Nguyễn Đình Đăng

Báo chí văn chương

 

 

 

Trong tiểu thuyết “1984” George Orwell đã vẽ nên một xã hội giả tưởng do một nhà độc tài gọi là “Anh Cả” - chủ tịch một đảng độc tài – cai trị. Khẩu hiệu hành động của đảng này là:

 

Chiến tranh là Hoà bình

Tự do là Nô lệ

Ngu dốt là Sức mạnh

 

Đất nước nằm dưới sự điều hành của 4 bộ:  Bộ Sự thật - chuyên chỉnh lý, bịa đặt thông tin; Bộ Hoà bình -  chuyên chuẩn bị chiến tranh; Bộ Tình yêu – chuyên lo việc dò xét, theo dõi, đàn áp những người đối lập và dân chúng để giữ “ổn định” xã hội, nhưng thực chất là nhằm duy trì quyền lực của “Anh Cả”; Bộ No đủ - chuyên lo về kinh tế. Tuy vậy, cho dù có một trí tưởng tuợng và tài tiên đoán khác thường, Orwell cũng không thể hình dung được nhân loại vào cuối thế kỷ 20 sẽ có internet. Nếu Orwell đoán trước được điều đó hoặc cái gì tương tự như internet thì có lẽ nhân vật Winston trong “1984” làm ở Bộ Sự thật đã không phải hàng ngày vất vả chữa lại bằng tay những số liệu trong các tờ báo đã xuất bản của đảng sao cho khớp với các tuyên bố dự đoán (thường là sai) của “Anh Cả”. Để “tái tạo quá khứ” anh ta sẽ chỉ cần chữa lại html file là voilà! Hoặc đơn giản hơn, anh ta có thể làm như VieTimes: Gỡ luôn cái bài: 24 phút trò chuyện với ông Vương Trí Nhàn: Tri thức hiện đại: Không được tạo “dịch nói xấu người Việt” đã đăng hôm 2/11/2007 xuống cho biệt tăm tích!

 

May thay thế giới ngày nay đã không phải như Orwell tiên đoán trong “1984”! Và cũng rất may, chúng ta còn có Google, youtube, blog, v.v. là những nơi mà sự thật trần trụi được lưu trữ và phơi bày không thể che giấu hay xóa đi được. Vì thế cho dù VieTimes đã gỡ cái bài phỏng vấn nói trên khỏi trang của mình, nó vẫn nằm chềnh ềnh tại cache của Google như một minh chứng sống động và đáng xấu hổ cho trình độ và văn hóa của nhóm phóng viên nặc danh đã phỏng vấn ông Vương Trí Nhàn.

 

Trong bài nhận xét ngắn này tôi không có ý định bàn về thái độ ứng xử của nhóm phóng viên Vietimes vì đã có tác giả, chẳng những đã nói về điểm này, mà còn yêu cầu Vietimes phải xin lỗi ông Vương Trí Nhàn vì cung cách phỏng vấn rất bất lịch sự, nếu không nói là xấc xược của nhóm phóng viên Vietimes đối với ông Nhàn. Tôi chia sẻ quan điểm của một người bạn rằng một cuộc phỏng vấn mà lại làm cho người được (bị) phỏng vấn bỏ về giữa chừng là một cuộc phỏng vấn thất bại. Thay vì xin lỗi, VieTimes đã lẳng lặng gỡ bài báo xuống. Vậy thì góp ý thêm về điểm này hỏi liệu có khác gì nước đổ đầu vịt? Vì thế, trong bài này, tôi chỉ mạn phép độc giả chỉ ra tính ngụy biện trong các câu hỏi mà nhóm phóng viên VieTimes đã nêu ra trong bài phỏng vấn ông Vương Trí Nhàn.     

 

* * *

 

Lập luận ngụy biện, lừa dối, hay xảo trá đã được phân loại từ thời Aristotle, tức cách đây hơn 2300 năm. Một khi tính xảo trá của lập luận (câu hỏi) được vạch ra, bản thân lập luận (câu hỏi) đó trở nên vô giá trị. Để khỏi mất thì giờ, tôi chỉ tập trung vào những câu hỏi hoặc /và khẳng định mang tính ngụy biện điển hình nhất, mà bỏ qua các câu hỏi nhỏ, vì dễ thấy là chúng cũng không nằm ngoài cách phân loại tương tự.

 

1)      Trong nhân loại nói chung, dân tộc nào mà chẳng có những thói hư tật xấu ấy?

 

Lập luận này thuộc loại argumentum ad antiquitatem - tức là lý lẽ dựa vào cổ xưa hoặc truyền thống. Đây là một lập luận ngụy biện rất hay được dùng trong tranh cãi. Lý lẽ này khẳng định rằng một chính sách, tính cách, cách hành xử là đúng và chấp nhận được vì từ xưa tới giờ và ở đâu người ta cũng làm như thế. Ví dụ: “Mọi nền văn minh vĩ đại trong lịch sử đều bảo trợ văn hóa và nghệ thuật bằng quỹ của nhà nước.” Nhưng sự thực đó không phải là sự biện minh cho việc tiếp tục một chính sách như vậy. Cái sự thật rằng dân tộc nào cũng có những thói hư tật xấu không phải là sự biện minh cho việc không nên nói về những thói hư tật xấu của dân tộc Việt Nam!

 

2)      Đó là những kẻ đứng ngoài Việt Nam để xếp hạng. Để đánh giá một nước, một xã hội thì phải thấu hiểu, phải trải qua chính những vấn nạn mà xã hội ấy gặp phải. Vậy nên không thể nói những bảng đánh giá đó là chính xác, coi nhưmột chân lý để khẳng định? 

 

3)      Những người nước ngoài sống trong một thể chế chính trị khác, đời sống văn hóa khác. Tất cả mọi thứ đều khác Việt Nam. Một mặt nào đó, người ta đứng ở thế giới khác thì không thể đánh giá khách quan về một thế giới khác. Ví dụ một con cá chỉ bơi ở trong nước thì làm sao biết loài chim bay trên trời như thế nào?

 

Hai câu hỏi này thuộc loại argumentum ad ignorantiam (viện dẫn sự không hiểu biết). Ngụy biện loại này khẳng định rằng một điều trở nên nghiễm nhiên đúng vì nó chưa bị chứng minh là sai (Nếu cứ tạm xem như bảng xếp hạng của những nguồn bên ngoài Việt Nam là không đáng tin cậy). Việc thất bại trong chứng minh rằng một cái gì đó là sai không đồng nghĩa với việc chứng minh được nó là đúng. Đó là chưa nói đến những giá trị chung của nhân loại (chứ không phải gìữa các loài khác nhau như cá, chim, hay cóc nhái, sâu bọ). Ví dụ ăn cắp ở xã hội nào và trong hoàn cảnh nào cũng là xấu! Không xã hội nào đánh giá việc nói một đằng làm một nẻo như một đức tính cao quý! Những người biết tự trọng thường coi khinh những kẻ nịnh hót, bợ đỡ.

 

4)      Nhưng có một giá trị chung là “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Lòng người như thế nào thì sẽ tràn ra ngoài miệng như thế đó.

 

5)      Lời yêu thì ai cũng nói được nhưng ai nói với ta thì mới là quan trọng chứ!

 

6)      Tôi muốn nói rằng những nguồn trích dẫn chỉ đáng tin khi tác giả của chúng đáng tin thôi.

 

7)      Ông vừa nói có những người không tốt nhưng lời nói của họ tốt đúng không. Nhưng “Y phục” phải “xứng kỳ đức”. Chúng ta ở một vị trí xã hội, tầm văn hóa như thế nào thì mới có quyền phát ngôn ở vị trí xã hội như thế, tầm văn hóa như thế.

 

Lập luận trong bốn khẳng định trên đây thuộc loại argumentum ad hominem (lý lẽ hướng vào cá nhân). Lập luận kiểu này xảo trá ở chỗ, thay vì phản bác một ý kiến nào đó, lập luận lại hướng sự công kích vào tính cách và động cơ của người đưa ra ý kiến đó. Bốn khẳng định trên đây là những ví dụ khá điển hình của argumentum ad hominem khi nó tấn công nguồn đưa ra thông tin, tuơng tự như khẳng định: “X là tên lừa đảo vì thế không thể tin được những gì hắn nói.” Sự ngụy biện ở đây là ở chỗ, thay vì chứng minh ý kiến của X là sai, người ta lại đi công kích cá nhân X là tên lừa đảo. Sự thực là, cho dù X là tên lừa đảo, y vẫn có thể nói: “2 x 2 = 4” và khẳng định đó của y vẫn là chân lý.

 

8)      Sẽ có nhiều người ngạc nhiên vì sao ông lại coi những trích dẫn đó là mẫu mực?

 

Lập luận này thuộc loại argumentum ad numerum (lý lẽ viện dẫn các con số). Tính ngụy biện của lập luận loại này là ở chỗ, thay vì chứng minh điều gì đó là đúng, lập luận lại trích dẫn bao nhiêu người nghĩ rằng nó là đúng. Nhưng cho dù có bao nhiêu người tin rằng một điều gì đó là đúng cũng không có nghĩa điều đó là đúng. Ví dụ: “Ít nhất 70% người Mỹ ủng hộ việc hạn chế nạo thai.” Rất có thể 70% dân Mỹ là sai lắm chứ!

 

9)      Nếu như một dân tộc có quá nhiều tật xấu thì nó đã bị đồng hóa, tan biến từ lâu chứ không thể có một dân tộc Việt như ngày hôm nay…

 

10) Chẳng nhẽ dân tộc Việt đã có hàng nghìn năm lịch sử lại không thể nhận thức được mình?

 

Đọc hai khẳng định này tôi lại được dịp tặc lưỡi bái phục Albert Einstein khi ông nhận xét: “Trên đời này chỉ có hai thứ là vô hạn: 1) vũ trụ và 2) sự ngu dốt của con người. Tôi không chắc về cái thứ nhất lắm.” Những khẳng định đã nêu thuộc loại cum hoc ergo propter hoc (cùng với cái đó cho nên tại vì cái đó). Đây là một ngụy biện khá quen thuộc trong đó sự tương quan, xảy ra đồng thời đã bị nhầm với nguyên nhân, tức là cho rằng vì hai sự việc diễn ra đồng thời, nên một trong hai sự việc phải là nguyên nhân của sự việc kia. Ví dụ: “Tổng thống Clinton có một chính sách kinh tế tuyệt vời. Cứ xem kinh tế của nước Mỹ tăng trưởng tốt như thế nào trong nhiệm kỳ của ông ấy thì biết!” Vấn đề ở đây là hai việc có thể cùng diễn ra đồng thời đơn giản chỉ do trùng hợp ngẫu nhiên (chính sách của ông tổng thống có thể chỉ đóng vai trò rất nhỏ trong việc tăng trưởng kinh tế, còn nguyên nhân thực sự lại là sự phát triển của công nghệ) hoặc quan hệ nhân quả giữa chúng xảy ra trễ theo thời gian (chẳng hạn sự phát triển kinh tế kỳ này là nhờ chính sách của ông tổng thống ở nhiệm kỳ trước). Việc một dân tộc không tan biến hay có hàng ngàn năm lịch sử không phải là kết quả của việc dân tộc đó có ít tật xấu. Một dân tộc có thể có rất nhiều tật xấu mà vẫn tồn tại. Ông Bá Dương, tác giả của “Người Trung Quốc xấu xí” đã vạch ra bao tính xấu của người Trung Hoa trong khi dân tộc Trung Hoa đã có một lịch sử tới 5 ngàn năm, còn dài hơn cả dân tộc Việt.

 

11)   Trong những thói hư tật xấu chung của người Việt mà ông đã trích dẫn, ông cảm thấy mình có bao nhiêu phần trăm thói hư tật xấu trong đó?

 

12)   Đây là một cuộc phỏng vấn. Với tư cách là một người con của dân tộc Việt, ông cảm thấy mình có bao nhiêu tính xấu trong đó?

 

Đây là ví dụ điển hình kiểu “sách giáo khoa” cho lối ngụy biện Tu quoque (Ông cũng thế). Ngụy biện loại này bao biện cho một khuyết điểm, lỗi lầm trong lập luận của một người bằng cách chỉ ra rằng đối thủ của y cũng mắc khuyết điểm như vậy. Một lỗi lầm, khuyết điểm, hay thói hư tật xấu vẫn cứ là một lỗi lầm, khuyết điểm, hay thói hư tật xấu bất kể bao nhiêu người, kể cả một dân tộc, mắc phải.

 

13)        Theo ông, Nguyễn Du có nhận thức được mình không khi viết ra một tác phẩm như “Truyện Kiều”?

 

Đây là lập luận thuộc loại argumentum ad verecundiam (lý lẽ dựa vào uy tín). Tính ngụy biện của lập luận loại này xảy ra khi người được trích dẫn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đang được bàn đến, ví dụ một số tác giả thường trích dẫn các quan điểm của Einstein về chính trị như thể Einstein là một triết gia hơn là một nhà vật lý thiên tài. Hơn nữa, đúng như ông Vương Trí Nhàn đã trả lời, việc có một, hai người như Nguyễn Du nhận thức được không có nghĩa là cả dân tộc nhận thức được.

 

Tiếp theo đó, nhóm phóng viên VieTimes đã chuyển sang ngụy biện kinh điển kiểu “bù nhìn rơm” khi đặt câu hỏi khiến ông Vương Trí Nhàn không thèm trả lời, và bỏ ra về:

 

14)        Ông nói sao? Một thiên tài như Nguyễn Du cũng không biểu hiện cho nhận thức của dân tộc sao?  

 

Ngụy biện kiểu “bù nhìn rơm” là cách đánh lạc hướng sự chú ý, tạo ra một dạng bóp méo (bù nhìn rơm) lý lẽ của đối phương thay cho lý lẽ thực sự mà đối phương đưa ra, và công kích cái lý lẽ bị bóp méo đó. Ngụy biện “bù nhìn rơm” khiến đối phương thiếu tỉnh táo sẽ phải quay sang bảo vệ cái lý lẽ “dở hơi” mà thực ra anh ta không đưa ra. Một dạng khác của ngụy biện đánh lạc hướng có tên là “cá trích đỏ” (red herring). Đây là cách lẩn tránh vấn đề chính (ở đây là thói hư tật xấu của người Việt), đánh lạc hướng sự chú ý sang một đối tượng khác (Nguyễn Du) để dễ quy kết, chụp mũ đối phương dựa trên argumentum verecundiam (lý lẽ dựa vào uy tín) đã nói ở trên và argumentum ad popolum (lý lẽ dựa vào công chúng) – vì công chúng xưa nay vốn đã được (bị) tuyên truyền rằng Nguyễn Du là thiên tài đất Việt. Tính ngụy biện của argumentum ad popolum là ở chỗ nó cố đi chứng minh một điều gì đó là đúng đơn giản là vì công chúng đồng ý với điều đó. Đó là chưa nói đến sự lươn lẹo tức cười giữa hai câu hỏi tiếp nhau 13 và 14 của nhóm phóng viên Vietimes bởi vì “nhận thức được mình” chẳng liên quan gì đến “biểu hiện cho nhận thức của dân tộc” cả. Ông N nhận thức được mình và ông N là người nước V không có nghĩa là ông N biểu hiện cho nhận thức của cả dân tộc V cho dù ông N có là thiên tài đi chăng nữa!

 

* * *

 

Sự khôi hài trong bài phỏng vấn thất bại nói trên là ở chỗ các câu hỏi và khẳng định của nhóm phóng viên VieTimes lại một lần nữa bộc lộ vài thói hư tật xấu – có thể không chỉ của riêng người Việt – thói “đánh hội đồng”, tính “mặc cảm tự ti”, và thái độ “không biết phục thiện”.

 

Tôi rất muốn tin rằng nhóm phóng viên của VieTimes đã thực hiện cuộc phỏng vấn nói trên không phải là do cơ quan A hay ông quan to B nào đó đã đánh tiếng “chỉ đạo”. Vì nếu không phải như thế thì chẳng hóa tình trạng được phản ánh trong bài thơ có từ hơn nửa thế kỷ trước mà tôi trích dẫn thay kết luận dưới đây vẫn còn nguyên tính thời sự ?

 

Báo chí văn chương cũng đáng buồn

Một thằng ọ oẹ, chục thằng nôn

Rằng hay, hết sức xun xoe tán,

Bảo dở, thi nhau xỉa xói dồn.

Mẹ hát con khen đâu phải tốt,

Chồng làm vợ nịnh hẳn là khôn?

Này này đây bảo phường hay “hót”:

Cái miệng hay là cái lỗ chôn? [1]

 

Tokyo 6/11/2007

 

 

 

Bản đăng tại talawas ngày 7/11/2007

© 2007 Nguyễn Đình Đăng

_______________________

 

[1] Thơ Nguyễn Đình Nam, trong tập “Tình và Hận của tôi”

 

 

 

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP