Giao thông VN - tiếp cận từ văn hóa

Mặc cho những nỗ lực từ để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, đây vẫn là vấn đề gây bức xúc lớn. Từ góc độ văn hoá, ông Vương Trí Nhàn - người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Việt có thêm một số kiến giải.

- Thưa ông Vương Trí Nhàn, những số liệu về tình hình vi phạm luật giao thông và tai nạn giao thông hàng ngày tự nó đã cho thấy sự phức tạp của vấn đề này, từ góc nhìn văn hóa và tâm lý xã hội, ông có nhận định gì?

Ông Vương Trí Nhàn: Tôi tiếp nhận các tin tức đó tương đối bình thản, tôi nghĩ rằng khó mà khác được. Hàng ngày hàng giờ các yếu tố bình thường đã chuẩn bị cho điều đó rồi, chỉ cần trông cách đi lại thôi thì mình biết rằng thể nào cũng có tai nạn, trông con mắt của người đi đường thôi, cái cách nhìn băm bổ, cách bóp còi, cách ông ấy vượt đường thì mình biết rằng thế này thì làm sao thoát khỏi tai nạn !?

Ảnh: autonet.com.vn

- Phải chăng ông đang nói đến sự tất yếu của nó?

Ông Vương Trí Nhàn: Vâng, tôi muốn nói là nó là không thể khác. Chúng ta phải nhìn vấn đề an toàn giao thông rộng hơn, không thể nóng vội được. Tôi không ngớ ngẩn gì mà kêu gọi chúng ta chấp nhận nó, nhưng mà sự thực nhiều lúc phải chấp nhận nó và phải coi rằng là, muốn có an toàn giao thông thì phải có cách tổ chức giao thông khác hẳn, và ở đó phải có văn hóa giao thông.
ào ?
- Thưa ông, chúng ta sẽ phải hiểu về khái niệm này như thế nào?

Ông Vương Trí Nhàn: Ở Việt Nam tôi thấy còn nhiều cái tự phát và tôi có một suy nghĩ thế này, người Việt ít đặt đầu óc mình vào đi lại vào giao thông, tôi có đọc một cuốn tục ngữ thành ngữ Việt Nam, trong đó có 400 trăm câu bàn về chữ nói, nhưng chỉ có 70 câu bàn về chữ đi, tức là đối với người Việt Nam, đi là cái gì đó bình thường, không đáng quan tâm, nhưng thực ra đều phải nghĩ về nó mới có thể tìm được cách đi tốt hơn. Trong cách đi của người Việt có thể thấy được tính cách của người đó, có thể thấy được nét văn hóa của người đó, đời sống tinh thần của họ ra sao, họ sống bằng lý trí hay bằng bản năng, họ quan niệm đời sống như thế nào? Cái đó cũng đúng với cả xã hội.

- Thói quen là một nét của văn hóa, người Việt thích sự tiện lợi. Chẳng hạn, người ta thích ngồi những quán cà phê vỉa hè, thích ngồi những quán bia dọc đường, hay thích rửa, sửa xe cộ ở những cửa hiệu bên lề đường…Ông có kiến giải nào về câu chuyện này không?

Ông Vương Trí Nhàn: Cái mà anh gọi là tiện lợi, thực ra đó là cẩu thả, tùy tiện và quan niệm sai về tự do, đường là cái chung, ai muốn làm gì thì làm, tôi đã chiếm được đoạn đường này rồi thì anh đi chỗ khác. Tất cả những cái cẩu thả ấy nằm trong cái nguyên nhân là anh không xác định được mối quan hệ của anh với xã hội.

Tôi cho rằng, con đường là biểu hiện cái chung của xã hội, và hiện nay cái chung ấy luôn luôn bị mọi người xâu xé, ai chiếm được thì người đó được. Tôi thấy rất nhiều hàng nước cứ rê ra ngoài để lấn thêm tí chút nữa và người bán hàng đó cảm thấy sung sướng lắm!

Hay là có nhiều người còn tỏ ra là họ bất cần đời đấy! Họ phô ra cái sự liều lĩnh, cái sự tùy tiện, sự trâng tráo của họ! Tôi thấy có nhiều người để xe trên đường, mặc cho những người đi lại đoạn đường ấy rất khó khăn, nhưng họ vẫn trơ ra, không có gì áy náy cả, đó dường như là tình trạng của xã hội ngày nay !

- Như ông nói thì liệu rằng có phải văn hóa trong ứng xử giao thông của chúng ta đã rất đáng báo động?

Ông Vương Trí Nhàn: Tôi muốn nói là chúng ta phải nghĩ về việc làm người của chúng ta. Tôi thấy lâu nay báo chí thường chỉ nói ở tính công dân, luật pháp, nhưng mà chúng ta cũng cần nghĩ về người khác chứ không phải chỉ nghĩ đến bản thân mình. Cần phải suy nghĩ về sự tự trọng của con người!

Không phải việc mình vượt đèn đỏ mà không ai bắt được là cảm thấy sung sướng. Tôi thấy cái sung sướng đó tầm thường quá, nhỏ bé quá, buồn cười quá!!! Cũng như cái việc chúng ta bóp còi inh ỏi. Nó chứng tỏ chúng ta rất nông nổi. Vì tôi biết rằng có nhiều người cố vội lên một tý cũng chẳng để làm gì cả, rồi lại đến chỗ nào đó như hàng nước ngồi tán chuyện chả để làm gì! Mình không làm chủ nổi mình nữa! Chỉ cần đứng ngoài mà nhìn thì sẽ thấy chúng ta buồn cười làm sao!

- Thực ra riêng văn hóa giao thông, thì liệu có thể giải quyết được tất cả các vấn đề về thông hay không? Liệu rằng khi đặt vấn đề này thì chúng ta có tham vọng quá không?

Ông Vương Trí Nhàn: Tôi thấy chỉ đặt vấn đề ý thức, luật pháp là không ổn. Nhiều lúc lẩn mẩn đi trên đường tôi nghĩ, nếu bây giờ ai vi phạm luật giao thông thì không cho họ tham gia giao thông một thời gian thì may chăng họ mới biết sợ? Thế nhưng sự thực vấn đề cuối cùng không phải như vậy. Con người ta vẫn có cái liều lĩnh của họ, tôi vừa đọc bài báo, nói về việc người dân ở Quảng Bình hay đâu đó, biết rằng cá nóc độc nhưng họ vẫn ăn, những người nông dân biết phun thuốc sâu là hại nhưng họ vẫn phun, chúng ta sống quen như thế rồi.

Tôi cho rằng các vấn đề về luật pháp, ý thức là rất cần thiết và phải chuẩn hóa hơn nữa, đừng có dễ dãi như hiện nay. Thế nhưng, cuối cùng, chúng ta vẫn phải xây dựng một xã hội có văn hóa hơn nữa, chúng ta phải làm cho con người có văn hóa hơn nữa. Văn hóa là thế nào, là sống có ý thức, suy nghĩ hiểu biết mình đang sống trong một đất nước như thế nào, thế nào là con người đáng sống, đáng trọng.

- Trên cơ sở những phân tích như trên, ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hóa, người có nhãn quan của một nhà phân tích tâm lý xã hội ông có kiến giải gì để thực thi được văn hóa trong giao thông ?

Ông Vương Trí Nhàn: Chúng ta đã có nhiều giải pháp rồi, tôi chỉ đề nghị các giải pháp đó phải luôn luôn được kiểm tra, nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần nghiên cứu, trở lại lịch sử tìm ra những nguyên nhân sâu xa của nó. Chứ nếu chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tượng thôi mà không biết tại sao họ lại đi vội như thế, tại sao họ lại gây ra tai nạn như thế thì không được. Tôi kêu gọi cần phải có sự nghiên cứu về văn hóa, phải có sự vào cuộc của các nhà xã hội học. Tôi có một kinh nghiệm là, ai sống văn hóa thì người đó ít gây ra tai nạn, họ thường để ý chung quanh mình, hiểu biết chung về con người, hiểu biết chung về xã hội.

*
Nguyễn Cường thực hiện19/05/2008 tuanvietnam

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP