"Phải tư duy văn học VN theo tiêu chuẩn thế giới"

Tác phẩm đoạt giải B Hội Nhà văn VN 2003
Năm 2003, khi được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, tập phê bình Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn đã tạo ra nhiều sóng gió trên văn đàn. Tháng 10-2005, cuốn sách này tiếp tục được tái bản với những sửa đổi bổ sung “cho đầy đặn”.
Buổi trưa ở NXB Hội Nhà văn, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã trò chuyện với chúng tôi:

* Sau những tranh luận trái ngược nhau, đến bây giờ, ông có còn nghe những lời không hay về cuốn sách?

- Tranh cãi thì nhiều, khi viết về Xuân Diệu, có người nói: “Con tôi nó bảo Xuân Diệu chết rồi mà còn viết”; có người đọc xong cuốn sách nói thẳng rằng tôi nhạt và ác. Điều này làm tôi cảm thấy bị xúc phạm và quyết tâm phải chứng minh ngược lại. Và điều an ủi là tôi vẫn còn thấy rất nhiều người đọc và chấp nhận những thực tế tồn tại mà tôi viết ra.

Lần tái bản Cây bút đời người này không phải do tôi “khéo chạy” mà là độc giả thích và mua nó. Văn học khá sòng phẳng, nếu viết không hay thì chẳng bao giờ có bạn đọc. Dạo này tôi cũng đã chẳng nghe gì nữa rồi.

* Nếu cần một lời nhận xét chung về phê bình văn học hiện nay, ông sẽ nói gì?

- Chẳng có gì hết. Tôi thấy trên báo có một vài bài phê bình, nhưng như là những bài quảng cáo sách, còn phê bình đúng nghĩa thì không.

* Vậy là ông cũng đồng ý với quan điểm, phê bình hiện nay thường là quá chê, hoặc quá khen, và phần nhiều là do cảm tính hay các quan hệ cá nhân?

- Đồng ý hoàn toàn. Tôi thấy phần nhiều tác phẩm được chú ý là do “đánh đấm”, hoặc là do quan hệ cá nhân (không ít tác giả được bạn bè giới thiệu là “những đỉnh cao mới”). Những bài ấy không giúp cho người đọc trong việc chọn sách, không giúp cho nhà văn nhìn lại mình mà nó chỉ tạo nên quan hệ với tác giả cuốn sách. Công việc phê bình phải có ý nghĩa xã hội, giúp xã hội được điều gì đấy chứ không phải thi nhau đánh giá như cân đong, mà tôi nói thật, thời này cân cũng có dăm bảy loại cân.

* Và Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè ồn ào thời gian qua là một ví dụ?

- Thú thật là tôi chểnh mảng đọc Bóng đè, tôi không hy vọng lắm. Tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ hãy chờ đợi vài năm nữa xem sao. Tôi muốn chờ đợi một nhà văn đích thực chứ không phải là một ngôi sao vụt tắt. Theo kinh nghiệm của VN 20 năm nay, tác giả trẻ rất chóng tàn lụi theo nhiều cách, người thì không viết nữa, người ngủ quên trên vinh quang, người viết kém đi. Nhiều người nổi tiếng khen Bóng đè, nhưng tôi thì không.

* Ông có vẻ bi quan về nền văn học hiện nay, nhất là văn học trẻ!

- Đúng. Nền văn học của chúng ta đang ở thời kỳ trì trệ, cái cũ không hay bằng hôm qua, cái mới thì chưa xuất hiện. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly của nhà văn Xuân Khánh là tổng kết của cách viết cũ chứ chưa mở ra cách viết mới. Các cuộc thi tiểu thuyết, tôi thấy không tạo được cái gì mới, vì toàn là những quan điểm cũ, viết như một thói quen, hôm qua viết như thế nào thì hôm nay vẫn viết như vậy. Tôi thấy chúng ta cần có những quan niệm mới, cả về đời sống xã hội lẫn kỹ thuật trong sáng tác.

* Nghĩa là ông chẳng đặt hy vọng vào ai?

- Tôi không hy vọng vào ai mà hy vọng vào mọi người. Chúng ta phải nghĩ đến một ngày nào đó, người ta phải dịch mình chứ không phải là mình nhờ họ dịch. Sự đánh giá của dư luận rất công bằng, tôi nghĩ Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một ví dụ.

Chúng ta phải tư duy văn học VN khác đi, nên lấy tiêu chuẩn thế giới chứ không phải tiêu chuẩn VN. Tôi thấy đời sống người dân bây giờ khá phức tạp. Họ bị khủng hoảng tâm lý, cảm thấy trống vắng và cần phải có những nhà văn giúp họ thoát khỏi cảnh ấy, chia sẻ với họ, giúp họ tìm được niềm vui trong cuộc sống. Nhưng văn học không làm được điều ấy. Tôi thấy văn học không đủ sức đóng vai trò mở đường cho người đọc. Điều này dường như báo chí làm tốt hơn.

* Ông đã nói rằng ông từng có ý định viết một công trình lý giải hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, tại sao lại thôi?

- Tôi thấy đáng lẽ phải có một người viết về Thiệp, cắt nghĩa tại sao Thiệp tồn tại được. Dù thế nào thì đó cũng là một người đứng top 5, top 10 trong các nhà văn của thế kỷ 20 mà người nước ngoài nào quan tâm đến văn chương VN cũng muốn đến gặp. Nếu tôi viết tốt, nói được bản chất của Nguyễn Huy Thiệp thì ngay cả nước ngoài cũng phải dịch cuốn sách ấy. Nhưng tôi già rồi, tôi tự thấy mình viết chậm và chưa đủ tầm.

* Đó có phải lý do khiến nhiều cuốn sách của ông rơi vào tình trạng dở dang?

- Đúng là tôi có nhiều cuốn sách dang dở, như cuốn Đời và thơ Xuân Quỳnh chẳng hạn, viết mãi không xong. Tôi nghĩ nếu có hai năm thảnh thơi thì tôi sẽ viết lại nhật ký của mình. Ngoài ra, tôi còn tham vọng viết hồi ký, nhưng đó là một thể loại rất khó vì phần lớn là tự khoe mình. Tôi rất sợ cuốn sách của mình sẽ trở nên tầm thường.

* Tên ông là Nhàn, lại còn Trí Nhàn, nhưng trong cuộc sống hình như ông không được hưởng cái sự nhàn nhã ấy?

- Cái tên tôi nó mâu thuẫn như bát nước đường đổ thêm tí mắm. Tôi không bao giờ thấy mình nhàn rỗi, bởi vì tôi làm việc đến “chảy máu mắt”. Tôi nghĩ chỉ khi mắt không đọc được, khi đầu óc lẩn thẩn không thể viết được nữa tôi mới không làm việc.

* Dạo này cái thú tắm sông của ông vẫn còn?

- Tất nhiên, không thể bỏ được. Ba năm trước, cột sống tôi nhức đến mức đứng không yên, ngồi không yên, đau lên cả cổ và bác sĩ từng bảo phải mổ may ra mới đỡ. Một người bạn “nghiện” bơi sông Hồng khuyên tôi nên ra bãi bơi. Tôi là dân Thụy Khuê (Hà Nội), từ bé đã bơi ở Hồ Tây, bơi giỏi lắm, thế nhưng ở tuổi 60, lần đầu bơi giữa sông Hồng thấy mình như ngập vào một thế giới khác. Hơn 1.000 ngày đón bình minh ở đây, cột sống của tôi đã “ngoan” hẳn, không hành hạ và tôi cũng không có ý định tìm đến dao kéo nữa. Bây giờ mà một ngày không ra sông, tôi bứt rứt không chịu được. Sức mạnh của thiên nhiên nó mạnh như thế đấy...

Chủ nhật, 23 Tháng mười 2005, Người Lao Động"

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP