Thi pháp : Sự hình thành , nghĩa , và xu thế ứng dụng

(Một số thu hoạch từ những kinh nghiệm
của khoa nghiên cứu văn học xô viết )

Một thời gian dài trước đây việc du nhập các loại kiến thức mới mẻ trong lĩnh vực nghiên cứu văn học ở ta đều thông qua con đường tiếp xúc với văn học Nga.Thi pháp cũng nằm trong trường hợp đó.Sau khi đã làm quen với Bakhtin, Likhatsev , Lotman, Kozhinov…, chúng ta mới tiếp tục đọc rộng ra các nhà nghiên cứu Tây phương . Điều đó còn kéo dài ảnh hưởng cho tới ngày nay. Bởi vậy , trên đường tìm tới một cách hiểu đúng khái niệm thi pháp, có lẽ tốt hơn hết là bắt đầu từ các tài liệu tiếng Nga thời kỳ Xô - viết .
Cùng với Puskin , Lermontov , Gogol, Tolstoi... Dostoievski là một trong những văn hào Nga thế kỷ XIX được giới nghiên cứu Liên xô trước đây“để mắt” tới nhiều nhất.Tác phẩm của Dostievski là cả một thế giới phong phú, mời gọi mọi người khám phá . Nhưng chính vì thế, làm sao để viết hay về ông, tạo được một quyển sách có sức nặng về ông, lại là chuyện khó khăn. Chỉ có một vài người làm được việc này trong đó có M. M. Bakhtin. Năm 1929, khi nhà nghiên cứu này mới ba mươi tư tuổi, ông đã cho xuất bản cuốn Mấy vấn đề sáng tác Dostoievki . Cuốn sách ra đời được nhiều người đánh giá rất cao. Bản thân Lunacharski coi đây là một cái mốc quan trọng trong việc nghiên cứu về Dostoievski. Tại sao như vậy? Trong khi những người khác chỉ có những nhận xét lặt vặt về tác giả Tội ác và trừng phạt thì Bakhtin cho rằng một trong những nguyên tắc chỉ đạo sáng tác của nhà văn này là nguyên tắc đối thoại. Đối thoại về tư tưởng - những cuộc nói chuyện triền miên giữa các nhân vật và trong từng nhân vật, thậm chí giữa tác giả và nhân vật, trong đó, các tư tưởng nảy sinh, hình thành, tự tìm cách khẳng định rồi lại tiếp tục thay đổi. Đối thoại về hình thức thể loại -- hình thức tiểu thuyết mà tác giả sử dụng là có tính đa thanh . Đối thoại trong ngôn ngữ v.v... Vậy là Bakhtin đã tìm được những nguyên tắc chỉ đạo tác giả trong việc tổ chức cả nội dung lẫn hình thức tác phẩm. Có thể nói mà không sợ quá đáng rằng qua sự phân tích của ông, nguyên tắc đối thoại thấm vào trong mọi yếu tố nhỏ nhất của hình thức. Hiếm có một cuốn sách có sự thống nhất trọn vẹn đến vậy.
Câu chuyện về Dostoievski cố nhiên đến Bakhtin chưa kết thúc. Giới nghiên cứu văn học Nga thời Xô-viết còn nhiều lần bàn cãi chung quanh tác giả Tội ác và trừng phạt, trong đó quan trọng nhất là bàn cãi xem cơ sở toàn bộ sáng tác của nhà văn này là gì. Có điều, trong khi tranh cãi với Bakhtin,mọi người đều thấy ý hướng muốn tìm ra những nguyên tắc chi phối toàn bộ sáng tác của một tác giả,tức những nguyên tắc quán xuyến cả các yếu tố hình thức lẫn nội dung tác phẩm –hướng nghiên cứu đó là rất chính xác.Nhưng nên gọi cái sự vật mà chúng ta muốn tìm đó là gì ? Bảo là phương pháp e không phải vì trong phương pháp thường không có chỗ thích đáng cho các yếu tố nghệ thuật .Bảo là phong cách cũng không đúng. Phong cách thường chỉ dùng khi nói về một tác giả trong khi người ta cần phải tìm ra cái tinh tuý của cả một giai đoạn văn học, một thể loại .... Giải pháp tối ưu ở đây,theo Bakhtin,là trở lại với một khái niệm có từ thời Aristot mà từ khoảng những năm ba mươi trở đi bị các nhà nghiên cứu xô viết quên lãng.Khi được tái bản lần đầu (1963), tác phẩm của Bakhtin mang cái tên mới thích hợp hơn: Mấy vấn đề thi pháp Dostoievski .
Từ những năm sáu mươi trở đi,ở Liên Xô,những công trình nghiên cứu thi pháp một tác giả khá nhiều. Song như trên vừa nói , lịch sử của thi pháp thật ra đã bắt đầu từ lâu ; riêng trong phạm vi nước Nga , sở dĩ một công trình nghiên cứu như của Bakhtin có thể ra đời vì tác giả của nó đã tiếp nhận được những thành quả lớn lao của nghiên cứu văn học Nga cuối thế kỷ XI X , đầu thế kỷ XX , và cả những thành tựu sáng chói của những năm đầu dưới chính quyền xô viết , khi khoa nghiên cứu chưa bị lối nhìn xã hội học dung tục khống chế và làm hỏng . Có lẽ, đó chính là lý do khiến cho ngay từ 1968 trong cuốn sách Khoa nghiên cứu văn học Xô-viết sau 50 năm, có một bài điểm chung về những vấn đề lý luận văn học và thi học. Điều đáng chú ý là bài viết này được chia làm hai phần rõ rệt: Phần 1, do Kiseleva viết, điểm qua sự phát triển các quan niệm về phương pháp, phong cách, khuynh hướng, thế giới quan.Phần 2 do Kozhinov ( một trong những học trò xuất sắc của Bakhtin )viết,bàn riêng về thi học (toàn bộ khoa học nghiên cứu thi pháp). Một sự tách bạch như thế, trong một công trình do một tập thể tác giả thuộc viện Puskin và Viện Gorki cùng chủ trì, không phải là vô cớ. Bắt rễ vào các tư tưởng mỹ học tiến bộ ở nước Nga trước 1917, lịch sử thi học ở Liên Xô đáng được nghiên cứu một cách nghiêm túc.
ở ta khi nói đến các nhà phê bình văn học Nga trong thế kỷ XIX, người ta thường chỉ giới thiệu Bielinski , Tsernysevski ,Dobroliubov, v.v... Nhưng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, còn có hai người đáng kể nữa là Veselovski (1838-1906) và Potebnia (1835-1891). Với vốn hiểu biết văn học rộng rãi, hai người này có cống hiến trong một số lĩnh vực như nghiên cứu tâm lý sáng tác, và các ngành nghiên cứu thi pháp cụ thể như thi pháp lý luận và thi pháp lịch sử. Nói chung, họ rất chú trọng và có những phát hiện trong việc tiếp cận với cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học.
Vào những năm đầu cách mạng, di sản của Veselovski và Potebnia được một nhóm văn học tập hợp thành Hội nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca (tiếng Nga viết tắt là OPOIAZ) tiếp thu và triển khai. Mục đích của họ là muốn tước bỏ tính chất thần bí của sự sáng tạo văn học, muốn quy văn học về một thứ gần như ngôn ngữ và nghiên cứu văn học bằng cảm hứng của ngôn ngữ. Có người đi vào luật thơ. Có người đi vào cách cấu tạo của cốt truyện. Một nhân vật trong hội là Sklovski từng phát biểu một công thức đại ý: tác phẩm văn học là tổng số những thủ pháp văn học , đồng thời là một hệ thống những đơn vị có ý nghĩa chức năng. Người nghiên cứu nếu nắm được các đơn vị này và lần ra được cái “ngữ pháp” quy định sự kết hợp những yếu tố đó với nhau, sẽ lần ra được ý nghĩa của tác phẩm.
Có thể nói, với OPOIAZ,chúng ta có một ví dụ về phương pháp sử dụng hình thức để nghiên cứu văn học. Cái nguy hiểm của phương pháp này là rất có thể sa vào hình thức chủ nghĩa (cả một số người trong Hội nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca cũng không tránh khỏi tai nạn!). Nhưng chỗ khả thủ của nó là bảo đảm việc gắn liền nội dung và hình thức của tác phẩm - một yêu cầu mà công tác nghiên cứu văn học phải để lên hàng đầu. Rút cục, chỉ còn có cách là hiểu hình thức cho đúng, hơn nữa biết đọc ra những vấn đề của nội dung thông qua hình thức. Theo Kozhinov (tài liệu đã dẫn) trong kho nghiên cứu văn học Xô-viết những năm 20 đã có thể nói tới nhiều học giả như Tynianov và Eikhenbaum “muốn nghiên cứu một cách sâu sắc và kỹ lưỡng các vấn đề hình thức nghệ thuật mà lại không chỉ quy nghệ thuật vào chuyện hình thức” (1). Bên cạnh thi học ngôn ngữ học của nhóm OPOIAZ, còn có thể kể thi học hình thái học của V.I. Propp, V.L. Volkenstein; bộ phận thi học tổng hợp , muốn thu góp trong mình cả tư tưởng và phương pháp của các trường phái tâm lý, ngôn ngữ, hình thái học mà một đại diện là L. Grossman và các nhà thi học xã hội học (trong đó có cả M. Khrapsenco và G. Pospelov) muốn phát hiện ra bản chất chuyên biệt của các hình thức nghệ thuật, để rồi đưa ra quan niệm tổng quát về phong cách.
Từ đó, việc đi vào nghiên cứu không chỉ ngôn từ thuần tuý mà muốn nghiên cứu các hình thức thi pháp theo nghĩa rộng, bao hàm cả thể loại, cốt truyện, kết cấu, phong cách... vẫn được duy trì trong những năm 30-40 tiếp theo. Đây cũng là thời gian giới nghiên cứu Xô-viết thường hay đi vào “phòng thí nghiệm sáng tạo của các nhà văn” (cơ sở bước đầu để hiểu thi pháp của tác giả đó). Nhưng chỉ từ giữa những năm 50 trở đi, theo Kozhinov , mới có thể nói tới “một thời kỳ mới của sự phát triển thi học”.
Về đối tượng cụ thể, việc nghiên cứu thi pháp sau này không chỉ bó hẹp trong khu vực mà nó thành công ngay từ đầu và có thể cố thủ rất lâu là văn học dân gian (với các công trình Propp và tiếp theo là Meletinski) , mà đã mở rộng sang các khu vực khác, từ văn học cổ, đến các tác giả thuộc văn học hiện đại.
Về quan niệm, trong khi vẫn coi trọng việc nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật (tiêu biểu là trường phái của viện sĩ Vinogradov), bản thân thi pháp lúc này được hiểu rộng rãi hơn. Nó nghiên cứu cái “ngữ pháp của sự sáng tạo” ở mọi cấp độ của cấu trúc văn học, từ sự vận dụng các phương tiện miêu tả, sự vận dụng thể loại, cho đến sự hình thành các hiện tượng văn học như một chỉnh thể nói chung.
Đây chính là lĩnh vực mà giới nghiên cứu văn học xô-viết gặt hái được nhiều thành tựu hơn cả.
Thi pháp văn học Nga cổ (1971) của viện sĩ D.X. Likhatchev là một mẫu mực của việc nghiên cứu thi pháp của cả một nền văn học, trong một thời gian khá dài, trong đó bao gồm nghiên cứu thi pháp các khái quát nghệ thuật, thi pháp các thủ pháp văn học, thi pháp thời gian nghệ thuật (tên các chương trong cuốn sách của Likhatchev) .Theo hướng này, năm 1977, Averintsev cho ra đời cuốn Thi pháp văn học tiền Bizantin trong đó những vấn đề văn học cũng được xem xét một cách cụ thể, trong tương quan với các thủ pháp hình thức, cũng như trong tương quan với cơ chế tồn tại của văn học lúc này nói chung.
Dneprov chỉ gọi một tập chuyên khảo của mình bằng cái tên giản dị Mấy vấn đề chủ nghĩa hiện thực. Nhưng ở trang 8 tập sách, ông viết: “Một cái nhìn lý tưởng có mặt bên cạnh sự phản ánh trung thực và toàn diện thực tế - đó vẫn là thi pháp của chủ nghĩa hiện thực “ . Phải chăng, ông cho rằng nếu soi vào bất cứ một phương pháp sáng tác nào, chúng ta đều có thể bắt gặp cái hạt nhân làm nên bản chất của nó, và nên gọi đó là thi pháp ?
Hẹp hơn, và cũng rõ hơn, B. Fridlender đi thẳng vào Thi pháp của chủ nghĩa hiện thực Nga trong đó, người đọc cảm thấy ông quan niệm vừa có những nguyên tắc thi pháp của chủ nghĩa hiện thực nói chung, vừa có “những đặc điểm chung nhất trong cấu trúc của sự phản ánh thực tế, và từ đó suy ra, những đặc điểm chung nhất trong hệ thống chuyên biệt các thể loại và các phương tiện nghệ thuật” của văn học Nga thế kỷ XIX, tức những nguyên tắc thi pháp của văn học một nước, trong một giai đoạn cụ thể nói riêng.
Như các nhà nghiên cứu lịch sử lý luận đã chỉ rõ, việc nghiên cứu hình thái học tiểu thuyết vốn được hình thành rất sớm và vẫn được xem như một thành công của lối tiếp cận hình thức trong nghiên cứu văn học theo nghĩa đúng đắn của khái niệm này . Bởi vậy, mặc dù không có những quyển sách mang tên Thi pháp tiểu thuyết hiện đại nhưng tinh thần của nó vẫn chi phối cách làm của nhiều người. Và trước tiên , việc đó đã xảy ra với truyện ngắn. Chẳng hạn đây là tên một công trình của E. Shubin được Bushmin bảo trợ : Truyện ngắn Nga hiện đại. Những vấn đề thi pháp thể loại . Trong phần mở đầu, tác giả này dẫn ra một câu của V.V. Vinogradov, coi đó là cơ sở cho lập luận của mình “ Nhiệm vụ của thi pháp: nghiên cứu những quy luật và những nguyên tắc hình thành và tổ chức nên những kiểu cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật thuộc những thời đại khác nhau trong những mối liên hệ với sự tiến hoá của các thể loại văn học và các phong cách văn học “.(Trích trong Tu từ học. Lý luận về ngôn ngữ thơ ca. Thi pháp M.1963, tr, 206)
Mở rộng ra, người ta đã nói tới thi pháp của điện ảnh (tên một cuốn sách của E. Dobin.)
Nhưng thường xuyên nhất và có lẽ thuộc loại kết quả nhất, vẫn là những trường hợp nghiên cứu thi pháp một tác giả: Thi pháp Puskin, Thi pháp Tchekhov, Thi pháp Zosenko.. . Trở lại với Dostoievski. Trong Tội ác và trừng phạt, cũng như trong Anh em nhà Karamazov thấy có rất nhiều biện pháp nghệ thuật được lắp đi lắp lại, mà người ta cũng thường gọi là thi pháp: thi pháp tình thế quá độ, thi pháp tình thế khủng hoảng, thi pháp cuộc sống hàng ngày, thi pháp những xúc động mãnh liệt v.v... . Và toàn bộ những cái đó tổng hợp lại, làm nên thi pháp Dostoievski .
Năm 1965 , Bakhtin cho in một công trình lớn khác Sáng tác của Rablais và nền văn hoá dân gian Trung thế kỷ và thời Phục hưng . Cuốn sách đi vào phân tích hàng loạt nguyên lý của sinh hoạt tinh thần của con người, vị trí, vai trò của nghệ thuật trong đời sống xã hội, nghĩa là khá rộng. Nhưng cái lõi của nó là sự phân tích thi pháp của Rablais mà tác giả tận tình theo đuổi .
*
Thông thường, trong khi sử dụng cùng một khái niệm, mỗi người nghiên cứu thường vẫn hiểu khái niệm đó theo một cách riêng. Bởi vậy, cách tốt nhất để nắm được quan niệm của một tác giả về nội dung cụ thể đằng sau một thuật ngữ tác giả đó sử dụng, là đọc chính cuốn sách tác giả đã viết. Tuy nhiên, đấy là công việc không thể làm ngay một lúc. Dù biết rằng một số đoạn “điểm sách” trên đây còn rất sơ lược, và việc giới thiệu thi pháp còn cần phải cụ thể hơn nữa, chúng tôi cũng xin phép tạm dừng lại để chuyển sang một việc khác là tìm hiểu thi pháp bằng chính ngôn ngữ của khái niệm, tức đi vào một số cách xác định vấn đề thi pháp lẩy ra từ các tập sách lý luận, đặc biệt là các Bách khoa toàn thư và Từ điển văn học.
Trước hết, hãy nhìn vào từng hiện tượng văn học cụ thể - chữ hiện tượng hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm từ một cuốn sách, một tác giả cho tới một trào lưu văn học. Mỗi hiện tượng như vậy bao gồm rất nhiều yếu tố hợp thành nó; mặt khác, đi kèm theo những yếu tố này, là những nguyên tắc hợp thành, cả hai kết hợp lại, làm nên cái độc đáo của từng hiện tượng . Đó chính là đối tượng của thi pháp mà các tác giả Iu. Mann và K.Petrov xác định qua bài viết về Khoa nghiên cứu văn học trong Đại bách khoa toàn thư Liên Xô, tập 14.
Thi học là bộ phận quan trọng nhất trong khoa nghiên cứu văn học. Nó nghiên cứu cấu trúc tác phẩm và những hợp thể của các cấu trúc đó: các tác phẩm của một nhà văn, các khuynh hướng văn học, các thời đại văn học.
Thông thường, chữ thủ pháp chỉ được chúng ta hiểu như những biện pháp hình thức thuần tuý. Nhưng theo Ivanov, tác giả bài viết về Thi pháp trong Toát yếu bách khoa văn học, chữ thủ pháp nghệ thuật có thể được hiểu với nhiều cấp độ ý nghĩa khác nhau, cấp độ thấp nhất là tài liệu ngôn ngữ nghệ thuật, và cấp độ cao nhất là ý đồ của tác giả.
Thi pháp miêu tả đặt cho mình nhiệm vụ tái hiện lại con đường đi từ ý đồ tới văn bản.
Như vậy, phạm vi hoạt động của nó bao trùm từ khâu đầu tiên tới khâu cuối cùng trong việc xây dựng tác phẩm.
Vấn đề của một tác giả, một trào lưu, một phương pháp cũng được giải quyết tương tự.
Cố nhiên, khi khảo sát các yếu tố tổ chức nên từng hiện tượng văn học như thế này, ta sẽ thấy có những yếu tố nổi bật hơn lên , trong chúng hàm chứa những ý nghĩa ta muốn tìm .Tạm gọi những yếu tố đó là những dấu hiệu (chữ dấu hiệu hiểu theo nghĩa rất rộng). Có khi đó là những chi tiết lắp đi lắp lại, có khi đó là khoảng cách thời gian không gian thường được sử dụng. Rồi nhà văn này hay đi vào những hiện tượng bi thảm, nhà văn kia thích tô đậm yếu tố hài hước, một nhà văn khác nữa thích đối lập bi hài, lấy sự đối lập đó tạo nên sắc thái cho tác phẩm của mình. Bấy nhiêu độc đáo - xét theo tất cả mọi phía -- của từng hiện tượng đều có thể gọi là những dấu hiêu. Công việc của nhà nghiên cứu là lọc ra những dấu hiệu có ý nghĩa nhất, và tìm cách giải thích các dấu hiệu đó theo chức năng của chúng trong tác phẩm, từ đó mà lần ra ý nghĩa khách quan của tác phẩm (tác giả, trào lưu văn học). Đấy chính là lý do người ta thường gọi bộ phận thi học này là thi học miêu tả.
Bây giờ, không nhìn vào từng hiện tượng văn học cụ thể nữa, mà nhìn vào văn học nói chung. Như Fridlender trong bài viết ở Đại bách khoa toàn thư Liên Xô (muc Thi pháp) đã nhận xét, ở đó có những yếu tố bền vững trở đi trở lại. Nghiên cứu các yếu tố này kết hợp với nhau theo những nguyên tắc nào (ví dụ, trong tiểu thuyết, quan hệ giữa kết cấu cốt truyện với nhân vật ra sao, lập trường của tác giả được thể hiện qua những phát biểu trực tiếp của các nhân vật, đồng thời qua toàn bộ các yếu tố khác của tác phẩm như thế nào...) đó là nhiệm vụ của thi học đại cương ;còn theo dõi sự tiến hoá của các yếu tố đó trong thời gian, đó là nhiệm vụ thi học lịch sử. Nên nhớ ở đấy chữ yếu tố cũng được hiểu rất rộng, bao gồm từ ngôn ngữ nghệ thuật cụ thể, cái vỏ vật chất ngoài cùng của tác phẩm, cho tới kết cấu, cốt truyện, các mô -- típ được lặp đi lặp lại... và nói rộng hơn là những quy luật chi phối việc hình thành tác phẩm văn học như một cấu trúc nguyên vẹn. Hiểu theo nghĩa hẹp, thi học có chỗ trùng với bộ môn nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật trong các tác phẩm; nhưng hiểu theo nghĩa rộng, thi học trùng với lý luận văn học nói chung . Đúng hơn có thể nói thi học là tiền thân của lý luận văn học, và người đầu tiên quan niệm thi học rộng rãi như thế chính là Aristote . Một trong những tác phẩm quan trọng của ông, được dịch ra tiếng Việt với cái tên Nghệ thuật thơ ca , lẽ ra phải dịch là Thi học mới đúng.
Tóm lại, trong khoa nghiên cứu văn học Xô-viết , chữ thi pháp (và tương ứng với nó là thi học, khoa học nghiên cứu thi pháp, tuy trong tiếng Nga, chỉ dùng chung một từ là Poetika) ít nhất có ba cấp độ ý nghĩa như sau:
1. Thi pháp nghiên cứu những vấn đề bao quát của cấu trúc văn học; đối tượng của nó là toàn bộ tính độc đáo và những quy luật bên trong của nghệ thuật ngôn từ.
2. Thi pháp nghiên cứu những nguyên tắc chi phối sự vận động của thể loại, cốt truyện, kết cấu trong từng tác phẩm và ở từng tác giả .
3. Thi pháp nghiên cứu các yếu tố ngôn ngữ luật thơ v.v... (2)
Nhưng đấy cũng mới chỉ là một kiểu phân chia. Xét theo những nguyên tắc phương pháp luận và những cảm hứng gợi ý cho việc nghiên cứu thi pháp, người ta còn nói tới: thi học ngôn ngữ học, thi học tâm lý học, thi học xã hội học, thi học so sánh v.v... Lại nữa, có thi học vĩ mô và thi học vi mô, tuy nghĩa cụ thể mỗi khái niệm đó là gì cũng mỗi người hiểu một cách. Chẳng hạn trong việc nghiên cứu văn xuôi: vấn để tác giả và hình tượng người kể chuyện, tiếng nói của tác giả và tiếng nói các nhân vật, thời gian vật lý và thời gian tâm lý... những chuyện có vẻ kỹ thuật ấy đã được khoa học nghiên cứu văn học Xô-viết chú ý đúng mức coi như những lĩnh vực mà việc nghiên cứu thi pháp nhất thiết phải đề cập tới. Trong khi đó, những người cổ động cho việc sử dụng các phương pháp chính xác trong nghiên cứu văn học không quên lưu ý rằng họ làm như thế là để nghiên cứu thi pháp cho được triệt để. Đứng ngoài nhìn dễ thấy khái niệm thi pháp có vẻ bị chồng chất quá nhiều nhiệm vụ đến mức nó khó lòng kham nổi: nó đang cần được mang lại một định nghĩa cho thật chặt chẽ. Chỉ có điều chắc, đằng sau những sự xộc xệch ấy, thấy nổi lên một khao khát mãnh liệt của những người làm công tác nghiên cứu văn học là muốn “định hướng vào việc lý giải những nguyên tắc của nội dung được thành tạo trong hình thức văn học “ ( Đại bách khoa toàn thư Liên xô, bài Khoa nghiên cứu văn học). ở cuối bài viết của mình về 50 năm phát triển thi học ở Liên Xô (tài liệu đã dẫn ở phần đầu). Kozhinov cũng lưu ý rằng đối tượng của thi pháp không phải chỉ là “tổng số các thủ pháp và các phương tiện biểu hiện” mà còn là “sự nguyên vẹn của hình thức, trong sự độc đáo do lịch sử quy định”. Nói cách khác, “vấn đề nổi lên hàng đầu là tính nội dung của hình thức, ý nghĩa nghệ thuật của những hình thức ấy, ý nghĩa này được nghiên cứu không tách rời khỏi cấu trúc và chất liệu của tác phẩm”.
Đây chính là nguyên tắc chỉ đạo Kozhinov và các đồng sự của ông như Gatsev, Palievski, S .Botsarov, dưới sự bảo trợ của Abramovíts viết cuốn Lý luận văn học - Những vẫn đề cơ bản dưới sự chiếu sáng lịch sử (3 tập), một công trình nghiên cứu có tính chất nền tảng ; theo sự đọc được còn rất ít ỏi của tôi thì đến đầu thế kỷ XXI này , sau những chuyển biến động trời , ở nước Nga loại công trình này vẫn được coi là có giá trị , không phải mỗi chốc mà người ta viết được hay hơn sâu sắc hơn .

*
Khi nói tới khoa nghiên cứu văn học ở Nga thời kỳ xô - viết , nhiều người thường nhấn mạnh tới sự ngự trị , trong một thời gian dài, lối nhìn nhận theo kiểu xã hội học dung tục . Điều đó là có thực.Song thường xuyên ở đây vẫn có những cố gắng để thoát khỏi tình trạng dung tục ấy, mà sự xuất hiện của lối nghiên cứu theo hướng thi pháp là một cố gắng nổi bật .Với việc nhấn mạnh sự thống nhất giữa nội dung và hình thức cũng như bản chất nghệ thuật của sáng tác …. đây là hướng khai thác văn chương có thể gây ra rất nhiều phiền phức cho nhiều loại người , kể cả những nhà nghiên cứu quen đọc văn chương qua lớp ý nghĩa xã hội nổi lên trên bề mặt lẫn những người thích tự nhận là tri âm với văn chương , nhân danh sự cảm thụ trực tiếp rồi bình tán theo lối thù tạc . Phải nói ngay là cho đến nay việc áp dụng thi pháp trong thực tế vẫn khá trầy trật , song không phải vì thế mà không nhìn thấy ở đây một hướng đi đầy triển vọng .Tại sao ? Theo chỗ tôi hiểu lý do cũng khá đơn giản , đây là chỗ lý luận Xô - viết tiếp cận với bộ phận tư tưởng lý luận tiên tiến đang phổ biến trên thế giới , bất kể đó là Pháp hay Mỹ , Trung Hoa hay Nhật Bản.Và ở nước nào cũng có hiện tượng song đôi : một số người thích nói to lên là mình sử dụng thi pháp , trong khi cách hiểu về khái niệm này lại có nhiều phần câu nệ ,và tự hạn chế trong một số khuôn sáo cứng nhắc.Ngược lại có một số người cho rằng thi pháp là một cái gì rất rộng , gần như mỗi đối tượng đều có những đòi hỏi riêng trong việc áp dụng . Họ không thường xuyên sử dụng thuật ngữ ấy nhưng trong công việc họ làm , tinh thần của thi pháp luôn luôn được quán triệt .Bề nào mà xét đều cũng dẫn đến một kết luận: thi pháp là một công cụ nghiên cứu mang lại nhiều hiệu quả và đã được tín nhiệm .
-----------------
(1)Có thể tham khảo tài liệu mới in gần đây Nghệ thuật như là thủ pháp -- Lý thuyết chủ nghĩa hình thức Nga – Đỗ Lai Thuý và các cộng tác viên biên soạn và dịch , H. 2001
(2) Trong ba cấp độ này thì cái thứ ba dễ chấp nhận nhất, do đó chúng tôi ít nói tới trong phần điểm qua các công trình quan trọng về thi pháp nhắc ở phần trên. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về khía cạnh này của khái niệm thi pháp qua các bài viết về ngôn ngữ thơ ca.

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP