VỤ VNN

Tri thức hiện đại:
Không được tạo
“dịch nói xấu người Việt”
Thứ sáu, 2/11/2007, 07:00 GMT+7

Người ta thường nói, đoán cái xấu thì dễ, đoán cái tốt mới khó. Do điều kiện lịch sử, đời sống hiện đại của chúng ta đã sinh ra một lớp người lấy chuyện đoán “cái xấu” ra để làm lớp áo tri thức của mình. Thậm chí có những người còn đi xa hơn bằng cách “làm yếu ớt đi, làm nhạt nhòa đi” chính nguồn cội của mình để mưu danh với thiên hạ.

Mấy năm gần đây, trên báo chí xuất hiện mục bàn về “Thói hư, tật xấu của người Việt”, do ông Vương Trí Nhàn thực hiện. Để cho bạn đọc hiểu rõ hơn thực chất của chuyên mục này, phóng viên VieTimes đã trò chuyện cùng với ông Vương Trí Nhàn. Khi phóng viên liên lạc, ông Vương Trí Nhàn rất hồ hởi về những câu hỏi sẽ “phản biện chính xác” những gì ông đã nói. Nhưng tiếc thay, khi cuộc phỏng vấn diễn ra giữa chừng, chính xác là 24 phút, ông Vương Trí Nhàn đã tự ý bỏ về với một câu hỏi rất nghiêm túc và không kém phần nghiêm trọng về văn hóa dân tộc Việt…

Phóng viên (PV) : Mục “Thói hư tật xấu” ông đã làm trong thời gian bao lâu?

Ông Vương Trí Nhàn (VTN): Tôi làm được vài năm theo hai giai đoạn. Đầu tiên tôi sưu tầm của người khác vì nếu tôi viết sẽ không ai đăng. Nên tôi lấy ngay những người tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Chinh, Huỳnh Thúc Kháng... thì người đọc mới chịu. Ông Vương Trí Nhàn viết thì không ai chịu.

PV: Xuất phát từ ý tưởng nào mà ông làm chuyên mục này?

VTN: Trong nghề viết văn tôi hay nhìn ra khuyết điểm của văn chương. Trần Đăng Khoa nói phải “tâm địa xấu xa” mới nhận xét được thói hư tật xấu của người khác như thế. Tôi nói về thói hư tật xấu của người khác để giúp người ta tiến lên.

Sau đó tôi thấy mình phải viết về tật hư thói xấu của dân tộc nói chung. Tôi chọn việc trích dẫn của người khác. Mục của tôi là thói hư tật xấu người Việt dưới con mắt trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20.

PV: Ông thường trích dẫn của ai?

VTN: Nhiều lắm. Ví dụ cụ Phan Bội Châu không chỉ có yêu nước mà đã rất sớm nhận ra thói hư tật xấu của người Việt. Khi sang Nhật, cụ nhờ phu xe đưa đến đâu họ cũng đưa đi, hỏi địa chỉ dẫn tận nơi mà không lấy tiền. Nhưng ở Việt Nam thì không tìm ra một ông phu xe như vậy. Có khi còn ăn cắp, lấy thêm của mình.

PV: Ông có nghĩ đó chỉ là ảnh hưởng nhất thời của xã hội lúc đó, còn tính cách nền tảng của người Việt thì khác?

VTN: Không, tôi thấy việc này lặp lại nhiều lắm. Số lượng người viết về thói hư tật xấu mà chúng ta vẫn mắc phải: giả dối, sống vô trách nhiệm, vụ lợi, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình

PV: Trong nhân loại nói chung, dân tộc nào mà chẳng có những thói hư tật xấu ấy?

VTN: Dân tộc mình nhiều lắm chứ! Khi nói đến tham nhũng, vợ tôi vẫn bảo: ”Ôi giời, nước nào chả có tham nhũng”, nhưng mình có ti tỉ cái tham nhũng.

PV: Căn cứ vào đâu ông nói Việt Nam nhiều tham nhũng hơn các nước khác?

VTN: Thì cứ giở báo chí ra là thấy nhan nhản tham nhũng. Các tòa án xử không xuể. Ông Lê Đăng Doanh từng nhận xét chỉ 5% lộ ra bề mặt, còn 95% vẫn trong bóng tối. Việt Nam xếp loại tham nhũng rất cao, đứng đầu thế giới.

PV: Đó là những kẻ đứng ngoài Việt Nam để xếp hạng. Để đánh giá một đất nước, một xã hội thì phải thấu hiểu, phải trải qua chính những vấn nạn mà xã hội ấy gặp phải. Vậy nên không thể nói những bảng đánh giá đó là chính xác, coi như một chân lý để khẳng định?

VTN: Tôi không đồng ý với bạn điều đó. Chúng ta hay nói chỉ ta mới đánh giá được ta. Nhưng chúng ta rất sai. Người nước ngoài thừa sức đánh giá chúng ta. “Chỉ trong chăn mới biết chăn có rận” là sai!

PV: Những người nước ngoài sống trong một thể chế chính trị khác, đời sống văn hóa khác. Tất cả mọi thứ đều khác Việt Nam. Một mặt nào đó, người ta đứng ở thế giới khác thì không thể đánh giá khách quan về một thế giới khác. Ví như một con cá chỉ bơi trong nước thì làm sao biết loài chim bay trên trời như thế nào?

VTN: Bạn đang cường điệu hóa sự khác nhau giữa các dân tộc. Các dân tộc có những giá trị nhân bản nói chung. Ăn cắp thì không thể làm hàng tốt được. Tôi thấy trong bảng thống kê thì Việt Nam xếp hạng hàng đầu. Và tôi tin đó là đúng, còn bạn không tin thì tùy bạn.

PV: Trong tất cả những người mà ông đã lấy tác phẩm của họ để trích dẫn về thói hư tật xấu, ông có cảm thấy có người nào không xứng đáng là một nhà trí thức không?

VTN: Điều quan trọng không phải là đánh giá người ta ở con người mà đánh giá chất lượng lời người ta. Khổng Tử nói: Không vì người mà bỏ lời. Có thể trong đời sống có vấn đề nhưng người ta nói đúng.

PV: Nhưng có một giá trị chung là "Người thơ phong vận như thơ ấy”. Lòng người như thế nào thì sẽ tràn ra ngoài miệng như thế đó.

VTN: Không, đó chỉ là một ý thôi

PV: Ví dụ như lời yêu thì ai cũng nói được nhưng ai nói với ta thì mới là quan trọng chứ!

VTN: Đó là một nhận xét. Ta có lối là ông A nói thiêng còn ông B nói không thiêng. Một người ăn cắp chỉ anh kia là ăn cắp thì anh ta vẫn nói đúng dù anh ta là thằng ăn cắp.

PV: Tôi muốn nói rằng những nguồn trích dẫn chỉ đáng tin khi tác giả của chúng đáng tin thôi.

VTN: Chả ai là không xứng đáng với lời của mình. Lý luận của bạn cũng là sai nốt.

PV: Ông vừa nói có những người không tốt nhưng lời nói của họ tốt đúng không. Nhưng “Y phục" phải "xứng kỳ đức”. Chúng ta ở một vị trí xã hội, tầm văn hóa như thế nào thì mới có quyền phát ngôn ở vị trí xã hội như thế, tầm văn hóa như thế.

VTN: Sự đánh giá một người không có chữ “chết”. Bảo người đó là xấu không có nghĩa tất cả con người họ xấu. Họ vẫn có phần tốt của họ. Có những người rất tốt nhưng vẫn nói ra những phần xấu.

PV: Những trích dẫn của ông hay lấy nguồn từ Nam Phong, Tiểu thuyết thứ Bảy… Ông có tin những tờ báo đó không?

VTN: Sao lại không tin được?

PV: Thời “Nam Phong”, “Tiểu thuyết thứ Bảy”… cũng chỉ là thời kỳ sơ khai của tiếng Việt chứ không phải là cái gì tinh túy, sâu sắc, uyên thâm cả. Nó được ca ngợi vì việc dùng chữ Quốc ngữ bấy giờ là biểu hiện cho tinh thần độc lập của người Việt đối với văn hóa xâm lăng của thực dân Pháp. Ông có nghĩ thế không?

VTN: Đấy là bạn nghĩ, tôi không nghĩ thế. Ông Vũ Ngọc Phan nói với tôi Nam Phong có đóng góp rất lớn cho tiếng Việt.

PV: Thời “Nam Phong”, “Thơ Mới”… sử dụng tiếng Việt chính là thể hiện lòng yêu nước. Xét vào điều kiện lịch sử thời đó thì nó phù hợp. Nhưng nó không chứa toàn thể chân lý của dân tộc trong đó.

VTN: Trong bất cứ chân lý của lịch sử nào cũng chứa chân lý vĩnh viễn.

PV: Sẽ có nhiều người ngạc nhiên vì sao ông lại coi những trích dẫn đó là mẫu mực?

VTN: Tôi không ngạc nhiên. Vì thế, với bạn có thể Nam Phong là không có giá trị nhưng tôi, với tư cách là một nhà nghiên cứu văn học, thì Nam Phong có đóng góp với lịch sử văn học nước nhà.

PV: Nếu như một dân tộc có quá nhiều tật xấu thì nó đã bị đồng hóa, tan biến từ rất lâu chứ không thể có một dân tộc Việt như ngày hôm nay...


VTN: Có rất nhiều cách tồn tại. Có tồn tại lay lắt, khổ sở, phá hoại. Có cách tồn tại cao đẹp.

PV: Theo ông, thế nào là cách tồn tại cao đẹp?

VTN: Ví dụ làm ra nhiều sản phẩm, có nhiều phát minh sáng kiến, con người sống tử tế, yêu thương, giúp đỡ, không vụ lợi… Đó là cách sống tốt đẹp.

PV: Ông không nhìn thấy những điều tốt đẹp đó trong cuộc sống hôm nay?

VTN: Không, quá ít và những cái dở ngày càng tăng lên.

PV: Phải chăng ông đọc nhiều cuốn sách cổ quá mà quên tìm hiểu những hình tượng tốt tương đối nhiều trong cuộc sống hôm nay?

VTN: Những hình tượng ấy không đáng tin tưởng.

PV: Tôi có thể kể cho ông một hình tượng rất đơn giản: Một phụ nữ ở Quảng Ninh 60 tuổi, về hưu, sống một mình. Bà lần lượt nhận những đứa trẻ bị nhiễm HIV về nuôi. Bé này mất đi lại nhận bé khác. Theo thói bình thường thì lẽ ra bà phải nuôi một đứa trẻ lành lặn để làm nơi nương tựa khi tuổi già. Đồng lương phải tiết kiệm để dùng khi ốm đau nhưng bà đã sẵn sàng dùng đồng tiền đó nuôi những đứa trẻ mà biết chắc chắn 1, 2 năm sau chúng sẽ mất. Vậy ông nhận xét tính cách người Việt như thế nào trong hình tượng này?

VTN: Những trường hợp này ngày càng ít đi so với các thói xấu đầy rẫy trong xã hội.

PV: Đời sống thông tin hiện đại có xu hướng cường điệu hóa mặt xấu nhiều hơn những mặt tốt. Đó là một vấn nạn khi mà báo chí chạy theo thị trường một cách quá đà mà quên lý tưởng của mình. Có thể ông đã tiếp cận thông tin tiêu cực của báo chí nhiều quá phải không?

VTN: Tôi đọc báo thì thấy là hôm nay bắt người này, người kia... rất nhiều chuyện. Tôi cho đấy là bức tranh của thực tế. Còn nếu bạn coi đó là do báo chí cường điệu thì tùy bạn. Tôi không bắt bạn phải theo tôi và tôi cũng không việc gì phải theo bạn

PV: Ngoài những cái xấu của người Việt ông đã viết, ông thấy người Việt có những điều tốt gì?

VTN: Nhiều lắm chứ. Ví dụ lòng khát khao sống, làm sao để khá hơn, qua những lúc khốn khó trở thành người tốt giúp đỡ lẫn nhau…

PV: Tại sao ông không làm thêm “thói hay tính tốt” của người Việt?

VTN: Những điều này người ta đã làm rất nhiều? Cả giới báo chí đã làm rồi. Có người nào làm như tôi đâu, chỉ một mình tôi làm (trích dẫn những lời nói về thói hư tật xấu của người Việt).

PV: Những trích dẫn về thói hư tật xấu của người Việt được lấy rải rác trong nhiều bài của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, hay nhiều tác giả khác... Lẽ thường, một câu bao giờ cũng phải phụ thuộc vào cái tổng thể của toàn bài. Bây giờ cắt một câu ra đứng độc lập, liệu làm như vậy ý nghĩa của văn bản có bị biến đổi ít nhiều?

VTN: Tôi hiểu chính xác và tôi cho rằng đó chính là ý của cụ Phan.

PV: Tại sao ông lại khẳng định như vậy?

VTN: Rõ ràng trong bài các cụ nói rành rành như thế.

PV: Nói đơn giản như thế này: Nếu chúng ta chỉ đứng ở ngoài nhìn vào cửa kính thấy người cha đánh một đứa con thì chúng ta sẽ nghĩ người cha sao độc ác đến vậy. Nhưng nếu theo dõi câu chuyện từ đầu, có thể đứa con rất hỗn láo và người cha đang buộc phải đánh con mình với nỗi đau đớn hiện lên trên nét mặt. Vậy ông nghĩ thế nào khi tách một câu khỏi toàn cảnh văn bản như vậy?

VTN: Tôi chỉ tách một câu của một người còn tôi không đánh giá toàn bộ người đó. Còn nếu ai hỏi tôi là dân tộc Việt Nam còn tính tốt không tôi trả lời còn cái tốt…

PV: Ý chúng tôi muốn hỏi là tách một câu ra khỏi văn bản thì có làm thay đổi nghĩa của nó đi không?

VTN: Không thể không tách. Còn ai muốn đọc toàn bộ văn bản thì xin mời. Không thay đổi gì hết. Đó vẫn là Phan Bội Châu. Tôi vẫn khẳng định thế còn bạn khẳng định khác thì tùy bạn.

PV: Nhiều nhà phê bình Việt Nam đã mắc lỗi khi cắt, xén, lắp ghép các câu, các ý và làm thay đổi văn bản gốc quá nhiều. Việc trích dẫn riêng lẻ như vậy chắc chắn sẽ làm sai lệch ý nghĩa của văn bản.

VTN: Không phải các nhà phê bình có lỗi mà tôi có lỗi. Bạn không thể nói như thế được. Tôi không có lỗi gì trong chuyện này.

PV: Ông có thấy bao giờ “rùng mình” khi làm công việc trích dẫn nhiều thói hư tật xấu của người Việt chưa?

VTN: Càng đọc tôi càng cảm thấy hóa ra những điều mình cảm thấy thì người xưa đã nói rồi. Và trong tất cả những tài liệu cũ có bao nhiêu điều mình chưa biết. Và tôi mong rằng nhiều bạn đọc sẽ biết để sống tốt hơn.

PV: Trong những thói hư tật xấu chung của người Việt mà ông đã trích dẫn, ông cảm thấy bản thân mình có bao nhiêu phần trăm thói hư tật xấu trong đó?

VTN: Tôi có nhưng tôi không trả lời câu hỏi này. Tôi không nói với bạn và bạn không có quyền hỏi tôi như vậy.

PV: Đây là một cuộc phỏng vấn. Và với tư cách là một người con của dân tộc Việt, ông cảm thấy mình có bao nhiêu tính xấu trong đó?

VTN: Tôi có quyền từ chối!

PV: Vậy ông có cho con cái mình đọc những thói hư tật xấu đó để chúng tránh?

VTN: Có chứ. Nhiều người nói với tôi là anh làm sách đi để con cái họ cũng đọc được.

PV: Vậy con cái ông có tránh được không?

VTN: Con cái tránh được hay không lại là chuyện khác. Bệnh không thể chữa ngay lập tức được mà phải có thuốc đúng và có thời gian. Vì bệnh đó là thâm căn cố đế.

PV: Vậy phương thuốc đúng để chữa bệnh thói hư tật xấu của người Việt là gì, thưa ông?

VTN: Trước tiên phải tự nhận thức được mình. Tôi chỉ nêu lên được người xưa đã nói như thế. Còn chúng ta phải nghĩ xem mình có đúng như thế hay không. Nếu xấu thì sửa. Điều này phụ thuộc vào nhận thức của người “uống thuốc”.

PV: Vậy điều gì quan trọng nhất cần làm ngay trong cuộc sống này để người Việt sống tốt hơn?

VTN: Cái lớn nhất là chúng ta phải tự nhận thức chúng ta là người như thế nào. Sau đó chúng ta mới bàn đến chuyện khác. Nhận thức quan trọng nhất vì nhận thức đúng thì mới hành động đúng.

PV: Cụ thể là nhận thức cái gì, thưa ông?

VTN: Nhận thức mình là người thế nào? Mình đang làm gì? Trong thế giới này mình là gì?

PV: Chẳng nhẽ dân tộc Việt đã có hàng nghìn năm lịch sử lại không thể nhận thức được mình?

VTN: Tôi thấy dân dộc Việt chưa nhận thức được mình.

PV: Nếu không nhận thức được mình thì chúng ta sẽ không có những triều đại rực rỡ như Lý, Trần, Lê, sẽ không có những anh hùng hào kiệt, các vị anh quân của các triều đại. Nếu không nhận thức được thì sẽ không có các tác phẩm nghệ thuật kinh điển. Nếu không nhận thức được chúng ta sẽ không có cuộc sống ngày hôm nay. Nếu không nhận thức được thì dân tộc Việt không thể có một nền văn hóa như vậy. Chúng ta cần đưa ra một trường hợp cụ thể. Theo ông, Nguyễn Du có nhận thức được mình không khi viết ra một tác phẩm như Truyện Kiều?

VTN: Tùy bạn, bạn cứ nói những điều này trên mặt báo. Một người như Nguyễn Du nhận thức được không có nghĩa là cả dân tộc nhận thức được.

PV: Ông nói sao? Một thiên tài như Nguyễn Du cũng không biểu hiện cho nhận thức của dân tộc sao?

VTN: Không có nghĩa là như thế. Tôi sẽ không gặp lại bạn nữa. Tôi đi về đây. Tôi không thích kiểu nói chuyện này.

Nhóm phóng viên (VieTimes) thực hiện
..............................................................................................................................................................................
Vương Trí Nhàn
Hội nhà văn VN
HÀ Nội ngày 3-11-07

K/g ông Nguyễn Anh Tuấn
Tổng biên tập báo điện tử VietnamNet

Trích yếu :
Về việc đăng bài phỏng vấn người viết thư
trên VNN, chuyên trang Vietimes ngày 2-11-07
Thưa ông
Tôi là Vương Trí Nhàn, nhà phê bình văn học, hội viên Hội nhà văn VN.
Xin phép được trình bày với ông một việc như sau :
Gần đây tôi có nghiên cứu sâu về các vấn đề văn hóa. Một trong những đề tài tôi theo đuổi là tiếp tục công việc của các nhà nghiên cứu đi trước như Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo, tìm hiểu về thói hư tật xấu người Việt.
Trên VietnamNet chuyên trang Netlife tháng 9-07 và chuyên đề giáo dục đầu tháng 10-07, đã có hai bài phỏng vấn tôi chung quanh vấn đề này, với sự đồng tình và chia sẻ của các phóng viên, biên tập viên. Tôi rất biết ơn VNN trong việc này .

Tới sáng 1-11 , có hai phóng viên Vietimes đến gặp tôi và nói muốn tiếp tục trao đổi về công trình nghiên cứu tôi đang theo đuổi.
Trước khi gặp nhau, nữ biên tập viên cũng nói rõ là sẽ phản bác tôi. Tôi cũng thấy là một dịp thú vị nên nhận lời.
Nhưng trong quá trình trao đổi, nam phóng viên ( mà tôi không biết tên ) đưa ra những câu hỏi đầy khiêu khích. Trong hoàn cảnh của cuộc đối thoại, tôi đã nói những điều mà trong đầu óc tôi mới hình thành và chưa phải là suy nghĩ kỹ.
Được độ 20 phút thì tôi thấy người đối thoại với mình quá thiếu thiện chí, giữa anh với tôi không có tiếng nói chung nên tôi đã tự ý dừng lại cuộc đối thoại.
Theo tôi hiểu một khi cuộc đối thoại đã bị đơn phương dừng lại, tức là nó không có giá trị và người phỏng vấn không có quyền đưa nó ra trước công luận.
Thế nhưng tới trưa 2-11 , bài phỏng vấn đã được tung lên trên chuyên trang Vietimes, sau đó gợi lên rất nhiều phản cảm trong người đọc. Phản cảm với tôi , vì những lời tôi buột miệng nói đó . Và phản cảm với cách làm của phóng viên Vietimes.

Thưa ông Tổng biên tập
Là một nhà báo, chắc ông hiểu trước một vấn đề gì đó, giữa những gì một người buột miệng nói ra và những ý kiến chính thức của người đó trước công luận, bao giờ cũng có sự phân biệt.
Quy chế về phỏng vấn trên báo chí đã có điều khoản nói rõ người được phỏng vấn phải xem lại những điều đã nói trong đối thoại, và nếu người đó không đồng ý thì không ai có quyền công bố trên mặt báo.
Bởi vậy cho phép tôi trân trọng đề nghị ông :
1/ Có thông báo nói rõ là những lời tôi nói trong khi chuyện trò chưa được tôi xem lại và do đó tôi không chịu trách nhiệm về chúng. Mọi sự phê phán tôi dựa trên những gì được ghi lại đó là không có giá trị.
2/ Hủy bài viết để những lời tôi nói lúc đang rối trí không trở thành cái cớ cho những người khác lợi dụng.

Thưa ông
Trở lên là những đề đạt chính thức của tôi với Tổng biên tập một tờ báo chịu trách nhiệm cuối cùng về tất cả những gì đưa trên báo. Chiếu theo tinh thần luật báo chí của Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam( tôi đang có trong tay Quy chế phỏng vấn trên báo chí ghi ngày 1/7/2006 ), tôi nghĩ những yêu cầu của tôi là chính đáng và tôi có quyền theo đuổi những yêu cầu này tới cùng ; nếu những yêu cầu trên không được thực hiện, tôi đã nghĩ tới một vụ kiện lên các cơ quan có thẩm quyền.

Bây giờ cho phép tôi nói chuyện với ông như một người làm báo ở VN trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Xưa nay tôi vẫn kính trọng những cố gắng của VietnamNet trong việc thúc đẩy sự nghiệp thông tin trong nước. Tôi nhớ hồi còn sống nhà báo lớn Phạm Xuân Ẩn cũng rất có cảm tình với VNN và điều đó làm cho chúng tôi thêm yêu và tin tưởng VNN hơn.
Tất cả những thành tựu đó không thể tách rời những nỗ lực của chính ông với tư cách Tổng biên tập.
Tôi tin rằng là người làm báo có kinh nghiệm, ông rất thông cảm với những rắc rối phiền phức trong công việc khó khăn mà những người viết hôm nay phải chấp nhận.
Tôi tin rằng những đề đạt của tôi trong thư này sẽ được ông thông cảm và giúp cho.
Tự trong thâm tâm, ngay lúc này đây, tôi đã muốn bày tỏ lới biết ơn chân thành với ông.

Kính chúc ông sức khỏe và đạt nhiều thành tự trong công việc.
Kính
Vương Trí Nhàn
Địa chỉ : vuongtrinhan@vnn.vn

.............................................................................................................................................................................

Mấy lời trần tình

Vừa qua, một nam phóng viên Vietimes đã đến phỏng vấn tôi mà không xưng danh, trong buổi trò chuyện toàn giọng khiêu khích. Tôi đã dừng cuộc phỏng vấn lại giữa chừng. Vây mà sau đó, những câu trả lời của tôi lại đã được đưa lên mạng VietnamNet với những lời bình luận đầy ác ý.
Sau thư phản đối của tôi , cuối cùng ngày 4-11 , ông Tổng Biên tập VNN đã ngỏ lời xin lỗi tôi về cách làm việc của phóng viên .
Qua VNN , một lần nữa tôi muốn trần tình trước dư luận và xin không phải chịu trách nhiệm về những gì nói lúc đang bối rối đó.
Còn về công việc tôi đã làm – những ý kiến trò chuyện với mọi người, các bài sưu tầm bài viết đã in ở đây đó --, xin được nói rõ mấy điều
1/ Tôi cho rằng nhất định trước sau không thể không đặt vấn đề tự nhận thức dân tộc .
Trong quá trình tự nhận thức đó, không thể thiếu việc tìm hiểu thói hư tật xấu.
Khoảng 1968-1972 , cùng sống ở gác hai nhà số 4 Lý Nam Đế, tôi được Nguyễn Minh Châu chia sẻ nhiều suy nghĩ khi sáng tác . Tôi còn được ông cho đọc vài đoạn nhật ký nữa . Đây là một trong những đoạn Nguyễn Minh Châu ghi trong sổ tay hồi viết Dấu chân người lính : “Trong cuộc chiến đấu để giành lại đất nước với kẻ thù bên ngoài hai mươi năm nay, ta rèn cho dân tộc ta bao nhiêu đức tính tốt đẹp như lòng dũng cảm, sự xả thân vì sự nghiệp của Tổ quốc. Nhưng bên cạnh đó, hai mươi năm nay không có thì giờ để nhìn ta một cách thật kỹ lưỡng. Phải chăng bên cạnh những đức tính tốt đẹp thì tính cơ hội, nịnh nọt, tham lam, ích kỷ, phản trắc ,vụ lợi còn được ẩn kín và đã có lúc ngấm ngầm phát triển đến mức gần như lộ liễu? Bây giờ ta phải chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc. Sau này, ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, làm sao cho con người ngày một tốt đẹp. Chính cuộc chiến đấu ấy mới lâu dài”. Tôi đã trích dẫn đoạn nhật ký này trong một bài viết về Nguyễn Minh Châu mang tên Sự dũng cảm rất điềm đạm .( Bài này đã in trong tập Cánh bướm và đóa hướng dương bản in ở NXB Phụ Nữ 2006 tr 326).
Từ thời điểm đó, tôi đã nung nấu để có dịp là viết về thói hư tật xấu của chúng ta, trong mỗi người chúng ta.
Vì đã có nhiều người nói về những mặt hay mặt tốt của cộng đồng, nên tôi đi sâu hơn kỹ hơn vào phần thói hư tật xấu. Tôi nghĩ rằng trong số hàng ngàn hàng vạn người đã viết về cộng đồng nói chung, có một vài người đi sâu vào chuyên đề “ thói hư tật xấu” là cần thiết. Những giả thiết chúng tôi nêu ra sẽ được các đồng nghiệp khác chia sẻ, đào sâu thêm, hay phản biện, bác bỏ trong các trao đổi thảo luận. Và tất cả các kết quả nghiên cứu – cả mặt tốt lẫn mặt xấu -- , sau khi được kiểm nghiệm nhất trí, sẽ cùng tác động tới dư luận như một thực thể tổng hợp.
2/ Trong các bài viết vừa qua, tôi chỉ trình bày cái phương diện cụ thể mà tôi đã đi sâu tìm hiểu. Còn trong quá trình nghiên cứu, muốn được khoa học, tôi phải nhìn thói hư tật xấu trong toàn bộ tâm lý ứng xử của người mình nói chung. Trong “ phòng thí nghiệm cá nhân “ là sổ tay ghi chép riêng của tôi, tôi đã làm đúng như vậy.
Những phương diện tốt đẹp của người Việt, vẫn là tầng ngầm trong suy nghĩ của tôi. Khi trình bày các thói hư tật xấu, nhiều lần tôi đã nói rõ phần nào một sự thật : nhiều khi ở đây có sự chuyển hóa ; một thói xấu nào đó ban đầu vốn là một phản ứng cần thiết trước thực tế, chỉ vì bị đẩy lên quá đà và không có điều kiện sửa đổi mà nó thành mặt xấu.
3/ Khi viết , nhất là khi nói , có thể có một số chữ một số cách diễn tả , tôi dùng không thích hợp. Có những khi cách nói gây cảm tưởng vơ đũa cả nắm . Ai người có kinh nghiệm hẳn sẽ tha thứ cho tôi: nhiều khi phải say phải bốc phải nói quá lên một chút, thì mới tìm thấy hào hứng đi tiếp .
Lúc này đây, tôi đã nghĩ lại .Tôi đang đề cập tới những vấn đề nhạy cảm nên không được phép tự nhiên dễ dãi như vậy . Tôi tự hứa tới đây sẽ thận trọng hơn trong công việc .
4/ Nhìn toàn bộ, chỉ có thể nói là tôi viết về thói hư tật xấu của cộng đồng. Chụp cho tôi cũng như tất cả những ai chia sẻ suy nghĩ của tôi là nói xấu dân tộc là không đúng. Là con dân đất nước này, sao tôi lại có thể đứng ra làm cái việc bỉ ổi đó ?
5/Tôi không bao giờ tin rằng mình đã đi tới được những kết quả đúng đắn. Tôi sẵn sàng nghe những ý kiến ngược. Chính vì lý do đó mà khi một nữ phóng viên Vietimes gọi điện cho tôi, nói là muốn phản bác tôi, tôi đã nhận lời. Tôi tưởng qua việc trò chuyện với các bạn trẻ, tôi sẽ được dịp kiểm nghiệm lại nhận thức của mình. Ai ngờ…
Tuy nhiên, cho tới lúc này, tôi vẫn tha thiết mong các đồng nghiệp và bạn đọc tiếp tục trao đổi về các giả thiết mà tôi đã nêu. Một mình tôi thì làm được việc gì ? Cần có sự đóng góp của những người có kinh nghiệm sống nhiều hơn, đọc nhiều sách vở hơn, và có tầm nhìn xa rộng hơn.
Trong cuộc trao đổi này, tôi chỉ đề nghị một điều là chúng ta giữ lấy sự lương thiện của người làm khoa học, vừa làm vừa lắng nghe, không quá tự tin, không chụp mũ cho nhau, không mang vào đó những ân oán cá nhân.
Trong cuộc đời làm nghiên cứu của tôi ( viết văn nói chung cũng một cách nghiên cứu đời sống ), nhất định là có nhiều lầm lỗi. Nhưng riêng trong việc tìm hiểu thói hư tật xấu, tôi tự thấy mình chỉ có thiện chí. Cái tâm của tôi đã giúp tôi có thêm nghị lực mầy mò tìm kiếm trong một khu vực mới mẻ. Tôi mong những bạn bè và đồng nghiệp cũ, muốn “chiếu cố “ tới cả con người tôi nói chung, để cho một dịp khác.
Trước mắt chúng ta cần tập trung suy nghĩ về những vấn đề thiết thân tới sự nghiệp chung. Những gì mà các thế hệ trước chưa kịp làm , những người đang sống hôm nay phải bảo nhau làm bằng được .

................................................................................................................................................................................

Thư bạn đọc

Vương Trí Nhàn Cám ơn và đề nghị

Do sơ xuất và thiếu nhạy cảm, vừa qua trong công việc nghiên cứu, tôi có không may bị nạn. Trong những ngày khó khăn này, tôi đã được bạn bè đồng nghiệp gần xa chia sẻ cảm thông rất nhiều, kể cả trên các thư từ trực tiếp gửi tới tôi, cũng như qua các blog và các bài viết trên mạng. Trong lúc chưa kịp cảm ơn riêng từng người, tôi muốn qua đây gửi lời cám ơn chung tới các bạn.
Tôi nghĩ rằng rút kinh nghiệm từ trường hợp của tôi, những đồng nghiệp đang dũng cảm suy nghĩ về các vấn đề của xã hội VN hôm nay có thể yên tâm. Dư luận hiện đã đủ mạnh để phân biệt phải trái, và tinh thần hiệp sĩ “ kiến nghĩa bất vi vô dũng dã!” vẫn còn trên cuộc đời này, chứ không phải chỉ có những kẻ dửng dưng và “đục nước béo cò ”, ác ý và đố kỵ.
Tôi muốn dành lời cám ơn đặc biệt tới tòa soạn và cá nhân Tổng biên tập Talawas. Tính nhạy bén và khả năng bao quát tình hình của Talawas đã được chứng minh qua các bài vở và thư bạn đọc xuất hiện trong dịp này.
Trong khi chưa hết cay đắng vì bị ăn đòn, những ngày qua có một điều khiến tôi vui mừng là càng ngày càng có nhiều người quan tâm tới đề tài mà mình theo đuổi.
Nhân đây tôi có một đề nghị : Talawas nên có một chuyên mục riêng về “thói hư tật xấu người Việt” hoặc rộng hơn,” tìm hiểu người Việt ” “chúng ta tự nhận diện “ … Ngoài Talawas, những mạng đã mạnh hiện nay cũng dành ra những trang tương tự .Và nếu có những mạng chuyên về Việt Nam học thì càng tốt . Bởi như tinh thần mà tôi đã viết trong Mấy lời trần tình, nhu cầu tự nhận thức của dân tộc đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Những ai từng ấp ủ suy nghĩ bấy nay cần phải vào cuộc. Lảng tránh lúc này là có lỗi.
Từng người có thể sai lầm thất bại, nhưng xu thế tìm hiểu thói hư tật xấu ( theo nghĩa khoa học của từ này ) -- xu thế tự nhận thức -- thì phải như sóng trào ngày càng phát triển mạnh mẽ và có thêm những thành quả mới, có tác động ngay tới đời sống cộng đồng.


,.................................................................................................................................................................................




3) Bài phỏng vấn ông Vương Trí Nhàn (mới tinh, lên ngày 2/11/07) là một minh chứng khá điển hình cho nhận xét bên trên: thiếu đạo đức nghề nghiệp nhưng lại thừa sự láu cá ma mãnh tiểu xảo.

Ngay từ cái tựa và lời dẫn, phóng viên đã ngầm trao vào tay những độc giả nhẹ dạ một hòn đá to để “nhằm thẳng mặt ông Nhàn mà ném”. Đây là cách làm gì vậy, nếu không phải là cách làm của đám “thầy dùi chết chui”, của phường vu oan giá hoạ ?

Ai chuyên bới xấu để làm mầu cho lớp áo trí thức ngoài ông Nhàn? Ai mưu danh lợi bằng cách “làm yếu ớt đi, nhạt nhoà đi” chính cội nguồn của mình ngoài ông Nhàn? Mặc dù lời dẫn vào bài phỏng vấn nói một cách chung chung, phiếm chỉ, là “một lớp người”, nhưng người đọc ngay lập tức thấy lời dẫn này nhắm vào ai.

Nhìn chung, bài phỏng vấn này không còn thuần tuý là một bài phỏng vấn (phóng viên hỏi; người được phỏng vấn trả lời) mà nó giống như tường thuật một vụ, nói cho sang là tranh luận, nói cho chính xác là cãi nhau, mà sự cãi nhau này xẩy ra bởi một kẻ luôn khiêu khích (ở đây là phóng viên). Có những câu hỏi không hề là câu hỏi, bởi trước khi (làm ra vẻ như) hỏi, phóng viên đã cao giọng đưa ra hàng loạt khái niệm, qui định cho chính vấn đề được hỏi (rõ rệt ở phần hỏi đáp về “tự nhận thức”). Hoặc những câu hỏi đầy tính khiêu khích với những định kiến rất võ đoán như “Ông nói sao? Một thiên tài như Nguyễn Du cũng không biểu hiện cho nhận thức của dân tộc sao?”, “Chẳng nhẽ dân tộc Việt đã có hàng nghìn năm lịch sử lại không thể nhận thức được mình?” , “Đây là một cuộc phỏng vấn. Và với tư cách là một người con của dân tộc Việt, ông cảm thấy mình có bao nhiêu tính xấu trong đó?” (câu này đay đi đay lại 2, 3 lần, mặc dù ông Nhàn đã từ chối trả lời) … v.v

Đọc xong bài phỏng vấn, tôi chỉ tiếc cho ông Nhàn, đã không đủ bản lĩnh để đi đến cùng cuộc phỏng vấn bằng cách nhét … “ấy” vào mồm thằng phỏng vấn, theo nghĩa bóng, tức là dùng kiến thức của mình để lập luận, làm cho nó câm họng lại. Hoặc giả, không thể nhét “ấy” bằng nghĩa bóng thì chơi luôn bằng nghĩa đen, nếu không sẵn “ấy” thì ít nhất cũng vả vào mõm nó một phát ra trò rồi muốn ra sao thì ra (Việt Nam chưa có tiền lệ như vậy. Hình như, nước ngoài đã có nhiều)

Nhưng nghĩ lại, thấy phương án 2, tức phương án chơi theo nghĩa đen khả thi hơn, và hiệu quả hơn, bởi chơi theo nghĩa bóng, nó cứng họng, sự việc sáng tỏ, nó đếch đăng, (hoặc đăng mà cắt xén thêm bớt) thế là xong chuyện

Series “Người Việt xấu xí” của ông Nhàn trên TT-VH tôi không đọc, chỉ thỉnh thoảng vô tình bài nào “trôi nổi” trên mạng tôi mới xem qua. Nói chung, tôi không thích lắm. Không thích không phải vì nó đúng hay sai, mà vì cách ông viết hơi khô, hoàn toàn vắng bóng tính hài hước mà một đồng nghiệp của ông bên Trung Quốc (“Người Trung Quốc xấu xí”) có rất nhiều.

Tôi cũng không tin vào cái niềm tin của ông Nhàn, rằng “người ta đọc để biết, để sống tốt hơn”. Chả ai tốt lên hay xấu đi bằng cách đọc báo hay tác phẩm văn học. Nhưng tôi không phản đối và càng không kết tội ông Nhàn hay ai đó viết về “Người Việt xấu xí” là “làm nhạt nhoà nguồn cội”. Mấy chục năm qua, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và nền báo chí cách mạng đã sản xuất hàng mớ người tốt việc tốt, nay bì bõm ra biển lớn, hội nhập nhập hội, “tự vấn” một chút nếu không cho là cần thiết thì cũng chẳng đến nỗi chết bố con thằng nào, đừng có nâng quan điểm thành “nhạt nhoà nguồn cội” với chả “dịch nói xấu”.

Kết luận: Xét cho cùng, những hạt sạn trên trang vietnamnet không phải là đặc sản của tờ báo này, mà nó là căn bệnh chung của báo chí Việt Nam. Một nền báo chí công công thái giám, nền báo chí chưa bao giờ đồng hành và tôn trọng sự thật, mà không có cung cách làm việc như vậy mới là nghịch lí. Bởi thế, để tránh bức xúc không cần thiết, tốt nhất, cứ thấy “báo mậu dịch quốc doanh” thì nên xác định thái độ trước.

2007-11-08 03:37:01

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP