SỰ TIẾN HOÁ CỦA TRUYỆN NGẮN VỀ MẶT THỂ TÀI

Khi cần sắp xếp các bài mục, các tuyển tập thơ văn, vì nhiều lý do khác nhau, thường theo thứ tự chữ cái tên tác giả. Làm thế cũng có cái tiện của nó. Nhưng còn những cách sắp xếp khác: sắp xếp theo chủ đề, theo đường dây nội dung; sắp xếp theo thế hệ tác giả - tuyển tập thơ bốn năm chống Mỹ đã từng làm theo lối này, và được nhiều người khen ngợi, v.v.
Riêng tôi, cái thứ tự mà tôi thích tìm hơn cả, trong một tuyển tập là thứ tự thời gian. Thời gian ra đời của tác phẩm, cái đó thê gớm lắm. Đầy uy quyền, đồng thời lại kiên nhẫn, bền bỉ, thời gian luôn luôn tìm cách in dấu ấn của mình lên mọi yếu tố của nội dung và hình thức mà chúng ta sử dụng. Lần lần từng bước một nối tiếp, thời gian thường khi tỏ vẻ hờ hững không đâu, mà thật ra, rất hiểu biết cái quy luật lịch sử và vừa nghiêm khắc, vừa bao dung đủ mọi hiện tượng. Đi tìm dấu vết thời gian với một tác phẩm quan trọng như tập 33 truyện ngắn chọn lọc, tuyển từ truyện ngắn được bạn đọc ưa thích, trước tiên điều cần theo dõi là sự tiến triển về mặt nội dung tư tưởng, nhưng việc ấy, đã có một vài đồng nghiệp khác làm. Trong phạm vi bài này, tôi thử theo dõi sự tiến triển theo thời gian của hình thức thể tài các tác phẩm. Ba mươi năm sau cách mạng, thể tài truyện ngắn, cùng sinh thành nảy nở, theo những hướng rất khác trước. Giống như quần áo mà chúng ta mặc, giống như lời ăn tiếng nói mà chúng ta vẫn dùng, lại cũng giống cả vẻ người vóc dáng mỗi chúng ta mà người này người kia hàng ngày đã quá quen biết, nên không đủ sức nhận ra nữa, nhưng thực sự là tất cả đã có thay đổi sau mấy chục năm cách mạng. Len vào các yếu tố của hình thức, những dấu ấn thời gian có vẻ hơi khó nhận ấy, thường khi là những dấu ấn rất vững bền. Nó nói với chúng ta về sự tiến triển của truyện ngắn sau cách mạng. Tự nó toát ra cái triết lý chính trong các tác phẩm. Tính nội dung của hình thức là một điều có thực.

*
Dù không có những thống kê chính xác, trên đại thể, có thể biết chắc, sau khi cách mạng thành công, vào những ngày đầu tiên của cuộc sống mới, tức khoảng 1945-46, những thể tài văn học phát triển hơn cả là thơ và ký. Thơ để phát biểu xúc cảm, ký cũng để phát biểu và nhất là để ghi chép sự kiện. Văn xuôi bấy giờ, chưa thể có những tiểu thuyết đã đành, ngay truyện ngắn cũng là rất gần với ký. Vào trong tuyển tập lần này, trường hợp của Tiếng nói (Nguyên Hồng) và Một lần tới Thủ đô (Trần Đăng) cũng là nằm trong cái mạch chung của truyện ngắn thời gian ấy. Cả hai truyện đều là những phác hoạ, phác hoạ về cảnh đời, về tâm trạng. Trong cả hai truyện đến khó tìm ra nhân vật chính, nhân vật không có tên, một người đàn ông, vài ba bà con hàng phố, bốn chiến sẽ chưa ai có tính cách gì cả. Làm cho truyện ngắn đứng được, lại là một cái gì khác, cái ý tứ chung của câu chuyện, điều định nói, đột ngột và quả quyết của tác giả. Goócki từng nhận xét truyện ngắn gần với tiểu luận. Có thể thấy cả Tiếng nói lẫn Một lần tới Thủ đô là những ví dụ về một hướng đi của truyện ngắn sau cách mạng, hướng tiểu luận. Trong phạm vi cho phép, truyện cố gắng chăm chút cho sự hình thành và ảnh hưởng của vấn đề đặt ra, hơn là các khâu hoàn cảnh nhân vật. Dù hoàn cảnh và nhân vật có được khắc hoạ kỹ lưỡng đến đâu, tự nó sẽ mất hết sức sống nếu thiếu đi sự soi rọi của vấn đề quán xuyến đó. Và không phải những lý sự vặt đâu, mà toàn truyện ngắn là một phát biểu của tác giả trước một vấn đề nghiêm túc. Trận đói ghê gớm năm Dậu, nỗi khao khát của mỗi người, của cả xã hội muốn vượt lên trên đói kém, chết chóc, để thay đổi đời mình, đó là cái tiếng nói của cuộc sống mà Nguyên Hồng nghe được, trong những năm ấy. Trần Đăng thì cảm nghe một cái gì đang giằng xé lòng mình, nỗi ước ao muốn chia tay với quá khứ, muốn tất cả hôm qua hãy dứt hẳn đi, để đón lấy một cuộc sống mới.
Có một lý do để truyện ngắn 1945-46 gần với tiểu luận: đời sống đang ở những bước thay đổi quyết liệt, đòi hỏi mỗi người phải can đảm để sống hết những quyết liệt ấy. Nhìn rộng ra, ba mươi năm qua, thời gian tuy dài, nhưng về mặt lịch sử, thì cũng lại là cái thuở ban đầu của cách mạng, truyện ngắn phải đảm nhiệm vai trò của tiểu luận, dòng truyện ngắn tiểu luận còn được nối dài thêm một ngòi bút sắc sảo như Nguyễn Khải, thực thành thạo từ việc dựng vấn đề đến khai thác vấn đề trong một truyện ngắn vài mươi ngàn chữ. Ngay Người tù binh da đen của Nguyễn Đình Thi cũng là một thứ truyện ngắn tiểu luận. Vài nhân vật được phác hoạ sơ sài, câu chuyện có vẻ bâng quơ, như không có gì xảy ra, truyện vẫn đứng được bởi lẽ các chủ đề mạnh mẽ của nó: thức tỉnh.

*
Khoảng 1947-1948, trong khi làm báo Cứu quốc, bên cạnh nhật ký ở rừng, Nam Cao viết Đôi mắt. Cũng thời gian này, Tô Hoài có tập truyện ngắn Núi Cứu quốc, Nguyễn Tuân viết nhiều tuỳ bút, và nay góp vào tuyển tập cái truyện ngắn vốn cũng rất gần tuỳ bút là Hai con đò danh dự. Mê mải đi theo bộ đội, Trần Đăng viết những sổ tay "cro quis" - như anh gọi - lấy tên là Trận Phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị. Điểm lại dù còn thiếu sót, một vài nét của sinh hoạt văn xuôi trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta thấy gì? Thực tế lớn lao quá, các nhà văn đang còn muốn ghi vội lấy cho được, chưa ai đứng lùi ra xa để cho đời sống thấm vào mình. Trong Tập văn cách mạng và kháng chiến, cả ngòi bút viết truyện nổi tiếng như Nguyễn Công Hoan, như Ngô Tất Tố cũng xuất hiện như những người viết ký, cho in những Người lính, Buổi chợ trung du, v.v. Hèn nào mà hai mươi năm sau, dòng ký trong truyện ngắn lại trở lại chi phối mạnh mẽ, như sau này chúng ta sẽ nói.
Riêng trường hợp Đôi mắt, thì trên cơ sở một tình huống có thực trong cuộc đời, Nam Cao lại có được một thiên truyện có ý nghĩa khái quát khá sâu sắc. Như người ta thường phân chia, truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng có một dòng viết về nông dân, một dòng khác viết về cuộc đời những người tiểu tư sản, mỗi truyện là một mảnh đời quanh quẩn của con người muốn thay đổi, nhưng hoàn cảnh không thay đổi, hoặc chính mình cũng không đủ sức mà thay đổi gì nữa. Thành thử, tuy cố đẩy các tình huống trong truyện lên thành những sự kiện có ý nghĩa nhưng không nổi, cái sự kiện chính vẫn là toàn bộ cuộc đời kéo dài ra, vớ vẩn nhạt nhẽo một cách rất gay gắt. Đứng trên phương diện đó mà xét, thì Đôi mắt là một đổi mới, Nam Cao không còn nói về ngưng đọng mà đã nói về đổi thay, phần kết thúc truyện ngắn không phải là trở về với điểm xuất phát ban đầu nữa, mà đã mở ra một hướng khác. Nhân vật chính trong Đôi mắt giờ đây cả quyết tin tưởng ở cái hướng đi của mình, tin tưởng ở cuộc đời, làm sao mà những Thứ, những Điền của anh hôm qua có thể có một nỗi lòng thanh thản như vậy được? Mà do nhân vật thanh thản, câu chuyện cũng trở nên rõ ràng, mạch lạc hơn, đoạn kết Đôi mắt tưởng như bỏ ngỏ mà hướng đi đã rất rõ. Bảo rằng Tiếng nói, Một lần tới thủ đô gần tiểu luận, có thể có người còn e ngại về chính cái chất truyện ngắn của các tác phẩm đó ra sao? Nay Đôi mắt với nhân vật sắc nét, cá tính mạnh mẽ, mà cái phần riết róng về tư tưởng vẫn rõ đã là một bằng chứng đáng tin cậy hơn về chất tiểu luận có thể có trong một truyện ngắn.
Tuy không có những đổi mới về nghệ thuật viết truyện như Đôi mắt nhưng Làng của Kim Lân lại trội hơn hẳn về bề dày đời sống và cái phần dựng tạo không khí trong việc diễn tả quá trình cách mạng và kháng chiến đến với đời sống mỗi người bình thường. Không dễ có nhiều truyện ngắn đạt đến một trình độ nhuần nhuyễn như thế.
Sau tập Núi Cứu quốc, phải tới Vợ chồng A Phủ, ngòi bút viết truyện ngắn của Tô Hoài mới có được cái lui tới thoải mái, như Trăng thề ngày nào. Về mặt dựng truyện, Vợ chồng A Phủ có chỗ khác các truyện ngắn trước kia là muốn men theo cả quá trình đổi thay, giác ngộ của con người.
"Đi" cải cách ruộng đất, Nguyễn Công Hoan có tập Nông dân và địa chủ trong đó xem cách viết của một truyện như Cây mít, thật khó lòng nhận ra ngòi bút của tác giả Kép Tư Bền… ngày nào. Bùi Hiển thì có tập Gặp gỡ, mực thước trung hậu. Bằng cách này hay cách khác, các nhà văn trước Cách mạng đều muốn thể nghiệm và thực sự chứng tỏ rằng ngòi bút viết truyện ngắn của mình đã "khác trước".

*
Trong khi điểm qua các truyện ngắn hồi kháng chiến, trên đây, chúng ta còn chưa kể tới Thư nhà. Đôi mắt, Làng, Hai con đò danh dự… là của các nhà văn chuyên nghiệp, khi Thư nhà ra đời, Hồ Phương còn là một người viết công tác ở một đơn vị chiến đấu, chỗ khác của Thư nhà là ở chỗ ấy. Vượt lên trên những ghi chép dang dở và những truyện ngắn còn sượng của các cây bút mới viết hồi đó, Thư nhà đứng tách ra một mình, bơ vơ. Song về mặt cách viết, Thư nhà gọn ghẽ, trong sáng, một thứ hình thức giọng điệu chứa được nhiều nội dung khác nhau, nhất là rất hợp với những xúc cảm vừa thiêng liêng, vừa trữ tình của những con người mới, lớn lên sau Cách mạng và trưởng thành trong kháng chiến. Chúng ta thường hay bàn về những vấn đề lớn lao trong văn chương mà không xem xét một cái gì cho kỹ một chút. Một Thư nhà chẳng hạn, có thể làm tài liệu để các nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ cùng xem xét, tự thân nó không thật xuất sắc nhưng lại gồm chứa những khía cạnh tiêu biểu, làm nên một thứ nét mặt dễ gặp nhất, của văn xuôi chúng ta những năm gần đây.
Khoảng 1960 trở đi, Hồ Phương liên tiếp cho ra đời những Cỏ non, Xóm mới, Trên biển lớn, cách viết na ná như Thư nhà. Và theo chỗ tôi hiểu, nhiều truyện ngắn đăng rải rác trên báo chí của nhiều cây bút mới vào nghề khác, là gần gũi với Thư nhà ở cách nói, giọng điệu, cách khái quát đời sống, quá trình chuyển hoá tài liệu từ đời sống vào tác phẩm.
Bên cạnh Hồ Phương, và có những khía cạnh còn đi xa hơn Hồ Phương, những năm khoảng từ 1958-1963, hàng loạt cây bút viết truyện ngắn ra đời, mỗi người một vẻ. Vũ Tú Nam muốn tìm vào cái mạch truyện dân gian thơm thảo, giản dị, trong khi Nguyễn Quang Sáng không ngại những chuyện gay gắt, gay cấn. Cái hiện đại mà sắc sảo, cái hiện đại đến hơi buông thả trong cách viết truyện dựng truyện của Nguyễn Khải, lần đầu đọc Một cặp vợ chồng của anh, tôi hơi ngơ ngẩn sao truyện lại kết thúc lửng lơ như vậy, sau tôi mới hiểu chẳng qua mình quá quen với lối viết có đầu có đuôi, nên gặp cái gì khác lạ là sinh ra ngần ngại. Đối lập lại về mặt cách viết, là Nguyên Ngọc, nhà văn này trong sáng một cách rất cổ điển trong Rẻo cao; còn Nguyễn Ngọc Tấn thì lại chan hoà chữ tình với Trăng sáng, Đôi bạn. Làm cho ta biết rung động với những điều rất tinh tế, đó là Hải Hồ và Bùi Đức ái, Huy Phương và Nguyễn Thành Long. Từ một câu chuyện bình thường trong đời sống, nâng lên thành một điều suy nghĩ khá sâu xa về cái còn cái mất sau cuộc kháng chiến chống Pháp và những phục hưng của đất nước, đó là Những đứa con của Nguyễn Kiên. Sau này, dù có đọc những truyện ngắn viết kỹ hơn, hay hơn của anh, tôi vẫn không quên được Những đứa con. Còn Vũ Thị Thường, quả thật, Cái hom giỏ giờ đây không phải là truyện xuất sắc nhất của chị nữa, nhưng đó biết đâu lại là một điều may? Đặt bên cạnh cái trong sáng khúc chiết của người này, cái nhiều lời lắm ý của người khác, thấy văn xuôi Vũ Thị Thường đứng riêng ra một góc, đấy là tiếng nói một người phụ nữ nông thôn mới, chúng ta chưa từng nghe trong văn chương.
Tôi không thể kể hết những người viết truyện ngắn, những năm 1958-1963, mà có thể nói là tôi đã từng chịu ơn. Có những người như Bùi Hiển, đọc Nằm vạ từ trước, đọc sang Gặp gỡ thấy anh vẫn chắc tay, thời gian này còn được hai truyện ngắn mà tôi không bao giờ quên là ánh mắt và Một câu chuyện trong chiến tranh. Có những người như Xuân Cang, nhớ cả một giọng văn của tác giả Lên cao và nhớ một truyện tôi cho là hay nhất của anh: Chiến sĩ và cô em gái, v.v. Cái nhớ của người ta về một tác phẩm bao giờ cũng có yếu tố của chính mình, như một người đọc, một người thưởng thức, nên rất khó lòng coi là một cái gì nhất trí, không được bàn cãi nữa. Tôi chỉ muốn nói một điều, là có một hồi, khoảng 1958-1963, truyện ngắn từng là nơi để cho tất cả các cây bút sung sức nhất của chúng ta đến khoe sắc, mỗi tác giả gần như đều có một truyện ngắn hay, và do đó, làm năm 1961, Tuyển tập văn (in làm hai tập) lấy rất nhiều từ những truyện ngắn mới viết trong khoảng thời gian gần đấy, đã rất đa dạng. Rồi ra vượt lên trên cái cụ thể đó, vẫn thấy một cách cảm nhận đời sống chung, giữa các nhà văn, từ đó dẫn tới một giọng điệu chung của các tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ của chúng ta cái trong sáng, rõ ràng của tư tưởng: lối cảm thụ đời sống, nặng về trữ tình. Do chỗ chủ đề các truyện là những vấn đề lớn như sự thức tỉnh của con người, sự hồi sinh của đất nước, sự thắng lợi của chính nghĩa, v.v. nên truyện trong sáng, ánh lên một vẻ đẹp duy lý thường khi có đầu có đuôi, hiền hậu. Sức hấp dẫn chính của truyện ngắn chúng ta, chủ yếu là sức hấp dẫn của đời sống thực tế; vào khoảng những năm sau khi hoà bình lập lại, nửa đất nước miền Bắc hồi sinh sau chiến tranh, thơ truyện cũng được tiếp từ đó để khơi lên trên các trang sách cái không khí lâng lâng mơ mộng rất thanh xuân. Cho đến khi tiếng súng chống Mỹ nổ ra, dần dần những biến chuyển tiên tiến trong hoàn cảnh mới làm cho văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng đổi khác, những yếu tố manh nha trở thành cái dòng cái mạch chủ yếu.

*
Hình thành từ rất sớm bên cạnh phần thơ của Thanh Hải, Giang Nam, là những lá thư Từ tuyến đầu Tổ quốc, các tập Về làng của Phan Tứ, Sống như anh của Trần Đình Vân, văn xuôi giải phóng rõ ràng có bộ mặt riêng, sau này, đó cũng là những yếu tố đã chi phối hàng loạt tác giả: Trần Hiếu Minh và Anh Đức, Nguyễn Sáng và Lê Văn Thảo, Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi. Thực tế thật có sức mạnh ghê gớm, phần lớn các tác giả trên và nhiều tác giả khác đều trải qua những ngày ở miền Bắc, vậy mà khi vào vùng giải phóng, là họ viết khác đi, và đến nay, trong văn học, phần lớn đứng cái tên và mỗi người đã lấy, hồi ở Văn Nghệ Giải phóng.
Nếu những cây bút ở miền Bắc thâm nhập chiến trường là dòng chảy xuôi, thì có một dòng chảy ngược lại. Đó là ảnh hưởng lớn của truyện và ký ở các vùng giải phóng đối với văn xuôi miền Bắc từ sau 1964 trở đi. Có thể là do hoàn cảnh, khi tiếng súng đã nổ, thì văn chương ở đâu cũng vậy, nữa đây lại là văn chương của hai miền đất nước cùng một tư tưởng chỉ đạo.
Ký phát triển, trong một khái niệm ký, có thể thấy nhiều loại văn chương khác nhau, chỗ gần báo chí, "văn học báo cáo", chỗ nói rất nhiều cảm xúc của tác giả, nhưng tất cả đều dựa rất chắc trên một nền móng tư tưởng chung: tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ký phát triển, trong khái niệm ký, đã bao gồm cả cách làm việc của các nhà văn, từ cách đi lấy tài liệu cho tới cấu trúc bài viết, những mở đầu và những cách kết luận được mọi người cho là hợp lý. Rồi từ những truyện ký chủ yếu viết về chiến đấu đó, thêm vào những sinh hoạt bình thường, một tí tình yêu chẳng hạn, chúng ta có những truyện ngắn hoặc tiểu thuyết.
Tôi không nghĩ rằng có thể dễ dàng mà miêu tả được những đặc điểm văn xuôi giải phóng nói riêng, văn xuôi của cả nước trong những năm chiến tranh nói chung. Khối lượng tác phẩm nhiều người viết nhiều thể loại, ngoài những nhà văn cũ, còn rất nhiều nhà văn mới, trưởng thành từ những năm gần đây. Các thể tài văn xuôi lúc này lại phát triển chồng chéo. Chọn lọc từ vô số truyện ngắn rải rác loại đó, những Con chị Lộc (Anh Đức), Về làng (Phan Tứ), Chuyện xóm tôi (Nguyễn Thi), Mùa nấm tràm (Đinh Quang Nhã)… kết lại thành một cụm có sự nhất trí, nhưng lại có sự khác nhau, mà phải hợp cả lại, chúng ta mới hiểu được một vài điều cần thiết.
Khi giới thiệu Trần Đăng, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: "Văn Trần Đăng, cũng như đời sống của anh, nhiều tính cách lý trí, một lý trí cố gắng sáng suốt, kiểm soát chặt chẽ mọi ý nghĩ và tình cảm, cân nhắc từng nhận xét nhỏ". Không biết có khiên cưỡng không, nếu coi đó là nhận xét chung về văn chương của ta, trong cái phần cơ bản của nó? Hồi sinh thời Trần Đăng, trong văn chương chưa có mấy chữ nửa ký nửa truyện, nhưng một cách gọi như thế, là vừa khít với tác phẩm của anh hồi trước, mà cũng là rất đúng để gọi cái dòng chủ yếu trong truyện ngắn những năm gần đây. Nguyễn Sáng viết mộc mạc dân gian, và Nguyễn Thi nhiều chỗ có phần khoa trương, cách điệu. Anh Đức cố tạo ra một thản nhiên khi kể lại một câu chuyện gay cấn, còn Phan Tứ thì gân guốc, xác thực như cầm sổ cầm bút bám theo từng chuyển biến của nhân vật…. Thiên biến vạn hoá vậy đấy, mà rút lại đọc tác phẩm của các anh, cũng như của nhiều anh em khác, luôn luôn có cảm tưởng chung: trong đời sống đã có một câu chuyện nào gần gần như vậy, với cách giải thích cũng đã được mọi người công nhận như vậy, các anh chỉ làm công việc sắp xếp lại. Y như ngày xưa, chúng ta đã có thể tìm tới từng đơn vị, từng con người, mà Trần Đăng đã viết vào truyện nọ truyện kia. Sau mấy chục năm, các ngòi bút thay đổi, đại thể có mềm mại hơn, uyển chuyển hơn, cái đó là lẽ tự nhiên, mà cái phần sáng suốt của lý trí thì vẫn lại là cái gốc, nằm ở bố cục câu chuyện, nhịp điệu câu văn, toát ra qua tác phẩm, trở thành một triết lý chính. Với sự phát triển hết sức rộng rãi của nó. Loại tác phẩm nửa truyện nửa ký và giàu tính cách lý trí vừa kể, đang làm nên khuôn mặt truyện ngắn hôm nay, và cả con đường phá triển của truyện ngắn trong những ngày tới. ý tôi muốn nói, những truyện vừa kể trên và những truyện gần gũi kiểu ấy, hợp lại đã tạo thành một dòng truyện ngắn chủ yếu, dựng tạo ảnh hưởng của mình trong toàn bộ sinh hoạt văn học nói chung. Một người như nhà văn Bùi Hiển chẳng hạn, tác giả của ánh mắt, Một câu chuyện trong chiến tranh hôm qua, nay trong hoàn cảnh mới, cho ra đời rất nhiều truyện ký, và cái truyện được tuyển vào 33 truyện ngắn chọn lọc lần này, cũng là có chất ký. Hoặc một Xuân Cang, với cái Đêm hồng tương tự, tất cả những điều ấy có lý do của nó. Đã bao nhiêu nhà văn trong chống Mỹ làm việc như Bùi Hiển, như Xuân Cang, tác phẩm không được tuyển, nhưng vẫn đứng đó, như kỷ niệm về những năm tháng không thể nào quên được.

*
Làm chứng cho sự phát triển truyện ngắn trong những năm chiến tranh bên cạnh cái dòng chủ yếu kể trên, còn có những truyện ngắn khác trên cơ sở sự nhất trí về tư tưởng lại theo những ngả lối khác đi về mặt bút pháp, làm cho bức tranh chung thêm màu sắc. Mùa cá bột của Đỗ Chu đưa vào đây là viết hồi 1963, từ ấy trở đi cho đến những năm 1967-1970, anh còn viết liền những Phù sa, Ráng đỏ, làm nên một mạch truyện trữ tình, nó như một thứ hồi quang của truyện ngắn của những năm 1964 trở về trước. Nói lên cái bỡ ngỡ của những ngày đầu chiến tranh, một thứ bỡ ngỡ đến lúng túng trước một vẻ đẹp kỳ lạ mà mỗi người chưa từng biết tới, đó là trường hợp Mảnh trăng cuối rừng. Nhận xét rằng nhiều truyện ngắn của chúng ta là giàu chất thơ, có lẽ còn là chung chung, rồi sẽ có lúc, chúng ta phải nói với nhau thật sòng phẳng, chất thơ là thế nào, chất thơ Việt Nam ra sao, từ đó, cách đánh giá về truyện ngắn cũng phải chăng hơn. Nội một điều, số cây bút truyện ngắn của chúng ta được mệnh danh là giàu chất thơ khá nhiều đã đáng để chúng ta suy nghĩ. Về mặt tư tưởng, giờ đây mỗi người viết đã có một cách nhìn nhận khác hẳn Thạch Lam, Đỗ Tốn (tác giả Hoa vông vang) trước kia, song về mặt cách viết, xin cho phép tôi được nói một cảm tưởng, những người viết theo lối Thạch Lam hiện nay thường thành công nhiều hơn là những lối viết khác, một Nguyễn Công Hoan, một Nam Cao. Một thứ truyện ngắn gần ký, và một thứ truyện ngắn gần thơ, đó là hai mạch chủ yếu của truyện ngắn chúng ta chăng? - Dĩ nhiên là nói một cách bao quát, bởi lẽ bên trong mỗi dòng như vậy, lại vô số cách viết khác nhau, và giữa hai dòng, còn không biết bao nhiêu là khu vực tiếp nối, đủ chỗ cho các cây bút khác nhau nhất phô diễn vẻ đẹp riêng của mình. Cuối cùng, cái phải tìm là một thứ mẫu số chung của cả truyện, ký, thơ, nói rộng ra có thể coi là những nguyên tắc chung chỉ đạo việc tổ chức hình thức trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng ta, có điều, hiện nay, nhiều người mới tìm cách cảm nhận trong tiềm thức và làm theo thói quen, bảo ban nhau theo lối truyền khẩu; công việc khái quát còn là phải đợi một thưòi gian nữa.
Tính cho chi ly, trong tuyển tập 33 truyện ngắn chọn lọc, các tác phẩm được chọn của các nhà văn quen thuộc bậc nhất của chúng ta, Nguyễn Đình Thi và Tô Hoài, Nguyễn Tuân và Kim Lân, Nguyễn Khải cũng như Nguyên Ngọc, rồi Nguyễn Văn Bổng, rồi Nguyễn Kiên, Hữu Mai và Hồ Phương, v.v. phần lớn là viết trước 1964. Lý do là thời gian gần đây, các anh xoay qua viết truyện dài, truyện vừa. Trong khoảng thời gian đó, có một số cây bút viết truyện ngắn nổi lên, như Đỗ Chu vừa nhắc, hoặc Triệu Bôn với Mầm sống, hoặc Lê Lựu với Người cầm súng, v.v Nhiều hơn những cây bút truyện ngắn khác, số trang viết và số đầu truyện khá dày dặn, một Ma Văn Kháng viết khá đều về miền núi, Lý Biên Cương và Tô Ngọc Hiến chuyên viết về công nhân, Tô Hải Vân muốn mang cái nhịp nghĩ của nhữn người trí thức mới vào văn xuôi, v.v. và v.v Giữa bao nhiêu người viết sàn sàn đều nhau, phải nhận một số tác giả trên có nổi lên ở khả năng làm việc sôi nổi, và ý hướng đi vào một cách viết khác, dù là hôm nay, những cái viết được còn là dở dang, chưa thực chín đến mức có thể chọn vào các tuyển tập. Nếu hỏi những năm gần đây, có ngòi bút nào mang lại đổi mới thực sự cho truyện ngắn, làm được một hai tập truyện cho chắc tay, thì còn chưa thấy. Thông thường có hiện tượng người viết truyện ngắn cố viết mươi truyện đăng báo giữ lấy một cái tên, để chuyển sang truyện dài. Trong dịp chờ đợi đó, một ít thay đổi trong cách nhìn, trong cách viết, hoặc là tuỳ tiện, mô phỏng ở đâu đó, mà không thực sự nảy sinh từ thực tế sáng tác, hoặc tự phát ngẫu nhiên, người ngoài đọc thấy lạ, nói ra, người viết mới biết, mà chưa phải là làm chủ được ngòi bút của mình, những đổi mới như vậy vận mệnh thường rất ngắn ngủi, lác đác mỗi chỗ một chút, mà chưa hình thành nên một cái gì. Rút cục, muốn hình dung một thứ nét mặt riêng của truyện ngắn sau cách mạng, vẫn là phải nhìn vào những tuyển tập nhiều người, mà chưa thấy đúc lại ở một hai ngòi bút nào thật xuất sắc.
Trong số những truyện có mặt trong 33 truyện ngắn chọn lọc được viết muộn nhất là Cái lạt, Lặng lẽ Sa Pa, và Chuyện bên bờ sông Vàm Cỏ. Đó cũng là một điều ngẫu nhiên hợp lý. Truyện sau là của Lê Văn Thảo, một cây bút chuyên viết truyện ngắn thuộc lực lượng văn nghệ giải phóng. Nguyễn Thành Long và Vũ Thị Thường thì lại còn gắn bó với truyện ngắn lâu hơn, chung thuỷ với thể tài này trên dưới hai chục năm nay, và về mặt nghề nghiệp, cũng tiêu biểu cho cách viết truyện ngắn của chúng ta hiện nay. Cả mấy truyện trên đều ra đời vào khoảng 1969-1970, hình như đó cũng là một cái mốc, đánh dấu sự phát triển của truyện ngắn trong một giai đoạn, và đòi hỏi rằng, phải có những đổi mới trong nội dung, để từ đó, có được những đổi mới về hình thức thể tài, trong giai đoạn tới, tức chính giai đoạn chúng ta đang sống.
6-1977

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP