“CÂN ĐO” LÀ CẦN …… NHƯNG XIN PHÉP CHO TÔI LÀM CÁCH KHÁC


1. Theo anh, công việc của nhà phê bình là gì? Vai trò của nhà phê bình đối với sáng tạo văn học?


-- “Nhà phê bình là kẻ quan sát suy nghĩ và viết để nhận diện cuộc đời thông qua nghiên cứu các tác giả và tác phẩm văn học “
Xin nói rõ hơn một chút. Tôi biết nhiều người không hiểu vậy. Đại khái,cả người viết phê bình lẫn người đọc phê bình thường cho rằng nhà phê bình là một thứ cân, chuyên môn “cân đo” đánh giá các nhà văn các tác phẩm.
Người ta cũng hay coi phê bình là một thứ dây leo mưu sinh bằng cách ăn nhờ ở đậu giới nhà văn. Trong khái niệm người sáng tác,không có họ.
Tôi không tự coi mình là kẻ chầu rìa như vậy. Nhà phê bình cũng là một kẻ sáng tạo văn học. Đối với các cây bút viết văn làm thơ – phê bình là người đồng hành và trong một số trường hợp là người đối thoại.
Lúc mới vào nghề tức là bốn chục năm trước, tôi cũng nghĩ giống mọi người. Đúng là xã hội cần loại phê bình đi cân đo các hiện tượng văn học. Đó cũng là hướng đi có triển vọng.
Nhưng tôi cho rằng có thể có cách nghĩ khác ( như trên tôi đã trình bày ) và tôi muốn lấy cuộc đời mình ra chứng minh điều này.
Hiện việc chính của tôi là biên tập ở một nhà xuất bản. Tôi chỉ làm phê bình theo kiểu nghiệp dư, nói nôm na là muốn viết gì thì viết không thích thì thôi, ai có khích, bảo có chuyện này chuyện kia đấy, sao nhà phê bình không lên tiếng, tôi vẫn không để ý. Cách tồn tại theo kiểu “chầu rìa” cho phép tôi kiên trì theo con đường đã chọn.
Hiện vẫn có người đọc tôi,bài báo nhỏ tôi vẫn viết đều, các bài nghiên cứu tập hợp lại thành sách đã được xuất bản. Tôi tự cho rằng tôi vẫn cần cho mọi người theo cách riêng của mình.


2. Theo anh phê bình văn học khác với điểm sách văn học ở những điểm nào?

--Điểm sách là công việc của người y tá còn phê bình như tôi nói trên thì gần với hoạt động của người bác sĩ.Cố nhiên có những người cả đời làm y tá, và do làm giỏi vẫn được quyền kính trọng, còn những bác sĩ dốt thì vẫn đáng khinh bỉ.
Nên nói thêm : ở ta thì không, nhưng ở các nước trên thế giới, người bác sĩ phải thạo công việc của y tá kể cả khi họ không còn phải làm cái việc cụ thể ấy nữa.

3. Theo anh, nhà phê bình cần hội đủ những yếu tố nào? ( tri thức về hệ thống, phương pháp luận, khả năng tiếp cận những nhân tố mới, nhân học, mỹ học...) Anh tự thấy có được những yếu tố nào?
-- Những nhân tố vừa nêu ( và nhiều nhân tố khác chưa nêu ở đây ) đều cần. Người ta cần các tri thức ấy cũng tương tự như cần có thói quen hình dung và nắm bắt đời sống ở cái dạng trực tiếp của nó.

Có điều theo tôi, nó cần cho bất cứ người sáng tác nào, chứ không phải chỉ riêng người viết phê bình. Bởi như tôi quan niệm, sáng tác là một hoạt động nghiên cứu đời sống, và mỗi nhà văn là một nhà trí thức chứ không phải là một anh thợ chữ thuần túy chỉ giỏi tả cảnh.
So với người viết văn làm thơ, người phê bình chỉ khác về mức độ và cách thể hiện các tri thức và các khả năng nói trên.
-- Xin miễn trả lời về những câu hỏi nhằm đánh giá bản thân tôi.

4. Anh có đang viết phê bình đều đặn không? Tại sao?

- Nếu hiểu phê bình là việc viết những bài điểm sách và tham gia vào việc đánh giá các hiện tượng văn chương mang ý nghĩa thời sự thì không, gần đây tôi không làm. Tôi đã ở tuổi 65. Tuổi tác không cho phép tôi làm cái việc mà có lẽ là dành cho các bạn trẻ thì phải hơn. Mươi năm nay tôi muốn lùi ra một chút để nghĩ chung về các vấn đề khái quát của văn học. Theo hướng này tôi vẫn viết đều đều, và theo tôi hiểu, các bài viết ra vẫn có tính thời sự của nó.

5. Anhcó hay viết bài điểm sách theo yêu cầu PR của các nhà xuất bản và nhà làm sách tư nhân không? Anh dành cho việc này bao nhiêu phần trăm thời gian? Anh quan niệm thế nào về việc này?

Không, không bao giờ, kể cả lúc trẻ cũng như hiện nay.
Ngay cả với những tác giả sách mà tôi mang ra làm công cuộc khảo sát, tôi cũng nói đây là nhân tác phẩm của anh mà tôi phát biểu một vài điều tôi thấy cần nói với bạn đọc thế thôi, tác giả cuốn sach và nhà xuất bản thích hay không thích với tôi không quan trọng.
Điều tôi cần chăm lo là mối quan hệ với cả nền văn học nói chung chứ không với riêng ai hoặc cơ quan nào.

6. Anh đã và đang đọc những tác phẩm lý thuyết nào về phê bình văn học? Anh tự thấy mình chịu ảnh hưởng của nhà phê bình/trường phái phê bình nào?

-- Tôi không quan tâm lắm tới các trường phái mà chỉ đọc kỹ vào một hai tác giả cụ thể. Người để lại ảnh hưởng nhiều nhất là nhà nghiên cứu người Nga M.M.Bakhtin (1895-1975), tác giả cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoievski mà tôi có tham gia dịch một phần.

7. Nếu được yêu cầu tóm tắt phương pháp phê bình của anh trong vài câu, anh sẽ nói gì?

Với tôi, viết phê bình là nhìn đời sống văn học như một phần cuộc đời đang diễn ra chung quanh ; nhìn mỗi tác giả như một con người cụ thể, và tôi phải viết làm sao để qua tác giả đó, không chỉ các nhà văn mà những con người làm nghề khác cũng thấy những vấn đề của họ.
Ví dụ có lần tôi viết 50 trang về Xuân Diệu ( bài trong tập Cây bút đời người ). Một ông thứ trưởng về hưu bảo tôi : trong giới cán bộ lão thành, khối ông sống như Xuân Diệu mà anh đã viết. Tôi thấy đã có người hiểu cho mình thế là được rồi.
Đấy là phương pháp tổng quát. Còn ngón nghề cụ thể thì muôn vàn, mỗi trường hợp lại tìm ra một cách khác.

8. Hãy kể tên tối thiểu 2 và tối đa 5 tác phẩm mà anh đã viết bài phê bình (không phải điểm sách)
trong thời gian 2 năm trở lại đây. Tại sao anh chọn các tác phẩm đó?

Hai năm gần đây tôi định tập trung hoàn chỉnh các bài viết cũ để dựng lại những cuốn sách riêng về Tô Hoài, về Thạch Lam và một vài tác giả khác ( nhưng cũng còn đang dang dở cả một mớ đấy ).
Ngoài ra tôi định tiến tới làm một tập về các nhà văn lớn đầu thế kỷ, từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh tới Phạm Quỳnh, Phan Khôi ( Một phần bài Phạm Quỳnh đã “ trình làng ‘ )
Tiếc thay là càng vào việc càng thấy phải chuẩn bị kỹ càng hơn. Nếu trời cho khỏe thì cũng mất mươi năm. Nhưng cách làm việc của tôi thường kéo dài vậy. (Trong cuốn Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học VN, bài đầu viết khoảng 1989 và bài cuối hoàn thành vào 2004 )
Tại sao tôi chọn các tác giả trên ? Vì tôi thấy ở họ có những vấn đề của cuộc sống hôm nay con người viết văn hôm nay.
Qua Phạm Quỳnh, tôi hiểu nhu cầu hội nhập là thiết yếu với xã hội VN và từ đầu thế kỷ XX đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được một cách suy nghĩ thích hợp.
Phan Khôi dạy tôi một điều : phải biết từ bỏ những quan niệm lỗi thời, bất kể trước đây nó đã thân thiết với mình như thế nào.

8. Hãy kể tên 5 tác phẩm mà theo anh là đáng chú ý nhất được xuất bản trong 1-2 năm trở lại đây. Anh đã nghĩ gì, và có dự định viết về chúng?

-- Tôi có đọc kỹ mấy cuốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư – Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải và cuốn Lê Vân yêu và sống. Tôi định từ ba tác phẩm này viết một cái gì đó chung về con người VN hôm nay. Nhưng mới ghi nháp mà chưa bắt tay vào viết vì còn bận các việc khác. Nhưng sang năm sang năm nữa cũng không muộn, tôi nghĩ vẫn có thể tìm trong các tác phẩm đó những điều có ý nghĩa thời sự

9. Ý kiến anh thế nào về các nhà văn trẻ - những nhà văn thuộc thế hệ mới - có sáng tác gây dư luận hay tranh cãi và/hoặc thử nghiệm đáng chú ý? Anh đã làm gì đối với họ?

Tôi thấy ở họ thiếu nhất là cảm giác về lịch sử. Họ cứ tưởng chỉ với thế hệ họ mới có những vấn đề mà họ đang gặp phải. Thật ra thế hệ nào cũng vậy.
Cái mà tôi muốn khuyên là họ phải đặt cho mình những yêu cầu cao và phấn đấu trở thành những trí thức thực thụ. Nhưng tôi thấy trước là họ không thích nghe. Âu là tôi nói điều đó thông qua công việc vẫn làm của mình vậy. Biết đâu may ra về sau có người chia sẻ.

10. Có một cụm từ chúng ta đã nghe rất nhiều: “sự khủng hoảng của phê bình văn học (ở nước ta) hiện nay”. Bản thân là nhà phê bình, anh đã và đang làm gì để góp phần làm thay đổi điều đó?

-- Sáng tác thơ văn cũng đang khủng hoảng lớn chứ riêng gì phê bình.
Từ ba chục năm trước trong một lần nói chuyện riêng với tôi, nhà văn Nguyễn Khải bảo rằng tự nó sáng tác sẽ không ra khỏi tình trạng làng nhàng này được, may ra chỉ còn trông vào phê bình. Phê bình phải mở đường.
Mấy chục năm đã qua, có lẽ Nguyễn Khải đã quên hẳn điều ông nói, còn tôi thì vẫn bị nó ám ảnh.
Song cái chết là ở chỗ, cũng như sáng tác, phê bình ngày càng kém đi, ngày càng trở thành một thứ nghề thủ công, một số cây bút có tài không nghĩ gì nhiều ngoài việc điểm sách.Thành ra cả giới vẫn quá ít người nghĩ chung về cả nền văn học.
Có nghĩ mà vẫn chưa chắc đã làm được huống chi là không nghĩ !
Cái điều mà chúng ta gọi là thay đổi diễn ra ì ạch quá, có khi tiến ở phương diện này lại lùi ở phương diện khác, nên trên đại thể, khủng hoảng còn là kéo dài.
23-8-07

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP