cả vấn đề luật pháp là chuyện lương tâm con người. Con người trong xã hội chúng ta “làm người” như thế nào? Xã hội bây giờ có tình trạng “loạn cương”, phi chuẩn hóa, mỗi chợ một cân, mỗi đồng hồ chỉ một giờ. Trong hoàn cảnh như vậy thì anh nào mạnh mồm, liều lĩnh, anh ta sẽ thắng. Mặt bằng giá trị không còn, con người không còn biết đến sự thiêng liêng.

Thậm chí, ngay cả đến thần thánh họ cũng chỉ biết đến cầu lợi, hối lộ. Những niềm tin kiểu đó sao mà chắc chắn được. Có vẻ như dân ta rất thiếu nghiêm chỉnh trong việc làm người. Việc đánh thức lương tâm để mỗi người tự nhận thức và ý thức được sự thiêng liêng của hai chữ “con người”, vì vậy, là vô cùng cần thiết!

Bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm của một người nhiều năm làm văn hóa, tôi tin đã đến lúc chúng ta phải nói thật với nhau: Giống như lạm phát trong kinh tế, văn hóa của chúng ta đang thực sự ở trong tình trạng khủng hoảng/xuống cấp/suy thoái. Khi bắt đầu nghĩ như vậy, tôi cũng cảm thấy buồn và muốn tự bác bỏ mà chưa làm nổi. Tôi cầu mong có thêm ý kiến của các bạn, dù là đồng tình với tôi hay phản đối tôi, xin hãy thử trình bày lý lẽ đàng hoàng xem sao!

Xin cảm ơn ông!


Kiều Hải (Thực hiện)

“Trong các kinh điển của Nho gia, tôi rất thích cuốn Luận ngữ. Hóa ra, Khổng Tử không chỉ khuôn phép như mọi người vẫn hình dung. Ông còn là bậc thầy trong việc hiểu được con người, một nhà nhân học vĩ đại. Khổng Tử đề ra giả định rất cao về khả năng con người xấu đi. Ông mô tả loại người tiểu nhân với tất cả vẻ đa dạng của họ, ông cảnh báo con người có thể rất dễ rơi vào những cái tầm thường mà mình không ngờ. Khổng Tử đề cao người quân tử với nghĩa con người của lý trí và từng cho rằng, giàu mà đứng đắn không khó bằng nghèo mà không làm bậy. Mạnh Tử cũng quan niệm, con người phải khẳng định những việc không thể làm thì mới nên việc lớn được. Người sáng suốt phải là người biết tiết dục, sống không phải bằng đố kỵ, ham muốn... mà phải bằng sự giao đãi với vũ trụ, nhân quần (“nhân” ngoài nghĩa “yêu người” như chúng ta vẫn hiểu thì nó còn được các bậc thầy của đạo Khổng dùng với ý là “việc lớn”, việc phải làm trong đời)”.

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP