Bàn thêm với Vương Trí Nhàn về đạo lý văn hoá

Có một điểm ở đó phát sinh mọi chuyện

Hồ Trung Tú
Tạp chí Tia Sáng   
08:29' PM - Thứ ba, 06/06/2006

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của anh Vương Trí Nhàn khi đặt vấn đề và tìm cách đi tìm căn nguyên của các hiện tượng tha hóa đạo đức trong ban sắc văn hóa của dân tộc. Quả thật cái cách xét tật mình như thế là luôn cần thiết và cũng tỏ ra khá hiệu quả. Tuy vậy thật khó mà đồng ý với anh khi bảo rằng căn nguyên của những căn bệnh ấy nó đã có từ thời xa xưa khi người ta tạo nên những câu tục ngữ như: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau, Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, Đèn nhà ai nhà ấy rạng, Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ...

Thật ra trong đời sống nhiều của tục ngữ không hẳn đã là một sự đúc kết có tính chân lý mà chỉ nhằm nhận xét một sự kiện nào đó, con người nào đó. Không thể bảo câu "sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi" là một câu có tính khuyên bảo được, nó chỉ có thể là một nhận xét chua xót của người lao động khi bị lừa. Đó là câu nói của người bị lừa chứ không phải châm ngôn của người đi lừa kẻ khác.

Mặt khác, nhiều người quên rằng tục ngữ có cách nói nước đôi mà không để ý ta sẽ dễ bị ngộ nhận. Giọt máu đào hơn ao nước lã nhưng cũng có Bán ba con xa mua láng giềng gần, Gần mực thì đen gần đèn thì sáng, nhưng cũng có Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, Đèn nhà ai nhà ấy rạng nhưng cũng có Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Mà thật ra đi tìm những căn nguyên của sự tha hóa đạo đức trong văn hóa là điều tương tự như chuyện húc đầu vào đá. Nếu quả thật một cái góc nào đó của cái văn hóa dân tộc ta phải chịu trách nhiệm trước các tha hóa đạo đức, các dấu hiệu tiêu cực trong đời sống xã hội, thì thiết nghĩ sự bắt mạch ấy không hiệu quả vì sẽ chỉ nhận ra căn bệnh nan y, bất khả trị. Nếu nó quả thật là lối sống, lối nghĩ, đã trở nên nền nếp của dân tộc thì cho dầu có bắt ra bệnh cũng khó mà chữa khỏi được nếu không nói là không thể.

Ở đâu cũng vậy, ở xã hội nào cũng thế, luôn có người tốt và kẻ xấu. Khi cái xấu thành phổ biến thì xã hội đó có vấn đề. Nhưng thật ra ở đây ta cũng cần phải xác định thế nào là phổ biến nữa. Người bi quan sẽ có ý kiến khác với người lạc quan. Người bình thường, người thành đạt sẽ có ý kiến khác với người bị hại, bị tác động của các hiện tượng tiêu cực, các quan chức sẽ có ý kiến khác với dân thường. Vậy lấy gì đề bắt mạch một xã hội? Có thể lấy ý của anh Nhàn và triển khai thêm một chút, đó là: Thái độ của mỗi con người ở cái chỗ dư luận và luật pháp dừng lại.

Không cần phải bàn chuyện luật pháp cấm, chỉ những chuyện nho nhỏ thôi, hoặc như chuyện to nhưng nơi kín đáo, không một ai biết, không một ai hay nhưng người này thì làm còn người kia thì không. Cái gì thúc đẩy hay ngăn chặn bàn tay của họ lúc ấy, lúc chỉ có một mình họ với họ? Luật pháp mà quy định khi nói trước tòa con người ta phải đặt tay lên Kinh Thánh và thế là sẽ nói sự thật. Quả thật không điều gì che giấu được Chúa, nếu con người ta tin là Chúa có thật. Với những tín đồ của Chúa họ làm gì ở đâu, Chúa cura họ cũng biết và ghi nhận. Ở đây chẳng cần cái văn hóa nào cả.

Ở Đạo Phật cũng vậy, nhân nào quả nấy, gieo gì gặt nấy rồi niết bàn địa ngục thưởng phạt công minh. Không một luật nào có thể giám sát con người ta chặt chẽ hơn thế. Và đó là văn hoá của nước Lào. Bạn tôi nói ở đó cho dù có vứt chiếc Dream II giữa đường, có chìa khoá để ở xe và đi đâu cả ngày nó vẫn nằm im đó.

Ở ta với cái đạo Lương, cái đạo thờ ông bà truyền thống của Việt Nam, và nhiều cách để giữ gìn con người ta tránh xa những điều ác. Sống để phúc chỉ là cái ví dụ lớn nhất cần phải nói. Khi người ta ở một mình thì người ta vẫn cái tương lai cần phải giữ gìn. Chuyện cổ tích "Cái cân thủy ngân" là lời răn đe giá trị lâu dài nhất. Sự răn đe lớn hơn và đáng sợ hơn bất cứ cái hình phạt nào mà luật pháp đã đưa ra.

Xã hội ta hôm nay không ít người sống không tìm cách để phúc cho con mà tìm cách để lại càng nhiều thứ vật chất càng tốt. Và đó mới là sự bắt mạch chính xác nhất căn bệnh xã hội hôm nay, nó chẳng dính dáng gì đến vấn đề văn hóa cả mà phải chăng là do tình trạng: CNDV biện chứng vốn là cái thứ cần nhiều sự uyên bác, hiểu biết và trải nghiệm lại bị phổ cập và đơn giản hóa thành một thứ duy vật thô sơ: Con người ta chết là hết!

Những điều chúng ta đã từng lo lắng về một xã hội xuống cấp về mặt đạo đức phần nào đó xuất phát từ sự tan vỡ của các ý niệm về tương lai truyền thống.Chỉ một câu ngạn ngữ đơn giản: Sống để phúc cho con cũng giúp những người nhận thức được đã tránh được những cám dỗ, không sống buông thả, thù hận, có ý thức, trách nhiệm với cá nhân mình, sống nề nếp, gìn giữ tôn ti và điều đó dẫn đến sự ổn định của một xã hội. Ông (Bà) ta đã từng nghĩ trong mỗi hành động của mình rằng để lại cho con cái một núi vàng mà không có phúc thì con cái cũng không không được.

Có hàng trăm cách đề phục hồi cái ý niệm về tương lai cho mỗi con người, nhưng cái khó nhất là những suy nghĩ rằng con người chết đi là hết, một thời đã ăn sâu vào suy nghĩ cửa nhiều người, thậm chí của những người chỉ học chưa xong tiểu học.

Gần đây đời sống xã hội đã tạo điều kiện để con người ta quay về với sự gìn giữ cái trong sáng của tâm hồn nhưng chỉ tiếc là lại quá sa đà vào sự mê tín. Lênin đã từng nói đại ý những người duy vật, vô thần phải thực sự là những người mạnh mẽ và được trang bị tất cả cái vốn văn hóa mà nhân loại đã tích lũy trong suốt lịch sử tồn tại của mình.

Và ngày nay thật là đáng sợ với cái suy nghĩ rất duy vật thô sơ rằng: con người ta chết là hết. Và đó là cái điểm phát sinh mọi điều bất ổn.

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP