NHỮNG KHÓ KHĂN TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA LÝ LUẬN PHÊ BÌNH HIỆN THỜI

Một thời gian dài ( cho tới đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX ) , trong giới những người cầm bút ở ta , lý luận và phê bình -- từ đây gọi tắt là phê bình -- còn bị coi là một thứ con hoang con ghẻ , không được tích sự gì mà chỉ làm phiền cho giới sáng tác , bởi vậy người ta muốn nó càng thu hẹp hoạt động càng tốt ... Dăm bảy năm gần đây , phê bình có khá một chút với nghĩa có được người đọc theo dõi , đất dành cho nó trên báo chí nhiều hơn , người viết ra vào cũng tấp nập hơn , mặc dù tiếng kêu ca cũng nổi lên không ngớt . Đặt trong hoàn cảnh chung , phải nhận những cuộc bàn cãi chung quanh phê bình gần đây là một bước đi lành mạnh , đời sống đã tự phát điều chỉnh chúng ta có nhiệm vụ làm cho sự điều chỉnh đó đi đúng hướng . Câu hỏi tiếp tục được đặt ra là : Tại sao phê bình lại sa vào cái tình trạng như mọi người đang thấy ? Có phải là trời sinh nó như vậy hay là lỗi tại chúng ta làm nó sai lệch đi ? Nói cho cặn kẽ hơn : Liệu những cái mà chúng ta đang làm đã thực sự là phê bình , hay đó là một thứ gì khác đâu mới thực sự là thứ phê bình cần phải mong muốn ?

Ở ĐÂY CHƯA BAO GIỜ CÓ KHỦNG LONG

Trước tình hình khó khăn trước mắt , nhiều người thường mơ ước về những ngày xưa và lý tưởng hoá quá khứ . Với khu vực phê bình , người ta cũng có tâm lý đó , chẳng hạn cho rằng ngày nay không sao tìm ra những nhà phê bình bậc thày , hoặc mượn cách nói của một tờ báo , những khủng long như hồi nào . Riêng tôi nghĩ khác . Hiện thời chưa thấy có ai đứng ra viết lịch sử lý luận phê bình VN , nhưng một cái nhìn nghiêm túc chắc chắn sẽ đi tới một kết luận buồn , đó là ở ta chưa bao giờ có một nền lý luận và phê bình phát triển theo nghĩa đầy đủ của khái niệm . Suốt thời trung đại , làm gì có ai chuyên để tâm suy nghĩ về sáng tác , cỡ như Kim Thánh Thán hoặc Viên Mai ở Trung quốc. Bước sang thế kỷ XX , nghề phê bình mới nẩy nở , và nhìn lại thời tiền chiến , thấy còn lại một ít nhà , trong đó đến nay còn được đọc nhiều là Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan. Đây không phải là lúc đánh giá thành tựu phê bình của hai bậc thày này , song cho phép tôi từ những yêu cầu cao về nghề nghiệp , không đồng tình với ý kiến cho rằng đây là hai tài năng cỡ khủng long , huống chi trong nền văn chương tiền chiến , thơ phát triển là thế , tiểu thuyết phát triển là thế , chưa thể nói phê bình là có sự phát triển tương xứng . Xét sang thời kỳ từ sau 1945 đến 1985 , phê bình tạm gọi là nghiêm túc , nhưng lại mắc phải căn bệnh dung tục tầm thường , khô khan máy móc , hơn nữa cũng chưa có công trình nào đọng lại với thời gian . Khi mờ khi tỏ , cái quá khứ ấy còn in dấu vào đời sống phê bình hôm nay .

KHÔNG PHẢI TRƯỜNG HỢP NGOẠI LỆ

Sự non yếu của phê bình vốn không có gì là quá khó hiểu . Bộ môn này chưa bao giờ thành nghề và được đào tạo có bài bản ; nếu để các thày giáo mà nhiệm vụ chủ yếu là giảng dạy ở các nhà trường và ít nhà tiến sĩ ăn lương để nghiên cứu văn học quá khứ sang một bên , -- thì thấy người làm phê bình chuyên nghiệp gần như chẳng có một ai . Việc nhiều người tạt ngang tạt ngửa vào đây chưa chắc đã là điều hay . Chẳng những thế còn có thể xem cái sự đua đả dễ làm khó bỏ của họ như là dấu hiệu của một nền phê bình đang trong thời kỳ xuống cấp . Trong khi không có sự suy nghĩ bàn bạc về các vấn đề lớn lao và cũng cấp bách trong văn học nói chung , diễn đàn phê bình trên các báo nhiều khi biến thành nơi người ta bình tán bốc thơm nhau hoặc hạ bệ nhau , cùng nữa là ra điều thạo đời , lộ bem vài chuyện giật gân trong nghề , cốt để mua lấy sự cảm phục nhất thời và một ít tiếng cười dễ dãi của bạn đọc ! Tuy nhiên , theo tôi , sự yếu kém của phê bình như mọi người đang nói là chuyện bình thường . Nhìn vào tình hình ở nhiều khu vực khác thì thấy cảnh bê bết đâu có thiếu , học thuật của chúng ta ra sao chắc chẳng ai lạ , các khoa nghiên cứu như lịch sử , xã hội học chẳng có gì gọi là khả quan , ta đã có ai đáng được gọi là nhà triết học và có tác động tới đời sống tinh thần của xã hội đâu . Rồi phim ảnh mất mùa , rồi sân khấu ngắc ngoải ... Hoặc nhìn cụ thể vào khu vực sáng tác , nay là lúc sách xuất bản tràn lan , nhưng nhiều tác phẩm in ra độ một nghìn bản mà vẫn chìm nghỉm , người đọc nghiêm túc không tìm thấy vấn đề của mình trong đó , nên họ không đọc . Sự bất cập của phê bình là nằm trong sự bất cập nói chung của nhiều ngành nghề khác . Sẽ là vô lý nếu trong hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi nó phải phát triển cho xứng với những kỳ vọng mà ta mong muốn .

VIỆC ĐƠN GIẢN NHẤT CŨNG KHÔNG DỄ

MÀ LÀM NGAY ĐƯỢC

Lý luận và phê bình ở nhiều nước trên thế giới hiện nay được hiểu theo một nghĩa khá rộng, trên cơ sở cân đo đong đếm đánh giá tác phẩm cụ thể , người ta kiên trì tìm tới những khái quát có liên quan tới bản chất của sự sáng tạo , con đường phát triển của văn học , cùng là những quy luật chi phối đời sống tinh thần con người trong xã hội hiện đại và những kết luận rút ra sẽ tác động vào văn học như một phương thuốc tổng hợp . Còn ở ta , mỗi khi bàn về phê bình , thường chỉ thấy nổi lên những đòi hỏi khen chê cụ thể và những tác động đơn lẻ đến từng người sáng tác -- mọi mối quan hệ dễ bốc lên mùi vụ lợi , âu cũng có thể xem như một dấu hiệu nữa cho thấy sự non yếu của tư duy phê bình mà chúng ta phải tìm cách vượt qua dần dần ! Có điều theo chỗ tôi hiểu, ngay cái việc đơn giản đó , hiện nay cũng không dễ làm . Thứ nhất muốn có sự cân đo tàm tạm thì bản thân tác phẩm ra đời phải hoàn chỉnh tới một mức nào đó , đằng này ở ta hiện nay , sách vở nhiều cuốn mấy câu bắt vần sáo mòn cũng gọi là thơ , vài mẩu chuyện kể chắp nối rời rạc không ra đầu ra đuôi gì hết cũng gọi là tiểu thuyết , có hoạ là tài thánh mới đủ sức đọc hết mớ sách lộn ẩu ấy . Thứ hai , nói đánh giá phải có những chuẩn mực chung , đằng này trong xã hội , các giá trị đang phôi pha , mỗi chợ một cân , mỗi cửa hàng một giá , trông vào một đám cãi nhau ngoài đường biết ngay chẳng có phải trái gì hết , chỉ ai mạnh mồm người đó được . Một khi đã có sự khủng hoảng trong mọi sự định giá nói chung , thì sự định giá văn chương có tuỳ tiện như hiện nay , tưởng cũng không có gì là lạ .

XÂY DỰNG MỘT MỐI QUAN HỆ HỢP LÝ

GIỮA PHÊ BÌNH VÀ SÁNG TÁC

Quy luật của xã hội hiện đại là người ta vừa làm vừa luôn luôn thích bàn bạc về công việc của mình . Với thuận lợi của người trong nghề , nhiều cây bút sáng tác quay ra viết phê bình và qủa thật trong một số trường hợp , người ta lại thấy là hình như công việc phê bình đối với họ còn thích hợp hơn là sáng tác nữa . Có điều , nếu từ đấy mà khái quát lên rằng chỉ người sáng tác mới viết được phê bình , ai sáng tác hay bài viết phê bình của người đó càng hay , thì quá ấu trĩ ( nay là lúc cái câu tục ngữ nằm trong chăn mới biết chăn có rận đã quá lỗi thời , nếu nằm trong chăn mà da đã dày cứng , rận đốt không biết đau , hoặc nghiến răng chịu đựng giả vờ rằng mình không đau , thì sao bằng được người ở ngoài có sự quan sát chăm chú và một thái độ phục thiện tối thiểu ! ). Có điều lạ , trong khi không bằng lòng với tình hình phê bình nói chung -- phải nhận đây là một sự bất mãn cần thiết và có lý --- , một số người thích bịa ra một giới phê bình chuyên nghiệp để nạt nộ : Sao sáng tác của chúng tôi sôi nổi hấp dẫn như thế mà các anh không đủ sức làm cho nó hay ho hẳn lên để bạn đọc tìm đọc ? Sao các anh không lên tiếng lập lại sự công bằng ? Sao các anh không gìn giữ cho văn chương sự thiêng liêng mà nó bị mất ? Chỗ trong nghề với nhau mà nói , đâu có thể gọi cái lối tháo dạ đổ vạ cho chè ấy là hợp tình hợp lý cho được ! Nhưng thôi , để thái độ vô lý đó sang một bên , điều tôi ngại ngùng hơn là trong thâm tâm , một số nhà văn hiện thời vẫn nghĩ về phê bình một cách khá bạc bẽo . Họ cho rằng đó là một thứ bánh xe thứ năm , ngón tay thứ sáu , toàn đồ ăn bám . Lúc viết lách bí thì họ ngả sang phê bình một tí cho vui , hoặc nhân cơ hội này tô vẽ cho bản thân cốt ghi tên mình vào lịch sử , chứ trong thâm tâm , vẫn nghĩ sáng tác là cả một khu vực thiêng liêng , không ai cắt nghĩa nổi mà cũng chẳng có gì có thể tác động tới . Tôi thì tôi tin một sự phát triển bình thường của văn chương chỉ có thể được tái lập khi số đông người cầm bút từ bỏ tâm lý sùng bái sáng tác , sùng bái hành động như hiện nay , để nghiêm chỉnh tìm hiểu công việc văn chương .Và xét trên phạm vi cả xã hội nói chung , đã đến lúc sự hình thành những cây bút chuyên nghiệp là một nhu cầu có thật . Bước vào giai đoạn phát triển hiện đại , mọi nền văn học trên thế giới đều lo hình thành cho được một đội ngũ phê bình chuyên nghiệp , ở ta chắc cũng không thể có một quy luật nào khác ./.

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP