ĐỌC VƯƠNG TRÍ NHÀN VÀ ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Phạm thị Minh Thư

Tôi không thường xuyên tiếp xúc với Vương Trí Nhàn nên không rõ gương mặt ông trong mọi lúc còn ở những lần đã biết nếu mắt ông không nhìn xuống thì cũng là nhìn ngang, ông trong mấy tấm ảnh chân dung anh Hữu Bảo chụp mắt nhìn cũng đều như vậy. Nhiều lần đọc tập chân dung văn học “ Cây bút, đời người” (CBĐN) tôi đã nghĩ: Nếu gương mặt ông mang một đôi mắt với cách nhìn khác, trực diện lơ đãng hay “chiếu tướng” xoi mói một chút chẳng hạn… hẳn Vương Trí Nhàn sẽ viết văn xuôi, sẽ có một tiểu thuyết hay với những nhân vật kiểu Nhị Ca, Tế Hanh. Họ là kiểu người độc đáo nhưng cũng rất dễ bị bỏ qua nếu không có một cảm quan văn xuôi tốt.
Trên phương diện một nhà phê bình bảo Nhị Ca có gì đóng góp đáng nhớ thật khó, vậy thì có gì để viết về ông? Chỗ dừng của nhà phê bình cũng là điểm bắt đầu của nhà văn trong Vương Trí Nhàn. Hãy nghe ông lý sự: “Nhận ra một sự thật – ở đây là nhận thức thấu đáo bản chất một tính cách – luôn luôn là thú vị. Nhưng nếu như trong quá trình nhận thức ấy, bản thân mình có sự tự vượt lên, tức ban đầu hiểu về người ta thế này, sau lại nghĩ khác đi, nghĩ sâu hơn và tìm ở người mình quen những khía cạnh mới, thì sự thú vị lại càng tăng lên gấp bội.”, và: “ Trong sự gắng gỏi để sống, bắt đầu từ bản năng thích ứng, con người đó dần dà hun đúc cho mình những lý lẽ để tin theo, và bởi lẽ sự gắng gỏi quá lớn, cuộc sống giành được phải qua quá nhiều dụng công, nên cái chất ngọc hun đúc được kia, cũng không phải bình thường, mà là một cái gì độc sáng, quái lạ”(1). Đây là kiểu lý do để xuất hiện một truyện ngắn, một nhân vật tiểu thuyết?...Và quả là từ cuộc đời tưởng quá đỗi tẻ nhạt Vương Trí Nhàn đã dựng nên một Nhị Ca bản lĩnh, độc đáo, ấn tượng đến khó thể quên nổi. “… ông sau giờ làm việc, ngất ngưởng cái mũ vải trắng trên đầu hòa nhập một cách tự nhiên vào đường phố Hà Nội, và sau 1975 là đường phố Sài Gòn, hòa nhập vào đó, để rồi mất hút đi với cuộc đời riêng trong đó hết sức thỏai mái. Ong bảo tôi nếu còn khỏe, sau Nhà thờ Đức bà Paris ông rất muốn dịch tập Decaméron ( tức Mười ngày) của Boccacio, một cuốn sách ca ngợi hạnh phúc trần tục ngay trong cuộc đời chúng ta đang sống.”(2).Không hiểu tại sao tôi thấy các câu văn này rất khó tách khỏi nhau, và cứ thấy trước khi mất hút chỗ mà Nhị Ca dừng lại thanh thản nhìn ngắm lần cuối sẽ là cái khỏang vắng thanh bình đầy ánh sáng dưới chân tượng Đức bà trên quảng trường Công xã Paris.
Còn Tế Hanh? “…mỗi con người là một thế giới không cùng, và nói chung là chúng ta sẽ thất vọng khi muốn tìm hiểu quá kỹ về một người nào đó”,bên cạnh một Tế Hanh Thơ, nhân vật văn học cùng tên của Vương Trí Nhàn lại có một đóng góp mới. “Nó” cũng khiến ta chợt nhận ra trong cái lơ lửng của đời sống hình như mình đã lỡ dịp cảm nhận sâu sắc một ai đó?...
Không chỉ có những trang văn xuôi rất hay mà cấu trúc tập sách mô tả chân dung một thời nhiều cuộc đời đã muộn, không thể khác ở nửa nước cũng là một cấu trúc văn xuôi hay. Sau một Nghiêm Đa Văn lông bông nửa vời và bất lực là Nguyễn Khải nghiêm chỉnh, triệt để và thành đạt; tiếp theo Tế Hanh “dáng đi chậm rãi, tay quờ quờ như là đang đi men tường” thỉnh thỏang lại tạt qua cơ quan Hội đứng ở ngòai “vẫy một người nào đó ra thầm thì một câu rồi đi” ắt phải là một ông Nguyễn Tuân thấy ngọn núi trên dãy Hòang Liên Sơn cao hơn một mét vì có mình ở trên. Thật khó đảo lộn trật tự các chân dung. Nhưng trong khi đã viết hết về Xuân Diệu ở phần của Xuân Diệu thì cái câu rất “độc” về ông “loay hoay giữa những bài thơ thù tạc và những bài nói chuyện đi theo lối mòn, Xuân Diệu nhuộm tóc cố làm ra trẻ, ham ăn ham uống , lúc chết mỡ quấn vào tim” lại được “hạ” giữa những lời bàn về Tô Hòai. Nghĩa là gọn ghẽ mà ràng rịt, mỗi chân dung là một chương sách vừa độc lập lại vừa mang tính kế thừa và phát triển trong cái tòan thể của nội dung và hình thức. Có nhạc điệu của câu và có nhạc điệu của tòan bộ tác phẩm. Tôi nhiều lần bất chợt đọc đi đọc lại những đọan nào đó trong tập sách, thích thú lắng nghe những âm thanh vang vọng từ nó. Ở phần viết về Lưu Quang Vũ, đang ào ạt tuôn ra hết câu này tới câu khác về tâm trạng, hòan cảnh, thời cuộc, con người, rồi về thơ Vu, Vương Trí Nhàn đột ngột dừng lời để… Vũ Quần Phương “khái quát”, Xuân Quỳnh “thông cảm”,và…Bằng Việt “chép miệng”! Đâu phải các phía của con người Lưu Quang Vũ mà ba nhà thơ này “đóng góp” Vương Trí Nhàn không rành, cái “hợp âm” độc đáo này có mặt thuần túy vì vẻ đẹp hình thức. Có thể nói ám ảnh về hình thức rất thường trực trong nhà phê bình họ Vương. Là người nói rất nhanh, tiết tấu văn ông cũng cho cảm giác này, nó là thứ văn rất đồng ốp - quà tặng của một tâm hồn sôi nổi, một trí tụê nhanh nhậy ham vận động, nhưng… họa mi cứ hót mãi thì tai nào nghe rồi cũng nhàm, vậy là xuất hiện: lời một người bạn gái nói với chị Đông Mai về Xuân Quỳnh, mẩu đàm thọai giữa “tôi” và nữ sĩ, vài trăm chữ Trần Đình Nam viết về thầy Nghiêm Đa Văn, lại sổ tay, nhật ký trích của người này người khác…cứ thế, linh họat và chính xác những “âm thanh sống” được đưa vào rất “ngọt”. Nó thay đổi và cộng thêm những cảm giác mới.
Phải nói phẩm chất văn xuôi càng lúc càng nổi trội đã thêm vào những độc đáo quyến rũ riêng biệt cho ngòi bút phê bình lý luận vốn sắc sảo tinh tường, cũng cân bằng lại những nóng lạnh nơi con người ham việc sôi nổi và không phải là không dễ bị thời cuộc cuốn theo.
Và những lúc buột khỏi nó ông thường làm hỏng nhạc điệu hoặc tính độc đáo của câu văn. Tôi rất lấy làm tiếc cho hai căn bệnh: sợ bị hiểu nhầm, và phê bình là phải có ích. Trang 37 “Cây bút, đời người” có đọan: “…Vũ Quần Phương khái quát:
-Nổi lên ở Vũ là một cái gì rất đau đớn, thấy cuộc đời cay cực mà vẫn yêu đời và quyết bám lấy cuộc đời thô nhám này.
Xuân Quỳnh- khi đó còn là một người hàng xóm, một đồng nghiệp- Xuân Quỳnh thông cảm:
-Giá kể Vũ thích một cái gì đó thì có thể Vũ cũng làm được. Đằng này Vũ không thích gì hết, đấy mới là điều đáng sợ.
Với bản tính chừng mực , đi sát với một quan niệm trung dung, Bằng Việt chép miệng:
-Ong Vũ này, lúc chiều đời quá lúc khinh bạc quá, đều là không phải. Thực ra, cuộc sống luôn luôn là một cái gì cân bằng, phải chăng…”
Phải chi ông bỏ phần chua thêm sau hai chữ Xuân Quỳnh!
Cũng như ở “Lời dẫn”, nếu bỏ câu sau cùng: “Và trên hết cả, tôi hy vọng không chỉ những người được tôi nói tới mà các bạn văn khác và nói chung tất cả những ai quan tâm đến đời sống văn học đương đại có thể tìm thấy ở những trang sách sau đây những điều bổ ích.”, ông sẽ không thừa, dáng dấp lời kết cũng hiện đại, đẹp hẳn.

*
Sau “Cát bụi chân ai” và “Chiều chiều” một người bạn nói với tôi: “Không ai viết về Tô Hòai hay bằng Tô Hòai.” Bạn nói thật đúng, nhưng xuất hiện “Cây bút, đời người” mới thấy Tô Hòai đâu có viết rằng mình “ Loanh quanh một hồi hóa ra chưa thóat khỏi chỗ xuất phát ban đầu?”(3).
?...
Tới đây có thể Vương Trí Nhàn sẽ cười khì: Không nhìn ra thêm được điều gì thì viết để làm gì? Đành là thế, nhưng “nói thêm” mà chưa “nói hết”. Kém lạnh lùng, thiếu một chút xoi mói cần thiết để nhìn Tô Hòai như chỉ là một nhân vật Vương Trí Nhàn đã để tuột một cơ hội thành công như đã làm được với Xuân Diệu. Phải chăng vì Xuân Diệu đã chết mà Tô Hòai thì đang hiện diện, có khi lại vẫn cùng ông trong việc này việc nọ?
Cận nhân tình, phiền phức là hai chữ Vương Trí Nhàn hay dùng, cả quan niệm ứng xử lẫn nỗi ngại ngần này của ông trong đời sống thường nhật đều “làm khó” nhà phê bình khi ông “đụng” tới những “nhân vật” phức tạp, sắc cạnh. May là với trường hợp Nguyễn Khải ông đã kịp “sửa sai” bằng bài viết rất sòng phẳng, đáo để: “Một vài nhận xét về Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải”. (4) Kể như ông đã hòan chỉnh chân dung nhà văn!

*
Trong “Lời dẫn” của CBĐN Vương Trí Nhàn có nói đến việc các họa sĩ vẽ chân dung có thói quen trở đi trở lại với những khuôn mặt đã quen, mỗi lần đưa ra một phác thảo khác, và mong tập sách của mình được đối xử theo cách như vậy. Tôi nghĩ, nếu thực sự đưa ra được những chân dung mới thì việc trở đi trở lại này xuất phát từ nhu cầu muốn khai phá tiếp bản thân sau đó là đối tượng quan sát, nghiên cứu. Phải dồi dào cảm xúc và có một trí tụê luôn vận động mới ham muốn và có lối làm việc này. Đọc lại những chân dung Nguyễn Tuân, Tô Hòai, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu trong tập “Cánh bướm và đóa hướng dương” in trước đó 3 năm thấy ngay thành quả của những nỗ lực vận động cảm xúc và trí tụê, cái sau nào cũng sắc cạnh, phong phú vượt bậc. Điều cần nói ở đây là tác giả nên dứt khóat hơn trong ý định “chường mặt” với thiên hạ, như thế ông sẽ bớt được những “vận động trung gian” đi thẳng tới một chân dung hòan chỉnh, như đã làm với Xuân Diệu.

*

Gần đây trên các mục nhàn đàm, tạp bút, rồi suy ngẫm thời sự Vương Trí Nhàn có nhiều bài viết hay khi bàn về hội nhập, lo lắng, sốt ruột trước nhiều điều chả ra thế nào, chả giống ai trong đời sống hôm nay. Dẫn lối tới điều này hay mở rộng từ đây ông thường có nhiều phân tích, suy ngẫm và bàn sọan lý thú, độc đáo về phần lý tính, sự trưởng thành của một con người. Khi làm bổn phận công dân nhà phê bình đóng góp tòan những tích cực. Nhưng sự tham dự theo chiều ngược lại đã không được thế! Lấy bài “Nguyễn Du như một thi sĩ” (5) làm ví dụ.
Thọat tiên ông tìm hiểu hòan cảnh ra đời của thơ chữ Hán Nguyễn Du, phân tích con người nhà thơ trên hành trình đi sứ, thấy Nguyễn Du đã nghĩ đến những vấn đề khá trừu tượng, siêu hình của đời sống. Phần thơ được viết ra trong tâm thế này được Vương Trí Nhàn coi là sản phẩm của sự trưởng thành, nó có tác dụng thức tỉnh con người buộc con người phải đặt lại nhiều vấn đề của đời sống. Dễ dàng đồng ý với phân tích này. Nhưng không chỉ thế, để nhấn mạnh ông đã đặt “phía này” của Nguyễn Du bên một “phía khác”, ấy là truyện Kiều và ông đã… không ổn. Quá sốt ruột với một xã hội còn nhiều cảm tính ông soi xét lại sự cảm thụ Kiều của nhiều thế hệ người đọc, tìm ra từ sự cảm thông yêu quý nàng Kiều một thái độ coi trọng cái đẹp cảm tính hơn lý tính. Theo ông, cuộc đời Kiều thật nhiều lầm lẫn, phần hấp dẫn nhất của cuộc đời này là tình, một thứ tình “ma đưa lối quỷ dẫn đường” thiếu sự hướng dẫn của lý trí…
Thử hỏi có cái cụ thể nào không âm vang trong nó những vấn đề của trừu tượng và có trừu tượng siêu hình nào lại không phải tìm một hình hài cụ thể mà đậu xuống? Càng sâu thì càng trong và rõ nét. Đề cao tính siêu hình trừu tượng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, Vương Trí Nhàn sao không một lần thả lỏng, “xóa” mình đi để nhập vào thế giới của những câu thơ: Hoa để tặng người mình sợ, Tối điên cuồng xứ tối phong lưu?... Vào đó rồi ông sẽ thôi bàn nhiều đến ý thức, lý tính; sẽ không viết: “Thậm chí ngay cả khi Nguyễn Du thú nhận sự bất lực rơi vào tuyệt vọng thì thơ ông vẫn có khả năng thúc đẩy sự suy nghĩ trong ta và kéo ta về phía ánh sáng của trí tụê”, cũng chả đặt câu hỏi: Liệu có thể nói cái phần bên trong rắn rỏi khỏe mạnh lão thực mới là phần chính trong con người Nguyễn Du, rằng nếu thế ông sẽ trẻ trung mãi mãi… Thưa nhà phê bình, không phải là “Thậm chí ngay cả khi” mà hai trạng thái ông đã đề cập là bình đẳng liên tục luân phiên không thể tách rời trong cái “vỏ” cụ thể hữu hạn, một Nguyễn Du sinh ở làng Tiên Điền, làm quan triều Nguyễn…Cũng như, bi kịch của Kiều không phải là chuyện của bao nhiêu phần trăm lý tính, cảm tính trong con người là cân bằng, vừa đủ; Tối điên cuồng xứ tối phong lưu, những đau đớn dài dặc lấp lánh của nàng, vẻ khả ái mê hoặc và quyến rũ vĩnh viễn của nàng tôi nghĩ đều khởi từ nguồn này.
Còn như bán mình chuộc cha, rơi vào tay Mã Giám Sinh, Sở Khanh, rồi gặp Vãi Giác Duyên, Từ Hải âu cũng chỉ là những việc đời mà Nguyễn Du hay nàng thế tất phải trải trong cái khúc làm người cụ thể, hữu hạn. Cả khúc đòan viên nữa, nó cũng là một “việc thơ” “ẩm ương” cụ thể mà cuối một lộ trình hòan hảo thi tài… ắt phải “dính”…

8.2006
P.T.M.T

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP