NƯỚC ĐẾN ĐÂU BÈO ĐẾN ĐẤY !

( Vài nét về tình hình lý luận phê bình hiện thời )

Báo khoẻ và đời sống số 83 vừa qua có in bài của Lâm Quang Ngọc mang tên Câu chuyện về loài khủng long và các nhà phê bình . Bài viết nói tới lĩnh vực mà bản thân tôi đang hoạt động , bởi vậy xin phép được xuất phát từ kinh nghiệm riêng trao đổi lại vài điều với bạn Ngọc và cũng là với độc giả đang quan tâm tới lý luận phê bình (LL&PB ) nói chung .

Ở đây chưa bao giờ có khủng long

Trước tình hình khó khăn trước mắt , nhiều người thường mơ ước về những ngày xưa và lý tưởng hoá quá khứ . Bạn Ngọc ở đây cũng mắc căn bệnh đó . Hiện thời chưa thấy có ai đứng ra viết lịch sử lý luận phê bình VN , nhưng một cái nhìn nghiêm túc chắc chắn sẽ đi tới một kết luận buồn , đó là ở ta chưa bao giờ có một nền LL&PB phát triển theo nghĩa đầy đủ của khái niệm . Suốt thời trung đại , làm gì có ai chuyên để tâm suy nghĩ về sáng tác cỡ như Kim Thánh Thán Viên Mai ở Trung quốc. Bước sang thế kỷ XX , học lối làm văn chương của phương Tây , nghề phê bình mới nẩy nở , và nhìn lại thời tiền chiến , thấy còn lại một ít nhà , trong đó đến nay còn được đọc nhiều là Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan. Đây không phải là lúc đánh giá thành tựu phê bình của hai bậc thày này , song cho phép tôi từ những yêu cầu cao về nghề nghiệp , không đồng tình với ý kiến cho rằng đây là hai tài năng cỡ khủng long , huống chi trong nền văn chương tiền chiến , thơ phát triển là thế , tiểu thuyết phát triển là thế , LL&PB chưa thể nói là có sự phát triển tương xứng. Xét sang thời kỳ từ sau 1945 đến 1985 , LL&PB tạm gọi là nghiêm túc , nhưng lại mắc phải căn bệnh khô khan thích uốn nắn dạy dỗ , và cũng chưa có công trình nghiên cứu nào ra trò . Một thời gian dài , trong giới những người cầm bút , LL&PB bị coi là một thứ con ghẻ , không có ích gì mà chỉ làm phiền cho giới sáng tác , bởi vậy người ta muốn nó càng thu hẹp hoạt động càng tốt ...

Không phải trường hợp ngoại lệ

Sự non yểu của LL&PB như vậy là điều không ai còn nghi ngờ . Nó vốn chưa bao giờ thành nghề và được đào tạo có bài bản : nếu để các thày giáo mà nhiệm vụ chủ yếu là giảng dạy ở các nhà trường và ít nhà tiến sĩ ăn lương để nghiên cứu văn học quá khứ sang một bên , thì thấy người làm phê bình chuyên nghiệp gần như chẳng có một ai . Nước đến đâu bèo đến đấy : Trong hoàn cảnh hiện thời , LL&PB cũng đang xuống cấp . Trong khi không có sự suy nghĩ bàn bạc về các vấn đề lớn lao và cũng cấp bách trong văn học nói chung , diễn đàn LL&PB trên các báo thường biến thành nơi để người ta bình tán những điều lặt vặt , hoặc giúp nhau bán hàng ( tức quảng cáo tên tuổi ) , rồi để bốc thơm nhau hạ bệ nhau… Tuy nhiên theo tôi đây là chuyện bình thường . Nhìn vào tình hình ở nhiều khu vực khác thì thấy nay là lúc ngành nào cũng khó , riêng học thuật của chúng ta ra sao chắc chẳng ai lạ , các ngành nghiên cứu như lịch sử , xã hội học có gì gọi là khả quan đâu , ta đã có ai đáng được gọi là nhà triết học và có tác động tới đời sống tinh thần của xã hội đâu . Rồi phim ảnh mất mùa , rồi sân khấu ngắc ngoải ... Hoặc nhìn cụ thể vào khu vực sáng tác văn học , nay là lúc sách ra nhiều , nhưng tác phẩm in ra độ một nghìn bản song chìm nghỉm , người đọc nghiêm túc không tìm thấy vấn đề của mình trong tác phẩm , nên họ không đọc . Sự bất cập của phê bình là nằm trong sự bất cập nói chung . Sẽ là vô lý nếu trong hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi LL&PB phát triển đúng như những điều người ta kỳ vọng .

Việc đơn giản nhất cũng không dễ

mà làm ngay được

LL&PB ở nhiều nước trên thế giới hiện nay được hiểu theo một nghĩa khá rộng tức không chỉ có việc cân đo đong đếm đánh giá tác phẩm mà còn đi vào sự suy nghĩ bản chất của sự sáng tạo , về con đường phát triển của văn học … Còn ở ta mỗi khi bàn về phê bình , mọi người thường chỉ đòi hỏi những sự khen chê cụ thể ( cả bài của Lâm Quang Ngọc in trên SK&ĐS cũng vậy ) .

Thôi cũng coi như một dấu hiệu nữa của sự non yếu của LL&PB mà chính nó phải tìm cách vượt qua dần dần .

Có điều theo chỗ tôi hiểu, ngay cái việc giản dị đó , hiện nay cũng không dễ làm . Thứ nhất muốn có sự cân đo tàm tạm thì bản thân tác phẩm ra đời phải đã hoàn chỉnh tới một mức nào đó , đằng này ở ta hiện nay sách vở nhiều cuốn cố sống cố chết in ra , mấy câu bắt vần sáo mòn cũng gọi là thơ , vài mẩu chuyện kể không ra đầu ra đuôi gì hết cũng gọi là tiểu thuyết , có hoạ là tài thánh cũng không ai đủ sức đọc kỹ mớ sách lộn ẩu ấy . Thứ hai , nói đánh giá phải có những chuẩn mực chung , đằng này trong xã hội các giá trị đang phôi pha , mỗi chợ một cân , mỗi cửa hàng một giá , trông vào một đám cãi nhau biết ngay chẳng có phải trái gì , chỉ ai mạnh mồm người đó được . Một khi đã có sự khủng hoảng trong mọi sự định giá nói chung , thì sự định giá văn chương có tuỳ tiện như hiện nay , tưởng cũng không có gì là lạ .

Ồn ào bên ngoài , trơ lỳ trống rỗng bên trong

Quy luật của xã hội hiện đại là người ta vừa làm vừa luôn luôn thích bàn bạc về công việc của mình . Bởi vậy có một sự thực : nhiều người cầm bút hiện đang đổ xô viết phê bình ; không hiếm gì những tên tuổi đã thành vang bóng trong thơ , lại hăng hái đi bình tán về sáng tác của các đồng nghiệp , và ấn tượng để lại nhiều khi không vượt qua một ít tinh ma của người trong nghề hoặc một chút liều lĩnh nói lấy được . Có điều lạ , giống như cái lối hùa nhau đánh kẻ ngã ngựa , nhiều người thích bịa ra một giới phê bình chuyên nghiệp để nạt nộ : Sao sáng tác của chúng tôi sôi nổi hấp dẫn như thế mà các anh không đủ sức làm cho nó hay ho hẳn lên để bạn đọc tìm đọc ? Sao các anh không lên tiếng lập lại sự công bằng ? Sao các anh không gìn giữ cho văn chương sự thiêng liêng mà nó bị mất ? Sự thoá mạ phê bình kiểu này đang thành mốt , khiến cho người ta không khỏi nghĩ tới câu tục ngữ tháo dạ đổ vạ cho chè. Nhưng để cái sự vô lý đó sang một bên , điều tôi ngại ngùng hơn là trong thâm tâm nhiều nhà văn VN hiện thời vẫn nghĩ rằng sáng tác là khu vực của năng khiếu , mình chả cần phải học hỏi gì mà cũng chẳng cần có phê bình để đối thoại cho thêm rách việc . Tôi thì tôi tin một sự bùng phát trở lại của văn chương chỉ có thể có khi người ta từ bỏ lối sùng bái sáng tác , sùng bái hành động như hiện nay , để nghiêm chỉnh tìm hiểu lại về công việc mình đang làm. Tức là có sự nhìn nhận và đối xử với LL&PB một cách hợp lý , bao gồm cả việc chuẩn bị cho sự ra đời của một đội ngũ phê bình chuyên nghiệp , và dành cho đội ngũ đó thời gian và sức lực để vượt lên trên những vụn vặt tầm thường mà nghĩ sâu vào những vấn đề có liên quan chung tới cả một nền văn học . Mong mỏi vậy thôi , chứ xem ra triển vọng còn rất mờ mịt .

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP