Một lời trối đầy tâm huyết

1. Một lời trối đầy tâm huyết

Bài tuỳ bút chính trị đặc sắc mang tính di chúc của nhà văn Nguyễn Khải, “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất ” bị cấm phổ biến nhưng vẫn đang được bàn tán khá là sôi nổi, tuy là tác phẩm “chui”, nghĩa là không chính thức ở trong nước, giữa các bạn văn với nhau. Là người quen biết khá rõ tác giả, tôi xin có vài lời góp thay cho lời tưởng niệm.
Nguyễn Khải sinh năm 1930, quê Nam Định, vào quân đội nhân dân khi 17 tuổi, thời gian đầu làm y tá, về sau làm báo, viết văn, 20 năm trong ban biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, cấp đại tá, từng là phó tổng thư ký Hôi nhà văn, đại biểu Quốc hội, năm 2000 được giải thưởng quốc gia về Văn học nghệ thuật.
Tôi quen Nguyễn Khải từ năm 1965 khi tôi về báo Quân đội nhân dân. Hai toà soạn báo Quân đội và tạp chí Văn nghệ quân đội là láng giềng của nhau, chung một bếp ăn tập thể. Nguyễn Khải da trắng, dong dỏng cao, ít nói, hay cười, tài năng phát triển nhanh, rất chịu khó đọc và suy nghĩ. Khải có trí nhớ khá đặc biệt, lại thông minh, ham đi thực tế, quan sát kỹ cuộc sống xã hội, sớm trở thành cây bút viết truyện ngắn vào loại xuất sắc nhất của tạp chí. Tập truyện ngắn
Mùa Lạc nổi tiếng ngay khi xuất bản và được khen thưởng. Anh đã có gần 60 truyện ngắn được chọn lọc, trong đó có những truyện đặc sắc mang dấu ấn riêng như Gặp Gỡ Cuối Năm (1982). Nguyễn Khải còn viết tiểu thuyết, cũng được bạn đọc ưa chuộng, như Xung Đột, sống động, khá sâu sắc về một vùng công giáo, tuy phải uốn theo chính sách tôn giáo của đảng, và gần đây là cuốn Thượng Đế Thì Cười (2003) với một số suy ngẫm triết lý độc đáo về cõi nhân sinh, khi đã quá tuổi 70.

Chúng tôi thân nhau sau ngày 30 tháng 4-1975, khi Nguyễn Khải chuyển vào Sàigòn, hay gặp nhau ở cơ quan văn học đặt trên đường Catinat cũ. Chính cái tên Tự Do mới của đường phố đông vui ấy trong một chế độ khó thở, ít tự do, đã làm đề tài cho 2 chúng tôi thầm thì ngao ngán về nhân tình thế thái. Khải có một năng khiếu bẩm sinh về hài hước và châm biếm. Đôi mắt cực sáng, đôi môi mỉm cười, lại chúa hay đỏ mặt, đỏ tai, ấy là Nguyễn Khải. Tôi hiểu Khải, sau cái mỉm cười là nỗi đau, là nỗi buồn sâu lắng, là cả sự tức giận, khi trao đổi với nhau về sự phồn vinh không hề giả tạo của Sàigòn, về nếp lễ giáo truyền thống còn tồn tại trong nhiếu gia đình di cư (mà đã mất tiêu ở miền Bắc), về cơn điên của nhóm lãnh đạo chuyên chính vô học (thay cho vô sản) bỏ tù hàng chục vạn viên chức, sỹ quan miền Nam, về trò đổi tiền làm khổ thêm dân nghèo…

Đến khi bức tường Berlin đổ sập, các nước XHCN Đông Âu tan rã, tôi gặp lại Nguyễn Khải ở Sàigòn sau Tết năm 1990, Khải rất bén nhạy với thời cuộc. Anh quan tâm nhiều hơn đến chính trị, đến thời sự sốt dẻo, đến thế giới bên ngoài, tìm đọc những tác phẩm văn học thế giới của Tây, của Tàu, của Mỹ la tinh, cả những báo chính trị thế giới. Xa Nguyễn Khải từ đó, tôi tin anh sẽ còn đi xa hơn trong quan điểm chính trị, sẽ từ bỏ lối sống thỏa hiệp với chế độ độc đoán chuyên dạy bảo răn đe các nhà báo, nhà văn qua các cuộc chỉnh huấn nhạt nhẽo.

Thì nay sau khi được tin buồn anh mất vì bệnh tim tháng 1-2008, tôi nhận được bài tuỳ bút chính trị này. Đọc một mạch, mừng quá. Thật là một bản di chúc tâm huyết. Tuy có chậm, đến gần khi từ biệt cuộc đời mới nói được trọn vẹn, mạnh mẽ, triệt để sự nhìn nhận lại thật thấu đáo, thật rốt ráo của mình đối với cuộc đời, chế độ chính trị và văn chương.

Mời các bạn nếm thử vài đoạn của bài tuỳ bút chính trị tâm huyết này:


… “dành cả một thời thanh xuân để tin vào những lời tiên tri ấy (của đảng CS), về già nhìn lại cái tài sản tinh thần thâu góp một đời chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham, chẳng có một chút giá trị gì ! ”

… “cách tổ chức xã hội của giai cấp tư sản dẫu có xấu xa đến tận đâu cũng vẫn tạo được môi trường tự do và dân chủ hơn, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển tài năng của mọi cá nhân và của cả cộng đồng.”

… “Năm đất nước mới thống nhất vào Sàigòn được gặp các nhà văn, nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm; họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ …”

… “tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất, cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ đến mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết; tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. Buồn nhỉ ! ”

… “sau Điện biên Phủ, một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát vì tài sản một đời chắt chiu của họ đã bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chả có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ được nghĩ, được viết theo sự chỉ dẫn của một học thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn dẫm vào vết chân của nhóm Nhân văn Giai phẩm ”.

… “một dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà mặt người dân nám đen, đi đứng lom rom như một kẻ bại trận. Quả dân tộc Việt nam đã thắng lớn trong chiến tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến vậy!”

… “các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của đảng, của chính phủ, của quốc hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy… Nói dối lem lẻm, nói dối lỳ lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ. Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết; nói để mà nói …”


Ban tuyên giáo, bộ thông tin truyền thông, bộ công an ráo riết ngăn chặn sự phổ biến bài tuỳ bút tâm huyết này. Lần này họ khôn ngoan hơn. Không có thông tri, chỉ thị. Lặng lẽ báo động và lặng lẽ thu hồi, thiêu huỷ. Làm ồn ào chỉ tổ quảng cáo không công. Nhưng bạn bè của Nguyễn Khải nhận rõ giá trị của bản ”di chúc văn học độc đáo ” này, và in ra nhiều bản gửi khắp các tỉnh thành, các phân hội văn học nghê thuật, cho cả mỗi uỷ viên trung ương và uỷ viên bộ chính trị. Nếu anh còn sống, ắt một tổ công an sẽ được thiết lập trước nhà anh Khải và chị Bắc, và anh chị sẽ được mời lên làm việc tại phường và quận 4 Sài gòn để được ”chăm sóc chu đáo”. Vì bài tuỳ bút tâm huyết này quả thật có lửa, ngọn lửa nhân sinh ấm áp tình người, soi sáng sự thật đến từng ngóc ngách của cuộc sống xã hội và cá thể.

Có thể coi bài tuỳ bút này là tác phẩm kiệt xuất nhất của Nguyễn Khải và theo tôi cũng là một tác phẩm có giá trị nhất của nền văn học đương đại, theo nghĩa cô đọng, chân thực, phản ánh thực tế, hướng dẫn, chỉ đường, hiệu triệu cho nền văn học của thời đại mới đang hình thành.

Gần đây có vài bài viết ở trong nước nhận xét, luận bàn, đánh giá về bài tuỳ bút này. Anh
Dương Tường từng là nhà văn, dịch giả uyên thâm, bạn thân của Nguyễn Khải, ưu ái nhắc đến ”tiếng hót của con Thiên Nga ”, - thốt lên lời tâm huyết chân thực trước khi tắt thở, và chỉ ra rất xác đáng rằng ” đã từng có một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn; 2 con người ấy tranh cãi nhau và không bao giờ ngã ngũ. Đã có một Nguyễn Khảỉ hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tên Nguyễn Khải hèn nhát kia. Theo tôi, cuối cùng con người dũng cảm đã toàn thắng.

Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt nhắc đến di cảo của Chế Lan Viên từng thú nhận đã giết chết một nửa sự thật trước khi làm những ”bài thơ trí tuệ” của mình nhằm ngợi ca chế độ và lãnh tụ; Bùi Minh Quốc tỏ ra thông cảm với kiểu sống 2 mặt để tồn tại dưới một chế độ chuyên chế khắc nghiệt; sự khôn ngoan, láu lỉnh của Nguyễn Khải khi thời thế đến đã chuyển thành dũng khí nổi trội trong hàng ngũ văn nghệ sỹ đương đại, một gương sáng có sức lôi cuốn và thuyết phục.

Nhà nghiên cứu
Nguyễn Huệ Chi phân tích con người và tác phẩm của Nguyễn Khải với thái độ ưu ái và đô lượng, có lý và có tình, chỉ rõ cái nhìn sắc sảo triệt để của Nguyễn Khải trong tuỳ bút tuy có phần chậm nhưng vẫn có nhiều giá trị và ý nghĩa, nhất là đối với các nhà văn trẻ hiện đang tìm đường. Nguyễn Huệ Chi không đồng tình với quan điểm của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, coi quan điểm ấy ” quá cay nghiệt ” !

Vậy Vương Trí Nhàn đánh giá Nguyễn Khải ra sao ? Ông cho rằng cái đầu đề của bài Tuỳ bút đã sai, vô nghĩa: đi tìm cái gì?, là bắt chước một nhan đề của Marcel Proust (Đi tìm thời gian đã mất); ông cho rằng Nguyễn Khải đến chết rồi vẫn sống 2 mặt, vẫn cao ngạo tự phụ, tự đề cao mình, vẫn tham lam sống ở “2 cửa”, cửa cũ và cửa mới (cửa chế độ cộng sản và cửa chế độ hậu cộng sản), đặt trước một hòn gạch xí phần trước cửa mới (như thời bao cấp, đặt hòn gạch trước cửa của hàng gạo). Tôi ngỡ ngàng vì từng đọc những bài của Vương Trí Nhàn, vẫn tưởng ông này là một nhà nghiên cứu phê bình có trình độ, ít nhất cũng là người tử tế. Sao lại suy luận, vu khống, bôi nhọ phi lý một đồng đội, đồng nghiệp mới ra đi như thế! Sao lại định kiến, thiên lệch, bất công với bạn văn của mình đến vậy! Sao lại viết theo kiểu của tuyên giáo và công an như thế!

Nguyễn Khải cho rằng tài sản tinh thần cả đời ông cuối cùng ”chỉ là một mớ tạp nham vô giá trị”, rằng mươi năm nữa tác phẩm ông sẽ thành ”giấy lộn bán cân”, thế mà Vương Trí Nhàn bảo ông còn tự kiêu, bám vào ”cửa cũ”.

Vương Trí Nhàn còn nói cái ”mất ” của Nguyễn Khải rất lờ mờ! Rõ đến thế mà không thấy; mất tự do, mất cái riêng cá thể, mất sáng tạo, mất quyền được là mình, mất cả cuộc đời; của mỗi người, của cả dân tộc.

Tôi là bạn khá thân của Nguyễn Khải, hiểu khá rõ Nguyễn Khải, Khải tuy khôn ngoan, láu lỉnh, có lúc tự kiêu, có lúc bất công khi đánh giá Vũ Bão qua tác phẩm “Sắp Cưới”, nhưng Khải đã xin lỗi công khai Vũ Bão; về cơ bản, Nguyễn Khải mang bản chất người tử tế, có học, có thiện tâm. Chính cái gốc thiện ấy đã giúp anh đến cuối đời tự phủ định mình và nói lên sự thật chân thực nhất về chế độ, về đất nước, về thời thế, về văn chương, về con người.

Xin mời bạn thưởng thức vẻ đẹp một viên ngọc quý hiếm, và đánh giá nhà văn và tác phẩm cuối đời này.


Bùi Tín
Paris 4-7-2008




Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP