"8X, 9X già hơn chúng tôi"

"Tôi mong là tôi sai, nhưng tôi có cảm nhận các bạn trẻ hiện nay hơi kiêu. Các bạn hay tự hào rằng mình là thế hệ 8X, 9X thì có cái gì đó mới mẻ hơn thế hệ trước. Nhưng tôi thấy các bạn có cái già hơn chúng tôi, già trong ý nghĩ, tầm nhìn, khát vọng..."

Chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh” của nhà văn Vương Trí Nhàn đã nhận được sự quan tâm của giới trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà những lời “cảnh tỉnh” này được giới trẻ đón nhận đến thế. Có lẽ họ đã tìm được ở Vương Trí Nhàn những sẻ chia tâm huyết như người “trong nhà”.

Thưa nhà văn, trong chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh” giới trẻ có phải là đối tượng được ông quan tâm và đề cập nhiều?

Vấn đề giới trẻ là vấn đề của xã hội, không ai có quyền nói rằng mình không quan tâm đến giới trẻ. Quan tâm đến giới trẻ là điều tất yếu của những người làm nghề văn chương.

Nhà văn Nguyễn Khải nói rằng: “Nói chuyện với giới trẻ là thích nhất bởi nó vừa khó vừa thú vị. Khó ở chỗ, nếu nói chán thì họ không nghe và bỏ ngay bởi mình không phải là những người chấm bài cho chúng. Nhưng nó thú vị khi mình nói hay thì họ rất hứng thú”. Và tôi học được nhiều điều từ giới trẻ.

Mới đây, trong một bài viết ông có đề cập đến vấn đề “rác” văn hoá đang ảnh hưởng đến giới trẻ. “Rác” ở đây hiểu như thế nào thưa nhà văn?

Trước đây chúng ta chưa quan hệ mở rộng cửa với nước ngoài, nhưng gần đây chúng ta đã mở rộng nên những thông tin trên mạng, báo chí, sự cập nhật thông tin rất mới mẻ tràn lan.

Tuy nhiên bên cạnh điều đáng mừng thì cũng bộc lộ nhiều cái “dở”. Xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên sính ngoại, học đòi nhiều quá, từ đầu tóc, guốc dép đến quần áo...

Theo dõi người mẫu trình diễn trên tivi, tôi thấy họ thay đổi nhiều quá. Mỗi năm một mốt, vậy cái gì sẽ là cái chuẩn? Có lẽ chúng ta vẫn chưa có. Tôi không dám nói tất cả đều rởm nhưng sự tiếp nhận quá ồ ạt dẫn đến tình trạng chúng ta chưa kết tinh, chắt lọc được tinh tuý... Cái hay thì không tiếp nhận được mà cái dở, cái kém thì lại du nhập.

Đấy là nói về khía cạnh “rác” văn hoá, chứ còn “rác” hiện đại đúng nghĩa đen thì “rác” của họ còn tốt chán. Có vứt cái chai ra ngoài đường thì cũng khối người nhặt về dùng lại.

Vậy lỗi ở đây thuộc về những người định hướng ?

Sự tiếp nhận nước ngoài của chúng ta mang nặng tính tự phát chứ chưa có sự hiểu biết và thắt chặt mặt quản lý. Ví dụ một điều rất nhỏ trong việc chiếu quá nhiều phim Hàn Quốc. Người du nhập phim ảnh, văn hoá của họ liệu đã hiểu biết về lịch sử, văn hoá, con người của họ? Có lẽ chưa có. Ta mới chỉ mang máng thấy họ chiếu nhiều trên ti vi và thấy hợp thì mang về.

Rất nhiều bộ phim hay đặc trưng tính lịch sử văn hoá... của người Hàn Quốc thì chúng ta chưa được xem, chúng ta đang xem toàn những mối tình tay ba yêu lâm ly chết bi thảm. Chắc hẳn ngoài mục đích giải trí đơn thuần, thanh niên khó học được gì nhiều ở đó.

Áp dụng vào bản thân mình, khi cầm bút ông có cân nhắc xem giới trẻ đang thiếu gì? cần gì? muốn đọc gì? hay ông chỉ viết theo thế mạnh và sự yêu thích của bản thân?

Tôi cân nhắc cả hai yếu tố đó. Cách đây mấy chục năm, người viết chỉ biết mình viết cái gì mà không quan tâm chú ý đến bạn đọc, còn bây giờ đã chú ý đến bạn đọc nhiều hơn nhưng cũng xảy ra tình trạng chiều nịnh ve vuốt bạn đọc.

Tôi không đồng tình với những cây bút đó. Tôi có thể mang đến cho bạn đọc những điều mà trước mắt họ chưa thích nhưng càng đọc họ sẽ thấy đây thực sự là cái mình cần.

Tôi quan niệm đối với người viết văn cần đáp ứng nhu cầu của bạn đọc nhưng phải đáp ứng nhu cầu sang trọng, cao quý của họ chứ không nên đáp ứng nhu cầu tầm thường dễ dãi của người đọc. Nhà văn nào viết chỉ để đáp ứng cả những điều tầm thường dễ dãi của độc giả thì chắc chắn sẽ không có chỗ đứng trong lịch sử.

Một số bạn trẻ hiện nay có nói rằng: họ chưa có nhiều những cuốn sách đúng gu, đúng mong muốn đọc gì xem gì phù hợp với lứa tuổi. Ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Quả thực, lớp trẻ hiện nay chưa có được những tác giả của mình (vừa để đọc, để học, vừa để họ nâng cao). Nhưng để khắc phục điều này cũng rất khó, nó đòi hỏi sự cố gắng của toàn xã hội. Song nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhiều nước Đông Nam Á cũng đang rơi vào tình trạng như chúng ta.

Cảm nhận riêng của ông về thế hệ trẻ hiện nay?

Tôi mong là tôi sai, nhưng tôi có cảm nhận các bạn trẻ hiện nay hơi kiêu. Các bạn hay tự hào rằng mình là thế hệ 8X, 9X thì có cái gì đó mới mẻ hơn thế hệ trước. Nhưng tôi thấy các bạn có cái già hơn chúng tôi, già trong ý nghĩ, tầm nhìn, khát vọng. Còn cái tự nhiên hơn, bất cần hơn... thì đó đâu có phải cái hay ho đáng tự hào.

Không ít thanh niên đang bị lôi cuốn theo tệ nạn của xã hội, nhưng những sân chơi bổ ích, lôi cuốn lành mạnh để họ đi đúng hướng thì chưa nhiều?

Tôi rất thông cảm với các bạn trẻ về điều này. Bên trong sai lầm của giới trẻ luôn có sự trống trải trong tâm hồn. Có thể phía bản thân họ chưa chuẩn bị tốt hành trang bước vào cuộc sống, nhưng có khi gia đình, xã hội cũng chưa thực sự là điểm tựa của họ.

Sân chơi cho giới trẻ hiện nay không chỉ ít mà nếu có thì cũng chỉ là mục đích tốt nhưng thực hiện kém. Và đôi khi chúng bị biến thành nơi đầu cơ, kiếm lời của một số người.

Ông chia sẻ với giới trẻ có xuất phát từ sự thấu hiểu của một người cha biết được con mình muốn đọc gì, chơi gì? hay từ thực trạng đã có ngoài xã hội?

Tôi làm công việc viết văn nhưng tôi lại sống với gia đình khá nhiều. Một năm tôi chỉ không ăn cơm trưa ở nhà vài buổi còn lại tôi luôn sống gần gũi với chúng.

Tôi luôn quan tâm đến chúng trong mọi vấn đề, tìm ra những điều gì chúng khác với thế hệ của tôi và chúng mong muốn gì. Tôi ngẫm thấy, dạy con sẽ biết được xã hội của nó. Đó chính là cần ăng ten của tôi nối với xã hội.

Một lời khuyên của ông với lớp trẻ hôm nay

Các bạn nên dành thời gian để sống một mình, đơn độc suy nghĩ tính toán, hãy làm khác đi và vượt qua thói quen cũ. Hãy có những khát vọng cao quý cho bản thân.

Xin cám ơn nhà văn.

Thứ tư, 17 Tháng một 2007 Giáo dục & thời đại

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP