Tự nhận thức cái xấu ở mình là cách tốt nhất để trở nên tốt hơn

Trong thời gian tới, nhà văn Vương Trí Nhàn sẽ cho ra đời một quyển sách tạm đặt tên là tên “Thói hư tật xấu của người Việt”, trong đó sưu tầm những lời cảnh tỉnh của các nhà trí thức đầu thế kỷ XX đối với một số khía cạnh tiêu cực trong nếp sống cộng đồng đã kéo dài trong lịch sử .Cuốn sách đã được hình thành ra sao ? Đây là cuộc đối thoại trực tiếp của phóng viên Thời đại với tác giả

1. Xin ông cho biết, tại sao ông lại có ý định cho ra đời một tập sách người mình “tự kể xấu” mình như vậy ?
Với tư cách một người viết văn , một trí thức , tôi thấy đời sống hiện nay đầy rẫy những bất cập. Sự băng hoại đạo đức, “chất người” kém đi ...Ví dụ nhỏ tôi mới đọc được trên báo : một bảo tàng ở thành phố HCM buổi trưa không mở cửa, bác xích lô biết mà vẫn chở khách du lịch nước ngoài đến, cốt là lấy tiền. Có thể nói cách sống ấy ở ta quá phổ biến . Sống càn rỡ , sống dối trá . Lười biếng , ẩu xị . Rồi người nọ hành người kia: Ông y tế kiếm tiền trên giá thuốc của bệnh nhân, bệnh nhân làm giáo viên thì hành phụ huynh, phụ huynh làm xây dựng lại lo “rút ruột ‘ công trình … Cứ như thế , cả loạt dây chuyền tiêu cực liên tiếp vận hành. Biết bao nhiêu thói hư tật xấu đang cản trở xã hội phát triển.
Muốn cắt nghĩa cái hỏng, cái yếu cái kém trong từng trường hợp cụ thể thì phải nhìn sâu vào cả cái chung của cộng đồng xã hội , trong sự liên tục của thời gian . Một hướng làm việc là đi vào tìm hiểu các vấn đề này trong các tài liệu lịch sử . Còn đang ít người làm theo hướng này , nên tôi chọn để làm .
Tôi cho rằng nói về thói hư tật xấu của dân mình là một trong những phần sâu sắc nhất trong di sản của các bậc tiền nhân , nhất là thế hệ các trí thức đầu thế kỷ XX , mà tiếc thay người ngày nay lại ít biết .
Tôi có cảm giác là gần đây ta chỉ lo thúc giục nhau hành động hơn là cùng nhau suy nghĩ. Muốn bay lên , một việc quan trọng hơn là tự nhận thức xem mình có cái gì hay, cái gì dở , nhược điểm ra sao, có bay nổi không , khi bay thường vướng chuyện gì – với tôi đây là công việc của lương tâm và trách nhiệm .
Sách của ta trích dẫn người nước ngoài nói về VN phần lớn chỉ trích lời khen, nếu gặp lời chê thì lập tức đặt vấn đề tại sao lại chê như thế, có phải muốn hạ bệ người VN … Trong những lúc ấy , thật ta chẳng khác trẻ con chỉ thích xoa đầu khen, đúng như Tản Đà đã khái quát “Dân hai mươi triệu ai người lớn, nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

2. Như thế có phải là ông "vạch áo cho người xem lưng" không?
Bước sang thời hiện đại , các dân tộc trên thế giới đều có xu thế đem chính mình ra để khảo tả , đặt vấn đề , tự phê phán . Loại sách "Người Nga kỳ cục ", "Người Trung Quốc xấu xí", "Mặt dày tim đen"...nước nào cũng có . Bởi họ đều nghĩ che giấu nhiều quá, không dám tự “vạch áo” thì không bao giờ sửa được những tính xấu vốn có. Ta cũng vậy . Chính nhu cầu phát triển đất nước đòi hỏi cái hành động tự nhận thức khá đau xót nhưng rất cần thiết này .
Gần đây, quyển hồi ký của Lê Vân, làm nhiều người bị sốc . Họ bảo tại sao lại để con cái nói xấu bố mẹ , như vậy là hư hỏng. Tôi không cho là vậy. Dù rất yêu quý bố mẹ nhưng mỗi người cũng phải biết rõ nhược điểm của bố mẹ. Đó không phải là nói xấu mà là đang nhận thức. Tôi có kinh nghiệm khi nhận ra thói xấu của bố mẹ mình cũng là lúc mình thương các cụ hơn . Với cả cộng đồng cũng vậy. “Vạch áo cho người xem lưng” là để thấy rõ tật bệnh rồi sống khỏe mạnh hơn , có gì là ngại ?

3. Nghiên cứu tài liệu nói về thói xấu của người Việt thời xưa, ông thấy thói xấu của người thời xưa và người thời nay có khác nhau không?
Có người hỏi nhà văn Tô Hoài: “Người bây giờ hay người ngày xưa xấu hơn?” Ông trả lời: “Cũng thế thôi, nhưng người bây giờ giỏi che giấu hơn, hay lí sự hơn.” Tôi cũng cảm thấy vậy . Ví như tầm nhìn hạn hẹp . Trước kia bệnh này nẩy sinh là do con người nông thôn không ra khỏi làng xã . Bây giờ chúng ta vẫn giữ . Hiểu biết thế giới quá ít , do quen sống co mình lại , nên ta thường gặp khó khăn trong việc hội nhập. Hoặc các cụ xưa đã kêu là dân mình cờ bạc bất tử, ăn tiêu phung phí, bây giờ thay đổi gì đâu . Lại thêm những thói xấu do học đòi những cái xấu của thiên hạ nữa chứ .


4. Khi phân tích thói hư thói xấu ông có đề cập đến cách thức sửa chữa không? Ai sẽ tham gia vào việc khó khăn này ?
Các thói xấu chỉ giảm đi với điều kiện chúng ta nhận thức được nó, giống như người ốm chỉ lành bệnh nếu có người gọi ra bệnh của mình.
Việc tôi làm chỉ là nhen một đốm lửa nhỏ . Cần có sự đồng thuận của nhiều người . Và trước tiên cần có sự đóng góp của các nhà trí thức . Đến lúc nào đó , mảng tài liệu này sẽ trở thành một bộ phận của bộ môn VN học , những lời cảnh tỉnh của người xưa đến được với mỗi gia đình và được đưa vào nhà trường dạy, chỉ có thế thì việc sửa chữa thói hư tật xấu trong phạm vi cộng đồng mới có hiệu quả

5. Trong tương lai, khi thời đại thay đổi, có thể sẽ nảy sinh ra những thói xấu khác. Có thể hiểu thói xấu không bao giờ hết được, vậy việc ông làm có phải là “dã tràng xe cát" không?
Không. Cái chính là chúng ta bắt tay làm đi, rồi vừa làm vừa nghĩ tiếp , lớp trẻ hơn làm tiếp việc của đám lớn tuổi .Việc đời cứ móc xích vào nhau, việc nọ liên quan tới việc kia nên chẳng ngại là không bao giờ hoàn chỉnh. Tin rằng còn nhiều con đường khác sẽ được mở ra để đi đến cái đích cuối cùng là tự nhận thức.

7. Nghĩa là ông không hề thấy "cô đơn" khi làm việc?
Không! Tôi rất thích câu của nhà văn Sêkhốp: “Một con người sẽ tốt hơn nếu chúng ta bảo cho anh ta biết anh ta là người thế nào”. Nhu cầu tự nhận thức là nhu cầu chung của con người hiện đại . Quan trọng là mình phải tìm ra cách làm thích hợp.
Thực tế thì cũng không phải mình tôi nghĩ về việc này mà đã có rất nhiều người nghĩ đến, thậm chí đã làm. Chẳng hạn, GS Cao Xuân Hạo, cố GS Trần Quốc Vượng ... đã từng bàn . Trong lịch sử cũng vậy, văn học dân gian cũng đã tổng kết kiểu “bạc như dân, bất nhân như lính” hay “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, “đói ăn vụng, túng làm càn”. Đến thế kỷ 20, với việc tiếp nhận văn hóa phương Tây một số trí thức cũng đã có những cái nhìn mới về vấn đề này. Như cụ Phan Bội Châu có nhiều bài đánh giá tình hình chung của đất nước rất thắng thắn, cụ Phan Châu Trinh rất hiểu tâm lý dân tộc, cụ bảo là cứ mất đoàn kết thế này, cứ hư hỏng thế này thì có độc lập cũng chẳng làm được gì. Chưa kể đến các nhà học giả như Phan Kế Bính , Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Huyên .. là những người có cái nhìn dân tộc rất chính xác; hoặc khi mô tả hiện thực thời hiện đại , ngòi bút của những Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan , Nam Cao không né tránh , họ đã ghi nhận được nhiều cái xấu của người mình .... Như thế thì làm sao lại bảo tôi cô đơn .


Thu Hiền (thực hiện)

2 nhận xét:

Thợ cạo nói...

Thói hư tật xấu không phải là mới, nhưng cái tai hại là nhiều người ngộ nhận nó là cái khôn của người Việt mới chết! - Muốn ra biển lớn Chúng ta cần nhận thức, hội tụ lại để vượt qua chính mình.
Nói về cái xấu không có nghĩa là phủ định cái tốt. Tôi tin là ngày càng có người đồng thuận với VTN. Và mong VTN hãy xa rời bếp núc văn chương(cải nhau chán!) để đến gần quần chúng lớp trẻ, đối tượng bình dân. Đây là blog, cần người giúp, quảng bá mạnh mẽ. Nhà văn nhà thơ là người khơi nguồn dẫn dắt, còn quần chúng mới tạo nên sức mạnh chuyển biến tư duy.

Thợ cạo nói...

Tôi có đọc bài phỏng vấn VTN trên Netlife thấy hay nên phổ biến lại trên blog của mình, dưới tựa "Nước 4000 ngàn năm vẫn trẻ". Cảm ơn những suy nghĩ gợi mở của Bác!

SỐ TRUY CẬP