Phải nghiêm cẩn khi bàn đến tính cách của cả dân tộc!



Thứ hai, 5/11/2007,

Phóng viên (PV): Ông có thường xuyên theo dõi mục “Thói hư tật xấu của người Việt” trên một số tờ báo của tác giả Vương Trí Nhàn hay không?

Nhà văn Ngô Thảo (NT): Tôi cũng có đọc qua. Một số bài viết của anh Nhàn trên báo Thể thao – Văn hóa, báo Tiền phong… Nhưng càng đọc, tôi càng thấy ngạc nhiên…

PV: Ông ngạc nhiên vì điều gì?

NT: Người ta nói, anh Vương Trí Nhàn từ một nhà phê bình văn học trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa. Tôi rất nghi ngờ tính khoa học những loạt bài đó. Thực ra, phê phán thói hư tật xấu không phải là mới, nhiều dân tộc đã đề cập đến, nhất là những dân tộc đã trưởng thành, người ta tự nhìn lại mình. Nước Anh đã có những cuốn như thế từ lâu rồi. Trung Quốc người ta cũng viết. Nhưng khi nói thói hư tật xấu của người Việt với tất cả niềm tự tin như anh Nhàn làm, tôi rất bất ngờ.

Như thế nào là người Việt? Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc phát triển khác nhau, tính cách khác nhau. Anh căn cứ vào đâu để nói thói hư tật xấu của người Việt? Người Việt là gì, là người Kinh à, hay tất cả những người trên đất nước Việt Nam? Ngay khái niệm đó tôi đã rất nghi ngờ. Những ai không hiểu, càng đọc càng thấy (đôi khi), ông này rất là uyên bác, nhưng ngờ rằng uyên bác quá nên hóa… khùng. Khi anh Nhàn nói, người Việt Nam bây giờ mới chỉ là công dân loại 2, loại 3 trên thế giới, và anh rất khoái trá khi càng ngày càng phát hiện ra người Việt có rất nhiều thói hư, nhiều thói xấu. Cảm hứng lớn nhất của anh Nhàn là càng ngày càng phát hiện ra người Việt không ra làm sao cả, lúc nào cũng có dẫn chứng… Anh Nhàn không phải là người lần đầu tiên biết tự phê phán dân tộc, vì tất cả những lời dẫn của anh đều dẫn từ các cụ, từ cha ông, từ sách vở… thời trước đấy chứ, nên việc tự phê phán không phải đến thời bây giờ mới có.

Anh Nhàn hơi choáng ngợp, nhớ lại một thời chúng ta tự đề cao ta “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”… Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh dân tộc phải có ý chí chống ngoại xâm, phải đưa lên những câu chuyện, những ưu điểm…, đó là việc hoàn toàn hợp lý. Còn bây giờ, trong hoàn cảnh xã hội phát triển bình thường, đúng là rất nhiều thứ đã có sự thay đổi, song, con người được phát triển tự do hơn, tính cách con người cũng được bộc lộ tự nhiên, hồn nhiên hơn… Nhưng phải phân biệt, thói hư tật xấu của người Việt và thói hư tật xấu của loài người.

Trong này, anh Nhàn nhấn mạnh quá nhiều đến thói hư tật xấu của người Việt. Nhưng than ôi, những điều anh càng chứng minh thì càng thấy, không chỉ riêng ở người Việt… Giờ mình cứ hô lên, người Việt tham nhũng, người Việt sinh hoạt không đứng đắn… Hãy xem tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp kia kìa…, ông nào cũng bị tố cáo tham nhũng cả, rồi ông này hai, ba bà… Kể cả những nước anh Nhàn coi đó là niềm ao ước của anh ấy, họ là các công dân thượng đẳng. Cho nên, không có một dân tộc nào tự hào rằng mình hơn các dân tộc khác, và cũng không có dân tộc nào nghĩ mình hèn hạ hơn dân tộc khác. Dân tộc nào nghĩ như thế, đó là nguồn gốc từ chủ nghĩa phát xít.

Người có văn hóa hôm nay mà lại tự coi dân tộc mình là công dân loại 2, loại 3 thì thật bất ngờ. Riêng điều này tôi đã cảm thấy, sự uyên bác của anh Nhàn đã đẩy anh thành một người khùng. Bây giờ cứ nói, thói hư tật xấu trong những bài viết của anh Nhàn mà thỉnh thoảng tôi có đọc, bao giờ anh ấy cũng nhắc đến thói hư từ Trung Quốc, từ nước này nước khác, rồi người Việt thế này thế khác…

Bây giờ điều quan trọng nhất, mình đang nhắc đến bản sắc dân tộc - một điều rất dễ nhìn thấy, thế mà chúng ta chẳng biết chỉ ra nó là cái gì, huống gì thói hư tật xấu của loài người? Anh cứ nghĩ rồi dồn hết cả những thói nào nhỏ nhen, nào ích kỷ, nào mánh lới… này kia vào người Việt. Các nước họ nói những điều nghiêm túc này một cách hài hước, anh Nhàn thì ngược lại, nói một cách rất nghiêm túc. Chính điều đó đã khiến anh Nhàn trở thành nhân vật hài hước, chứ không thể thành một nhà nghiên cứu văn hóa. Anh muốn nói, thì anh phải đưa ra những con số thống kê cụ thể. Có như thế mới là nghiên cứu khoa học chứ…

Trong quá khứ, chúng ta đã từng có những ngộ nhận. Thí dụ, khi nói người Việt Nam có truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo. Nói như thế tưởng như là đúng, nhưng thực ra rất là buồn cười. Buồn cười là, thời trước cách mạng, hơn 90% dân số thất học, thì lấy đâu ra là hiếu học. Mà khi không đi học, thì lấy đâu ra hiếu học, lấy đâu ra tôn sư trọng đạo? Coi đó là truyền thống của một dân tộc thì đó là không đúng!

Cũng như hôm nay, có một bộ phận thanh niên đua đòi, ham mê cái này cái kia… Nhưng thực ra, đó là một bộ phận rất nhỏ hiển thị trước mắt anh, trong các đô thị, các thành phố. Anh có biết nước này có bao nhiêu thanh niên, có bao nhiêu người đi học? Số lượng thanh niên trưởng thành đông hơn rất nhiều số lượng ấy. Sự phát triển đất nước nhờ đâu nếu như không nhờ những con người ấy? Đất nước bình yên nhờ đâu, nếu như không có hàng vạn người con ấy đang gồng mình gìn giữ biên cương, hải đảo?

Một đất nước bình ổn như thế này, dù có những điều còn lộn xộn, phải có hàng vạn người không ngủ chứ! Anh không thấy đó là số đông, số tuyệt đối, chỉ thấy một số người nhố nhăng, nông nổi trên mà đã vội quy kết thanh niên Việt Nam thế này thế khác, là một khối tự phát dễ dàng có thể bùng nổ.

Ngay như Hội Nhà văn vừa công bố, có rất nhiều các bậc đã quá tuổi về hưu nhưng vẫn cố bám víu ở lại Hội. Các ông ấy là ai nhỉ? Các ông ấy là những nhà văn hóa đi truyền dạy văn hóa, lúc nào cũng kêu gọi lớp trẻ, kêu gọi vai trò của người trẻ là đảm đương những chức vụ, được học hành hơn… Thế nhưng thay thế chức vụ các vị, các vị không chịu, các vị vẫn cố bám trụ lấy nó. Cái gọi là thói hư tật xấu của người Việt hay thói hư tật xấu của quan chức. Anh phân biệt thế nào là thói hư của người Việt, hay là thói hư của quan chức?

PV: Tác giả cho rằng thói hư tật xấu đó là của người Việt nói chung, chứ không phải là của một bộ phận người cá biệt trong xã hội?

NT: Cái này thực ra, anh thêm chữ “người Việt” vào, nó gây ra phản cảm. Bởi vì, riêng những điều này không phải chỉ của người Việt. Thứ hai, điều quan trọng nhất, thói hư tật xấu bao giờ nó cũng có hoàn cảnh. Trong thời kỳ hiện nay, mặc dù một số những chuẩn mực xã hội có sự đảo lộn, nhưng tôi tin rằng, hoàn cảnh quyết định tính cách. Trong hoàn cảnh nào tất cả các mặt xấu không bộc lộ ra? Bây giờ, người ta vẫn ao ước “bao giờ cho đến ngày xưa”. Ngày xưa là gì, là thời kỳ kinh tế chưa phát triển, đất nước đang có chiến tranh. Nhưng những mặt xấu của con người không có cơ hội được bộc lộ, nó bị chìm đi, bị đánh bạt đi, dồn tất cả mặt tốt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tất cả hậu phương cho tiền tuyến, tiền tuyến sẵn sàng đem lồng ngực ra hứng những viên đạn bay về phía Tổ quốc…

PV: Nhưng tác giả cũng đã trải qua thời kỳ đó…

NT: Đúng. Chính vì điều đó cho nên tôi nghĩ anh Nhàn đã chóng quên những điều ấy. Trong tất cả những lời phê phán thói hư tật xấu của anh Nhàn, anh ấy chỉ mải mê chui vào những cuốn sách này, gỡ từ ông này ông khác ra… Anh ấy hoàn toàn quên, thời của chúng ta là thời dân tộc trưởng thành, mà dân tộc trưởng thành là nhờ chúng ta có ý thức phê phán những thói hư tật xấu, nào chủ nghĩa cá nhân, nào những người không biết quan tâm đến người khác…

Cho nên, anh đừng nghĩ mình thông minh hơn người khác mà lớn tiếng phê phán người khác. Mà cái giọng dạy dỗ của anh Nhàn, có thể khiến một vài người khoái cái giọng phê phán kiểu ấy. Nhưng đó là một sự không thực tiễn. Chúng ta đang cần một hoàn cảnh, và vấn đề là cải tạo hoàn cảnh để những thói hư tật xấu không được bộc lộ, chứ không phải đi truy từ một vài biểu hiện này hay biểu hiện khác rồi quy kết ra… Cho nên, đọc toàn bộ những bài viết của anh Vương Trí Nhàn, đó là cảm giác tuyệt vọng về dân tộc…

PV: Phải chăng nó có mục đích là góp phần xây dựng xã hội?

NT: Xây dựng ở chỗ nào? Xây dựng người ta làm gì? Ông Gorky nói rồi, con người ta thường có nói quá nhiều là con người xấu, mà không biết con người hoàn toàn có thể tốt lên nếu như muốn thế. Bây giờ, người ta có thể bài bác văn học hiện thực XHCN, nhưng đừng quên rằng, nền văn học ấy đã tạo ra một thế hệ, và thế hệ ấy làm được một việc rất quan trọng, là đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập ngày nay.

Trong này anh Nhàn nói rất nhiều con người là xấu. Không phải con người Việt Nam xấu, mà vì chúng ta đang thiếu một hành lang pháp luật, thiếu một cách đào tạo, một nền giáo dục… Nó nằm ở chỗ ấy, chứ không phải bản chất con người không thể cải tạo. Hãy nhớ lại, đạo quân Pak Chung Hy sang đánh nước ta nó ác ôn, dã man như thế nào, hình ảnh phát xít Nhật sang cướp nước ta như thế nào… Thế nhưng bây giờ chúng ta gặp lại họ, thấy họ như thế nào? Sự độc ác, dã man không phải bản chất của con người của họ. Chính hoàn cảnh cuộc chiến tranh cướp nước đã tạo nên cái thú tính của họ.

Tôi hơi buồn cười ở chỗ đó. Anh Nhàn là một người thông kim bác cổ. Anh giới thiệu tất cả những sách Trung Quốc, vì anh ấy là người của Nhà xuất bản, và đều hết lời khen ngợi nó, cuốn nào cũng vĩ đại, cuốn nào cũng ghê gớm cả. Tất cả những sách Tàu trong NXB ấy, tôi ngờ rằng cũng ít người đọc. Hãy xem dư luận chính thống coi những nhân vật ấy như thế nào? Chính người Trung Quốc cũng nói, đó là những thứ rơm rác, những thứ tầm thường, rất thị trường…

Anh Nhàn là người ham học hỏi, đọc rất nhiều, nhưng cái kiến thức và cái tư tưởng của anh Nhàn, tôi rất nghi ngờ. Đó là khoảng cách của một người chủ trương phê phán thị trường, nhưng chính mình lại chìm ngập trong thị trường. Những gì vào tay anh Nhàn đều hay hết. Sách vở nước ngoài vào tay anh Nhàn đều hay hết. Nhưng bất cứ cái gì liên quan đến người Việt đều xấu hết. Đó là những cái có thể cảm nhận trong bài viết của anh Nhàn.

Mặc dầu tôi với anh Nhàn quen thân nhau, cùng công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội hàng chục năm trời. Nhưng riêng cái uyên bác này của anh Nhàn, càng ngày càng thấy buồn cười. Cho nên lý ra mình phải kính trọng hơn lên một tý, nhưng… Anh Nhàn đang dẫn đường cho mọi người, nhưng chính anh cũng không biết mình đang đi về đâu…

PV: Nhưng dường như nó cũng có một hiệu quả gì đó chứ?

NT: Tôi nghi ngờ hiệu quả của nó. Nếu như đọc cho vui, đọc chơi thì được. Còn nếu coi đây là một phương pháp giáo dục cho tuổi trẻ (vì thực ra, suy cho cùng, giáo dục cũng là giáo dục thanh niên thôi, chứ đừng có dạy các cụ 70, 80 tuổi), thanh niên họ coi những điều này buồn cười lắm. Nhưng những người trung tuổi đọc cái đấy thì là vô vị. Còn lớp trẻ đọc ông Nhàn mà muốn họ thấy ở đây là những bài học sâu sắc, tôi ngờ lắm…

Bởi bao giờ một anh nhà văn, một trí thức độc lập thì đều có quyền phát ngôn… Tuy nhiên, người biết anh Nhàn thì khác, người không biết anh Nhàn cũng lại khác. Cho nên, nếu chỉ đọc không thôi thì cũng có thể. Người biết anh Nhàn thì thấy đó là một điều hài hước…

PV: Hài hước ư?

NT: Hài hước nghĩa là giữa con người anh ấy và những điều anh ấy nói.

PV: Tức là giữa ông Vương Trí Nhàn và những điều ông ấy nói có một khoảng trống hài hước?

NT: Vấn đề không phải là tư cách. Nhưng phải biết họ là ai chứ. Muốn đi làm thầy thiên hạ cũng phải biết mình là ai. Nói ngay như trong cái Hội Nhà văn bé tý, có rất nhiều người dù đã quá tuổi về hưu, lẽ ra phải về để nhường chỗ cho lớp trẻ, thế nhưng vẫn cứ tha thiết xin ở lại, bấu víu lấy nó… Chính anh không gương mẫu, thì đi dạy người khác sao được. Nhiều nhà văn Việt Nam mất uy tín ở chỗ đó !

PV: Ông nói sao?

NT: Ờ thì đương nhiên. Ông Nhàn vẫn tha thiết xin ở lại NXB. Vì nếu không ở lại, không ai cho ông ấy giới thiệu sách cả … Nhưng, đem một dân tộc ra mà nói thì dứt khoát không được. Dứt khoát không được. Nhiều thế hệ đã phải trả giá rất đắt để có một đất nước như ngày hôm nay, nên không thể cho phép bất cứ ai đem dân tộc ra sỉ nhục, tự xếp dân tộc là công dân loại hai, loại ba… Nếu như để anh viết những bài báo lằng xằng kiếm tiền thì được. Nhưng đây là công trình khoa học …

PV: Là một trí thức thời đại mới, có bao giờ ông có ý nghĩ, một dịp nào đấy, sẽ phê phán thói hư tật xấu của người Việt hay không?

NT: Tôi không bao giờ nghĩ mình cần phải đi tìm thói hư tật xấu của người Việt. Cái cần làm, đó là tìm một hoàn cảnh để những thói hư, tật xấu không có cơ hội bộc lộ ra, chứ không phải mò mò tìm người này có thói này, người kia có thói kia… Việc tôi quan tâm là hoàn thiện cơ chế, xã hội thay vì truy tìm nguồn gốc của họ, lý lịch của họ như thế nào, con nhà nông hay con nhà bần hàn… Việc rơi vào cái xấu, không tha anh nhà giàu, không tha anh nhà nghèo. Nó cũng không tha anh nông thôn hay anh thành phố…

PV: Một số người cho rằng "sự thật" mà tác giả này nói khiến chúng ta "mất lòng"

NT: Tôi cũng đang nói thật về anh Vương Trí Nhàn, mà đó là người thân của tôi. Nhưng, mất lòng là mất lòng cái gì? Vấn đề là cái lợi ích của việc mất lòng đó đem lại. Tôi ngờ rằng, tất cả những cái này sau này anh Nhàn in thành một cuốn sách, vẫn với cái giọng điệu đó, sẽ có nhiều người phản ứng, mà chắc chắn, lợi ích cho xã hội không chắc đã có! Khái niệm “thói hư tật xấu của người Việt” là một khái niệm hồ đồ. Càng nói nghiêm túc càng hồ đồ…

Không có nhận xét nào:

SỐ TRUY CẬP